Dàn ý chi tiết nêu suy nghĩ của em về: Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn"
2. Thân bài
a, Giải thích vấn đề nghị luận
- Giải thích các khái niệm: Tự hào, xấu hổ.
- Giải thích nội dung câu nói: Khái quát mối quan hệ và giữa hai trạng thái cảm xúc: điều cần thiết là biết tự hào, nhưng quan trọng hơn, con người cần biết xấu hổ.
b, Phân tích, chứng minh, bàn luận vấn đề
- Tự hào là điều cần thiết:
+ Tự hào là một trong những cơ sở hình thành sự tự tin.
+ Khi biết tự hào, chúng ta sẽ có được niềm tin và tin tưởng vào những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra.
+ Hình thành những trạng thái, cảm xúc tinh thần mang tính tính cực, lạc quan.
- "biết xấu hổ còn quan trọng hơn".
+ Khi biết xấu hổ, chúng ta đã nhận thức được những sai lầm, thiếu sót của bản thân.
+ Biết xấu hổ là một trong những yếu tố giúp con người bổ sung, sửa chữa những yếu kém và hoàn thiện, phát triển chính mình.
+ Xấu hổ còn là một đức tính thể hiện việc con người có lòng tự trọng về phẩm giá, giá trị của bản thân.
c, Lật lại vấn đề
- Những người quá tự tin dẫn đến tự phụ.
- Những người quá tự ti dẫn đến hèn nhát, yếu đuối.
d, Bài học nhận thức và hành động
3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của câu nói. Liên hệ bản thân.
Bài văn mẫu số 1
Trong hành trình hoàn thiện và phát triển nhân cách, bên cạnh việc không ngừng trau dồi tri thức, con người cần rèn luyện rất nhiều đức tính khác nhau. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Câu nói đã để lại bài học sâu sắc về việc con người cần có niềm tự hào đối với những điều tốt đẹp của bản thân, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết xấu hổ để nhận thức được những sai lầm, yếu kém.
Tự hào và xấu hổ là hai trạng thái tinh thần hoàn toàn trái ngược nhau trong tâm lí con người. "Biết tự hào về bản thân" là việc con người nhận ra những điểm tốt đẹp mà mình đang có và tự tin, hãnh diện về điều này. Còn "xấu hổ" là cảm xúc tự ý thức được sai lầm hay yếu kém của bản thân, thể hiện qua sự ngượng ngùng hay hổ thẹn. Câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã khái quát mối quan hệ và giữa hai trạng thái cảm xúc tưởng như đối lập của con người: điều cần thiết là biết tự hào, nhưng quan trọng hơn, con người cần biết xấu hổ.
Vậy thì tại sao "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn"? Như chúng ta đã biết, tự hào cũng đồng nghĩa với việc con người nhận ra những điểm mạnh và điều tốt đẹp mà bản thân mình đang có. Điều này sẽ hình thành sự tự tin - một trong những nhân tố quyết định sự thành công của con người. Khi biết tự hào, hay nói cách khác, khi có thái độ tự tin, chúng ta sẽ có được niềm tin và tin tưởng vào những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Từ đó hình thành những trạng thái, cảm xúc tinh thần mang tính tính cực, lạc quan và vận động tối đa mọi năng lực, hiểu biết, sở trường, điểm mạnh để hoàn thành tốt công việc. Như vậy, tự hào sẽ tạo ra động lực tích cực để thúc đẩy con người nỗ lực, cố gắng.
Bên cạnh tự hào thì đối với con người, "biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Bởi khi biết xấu hổ, đồng nghĩa với việc chúng ta đã nhận thức được những sai lầm, thiếu sót của bản thân, đồng thời tìm ra những định hướng để khắc phục, sửa chữa. Như vậy, biết xấu hổ là một trong những yếu tố giúp con người bổ sung, sửa chữa những yếu kém và hoàn thiện, phát triển chính mình. Đồng thời, xấu hổ còn là một trạng thái cảm xúc thể hiện việc con người có lòng tự trọng về phẩm giá, giá trị của bản thân.
Mặc dù tự hào và tự biết xấu hổ là những phẩm chất cần thiết nhưng để phát huy hết tác dụng và ý nghĩa mà chúng đem lại, chúng ta cần phải biết kết hợp hai biểu hiện này. Con người không nên quá tự hào về bản thân mà dẫn đến kiêu căng, tự phụ, đánh giá sai lầm, ảo tưởng về năng lực của bản thân. Đồng thời, không nên quá tự ti phủ nhận năng lực của chính mình. Khi dung hòa được điều này, đồng nghĩa với việc con người đã có được một hành trang về kĩ năng để sống và phát triển không ngừng.
Như vậy, câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã thể hiện một bài học có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận ra những điểm mạnh của bản thân để phát huy, đồng thời nhận thức về những yếu kém, thiếu sót để sửa chữa.
Bài văn mẫu số 2
Làm người, vốn dĩ là một niềm tự hào lớn, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Nói một cách cụ thể, mỗi người đều có những điều tự hào riêng về bản thân như tự hào về nhân cách, tài năng hay vẻ đẹp hình thể,… và đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ biết hãnh diện về những gì tốt đẹp mình có mà không biết phản tỉnh để cảm thấy hổ thẹn về những điều kém cỏi, lỗi lầm của mình thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn. “Tự hào” và “xấu hổ” nên được nhận thức như thế nào cho đúng? Đó chính là nhan đề được đặt ra trong ý kiến “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
Biết tư hào về bản thân là thái độ hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có, về những đóng góp của mình cho cuộc sống; biết xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Nội dung của ý kiến trên chủ yếu đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của mình.
Chúng ta thấy ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định sự cần thiết của việc biết tự hào. Biết tự hào về những gì tốt đẹp của bản thân sẽ giúp ta biết tự khẳng định mình, giúp bản thân thêm tự tin, từ đó có thêm động lực để vươn tới những ước mơ lớn hơn. Chẳng hạn khi được thầy cô khen ngợi vì đạt được thành tích tốt trong học tập, chúng ta thường cảm thấy phấn chấn tinh thần vì nỗ lực được công nhận, giá trị bản thân được nâng cao trong mắt người khác. Đó là những cảm xúc tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân, một trong những yếu tố tiên quyết để thành công.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh vì tự hào quá mà biến thành thái độ tự cao, tự đại. Nhiều người mới đạt được chút thành tựu đã hội trở nên hợm hĩnh, đánh giá bản thân cao quá quá cao so với thực lực. Đó chính là bước đầu tiên dẫn đến thất bại. Chúng ta chứng kiến không ít vận động viên thể thao có thể đạt thành tích rất cao trên đấu trường khu vực quốc tế nhưng khi thi đấu trên sân nhà lại gặp thất bại trước một đối thủ kém cỏi hơn mình.
Nếu mỗi người bên cạnh việc biết tự hào còn biết tự xấu hổ thì ắt sẽ cân bằng được nội tâm của mình vì nó là biểu hiện của ý thức hoàn toàn tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách. Tự giác tức là tự biết bản thân bên cạnh những điều tốt đẹp mà ta sở hữu, vẫn còn có nhiều khiếm khuyết hoặc lỗi lầm mà vô tình hay cố ý ta có thể gây ra cho người khác. Từ đó hình thành cho mình một thái độ cầu thị, khiêm cung; một ý thức thường trực mài giũa “ngọc sáng trong tâm” khiến nhân cách ngày càng hoàn thiện. Biết xấu hổ còn giúp con người tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo đức xã hội. Hay nói cách khác nếu chúng ta biết xấu hổ thì sẽ không bao giờ phải xấu hổ.
Biết xấu hổ mang lại nhiều lợi ích như thế, tuy nhiên cần phân biệt thái độ này với thái đọ lúc nào cũng đánh giá thấp bản thân vì sự tự ti, mặc cảm. Đành rằng con người ai cũng có khuyết điểm, nhưng cần nhìn nhận công bằng, khách quan cả hai mặt sáng – tối, đẹp – xấu trong mỗi con người để biết tự hào trong những trường hợp chính đáng. Có bạn học sinh học lực khá tất cả các môn, duy chỉ môn Toán là thường điểm dưới trung bình. Thay vì tự hào về những gì đạt được và cố gắng học tập tốt môn Toán thì bạn ấy lại rất mặc cảm, dằn vặt bản thân vì sự kém cỏi của mình, từ đó mất đi lòng tự tin và động lực học tập.
Vậy thì “biết tự hào” và “biết xấu hổ” giúp ích được gì cho chúng ta? Phải chăng là bài học về nhận thức toàn diện? Đúng như vậy. Hai “cái biết” này không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau để một người nhận thức sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lên kế hoạch hành động để hoàn thiện mình. Nó cũng chính là ngọn đèn soi sáng suốt hành trình rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nhân cách của mỗi con người.
Bạn trẻ! “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Hãy luôn ghi nhớ trong lời nhắn nhủ này. Đó chính là kim chỉ nam cho bạn trên dặm dài hoàn thiện nhân cách đạo đức trong cuộc sống. Biết tự hào để ngẩng cao đầu vì những điều tốt đẹp bản thân làm được, biết xấu hổ để cúi xuống học hỏi từ những sai lầm như một cánh hoa tươi vừa kiêu hãnh vừa kiêu hãnh vừa khiêm nhường bạn nhé!