Bài văn mẫu số 1
Cũng như trong truyện và kịch, cảm hứng chủ đạo và nhất quán trong thơ Nguyễn Đình Thi là hình ảnh một đất nước Việt Nam đau thương, đói nghèo, cơ cực, bị dìm trong máu và nước mắt dưới ách thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhất là khi sáng tác bài thơ Đất nước, toàn bộ tình cảm của nhà thơ tập trung ở khía cạnh này. Trên bước quân hành, xót xa, đau đớn, căm phẫn trước thảm cảnh mà kẻ thù đã gây ra, nhà thơ thốt lên:k
Ôi những cánh đồng quê chảy má
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Như chúng ta đã biết, bài thơ Đất nước được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong khoảng thời gian 8 năm ròng (1948 - 1955). Bài thơ diễn tả quá trình nhận thức về kháng chiến, sự hình thành, nảy nở tình cảm yêu nước, căm thù bè lũ cướp nước và khái quát những chặng đường kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc ta. Bài thơ dài 49 câu, được chia làm hai phần theo cảm xúc liền mạch của chủ đề trữ tình. Phần một được chia làm hai đoạn. Đoạn một (7 dòng đầu) là tâm trạng của người từ Hà Nội ra đi theo tiếng gọi tha thiết của cách mạng nhưng trong lòng vẫn xao xuyến, bâng khuâng nhớ về mùa thu Hà Nội. Hà Nội mùa thu vào buổi sáng chớp lạnh, những cơn gió heo may xao xác đầu mùa rải trên đường phố tĩnh lạnh, những tia nắng hanh vàng soi trên “thềm nắng lá rơi đầy". Đoạn hai (từ dòng 8 đến dòng 21) là cảm xúc về mùa thu mới ở Việt Bắc. Nhà thơ đứng giữa thiên nhiên hai lần mà cất tiếng reo vui. Nhà thơ nhìn rừng tre thấy nó cũng vui, nhìn trời thu thấy nó vừa xanh trong, vừa như “thay áo mới", vừa “cười nói thiết tha” như chưa bao giờ được cười nói tự do, thoải mái, như chưa bao giờ được cười nói tại thời điểm này và niềm vui giải phóng được nhân lên theo cấp số nhân. Nhà thơ bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt của mình khi là được làm chủ đất nước, vì đất nước đã được độc lập, tự do nên trời xanh, núi rừng, cánh đồng, dòng sông đều trở về ta. Từ niềm vui lan tỏa trong không gian, mạch thơ chuyển sang suy tư trên mạch thời gian. Từ hiện tại, nhà thơ nhớ về quá khứ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vẻ vang, oanh liệt, hào hùng, chói lọi của dân tộc ta. Đến phần thứ hai (từ câu 22 đến hết), nhà thơ nhận thức về sự hình thành tình cảm yêu nước, chí căm thù giặc, ý thức tự cường của con người Việt Nam; những con người tuy hiền lành, chất phác nhưng ý chí quyết thắng giặc thù thì cao ngất.
Bốn câu thơ trích trên đây thuộc những dòng thơ đầu tiên của phần hai.
Hai câu thơ đầu:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
Các câu thơ này theo Nguyễn Đình Thi được khơi nguồn cảm hứng trong một chiều hành quân cùng bộ đội ở vùng núi Bắc Giang. Qua cách nhìn giàu liên tưởng của nhà thơ, cảnh ở đây vừa thực vừa hư, vừa cụ thể đến nhức nhối, vừa có sức khái quát cao. Ráng đỏ buổi chiều chiếu xuống các rãnh cây trên cánh đồng như máu chảy. Dây thép gai quanh đồn giặc trên đồi cao như cào xé bầu trời Tổ quốc
Nghệ thuật nhân hóa tu từ, ẩn dụ tu từ độc đáo vừa làm tăng giá trị gợi hình, vừa làm tăng giá trị biểu cảm cho hai câu thơ. Màu sắc câu thơ bầm đỏ như ứa máu, đường nét đậm và sắc như khắc họa. Tuy đó là một bức tranh thiên nhiên nhưng là hình ảnh của một đất nước bị tàn phá, giày xéo. Chính giặc Pháp xâm lược đã làm đảo lộn hoàn toàn đời sống thanh bình, yên ả của nhân dân ta. Cùng với thán từ “ôi”, lời thơ trở thành lời lên án, tố cáo tội quân cướp nước. Những lời kết tội này chúng ta đã gặp trong thơ Quang Dũng:
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nỗi đêm tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan?
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.
(Đôi mắt người Sơn Tây)
Hai câu sau là tâm trạng của người chiến sĩ trên bước đường hành quân:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
“Nung nấu” là làm cho bị thôi thúc, dồn nén ngày càng nhiều một mong muốn, một tình cảm nào đó. Ở đây, “nung nấu” được Nguyễn Đình Thi, dùng để nói lên lòng căm thù sâu sắc của người chiến sĩ và một quyết tâm, một ý chí son sắt của anh là nhanh chóng tiêu diệt, đánh đuổi lũ lang sói ra khỏi bờ cõi nước ta, để nhân dân trở lại cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc. "Bồn chồn” là ở trạng thái nôn nao, thấp thỏm, thường vì một việc chưa đến, chưa biết ra sao. Ở đây, trên bước đường hành quân, người chiến sĩ đang say mê lí tưởng cứu nước, đang xót xa cho bóng hình quê hương bị hủy hoại đột ngột. Hình ảnh nhớ mắt người yêu”, chắc có lẽ, được khơi gợi bằng những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm mênh mông, bát ngát. Tâm trạng của anh lính xuất thân từ Hà thành văn hiến này rất gần với tâm trạng của người chiến sĩ Tây Tiến cùng thời:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Tây Tiến)
Vâng! "Mắt người yêu”, "dáng kiều thơm” ở nơi quê nhà xa xôi vẫn luôn dõi theo từng bước đường hành quân gian nan, khắc nghiệt vất vả của các anh, chia sẻ với các anh bằng tất cả tình cảm nồng nàn, chứa chan yêu thương, xuất phát từ đáy sâu hun hút tâm hồn mình. Những đóa hoa trắng ngào ngạt nhụy hương ở quê nhà đang đợi, đang chờ các anh về để mà dâng, mà hiến khi ngày hòa bình. Vậy nên, thương nước và thương người yêu, nước bị giặc xâm chiếm người yêu phải xa cách; khối tình cảm chung và tình cảm riêng hòa quyện, nung nấu trong lòng đã thôi thúc, giục giã, động viên người lính trên tuyến lửa ác liệt.
Có thể nói, đây là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất của bài thơ Đất nước, về nội dung, nhà thơ thể hiện thành công hai bức tranh: bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm cảnh, Trong đó, âm trạng xót xa, yêu thương đất nước và căm thù sôi sục quân cướp nước là nổi bật nhất, lan tỏa khắp bức tranh thơ. Về nghệ thuật, nhà thơ phối hợp rất thànth công một vài biện pháp tu từ thường gặp trong tiếng Việt và đặc biệt, các nghệ thuật, kĩ thuật hội họa, điêu khắc, điện ảnh cũng được nhà thơ sử dụng khéo léo, điêu luyện tài hoa.
Đoạn thơ trên cũng như cả bài thơ Đất nước xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài đất nước, con người của thi ca Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Bài văn mẫu số 2
Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi được viết trong những năm sau khi cách mạng tháng 8/1945 của nước ta thành công. Cả dân tộc ta đã bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Bài thơ là những tình cảm thực tế, những tư duy sâu sắc, tinh tế của tác giả về đất nước khi quê hương ta đã trải qua những cuộc kháng chiến ác liệt từ trong lịch sử tới thời điểm hiện tại
Xuyên suốt bài thơ là nguồn cảm hứng yêu mến da diết xen lẫn với lòng tự hào, thán phục về đất nước của mình.Về truyền thống anh hùng, kiên cường của đất nước, với những người con áo vải, chân chất nhưng lại làm nên lịch sử của dân tộc.
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Ở khổ thơ này hình ảnh đất nước được tác giả khắc họa lên sự căm hờn về những tội ác ghê gớm của giặc đã gây ra cho nhân dân cũng như đất nước chúng ta. Những cánh đồng ruộng lúa mênh mang, thẳng cánh cò bay thì nay bị càn quét. Chúng giết hại đồng bào ta khiến cho những cánh đồng đang bình yêu này tràn ngập máu chảy, những tội ác mà giặc đã gây ra không thì tả hết.
Trong mỗi câu thơ thể hiện sự xót xa, đau nhói của tác giả khi nhìn thấy quê hương đất nước mình chìm trong biển lửa, tang tóc như vậy.
Cả khổ thơ hiện lên hai hình tượng hoàn toàn khác nhau. Đó là hình ảnh quê hương chìm trong khói lửa, bom đạn, và hình ảnh người con trai anh hùng ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc những đêm hành quân, giết giặc nhưng vẫn da diết nhớ đôi mắt trong veo, hồn nhiên, của người con gái mình yêu. Khổ thơ chỉ có bốn câu thơ nhưng lại là tổng hòa của cả bi kịch và sự lãng mạn, trữ tình.
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
Trong hai câu thơ này tạo hình vô cùng sâu sắc, ấn tượng thể hiện sự tàn ác của giặc khi chúng đã chà đạp giày xéo mảnh đất quê hương chúng ta. Hình ảnh những dây thép gai ngăn cách giữa khi bình định với những chiến sĩ cách mạng. Những hàng rào dây thép gai để bao buộc cho đồn bốt của giặc khiến cho cả một vùng đất đang bình yên trở nên nhuộm màu máu đỏ.
Thời gian mà tác giả sử dụng trong hai câu thơ này là thời gian buổi chiều tà khi mà mặt trời sắp xuống núi, tắt đi những tia nắng cuối ngày, nhìn về phía chân trời xa xăm tác giả thấy những lô cốt của giặc được bao bọc bởi những dây thép gai có những mũi gai sắc nhọn để ngăn chặn sự đột nhập của quân cách mạng, quân du kích mà lòng tác giả vô cùng đau đớn.
Trước hình ảnh đầy căm hờn đó, khiến cho tác giả nổi lên những uất nghẹn làm ra những câu thơ đau đớn xót xa.
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Trong hai câu tiếp theo của khổ thơ này lại có tâm trạng hoàn toàn trái người. Thể hiện người chiến sĩ cách mạng đang trên đường “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy thương lai”
Hai câu thơ tạo nên vẻ đối xứng trong ngoài. Giữa tình cảm thường xuyên thường trực của người chiến sĩ cách mạng chính là tâm trạng căm thù giặc, ý chí kiên cường muốn giải phóng quê hương đất nước. Với tình cảm cá nhân là nỗi nhớ tha thiết tới người mình yêu thương. Hai tình yêu một nhỏ một lớn hòa quyện vào nhau tạo nên tố chất kiên cường anh hùng của người chiến sĩ cụ Hồ, anh hùng kiên trung.
Thể hiện rằng người lính chiến sĩ cách mạng là người biết hy sinh việc cá nhân để tạo ra việc lớn. Biết đặt tình yêu nam nữ nhỏ hơn lợi ích quốc gia. Anh lên đường giết giặc giải phóng quê hương nhưng luôn mang trong tim hình ảnh của người con gái mà mình yêu dấu.
Vì quê hương, vì tổ quốc thân yêu những người trai trẻ của dân tộc ra không ngại hy sinh tình cảm riêng tư, hy sinh máu thịt của mình để bảo toàn sự trọn vẹn của lãnh thổ. Họ ra đi khi tuổi đời mới chỉ đôi mươi xuân xanh phơi phới.
Bài thơ “Đất nước” thể hiện tình yêu quê hương đất nước nồng nàn tha thiết của tác giả Nguyễn Đình Thi . Với những câu thơ chân thành cảm động tác giả đã vẽ lên bức tranh vừa bi vừa hùng thể hiện hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên trung, yêu nước sẵn sàng hy sinh thân mình vì tổ quốc.