Mọi người thường có thói quen đánh giá năng lực qua chỉ số IQ của người khác. Tuy nhiên, ngoài IQ còn có một vài chỉ số khác cũng góp phần không ít trong việc quyết định thành công của bạn, nhất là chỉ số nắm bắt cảm xúc – EQ.
Đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh, chỉ số EQ thậm chí đóng vai trò quan trọng hơn IQ để quyết định thành công, đó là lý do tại sao bạn luôn thấy EQ được nhắc đến thường xuyên trong những quyển sách, những bài học thành công. Đó là những điều mà những người thành công và các Tiến sĩ nói:
Tỷ phú Warren Buffett là một doanh nhân thành đạt và được cho rằng chỉ số IQ cao tầm 160 cho rằng: "Thành công trong đầu tư không có liên quan gì tới chỉ số IQ kể cả khi IQ của bạn ở trên mức 125. Khi bạn có chỉ số thông minh trung bình, điều bạn cần là khí chất". Sau đó, ông nêu lên quan điểm của mình là EQ là yếu tố tác động mạnh đến thành công.
Theo tiến sĩ Khoo Kim Choo, Giám đốc hệ thống giáo dục trí thông minh đa dạng cho trẻ mầm non: "IQ không phải là tất cả mọi thứ. Có rất nhiều kẻ thông minh làm điều trái pháp luật chỉ bởi họ không ý thức được những giá trị đúng đắn. Cũng có những người chỉ có năng lực trung bình nhưng cuối cùng lại thành công vang dội trong lĩnh vực của riêng mình".
Bạn Kim Pham cho rằng: “Những người thành công không phải là những người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất, như người ta thường nói câu “Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn””.
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh chỉ có 25% người thành công có chỉ số IQ cao và kết quả cho biết chỉ số EQ mới là yếu tố quyết định thành công trong cuộc sống và công việc. Tuy IQ thiên về bẩm sinh nhưng cả IQ lẫn EQ đều là những chỉ số bạn có thể nâng cao nhờ vào rèn luyện. Cùng tham khảo tầm quan trọng của EQ trong việc quyết định thành công của bạn thông qua bài chia sẻ từ Trí Thức Trẻ: “Nếu IQ là bẩm sinh của mỗi con người thì EQ cần phải được rèn luyện để thành công”
So với chỉ số IQ cao, người có khả năng nắm bắt cảm xúc (EQ) dễ dàng thành công trong công việc và cuộc sống.
Đặc biệt, với những người luôn đối mặt với cường độ làm việc cao, bận rộn vì sự nghiệp thì nắm bắt được cảm xúc chính là cách tốt nhất để giảm bớt căng thẳng.
Cảm xúc có ảnh hưởng vô cùng lớn đến suy nghĩ và tâm trí của con người. Cảm xúc có quan hệ ràng buộc với cuộc sống cá nhân, công việc và các mối quan hệ gia đình, đối tác, bạn bè và đồng nghiệp. Chính vì thế, nếu không biết cách quản lý cảm xúc cá nhân bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, trầm cảm và thậm chí suy sụp tinh thần.
Khả năng nắm bắt cảm xúc còn giúp bạn đối phó với những trở ngại, thách thức bất ngờ trong cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ nhìn mọi thứ một cách lý trí để giải quyết công việc khách quan và hiệu quả nhất.
Muốn rèn luyện khả nắm bắt cảm xúc (EQ), trước hết cần phải hiểu rõ hai hành vi tâm lý cơ bản của con người: tự nhận thức và nhận thức xã hội.
Trong cuốn “7 thói quen của người thành đạt”, tác giả Stephen Covey đã nhấn mạnh rằng sự tự nhận thức chính là quyền để chúng ta được lựa chọn sống vì mục tiêu chứ không phải mặc số phận.
Tự nhận thức đồng nghĩa với việc bạn phải hiểu được nhu cầu, cảm xúc, thói quen và mong muốn của bản thân. Bạn phải chỉ ra được cảm xúc của mình là gì, tại sao mình lại có cảm xúc như vậy. Chẳng hạn như điều gì khiến bạn buồn lòng, tại sao bạn lại buồn vì điều đó?
Thẳng thắn nhìn vào cảm xúc của bản thân để từ đó điều chỉnh hành vi chính là cách để rèn luyện khả năng nắm bắt cảm xúc.
Cũng tương tự như khả năng tự nhận thức nhưng thay vì nhìn vào cảm xúc của bản thân thì nhận thức xã hội lại hướng tới cảm xúc của đối tượng giao tiếp và những người xung quanh.
Thông thường, các nhà lãnh đạo và chính trị gia đều nắm bắt cực kì tốt khả năng này. Có thể nhận thấy điều đó thông qua biểu cảm, cách nói và giọng nói của họ.
Đôi khi cảm xúc của đối tượng giao tiếp hay những người xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của bạn. Để nhận thức xã hội một cách khách quan và nắm bắt cảm xúc của đối tượng giao tiếp, bạn phải đặt mình vào vị trí của họ. Từ đó, hiểu được hành vi của họ để chủ động trong giao tiếp, truyền cảm hứng cho đối tượng giao tiếp.
Một khi đã biết cách nắm bắt được cảm xúc của bản thân và những người xung quanh, bạn sẽ kiểm soát được những xúc cảm bốc đồng, quản lý được hành vi và thích ứng với mọi hoàn cảnh trên con đường hướng tới mục tiêu.
Muốn thành công đương nhiên bạn phải trải qua một quá trình học tập, thực hành và rèn luyện. Chỉ số EQ đánh giá năng lực trí tuệ và tư duy để quyết định thành đạt của bạn. Vậy mới có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bạn cần nắm bắt được cảm xúc của bản thân, tâm lý của người khác và có khả năng giao tiếp ứng xử tốt để dễ dàng thành công trong công việc và cuộc sống, đặc biệt đó là những tố chất cần thiết cho những nhà quản lý, lãnh đạo.