Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt - Bài văn mẫu số 1
Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài ba của văn học Việt Nam. Ông để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ hay Nàng Sita. Người nghệ sĩ đa tài Lưu Quang Vũ trong những vở kịch của mình không chỉ khắc hoạ được những nhân vật điển hình với ngôn ngữ đối thoại đặc sắc, tình huống cao trào độc đáo mà còn truyền tải những giá trị lớn về tư tưởng. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một tuyệt phẩm như thế, bằng sự phát triển từ một câu chuyện dân gian" Hồn Trương Ba, da hàng thịt", tác giả đã mang đến những thông điệp lớn cho người đọc về cuộc sống, về lẽ nhân sinh trong đời.
Vở kịch thể hiện mối xung đột giữa phần hồn của một người nông dân nghèo khổ, cần mẫn, chịu khó, giàu lòng yêu thương Trương Ba và xác ông hàng thịt to lớn, thô tục, lười nhác. Vì bị Nam Tào lỡ tay gạch nhầm tên mà Trương Ba phải nhập hồn của mình vào xác anh hàng thịt để sống nhờ. Từ đó, cuộc sống của ông trở nên khó khăn hơn bởi sự khác biệt giữa phần hồn và phần xác. Nếu Trương Ba nhẹ nhàng, cẩn thận, thanh cao bao nhiêu thì xác anh hàng thịt lại thô bạo, tham lam bấy nhiêu. Sự thay đổi của Trương Ba khiến cho mọi thành viên trong gia đình Trương Ba đều cảm thấy lạ lẫm, dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể chấp nhận được sự đổi tính của con người trong cái thể xác thô tục kia. Đến cả đứa cháu xưa kia cũng yêu thương ông biết bao nhiêu giờ cũng xa lánh, xua đuổi ông. Điều đó khiến Trương Ba đau lòng vô cùng, cuối cùng ông đã quyết định từ bỏ để giải thoát cho mọi người cũng chính là giải thoát cho chính mình bằng việc đánh đổi mình để mang lại sự sống cu Tý.
Trong tác phẩm, Lưu Quang Vũ đã cho thấy được tấm lòng thương cảm của mình trước những bi kịch của con người, ở đây chính là bi kịch không được sống với chính mình của Trương Ba. Qua đó, tác giả đã lên tiếng vạch trần lối sống giả tạo, sống chạy theo hình thức mà quên đi chính mình, quên đi những giá trị tốt đẹp của bản thân, tự đánh mất bản ngã của mình mà trở nên xấu xa, tồi tệ giữa cuộc sống. Trương Ba lựa chọn cái chết là để bảo vệ cho chính mình, bảo vệ con người mình khỏi những dục vọng, xấu xa tầm thường nhất. Lựa chọn ấy như một sự nhắn nhủ tới người đọc về giá trị đích thực của cuộc sống, ta không thể nào sống hạnh phúc khi phải sống nhờ, sống gửi vào thân xác kẻ khác, không thể nào có được tự do nếu bị chi phối bởi bàn tay điều khiển của người khác. Con người muốn hạnh phúc thì trước hết phải được là chính mình.
Thứ hai, với mỗi người ai cũng có sai lầm, song có khi sai lầm dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt với những người giữ cương vị khi sai lầm sẽ dẫn đến những đau đớn, bị kịch cho người khác, thậm chí giết chết cả tính mạng của họ. Bởi vậy, trong bất kì mọi việc phải cẩn thận, rõ ràng, tránh gây những hệ lụy thương tâm như ngòi bút "lỡ tay" của Nam Tào.
Thứ ba, sự sống là điều quý giá, sống hạnh phúc và ý nghĩa càng quý giá hơn bao giờ hết. Bởi vậy, sống không chỉ là tồn tại mà sống là phải mang đến những điều tích cực, tốt đẹp cho mình và mọi người. Để sống tốt, con người phải dung hoà được bản thân về lý trí, tâm hồn và cả hình thức bên ngoài, không thể là "bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo được". Ai cũng có những nhu cầu về vật chất, cũng có những mong muốn được đẹp đẽ, giàu sang, thoả mãn bản thân nhưng không vì những tham vọng ấy mà đánh mất cả nhân cách của mình.
Cuối cùng, trên đường đời có đầy rẫy những chông gai, có những thử thách, nghịch lý bất ngờ xảy đến mà ta không thể nào đoán trước được. Điều đầu tiên phải bình tĩnh, thay đổi tốt để thích nghi. Đặc biệt, trước những cái xấu xa, ích kỷ phải biết đấu tranh để tồn tại, để giữ vững niềm tin, lý tưởng và cốt cách của mình. Từ đó, vươn tới những chân giá trị cao đẹp để có được cuộc sống trọn vẹn cho mình và cả những người thân yêu của mình.
"Hồn Trương Ba , da hàng thịt" được sân khấu hoá trên nhiều trường học và các sân khấu kịch, phim đã cho thấy độ phổ biến của nó. Những thông điệp sống tích cực được Lưu Quang Vũ tinh tế gửi đến bao thế hệ như một sự nhắn nhủ đến mọi người về lẽ sống, về giá trị sống đích thực, thức tỉnh mỗi chúng ta hãy nhìn nhận và sửa đổi chính mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tác phẩm mãi mãi như một vì sao sáng, qua bao năm tháng vẫn vẹn nguyên những giá trị lớn lao.
Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt - Bài văn mẫu số 2
Trong truyện cổ dân gian nước ta có truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Từ cốt truyện của truyện cổ dân gian đó, Lưu Quang Vũ đã phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật, sáng tác một vở kịch lớn gửi đến người đọc những thông điệp về bản thể và cách sống của con người, cụ thể là quan hệ giữa thể xác linh hồn và cách sống chân thực, lẽ sống vì mọi người.
Về quan hệ giữa thể xác và linh hồn, truyện cổ dân gian cũng quan niệm linh hồn phải có thể xác thì mới có chỗ trú ngụ và thể xác phải có linh hồn thì mới sống được nhưng truvện cổ dân gian tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn, coi nhẹ thế xác quá nên khi Trương Ba mượn được thể xác của người bán thịt thì Trương Ba coi mình là Trương Ba 100% và không băn khoăn gì về hình dạng của mình, cũng không có biến đổi gì trong tính cách...
Lưu Quang Vũ có kế thừa truyện cổ dân gian, ông cũng nhấn mạnh vai trò cao hơn của linh hồn so với thể xác. Trương Ba khi sống lại trong thân xác anh hàng thịt thì nhận biết mình là Trương Ba (dựa váo kí ức, tình cảm và ý thức tức là dựa vào phần hồn của mình). Vợ Trương Ba sau khi kiểm tra kí ức của Trương Ba cũng nhận chồng; Trương Hoạt, bạn của Trương Ba cũng vậy. Chị con dâu thì càng thương cha chồng hơn, mặc dù lúc này ông mang vóc hình khác chị thấy ở ông đức tính nhân hậu hệt như cha chồng xưa.
Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ không dừng lại ở đó, ông thấy linh hồn không hoàn toàn độc lập với thể xác, ông nhìn thấy sự chi phối của thân xác đối với linh hồn. Trương Ba trong xác anh hàng thịt, bắt đầu thích ăn tiết canh, uống rượu, nói to, tay chân trở nên thô vụng: động vào cây làm gãy chồi non, chân giẫm lên cả cây sâm quý. Bị Lí trưởng xử ban ngày phải sang nhà vợ anh hàng thịt, Trương Ba cũng có lúc bị xao động (ít ra là ở cảm giác) trước cử chỉ thân mật của chị vợ anh a và phải tự đấu tranh để thoát ra. Chính xác anh đã nói với hồn Trương Ba: ‘Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”. Cuộc tranh cãi giữa xác anh hàng thịt và hồn Trương Ba nảy ra cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác, cuộc đấu tranh trong bản thân con người để chống lại tác động xấu của thể xác làm tha hóa linh hồn.
Bản thân Trương Ba cũng tự thấy nhiều điều phiền toái và có nguy cơ tự đánh mất mình. Ông cảm thấy vướng víu xa lạ trong thân xác khác, cháu gái nội ông không nhận ông. vợ ông muốn bỏ đi, con dâu thấy ông không chỉ khác lạ về thân xác mà bắt đầu khác cả về tính tình. Trương Ba cũng đã phải tự nói: “Mày (thân xác) đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta”. Trương Ba đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh với xác anh hàng thịt, đây là cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác trong một con người Thể xác cũng có tiếng nói riêng của nó, nhu cầu riêng của nó, những nhu cầu này có cái chính đáng, có cái không chính đáng, Con người phải biết tiết chế, biết đè nén nhu cầu thể xác, thậm chí phải hi sinh một số nhu cầu...
Trước những phiền toái và nguy cơ tha hóa do sống trong thân xác mượn của ké khác, Trương Ba muốn trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Nhưng như có nghĩa là Trương ba lại phái chết. Trương Ba sẵn sàng chết vì nếu sống ông không là mình, mà mất dần nhân cách, mà nhìn thấy những người khác đau khổ (ví dụ chị vợ anh Hàng thịt, “chị ta thật đáng thương”, rồi vợ, rồi con, : cháu, như đã nói trên), thì thà chết, còn hơn.
Lúc đó có cháu Tị chẳng may ốm chết, Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác cháu, thì cháu Tị được sống lại với hồn Trương Ba, còn hồn Trương Ba được sống trong thân xác bé bỏng của cháu. Trương Ba cũng từ chối vì nếu thế, bi kịch sống không là mình lại tiếp diễn sống gây phiền toái, đau khổ cho những người khác (trước nhất là cho mẹ cháu Tị rồi đến vợ mình...). Trương Ba đề nghị Đế Thích dùng phép thiêng cứu sống cho cháu Tị còn mình chấp nhận cái chết. Đó là cách duy nhất đế hồn Trương Ba có thể thanh thản ở thế giới bên kia. ‘Từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình là Trương Ba thật, tâm hồn tôi trở lại thanh thản, trong sáng như xưa...
Trương Ba chết nhưng linh hồn Trương Ba vẫn sống trong nỗi nhớ của mọi người, sống trong sự sống vẫn đang sinh sôi của cây cỏ, của con người...
Tóm lại, qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một tình huống ẩn dụ có sức lôi cuốn và gợi suy nghĩ sâu sắc, gửi tới người đọc thông điệp: “Trong con người có hai thực thể là thể xác và linh hồn, hai thực thể đó có quan hệ hữu cơ với nhau nhưng cùng có tính độc lập tương đối với nhau. Con người phải luôn luôn đấu tranh với bản thân, điều chỉnh, làm chủ những nhu cầu, ham muốn để có được sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác hướng tới sự hoàn thiện nhân cách. Đó là sống thành thật, sống trong sạch, là sống vì mọi người, không thể sống giả dối, sống bằng mọi giá, sống trên sự đau khổ của người khác...”. Tư tưởng triết lí của Lưu Quang Vũ, về con người, về quan hệ giữa linh hồn và thể xác, về cách sống và lẽ sống của con người vừa biện chứng, vừa lạc quan và cao thượng. Điều này cùng với tài năng sáng tạo nghệ thuật của tác giả đã làm cho vở kịch có giá trị nhân văn cao, vươn tới tầm nhân loại.