Bài văn mẫu số 1
Trương Ba, gần 60 tuổi - là một người làm vườn tốt bụng, đặc biệt rất cao cờ. Do tắc trách, Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Vợ Trương Ba lên Thiên đình kiện. Theo gợi ý của Đế Thích, để sửa sai, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ở làng bên vừa mới chết, mới ngoài 30 tuổi, để được sống lại
Trú nhờ thể xác hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng; gia đình Trương Ba ngày càng lủng củng. Đặc biệt, sống bằng thân xác hàng thịt, Trương Ba dần dà tiêm nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn xa lạ với ông. Gay nhất là chị hàng thịt đòi hỏi Trương Ba phải là người đàn ông thực sự của chị. Lí trưởng nhân đấy sách nhiễu vòi tiền; con trai Trương Ba ngày càng đắc ý, lấn lướt, coi thường bố. Ngược lại, vợ, con dâu, cháu nội Trương Ba không thể chịu nổi và dần dần xa lánh. Trương Ba vô cùng đau khổ.
Bài văn mẫu số 2
"Hồn Trương Ba da hàng thịt" được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, ra mắt lần đầu năm 1984. Đây là tác phẩm Lưu Quang Vũ dựa vào cốt truyện dân gian để viết và đã rất thành công.
Tác phẩm xoay quanh một tình huống kịch khá đặc biệt: do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu (hai vị quan trên thiên đình) mà Trương Ba - một người làm vườn tốt bụng, hiền lành, khỏe mạnh, giỏi đánh cờ bỗng dưng bị chết đột ngột. Vì thương quý Trương Ba mà tiên cờ Đế Thích đã hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Từ đó Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái, rắc rối: lí trưởng sách nhiễu, con trai hư hỏng, vợ đòi bỏ đi, cháu gái không nhận ông. Còn tính nết Trương Ba thay đổi, trở nên phũ phàng, thô lỗ, bị mọi người xa lánh. Cuối cùng Trương Ba chọn cái chết, không nhập vào xác ai nữa. Đây là cách ông thấy mình được sống toàn vẹn bên cạnh những người thân yêu.
Bài văn mẫu số 3
Trương Ba bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác anh hàng thịt Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đinh Trương Ba cũng thấy anh xa lạ...; bản thân Trương Ba thì khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo.
Đặc biệt thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu, một số nhu cầu vốn không phải của chính bản thân mình. Trước nguy cơ tha hoá về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân của kẻ khác. Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận chết, để "không còn cái vật quái gở mang tên: Hồn Trương Ba da hàng thịt nữa''.
Bài văn mẫu số 4
Hồn Trương Ba da hàng thịt được sáng tác năm 1981 và ra mắt vào năm 1984. Đoạn trích là cuộc đối thoại giữa hồn và xác, phản ánh mâu thuẫn giữa việc được sống với việc sống là chính mình của nhân vật Trương Ba. Trương Ba vốn là một người làm vườn giỏi, lại còn tốt bụng, yêu thương vợ con nhưng sự tắc trách của Nam Tào và Bắc Đẩu trên thiên đình đã khiến cho Trương Ba phải chết đột ngột. Để sửa sai, hai vị quan ấy đã cho hồn của Trương Ba được nhập vào xác của anh hàng thịt vừa mới chết. Cũng từ đây, tình huống truyện được đẩy lên cao trào khi hồn và xác có những mâu thuẫn, không thể hòa hợp. Hồn Trương Ba thì luôn cho rằng mình có một đời sống riêng trong sạch, thẳng thắn, còn thân xác của anh hàng thịt thì lại vũ phu, thô kệch. Khi hồn Trương Ba đối thoại với thân xác của anh hàng thịt thì bị rơi vào hoàn cảnh đuối lí, hồn Trương Ba cảm thấy thật xấu hổ và ti tiện cho những hành động "tay chân run rẩy", "hơi thở nóng rực", "cố nghẹn lại" khi đứng cạnh vợ anh hàng thịt trong thân xác là của người chồng. Hơn thế nữa, hồn Trương Ba không chấp nhận việc thân xác ấy đã tát đứa con trai "tóe máu mồm máu mũi". Trương Ba còn gặp rất nhiều phiền toái khi nhập vào xác anh hàng thịt: lí trưởng sách nhiễu, vợ anh hàng thịt đòi chồng và đến cả gia đình của Trương Ba cũng không thừa nhận ông. Cuối cùng, Trương Ba đã chọn cái chết, không phải sống nhờ trong thân xác ai cả, không muốn phải sống khi không được là chính mình. Tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ đã gửi gắm một ý nghĩa sâu xa. Đó là con người phải luôn sống là chính mình, không ngừng hoàn thiện thể xác và tâm hồn, đấu tranh với cái ác để giữ được đúng bản chất và lương tâm trong sạch của mỗi cá nhân.
Bài văn mẫu số 5
Trương Ba bị sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu mà chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Bắc Đẩu cho hồn của Trương Ba nhập vào da hàng thịt. Từ đây, hồn Trương Ba da hàng thịt bắt đầu có những mâu thuẫn. Trương Ba còn phải chịu sự xa lánh của con dâu và cháu trai, bị con trai lên mặt. Trương Ba vô cùng đau khổ. Hơn thế nữa, Trương Ba cảm thấy tâm hồn trong sạch của mình không hề hòa hợp với những hành động vụng về, thô lỗ của anh hàng thịt kia. Trước cuộc đấu lí với thân xác, hồn của Trương Ba bị đuối lí, cảm thấy những hành động của thể xác thật ti tiện, không đúng với cái tâm lương thiện vốn có của ông. Được sống nhưng không phải là chính mình, cuối cùng Trương Ba đã lựa chọn cái chết, ông không nhập vào xác anh hàng thịt nữa, cùng không nhập vào xác cu Tị mà chọn cách ra đi để bảo toàn cái tâm mà ông vẫn luôn giữ. Chính sự đối lập giữa thể xác và tâm hồn đã khiến cho tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt mang đến một giá trị nội dung cho bạn đọc, rằng: Con người phải biết đấu tranh chống lại nghịch cảnh, với chính bản thân mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Bài văn mẫu số 6
Nhà văn Lưu Quang Vũ đã sáng tác Hồn Trương Ba da hàng thịt với một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là sự sống của một con người đã chết trong thân xác của kẻ khác. Trương Ba năm nay 60 tuổi, bị Nam Tào và Bắc Đẩu bắt chết nhầm. Để sửa lỗi nên Nam Tào, Bắc Đẩu đã hồi sinh hồn Trương Ba vào thể xác của anh hàng thịt, năm nay 30 tuổi.
Khi nhập vào thân xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, vợ anh hàng thịt đòi chồng, con trai Trương Ba thì lên mặt, lấn lướt. Đến người con dâu và đứa cháu nội mà Trương Ba yêu quý là cu Tị cũng xa lánh ông.
Tâm hồn trong sạch, thanh khiết của Trương Ba bị nhiễm phải những thói xấu của thân xác anh hàng thịt cộc cằn, thô lỗ. Hồn và xác đối thoại với nhau, hồn Trương Ba không thể cãi lại những hành động ti tiện của thân xác đối với vợ anh hàng thịt và sự thô bạo khi đánh con trai - cái chứng cứ mà thân xác đã nêu ra. Cuối cùng, vì quá đau khổ nên Trương Ba đã gọi Nam Tào, Bắc Đẩu xuống để xin được chết, Trương Ba muốn được sống là chính mình chứ không phải là đi vay mượn thân xác của người khác.
Bài văn mẫu số 7
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch xoay quanh một tình huống kịch khá đặc biệt: Trương Ba, gần 60 tuổi – một người làm vườn chất phác, cần cù, yêu vợ, quý cháu và giỏi đánh cờ bỗng nhiên lăn ra chết do sự tắc trách nhầm lẫn của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình. Đế Thích – một ông Tiên quý trọng tài cờ của Trương Ba đã hóa phép làm cho ông sống lại bằng cách để hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết.
Sống nhờ trong thân xác của một người khác khiến hồn Trương Ba gặp nhiều rắc rối, phiền toái. Ông ngày càng trở nên xa lạ, đáng sợ trong mắt vợ, con dâu và cháu nội. Ba tháng sống trong thân xác anh hàng thịt hồn Trương Ba có nguy cơ bị thân xác lấn át. Ông phải đấu tranh chật vật với những ham muốn bản năng, dục vọng thấp hèn của anh hàng thịt. Bản thân Trương Ba rất đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo và không được làm chính mình. Cuối cùng Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho hàng thịt và không chấp nhận nhập vào xác cu Tị để bảo toàn sự trong sạch của mình. Ông kiên quyết tìm đến cái chết và khước từ sự sống không phải của mình cho dù sự sống là muôn phần đáng quý.
Bài văn mẫu số 8
Hồn Trương Ba da hàng thịt là truyện kể về Trương Ba, một người làm vườn sáu mươi tuổi tốt bụng và đặc biệt ông chơi cờ rất giỏi. Trương Ba bị chết oan do sự tắc trách của Nam Tào, vì muốn sửa sai, Nam Tào đã để Trương Ba nhập vào xác của một anh hàng thịt vừa mới chết ở làng bên.
Sau khi sống lại trong thân xác của hàng thịt, Trương Ba gặp không ít phiền toái như lí trưởng sách nhiễu anh, vợ của anh hàng thịt thì ra sức đòi chồng khiến gia đình Trương Ba gặp nhiều cảnh khốn đốn. Sống ở thân xác cảu hàng thịt, Trương Ba không giữ được nét thanh tao ngày xưa, ông bị tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, cùng với nhu cầu vốn trước kia rất xa lạ đối với ông. Khó khăn như ập đến với ông, phiền toái nhất có thể là việc vợ của da hàng thịt đòi hỏi ông phải là người đàn ông thật sự, con trai của Trương Ba ngày càng coi thường bố, gia đình ông thì ngày càng xa cách. Trương Ba đau khổ vô cùng trước nghịch cảnh sống nhờ thể xác này.
Cuối cùng,không thể chịu nổi nữa,không muốn tâm hồn vốn cao khiết của ông bị thay đổi nữa, Trương Ba yêu cầu trả thân xác lại cho hàng thịt cũng không chịu sống trong thân xác cu Ti. Ông chết để bảo vệ lấy linh hồn thanh cao giản dị của mình.
Bài văn mẫu số 9
Lưu Quang Vũ - Một hiện tượng đặc biệt trong sân khấu kịch những năm 80 của thế kỷ 20, một trong những nhà soạn kịch tài ba của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của ông đã được công diễn trên nhiều sân khấu cả trong và ngoài nước. Đoạn trích trong chương trình Ngữ văn được học trích từ cảnh VII và đoạn kết của vở kịch, dưới đây là phần tóm tắt nội dung đoạn trích.
Vở kịch kể về chuyện ông Trương Ba - một người làm vườn tốt bụng, thanh cao và chơi cờ giỏi, hồn Trương Ba xuất hiện vì Trương Ba đã chết, cái chết của ông là cái chết oan, do sự tắc trách của quan trên thiên đình, vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba được sống lại nhập vào xác anh hàng thịt ở làng bên vừa mới chết. Từ đó, hồn Trương Ba ở trong xác hàng thịt, xác hàng thịt chứa hồn Trương Ba, biết bao nhiêu rắc rối bắt nguồn từ đây. Đầu tiên là lý trưởng sách nhiễu với ông, vợ con của tên hàng thịt thì đòi cha, đòi chồng, hơn thế, ở trong thân thể của một kẻ to xác thô kệch khiến ông trở nên vụng về và cục cằn không thể như trước. Bản thân ông bị nhiễm nhiều thói xấu và phải làm theo, phục tùng những ý muốn dung tục của da hàng thịt, những thứ mà trước kia rất xa lạ với ông.
Cuộc cãi nhau giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt nhiều lần diễn ra, ông không thể nào chấp nhận và chán ghét, khinh thường cái thân thể của da hàng thịt. Rồi dù ông còn sống nhưng vợ, con, cháu của Trương Ba đều không còn gần gũi, kính trọng ông nữa, vợ thì muốn bỏ đi, cái Gái và Cu Tị đều ghét bỏ ông, người con dâu thì than vãn về sự đổ vỡ của gia đình. Hồn Trương Ba cảm thấy mình sống mà không được làm chính mình thì chẳng có gì đáng để sống nữa, ông thắp hương gọi Đế Thích xuống để thỉnh cầu. Ông nói ra nỗi khổ tâm khi phải sống nhờ thân xác của kẻ khác, nỗi nhục khi phải làm theo ý người khác và mong muốn được thoát ra khỏi thân xác của da hàng thịt, không chung sống với nó nữa, ông xin chết cho thảnh thơi. Nhưng Đế Thích một mực khuyên can, cho rằng cái chết của ông là do quan làm sai, sai thì phải sửa, phải cho ông sống lại. Trương Ba nhận ra rằng có những cái sai không thể sửa được nữa và dù Đế Thích có ngỏ ý cho ông nhập vào xác Cu Tị vừa mới chết ông cũng không cần, đổi lại ông nhờ Đế Thích trả hồn cho da hàng thịt, cho Cu Tị được sống lại, còn ông đã chết thì hãy cho ông chết hẳn. Đế Thích cuối cùng cũng chấp thuận lời thỉnh cầu của ông, cho hồn ông được gặp lại vợ con dặn dò rồi qua đời.
Qua đoạn trích, ta thấy được bi kịch của một con người khi rơi vào nghịch cảnh sống nhờ, sống tạm khiến cho tâm hồn thanh cao bị tha hóa, nhiễm độc. Tác giả đã nhắn nhủ tới mọi người, chẳng có gì đáng quý hơn khi được sống là chính mình, sống với những giá trị đích thực của mình. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi có được sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.
Bài văn mẫu số 10
Câu chuyện kể về nhân vật ông Trương Ba - một người làm vườn hiền lành yêu thương vợ con và gia đình đặc biệt là đứa cháu nội duy nhất. Ông chăm chỉ làm vườn, chăm chút cho cây cối khi thoảng thì chơi cờ cùng Đế Thích. Cứ tưởng cuộc sống bình yên tiếp diễn nhưng do sự tắc trách khi làm việc của Nam Tào và Bắc Đẩu đã gạch nhầm tên ông trong sổ tử vô tình buộc Trương Ba phải chết. Để sửa chữa lỗi lầm hai vị đã nghe theo hướng giải quyết tốt nhất của Đế Thích là cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết để ông được sống lại với gia đình. Rắc rối từ đây cũng bắt đầu, cao trào trong câu chuyện đã được đẩy lên.
Đoạn trích trong sách giáo khoa là cảnh VII đây cũng là đoạn kết của vở kịch với cuộc tranh đấu giữa hồn và xác cùng những đau khổ, giày vò của Trương Ba khi nhập hồn vào xác anh hàng thịt thì bắt đầu có những rắc rối xảy ra: lí trưởng sách nhiễu, con trai hư hỏng, cháu gái không nhận ông, gia đình bất hòa, vợ anh hàng thịt một mực đòi chồng. Khó khăn nhất là Trương Ba có những thay đổi: hay ăn thịt, uống rượu và thô lỗ, phũ phàng không còn vẻ điềm đạm như trước. Cuộc tranh đấu đã diễn ra quyết liệt xác có lí của xác, hồn có lí của hồn. Cuối cùng Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, ông bằng lòng với cái chết để được toàn vẹn hơn là sống nhục nhã gửi hồn vào thân xác người khác. Ông cũng không đồng ý nhập vào xác cu Tị. Đây là đoạn trích hay nhất trong toàn bộ vở kịch, ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc về cách sống toàn vẹn, sống là chính mình sẽ còn mãi với thời gian.
Bài văn mẫu số 11
Trương Ba rất giỏi đánh cờ. Nam Tào đã xoá tên ông trong sổ Trời. Sau đó, Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba tái sinh nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Từ đó, hồn Trương Ba trú ngụ trong xác hàng thịt, xác hàng thịt mang hồn Trương Ba. Cũng từ đó xảy ra bao chuyện lộn xộn. Lí trưởng sách nhiễu. Vợ hàng thịt đòi chồng. Vợ, con, cháu của Trương Ba cảm thấy chồng, cha, ông của mình sao mà xa lạ, vụng về và cục cằn. Bản thân Trương Ba có quá nhiều thay đổi: Nhiễm nhiều thói xấu, trở nên tha hoá, sống lạc lõng. Có nhiều lúc hồn Trương Ba và xác hàng thịt cãi nhau, nặng lời với nhau. Vợ Trương Ba chán ngán đòi bỏ đi. Cái Gái, cu Tị, hai đứa cháu đều ghét ông. Chị con dâu đau khổ nói với hồn Trương Ba về sự tan hoang, đổ vỡ của gia đình, "đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần...". Hồn Trương Ba bải hoải bài hoài, thắp hương xin gặp Đế Thích. Gặp Đế Thích, hồn Trương Ba nói về thân phận cay đắng "sống nhờ" của mình và xin được chết cho thảnh thơi. Đế Thích hết lời khuyên giải, nhưng hồn Trương Ba vẫn không nghe. Vừa lúc đó, cái Gái chạy đến oà khóc, báo tin cu Tị con chị Lụa đã chết. Nam Tào, Bắc Đẩu báo tin Ngọc Hoàng đã tha cho Đế Thích cái tội nhập hồn Trương Ba vào xác hàng thịt và cho phép hồn Trương Ba được sống trong xác hàng thịt. Nhưng hồn Trương Ba xin được chết để cu Tị sống lại. Hồn Trương Ba an ủi, dặn dò vợ con rồi nhắm mắt qua đời.
Bài văn mẫu số 12
Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ sáng tác theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống hiện thời. Đoạn trích trong sách giáo khoa là một phần của cảnh 7, cảnh cuối cùng của vở kịch. Chúng ta có thể tóm tắt tình huống kịch trong đoạn trích này như sau:
Đây là cảnh cuối của vờ kịch, nghĩa là lúc kịch tính của vở kịch đã lên tới đỉnh điểm, nghĩa là lúc xung đột giữa linh hồn và thân xác của Trương Ba đã đến hồi quyết liệt nhất. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với những bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán chính mình. Tâm trạng ấy của Hồn Trương Ba đã được thể hiện ngay đầu đoạn trích: “không, tôi không muốn sống như thế này mãi. Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lần!”.
Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống như thế này mãi được. Hồn muốn tách ra khỏi cái thân xác kềnh càng, thô lỗ. Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác với sự giễu cợt, tự đắc của Xác khiến Hồn càng khổ đau, cảm thấy bế tắc.
Thái độ cư xử của những người thân trong gia đình (người vợ, đứa cháu và nhất là chị con dâu mà Trương Ba hằng yêu thương, tin cậy) khiến ông càng đau khổ, tuyệt vọng để đi đến quyết định giải thoát.
Cuộc gặp gỡ đối thoại cuối cùng của Hồn Trương Ba với tiên Đế Thích và quyết định dứt khoát của Hồn Trương Ba.
Quyết định dứt khoát của Hồn Trương Ba thể hiện qua chi tiết nhân vật độc thoại nội tâm, quyết không chịu khuất phục thân xác và tự đánh mất mình, sau đó lấy nén hương châm lửa thắp lên để gọi tiên Đế Thích. Bước ngoặt này chuẩn bị cho việc giải quyết xung đột kịch về sau.
Bài văn mẫu số 13
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” kể về câu chuyện của Trương Ba, một người làm vườn gần 60 tuổi. Ông là người hiền lành, khỏe mạnh, tốt bụng, được rất nhiều người yêu quý. Trái ngược hoàn toàn với nhà Trương Ba, gia đình hàng thịt suốt ngày to tiếng chỉ vì vợ hàng thịt sinh con gái nên ông thường xuyên đánh vợ mình.
Trương Ba còn nổi tiếng với tài năng đánh cờ rất hay nên nhiều lần Đế Thích đã hạ giới để chơi cùng với ông. Vì một lần, Nam Tào tắc trách đã gạch nhầm tên Trương Ba làm ông bị chết. Để sửa lại, Nam Tào đã theo gợi ý của Đế Thích cho hồn Trương Ba nhập vào xác của hàng thịt ở làng bên vừa mới chết để tiếp tục sống lại.
Sau khi trú nhờ thể xác của hàng thịt, hồn Trương Ba sống dậy vui mừng trở về gặp vợ. Ban đầu thay vì mừng thì vợ ông lại bất ngờ, sợ hãi, bà không nghĩ đó là Trương Ba. Nhưng sau khi nghe ông kể lại thì bà đành tin lời, hạnh phúc biết bao. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Trương Ba gặp rất nhiều rắc rối.
Khi ở trong thân xác hàng thịt, Trương Ba dần bị tiêm nhiễm một số thói hư tật xấu và bắt đầu có những nhu cầu mà trước đây nó vốn xa lạ với ông. Nhất là chị hàng thịt cứ đòi lại chồng, luôn yêu cầu ông phải làm người đàn ông thực sự của chị. Tên lý trưởng cũng nhân đấy mà sách nhiễu vòi tiền ông. Gia đình ông trở nên xào xáo, người con trai Trương Ba ngày càng lấn át, không coi bố ra gì. Vợ và con dâu, cháu nội ông thì không thể nào chịu nổi cảnh này nên dần dần tránh xa ông.
Trương Ba cảm thấy vô cùng đau khổ trước nghịch cảnh ông đang phải sống. Nên đã quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Đế Thích bảo sẽ nhập ông vào xác cu Tị nhưng Trương Ba kiên quyết xin cho mình chết.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, nội dung truyện đề cao giá trị con người, về sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Lưu Quang Vũ muốn đưa đến một thông điệp cuộc sống con người quý giá nhất khi được sống đúng là mình, với những giá trị mình muốn, mình theo đuổi. Và con người cần phải đấu tranh trước chính bản thân mình, trước những nghịch cảnh éo le, sự dung tục để ngày càng hoàn thiện hơn nhân cách, vươn tới các giá trị cao quý.