Dàn ý chi tiết đề: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất của cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”
1/ Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Bàn về những điều mất mát lớn nhất trong cuộc sống, bên cạnh những người cho rằng đó là cái chết thì cũng có không ít người cho rằng đó là sự lụi tàn của tâm hồn ngay khi sống như Norman Kusin đã từng nói “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.
2/ Thân bài
– Câu nói là một lời đánh giá về giá trị đích thực của cuộc sống.
+ Sống và chết vốn là những trạng thái đối lập, càng yêu cuộc sống con người sẽ càng sợ hãi, ám ảnh bởi cái chết.
–> Đó là sự mất mát về mặt vật chất
+ Cuộc sống con người vẫn còn tồn tại một nỗi sợ hãi lớn lao hơn, khủng khiếp hơn cả cái chết, đó là khi còn sống nhưng con người lại đánh mất ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống, sống nhưng để tâm hồn của mình dần lụi tàn.
– Chết là chấm dứt sự sống, chấm dứt sự tồn tại hữu hình của con người trong cuộc đời. Khi đã chết con người sẽ phải rời xa vĩnh viễn những người yêu thương, những điều ta yêu quý, trân trọng.
–> cái chết chính là sự mất mát lớn nhất khiến nhiều người ám ảnh, kinh sợ.
– Câu nói của Kusin:
+ Câu nói là lời nhận định nhưng lại mang hình thức của một câu phủ định về một sự thật tưởng như chân lý
+ Không một ai có thể tồn tại mãi trong cuộc đời.
+ Sự mất mát về sự sống vật chất không phải dấu chấm hết cho cuộc đời của mỗi con người, bởi những giá trị sống tốt đẹp thì vẫn luôn sống mãi.
– Sự tàn lụi ngay khi sống mới là điều đáng sợ nhất:
+ Sống chỉ thực sự ý nghĩa nếu như con người ý thức được về sự sống của mình, biết đặt ra những mục tiêu để cố gắng, theo đuổi.
+ Nếu sống nhưng tâm hồn trống rỗng, vô cảm với bản thân, với đồng loại hay họ chỉ biết yêu bản thân mà không quan tâm đến những người xung quanh, sống không ước mơ thì cuộc sống ấy sẽ trở nên vô vị, nhàm chán, là “cái chết” về mặt tâm hồn.
–> Cái chết ấy thậm chí còn đáng sợ, khủng khiếp hơn cả cái chết về thể chất.
3/ Kết bài: Xã hội hiện đại tạo điều kiện cho con người phát triển, khẳng định bản thân nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sa vào lối sống hưởng thụ, vô cảm, đánh mất phương hướng. Do vậy hãy sống tích cực, lạc quan, sống có ý nghĩa để không rơi vào tình trạng tâm hồn tàn lụi.
Bài văn mẫu số 1
Được sống, được sinh ra trong cuộc đời là một điều hạnh phúc to lớn, bởi ở đó chúng ta có nhiều cơ hội sống, cơ hội phát triển và bắt đầu những mối quan hệ tốt đẹp. Đối với con người, sự sống là điều quan trọng nhất, đối lập với sự sống là cái chết – sự mất mát luôn ám ảnh trong cuộc sống của con người bởi khi ấy con người buộc phải dừng chân trong hành trình đi đến tương lai để trở về với cõi vĩnh hằng. Với nhiều người cái chết là điều kinh khủng nhất, con người đã và đang tìm mọi cách để chế ngự cái chết, giành giật sự sống. Tuy nhiên, bàn về những điều mất mát lớn nhất trong cuộc sống, bên cạnh những người cho rằng đó là cái chết thì cũng có không ít người cho rằng đó là sự lụi tàn của tâm hồn ngay khi sống như Norman Kusin đã từng nói “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.
Câu nói “ Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống” là một lời đánh giá về giá trị đích thực của cuộc sống. Sống và chết vốn là những trạng thái đối lập, càng yêu cuộc sống con người sẽ càng sợ hãi, ám ảnh bởi cái chết. Đó là sự mất mát về mặt vật chất, tuy nhiên trong thực tế cuộc sống con người vẫn còn tồn tại một nỗi sợ hãi lớn lao hơn, khủng khiếp hơn cả cái chết, đó là khi còn sống nhưng con người lại đánh mất ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống, sống nhưng để tâm hồn của mình dần lụi tàn.
Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống
Chết là chấm dứt sự sống, chấm dứt sự tồn tại hữu hình của con người trong cuộc đời. Khi đã chết con người sẽ phải rời xa vĩnh viễn những người yêu thương, những điều ta yêu quý, trân trọng mà trên hết là mất đi cơ hội sống, cơ hội hưởng thụ những điều tốt đẹp của cuộc sống. Mỗi người chỉ được sinh ra một lần, được sống một lần. Do vậy mà cái chết chính là sự mất mát lớn nhất khiến nhiều người ám ảnh, kinh sợ. Vậy tại sao Kusin lại có nhận định “Cái chết không phải điều mất mát lớn nhất”?
Câu nói là lời nhận định nhưng lại mang hình thức của một câu phủ định về một sự thật tưởng như chân lý ấy. Cuộc sống vốn là điều quý giá, là cơ hội để con người phát triển, hoàn thiện nhưng sự sống ấy lại là hữu hạn trong cái vô hạn của cuộc đời. Không một ai có thể tồn tại mãi trong cuộc đời. Tuy nhiên, sự mất mát về sự sống vật chất không phải dấu chấm hết cho cuộc đời của mỗi con người, bởi những giá trị sống tốt đẹp thì vẫn luôn sống mãi như Thomas Campbell từng nói: “Chúng ta không hề chết đi khi còn sống, trong sâu thẳm trái tim những người ở lại” .Bác Hồ vĩ đại của dân tộc Việt Nam dù đã mãi ra đi nhưng công lao, tấm lòng cao cả của bác vẫn sống mãi trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam.
Sự tàn lụi ngay khi sống mới là điều đáng sợ nhất. Sống chỉ thực sự ý nghĩa nếu như con người ý thức được về sự sống của mình, biết đặt ra những mục tiêu để cố gắng, theo đuổi. Nếu sống nhưng tâm hồn trống rỗng, vô cảm với bản thân, với đồng loại hay họ chỉ biết yêu bản thân mà không quan tâm đến những người xung quanh, sống không ước mơ thì cuộc sống ấy sẽ trở nên vô vị, nhàm chán, là “cái chết” về mặt tâm hồn. Cái chết ấy thậm chí còn đáng sợ, khủng khiếp hơn cả cái chết về thể chất. Chẳng những thế mà Trương Ba đã lựa chọn cái chết để được làm chính mình, được trọn vẹn là chính mà mà không phải chết mòn, lùi tàn dần trong cuộc sống vay mượn.
Xã hội hiện đại tạo điều kiện cho con người phát triển, khẳng định bản thân nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sa vào lối sống hưởng thụ, vô cảm, đánh mất phương hướng. Do vậy hãy sống tích cực, lạc quan, sống có ý nghĩa để không rơi vào tình trạng tâm hồn tàn lụi.
Bài văn mẫu số 2
Mỗi người có một quan niệm sống, một triết lý nhân sinh khác nhau. Để nuôi dưỡng được những lí tưởng khát vọng ấy, con người thường cảm nhận bằng tâm hồn riêng của mình. Nooc – man Ku – sin cho rằng: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”. Câu nói là một nhận định đúng đắn về cách sống của con người.
Theo tác giả, điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời không phải là cái chết bởi ai rồi cuối cùng cũng phải chết. Đó là quy luật bất biến của cuộc sống, sinh, lão, bệnh, tử. Cái chết theo quan niệm của đạo Phật là sang thế giới bên kia, là sống gửi thác nhờ; đối với Thiên chúa giáo, cái chết đồng nghĩa với việc con người được lên thiên đường, đến với vòng tay của Chúa. Do đó, cái chết không phải là sự mất mát lớn, đó chỉ là sự luân hồi trong kiếp sống của con người, là việc con người nằm xuống khi đã hoàn thành nghĩa vụ trần gian, đi hết những chặng đường của mình. Sự mất mát lớn nhất ở đây chính là việc con người còn sống mà để cho tâm hồn của mình lụi tàn. Tâm hồn lụi tàn nghĩa là con người sống chán nản, tuyệt vọng, lựa chọn sự buông bỏ. Mỗi người có những suy nghĩ về cuộc đời khác nhau, cách cảm nhận cuộc sống khác nhau. Sự khác nhau đó là ở tâm hồn, có người luôn lạc quan, vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống; có người lại luôn nhìn đời một cách tiêu cực, bi lụy. Chính vì nhìn đời một cách tiêu cực nên chính họ đã tự mình chôn vùi cuộc sống của mình. Họ không còn cảm nhận được những niềm vui, những nỗi buồn, sự hạnh phúc cũng như nỗi khổ đau của cuộc sống. Tâm hồn của họ đã chết, họ vô cảm, thờ ơ với mọi sự vật, sự việc xung quanh. Vậy thì điều này còn đáng sợ hơn là cái chết.
Nếu con người sống mà để tâm hồn lụi tàn thì cuộc sống sẽ thật bi ai, thê lương. Khi chúng ta để tâm hồn của chúng ta tàn phai đi chúng ta sẽ không cảm nhận được những hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Dù cho có sự việc vui vẻ, hạnh phúc đến mấy cũng như những việc đau lòng đến mấy xảy ra trước mắt cũng không khiến cho ta có những rung động trong tim. Con người sẽ không còn động lực để cố gắng, sẽ không có mục tiêu để phấn đấu, sẽ không cảm nhận được trọn vẹn cuộc sống. Nếu vậy, dù có sống dai, sống lâu dài đó cũng chỉ là một cuộc sống bất hạnh mà thôi.
Trong cuộc đời vô thường này có rất nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra. Ai rồi cũng sẽ gặp những chuyện khó khăn, gian nan; ai rồi cũng có lúc đau khổ, bi thương. Nhưng đừng để tâm hồn ta tàn lụi, đừng giết chết những cảm xúc, những tình cảm, trạng thái của mình. Đừng để chúng ta như một người bù nhìn, một cái xác không hồn vất vưởng giữa cuộc sống muôn màu. Mỗi người hãy biết nuôi dưỡng, làm giàu cho tâm hồn, để cho cuộc sống trở nên thú vị, muôn màu muôn vẻ. Hãy sống hết mình vì cuộc sống này thực ra ngắn ngủi vô cùng.
Mỗi người chúng ta nên biết tận hưởng cuộc đời của mình. Tận hưởng không có nghĩa là chúng ta chỉ chờ đợi những niềm vui mà hãy đón cả những nỗi buồn, hãy vượt qua nó bằng chính bản thân mình. Phải trải qua những nỗi buồn, sự gian nan, bất hạnh, con người mới càng trân quý cái hạnh phúc mà họ có trong tay.