Nói đến Xecgây Êxênin là nói đến một tâm hồn Nga trong sáng, đằm thắm và đầy mẫn cảm. Thơ của ông là tiếng lòng của một người con đối với người mẹ Tổ quốc thân yêu của mình. Dù là một người chưa hề đặt chân tới nước Nga, chưa sống tại đồng quê nước Nga, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được thiên nhiên Nga qua những câu thơ trong trẻo, tươi tắn và thanh thoát của X. Êxênin. Chúng ta coi ông là ca sĩ của đồng quê nhưng chúng ta cũng không quên ỏng là một người con rất yêu kính mẹ mình.
X.Êxênhin có những bài thơ thật hay, thật đằm thắm viết về người mẹ. Một trong những bài thơ ấy là "Thư gửi mẹ" - là thư viết dưới dạng một bài thơ. Khi biết mẹ mang nặng trong lòng nỗi lo iu về mình, đứa con xa đã viết thư về cho mẹ. Lời lẽ bài thơ thật bình dị, mộc mạc. Nhưng trong những câu chữ ấy là tấm lòng của người con đối với người mẹ
Me có còn đó chăng, thưa mẹ?
Con vẫn còn đây. Xin chào mẹ của con!
Lẽ thông thường, mở đầu một lá thư ta thường có những lời thăm hỏi sức khoẻ. Nhưng Êxênin đã không làm như vậy. Cũng là một lời hỏi thăm sức khỏe của mẹ, là một lời tự kể về tình hình của mình, nhưng Êxênin đã đặt ra vấn đề sống - chết của cả hai mẹ con: Mẹ có còn đó không - con vẫn còn đây... Cách mở đầu lá thư thật khác thường. Nó đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc và những mối hoài nghi khác nhau. Tình cảm người con dành cho mẹ thật thiết tha, trìu mến. Nhưng trong những lời nói ấy, ta thấy được dự cảm và hoài nghi tất sẽ có trong trái tim người mẹ của đứa con xa: Con trai của ta viết gì lạ thế, hay có chuyện gì đã xảy ra rồi. Như vậy, ngay từ đầu, cảm xúc của bài thơ đã được đẩy lên cao.
Sau những băn khoăn về sự sống của mẹ, người con trai khao khát
Ánh sáng diệu kỳ những tia nắng hoàng hôn
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ.
Tai sao không phải là ánh sáng tươi tắn buổi ban mai mà lại là ánh sáng của những tia nắng khi hoàng hôn buông xuống? Khi hoàng hôn xuống, ấy là lúc một ngày sắp qua, hoàng hôn xuống và ngày dần qua hết. Ánh sáng ấy tỏa ấm trên mái nhà của mẹ, an ủi mẹ mỗi chiều thương nhớ con. Phải chăng, sau những lời lẽ này còn là mong muốn khác của người con trai, mong mẹ đừng lụi tắt đi trong lòng niềm tin về sự sống của mình?
Hai khổ thơ tiếp theo, nhà thơ đã giãi bày lý do viết thư của mình và thể hiện sự thấu hiểu trước nỗi lo âu của mẹ.
Ở khổ thứ hai, nhà thơ đã làm hiện lên một hình tượng đẹp đẽ về tình mẹ muôn đời. Ta có thể hình dung được trong cảnh chiều hôm, một người mẹ già nua đang đứng ở đầu làng ngóng về nơi đứa con xa. Gương mặt bà, dáng điệu và biểu lộ nỗi đau khổ, lo âu mang nặng trong lòng. Và trên vai người mẹ ấy là chiếc áo khoác xưa cũ nát. Đằng sau bà là một mảnh vườn nhỏ, một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Tất cả lặng im giữa hoàng hôn. Những tia nắng cuối ngày còn kịp in trên mai tóc bạc:
Phiền muộn lo âu quá đỗi về con
Rằng mẹ thường lừng thững ra đứng đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.
Chỉ cần riêng câu thơ "Phiền muộn lo âu quá đỗi về con" đã nói lên đầy đủ tấm lòng thương con của mẹ và sự đồng cảm của con đối với nỗi lòng mẹ.
Trong bóng tối của chiều hôm xanh ngắt
Mẹ mãi hình dung ra một cảnh hãi hùng
Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con
Giữa quán rượu ồn ào loạn đả.
Trước nỗi lo âu của mẹ, chàng trai trấn an người
Mẹ thân yêu! xin mẹ cứ yên lòng
Đó chỉ là cơn nặng nề mộng mị
và chàng đã gạt bỏ những tin đồn thất thiệt:
Con có đâu nát rượu sa đà
Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ.
Trong tấm lòng người con trai, mẹ mãi mãi là niềm tin, nguồn động viên cho mình vững bước giữa cuộc đời đã nhiều nỗi chán chường từng trải. Cuộc sống của anh đã nhiều mất mát, nhọc nhằn nhưng trong tâm trí, hình ảnh mẹ bao giờ cũng thiêng liêng nhất. Vì anh khao khát được trở về ngôi nhà xưa nhỏ bé của mẹ.
Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng
Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước
Sớm thoát khỏi nỗi chán chường buồn bực
Để trở về với mái nhà xưa.
"Con sẽ về khi vào độ xuân sang" - Chàng trai hứa. Khi mùa xuân đến, đất trời sẽ thay tấm áo u ám của mùa đông mà khoác lên mình tấm áo choàng xinh đẹp của mùa xuân. Khi ấy, những lộc biếc trong "mảnh vườn trắng của ta" hẳn cũng đang đâm lên như những niềm hy vọng đang nảy nở trong lòng con - ấy là mơ ước, là khao khát được trở về với mẹ:
Con sẽ về khi vào độ xuân sang
Mảnh vườn trắng của ta đâm chồi nảy lộc
Thế nhưng, nếu tám năm về trước chàng trai dặn mẹ:
Sáng mai mẹ đánh thức con dậy sớm
Người mẹ hiền nhẫn nại của con ơi
thì bây giờ chàng lại xin mẹ đừng đánh thức mình:
Chi có điều mẹ nhé, mỗi ban mai
Đừng đánh thức con như tám năm về trước.
Bởi, nếu mẹ đánh thức anh dậy sớm, như ngày xưa, những ước mơ đã mất, những mộng đẹp không thành cũng sẽ thức dậy, dằn vặt trong tâm hồn anh. Có lẽ chính bởi những ước mơ ấy đã không trở thành hiện thực nên nỗi chán chường buồn bực trong lòng anh càng thêm chất chứa, nó dấy thêm lên theo năm tháng. Như vậy, mặc dầu không bị cuộc đời đẩy đưa đến mức nát rượu, sa đà nhưng cuộc đời người con vẫn đầy trắc trở mà không hề bằng phẳng. Anh khao khát được về bên mẹ vì chỉ có mẹ. căn nhà gỗ. mảnh vườn trắng xinh xắn và quê hương mới có thể lả niềm an ủi, và mang lại cho anh sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Một mặt người con dặn mẹ đừng đánh thức mình vào mỗi sớm, mặt khác anh cũng không muốn mẹ dạy mình nguyện cầu:
Cũng đứng dậy con nguyện cầu, vô ích!
Nẻo về xưa đã khép lại rồi.
Sư nguyện cầu ở đây phải chăng là để nói đến Chúa? Dường như trong lòng người con có một sự đổ vỡ về niềm tin với Chúa. Phải chăng sau bao nỗi chán chường từng trải, anh đã nhận ra Chúa không thể cứu rỗi mình được, khỏng thể trả lại mình về với niềm tin yêu cuộc sống trước đây, mà chỉ có mẹ là chốn nương tựa về tinh thần duy nhất:
Chi có mẹ là diệu kỳ, ánh sáng, niềm vui,
Chỉ mình mẹ nâng con vững bước.
Ở trên khổ một, ta đã một lần bắt gặp ánh sáng diệu kỳ, nhưng đó là ánh sáng của thiên nhiên, của buổi hoàng hôn. Còn ở đây, ánh sáng diệu kỳ chính là ánh sáng của tình mẹ. Chỉ nhờ ánh sáng tình mẹ, lòng con mới có thể ấm lại và con lại tiếp tục vững bước trên đường đời dù đường đời không hề êm đềm, bình lặng.
Cuối bài thơ, một lần nữa hình ảnh người mẹ già nua với tấm áo choàng cũ nát lại hiện ra. Cũng là hình ảnh người mẹ ấy, tình cảm ở mỗi khổ một khác. Nếu ở khổ một hình ảnh mẹ gắn liền với tình mẹ, thì ở đây lại chứa đựng tình cảm của người con:
Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé
Đừng buồn phiền quá đỗi vì con
Xin mẹ đừng lững thững ra đứng đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.
Có thể coi khổ cuối bài thơ là điệp khúc như trong một bài hát dân ca. Trong đó, hình ảnh người mẹ đặc biệt được nhấn mạnh. Kết cấu đầu cuối tương ứng này cho ta thấy đối với người con, mẹ luôn là điểm tựa, đồng thời, mẹ cũng là nỗi trăn trở, lo âu nhất trong lòng.
"Thư gửi mẹ" là một bài thơ giản dị, chân thực và có sức truyền cảm mạnh mẽ không chi riêng đối với người mẹ - người nhận thư mà còn đối với tất cả chúng ta - những độc giả của Êxênin. Cả bài thơ là những đợt sóng dạt dào của tình mẹ con - nó đã rung lên trong lòng chúng ta một sợi tơ thiêng liêng là tình mẫu tử muôn đời. Dù người con tâm hồn đã chai sạn vì sóng gió cuộc đời, thì với tình mẹ, tâm hồn ấy lại như được hồi sinh. Cho nên, bài thơ tuy là của thi sĩ viết cho người mẹ của riêng mình nhưng nó có thể soi sáng cho tình mẫu tử của bất cứ ai. Nó bồi đáp cho chúng ta thêm những tình cảm của tình người, tình mẹ... khiến tâm hồn chúng ta trong trẻo hơn, thánh thiện và cao thượng hơn.