Bàn luận về "vật chất” có làm nên con người bạn
Vật chất có làm nên con người bạn? - Đừng vội khẳng định đây là câu hỏi dễ trả lời. Bằng chứng là khi câu hỏi này được đưa ra trước nhiều người, chúng tôi đã nhận về rất nhiều đáp án khác nhau.
Nếu coi câu hỏi trên đây là một phương trình nhiều nghiệm thì chúng ta hãy xuất phát từ các vế của nó. Vật chất ở đây, theo tôi, là tất cả đồ ăn, thức uống, tiền bạc, của cải... tất cả những gì có giá trị kinh tế gắn bó với con người. Khái niệm con người có phần phức tạp hơn. Nó không những chỉ con người - sinh vật mà còn hàm ý con người - tinh thần, một thực thể của xã hội. Từ các cách hiểu đó, chúng ta sẽ đưa ra được các câu trả lời khác nhau.
Vật chất có làm nên con người. Sự thật là như vậy. Mỗi chúng ta đều là một con người - sinh vật, một thực thể sống của tự nhiên. Sự sống của chúng ta từ ngàn xưa đến ngàn sau không thể không có mối liên hệ nào với thế giới vật chất này. Chúng ta không thể sống mà không ăn cơm, uống nước, mà không mặc quần áo, học hành, giải trí... Tất cả các hoạt động sống của con người đều liên quan đến vật chất và cần sự hỗ trợ của thế giới vật chất. Ngay cả khi trở về cõi vĩnh hằng, chúng ta cũng vẫn gắn bó mình với vật chất. Một tấm lụa khiến chúng ta trở nên đẹp hơn. Một chiếc xe kiểu cách khiến chúng ta trở nên cá tính hơn. Một ngôi nhà đồ sộ, tiện nghi làm chúng ta có thể ngẩng cao đầu vì thành quả lao động của chính mình. Vật chất vừa là chất liệu lại vừa là phương tiện để con người tồn tại trong thế giới này.
Ở phương diện con người - tinh thần, câu trả lời cũng là khẳng định: vật chất làm nên con người. Một manh áo, một bát gạo cũng là tấm lòng vị tha, sẻ chia với đồng bào chịu thiên tai, lũ lụt. Một lời ru hay giọt nước mắt cũng là tình yêu của bà, của mẹ. Một chiếc khăn tay cũng là bao nỗi nhớ niềm thương. Vật chất chính là tín hiệu trao gửi tình yêu thương giữa người với người. Nó nối liền trái tim với trái tim, hàn gắn tình yêu với tình yêu. Và chính bởi thế, nó làm nên Con Người, làm nên những nhân cách thật cao thượng, trong sáng.
Những diện mạo của vật chất không chỉ có thế. Nó cũng có những mặt trái đáng ghét, thậm chí đáng phê phán. Vật chất đủ quyền năng và sức cám dỗ khiến con người sa đoạ về nhân cách. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. Câu thơ của cụ Tiên Điền đâu chỉ để tự sự lại sức mạnh của đồng tiền trong xã hội phong kiến? Đến tận ngày nay, đồng tiền vẫn có sức công phá mạnh mẽ tới đạo đức con người. Hoài Thanh đã có lời bình xác đáng về đồng tiền sức tác quái khủng khiếp của đồng tiền: Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí, sai nha vì tiền! mà làm nghề buôn thịt bán người, Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm, Khuyển Ưng vì tiền mà làm những điều ác. Cả xã hội chạy theo tiền. Nghe lời nhận định của Hoài Thanh, có ai dám khẳng định xã hội ngày nay, xã hội của đời thực không còn những kẻ chạy theo tiền bạc, chạy theo vật chất như thế? Hàng loạt những vụ án tham ô, nhận hối lộ, “rút ruột» công trình... vẫn còn đó. Không ít người dựa vào tiền bạc, vật chất để xử lí công việc. Ngày nay, những câu chuyện cười như Và phải bằng hai mày có lẽ đầy rẫy trong xã hội. Hàng loạt những con người biến mình thành nô lệ cho đồng tiền, cho ma tuý... vẫn còn đó. Tiền bạc, nói rộng ra là vật chất đã điều khiển, sai khiến con người, làm con người biến dạng, tha hoá về nhân cách.
Vật chất là cái bề ngoài. Dù nó có đẹp đẽ, hào nhoáng bao nhiêu cũng không thể che đậy bản chất thực bên trong của con người. Người mặc bộ quần áo đẹp, đeo bao nhiêu trang sức đắt tiền chưa chắc đã là người có nhân cách cao đẹp, thánh thiện. Và ngược lại, người có bộ dạng rách rưới, thiểu não chưa chắc đã là người không đàng hoàng. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng nhân cách- cái làm nên bản chất thực của con người không phải là vật chất.
Vì những lẽ trên đây, có thể kết luận vật chất không làm nên Con Người.
Với mỗi đáp án đó, chúng ta có thể tự xác định cho mình được vai trò, vị trí của vật chất trong cuộc sống. Có thể thấy vật chất nói chung có giá trị vô cùng to lớn đối với mỗi con người. Không có vật chất, con người không thể tồn tại được. Trong mối quan hệ giữa con người và vật chất, chúng ta nên biết nâng niu, trân trọng những điều kì diệu mà thế giới vật chất đã dành cho chúng ta.
Vật chất cũng có sức mạnh của riêng nó. Mỗi con người cần chủ động để chế ngự sức mạnh ấy, không nên để mình bị cám dỗ trước nó. Hãy đảo ngược lại vấn đề, hãy ra sức cống hiến để chúng ta có thể nói rằng: Con người làm nên vật chất. Và cuộc sống của chúng ta sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu.