Anh Đức thuộc thế hệ nhà văn gắn bó sâu sắc với miền đất Nam Bộ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Phản ánh hiện thực đau thương mà oanh liệt của công cuộc kháng chiến ở tuyến đầu Tổ quốc, nhiều tác phẩm của ông là bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những con người bất khuất, kiên trung.
Trong những tác phẩm viết về chiến tranh của Anh Đức, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm vào lẽ sống, lối sống, thấm vào sinh hoạt thường ngày của người dân Nam Bộ mà ông rất đỗi khâm phục, thương yêu. Nhân vật của Anh Đức là những con người vượt tình thế - trong đau thương mất mát càng ngời lên vẻ đẹp của ý chí, nghị lực, của lòng dũng cảm vô song và tình yêu quê hương tha thiết. Họ để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Nhân vật ông Tám trong truyện ngắn Đất là một trường hợp tiêu biểu như thế.
Đất được in trong Bức thư Cà Mau, tập truyện và kí của Anh Đức xuất bản năm 1965. Tác phẩm ra đời giữa những ngày tháng khốc liệt của thời kì đầu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Lúc này, bè lũ Mỹ - ngụy ra sức dồn dân, lập "ấp chiến lược" để dễ bề kiểm soát nhân dân, cách li quần chúng với lực lượng vũ trang cách mạng. Cuộc đấu tranh chống lại chủ trương, hành động này vô cùng quyết liệt, thử thách tình yêu quê hương, tinh thần kiên cường bám đất, lòng trung thành với lí tưởng cách mạng của đồng bào miền Nam. Trong hoàn cảnh ấy, bám đất là chuyện thuỷ chung với cội nguồn tổ tiên, là biểu hiện của tình yêu quê hương, của lòng gắn bó bền chặt với cách mạng. Viết về hiện thực này, truyện ngắn Đất phản ánh cuộc đấu tranh giữ đất vô cùng gay go, ca ngợi khí thế cách mạng của đồng bào Nam Bộ qua những hình ảnh, nhân vật sinh động.
Văn bản truyện ngắn Đất trong sách Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai có lược bớt một số đoạn nhưng về cơ bản vẫn giữ được nội dung chủ yếu, tình huống đặc sắc của tác phẩm.
Truyện ngắn Đất được kết cấu theo lối chuyện trong chuyện. Câu chuyện của anh Hai Cần về cái chết của ba mình (ông Tám) được lồng vào câu chuyện của nhân vật tôi và tất cả được dẫn dắt một cách tự nhiên.
Nhân vật tôi (tác giả) kể chuyện để tạo bối cảnh (thời gian, mục đích chuyến về thăm xẻo Đước, không khí kháng chiến ở đó), để giới thiệu các nhân vật (gia đình ông Tám từng giúp đỡ mình trong những năm ác liệt trước đây).
Khi nhân vật tỏi ngỡ ngàng trước chuyện ông Tám đã mất từ năm ngoái thì anh Hai Cần mới chậm rãi kể lại chuyện đấu tranh và cái chết của ba mình. Người trần thuật từ đây được thay đổi, Nội dung chính của truyện ngắn chính là câu chuyện của anh Hai Cần.
Kết cấu truyện như thế, Anh Đức thật khéo tạo nên một không khí thân quen. Nhà văn dần dần kéo người đọc vào câu chuyện của mình, chuẩn bị cho người đọc tâm thế để cùng nghe, cùng chứng kiến. Anh Đức đã "nhường" cho chính người trong cuộc thuật lại câu chuyện về cái chết quyết liệt, cứng cỏi của ông Tám. Nội dung tác phẩm vì thế càng trở nên gần gũi, người đọc như được sống trong không khí nóng bỏng của những ngày tháng quyết tâm bám đất của đồng bào Nam Bộ, trong không khí vừa nóng bỏng vừa trang trọng của buổi ông Tám đối chọi với thằng đồn trưởng ác ôn.
Kết cấu truyện như thế cũng tạo điều kiện cho tác giả bộc lộ những cảm nghĩ, liên tưởng của mình về vẻ đẹp con người Nam Bộ, về giá trị của cuộc sống hiện tại. Ở đây, những suy ngẫm, cảm xúc của nhân vật tôi được giãi bày một cách tự nhiên, tạo ở bạn đọc niềm đồng cảm.
Vai trò của ông Tám trong cuộc đấu tranh chống lại chủ trương "dồn dân lập ấp" của kẻ thù thật quan trọng bởi nhà ông ở ngay đầu xóm. Thái độ, hành động của ông sẽ liên quan trực tiếp, tức thời tới việc có chịu di dời hay không của bà con trong xóm. Chúng ta hiểu vì sao lũ giặc ngày càng điên cuồng, ngày càng hành động ráo riết khi vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhân dân, vì sao chúng lại để mắt đến nhà ông Tám trước tiên. Đến khi thằng Đởm, "chánh cống ác ôn" được đổi về xẻo Đước thì chắc chắn cuộc xung đột giữa hai bên sẽ càng quyết liệt.
Tình huống truyện căng dần lên trong cuộc đối chọi giữa ông Tám với thằng đồn trưởng ác ôn. Ông Tám đã dự tính hết, như đã chuẩn bị cho cái chết của mình. Những lời nói, hành động của ông Tám rất từ từ, đĩnh đạc khiến người đọc hồi hộp và dự cảm một cái gì dữ dội sắp đến...Tình huống lên cao độ khi ông Tám đã khấn xong trước bàn thờ, sẵn sàng đối chọi với kẻ thù, khi khoảng cách giữa ông và thằng đồn trưởng Đởm dần được rút ngắn...
Hành động, lời nói của ông Tám trước bàn thờ thật cẩn thận, trang trọng, tạo nên một không khí thiêng liêng đặc biệt. Đó là niềm ước mong chứng giám, sự vĩnh biệt,... Từ đây ta nhận ra tình yêu đất đai, quê hương sâu sắc, nhận ra tấm lòng thành kính trước tổ tiên, thuỷ chung với cách mạng của ông. Vẻ đẹp tính cách của nhân vật ông Tám tiêu biểu cho người nông dân cách mạng Nam Bộ. Đó là những con người kiên trung, cương trực, trọng đạo nghĩa, sẵn sàng sống chết với lý tưởng, với niềm tin của mình.
Truyện ngắn Đất kết thúc bằng cảm nghĩ, tâm tưởng của nhân vật tôi. Câu chuyện đau thương mà hào hùng của quá khứ đang được sống dậy rõ ràng trong hiện tại. Hôm nay và truyền thống ông cha được nối kết một cách tự nhiên:
Anh Hai Cần thôi nói.
Anh thôi nói đã lâu. Ấy thế mà trong đêm tối, tôi vẫn còn nghe. Tôi nghe đây là nghe tiếng súng nổ giữa ban ngày, tiếng rú của lũ giặc, và tiếng của ông Tám, tiếng nói của ông già nông dân ngoài sáu mươi tuổi cất lên vang rợn:
- Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa, đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng tạo lập cho con...".
Kết thúc này tạo nên một không khí thiêng liêng, thành kính đặc biệt, tạo nên dư vang cho thiên truyện. Nhân vật tôi cảm thấy đất nền nhà dưới chân mình nóng hâm hấp, cơ hồ như đất đang động cựa, tái hiện những vũng máu tươi... Tình cảm của nhân vật tôi với ông Tám, với người dân Nam Bộ kiên trung, thuỷ chung cùng cách mạng thật sâu sắc, thật đáng trân trọng. Tình cảm ấy có sức mạnh lan dẫn một cách tự nhiên. Cuộc sống của con người Nam Bộ, của mỗi chúng ta hôm nay được tạo dựng từ đâu? Mỗi chúng ta cần có nhận thức, tình cảm như thế nào về cội nguồn, về tổ tiên? Tác phẩm cứ gợi trong mỗi người đọc bao suy ngẫm.
"Giữa lúc năm cũ đi qua. Và một năm mới đến".
Ở cái thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời, của lịch sử này, câu chuyện về cuộc đời, về cái chết cao cả của những con người như ông Tám càng để mọi người cúi đầu biết ơn và bâng khuâng suy ngẫm. Lời kết của truyện ngắn thật giàu sức gợi. Và như thế, ý nghĩa tư tưởng lớn lao, sâu sắc của truyện ngắn Đất cũng thật tự nhiên mà thấm vào lòng mỗi người đọc.