Phân tích cảm hứng từ cái chết bi thảm của Lor-ca trong bài thơ Đàn Ghi ta của Lor-ca

Bài văn mẫu  số 1

Bài thơ được gợi cảm hứng từ cái chết bi thảm của Lor-ca (1898-1936). Lor-ca là nhà thơ lớn Tây Ban Nha, một trong những tài năng sáng chói của văn học thời hiện đại. Ông đã ca ngợi, cổ vũ nhân dân trong cuộc đấu tranh các thế lực phản động, đòi quyền sống chính đáng của con người với điều luật mới mẻ, gây ảnh hưởng to lớn trong nhân dân. Hoảng sợ trước điều đó năm 1936, chế độ phản động thân phát xít đang nắm quyền đã bắt giam và bắn chết ông. Tên tuổi của Lor-ca trở thành một biểu tượng, là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa Tây Ban Nha và trên thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Lor-ca có một câu thơ nổi tiếng: Khi tối chết hãy chôn tôi với cây đàn. Cái chết bi thảm ấy và cây đàn kì diệu này đã khơi nguồn cảm hứng cho Thanh Thảo viết bài thơ: Đàn ghi ta của Lor-ca.

 Bài văn mẫu số 2

Thanh Thảo - một cây bút tiên phong trên con đường hiện đại hóa thơ Việt Nam theo hướng tượng trưng, siêu thực. Thơ Thanh Thảo chú trọng khai thác cái tôi nội cảm với nhiều ngôn từ mới mẻ và hình ảnh gợi liên tưởng đa chiều. "Đàn ghita của Lorca" - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Thanh Thảo. Bài thơ thể hiện sự đau xót của Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của Lor-ca. Sức sống mãnh liệt của tiếng đàn Lorca và cách từ giã cuộc sống của Lor-ca được Thanh Thảo bộc lộ đầy xúc cảm.

"không ai chôn cất tiếng đàn

... long lanh nơi đáy giếng"

Câu thơ 'không ai chôn cất tiếng đàn" lấy ý từ câu thơ được coi là di chúc của Lor-ca "khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn". Lời di chúc này không chỉ thể hiện tình yêu nghệ thuật say đắm, yêu đất nước thiết tha mà còn thể hiện nhân cách cao đẹp của nhà nghệ sĩ thiên tài Lorca. Với Lorca, đạo đức của người nghệ sĩ phải biết lùi vào quá khứ để thế hệ sau được tự do sáng tạo cái mới. Ông hiểu nghệ thuật của mình một ngày sẽ ngăn cản hành trình sáng tạo của những người đến sau. Bởi thế, ông muốn những người tiếp nối phải biết chôn cất tiếng đàn của ông để đi tới. . Nhưng điều đau buồn là người ta không hiểu thông điệp tư tưởng của ông đã cất giấu trong lời di chúc.

"không ai chôn cất tiếng đàn" tức là không ai dũng cảm vượt qua cái cũ, thần tượng cũ để làm nên cái mới. Ý thơ thể hiện sự đồng cảm và nỗi xót thương của Thanh Thảo và cái chết của một thiên tài, nỗi xót xa, tiếc nuối hành trình cách tân dang dở của Lor-ca nói riêng và nền nghệ thuật Tây Ban Nha nói chung. Câu thơ "tiếng đàn như cỏ mọc hoang" có nhiều ẩn ý. Trước hết , nhà cách tân Lorca đã chết, nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường nên tràn lan như cỏ mọc hoang. Cách so sánh của Thanh Thảo giản dị nhưng chứa đựng trong đó bao nỗi niềm oan trái của người đã khuất. Cũng có thể hiểu hình ảnh "cỏ mọc hoang" thể hiện sức sống mãnh liệt không gì hủy hoại được của cái đẹp, nghệ thuật. Đàn ghita của Lor-ca sử dụng nhiều câu thơ, hình ảnh thơ khó hiểu bởi chúng được viết theo lối tượng trưng. Hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng" "long lanh trong đáy giếng" là trường hợp như vậy. "giọt nước mắt" và "vầng trăng" là hai hình ảnh cụ thể trên một dòng thơ. Nhưng chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Thật khó xác định. Ta phải đọc tiếp câu "long lanh trong đáy giếng" mới hiểu được ý nhà thơ muốn nói. Hai hình ảnh "giọt nước mắt" và "vầng trăng" được soi chiếu "trong đáy giếng". Nó gợi đến cái chết, số phận nghiệt ngã của Lor-ca. Và ta có thể hiểu rằng: vầng trăng nơi đáy giếng như giọt nước mắt khổng lồ, giọt nước mắt sáng trong như vầng trăng bất hủ.

Lời thơ súc tích, ý thơ sâu sắc, hình ảnh thơ trang trọng, tất cả dành để bày tỏ nỗi đau xót, tiếc thương, sự đồng cảm của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ mà ông coi là thần tượng.

"đường chỉ tay đã đứt

...li-la-li-la-li-la"

Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi khát vọng của anh ta không có ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của một nhà cách tân còn là khi tên tuổi của anh ta được đem lên bệ thờ và trở thành bức tường kiên cố cản trở sự cách tân nghệ thuật của những người đến sau. Vì vậy, nhân danh lòng kính trọng Lorca , hãy để cho Lorca có được sự giải thoát thực sự. Cách nói ẩn dụ "đường chỉ tay đã đứt" thể hiện thái độ chấp nhận định mệnh như một dấu chấm hết của đời người. Sự đối lập giữa "đường chỉ tay" nhỏ bé , ngắn ngủi với "dòng sông rộng vô cùng" gợi sự mong manh của phận người giữa thế giới rộng mênh mông.

"Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghita màu bạc".

Chiếc đàn ghi ta là tượng trưng cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Lorca bơi "trên chiếc ghi ta" cũng là bơi trên con thuyền nghệ thuật để sang cõi khác. Các hình ảnh "chàng ném lá bùa...vào xoáy nước", "ném trái tim vào lặng yên" tượng trưng cho sự giã từ, sự giải thoát. Dường như Lorca muốn rũ bỏ hết mọi ràng buộc và hệ lụy trần gian để về cõi vĩnh hằng. Các chuỗi âm thanh "li-la-li-la li-la" lặp lại ở cuối bài thơ cùng dấu "..." thật ý nghĩa. Nếu chuỗi âm "li-la-li-la li-la"' ở đoạn thơ đầu là chùm hợp âm sau ca khúc mở đầu thì chuỗi âm cuối này là chùm hợp âm vĩ thanh sau khi ca khúc ngừng lời. Nó gợi liên tưởng đến một bè trầm có phần nhạc đệm của ghita. Chuỗi âm ấy cứ ngân vang, u hoài, ám ảnh người đọc về cuộc đời và số phận của Lor-ca.

Có thể nói, sự hi sinh của Lor-ca không chỉ là nỗi đau và niềm tự hào của người Tây Ban Nha mà còn là cảm hóa được tâm hồn những người yêu chuộng cái đẹp, sự tự do và tình yêu Tổ quốc, nhân dân. Cũng vì thế, đoạn thơ đã thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Thanh Thảo đối với nghệ sĩ thiên tài Lor-ca.

Bài thơ viết theo thể tự do, không có dấu hiệu mở đầu, kết thúc, kết hợp hài hòa giữa thơ và nhạc, nhiều hình ảnh tượng trưng có sức chứa lớn về nội dung và mang màu sắc Tây Ban Nha rõ nét. Bài thơ bộc lộ nỗi đau sâu sắc trước cái chết bi thảm của Lor-ca, đồng thời bày tỏ niềm trân trọng, sự ngưỡng mộ của Thanh Thảo với người nghệ sĩ Tây Ban Nha.