Nói đến Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936), không một người dân Tây Ban Nha nào không biết, bởi ông được coi là thần tượng, tiêu biểu cho lòng nhân ái, tình yêu nồng nhiệt, tính cách phóng khoáng và khát vọng tự do của dân tộc. Hình ảnh Lor-ca gắn liền với hình ảnh cây đàn ghi ta. Tiếng đàn, lời thơ của Lor-ca luôn vang lên ca ngợi khát vọng tự do, ca ngợi tình yêu thương đất nước, con người, chống lại bạo lực của bè lũ phát xít… Đông đảo nhân dân Việt Nam mến mộ Lor-ca, nhà thơ Thanh Thảo đã dành những tình cảm đặc biệt cho ông qua bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca.
Với cây đàn ghi ta và chiếc áo choàng đỏ thắm trên vai, trong chếnh choáng men say, người nghệ sĩ hát rong đơn độc trên lưng ngựa, rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Chàng đem tiếng đàn, tiếng hát lúc sôi nổi dạt dào, lúc da diết lắng sâu cất lên từ trái tim thiết tha yêu thương đến với từng người dân Tây Ban Nha.
Bè lũ phát xít Phơ-răng-cô căm ghét Lor-ca, người gieo mầm tự do trong tâm hồn nhân dân, nên chúng đã tìm mọi cách để hãm hại chàng. Vào một ngày, khi Lor-ca đang say sưa đàn hát thì quân thù ập tới vây bắt chàng, điệu về bãi bắn. Chàng như người mộng du đi giữa hai hàng lính, không tin rằng những điều bất ngờ vừa xảy ra với mình là sự thật. Bởi lúc đó tâm trí chàng đang mơ tưởng tới khung trời bình yên, thơ mộng, rộn rã âm thanh, sắc màu của cuộc sống.
Giây phút kinh hoàng ập tới. Tiếng súng nổ, máu Lor-ca tuôn đổ ướt đẫm chiếc áo choàng màu đỏ. Bè lũ phát xít Phơ-răng-cô giết chết Lor-ca hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh cho tự do, công lí. Cái chết của chàng làm rung động mãnh liệt trái tim những người dân Tây Ban Nha yêu mến, kính phục chàng.
Kẻ thù không chỉ căm ghét chàng mà còn căm ghét cả tiếng đàn ghi ta huyền diệu của chàng. Chúng muốn giết chết tiếng đàn nhưng làm sao giết được? Lor-ca đã ngã xuống nhưng tiếng đàn vẫn vang lên như thách thức: Tiếng ghi ta nâu, bầu trời cô gái ấy, tiếng ghi ta lá xanh biết mấy, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy.
Lời thơ của thi sĩ, tiếng hát của người nghệ sĩ hát rong vĩ đại đã đột ngột tắt lịm trước họng súng quân thù. Còn đâu tiếng ghi ta nồng ấm như hơi thở của đất đai màu mỡ, tiếng ghi ta xanh mướt như màu lá mùa xuân, tiếng ghi ta rộn rã lao xao như bọt nước tuôn trào, tiếng ghi ta gắn với hình ảnh bầu trời thênh thang vô tận và bóng dáng người yêu của nhà thơ ?! Chỉ còn lại một sự thực phũ phàng là tiếng ghi ta đau thương, uất hận tột cùng, ròng ròng máu chảy. Dòng máu tự do, ngạo nghễ của Lor-ca đã thấm đẫm mảnh đất quê hương, xứ sở mà chàng hằng yêu quý.
Lor-ca bất tử bởi tiếng đàn của chàng vẫn còn đó, vẫn lan tỏa sức sống bừng bừng: tiếng đàn như cỏ mọc hoang. Tiếng đàn ghi ta của chàng sống mãi trong lòng mỗi người dân Tây Ban Nha yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý. Sức sống bất diệt của tiếng đàn ghi ta đồng nghĩa với sự bất tử của tên tuổi Lor-ca. Cả con người và thiên nhiên Tây Ban Nha tiếc thương chàng. Vầng trăng soi đáy giếng như một giọt nước mắt long lanh khóc người nghệ sĩ chân chính của tình yêu và tự do.
Lor-ca lúc sống đơn độc, phóng khoáng, tự tin. Lúc chết, chàng vẫn tiếp tục cuộc viễn du đơn độc của mình, bơi sang ngang – trên chiếc ghi ta màu bạc. Lá bùa hộ mạng mà cô gái Di-gan trao cho Lor-ca năm nào cũng mất thiêng, không thể giúp nhà thơ tránh khỏi cái chết thảm khốc trước mũi súng của quân phát xít bạo tàn. Lor-ca đã chết nhưng ngọn lửa tự do vẫn bừng bừng cháy mãi trong tâm khảm mỗi người dân của đất nước Tây Ban Nha.
Hãy để cho Lor-ca có được một sự giải thoát thực sự, chấp nhận định mệnh phũ phàng. Đường chỉ tay bé nhỏ, dòng sông rộng mênh mang, hay là phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì vô cùng. Cây đàn ghi ta màu bạc mà lúc nào Lor-ca cũng mang theo bên mình giờ đây thành con thuyền chở linh hồn chàng qua dòng sông mênh mông vô hình sang thế giới bên kia, một thế giới an lạc vĩnh hằng không có chiến tranh, không có đổ máu. Chàng ném lá bùa, ném trái tim vào xoáy nước, vào cõi lặng yên, chia tay thực sự với những ràng buộc và hệ lụy trần gian.
Giờ đây, chỉ còn tiếng đàn ghi ta lúc sôi nổi như bọt nước tuôn trào, lúc nồng nàn như ngọn lửa cháy thâu đêm, lúc dồn dập như tiếng vó ngựa phi trên thảo nguyên mênh mông, lúc dào dạt như muôn lớp sóng đại dương, lúc thủ thỉ như tiếng gọi thầm của những trái tim đang say đắm trong tình yêu đôi lứa.
Bạo lực của quân thù đã giết chết Lor-ca nhưng không thể giết chết tiếng đàn ghi ta – tiếng nói của tình yêu thương con người và khát vọng tự do. Văng vẳng đâu đây câu nói bất hủ của Lor-ca: Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn và tiếng đàn rộn rã: li-la li-la li-la… Tên tuổi Gar-xi-a Lor-ca đã trở nên bất tử trong tâm trí mỗi người dân Tây Ban Nha – xứ sở chói chang ánh nắng mặt trời và thấm đẫm mùi hoa tử đinh hương làm ngây ngất hồn người.