I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả và tác phẩm: Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Chí Phèo của Nam Cao
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Phân tích hai hình ảnh rừng xà nu và cái lò gạch cũ để thấy sự khác nhau trong tư tưởng của mỗi nhà văn.
II. Thân bài
Cảm nhận về hai hình ảnh rừng xà nu và cái lò gạch cũ
1. Giống nhau
– Cả hai hình ảnh đều tạo nên kết cấu đặc sắc đầu cuối tương xứng.
– Cả hai đều được hiểu theo hai nghĩa, tả thực và ẩn dụ tượng trưng.
– Cả hai đều rất ấn tượng, ám ảnh, là dụng ý nghệ thuật của nhà văn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần thể hiện nội dung tư tưởng chủ đề tác phẩm.
2. Khác nhau
* Hình ảnh cái lò gạch cũ
- Nghĩa tả thực: Cái lò nung gạch đã cũ, không còn sử dụng, bỏ không, trước đây xuất hiện nhiều ở những vùng quê.
- Nghĩa ẩn dụ tượng trưng:
+ Hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện ở phần đầu tác phẩm khi một anh đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không và xuất hiện ở phần cuối tác phẩm khi Chí Phèo chết, thị Nở nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn… rồi nhìn nhanh xuống bụng và đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua… ẩn dụ cho cái vòng luẩn quẩn của những kiếp Chí Phèo. Chí Phèo bố chết đi rất có thể sẽ lại có một Chí Phèo con ra đời và cuộc đời, số phận của nó cũng sẽ giống như bố nó, cũng sẽ lại rơi vào con đường lưu manh tha hoá… Từ đó, tác giả muốn khẳng định: Chí Phèo không phải là hiện tượng cá biệt mà đây là hiện tượng có tính phổ biến, qui luật trong xã hội cũ. Khi nào còn tồn tại chế độ áp bức bóc lột của thực dân phong kiến thì khi đó còn tồn tại những kiếp Chí Phèo.
+ Hình ảnh thể hiện cái nhìn bi quan, bế tắc của Nam Cao đối với số phận người nông dân.
+ Hình ảnh cái lò gạch cũ tập trung thể hiện giá trị hiện thực tố cáo của tác phẩm và bộc lộ hạn chế của Nam Cao.
* Hình ảnh rừng xà nu
- Ý nghĩa tả thực:
+ Đoạn văn mở đầu tác phẩm giới thiệu với người đọc gần như đầy đủ các thông tin về một loài cây ở Tây Nguyên, đó là cây xà nu:
+ Hình dáng: Khi còn nhỏ hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời; khi đã trưởng thành cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ.
+ Đặc điểm: Sinh trưởng rất khoẻ, một cây ngã xuống có bốn năm cây con mọc lên để thay thế (cấp số nhân); ưa ánh sáng mặt trời đến kì lạ, phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp; có nhựa, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
+ Rải rác trong suốt tác phẩm, hình tượng cây xà nu trở đi trở lại với ý nghĩa tả thực tác dụng của nó đối với đời sống con người: Gỗ xà nu làm củi ở mỗi bếp; khói xà nu làm đen bảng để trẻ con học chữ; nhựa xà nu làm đuốc để thắp sáng…
+ Cây xà nu gắn bó thân thiết với đời sống dân làng Xô Man.
- Ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng:
+ Rừng xà nu như một nhân vật tham gia vào kết cấu câu truyện:
- Mở đầu tác phẩm là đoạn văn miêu tả rừng xà nu trong bom đạn của kẻ thù. Kết thúc đoạn văn là hình ảnh: Những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
- Kết thúc tác phẩm là hình ảnh: Những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
=> Như vậy, rừng xà nu tạo nên kết cấu vòng tròn đầu cuối tương xứng. Đây cũng là lí do giải thích vì sao tác phẩm có tên là Rừng xà nu.
+ Rừng xà nu như một nhân vật tham gia, chứng kiến những sự kiện có ý nghĩa trọng đại của dân làng Xô Man:
- Đêm đêm người dân Xô Man thức mài vũ khí dưới ánh lửa xà nu. Hoạt động này đánh dấu giai đoạn chuẩn bị nổi dậy.
- Giặc đốt mười đầu ngón tay của Tnú bằng nhựa xà nu. Hành động này làm bùng lên ngọn lửa căm thù của dân làng Xô Man vốn âm ỉ đã từ lâu, đánh dấu giai đoạn mình phải cầm giáo (vũ khí) như cách nói của cụ Mết.
- Xác mười tên giặc nằm ngổn ngang quanh đống lửa xà nu. Đó là chiến công đầu tiên của dân làng Xô Man khi đã cầm giáo, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh vũ trang của người dân Tây Nguyên.
- Dân làng tập trung đông đủ quanh đống lửa xà nu để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú. Xà nu như chứng kiến ngày vui của cả cộng đồng và một tương lai đầy hứa hẹn đang mở ra trước mắt người dân Tây Nguyên.
+ Rừng xà nu được miêu tả bằng bút pháp nhân hoá và luôn trong thế đối sánh với con người:
- Rừng xà nu được nhân hoá ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng. Rừng xà nu lúc này đúng là người anh hùng của Tây Nguyên, là một nhân vật trong câu truyện.
- Nhiều lần trong tác phẩm, xà nu được đặt trong thế đối sánh với con người : Máu Tnú được ví như nhựa xà nu; ngực cụ Mết căng như một cây xà nu lớn…
- Nếu nói tập thể dân làng Xô Man như một cánh rừng xà nu thì ở đó có đầy đủ các thế hệ cây xà nu: Cụ Mết là cây xà nu cổ thụ, tượng trưng cho lịch sử, truyền thống của cả cánh rừng; Tnú tượng trưng cho những cây xà nu trên mình mang đầy thương tích nhưng vẫn vươn lên, vẫn chiến thắng bom đạn của kẻ thù; Dít tượng trưng cho những cây xà nu đã trưởng thành, đang bảo vệ dân làng; bé Heng tượng trưng cho thế hệ cây non, đầy hứa hẹn cho những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời sau này.
+ Rừng xà nu là hình ảnh tượng trưng cho phẩm chất và cuộc sống của con người Tây Nguyên:
- Rừng xà nu trong bom đạn của kẻ thù với hình ảnh hàng vạn cây xà nu không cây nào không bị thương, tượng trưng cho đau thương, uất hận của dân làng Xô Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Sức sống mãnh liệt của rừng xà nu tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên, không bom đạn nào, không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được. Đây cũng là sức sống bất diệt của con người Việt Nam nói chung.
- Những cây xà nu không chịu khuất mình trong bóng râm, luôn vươn lên tiếp lấy ánh sáng mặt trời như tượng trưng cho khát vọng tự do, tinh thần phóng khoáng, cho ý chí vươn lên vì lí tưởng cao đẹp của con người Tây Nguyên.
- Các thế hệ cây xà nu nối tiếp, thay thế nhau trong mưa bom bão đạn tượng trưng cho những thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù.
=> Rừng xà nu là một hình ảnh đẹp, đầy ấn tượng, đầy ám ảnh và rất giàu ý nghĩa.
* Lí giải nguyên nhân
- Giống: Xây dựng những hình ảnh ấn tượng, ám ảnh, giàu ý nghĩa là một dụng ý nghệ thuật của các nhà văn.
- Khác:
+ Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử:
- Chí Phèo: Nam Cao sáng tác trước Cách mạng tháng Tám 1945 trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam đương thời.
- Rừng xà nu: Nguyễn Trung Thành sáng tác năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang ở giai đoạn ác liệt.
+ Do khuynh hướng sáng tác:
- Chí Phèo: Thuộc khuynh hướng văn học hiện thực phê phán, chưa nhìn thấy lối thoát của người nông dân.
- Rừng xà nu: Thuộc nền văn học Cách mạng 1945 - 1975, có khả năng và cần thiết phải chỉ ra chiều hướng phát triển tích cực của đời sống xã hội.
III. Kết bài
Đánh giá khái quát:
– Cả hai hình ảnh rừng xà nu và cái lò gạch cũ với những nét giống và khác, đều hết sức đặc sắc, giúp nhà văn thể hiện được ý đồ nghệ thuật và góp phần làm sáng lên nội dung tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
– Cả hai góp phần làm phong phú thêm hệ thống hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng trong văn học dân tộc và nhân loại.