Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một vấn đề nóng bỏng trong giáo dục. Nó đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Đó là hiện tượng “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đứng trước những tác hại ghê gớm của hiện tượng này, Bộ Giáo dục đã phát động phong trào: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
“Những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là gì? Tại sao “thành tích” lại được gọi là bệnh? Câu hỏi ấy đã gây cho không ít băn khoăn, suy nghĩ. Có thể nói “tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận, vi phạm các quy chế thi (quay cóp trong giờ kiểm tra,chép bài của nhau,…). “Bệnh” hiểu theo nghĩa thông thường chính là virut, vi khuẩn làm cho trạng thái cơ thể hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường. Còn “thành tích” chính là kết quả tốt đẹp do một cá nhân, hay một tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng nếu chạy theo “thành tích”, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua chất lượng thì “thành tích” lại là một căn “bệnh”, một tệ nạn cực kỳ nguy hiểm. Thật tiếc là trong xã hội hiện nay, lại có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này.
Hiểu được bản chất của “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng mấy ai biết được nó bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân sâu xa của nó chính là do những thói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” mà từ ngày xưa, người lao động đã chê cười, phê phán. Những học sinh không chú ý nghe giảng, lười học bài, lười làm bài tập nên khi đến kỳ thi thì không biết gì cả, không làm được bài rồi lại dở trò quay cóp, gian lận, chép bài của nhau. Giám thị thấy thế không những không nhắc nhở, cảnh cáo, lập biên bản mà còn tiếp tay cho học sinh, dặn học sinh im lặng mà chép cho nhanh. Những việc làm gian lận của học sinh cùng với sự tiếp tay của giám thị đã làm cho kết quả cao lên vượt trội. Đó chỉ là “thành tích” dối trá, thực chất những học sinh đó lại chẳng biết gì. Việc làm gian lận ấy đã nhanh chóng bị thanh tra phát giác và không chỉ giám thị mà còn cả học sinh đó đều bị kỷ luật. Bên cạnh đó, có trường thì lại rất nghiêm túc, coi thi rất chặt chẽ. Vì thế mà học sinh không làm được bài, kết quả rất thấp. Trước sự việc này, nhiều giáo viên, nhiều trường lại ngấm ngầm nâng điểm học sinh để ít nhất là đạt chỉ tiêu đặt ra. Những hành vi ấy, những trường hợp ấy đã dần lan tỏa khắp nơi và do đó mà “bệnh thành tích” xuất hiện.
Xung quanh chúng ta những biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử” nhiều không kể hết. Trong giáo dục từ cấp thấp đến cấp cao đều mắc phải căn bệnh này. Nhiều trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến cho nên mới có chuyện cười ra nước mắt. Nhiều học sinh lớp bốn viết chữ chưa thành thạo, chưa thuộc hết bảng cửu chương, một phép tính đơn giản cũng không tính được. Ở các thành phố lớn, vì “bệnh thành tích” mà Ban Giám hiệu nhà trường sẵn sàng “thổi phồng” tỷ lệ học sinh khá giỏi lên tới con số đáng ngờ là 90%, trong khi thực tế lại thấp hơn rất nhiều. Có trường hợp kỳ quặc hơn là không cho học sinh yếu kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” của trường và “uy tín” của Ban Giám hiệu. Trong các kỳ thi hết cấp, cũng vì “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ oan”; do đó, càng học lên cao càng đuối. Có trường hợp một số giám thị trường này chấm thi chéo đã cố ý hạ điểm của học sinh trường kia với mục đích để tỷ lệ đỗ của trường kia kém hơn trường mình. Sự giả dối kéo dài đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập của học sinh ngày càng đi xuống.
Gần đây nhất, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, cả nước có 72 thí sinh và 02 cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Con số này, tuy có giảm so với năm trước, song nó vẫn đang từng ngày gây nhiều bức xúc dư luận, đồng thời hạ uy tín, chất lượng của ngành Giáo dục. Và cách đây sáu năm, đúng vào mùa thi tốt nghiệp, tuyển sinh, đã có một sự việc xảy ra gây bức xúc lớn trong dư luận và là vết nhơ rất nghiêm trọng của ngành Giáo dục. Đó là, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang đã gian lận trong thi cử và có học sinh đã ghi lại được hình ảnh gian lận của những học sinh đó. Những hình ảnh ấy được tung lên mạng Internet, ngay lập tức thanh tra đã xuống kiểm định lại hành động gian lận đó. Không chỉ học sinh bị kỷ luật mà còn cả giám thị, giáo viên, cán bộ coi thi cũng bị kỷ luật. Cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn năm 2012, rất nhiều học sinh thi môn Toán chỉ được 0.25 điểm. Có những học sinh xếp loại học lực giỏi ở cấp THCS, nhưng khi đi thi kết quả điểm môn Toán cũng chỉ đạt vẻn vẹn 2.0 điểm. Không hiểu sao cái “thành tích” học lực giỏi ấy là như thế nào. Phải chăng, đó chỉ là bộ mặt của trường còn chất lượng thì chẳng ra đâu vào đâu. Trở lại những năm trước nữa, vào tháng 10 năm 2007, trên thời sự có đưa tin ở một số trường THCS, học sinh lớp 7 không biết đọc, biết viết. Đọc, viết là những điều căn bản trong suốt 5 năm học Tiểu học, vậy mà không biết thì làm sao các học sinh đó có thể lên lớp, có thể tốt nghiệp được. Tất cả cũng chỉ vì “bệnh thành tích” mà ra. Giáo viên lo cho đạt chỉ tiêu tốt nghiệp 100%, phụ huynh học sinh lo chạy chọt, ăn điểm để lên lớp. Cứ như thế thì làm sao giáo dục có chất lượng được. Ngay khi chính sách “3 không” được Nhà nước ban hành một cách quyết liệt, thì hiện tượng ấy vẫn cứ diễn ra và ngày càng nặng hơn.
Biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử” không chỉ xuất hiện đối với học sinh, giáo viên, cán bộ ở cấp Trung học, Tiểu học mà nó còn xuất hiện đối với sinh viên, giảng viên, cán bộ ở cấp Đại học, sau Đại học. Hiện tượng sinh viên Đại học không lo học hành, lười biếng, chỉ chăm chăm ăn chơi, sa vào các tệ nạn tìm mọi cách lót phong bì mỗi mùa thi cử rất phổ biến. Việc sinh viên lo lót phong bì để qua môn, để điểm cao và việc giảng viên nhận lời giúp những sinh viên đó dường như đã trở thành truyền thống. Những việc làm ấy đã cho ra đời những lứa cử nhân, kỹ sư kém cỏi và đang từng ngày là gánh nặng cho xã hội, cho đất nước. Và thời sự đã từng đưa tin có một vài trường hợp bản thân là một bác sỹ học y những 6 năm nhưng chuyên môn nghề nghiệp lại vô cùng kém. Thử hỏi một bác sỹ như vậy liệu có ích hay không, hay lại là gánh nặng, là vết nhơ cho xã hội. Rồi những mùa tuyển công chức, có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển với rất nhiều ứng viên sáng giá, tiềm năng. Việc thi tuyển vẫn diễn ra bình thường, nhưng ít ai biết được rằng những xuất công chức đó đã nằm chắc trong tay những người có đôi ba trăm triệu mặc cho điểm chác thế nào. Điều đó đã làm cho một số người ngậm ngùi khóc trong khi điểm rất cao. Thật thất vọng khi có những đối tượng “tiêu cực” như vậy.
Hay những cán bộ thi tuyển rồi học thạc sỹ, tiến sỹ…. Có rất nhiều trường hợp là thạc sỹ, tiến sỹ “giấy". Bởi lẽ danh hiệu đó là kết quả của việc học bằng tiền, bằng quan hệ; thuê viết luận án, luận văn. Phải chăng, những danh hiệu trình độ đó cũng chỉ là cái “thành tích” rồi làm tiền đề, cơ sở để thăng chức, tăng lương; là cho đúng, cho đạt với chỉ tiêu của cơ quan, Nhà nước đề ra. Như vậy, chẳng khác gì đang làm cho ngành Giáo dục nước nhà đi xuống, làm hạn chế sự phát triển của xã hội…
Những “tiêu cực trong thi cử”, chạy đua theo “thành tích” gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Việc làm đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nó đã làm thái hóa nhân cách con người, thiếu trung thực, lừa mình, lừa người; tạo tâm lí học sinh ỷ lại, không phát huy được năng lực học tập, không có động lực học, không tiếp thu đựơc tri thức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy- học; giáo viên dễ đánh mất lương tâm nghề nghiệp, không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học…. Đồng thời, nó còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, cản trở sự phát triển của xã hội. Và nếu hiện tượng này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đào tạo nhân tài, đẩy chất lượng giáo dục Việt Nam tụt lại so với thế giới.
Đứng trước những nguy cơ, những hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng ấy, chúng ta cần có biện pháp tích cực ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi, chữa trị dứt điểm…. Muốn làm được điều đó, các cấp các ngành phải đồng bộ ra tay, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện những “tiêu cực”, những “thành tích” ảo. Đối với những kẻ cố tình sai phạm thì phải nghiêm trị. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức của mỗi người về hậu quả mà “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã gây ra. Đồng thời, cần điều chỉnh, xây dựng và đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ phương án giáo dục hiệu quả nhất nhằm rèn luyện, phát huy năng lực tự học, bỏ đi tính ỷ lại của học sinh; quán triệt, khích lệ, động viên giáo viên làm việc đúng lương tâm, cố gắng tìm tòi phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu.
Chúng ta phải nhận thức rõ rằng “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là thói xấu, là hiện tượng tiêu cực cản trở quá trình phát triển của đất nước. Chúng ta phải khiêm tốn, học hỏi điều hay, điều tốt, vận dụng nó vào đời sống thực tiễn và có thái độ đúng đắn trong thi cử. Đặc biệt, hãy kiên quyết “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Có như vậy, xã hội mới phát triển, đất nước ta mới có cơ hội sánh với các cường quốc trên thế giới.