Bài mẫu 1:
Đàn ghi ta của Lor-ca là tiếng lòng đầy ngưỡng mộ cũng như cảm thương cho số phận bất hạnh của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca. Bên cạnh việc tái hiện thành công hình tượng Lor-ca, Thanh Thảo còn thể hiện xuất sắc hình tượng tiếng đàn. Một biểu tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa và giàu giá trị nghệ thuật.
Tiếng đàn là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm, nhưng tiếng đàn đã được Thanh Thảo tái hiện hết sức đặc biệt:
Những tiếng đàn bọt nước
Tiếng đàn vốn thuộc về trường thính giác, nhưng dưới cái nhìn của Thanh Thảo nó đã được hữu hình hóa tựa như những bọt nước. Bọt nước gợi ra hình ảnh của những âm thanh tròn trịa, trong trẻo, thanh khiết nhưng đồng thời nó cũng gắn liền với sự mong manh, dễ vỡ, cũng như chính cuộc đời ngắn ngủi của Lor-ca vậy. Tiếng đàn còn vô cùng phóng khoáng tự do: “Tây Ban Nha/ hát nghêu ngao”, tiếng hát vô tư, chìm đắm trong nghệ thuật của Lor-ca đã khiến cho chàng phải chịu một cái chết vô cùng đột ngột, bất ngờ.
Đoạn thơ tiếp theo là đoạn thơ hay nhất, đặc sắc nhất miêu tả tiếng đàn với nhiều cung bậc cảm xúc, sắc thái khác nhau.
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Trong đoạn thơ này ảnh hưởng từ thơ tượng trưng, Thanh Thảo đã sáng tạo một loạt hình ảnh dựa trên cơ chế tương giao chuyển đổi cảm giác. Hình ảnh đầu tiên chính là tiếng ghi ta nâu, âm thanh của tiếng đàn đã được ghi lại bằng mày sắc. Bản thân màu sắc gợi ra nhiều lới nghĩa khác nhau, có thể là màu khởi nguyên của sự sống – đất; có thể là màu của cây đàn ghi ta; nhưng cũng có thể là màu mắt của cô gái di-gan sống trên thảo nguyên.
Hình ảnh tiếng ghi ta xanh lại tiếp tục là một hình ảnh thơ đa nghĩa nữa. Có thể hiểu tiếng đàn ghi ta như là xanh biết mấy, sự chuyển đổi giữa âm thanh tiếng đàn đến sức xanh của lá, gợi nên sức sống, sự tươi non, góp phần khẳng định sức sống bền bỉ của tiếng đàn. Cũng có thể hiểu tiếng đàn ghi ta làm lá xanh biết mấy, ở đây sức sống và giá trị của tiếng đàn còn to lớn và mãnh liệt hơn nữa. Nó không chỉ là giá trị tự thân của tiếng đàn mà còn có sức lao tỏa, tác động làm các sự vật, hiện tượng bừng lên sức sống, lá cây xanh hơn, cuộc đời đẹp đẽ hơn.
Tiếp tục phát huy tài năng của mình, Thanh Thảo sáng tạo ra âm thanh thứ ba, đó là tiếng đàn tròn. Hình ảnh tiếng đàn tròn đã xuất hiện ở đầy tác phẩm đến đây lại được lặp lại một lần nữa. Tiếng đàn bọt nước biểu tượng cho sự tròn trịa, long lanh, nếu ở đầu bài thơ mới chỉ là dự cảm về sự mong manh, dễ vỡ thì đến đây đã trở thành hiện thực. Động từ “vỡ tan” đã một lần nữa khẳng định sự mong manh ấy, nó diễn ra vô cùng nhanh chóng và bất ngờ.
Cuối cùng là hình ảnh “tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy” vô cùng ám ảnh người đọc. Đến đây tiếng đàn thực sự đã trở thành sinh thể sống, không chỉ tồn tại với giá trị tinh thần vô hình mà dường như nó còn có cả thể xác – hữu hình. Bởi vậy, khi bị hủy diệt, bị chà đạp nó vỡ tan thành muôn ngàn dòng máu. Một số phận đầy đau thương, bi thảm trước sự tàn sát đẫm máu của chủ nghĩa phát xít. Cảm nhận nỗi đau thuộc về thể xác của tiếng đàn vốn được coi là thuộc về tinh thần, cho thấy sự đồng điệu, tri âm của Thanh Thảo với tiếng đàn hay chính với người nghệ sĩ Lor-ca.
Đoạn thơ đã sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác để cảm nhận tiếng đàn qua những hình khối, màu sắc khác nhau. Ở đây có thể hiểu khi người nghệ sĩ Lor-ca bị sát hại thì nghệ thuật của chàng không còn nguyên vẹn, nó vỡ ra, tan ra thành các mảng, mảnh màu sắc và hình khối.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Khi so sánh tiếng đàn của Lor-ca với cỏ, Thanh Thảo đã khẳng định sức sống bất tử, mãnh liệt của tiếng đàn. Tuy nhiên hai câu thơ đầu nghiêng về sắc thái nuối tiếc, xót xa, câu thơ buông ra như một tiếng thở dài. Thanh Thảo xót xa không chỉ bởi cái chết của Lor-ca mà còn bởi di nguyện ông để lại sau khi chết, đó là phải chôn thứ nghệ thuật trác tuyệt mà ông sáng tạo để thế hệ sau có thể tiếp tục cách tân nghệ thuật. Nhưng không một ai dám làm điều đó, bởi họ không đủ bản lĩnh, tài năng để vượt qua. Hình ảnh thơ tiếp, lại là một sự kết hợp hết sức lạ giữa hai hình ảnh giọt nước mắt và vầng trăng. Tác giả tối giản hoàn toàn quan hệ từ, cũng chính vì vậy mà đem đến cho câu thơ nhiều cách hiểu. Nếu là quan hệ từ “của” câu thơ sẽ là niềm xót xa đau đớn của vầng trăng trước cái đẹp. Nếu là quan hệ từ “như”, giọt nước mắt ở đây không còn là giọt nước mắt thông thường mà trở nên vĩ đại, đẹp đẽ, trong sáng. Dù hiểu theo cách nào, giọt nước mắt nào nó cũng đều thể hiện sự tiếc nuối, xót thương cho cái đẹp, cái tài.
Bài thơ khép lại bằng âm thanh “li-la li-la li-la….”, âm thanh đó chứng tỏ sự bất tử của Lor-ca trong cuộc đời cũng như trong lòng mọi người, đúng theo quy luật “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Đồng thời tạo ra dư ba cho tác phẩm, khi lượng ngôn từ ít ỏi của bài thơ đã kết thúc.
Hình tượng tiếng đàn trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca là một sáng tạo độc đáo, xuất sắc của Thanh Thảo mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Kết hợp với hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca đã góp phần truyền tải đầy đủ thông điệp của tác phẩm. Những cảm nhận sâu sắc về tiếng đàn cho thấy sự tri âm sâu sắc với tài năng, phẩm chất của Lor-ca. Cùng với đó là sự vận dụng sáng tạo những hình ảnh, ngôn ngữ thơ hiện đại, các yếu tố tượng trưng siêu thực tài tình đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Bài mẫu 2:
Tây Ban Nha vốn nổi danh là một đất nước xinh đẹp, với những thảo nguyên xanh tươi, những hàng dương xanh thẳm, có những nàng vũ nữ Digan xoay tròn trong điệu nhảy Flamenco đầy đắm say, hoang dại, cũng vừa mạnh mẽ trong sáng. Nơi đây đã sản sinh ra những con người mà họ luôn hướng về tự do, luôn luôn hướng về những điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời và một trong những đại biểu xuất sắc nhất đó chính là người nghệ sĩ Federico García Lorca. Thanh Thảo đã sáng tác Đàn ghi ta của Lor-ca để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy, người luôn trăn trở với di nguyện lãng mạn và kỳ lạ: "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn".
Thanh Thảo sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công, quê ông ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông là nhà thơ luôn có những suy tư trăn trở về những vấn đề thời đại và xã hội, ông luôn nỗ lực cách tân thơ Việt, đào sâu vào cái tôi nội cảm, xóa bỏ những khuôn mẫu, sáng tạo những hình ảnh thi từ mới mẻ đem đến cho thơ ca hiện đại những mỹ cảm thi ca đặc sắc bằng hình thức thơ siêu thực, tượng trưng. Những tác phẩm tiêu biểu: Dấu chân qua trảng cỏ, Những ngọn sóng ngập trời, Khối vuông ru bích. Đàn ghi ta của Lor-ca được trích trong tập Khối vuông ru bích, với hình tượng tiếng đàn đi xuyên suốt cả tác phẩm, góp phần quan trọng tạo nên ý nghĩa của bài thơ.
Trong cả tác phẩm ta đã nhiều lần thấy tiếng đàn ghi ta vang lên một cách bất chợt với nhiều cảm xúc, tiếng đàn ấy lúc thì vui tươi, tự do, lúc lại đau thương đến cùng cực, có thể thấy tiếng đàn mang một giá trị biểu tượng rất to lớn, mà giá trị ấy vốn đã bắt nguồn từ nhan đề và lời đề từ của bài thơ. Nhan đề bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca thể hiện sự gắn bó sâu sắc của Lor-ca với cây đàn, mà đàn ghi ta lại vốn là biểu tượng văn hóa của Tây Ban Nha, đồng thời cũng là biểu tượng cho tư tưởng nghệ thuật của Lor-ca, qua đó có thể thấy được phần nào sự gắn bó của Lor-ca đối với quê hương đất nước, cùng nền văn hóa của tổ quốc mà ông chiến đấu hết mình để bảo vệ, yêu thương. Lời đề từ "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" đây là tâm nguyện của Lor-ca, thể hiện sự gắn bó của người nghệ sĩ với cây đàn ghi ta, niềm mong mỏi thế hệ sau có thể vượt lên nghệ thuật của mình, hãy quên đi tiếng đàn thơ ca của ông, để sáng tạo và đổi mới, như vậy hành trình cách tân nghệ thuật của đất nước mới có thể thành công, đây là khát vọng của một người nghệ sĩ có tâm hồn cao đẹp. Thanh Thảo đưa tâm nguyện ấy vào làm lời đề từ với tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc của ông đến người nghệ sĩ yêu đàn.
Mở đầu bài thơ là câu "những tiếng đàn bọt nước/li-la li-la li-la", thể hiện cho sự mong manh, dễ vỡ, cũng có thể hiểu là tiếng guitar trong trẻo nhưng rời rạc, ngắt quãng tựa như những bọt nước sục sôi rồi vỡ tan trong dòng chảy. Đây là biểu trưng cho cuộc đời và số phận bi thảm, tài hoa bạc mệnh của người nghệ sĩ Lor-ca, với những khát vọng cao đẹp cách tân cho nghệ thuật cùng sự công bằng cho dân tộc. Những âm thanh vang vọng, lẻ loi "li-la li-la li-la" vừa biểu trưng cho tiếng đàn của người nghệ sĩ, vừa đem vào đó hình ảnh của loài hoa truyền thống Tây Ban Nha đó là loài hoa li-la. Qua hình ảnh tiếng đàn hình ảnh người nghệ sĩ hiện lên với khát vọng vô cùng cao đẹp, nhưng rất đơn độc "trên yên ngựa mỏi mòn", đây cũng chính là bi kịch của người nghệ sĩ.
"Tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy"
Lúc Lor-ca còn sống, còn làm nghệ thuật, còn đấu tranh, tiếng ghi ta của ông mang hình bóng của một người anh hùng lãng tử nhưng cô đơn và có khi mệt mỏi bởi không một ai có thể hiểu và đồng cảm với tâm hồn của ông. Khi ông mất đi, trong sự man rợ của kẻ thù, trong máu đỏ tươi và một tâm hồn của người mộng du, tiếng đàn lại một lần nữa vang lên, thể hiện cái bi kịch thê thảm mà người nghệ sĩ phải hứng chịu. Và ở đoạn thơ trên, Thanh Thảo đã bộc lộ sự tinh tế của mình khi đưa vào thơ tiếng ghi ta, biểu trưng cho nghệ thuật của Lor-ca được đúc kết trong tiếng đàn, vật đã đi theo và gắn bó sâu sắc với nhà thơ trong cả tâm nguyện khi ra đi về cõi vĩnh hằng. "tiếng ghi ta nâu" dòng thơ đã thể hiện ý nghĩa trong nghệ thuật của Lor-ca, ẩn chứa biết bao suy tư về nghệ thuật về cuộc đời con người, màu nâu là màu của cây đàn, là màu của đất quê hương, cũng là màu của sự suy tư, trầm lắng. Rồi thì Lor-ca đã mơ tưởng về một "bầu trời cô gái ấy/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy", điều đó thể hiện khao khát của người nghệ sĩ về một vùng trời bình yên mà ở đó cuộc sống luôn tiếp diễn với một màu xanh tươi đẹp, cuộc sống luôn có tiếng ghi ta tự do đầy nghệ thuật. Ngoài ra tiếng ghi ta còn mang thân phận mong manh, ngắn ngủi của người nghệ sĩ "Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan" với kết thúc là "Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy", đó là sự tàn khốc của thời đại, khi mà đế chế độc tài đã không lắng nghe tiếng đàn đầy nghệ thuật, tiếng đàn đầy sự đấu tranh, đòi công bằng, mong mỏi cách tân của người nghệ sĩ. Chúng chăm chăm coi đó là sự phản nghịch, tư tưởng độc hại cần phải tiêu diệt bởi nỗi e sợ khi tiếng đàn ghi ta của Lor-ca sẽ nhanh chóng lan rộng và thức tỉnh nhân dân. Đoạn thơ đã thể hiện tình cảm thương xót và nỗi đau vô bờ bến của Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của Lor-ca