Dàn ý giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm và vấn đề cần phân tích.
2. Thân bài:
a. Tình huống truyện mang tính phát hiện:
- Trên bãi biển:
+ Nhiếp ảnh gia Phùng sau nhiều ngày “mai phục” trên bãi biển, cuối cùng cũng chộp được một cảnh “đắt” trời cho. Đối với Phùng đó là vẻ đẹp toàn thiện, toàn mỹ, là chân lý trong ngần của tâm hồn, là đạo đức, ...
+ Thế nhưng một bức ảnh tuyệt đẹp đó lại chứa đựng cái vẻ xấu xa, tàn nhẫn nhất của con người, một người đàn ông cục súc vũ phu đánh đập tàn nhẫn người vợ xấu xí, thô kệch của mình.
- Trong tòa án:
+ Phùng muốn giúp đỡ người đàn bà bất hạnh kia thoát khỏi gã chồng vũ phu, với sự giúp đỡ của Đẩu - chánh án tòa án huyện, bằng một vụ ly hôn, với mong ước chị ta được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.
+ Người đàn bà kia chẳng những không bỏ quách lão chồng vũ phu của chị, mà trái lại sống chết không chịu ly hôn, điều ấy khiến cả hai người thấy thật khó hiểu.
+ Khi nghe người đàn bà làng chài tâm sự bằng chất giọng từng trải, thấm thía thì Phùng và Đẩu lại mới vỡ ra được nhiều điều.
b. Giá trị nhân đạo của tác phẩm:
- Tố cáo gay gắt nạn bạo hành gia đình, mặt tối của xã hội đương đại thông qua cảnh người đàn ông vũ phu đánh đập người vợ của mình. Nhấn mạnh hậu quả, hệ lụy bằng chi tiết đứa con chạy ra bảo vệ mẹ, đánh lại cha.
- Thể hiện tấm lòng thương cảm, thấu hiểu sâu sắc cho số phận và cuộc đời của những con người vùng biển, những con người có cuộc sống luôn bấp bênh, lam lũ, vất vả.
+ Người đàn bà làng chài bị chồng bạo hành, những nỗi vất vả của một người phụ nữ với gia đình đông con, số phận bất hạnh khi còn trẻ, hay niềm hạnh phúc đơn giản nhỏ nhoi là được nhìn đàn con ăn no bụng,...
+ Thương cảm cho một kiếp người như gã chồng, thông qua lời bộc bạch của chị vợ trên toà án. Một người vốn dĩ hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng sau ngần ấy năm lại trở nên cục súc, độc ác vì cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám mãi.
- Từ khía cạnh của người chồng, cùng với cái cảnh bất hạnh của người đàn bà làng chài tác giả đã tố cáo những hậu quả mà 2 cuộc chiến tranh kéo dài gần 120 năm đã để lại trên đất nước ta bao gồm: Sự đói nghèo, lạc hậu, sự thiếu hụt của tri thức, giáo dục, kém hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình,...
- Vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà làng chài:
+ Tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng: Chị không chỉ muốn chúng có cơm ăn, mà còn muốn con mình có một gia đình hoàn chỉnh, đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Chị cũng không muốn chúng phải thấy những cảnh tàn ác mà bố chúng nó đã gây ra cho mẹ, không phải chỉ để bảo vệ lòng tự trọng của một con người, mà hơn hết chị muốn con mình được lớn lên với một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh.
+ Hạnh phúc của người đàn bà làng chài chỉ là việc gia đình quây quần, và những đứa con được ăn no => Phản ánh những khát khao hạnh phúc bình dị của những con người miền biển.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
Bài văn mẫu số 1
Sau khi thống nhất đất nước, nền văn học Việt Nam có nhiều đổi mới, các tác giả bắt đầu chú ý và chuyển sang viết về các đề tài đạo đức thế sự, nhân vật trung tâm không còn là những người hùng cách mạng, những con người lý tưởng mang vẻ đẹp của cộng đồng như Việt hay Tnú của Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc. Mà nhân vật trung tâm trong các tác phẩm giai đoạn sau năm 75 lại là những con người đời thường, những con người không hoàn toàn lý tưởng mà trong họ có sự đan xen cả rồng phượng và rắn rết. Cũng từ đó tác giả chú tâm vào khai thác những diễn biến đời sống nội tâm của họ để mang đến cho người đọc những cách nhìn nhận mới mẻ trên cả phương diện nhân đạo lẫn hiện thực cuộc đời. Nguyễn Minh châu chính là một trong các tác giả như thế, ông được đánh giá là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chính là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này, với một cách nhìn nhận và khai thác nhân vật mới mẻ, góc nhìn đi từ tình huống truyện độc đáo, tác giả đã đem đến cho người đọc những giá trị nhân đạo sâu sắc mà ông gửi gắm trong tác phẩm, trong từng nhân vật của mình.
Chiếc thuyền ngoài xa được dựng lên từ hai tình huống truyện độc đáo, câu chuyện bắt đầu với việc nhiếp ảnh gia Phùng sau nhiều ngày “mai phục” trên bãi biển, cuối cùng cũng chộp được một cảnh “đắt” trời cho, một chiếc thuyền lưới vó xuyên qua màn sương mù trắng như sữa hòa lẫn với cái ánh bình minh hồng hồng đang lướt nhẹ vào bờ. Đối với Phùng đó là vẻ đẹp toàn thiện, toàn mỹ, là chân lý trong ngần của tâm hồn, là đạo đức, và muôn vàn cảm xúc xuýt xoa tràn ngập trong trái tim người nghệ sĩ khi anh bấm lia lia một lúc hết phần tư cuốn phim. Thế nhưng một bức ảnh tuyệt đẹp có thể được hàng triệu người trầm trồ, khen phục ấy hóa ra đằng sau nó lại chứa đựng cái vẻ xấu xa, ghê tởm nhất của con người, một người đàn ông cục súc vũ phu đánh đập tàn nhẫn người vợ xấu xí, thô kệch của mình như đánh một con vật, miệng hắn ta liên tục thốt ra những câu đay nghiến, độc ác, còn người đàn bà chẳng chẳng chút phản ứng, im lặng, nhẫn nhục chịu đựng. Phùng là người không chịu được cái sự bất công đến nhường ấy, anh yêu cái đẹp, cái hoàn mỹ và anh nghĩ cuộc sống vốn cũng nên như thế. Thành thử Phùng muốn giúp đỡ người đàn bà bất hạnh kia thoát khỏi gã chồng vũ phu, với sự giúp đỡ của Đẩu - chánh án tòa án huyện, bằng một vụ ly hôn, với mong ước chị ta sẽ có một khởi đầu mới tốt đẹp. Ôi! Nhưng mọi chuyện chẳng như những gì mà Đẩu và Phùng nghĩ, người đàn bà kia chẳng những không bỏ quách lão chồng vũ phu của chị, mà trái lại sống chết không chịu ly hôn, điều ấy khiến cả hai người thấy thật khó hiểu (mà có lẽ còn có cả chút bực bội, bất lực). Thế nhưng chỉ đến khi nghe người đàn bà làng chài tâm sự bằng chất giọng từng trải, thấm thía thì Phùng và Đẩu lại mới vỡ ra được nhiều điều. Những điều ấy đã làm nên giá trị nhân đạo quý giá cho tác phẩm.
Trước hết thông qua tình huống truyện trên bãi biển tác giả Nguyễn Minh Châu muốn nêu lên những mặt tối trong xã hội sau giải phóng, đó không còn là đau đớn của chiến tranh, nỗi đau thân phận bị áp bức nữa mà đó chính là nỗi đau của những người phụ nữ sống trong cảnh bạo lực gia đình. Tác giả gay gắt lên án hành động vũ phu, tàn ác của của gã đàn ông với vợ mình thông qua thái độ và hành động vứt chiếc máy ảnh chạy đến ngăn cản của nhiếp ảnh Phùng, hay tấm lòng tốt muốn giúp đỡ người đàn bà làng chài thoát khỏi cuộc sống hôn nhân đáng sợ của cả Phùng và Đẩu. Đặc biệt Nguyễn Minh Châu không chỉ dừng lại ở việc lên án, mà ông còn đi sâu vào nhấn mạnh hậu quả, hệ lụy của nó thông qua chi tiết thằng Phác chạy ra đỡ cho mẹ nó, đánh lại cha, thậm chí nó từng có ý định giết cha để bảo vệ mẹ, khiến người đàn bà làng chài phải gửi nó lên nhà ngoại để tránh những việc đáng tiếc xảy ra. Đó chính là khao khát đấu tranh cho cái thiện mà Nguyễn Minh Châu hằng theo đuổi.
Giá trị nhân đạo thứ hai nữa của tác phẩm đó chính là tấm lòng thương cảm, thấu hiểu sâu sắc cho số phận và cuộc đời của những con người vùng biển, những con người có cuộc sống luôn bấp bênh, lam lũ, vất vả. Nguyễn Minh Châu đi từ cảnh người đàn bà làng chài bị chồng bạo hành, đến việc chị kể về những nỗi vất vả của một người phụ nữ với gia đình đông con, mà đứa nào cũng còn nhỏ dại, kể về số phận bất hạnh khi còn trẻ của mình, hay niềm hạnh phúc đơn giản nhỏ nhoi là được nhìn đàn con ăn no bụng,... Để rồi từ đó cả Phùng, Đẩu và độc giả như vỡ ra một cái gì đó rằng cuộc đời này không phải ta chỉ nhìn bề ngoài rồi được cho mình cái quyền tùy tiện phán xét hay quyết định, mà bên trong nó còn biết bao nhiêu là bể dâu, khúc mắc mà chỉ có người trong cuộc mới thực sự có thể hiểu và quyết định. Cái nghịch lý của cuộc đời nó lại chứa đựng trong mình những cái lý lẽ mà ta không thể ngờ tới. Bên cạnh đó có thể thấy rằng ngoài việc thông cảm thấu hiểu cho người đàn bà làng chài thì có lẽ Nguyễn Minh Châu cũng phần nào đó thương cảm cho một kiếp người như gã chồng, thông qua lời bộc bạch của chị vợ trên toà án. Một người vốn dĩ hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng sau ngần ấy năm, cái gì đã khiến anh ta trở nên cục súc, độc ác đến vậy, chị vợ nói đúng, cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám mãi, với cái món xương rồng luộc chấm muối thì cỡ nào người ta cũng chẳng còn bình tĩnh nổi nữa. Như vậy từ khía cạnh của người chồng, cùng với cái cảnh bất hạnh của người đàn bà làng chài ta lại nhận ra thêm một giá trị nhân đạo mà Nguyễn Minh Châu muốn nói đến, đó là tác giả đã tố cáo những hậu quả mà 2 cuộc chiến tranh kéo dài gần 120 năm đã để lại trên đất nước ta bao gồm: Sự đói nghèo, lạc hậu, sự thiếu hụt của tri thức, giáo dục (sự vũ phu, tàn ác của người chồng), kém hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình (người đàn bà làng chài và hơn chục đứa con),...
Một giá trị nhân đạo thứ ba nữa mà tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đem đến cho người đọc chính là vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà làng chài. Việc Nguyễn Minh Châu khắc họa một nhân vật với ấn tượng ban đầu là sự thô kệch, xấu xí, cuộc sống lam lũ, vất vả, cuộc đời bất hạnh và sự cố chấp không chịu bỏ người chồng vũ phu. Thế nhưng sau những lời tâm sự trải đời và thấm thía của chị người ta lại mới phát hiện ra đằng sau lớp vở xấu xí của con người kia là biết bao nhiêu vẻ đẹp quý giá. Điều ấy có gì đó tương quan với sự kiện cảnh “đắt” trời cho mà Phùng nhận định là toàn thiện, toàn mỹ lại chứa đựng đằng sau đó những sự tàn ác và xấu xa nhất của con người với cảnh bạo hành gia đình tàn bạo. Ở người đàn bà làng chài hiện lên vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, bấy nhiêu đau đớn, nhịn nhục của chị tất cả cũng chỉ dồn lại dành cho những đứa con còn đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị không chỉ muốn chúng có cơm ăn, mà còn muốn con mình có một gia đình hoàn chỉnh, đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Chị cũng không muốn chúng phải thấy những cảnh tàn ác mà bố chúng nó đã gây ra cho mẹ, không phải chỉ để bảo vệ lòng tự trọng của một con người, mà hơn hết chị muốn con mình được lớn lên với một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi người đàn bà làng chài nói hạnh phúc của mình chỉ là việc gia đình quây quần, và những đứa con được ăn no, người ta không chỉ nhìn thấy ở đó sự hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến với các con mà nó còn phản ánh những khát khao hạnh phúc bình dị của những con người miền biển. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn bất hạnh, thế nhưng người đàn bà làng chài vẫn luôn mang trong mình niềm hy vọng, ý chí và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt.
Cuối cùng tổng kết lại giá trị nhân đạo của Chiếc thuyền ngoài xa chỉ nằm gọn trong một chữ “thiện”. Bằng sự tự ý thức của nhiếp ảnh gia Phùng - cũng là người phát ngôn cho Nguyễn Minh Châu, tác giả đi từ chỗ nhận biết cái đẹp chỉ thông qua sự hoàn mỹ, toàn bích đến không thực đến cảnh nhìn thấy người đàn bà làng chài bị chồng đánh và cuối cùng là sự vỡ lẽ ra rằng cuộc đời này có những cái tưởng là nghịch lý nhưng lại chứa đựng bên trong đó những cái có lý đến không ngờ. Từ đó người nghệ sĩ đã có cơ hội nhận ra để rồi đấu tranh và tự hoàn thiện cho quan điểm nghệ thuật của mình. Có thể thấy rằng sự đức độ, hy sinh của người đàn bà làng chài, tấm lòng thương cảm, thấu hiểu hay giá trị tố cáo trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu chính là chữ “thiện”, đã góp phần làm hoàn chỉnh quan điểm chân-thiện-mỹ mà nhà văn hằng theo đuổi trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.
Bài văn mẫu số 2
Chiếc thuyền ngoài xa là sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu thời kỳ đổi mới sau 1975. Truyện ngắn này cũng rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Có thể nói,đây là một trong những tác phẩm chứa đựng nội dung nhân đạo và toát lên tính triết lý sâu sắc về cuộc sống, về con người Việt Nam thời hậu chiến.
Giá trị nhân đạo: Là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời.
Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời.
Trước hết, đó là sự quan tâm tha thiết của nhà văn đối với hạnh phúc của những người lao động nghèo bằng cách : lên án thói bạo hành trong cuộc sống gia đình, phê phán, lên án hành động vũ phu thô bạo của người chồng trong đối xử với vợ, con. Không những vậy, nhà văn còn thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người ,cảnh đói nghèo, cơ cực, tình trạng bất ổn, bất trắc trong cuộc sống ...là nguyên nhân sâu xa của sự bạo hành và sự nhịn nhục chịu đựng, đồng thời, Nguyễn Minh Châu cũng bày tỏ niềm trắc trở trước cuộc sống của thế hệ tương lai .
Giá trị nhân đạo của Chiếc thuyền ngoài xa"còn thể hiện ở sự khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của con người nghèo khổ, bất hạnh và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của họ: Đó là vẻ đẹp của tình mẫu tử (những đau khổ, tủi nhục đến cùng cực, những niềm vui nhỏ nhoi tội nghiệp của người mẹ đều xuất phát từ con. Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo khó, tăm tối vẫn ngời lên vẻ đẹp của tình yêu thương, của đức hi sinh thầm lặng
Ngoài ra có thể nói, tư tưởng nhân đạo mang tính triết lí của tác phẩm,còn được thể hiện ở việc nhà văn đặt ra vấn đề đó làm thế nào để giải phóng con người khỏi những bi kịch gia đình, bi kịch cuộc sống con người muốn thoát khỏi đau khổ, tăm tối, man rợ cần những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn, cần rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và hiện thực đời sống
Tinh thần nhân đạo đồng cảm của nhà văn đối với cuộc đời người lao động sau chiến tranh. Nhà văn đã nhìn thấu và miêu tả chân thực cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực, khốn khổ của những con người lao động thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Nguyễn Minh Châu đã giành biết bao yêu thương cho số phận bất hạnh của chị
Nhà văn còn lý giải những nguyên nhân gây nên đau khổ cho con người. Từ đó, ông phê phán, lên án hành động vũ phu thô bạo của người chồng trong đối xử với vợ, con. Đồng thời, thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người (cảnh đói nghèo, cơ cực, tình trạng bất ổn, bất trắc trong cuộc sống ...là nguyên nhân sâu xa của sự bạo hành và sự nhịn nhục chịu đựng); bày tỏ niềm trắc trở trước cuộc sống của thế hệ tương lai.
Tác giả đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mà tiêu biểu là người đàn bà hàng chài và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của họ: Đó là vẻ đẹp của lòng vị tha, sự thấu hiểu lẽ đời và tình mẫu tử sâu nặng (các em phân tích câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện). Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo khó, tăm tối vẫn ngời lên vẻ đẹp của tình yêu thương, của đức hi sinh thầm lặng.
Tư tưởng nhân đạo mang tính triết lí của tác phẩm, còn được thể hiện ở việc nhà văn đặt ra vấn đề : làm thế nào để giải phóng con người khỏi những bi kịch gia đình, bi kịch cuộc sống con người muốn thoát khỏi đau khổ, tăm tối, man rợ cần những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn, cần rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và hiện thực đời sống.
Tinh thần nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là tấm lòng yêu thương, thông cảm, băn khoăn, trăn trở của Nguyễn Minh Châu trong việc phát hiện đời sống và con người ở bình diện đạo đức thế sự.
Tóm lại, tinh thần nhân đạo trong Chiếc thuyền ngoài xa" chính là tấm lòng yêu thương, thông cảm, băn khoăn ,trăn trở của Nguyễn Minh Châu trong việc phát hiện đời sống và con người ở bình diện đạo đức thế sự.Qua đó tác phẩm thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai : Văn học nghệ thuật phải gắn bó với cuộc sống, phải vì con người...Quan niệm ấy đã khiến tác phẩm của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn này giàu nhân bản.Đọc tác phẩm của ông, người ta đau đớn, day dứt về thân phận con người và tràn đầy khát vọng làm người cao đẹp.Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn
Bài văn mẫu số 3
Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một nhà văn tiên phong, là người mở đường cho nền văn học hiện thực trong thời kỳ đổi mới. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh châu đều để lại những bài học sâu sắc, một triết lý sống được đúc kết từ kinh nghiệm sống của bản thân như tác phẩm "Bến quê" "Mảnh trăng cuối rừng" hay "Chiếc thuyền ngoài xa"
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là một sáng tác tiêu biểu của tác giả Nguyễn Minh Châu viết về thời kỳ đất nước thống nhất sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ. Ông đã dùng con mắt nhà nghề, thể hiện tinh thần nhân đạo của mình khi đồng cảm với số phận người phụ nữ khi đổi mới.
Nội dung tác phẩm nói về nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong giai đoạn mới, khi đất nước đã thay đổi nhân quyền nâng cao, nam nữ bình đẳng, những người phụ nữ vẫn giữ tư tưởng cam chịu, nhẫn nhục của chế độ cũ còn tồn tại, người đàn ông vẫn giữ thói gia trưởng vũ phu, như thời phong kiến làm khổ người đàn bà của đời mình.
Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" nói về một anh nghệ sĩ phóng viên ảnh khi anh đi tìm kiếm nguồn cảm hứng từ thực tế đã đến với một bãi biển vùng duyên hải miền Trung nước ta. Buổi sáng tinh sương anh nhìn thấy một hình ảnh vô cùng đẹp, là một khoảnh khắc chưa từng thấy trong cuộc đời nghệ sĩ của anh. Đó là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, nó đẹp và long lanh kỳ diệu.
Nhưng khi chiếc thuyền càng được kéo gần tới bờ, thì nhân vật Phùng lại nhận ra những điều vô cùng trái ngược, thể hiện sự đau đớn của mình khi chứng kiến số phận của người phụ nữ làng chài nghèo khổ bất hạnh.
Hình ảnh người chồng nghèo đói ít học xã việc hành hạ, vũ phu với vợ mình là một phương pháp giải tỏa buồn bực, giải trí cho những nghèo khổ của mình. Trong buổi hầu tòa chứng kiến chuyện đầy bi kịch, những dòng tâm sự nhiều nước mắt của người phụ nữ làng chài, khiến cho người đọc không khỏi rưng rưng xúc động.
Tất cả những điều đó được tái hiện lại qua những dòng chữ đầy nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu, thể hiện quan niệm sống, cái nhìn nhân văn của tác giả với những số phận xung quanh mình.
Trong bất kỳ một tác phẩm nào giá trị nhân đạo là một giá trị không thể thiếu. Nó được xây dựng bởi chính nỗi niềm cảm thông cả tác giả trước những mảnh đời bất hạnh, trước nỗi đau của những con người nghèo khổ ít học trong cuộc sống.
Thông qua đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu còn thể hiện sự trân trọng, tình cảm nâng niu của mình dành cho vẻ đẹp nội tâm, tâm hồn của người phụ nữ làng chàng đó.
Biểu hiện cao quý nhất nói lên giá trị nhân đạo của truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là sự đồng cảm của nhà văn với những người phụ nữ lao động nghèo khổ trong thời kỳ thống nhất đất nước. Thông qua tác phẩm của mình nhà văn muốn tố cáo tội bạo hành của đàn ông với phụ nữ trong chế độ mới.
Tác giả Nguyễn Minh Châu đã miêu tả cuộc sống người lao động với nỗi đau khổ nhọc nhằn, thông qua hình ảnh người đàn bà làng chài. Hình ảnh người đàn bà lam lũ, thân dưới của chiếc áo thường xuyên bị ướt cho ngâm nước, đôi mắt u buồn, khóe mắt hằn lên những nếp nhăn, thiếu ngủ... thường xuyên nhận những lời đánh chửi, sỉ nhục của chồng.
Thông qua đó giá trị nhân đạo của tác phẩm chính là sự phê phán hiện thực xã hội cuộc sống, những người đàn ông vũ phu, gia trưởng thường xuyên bạo hành phụ nữ.
Không chỉ dừng lại ở đó nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện sự cảm thông của mình với sự nhẫn nhịn, cam chịu của người phụ nữ nghèo khổ cơ cực. Sự hy sinh của một người mẹ thương con trong gia đình.
Thông qua hình ảnh người phụ nữ tác giả muốn khẳng định tình cảm mẫu tử thiêng liêng, ca ngợi sự hy sinh, vẻ đẹp nội tâm cao quý của người phụ nữ lao động nghèo khổ. Đó chính là hình ảnh người đàn bà làng chàng.
Hình ảnh người đàn bà làng chài chính là hình ảnh đại diện của những người phụ nữ Việt Nam thương chồng thương con hy sinh nhẫn nhịn cho cuộc sống của con cái hạnh phúc hơn.
Thông qua tác phẩm của mình nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện sự đồng cảm của mình với nhân vật người phụ nữ. Đồng thời khẳng định chân lý văn học phải gắn bó và sống cuộc sống của con người. Quan niệm tư tưởng này của Nguyễn Minh Châu thể hiện cái nhìn vô cùng tích cực của nhà văn với thời cuộc và cuộc sống con người.
Bài văn mẫu số 4
Nguyễn Minh Châu được sinh ra ở mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió. Ông đã từng là sĩ quan quân đội, tham gia công tác, chiến đấu trong kháng chiến. Người con trai xứ Nghệ này còn là một nhà văn, một cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới với quan điểm sáng tác rất hay: "Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người".
Vâng! Con người trong cuộc sống là tiêu điểm mà Nguyễn Minh Châu rất quan tâm, tìm tòi, khám phá những điều thú vị, mới mẻ. Và nói về con người thì "toàn bộ sự nghiệp văn học của Nguyễn Minh Châu là một bài ca tràn đầy cảm hứng nhân đạo nồng nhiệt". Với truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa"(1983)- một trong những tác phẩm xuất sắc thuộc giai đoạn đổi mới- Nguyễn Minh Châu càng bộc lộ rõ nét, sâu sắc cảm hứng nhân đạo của mình. Qua những trang viết, nhà văn gửi lại cuộc đời tấm lòng ưu ái đối với những người phụ nữ làng chài lam lũ, chịu nhiều nỗi đau đớn, thiệt thòi và những đứa trẻ của kiếp vạn đò rày đây mai đó trên sông trên biển; nhà văn gửi lại những hiểu biết, khám phá sâu sắc của mình về số phận, về những cuộc đời buồn vui, dang dở.
Truyện ngắn" Chiếc thuyền ngoài xa" lấy bối cảnh là một vùng biển từng là chiến trường cũ của thời chống Mĩ. Mạch chính của truyện là những lời kể, những suy tư của nhân vật Phùng- một nghệ sĩ nhiếp ảnh, cũng từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở vùng biển này; nay về lại chiến trường cũ để chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Trong chuyến đi thực tế ấy, Phùng đã phát hiện ra cái mâu thuẫn éo le trong nghề nghiệp của mình: đằng sau bức tranh con thuyền mờ sương rất đẹp như "một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ" mà anh đã tình cờ chụp được là số phận đớn đau của một người phụ nữ, là sự nheo nhóc chẳng đẹp đẽ gì trong một gia đình lao động làm nghề chài lưới. Với cuộc sống nghèo khổ, cảnh vật vắng lặng, chỉ "vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ". Hình ảnh người đàn bà xấu xí trạc ngoài bốn mươi tuổi dần hiện ra với "một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch", rỗ mặt, "mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ". Song song hình ảnh người đàn bà lag hình ảnh người đàn ông xuất hiện cùng "tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ", "đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rũ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ". Hình ảnh đã khắc hoạ phần nào cuộc sống khổ cực của họ. Chính từ cuộc sống này đã nảy sinh ra một cảnh tượng: cảnh chồng đánh vợ,"ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Tuy đã được sáng tác cách đây một phần tư thế kỉ, nhưng đề tài của tác phẩm vẫn còn rất nóng, dai dẳng đến ngày hôm nay, đó là : bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình, trong mỗi chúng ta không ai không biết nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Minh Châu thì đề tài này được thể hiện một cách sinh động. Chúng ta sẽ không xa lạ với hình ảnh người chồng "mặt đỏ gay, hùng hổ", rút trong người chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa, chẳng nói chẳng rằng "quật tới tấp vào lưng" người vợ, "vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống, lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn "Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ".
Đánh vợ chưa làm hắn nguôi cơn giận, lão đàn ông quay sang đánh con- thằng Phác. Lão "liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát". Giống như một cuốn phim quay nhanh với những cảnh chọn lọc, tiêu biểu, Nguyễn Minh Châu đã dựng trước mắt chúng ta sự tàn bạo ghê gớm của bạo lực gia đình: gia đình không êm ấm, con người bị thương tích, đau khổ. Ông đã dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương pha lẫn nỗi lo âu về tình trạng phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, về nguy cơ trẻ em sớm nhiễm thói vũ phu, thô bạo do bị tổn thương tâm hồn, đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Điều mọi người lo lắng và không bao giờ dư, nó đã xảy ra với Phác- một thằng bé từ "tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cha nó. Sống và chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau, làm cho tâm hồn Phác chất chứa những nỗi đau âm ỉ như những đợt sóng biển phủ vào đất liền đã rút nhưng vẫn để lại cái chất mặn làm xót cây khoai, cây lúa; tâm hồn em bị tổn thương. Phác thương mẹ, hận cha; tính cách em trở nên cộc cằn, thô bạo, không hồn nhiên như những đứa bạn cùng trang lứa. Mỗi khi mẹ bị cha đánh, thằng Phác "giận dữ căng thẳng", nó "như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm" nhảy xổ vào cha nó,"giàng lấy chiếc thắt lưng", "dướng thẳng người vung chiếc khoá sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng" của lão đàn ông. Hay có lúc Phác dùng con dao găm làm vũ khí để bảo vệ người mẹ đáng thương của nó, nhưng đã bị người chị gái giật lại. Rồi nó tuyên bố với mọi người rằng "nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh". Tất cả làm cho tâm hồn Phác bị vẩn đục. Nguyễn Minh Châu như muốn nhắn nhủ mọi người hãy bảo vệ trẻ em, hãy để chúng lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, sống trong gia đình hạnh phúc, phát triển toàn diện. Đồng thời mọi người hãy tạo ra môi trường tốt đẹp cho trẻ em; cũng chính vì lẽ đó mà ở cuối truyện Nguyễn Minh Châu đã viết "sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó, mụ đã phải gửi nó lên rừng nhờ bố mình nuôi đã nửa năm nay", như một lời thông điệp khuyên mọi người nên thay đổi môi trường sống sao cho phù hợp, tốt đẹp với trẻ em.
Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu chỉ ra việc dân trí thấp, đông con và nghèo khổ là nguy cơ đáng sợ để hình thành bạo lực gia đình. Đúng vậy! Trong một lần tâm sự với nhà văn Lê Lựu, ông kể:"Quê tôi là Quỳnh Hải, thôn Kẻ Thơi, vùng Lạch Thơi, Lạch Quèn. Dữ dội lắm! Dân Lạch Thơi nhiều nơi sợ vì chỉ có uống rượu và đánh nhau. Rượu say, ngủ luôn ở bãi biển. Mỗi đêm, những người đàn bà phải đi nhặt chồng về. Cả làng làm nghề đánh cá, chài lưới chẳng học hành gì cả. Tôi còn nhớ ông Điềm mỗi khi say rượu, cởi truồng nồng nỗng, quần vắt lên vai, đi vào trong xóm, lấy quần đánh chó. Gặp ai cũng chửi tuốt nhưng vớ phải một mụ bán bánh đa ở chợ làng còn dữ dội hơn. Mụ tuột váy ra, lấy váy đánh vào mặt, lão Điềm phải thua. Lại có người uống rượu say, lấy mảnh thuỷ tinh rạch ngang bụng, ruột xổ ra rồi chết(…). Một cái làng vô học,thích ai thì nấy đúng, chẳng biết phải trái gì cả".
Từ những lời tâm sự của Nguyễn Minh Châu, chúng ta cảm nhận dáng dấp của làng nhà văn cũng xuất hiện đâu đó trong "Chiếc thuyền ngoài xa". Làng chài này có "đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật", "con nhà nào cũng trên dưới chục đứa", nhà của thằng Phác cũng không phải là ngoại lệ. Vì nghề nghiệp, ít học nên có quan niệm đẻ con đông là tốt, trời sinh voi sinh cỏ nên họ đẻ ra hàng đàn con, nhưng họ có biết đâu chính họ là cái gốc cây, cái tảng đá lớn sẽ ngăn trở xã hội tiến lên con đường hiện đại hoá; làm cho nghèo khổ đeo bám không rời, phải "ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối" hàng tháng trời khi biển động. Rồi từ đó, cái nghèo khổ làm thay đổi tất cả, nảy sinh mâu thuẫn mới. Cái nghèo khổ làm con người ta chán nản, suy sụp, thay đổi tính tình, u uất trong người và cuối cùng, đánh đập vợ con để giải toả nỗi khổ. Đó cũng là lí do để chúng ta giải thích tại sao cha thằng Phác từ một người "cục tính nhưng hiền lành" lại trở thành một ông chồng vũ phu, đánh đập vợ ở dưới thuyền rồi lên bờ và nguyền rủa vợ con chết đi. Thật đau lòng biết bao!
Ở "mỗi con người đều chứa trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ nhận thức, khám phá tất cả những cái đó". Trong "Chiếc thuyền ngoài xa", Nguyễn Minh Châu tiếp tục khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ với nét đẹp đời thường. Thái độ cam chịu, nhẫn nhục nhưng không phải mù quáng khi bị chồng đánh. Tình thương con vô hạn, tận tâm, bao bọc, che chở, cố tránh cho con khỏi bị tổn thương, luôn mang mặc cảm có lỗi. Với suy nghĩ "sống cho con chứ không thể sống cho mình" mà người đàn bà làng chài đã nhịn nhục sự vũ phu của chồng để cùng làm ăn, nuôi nấng các con và cảm thấy "vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no". Điều này càng thể hiện rõ khi thằng Phác nhảy vô đánh cha nó thì người đàn bà mếu máo gọi tên Phác, ôm lấy con, vái con, còn cậu bé "lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt". Hành động đó làm cho ta rơi nước mắt trước tình mẫu tử thiêng liêng của họ. Có lẽ phải đau đớn, hoảng sợ đứa con có chuyện gì lắm, một người mẹ mới chắp tay "vái lấy vái để" đứa con mình. Còn đứa con thương xót mẹ nhưng nhỏ bé, bất lực, không ngờ muốn bảo vệ mẹ lại làm mẹ khổ hơn nên chỉ biết an ủi bằng những ngón tay vụng về.
Cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn người phụ nữ là vẻ đẹp mẫu tính, cam chịu, cảm thông, chia sẻ, nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh và thương con tha thiết. Đây cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" đã góp phần vào nền văn học hiện đại giá trị nhân đạo về sự bảo vệ trẻ em, tạo môi trường tốt đẹp cho trẻ em hoạt động và hình ảnh người phụ nữ vừa quen thuộc vừa mới lạ; vừa bình dị lại vừa cao cả, lớn lao bởi vẻ đẹp vĩnh hằng mang ý nghĩa nhân văn.
Tác phẩm giúp chúng ta hiểu hơn tâm hồn con trẻ, cũng như trách nhiệm đối với chúng; hiểu rõ hơn những nhọc nhằn, đắng cay, được mất của con người, giữa cuộc đời đầy rẫy những đổi thay, để chúng ta nhận biết, quí trọng, nâng niu lòng nhân ái, luôn vươn tới cái đẹp, giữ vững niềm tin vào cuộc sống, vững bước đi trong cuộc đời. Một cảm hứng chủ đạo giúp Nguyễn Minh Châu viết đượ những trang văn hay nhất mang đầy giá trị nhân đạo sâu sắc