Cuộc sống khó khăn, bận rộn khiến chúng ta mỏi mệt và đôi khi trở nên lười biếng để rồi đến một lúc nào đó tự đánh mất đi tính kỉ luật, nhiều người trở nên vô trách nhiệm với chính bản thân mình, với chính cuộc đời mình. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, con người lại cứ bận rộn chăm lo cho cuộc sống của bản thân để rồi họ bắt đầu sống tách mình ra khỏi cộng đồng, cho sống cho riêng bản thân mình, một số người trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm. Lâu dần sự vô trách nhiệm ấy lại trở thành thói quen nguy hại đối với con người, từ một vài cá nhân rồi sau này sự vô trách nhiệm ấy ăn sâu vào cả một thế hệ, nếu cả xã hội thiếu đi tinh thần trách nhiệm thì cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ thực sự trở nên khó khăn, sự phát triển xã hội sẽ bị kìm hãm nghiêm trọng.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này trước tiên chúng ta phải biết và hiểu về khái niệm trách nhiệm. Vậy trách nhiệm là gì, thế nào là người có tinh thần trách nhiệm? Câu trả lời rất đơn giản vì trách nhiệm là nhiệm vụ, nghĩa vụ mà mình phải hoàn thành khi được người khác giao cho, người có trách nhiệm là người luôn sẵn sàng dốc hết sức lực và nhiệt huyết để hoàn thành công việc, dù cho có khó khăn đến mấy nhưng họ vẫn hoàn thành được sứ mệnh được giao. Thế nhưng người vô trách nhiệm lại đối lập hoàn toàn, những người mang thói vô trách nhiệm thường có tính ỷ lại, ngại khó, sợ khổ và thường có phong thái làm việc dậm chân tại chỗ. Họ thường không dốc hết sức lực của mình để hoàn thành nhiệm vụ, khi có ý tưởng hay ý kiến để giải quyết vấn đề thì họ cũng ít lên tiếng vì sợ mình sẽ phải gánh phần trách nhiệm đó. Những người như thế không có tinh thần cộng đồng, không có quyết tâm và không thể làm được việc lớn. Nếu người có tinh thần trách nhiệm dốc hết sức để hoàn thành nhiệm vụ và họ dám nhận lỗi để sửa sai thì người không có trách nhiệm lại thường đùn đẩy và chối bỏ trách nhiệm, họ luôn bảo thủ và biện họ rằng mình đúng.
Nguyên nhân dẫn đến thói vô trách nhiệm cũng rất đơn giản, đôi khi con người trở nên vô trách nhiệm vì sự lười biếng, thiếu quyết tâm. Cũng có những người ban đầu rất có trách nhiệm nhưng rồi phải sống trong môi trường toàn những kẻ vô trách nhiệm nên phải làm tất cả, lâu dần họ bắt đầu chán nản, mang trong mình suy nghĩ mình làm nhiều hơn hay tốt hơn cũng đâu có được gì hơn và rồi họ lại tự biến mình thành kẻ vô trách nhiệm. Chế độ khen thưởng hay khả năng lãnh đạo của những người đứng đầu cũng là một yếu tố, họ thiếu đi tình kịp thời và không khen thưởng hay có những chiến lược để khích lệ tinh thần trách nhiệm của nhân viên, điều này cũng khiến những nhân viên trách nhiệm không được phát huy hết khả năng của mình.
Thử nghĩ đến một vài tình huống đơn giản trong cuộc sống như khi bạn được giao một công việc nào đó quá sức với mình, nếu thực sự mình là người có trách nhiệm thì sẽ cố gắng hết sức tìm tòi để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu bạn là một người vô trách nhiệm thì sẽ luôn đem trong mình suy nghĩ công việc này quá sức đối với mình và tất nhiên không hoàn thành được cũng chẳng sao. Vậy là công việc bị trì trệ từ ngày này sang ngày khác, đến khi phải bàn giao công việc thì bản thân lại không hoàn thành nhiệm vụ, thử hỏi như thế thì có ai dám thuê bạn hay trả tiền cho bạn chỉ để bạn không chịu phấn đấu như thế.
Câu chuyện về tinh thần trách nhiệm cũng rất đúng đối với các em đang độ tuổi đến trường. Ai cũng biết học tập là một quá trình khó khăn và đầy thử thách, nếu mỗi chúng ta không tự có trách nhiệm với bản thân mình thì sẽ không thể đạt được thành công trong học tập, và điều đó không ngoại lệ với bất kì ai. Cùng là học sinh, cùng được học tập trong một nền giáo dục nhưng tại sao lại có những em học sinh giỏi và những em học sinh cá biệt yếu kém. Câu trả lời là những em học sinh giỏi đã sớm rèn luyện cho mình tinh thần trách nhiệm, họ tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Nếu gặp một bài toán khó thì họ sẽ tự tìm tòi giải quyết và khi có được câu trả lời thì họ lại có hứng thú, niềm vui hơn với môn học. Nhưng còn những em lười biếng, cứ thấy bài khó là bỏ không làm vì nghĩ bài này khó không làm các thầy cô cũng không phạt, cũng chỉ vì những suy nghĩ như thế mà em học sinh đó sẽ dần bị thụt lùi, thua kém bạn bè dẫn đến những mặc cảm trong học tập để rồi chán ghét môn học và mãi chẳng thể vượt qua được bản thân mình. Cứ thế, cứ thế bạn nhỏ sẽ chẳng thể nào tìm thấy ánh sáng thành công cho cuộc đời mình và phải sống một cuộc sống lặng lẽ, tẻ nhạt.
Ta có thể bắt gặp sự vô trách nhiệm ở bất kì ai, bất cứ đâu và trong bất kì lĩnh vực nào. Nhà nước và các tổ chức vẫn thường hay tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta, thế nhưng tại sao môi trường vẫn không được cải thiện, thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng. Câu trả lời là vì cái lợi trước mắt, với một số người thì đó chỉ là vài mẩu rác vứt bừa bãi, hay công ty, xí nghiệp thì cho rằng đổ nước thải chưa qua xử lí ra sông sẽ thu được nhiều lợi nhuận và điều đó sẽ giúp công ty phát triển hơn. Thế nhưng một người, hai người rồi mọi người đều làm như thế, cả một cộng đồng thiếu ý thức trách nhiệm sẽ khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng và nếu mọi người không thức tỉnh kịp thời sẽ không thể cứu vãn được.
Thói vô trách nhiệm còn xuất hiện ngay trong gia đình của chúng ta. Nhiều người vô trách nhiệm với chính mái ấm của mình, họ vô tâm, thờ ơ và không coi trọng hạnh phúc gia đình để rồi gây ra những đau lòng không đáng có. Bạo lực gia đình, những vụ ly hôn hay con cái bất hiếu với cha mẹ giờ đây đã quá phổ biến. Họ đâu có biết trái tim khi đã bị sứt mẻ, chai sạn bởi những vết thương sẽ không thể lành lại. Những đứa con bé nhỏ tội nghiệp rồi sẽ thiếu thốn tình cảm, chúng trở nên bất hạnh rồi hơn thế nữa những đứa trẻ non nớt ấy sẽ trở nên vô cảm, không biết quý trọng hạnh phúc gia đình.
Thói vô trách nhiệm rất xấu và nó để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Những người vô trách nhiệm sẽ dần đánh mất đi sự tín nhiệm của những người xung quanh, vô trách nhiệm với người khác khiến những mối quan hệ bị sứt mẻ và lâu dần sẽ chẳng còn ai xung quanh muốn giao lưu hay giúp đỡ những kẻ vô trách nhiệm như thế nữa. Thói vô trách nhiệm cũng khiến con người ta mất đi sự sáng tạo, khả năng tìm tòi và phát triển sự nghiệp của bản thân, họ sẽ trở nên dựa dẫm vào người khác và không thể thành công trong công việc, cuộc sống. Vô trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, rồi kéo theo là hàng loạt đau thương, mất mát mà những người thân của chúng ta phải gánh chịu. Xã hội có những kẻ vô trách nhiệm sẽ không thể phát triển và rơi vào tình trạng thụt lùi.
Thói vô trách nhiệm gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải rèn luyện và phấn đấu để không trở thành kẻ vô trách nhiệm. Để làm được điều đó, mỗi cá nhân cần có lối sống lành mạnh, sẵn sàng và nhiệt huyết hoàn thành công việc của mình. Chớ ngại khó, ngại khổ hay trì trệ công việc của mình. Cần nâng cao kỉ luật bản thân và tự kiểm điểm bản thân nếu không hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Đây không chỉ là nhiệm vụ của vài cá nhân mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng, cần lên án những kẻ thiếu tinh thần trách nhiệm và học tập, tuyên dương những tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm để mọi người tiếp tục phát huy.
Trách nhiệm không có nghĩa là tự mình làm tất cả vì sau cùng chúng ta cũng chỉ là những con người nhỏ bé và có giới hạn, vì vậy, cũng cần đến sự sẻ chia và giúp đỡ của mọi người để công việc được hoàn thiện hơn. Cần nhắc nhở, đôn đốc những người khác để họ tự hoàn thành công việc của mình, thay vì làm hết tất cả hãy hướng dẫn người khác để họ có thể tự làm và học hỏi.
Để một xã hội phát triển hơn nữa thì luôn cần những công dân có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, vì vậy mọi người hãy cùng nhau rèn luyện, học tập để nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình. Là một học sinh, em cũng nhận ra trách nhiệm của mình không chỉ có mỗi việc học mà còn phải giúp đỡ bố mẹ việc nhà, trở thành một người con ngoan trò giỏi, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh hơn.