Cổ nhân nói: “Sửa mình là dấu hiệu của trí, yêu thương giúp đỡ người là đầu mối của nhân, nên quyết định cho cái gì và lấy cái gì là biểu hiện của nghĩa, gặp cảnh sỉ nhục là điều quyết định của dũng, lập danh là biểu hiện cao nhất của đức hạnh. Kẻ sĩ sống trên đời phải có đủ năm điều ấy mới có thể đứng vào hàng quân tử”.
Theo tôi, năm điều trên đây cũng là mục đích, lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay.
Riêng tôi – thế hệ chúng tôi – thế hệ lớn lên sau hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, càng ý thức một cách sâu sắc rằng: Phải sống sao cho xứng đáng với các anh hùng, liệt sĩ. Những người đã hi sinh tất cả để chúng ta ngày hôm nay có một sự khởi đầu. Mà nếu không có sự khởi đầu đầy vinh quang và nghiệt ngã này, chúng ta đã không thể được sống trong một quốc gia độc lập, có tên tuổi, có niềm tự hào và dám có những mơ ước lớn lao về tương lai.
Khi ý thức như vậy, tôi – một kiến trúc sư sống ở đô thị Hà Nội – cuối thế kỷ XX, trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của bộ mặt kiến trúc Thủ đô, của nhân cách và phẩm giá con người, buộc phải suy nghĩ, trăn trở. Và như lời người xưa đã nói: “Gặp cảnh sỉ nhục là điều quyết định của dũng”, tôi sẽ phải hành động.
Hiện nay, các tập đoàn và công ty đầu tư nước ngoài khi đầu tư xây dựng vào Việt Nam thường thuê các kiến trúc sư ngoại thiết kế, vì hầu hết công trình đều mang tính kinh tế – công nghiệp trên nền tảng kỹ thuật cao, trong khi kiến trúc sư Việt phần lớn năng lực thiết kế “chưa quá 7 tầng”. Chúng ta có tiềm năng về kiến trúc các quần thể thấp tầng mang tính cộng đồng, song những kiến trúc cao tầng, những kiến trúc đáp ứng sự nghiệp hiện đại hóa – công nghiệp hóa thì hầu hết chúng ta chưa được chuẩn bị đầy đủ và chưa có thực tế. Đấy là khó khăn nhưng đồng thời cũng là sứ mệnh – vai trò lịch sử của thế hệ kiến trúc sư trẻ chúng tôi.
Một thành phố – đô thị có phát triển được hay không? Những cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, những trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch, nhà ở, khu công nghiệp, có đáp ứng được hay không những chương trình đầu tư phát triển kinh tế- văn hóa chính là phụ thuộc một phần rất lớn vào khả năng của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, chúng ta chưa tạo dựng được những điều kiện cần thiết về giáo dục đào tạo, về cơ sở vật chất kỹ thuật, những cơ chế cũng như những thiết chế để góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp của các kiến trúc sư và sinh viên kiến trúc.
Nhà nước đang rất khó khăn về cải cách giáo dục cũng như khả năng đầu tư kinh phí cho những mục đích trên. Thực trạng đó bắt buộc mỗi tổ chức quan tâm tới sự phát triển nghề nghiệp của thế hệ trẻ phải nghĩ ra những hình thức, những phương thức tổ chức thích hợp, hỗ trợ cho nhà nước nâng cao đồng thời giải phóng năng lực lao động sáng tạo của tuổi trẻ – một lực lượng lao động xã hội quan trọng của đất nước.
Tôi cho rằng nếu chúng ta không tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy tốt nhất năng lực của họ thì thật khó đòi hỏi họ cống hiến và chịu trách nhiệm về sự phát triển của đất nước trong tương lai. Chủ trương thành lập các hội ngành nghề trong tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lúc này rõ ràng là sáng kiến quan trọng, có thể góp phần từng bước giải quyết những khó khăn, bế tắc hiện nay.
Về phía bản thân, với ý thức thà đốt lên ngọn lửa nhỏ còn hơn đứng nguyền rủa bóng tối, tôi nguyện sẵn sàng tham gia với tất cả lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm tuổi trẻ vào sự nghiệp chấn hưng và phát triển quốc gia, xứng đáng với các bậc Tiên liệt cũng như sự tin cậy của Tổ quốc và Nhân dân.