Bài văn mẫu số 1
Hồ Chủ tịch đã từng có những lời dạy rất sâu sắc rằng: "Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", điều đó cho thấy rằng lịch sử là một môn học vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của con người. Thế nhưng dưới ảnh hưởng của nền giáo dục mới và đặc biệt là trong thời buổi nền kinh tế thị trường ngày càng trở nên chiếm ưu thế, thì trong suy nghĩ của đa số mọi người đều dần xem nhẹ môn học mang tên Lịch sử. Đó đều bắt nguồn từ những tư tưởng sai lầm và hiện tượng học lệch phổ biến trong nhà trường, hầu hết các em học sinh đều cho rằng môn học này không có tính ứng dụng thực tiễn, học rồi cũng chỉ để quên, chỉ tổ lãng phí thời gian, công sức. Phụ huynh thì định hướng một phía, chỉ khuyến khích các em tập trung học những môn "chính" như Toán, Văn, Anh, hoặc là học lệch hẳn về một khối để phục vụ cho kỳ thi đại học và hoàn toàn gạt bỏ môn Lịch sử ra khỏi tầm suy nghĩ, thậm chí có nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của nó. Dĩ nhiên rằng, hiện tượng Lịch sử bị bỏ rơi không hoàn toàn là trách nhiệm của học sinh hay phụ huynh mà nó còn xuất phát từ chính nhà trường, đặc biệt là ở người giáo viên. Có một sự thật rằng, chính bản thân giáo viên đôi khi cũng có tư tưởng phân biệt "môn chính", "môn phụ" điều này đã gián tiếp ám thị và ảnh hưởng đến tầm suy nghĩ của các em học sinh vốn còn chưa nhận thức được quá nhiều. Hơn thế nữa cách dạy và truyền đạt còn quá cứng nhắc, không có sự đổi mới sáng tạo dễ dàng biến môn Lịch sử thành bộ môn gây nhàm chán và buồn ngủ, điều ấy đòi hỏi ở người giáo viên những kỹ năng diễn giải sao cho sinh động, đặc biệt là yêu cầu sự tìm hiểu nghiên cứu sâu sắc. Bởi Lịch sử không thể nào chỉ nằm gọn trong vài chục trang sách mà đó là một quá trình vĩ đại, phải đào sâu tìm kỹ, chọn lọc, phân tích và tổng kết cho học sinh những kiến thức đáng nhớ và ấn tượng. Tôi biết chắc rằng ngay từ buổi đầu đi học không có em học sinh nào thực sự chán ghét môn Lịch sử, bởi nó là những trang sử hào hùng của một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến, nó cũng thú vị chẳng kém gì những môn học khác. Chỉ là thời thế thay đổi, những giá trị và tư tưởng của con người đã thay đổi quá nhiều, khiến chúng ta phải xót xa khi hỏi một em học sinh bất kỳ: "Bạn có thích môn Lịch sử không?" thì 80% câu trả lời ấy là "Không" còn vì sao "Không" thì có đến cả trăm, ngàn lý do khác nhau. Điều ấy khiến cả hệ thống giáo dục phải suy nghĩ lại về một nền giáo dục đổi mới cách đây vài chục năm, thế nhưng lại khiến Lịch sử bị xa lánh, ghét bỏ!
Bài văn mẫu số 2
Lịch sử là môn học mang lại nhiều tri thức và ích lợi. Đó chẳng những là môn học “ôn cố tri tân” mà còn giúp người học phát triển tư duy biện chứng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn: Lịch sử không phải là môn học được coi là “thời thượng”. Thứ nhất đó không phải là những “môn chính” như Văn, Toán hay Anh. Thứ hai, đó chỉ là môn học thi trong khối C - khối thi cũng không được các bạn học sinh lựa chọn nhiều. Hay nói một cách khác, trong thời đại phần lớn các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đang hướng đến việc học một cách thực dụng: chỉ học tập trung vào những môn chính, những môn thi tốt nghiệp, những môn thi đại học thì môn Lịch sử dù có nhiều ích lợi cũng mang một số phận hẩm hiu như nhiều môn học “phụ” khác: không được nhiều học sinh quan tâm yêu thích. Và thậm chí, có quan tâm yêu thích, nhiều người cũng không đủ dũng cảm để đi theo vì cơ hội mở ra cho mòn học này quá ít ỏi.Không chỉ vậy, phương pháp dạy và học môn lịch sử còn nhiều hạn chế chưa gợi được hứng thú của học sinh đối với môn học. Tư liệu hình ảnh còn nghèo nàn, việc lên lớp của thầy cô còn thiếu sinh động do hạn chế về đồ dùng dạy học,... Vậy nên chăng, cần có sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy - học bộ môn này?