Bài văn mẫu số 1
Nói về đề tài tình yêu trong thơ ca nói chung và trong thơ Xuân Quỳnh nói riêng, Sóng - một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh. Hình tượng sóng thể hiện những trạng thái người phụ nữ trong tình yêu thấm đẫm chất trữ tình trong sáng.
Hình tượng "Sóng" được tái hiện qua nhạc điệu bài thơ. Hình tượng Sóng đi: tả những cảm xúc, những sắc thái tình cảm vừa phong phú đa dạng, vừa thiết tha, sôi nổi của một trái tim đang rạo rực yêu đương.Hình tượng sóng hiện lên qua nhịp điệu nhẹ nhàng, lúc sôi nổi dồn dập, dịu êm, sâu lắng như nhịp sóng ngoài biển khơi, cũng là nhịp của những con sóng tình cảm của một trái tim khao khát yêu đương.
Nhà thơ sử dụng thể thơ 5 chữ với những dòng thơ liền mạch ít ngắt nhịp. Sự trở đi trở lại hồi hoàn của hình tượng sóng, biện pháp điệp từ ngữ, điệp cấu trúc, những từ láy... đã tạo nên nhạc điệu của những con sóng, đợt sóng liên tiếp gối lên nhau lúc tràn lên sôi nổi, lúc lắng lại dịu êm.
Hình tượng sóng mang ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu và tâm trạng nhân vật trữ tình (người phụ nữ) trong bài thơ.
Sóng là biểu tượng cho sự bí ẩn trong tình yêu, biểu tượng cho niềm khát khao một tình yêu lớn, một tình yêu mãnh liệt.
Khổ thơ thứ nhất thể hiện hai trạng thái của sóng cũng là hai trạng thái của tình yêu tưởng như đối lập nhưng rất thống nhất (dữ dội - dịu êm; ồn ào lặng lẽ). Đó là sự bí ẩn của tình yêu. Cũng như sóng, con người tìm đến với tình yêu" để hiểu mình hơn (Sóng không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể).
Khổ thơ thứ hai là sự phát hiện sự tương đồng giữa sóng và quy luật muôn thuở của tình yêu. Sóng "ngày xưa" và sóng "ngày sau" vẫn thế giống như "nỗi khát vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ".
Khổ thơ thứ ba và thứ tư tác giả dùng để cắt nghĩa về nguồn gốc của sóng và nơi bắt đầu của tình yêu. Cái hay của đoạn thơ là sự đầu hàng của nhận thức, là sự bất lực trong logic lý trí (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).
Sóng là biểu tượng cho nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ. Con sóng thao thức ở mọi chiều không gian, thời gian cũng như: "Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức". Nhà thơ dùng liên tưởng đan cài để đồng nhất "sóng" và "em".
Sóng là biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu của người phụ nữ. Nhà thơ sử dụng kết cấu: dẫu... thì... cùng với những đối lập (xuôi - ngược, bắc - nam) để khẳng định: "Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương". Ngoài việc khẳng định tình yêu chung thủy, Xuân Quỳnh còn muốn đề cập đến những thử thách trong tình yêu. Tình yêu cho ta sức mạnh vượt qua thử thách và qua thử thách tình yêu càng thêm bền vững.
Sóng là biểu tượng cho những trăn trở, lo âu trong cõi lòng người phụ nữ đang yêu. Đó là nỗi lo âu về cái hữu hạn của đời người, của tình yêu.
...Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Sóng là biểu tượng cho khát vọng mãnh liệt muốn bất tử hóa tình yêu. Những thơ sử dụng những đại lượng 1ớn có tính ước lệ (trăm, ngàn) cùng với những hình ảnh thuộc về vô biên (biển, sóng). Khát vọng của tâm hồn người phụ nữ đang yêu thật mãnh liệt. Đó là khát vọng của muôn đời, muôn người, khát vọng mang giá trị nhân văn sâu sắc, cao đẹp.
Sóng là một hình tượng không mới nhưng trở nên rất đẹp, một vẻ đẹp rất riêng trong cảm nhận của hồn thơ Xuân Quỳnh. Bằng hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã nói được những điều giản dị mà lớn lao của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Khát vọng tình yêu được gửi vào sóng khát vọng thành thực, khẩn thiết, nồng nàn và rất nhân văn.
Bài văn mẫu số 2
Trước Xuân Quỳnh đã có không ít thi sĩ viết về tình yêu - đề tài muôn thuở và không bao giờ vơi cạn của thi ca - thế nhưng, cũng với đề tài này, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã thực sự để lại dấu ấn trên thi đàn Việt Nam. Từ những năm khói lửa chiến tranh, những vần thơ của Xuân Quỳnh đã làm bổi hồi bao trái tim người đọc. Thi sĩ đã đem đến cảm nhận về một tình yêu thuần khiết, dung dị và hết sức dạt dào, tha thiết. Sóng có thể coi là một trong số những bài thơ về tình yêu hay nhất của nữ sĩ. Có người đã từng nói Sóng của Xuân Quỳnh là một bài ca về một tình yêu giản dị mà đẹp đến mê lòng. Tình yêu luôn có nhu cầu được chia sẻ và giãi bày. Xuân Quỳnh đã mượn "sóng" - một hình ảnh đặc biệt - để bộc lộ tình yêu của mình. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã có những phát hiện mới mẻ về "tính cách" của "sóng":
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Thi sĩ đã khám phá ra những trạng thái đối lập trong con sóng: dữ dội, ồn ào, mạnh mẽ đến cuồng nhiệt và "dịu êm", "lặng lẽ", sâu lắng đến dịu dàng. Bản tính của sóng thật thất thường như tâm hồn người con gái đang yêu. Đây là hai câu thơ tự bạch, tự thú táo bạo mà dịu dàng. Táo bạo vì nó quá mãnh liệt và chân thực. Dịu dàng vì sau những dữ dội, ồn ào, tình yêu vẫn đổ về phía cuối câu thơ để lắng vào dịu êm lặng lẽ - đó là cái dịu dàng con gái làm nên chất nữ tính của hình tượng sóng. Xuân Quỳnh đã tinh tế biết bao khi nhận ra hai trạng thái tưởng chừng như đối lập của con sóng để khám phá về tình yêu. Tình yêu đâu phải dễ lý giải, nó cũng "nắng mưa thất thường", cũng đầy mâu thuẫn. Trước trạng thái ấy, Xuân Quỳnh đã thổi vào con sóng một niềm khao khát:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ngay từ đầu, con sóng tâm trạng đã ùn vào, vỗ sóng trong tâm hồn người đọc. Ta bỗng nhận ra trong bản thân mình sự đồng cảm với thi sĩ và với chính con sóng kia. Con người đâu phải lúc nào cũng hiểu rõ về mình. Chính vì thế trong khổ tiếp theo, tứ thơ chuyển từ hình tượng sóng sang những suy nghĩ về tình cảm con người, vừa đột ngột vừa tự nhiên:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Từ ngày xưa đến ngày sau, liên tưởng thơ đã vươn tới cái muôn đời. Ta cảm nhận sâu sắc về một tình yêu thủy chung, cháy bỏng lúc nào cũng phập phồng "trong ngực trẻ". Từ sóng cho tới tình yêu vốn là tứ thơ quen thuộc xưa nay. Người xưa từng mượn sóng mà hạ lời thề:
Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh,
Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.
(Ca dao)
Con sóng si tình của Xuân Diệu từng khát khao:
Cho anh làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn ôm đềm mãi mãi
(Biển)
Nét riêng của Xuân Quỳnh là tạo cho con sóng sự nữ tính đầy sức sống qua các trạng thái khác nhau: Có cái bồi hồi rất trẻ trung; có cái dữ dội, mãnh liệt nhưng còn có cá cái dịu dàng sâu lắng. Xuân Quỳnh xoay trở con sóng yêu đầy lo âu để cảm nhận nó trên nhiều chiều đối lập. Đó là cách cảm nhận nồng nàn mà có chiều sâu trên cả hai mặt cảm xúc và nhận thức.
Những khổ thơ tiếp theo, sóng từ đối tượng cảm nhận được chuyển thành đối tượng để suy tư. "Trước muốn trùng sóng bể, dòng suy tư cuộn lên như sóng không cùng, những câu hỏi hóa thành cuộc đối thoại lớn với vũ trụ về tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Với những câu hỏi, Xuân Quỳnh đang muốn truy tìm nguyên nhân, truy tìm ngọn nguồn của tình yêu. Song dường như những câu hỏi ấy chẳng bao giờ có thể tìm được một câu trả lời thích đáng. Thiên nhiên bí ẩn còn có thể cắt nghĩa nhưng "làm sao cắt nghĩa được tình yêu?" (Xuân Diệu), Xuân Quỳnh đã diễn đạt sâu sắc cái mà người ta gọi là "Trái tim có những quy luật riêng mà lý trí không thể hiểu được". Tình yêu cần có lý trí nhưng trước hết đó là câu chuyện của trái tim, cho nên không thể dùng lý trí tính táo để xác định sự bắt đầu của tình yêu. Chính sự tưởng chừng như bất lực trong những câu trả lời đã đưa tình yêu trở về với bản chất của nó. Đặc biệt, câu thơ: "Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau" có một giọng điệu hết sức đáng yêu. Nếu đảo lại trật tự; "Khi nào ta yêu nhau - Em cũng không biết nữa", ý thơ sẽ lăn về phía lý trí tỉnh táo. Bằng sự khéo léo tài tình của Xuân Quỳnh trong cách sử dụng ngôn ngữ, ta thấy những vần thơ dường như diễn tả rất chính xác nỗi choáng váng của cô gái khi vừa chạm vào cái vùng chói sáng của trái tim con người - tình yêu. Hai câu thơ không chỉ nói về tình yêu mà ta có cảm giác những câu chữ cũng đang rung động theo trái tim thiếu nữ, nó giống như cái lắc đầu đầy yêu thương và bối rối của một cô gái đáng yêu. Nỗi thổn thức ấy tiếp tục lăn mình cùng sóng nước, vươn dài theo thời gian, mênh mang cùng những câu thơ của Xuân Quỳnh:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Tình yêu von gắn liền với nỗi nhớ. Đến đây mỗi câu thơ dường như đều chan chứa một nỗi nhớ - nỗi nhớ da diết, khắc khoải. Đoạn thơ có hai cặp hình ảnh so sánh song song, khá đắc địa: sóng vỗ bờ cả ngày lẫn đêm, em nhớ anh " cả trong mơ còn thức". Hai cặp hình ảnh song hành, cộng hưởng nhằm diễn tả tình yêu sâu sắc hơn. "Cả trong mơ còn thức" - câu thơ là một phát hiện đầy tinh tế về quy luật của tình yêu: sinh hoạt thường ngày của con người còn có giới hạn bởi thức và ngủ nhưng tình yêu phá vỡ mọi giới hạn, thống trị cả tiềm thức, giấc mơ, thao thức đến khôn cùng. Chỉ có những trái tim yêu hết mình mới thống trị cả thời gian, cả ý thức lẫn tiềm thức như vậy. Tình yêu quả là một sự "bất thường" giữa đời thường. Xuân Quỳnh đã thực sự thông suốt mọi ngóc ngách của tình yêu vì bà chính là một con người có trái tim yêu không bao giờ mệt mỏi, luôn khát yêu, khát sống bằng cả trái tim. Tình yêu có mặt trong thơ, lên ngôi và tỏa sáng trong phần lớn các tác phẩm của bà. Ta đã bắt gặp không ít những tình yêu vượt qua mọi giới hạn của không gian, của thời gian để hướng tới cái vĩnh cửu trong thơ Xuân Quỳnh:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
(Thuyền và biển)
Thời gian chật chội bởi giới hạn, suy tư lại mở ra không gian:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Hai chữ xuôi, ngược thấp thỏm một linh cảm lo âu trước cuộc đời bất trắc. Vì thế câu thơ "Hướng về anh- một phương" nôm na mà chắc nịch như một sự khẳng định tuyệt vời cho một tình yêu mãnh liệt. Người ta thường nói ngược về phương bắc và xuôi về phương Nam nhưng có lẽ trong tình yêu luôn có những thứ trái ngang, những điều đi ngược lại cái bình thường nhưng suy cho cùng, điều quan trọng nhất của tình yêu phải chăng chính là sự nhung nhớ, sự gặp gỡ của những trái tim yêu? Và đối với người con gái đang yêu, trái tim họ luôn chỉ hướng về một phương "anh" duy nhất. Những suy tư lấy hình ảnh "sóng" làm trung tâm là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc và lý trí, tạo cảm giác vừa bổi hổi vừa lắng sâu.
Cao trào của bài thơ dồn thành khát vọng trào dâng trong ba khổ thơ cuối - khát vọng tìm đến tựa từ một niềm tin:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Cái hay của lỗi diễn đạt của Xuân Quỳnh không chỉ ở chỗ mượn quy luật của sóng biển, mây trời để nói về quy luật của tình yêu. Độ sâu của nó bắt nguồn từ nhận thức rất đời thường: cuộc sống là dài, là rộng, là muôn vời cách trở, cuộc sống tràn đầy những điều bất ngờ vì thế mà cũng đầy bất trắc. Lời thơ như nỗi lo đau đáu luôn âm thầm giày vò, như những đợt sóng ngầm trong trái tim khát yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Song dù thế nào đi chăng nữa, tình yêu vẫn sẽ vượt qua mọi trở ngại để vươn tới đích như những con sóng "Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở ".Với niềm tin ấy, khát vọng của Xuân Quỳnh vừa mạnh mẽ vừa ấm áp:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Mong ước hóa thân vào sóng thật lớn lao. Khát vọng được "tan ra" để bất tử cùng tình yêu ("ngàn năm còn vỗ") thật cháy bỏng. Tứ tha có sự phát triển giống như sự nhận thức và lí giải về sự tồn tại mãnh liệt của tình yêu. Có lẽ chưa bao giờ ta thấy trên thi đàn Việt Nam có một nữ thi sĩ bộc lộ tình yêu một cách mãnh liệt mà cũng thật dung dị đến vậy.
Lưu Khánh Thơ nhận xét về thơ Xuân Quỳnh như sau: "Ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ chỉ đơn thuần là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tôi, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khát khao được hoàn thiện mình". Với sự hóa thân vào sóng, Xuân Quỳnh đã truyền sức sống dào dạt vào tác phẩm như sự khao khát tình yêu luôn cháy bỏng trong trái tim nữ sĩ, làm cho những Sóng hay Thuyền và biển sống mãi với thời gian như truyền thuyết về tình yêu mãi mãi làm say đắm bao trái tim người đọc.