1. Suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của "nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi con người
Một nhà vật lý nổi tiếng đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả thế giới”. Câu nói này của ông khiến ta thấy rằng trong cuộc sống con người luôn cần cho mình một điểm tựa để thực hiện những ước mơ, hoài bão hay vượt qua những khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy, bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi gợi lên cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ.
“Nơi dựa” (điểm tựa) là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên…. Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần, cậu bé cũng là nơi dựa cho người phụ nữ, bà cụ cũng là nơi dựa cho người chiến sĩ.
Không ai trong chúng ta có thể tồn tại một mình trên cõi đời này. Chúng ta luôn sống trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội: với gia đình, nhà trường, bè bạn. Chính trong những mối quan hệ đó, con người học tập, làm việc, dần định hình và phát triển nhân cách của mình. Trong cuộc sống, không ai có thể chắc chắn rằng cuộc đời mình thuận lợi mãi mãi. Có thể đến một lúc nào đó công việc của chúng ta sẽ gặp bất trắc, trở ngại. Chính những lúc ấy, ta rất cần tìm cho mình một nơi dựa làm điểm tựa trong đời, để được an ủi, che chở, giúp đỡ, vỗ về nâng bước. Từ đó những thất bại, rủi ro vấp phải sẽ nhanh chóng được vượt qua, con người sẽ có thêm tự tin để bước tiếp.
Như đã nói, bao giờ cũng bắt đầu từ chỗ dựa vững chắc: gia đình. Tình cảm thân thương ruột thịt, sự che chở nâng đỡ cho từng thành viên là điều gia đình không hề thiếu. Cha mẹ luôn ở bên con cái dẫu khi bé thơ đến lúc trưởng thành, động viên con vững bước trên đường đời và có khó khăn gì ta cũng về với cha mẹ đầu tiên. Ngược lại con cái cũng là nơi dựa của cha mẹ, niềm vui của con thể hiện ở nụ cười, nét mặt, ước mong cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn quãng đời mình đã sống là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ vượt qua những trở lực trong công việc. Điểm tựa tiếp theo cho con người chính là nhà trường, bạn bè, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi xung quanh ta còn thầy cô luôn dìu dắt, chăm sóc từng ngày, quanh ta vẫn còn bạn bè chia sẻ niềm vui trong học tập, đời sống. Những gì ta khó ngỏ lời cùng cha mẹ, khó cùng bố mẹ trò chuyện có thể trao đổi với thầy cô, bè bạn. Một môi trường học đường thân thiện, tích cực luôn là một không gian lý tưởng cho học sinh phát triển. Điểm tựa trong đời ta đôi khi là những tấm gương sáng, thậm chí những con người bình thường trong xã hội. Thấy những anh xe ôm dám bắt cướp, thấy những suất cơm từ thiện, những tấm lòng dành cho đồng bào nghèo, cơ nhỡ hoặc gặp phải thiên tai, ta có nơi dựa để tin rằng cuộc đời còn nhiều người tử tế. Gặp một hoàn cảnh khuyết tật, gia cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên ta biết rằng mình còn là một điểm tựa mà thấy rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người khác, vững tin với khả năng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách của con người để từ đó phải cố gắng hơn.
Đúng là trong cuộc sống ta rất cần nơi dựa, nhưng đừng ỷ lại, dựa dẫm vào đấy quá nhiều. Cần lên án, phê phán những kẻ sức dài vai rộng nhưng vẫn sống bám vào bố mẹ già, những kẻ không chịu làm gì vì ỷ lại vào người khác. Nên nhớ rằng chỗ dựa chỉ hỗ trợ cho ta bước qua khó khăn chứ không thể làm thay ta mọi điều, hãy hiểu điểm tựa theo ý nghĩa tích cực nhất của nó. Nhắc lại ý trên, ta mới thì dẫu tìm cho mình một chỗ dựa nhưng quan trọng nhất vẫn chính là bản thân con người. Như lúc còn học phổ thông, Louis Pasteur chỉ là một học sinh trung học. Về môn hóa, ông đứng hạng 15/22 học sinh của lớp. Cuối cùng, ông đã trở thành một khoa học gia nổi tiếng. Walt Disney từng bị tòa soạn báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản rất nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland đến việc hợp tác cùng nhau. Chính vì vậy mà con người càng cần phải hợp tác cùng người khác nên mọi lĩnh vực, phải ủng hộ nhau, hợp lực với nhau để đẩy nhanh tiến độ phát triển. Trong thời buổi này không thể đóng khung mình trong chỗ dựa cho mình và lấy mình làm chỗ dựa cho họ, có vậy, chúng ta mới có thể đặt được thành công nhanh chóng.
Lí trí vĩ đại – cuốn sách được thương nhân và chính trị gia xuất sắc nhất của Mĩ đánh giá là cuốn sách đưa quốc này tiến vào thế kỉ XX – đã từng viết như sau: “Nếu mỗi lần vấp ngã, bạn lại bật lên như một quả bóng, khi mọi người đều từ bỏ mà bạn vẫn kiên trì hướng về phía trước thì làm sao bạn có thể thất bại được”. Cuối cùng, nơi dựa vững chắc nhất cho mỗi người vẫn là chính bản thân chúng ta. Nếu con người tự tin, có năng lực, biết tận dụng tốt nhất những gì mình có thì việc khó nhất cũng có thể vượt qua, từ đó đi lên thành công trong cuộc sống.
2. Suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của "nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi con người
Tôi đã từng rất tâm đắc câu nói của s. Exupery: “ Nếu trái đất hình vuông thì chúng ta sẽ có các góc cạnh để ẩn náu nhưng vì nó hình cầu nên chúng ta lại phải đối mặt với cuộc đời”. Phải, cuộc sống xung quanh ta có bao giờ luôn đi qua mà không vướng phải những sống gió, những gian nan, thử thách. Con người có bao giờ sống mà chỉ luôn đi qua những giây phút bình yên. Và vì vậy, có những khi chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu đuối trước thế giới rộng lớn này. Ấy là lúc ta cần tìm cho mình một “nơi dựa”, một điểm tựa trong cuộc sống. Hiểu được chân lí giản dị mà sâu sắc ấy, mỗi người sẽ tự rút ra cho mình nhửng chiêm nghiệm riêng khi đọc bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi.
Giản dị thôi, bài thơ vẽ ra hai cảnh trái ngược: một người đàn bà trẻ đẹp “ dắt đứa con thơ trên đường, đứa con chân “ lẫm chẫm”, tay “ hoa hoa một điệu múa kì lạ”, bé chưa nói rõ tiếng vậy mà “ đứa bé còn bước chưa vững chãi lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia”. Thời gian tính bằng đời người trôi qua, em bé lớn lên, thành người chiến sĩ. Người chiến sĩ đã trải qua những cuộc trường chinh, đã đối mặt với cái chết, anh “ đỡ bà cụ già lưng còng”, “bước run rẩy , khuôn mặt già nua”, đã chịu “nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời” thế nhưng “ bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.
Câu chuyện nhỏ nhưng ngụ ý nhiều chiêm nghiệm sâu xa. Một đứa trẻ vô tư, yếu ớt, một bà cụ lưng còng, sức yếu lại trở thành chỗ dựa cho người lớn, cho người chiến sĩ – những con người tuởng như phải mạnh mẽ, vững vàng hơn. Phải chăng, con đường mà họ đang đi chính là con đường đời mỗi chúng ta phải bước, và những “chỗ dựa" không phải mang ý nghĩa vật chất mà toát lên ý nghĩa tinh thần. Thì ra, “ nơi dựa" nhiều khi chẳng phải cái gì lớn lao, to tát mà có khi ở ngay bên cạnh, song hành cùng cuộc đời ta. Đó là những người thân thương, bình dị như cha mẹ, như bè bạn, thầy cô,… Đó là những người sống cùng ta, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu tâm hồn ta, biết ta muốn gì, cần gì và luôn vun đắp cho hạnh phúc của ta. Nhân vật Nhĩ (Bên quê, Nguyễn Minh Châu) sau một đòi gian truân phiêu bạt mới nhận ra cái “ bến” của cuộc đời mình là Liên, người vợ lặng thầm, tần tảo. Điểm tựa không phải nơi nào xa lạ mà chính là những người thân thuộc bên ta, chứ không phải anh hùng hay vĩ nhân nào khác, họ là người sẵn sàng ghé vai cho ta sự vững tâm, bình yên trong tâm hồn. Triết lí giản dị mà thiêng liêng ấy lại càng trở nên thấm thía và sâu sắc vì nó mang đậm tâm sự, suy ngẫm của đời người.
Trong cuộc sống, có những lúc con người lâm vào bế tắc, có khi rơi vào tuyệt vọng và “nơi dựa” lúc ấy chính là động lục cho con người tiếp tục sống. Sau những đổ vỡ, cơ cục, những thất bại đắng cay, “chỗ dựa” là nơi ta lắng lại tâm hồn mình, nhận ra mục đích cuộc sống của mình thực sự là gì. Đứa trẻ nhỏ là chỗ dựa cho người thiếu phụ không chỉ vì đó là một phần của chị, mà còn bởi nhìn vào đứa trẻ, chị nhìn thấy tương lai của mình, thấy đứa con lớn lên, đẹp đẽ, trưởng thành, thấy dòng máu của mình được tái sinh trọn vẹn. Thì ra, chỗ dựa của chúng ta đâu chỉ là nơi ta đến khi mỏi mệt, nó còn tiếp thêm sức mạnh để ta tiếp tục sổng, tiếp tục yêu thương và dâng hiến cho đời. Câu chuyện trong bài thơ của Nguyễn Đình Thi gợi ta nhớ đến mảnh đời của người anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ ( Hải Phòng). Căn bệnh HIV/AIDS bị nhiễm (từ một phút giây lầm lỡ của người chồng) tưởng như đã cướp đi sức sống, tuổi xuân đầy ý nghĩa của chị. Nhưng không, chính nhờ mầm sống đang hình thành trong chị mà chị có thêm niềm tin, nghị lực sống để vượt qua nghịch cảnh. Nếu không có một điểm tựa tinh thần bền vững như thế, liệu con người ấy có thể tiếp tục sống và sống có ích trong khi xã hội vẫn còn chưa hết kì thị với căn bệnh thế kỉ này?
Đọc bài thơ của Nguyễn Đình Thi, người đọc còn thấy ấm lòng về hình ảnh của bà cụ, chính là “nơi dựa” cho người chiến sĩ vượt qua thử thách. Vậy phải chăng, chỗ dựa, điểm tựa trong cuộc sống chính là nguồn sức mạnh, là niềm tin để mỗi người đương đầu với bao gian nan, khó khăn? Trong số chúng ta hẳn không ít người biết đến câu chuyện của Helen Keller- diễn giả Mĩ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Chúng ta cũng biết bà là người không có khả năng thính giác và thị giác.
Nhưng với sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của cô giáo Anne Sullivan, cùng là một người khuyết tật, Helen đã vượt lên trên mọi thử thách của cuộc đời, vượt qua bao khó khăn vì khiếm khuyết cơ thể để sống và thành công tột đỉnh. Đó không phải là một minh chứng tuyệt vời cho ý nghĩa của “nơi dựa” trong cuộc đời hay sao? Nhiều người đã rất xúc động khi xem chương trình “Những trái tim nhân ái” trên truyền hình VTV1. Ở đó từng có một câu chuyện cổ tích giũa đòi thường về ông Trần Thiên Minh – chủ nhân của ngôi nhà bảo trợ những người khuyết tật ở thủ đô Hà Nội. Chẳng ruột rà máu mủ nhưng ông đã tình nguyện trở thành chỗ dựa tinh thần cho hơn ba mươi cô gái sinh ta không may mắn suốt hơn hai mươi năm qua. Và điểm tựa vô giá ấy đã giúp đỡ các cô vượt lên số phận, hoà nhập với cộng đồng, xã hội hôm nay.
Có một chỗ dựa trong cuộc sống để mà sẻ chia, đồng cảm những lúc khó khăn, mỏi mệt sẽ là điều vô giá. Nhưng cuộc sống vẫn luôn cần ta phải tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Nơi dựa chỉ nên là điểm dừng chân của con người để tìm lấy một bến bờ bình yên trong tâm hồn, “chỗ dựa” không thể là nơi ta hoàn toàn dựa vào để lệ thuộc hay thoái lui trước cuộc sống vốn rất nhiều gian nan.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều lúc con người sống cô độc khép chặt mình trong những nhà hộp kín mít, sống mà không cần đến nhau, chỉ cần một chiếc máy tính, máy nghe nhạc là con người có thể tách ra khỏi cộng đồng. Trẻ con ưa “ chat” hơn nói chuyện với cha mẹ, gia đình chỉ đông đủ lúc bữa cơm tối… Phải chăng, con người đang bị cầm tù trong sự cô đơn của chính mình? Và vì thế, các vụ tự tử, cuộc sống chơi bời, thác loạn của nhiều thanh niên ngày càng tăng lên… Rõ ràng, thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi chỗ dựa trong cuộc đời, con người sẽ rơi vào trạng thái chông chênh, vô định, không biết làm thế nào để tiếp tục sống.