Bài văn mẫu số 1: Thiếu quyết đoán là tự mình đánh mất cơ hội
Vì sao chúng ta thiếu quyết đoán? Có phải nó xuất phát từ tâm lý thiếu tự tin, sợ sai hỏng, sợ thất bại phải không? Chẳng ai mong muốn bản thân mình vấp ngã, gặp thất bại cả, nhưng nếu không có vấp ngã, thất bại thì liệu chúng ta có trưởng thành hơn, có đi đến thành công? Nếu ai cũng lo sợ và lựa chọn những quyết định an toàn thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang để tuột mất cơ hội để bứt phá.
Khi bạn thiếu quyết đoán trong công việc, điều đó chứng tỏ bạn không tin vào năng lực của mình. Ngay cả bạn cũng không tin chính bạn thì thử hỏi sẽ có ai đủ can đảm đặt niềm tin vào bạn hay không?
Tất nhiên, chỉ khi bạn chắc chắn và tự tin với những quyết định của mình thì sếp và đồng nghiệp sẽ tin tưởng và đề cao con người bạn. Từ đó những công việc, kế hoạch, dự án do bạn phụ trách sẽ được mọi người tín nhiệm, an tâm.
Thiếu quyết đoán là sống chung với nỗi sợ. Chính nỗi sợ khiến bạn thu mình lại trong vùng an toàn. Bạn không dám thể hiện mình, không dám đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của chính mình. Bạn luôn đồng ý và dễ thỏa hiệp với những ý kiến của người khác. Chỉ vì bạn sợ sai lầm, sợ xấu hổ, sợ người khác đánh giá, chê cười, sợ vấp ngã, sợ thất bại…
Thiếu quyết đoán là dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Khi đồng nghiệp, đối thủ biết là một kẻ thiếu quyết đoán thì họ sẽ lợi dụng tính điểm yếu này để lợi dụng, lôi kéo bạn. Chính sự nhút nhát và dễ thay đổi từ tác động của người khác khiến bạn trở thành quân cờ của kẻ xấu từ lúc nào không hay. Nhưng trái lại, nếu bạn có lập trường, quyết đoán thì chẳng ai dám tác động vào bạn bởi trong mắt họ, bạn “không phải dạng vừa” rồi.
Thiếu quyết đoán là mất đi cơ hội. Cơ hội chỉ đến một lần và những ai biết nắm bắt cơ hội thì người đó sẽ rút ngắn được con đường đi đến thành công. Nhưng nếu bạn là người thiếu quyết đoán thì đồng nghĩa với việc bạn đánh đánh mất cơ hội bởi bạn luôn đắn đo, băn khoăn và lo sợ.
Bạn sợ thất bại nên không dám thử sức, không dám bứt phá bản thân. Chưa kể sếp sẽ chẳng dám giao trọng trách cho bạn vì chẳng đủ tin tưởng bạn có đảm nhiệm được hay không. Từ đó những cơ hội thăng tiến cũng sẽ vụt mất vì tính thiếu quyết đoán. Bởi những người làm lãnh đạo, quản lý là đầu tàu là người quyết định sự thành công của tập thể thì không được phép thiếu quyết đoán.
Bài văn mẫu số 2: Sự quyết đoán quyết định sự thành công của bạn
Chúng ta đều biết, để có được sự thành đạt trong sự nghiệp, không có phương thức nào mười phân vẹn mười song sự quyết đoán thường sẽ giúp bạn rất nhiều, có khi còn quyết định sự thành công của bạn. Tại sao lại có thể khẳng định như vậy?
Trong bất kỳ công việc gì, nếu bạn là chủ thật sự thì quyết định cuối cùng là bạn. Bởi thế, bạn có quyết định hay không? Có quyết tâm thực hiện ý định hay không? là một điều rất quan trọng. Khi ra quyết định thường đòi hỏi bạn phải hạ quyết tâm với ý thức quyết đoán kịp thời, tóm lại là bạn phải sẵn sàng đón nhận thách thức.
Đối mặt với thách thức càng nhiều thì cơ hội càng lớn. Trong cuộc sống có rất nhiều cơ hội song đối với những người do dự chần chừ, cơ hội chắc chắn sẽ vụt mất. Tất nhiên, để có thể quyết đoán được một việc cũng không đơn giản song nếu như ta không dám bắt tay vào thì sao có khả năng chiến thắng. Bạn nên nhớ, bất cứ một người hiếu thắng nào cũng không nhất thiết trận nào cũng thắng cả, chỉ có chiến thắng nhiều hơn mà thôi. Thế nhưng nếu bạn lại lo sợ ngay từ khi chưa nghênh chiến thì rõ ràng cơ hội chiến thắng không thể nắm trong tay được. Giống như một đứa trẻ phải dũng cảm bước những bước chân đầu trong nỗi sợ hãi thì sau đó không lâu mới có thể bước những bước chân dài hơn - những bước chân như người lớn mà không còn chút sợ hãi nữa.
Có một nguyên nhân nữa làm bạn thiếu khả năng quyết đoán đó là bản tính biếng nhác. Bởi vì muốn đưa ra một quyết đoán có hiệu quả, bạn cần phải thu thập thông tin với một tinh thần bền bỉ trong một thời gian dài. Thu thập đầy đủ sự thật là tiền đề cần có của sự phát huy khả năng quyết đoán. Sau khi thu thập mọi thông tin trong từng mục, bạn cần đánh dấu cộng hoặc trừ để sau đó tự so điểm. Nếu cột bên cộng nhiều hơn thì bạn đừng chần chừ gì nữa hãy quyết đoán thực hiện công việc kinh doanh đó, còn nếu ngược lại thì cân nhắc thêm, nhưng nếu cả hai bên bằng nhau thì chỉ có cách dựa vào những kinh nghiệm trước đây của bạn và dựa vào vận may để quyết định.
Có một điều nữa bạn cần lưu ý đó là bạn chỉ nên lo lắng để có thể đưa ra quyết định không lãng phí dù chỉ là một phút song khi đã ra quyết định rồi thì sự lo lắng cần chấm dứt. Quyết định ý chí là liều thuốc mạnh mẽ của cả đời người, vì thế khi đã quyết tâm thì không nên thay đổi chủ ý. Dĩ nhiên, sau khi đã ra quyết định không ít người vẫn suy nghĩ đeo đẳng và lo lắng bồn chồn, sợ thất bại. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu nhiều lần xuất hiện khi bạn lo lắng quyết đoán. Bạn hãy cứ nghĩ như thế này cho việc quyết đoán đơn giản hơn. Cơ hội không dễ dàng đến vậy mà ta lại để nó bay ngang mất qua cửa sổ vào tay đối thủ cạnh tranh vậy chi bằng ta cứ thử kể cả nếu phải nếm mùi thất bại.
Quyết đoán không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám làm. Một việc gì nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì sao thành công lại không thể đến.
Những lý do khiến bạn trở nên do dự, thiếu quyết đoán
Sự quyết đoán là người đồng hành vĩ đại nhất của bạn khi xác lập hướng đi cho cuộc đời mình. Còn sự do dự chính là một tên trộm, lén lút đợi thời cơ để đánh cắp những ước mơ và hy vọng trong bạn. Khi bạn chần chừ, bạn đang hủy hoại tương lai của chính mình và giết chết nó.
“Giá như tôi đầu tư 10% thu nhập hàng tháng của mình”. “Giá như tôi quan tâm đến sức khỏe của bản thân”. “Giá như tôi biết mua cổ phiếu 100 đô la khi người ta đang rao bán có 1 đô la”. “Giá như tôi nắm lấy cơ hội và tự khởi nghiệp”. Sự do dự, thiếu quyết đoán và không chắc chắn sẽ giam cầm bạn trong thế giới của “giá như”. Đó không phải là điều bạn muốn phải không? Hãy xem xét những lý do khiến con người do dự và bạn sẽ học được cách loại bỏ chúng.
Dưới đây là 6 lý do khiến bạn có thể trở nên do dự:
1. Buồn chán
Tất cả chúng ta một lúc nào đó đều cảm thấy nhiệt huyết trong mình suy giảm. Đôi khi công việc của chúng ta trở thành một guồng quay lặp đi lặp lại và không còn gì là mới mẻ.
Bạn sẽ chiến đấu với tính trì trệ như thế nào? Sau đây là một số gợi ý: đầu tiên, hãy tự nhận thức mình đang buồn chán. Hãy lắng nghe cảm giác, đo lại mức năng lượng, xem xét sự thiếu nhiệt tình và mong ước trong công việc của bạn.
Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau và cố gắng trả lời thật trung thực. Tôi có cảm thấy những việc mình đang làm thật buồn tẻ không? Tại sao tôi lại thấy buồn tẻ? Điều gì có thể khiến tôi cảm thấy sung sức hơn?
Các doanh nghiệp thành đạt luôn duy trì được sự hứng khởi bằng cách liên tục bám đuổi những dự án mới và những cơ hội lớn hơn. Họ không ngừng nâng cao mong đợi và không bao giờ chịu hài lòng với những công việc kinh doanh buồn tẻ, không mang lại thử thách. Họ phát triển nhờ việc đón nhận những cơ hội mà có cả khả năng rủi ro và khả năng đạt được thành công.
Một cách khiến lòng nhiệt huyết của bạn tuôn trào trở lại là nghĩ về việc tạo ra những hợp đồng lớn hơn và những gì phải đánh đổi để làm ra khoản lợi tức đó. Điều này đòi hỏi bạn cần trở nên sáng tạo và biết đổi mới hơn. Sự sáng tạo sẽ tạo ra năng lượng và sự đổi mới đem đến nhiệt huyết. Bạn sẽ tạm biệt buồn chán, chào mừng những mục tiêu và những phần thưởng lớn hơn.
2. Công việc quá tải
Lý do khiến mọi người trì trệ trong công việc là vì họ luôn để cho các nhiệm vụ chồng chất lên nhau, thay vì giải quyết từng nhiệm vụ và hoàn thành nó. Điều này có thể bắt đầu từ một việc rất nhỏ nhưng bạn lại không thể hoàn thành vì bạn cảm thấy chưa đến lúc thích hợp để làm hoặc không thích làm. Rồi một việc khác lại đến và bạn tạm ngưng công việc này lại. Sau một thời gian, danh sách công việc phải hoãn lại của bạn đã lên đến nửa tá và sự trì trệ bắt đầu xuất hiện. Nó bắt đầu điều khiển bạn. Chẳng bao lâu sau sẽ có rất nhiều thứ phải làm và bạn cảm thấy quá tải ngay khi mới bắt đầu nghĩ đến chúng và thế là bạn chẳng làm gì cả.
3. Mất tự tin
Đó là khi nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ cùng phối hợp vẽ nên những bức tranh tiêu cực trong tâm trí bạn để kéo bạn thụt lùi. Đây là những điều bạn cần phải nhớ: phần lớn những việc bạn sợ sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng cho phép nghi ngờ và sự không chắc chắn lấy đi sức mạnh của bạn. Hãy nhớ rằng nghĩ về những điều bạn sẽ phải làm và tất cả những khả năng xấu có thể xảy ra sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn cả là thật sự bắt tay vào làm việc.
4. Đánh giá thấp bản thân
Điều này hoàn toàn khác với việc bạn mất tự tin. Những người có ít lòng tự tôn thường gạt bỏ mọi khả năng thành công bởi họ luôn nghĩ rằng mình không xứng đáng đạt được điều đó. Điều này có thể liên quan đến hệ thống niềm tin tiêu cực trước đây và một quá khứ đau buồn.
Cách tốt nhất để giết chết cơ hội là không nắm lấy nó. Những người có ít lòng tự tôn thường tìm ra đủ mọi lý do để từ chối thực hiện những bước đầu tiên trên con đường hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
5. Làm công việc không yêu thích
Có hai mặt trong vấn đề này. Thứ nhất, tất cả chúng ta đều bắt buộc phải làm một số việc mà chúng ta không muốn. Đó là luật lệ của cuộc chơi mà chúng ta phải chấp nhận nếu muốn trở nên thành công hơn. Người thành công làm việc những việc mà những người không thành công không muốn làm. Tất nhiên, họ cũng không thích thú với một số việc nhưng dù vậy, họ vẫn tiến lên và làm điều đó. Đây chính là điểm mấu chốt mà bạn cần phải hoàn toàn hiểu rõ.
Thứ hai, bạn có thể bị tắc nghẽn trong một công việc hay một sự nghiệp tẻ ngắt không cho phép bạn sử dụng những năng lực tuyệt vời của mình. Nếu điều đó đúng, hãy đi tìm cơ hội khác để trải nghiệm tài năng của bạn. Tại sao phải làm những việc đang vắt kiệt sinh lực của bạn và không khiến bạn cảm thấy hạnh phúc?
Nhiều người không thay đổi công việc bởi họ cần một sự bảo đảm hoặc suy nghĩ về việc phải làm một việc gì khác khiến họ sợ hãi. Bạn cần nhìn nhận thực tế: những phần thưởng lớn nhất trong cuộc sống chỉ được tìm thấy bên ngoài không gian thoải mái của bạn.
6. Dễ bị sao nhãng hoặc đơn giản là quá lười
Nếu bạn đang né tránh công việc chỉ vì bạn muốn được xem ti vi hàng đêm, bạn sẽ chẳng có cơ hội nào để tận hưởng cuộc sống phong phú và rực rỡ. Thành công luôn đòi hỏi sự cố gắng, kiên trì và những hành động tập trung. Sự lười biếng không bao giờ có mặt trong công thức thành công. Nói cách khác, nó bị cấm trong lãnh địa của thành công.
(Trích “Sức mạnh của tập trung”)
Bài văn mẫu 3: Hậu quả của sự thiếu quyết đoán
Khi bạnnào cũng do dự trước những dự định, không những bạn tự đánh mất quyền lợi mà còn thua thiệt rất nhiều so với bạn bè…
Khi bạn có lập trường kiên định và lòng quyết tâm, bạn mới có thể tạo sự tin tưởng nơi mọi người. Từ đó bạn mới có thể chỉ đạo và vạch ra phương hướng giải quyết. Sự thiếu quyết đoán luôn khiến bạn chần chừ, do dự. Bạn thay đổi liên tục nên mọi người cũng hoang mang, không dám giao việc lớn cho bạn.
Nếu bạn không sửa được thói quen này, bạn mãi mãi không thể làm việc gì đến nơi đến chốn. Bạn không thể đạt được mục tiêu và ước mơ của mình. Và bạn chỉ có thể đi làm cho người khác, chứ không ai làm cho bạn được cả.
Những ai thiếu quyết đoán, chỉ cần một lời nói bóng gió của người khác là dễ dàng bị “lung lay ý chí” ngay. Kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội này mà khuyên bạn những điều bất lợi. Chính vì không có ý chí kiên định và thiếu tự tin nên bạn không phân biệt được đúng sai, dễ bị đối thủ “bắt bài”, hoặc bạn có thể trở thành “công cụ” để người khác lợi dụng.
Với những ai thiếu quyết đoán, bạn càng nghĩ theo hướng tiêu cực, sự tiêu cực đó xảy ra càng nhanh. Bởi thay vì bắt tay thực hiện, bạn lại hoang mang, do dự, xem liệu mình nên đi theo lựa chọn nào. Bạn không có đam mê, không có chính kiến, chỉ bị tác động bởi dư luận và làm theo những gì mà số đông cho là đúng. Những nỗi sợ của bạn rất dễ thấy. Càng nghĩ nhiều đến nó, bạn càng có xu hướng hành động y hệt như vậy.
Khi bạn có một ý tưởng hay, bạn không chịu thực hiện ngay mà chần chừ vì sợ thất bại. “Có lẽ mình sẽ không làm nổi, ý tưởng này rất viển vông”, “Thiếu nhân lực, thiếu vốn, làm sao mà làm?”, “Thôi, từ từ làm cũng được, có gì đâu mà vội, bây giờ chưa phải lúc”… Và rồi một thời gian rất ngắn sau đó, bạn thấy người khác đã biến ý tưởng của bạn thành hiện thực và thành công mĩ mãn. Lúc đó bạn lại tức và nói: “Giá như…”. Thật ra, sự quyết đoán của họ đã thôi thúc họ thực hiện, đó là điểm khác biệt giữa người thành công và người “luôn thiếu may mắn”.