Đọc truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, khó có thể quên nhân vật Mị đã đành, lại càng khó quên hơn “những đêm tình mùa xuân” Tây Bắc. Không từng sống với Tây Bắc, không từng yêu Tây Bắc thiết tha, không từng mong ước có sự đổi đời với người dân Tây Bắc thì khó thể có được những trang viết đẹp thơ mộng rất miền núi như nhiều trang trong tập Truyện Tây Bắc, đặc biệt trong Vợ chồng A Phủ và tập trung nhất là ở đoạn Tô Hoài tả tình cảnh và cảm xúc của Mị giữa ngày Tết.
Trước hết, chúng ta thấy một cái Tết muộn và lạ đã đến. Có nắng, gió mang nắng đến cho đồi cỏ gianh hay cỏ gianh đã ươm vàng, ửng vàng, rực vàng màu nắng? Có rét cùng song hành về cùng gió, rất dữ dội. Có gì tựa hồ sự vươn lên trong thời tiết khắc nghiệt - của thiên nhiên, ở Hồng Ngài?
Về trong sự chờ đón của bao người, đặc biệt là người phụ nữ. Kiểu so sánh, hoán dụ: “Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoe như con bướm sặc sỡ” là dấu hiệu của mùa xuân hoa bướm trong lòng người.
Về trong sự chuyển màu của hoa thuốc phiện trên nương từ trắng chuyển sang đỏ, đỏ hay, đỏ đậm sầm, rồi tím, tím man mát trong mắt ai? Trong hồn ai?
Về trong trò chơi quay của trẻ con đợi Tết. Chúng cười ầm trên sân chơi trước nhà. Chúng hoàn toàn hồn nhiên, rất đỗi mừng vui bởi Tết sắp đến!
Về trong tiếng sáo gọi bạn tình - lấp ló ngoài đầu núi, âm vang thiết tha bồi hồi. Âm thanh của những đêm tình mùa xuân đã tới: “ Ta đi tìm người yêu”.
Về trong lòng Mị - một con người tưởng như khép kín an phận trong chuỗi ngày mờ đục dằng dặc kéo dài! Mị nghe tiếng sáo vọng thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm bài hát ngày xưa. Mị nghe tiếng chó sủa xa xa. Mị cảm nhận được “những đêm tình mùa xuân đã tới...”.
Có rất thực một ngày xuân, đêm xuân ở Hồng Ngài. Trai, gái, trẻ con tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy ở sân chơi đầu làng. Cả nhà thống lí Pá Tra cũng đang vui xuân, chơi Tết (Tết cúng ma, nhảy ốp đồng, chiêng ầm ĩ...) náo động. Mị là con dâu gạt nợ nên có muốn uống rượu cũng phải lén “uống ừng ực từng bát”. Cô Mị say, lịm mặt, ngồi đấy... thả lòng mình trôi về quá khứ. Mị sống đời sống ngày trước.
Có một đêm tình xuân của đời Mị. Men rượu làm Mị say, men nhớ làm Mị sống lại. Mị nhớ về thời con gái của mình, ngày ấy Mị cùng thường đi chơi Tết. Mị trẻ trung và tài hoa, bao chàng trai đã theo Mị hết núi này qua núi khác ngày đêm. Mị thổi kèn lá hay thổi sáo cũng hay. Ở đây, thủ pháp đồng hiện có mặt đã vẽ nên sự sống mới trẻ trung cho cô Mị, báo hiệu sự sống lại của ý thức của Mị. Mị đã có ý thức về không gian, thời gian, ý thức về sự sống.
Men rượu làm Mị say, men nhớ làm Mị sống lại. Quán tính khiến Mị không bước ra đường chơi, mà Mị bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ vuông mờ mờ trắng trắng. Cũng có thể bằng cách ấy - tác giả vừa dựng được cuộc giao tranh giữa quá khứ và hiện tại, giữa sống yêu đời và tồn tại lặng câm vô hồn manh nha trong Mị, lại vừa khẳng định sự hồi sinh tâm hồn này có từ vùng đất chết, tại chính địa điểm đau thương vô cùng của đời Mị này. Sự chuyển biến mới trong khát vọng sống của Mị là Mị đã tìm thấy niềm vui sống: “Mị thấy phơi phới trở lại” - không chỉ là sự thức dậy của ý thức mà là sự mãnh liệt tràn trề của cảm xúc.
Mị còn tự ý thức được về mình: Mị còn trẻ lắm. Mị còn ý thức được cả ý muốn, khát vọng của Mị nữa: “Mị muốn đi chơi”. Dấu hiệu của khát vọng sống đã thức dậy hoàn toàn ở Mị. Mị bất bình về cuộc sống vợ chồng của mình (không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau). Từ nỗi đau về hạnh phúc đó dẫn đến ý thức phản kháng cao hơn: Mị nghĩ đến cái chết “giá có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay...”.
Mị đã suy nghĩ và có thể hành động như một con người tự do. Đêm tình mùa xuân này là đêm khởi đầu cho sự sống lại của nhân vật Mị: Mị đã khóc: “nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Giọt nước mắt của Mị trong đêm tình mùa xuân này hẳn có liên quan một cách nghệ thuật với giọt nước mắt của A Phủ và “đêm mùa đông trên núi cao” - đêm đáng nhớ thứ hai của đời Mị.
Đọc Vợ chồng A Phủ, không thể không dừng lại ở cái Tết muộn của Hồng Ngài, càng khó dứt lòng mình ra khỏi tiếng sáo của những đêm tình mùa xuân Tây Bắc. Có tiếng sáo ai thổi lấp ló ngoài đầu núi cho Mị nghe tha thiết bồi hồi, cho Mị nhẩm thầm lời hát, cho Mị đồng cảm với nỗi niềm bạn tình “Ta đi tìm người yêu” trong bài hát. Là tiếng sáo rủ bạn tình văng vẳng bên tai Mị, xui trái tim Mị theo nhịp đập hồi sinh. Là tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường:
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
Thành công của Tô Hoài là đã hát thật lòng mình khúc ca đáng yêu về đất trời và con người Tây Bắc, đã vẽ bức tranh xuân để nâng niu khát vọng sống vĩnh cửu của con người - bằng ngôn ngữ - có phần lắng đọng và âm vang của thơ.