Biểu cảm về mái trường thân yêu – Bài văn mẫu số 1
Trường THPT B Phủ Lý, một ngôi trường đơn sơ tuổi đời còn rất trẻ, không nằm ở trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt nên ngôi trường có một sự thanh bình hiếm có: không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Nơi đây, em đã gắn bó trong suốt 3 năm học cấp 3.
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có ngày đầu tiên đi học, với em, những ngày đầu tiên ấy không thể nào quên. Còn nhớ ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp 3 này, cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ với trường mới, thầy cô mới, bạn mới đã khiến em rụt rè, lo sợ, nhưng các thầy cô ở đây với lòng nhiệt huyết của “người lái đò tận tụy” đã xóa tan đi những cảm giác ban đầu đó. Quen dần với những ngày đến lớp, thầy cô, bạn bè, quen với một mái trường với hàng cây xanh rợp bóng và con đường sớm tối đi về đã trở thành những kỷ niệm khó quên. Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…”. Đúng như vậy, thời gian chính là thứ keo gắn bó kì diệu nhất, mái trường, thầy cô, bạn bè giờ đây đã trở thành gia đình thứ hai của em cũng như các bạn học sinh ở đây. Giờ sắp phải rời xa nơi này, bất cứ học sinh lớp 12 nào cũng có chút không nỡ…
Nhưng dòng đời phải luôn luôn chuyển động, con người ai ai cũng phải lớn lên, kết thúc đời học sinh để bước sang một trang mới của cuộc đời, để sống có ích một cách trọn vẹn. Tốt nghiệp cấp 3, mỗi người chọn cho mình một ngã rẽ nhưng em tin rằng không ai có thể quên kỉ niệm của những năm tháng học trò. Nếu năm học lớp 10, chúng ta có thể run sợ khi đứng trước giáo viên nhưng đến năm học lớp 12 này, thầy cô vừa là cha mẹ, vừa như những người bạn của chúng ta, thân thiết, gần gũi, đầy tình cảm. Đứng trước ngã rẽ của cuộc đời ta mới thấy lời khuyên của các thầy cô có ý nghĩa biết bao.
Sau mỗi tiết học, nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán và ướt đẫm áo thầy cô, lòng tôi bất chợt xót xa. Nhưng các bạn khác có ai biết đâu, có ai từng ngắm nhìn kĩ bất cứ một thầy cô nào, nhìn bằng cả tấm lòng thì sẽ thấy thầy cô như mỉm cười sau một tiết truyền thụ kiến thức khiến học sinh hiểu bài và ngược lại. Có thể chúng ta cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của giáo viên. Chúng ta vào học thì đã đóng học phí cho nhà trường thì coi như đó là sự trao đổi công bằng nhưng đó có thật sự là công bằng không khi thầy cô tốn bao công sức, tâm huyết, yêu thương chúng ta và xem như là một phần của cuộc sống, niềm vui.
Khi chúng ta rời khỏi con đường học vấn, bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tuổi xuân đang phơi phới vẫy gọi thì lúc đó thầy cô đã về tuổi xế chiều. Suốt cả cuộc đời dạy học thầy cô nhân được gì? Niềm vui? Có đấy nhưng nỗi buồn thì lại rất nhiều. Những cơn giận được biểu thị qua thái độ, hành động khi thầy cô la rầy hoặc bị điểm kém. Những điều đó tuy rất đơn giản và đến với chúng ta chỉ trong phút chốc nhưng lại là một vết thương trong lòng thầy cô.
Tình cảm thầy trò rất thiêng liêng, cao cả. Và công lao thầy cô được ví như người lái đò thầm lặng chở học trò qua sông. Dù cho con sông đó phẳng lặng hay phong ba bão táp thì thầy cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từng chuyến đò qua là biết bao thế hệ trưởng thành nhưng khi con thuyền đó quay trở về để tiếp tục sự nghiệp thì chỉ còn một mình thầy cô “lẻ bóng”, học trò đã đi xây dựng sự nghiệp, cuộc sống mới, có ai còn nhớ đến người đã chở con thuyền tri thức và tình thương đó không? Nhưng thầy cô không hề nghĩ đến, đơn giản là vì thầy cô biết rằng đó là quy luật sống và là lương tâm của một nhà giáo chân chính. Thầy cô không mong sau này học trò sẽ nhớ đến mình, sẽ quay trở về và báo đáp công ơn dạy dỗ mà chỉ hi vọng những đứa trẻ đó sẽ thành công, mang danh dự về cho quê hương, đất nước thế là đã làm cho thầy cô vui lòng. Buồn lắm chứ, và cả thương nữa, không đành lòng xa những đứa con yêu dấu trong đại gia đình nhưng biết làm thế nào đây, thầy cô không thể nào mãi mãi giữ chúng ta bên mình để dạy dỗ. Chúng ta như những con chim non đang tập bay, khi đủ trình độ thì phải thả con chim đó ra để cho chúng bay lượn trên bầu trời tự do. Đây là nỗi buồn sâu lắng nhất và là nỗi niềm chung của tất cả những người theo nghiệp Nhà giáo.
Không chỉ dạy chữ, quan trọng hơn cả là thầy cô dạy chúng ta cách làm người. Uốn nắn, rèn luyện chúng ta trở thành con người nhân nghĩa, lễ phép… công ơn thầy cô không có gì so sánh được. Thế là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa chúng ta bước sang một ngả khác, thời gian thoăn thoắt như thoi đưa, ước như thời gian quay được trở về thời điểm mới bước vào ngôi trường này để được từng thầy cô ân cần dạy dỗ.
Trong cuộc sống hối hả, nhộn nhịp của xã hội và đầy rẫy những cạm bẫy của cuộc đời chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn quay về và muốn quay về bến đò xưa thì thầy cô là người luôn chờ đợi và dang tay ra để chào đón những đứa con thân yêu trở về. Chúng ta hãy dùng trí óc và con tim để ghi khắc từng kỉ niệm, từng chút một để chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối trong cuộc đời tấp nập xô đẩy với vô vàn sóng gió. Chúng ta hãy tự tin và đứng vững trên đôi chân mình và hãy tin rằng thầy cô luôn bên cạnh, sẵn sàng nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã.
Những ngày này, học sinh khối 12 đang tất bật bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học, những lo lắng cho kì thi sắp tới dường như bao trùm tất cả nhưng một chút nào đó trong chúng ta là sự tiếc nuối, tiếc nuối quãng đời học sinh, tiếc nuối sự gắn bó được tạo ra như một thói quen. 3 năm học, dài đấy nhưng cũng thật nhanh, và dù sao nó cũng để lại trong ta biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng mà có lẽ cả cuộc đời này không bao giờ quên. Bỗng dưng trong e rộn ràng câu hát: “Em yêu trường em
Với bao bạn thân
Và cô giáo hiền
Như yêu quê hương
Cắp sách đến trường
Trong muôn vàn yêu thương…”
Biểu cảm về mái trường thân yêu – Bài văn mẫu số 2
“Trường THPT Vĩnh Yên”, nơi không có sự hồn nhiên của năm cấp một, sự tinh nghịch như hồi cấp hai, mà đó là sự trong trẻo của những ngày cấp ba đã cho em biết đâu là những người bạn thực sự, là niềm tin và tri thức!
Ba năm sắp trôi qua, em sắp phải rời xa mái trường đã gắn bó để nhường chỗ cho những thế hệ mới. Trong em lắng đọng những suy nghĩ, suy tư của một thanh niên trẻ, một học trò sắp rời ghế nhà trường để bước vào trường Đại học hay những thử thách cuộc đời. Trong cái se lạnh của thời tiết đầu mùa, những kỉ niệm dưới mái trường Vĩnh Yên sống lại trong em như muốn nhắc nhở em về mái trường thân yêu, gần gũi, ấm áp đã giúp em nuôi lớn ước mơ của mình.
Nhớ mãi buổi đầu tiên đến trường. Bước chân vào cổng trường mà lòng em đan xen biết bao cảm xúc, vừa vui, vừa hồi hộp, vừa lo lắng, sợ sệt không biết học ở đây như thế nào. Nhưng rồi, tất cả những cảm xúc ấy bỗng trôi xa nhường cho những tiếng cười bạn mới, thầy cô mới.
Hình ảnh cô giáo Hiệu trưởng hiện rõ trong kí ức. Cô nói về tầm quan trọng của thời học sinh cấp 3 này. Tất cả đã mang cho em một cái nhìn tổng quát về tương lai. Trường THPT Vĩnh Yên đã trở thành niềm tự hào của riêng em và tất cả các bạn. Ở đây, có đội ngũ thầy cô thật tận tụy, những người bạn chân thành, có cả tình người ấm áp trong môi trường giáo dục chất lượng. Hai năm gắn bó với mái trường, em càng thêm tin tưởng và hi vọng nhiều hơn. Niềm tin đó giúp em vững vàng với sự lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện, tự nhủ phải cố gắng hơn nhiều với những gì trường Vĩnh Yên đã dành cho em.
Những dòng đời chuyển động, con người sẽ lớn lên, từ giã quãng đời học sinh để bước vào đời.
Lời thầy cô em sẽ luôn ghi trong tim. Mãi khắc ghi bao công ơn cô thầy. Sẽ nhớ mãi những lời thầy cô dăn dạy chúng em, những gì thầy cô đã dìu dắt chúng em suốt hai năm qua. Những gì thầy cô tận tình chỉ bảo, em sẽ mãi khắc ghi công ơn này. Rồi ngày mai khi em lớn lên. Tung cánh em bay vào đời. Lời thầy cô em luôn mang bên mình là hành trang cho em bước đi. Lời thầy cô chấp cánh cho em. Vững bước em đi trên đường đời. Dù thời gian dẫu có đổi thay. Lời thầy cô em sẽ mãi không quên.
“Thời gian trôi sao quá nhanh”, xin thời gian trôi chậm lại để em và các bạn có nhiều kỉ niệm đẹp, để em được học và nghe những bài giảng bổ ích của thầy cô ở đây. Dù có đi đâu, bay cao hay bay xa, em cũng sẽ không thể nào xóa nhòa được kỉ niệm về mái trường THPT Vĩnh Yên này.
Biểu cảm về mái trường thân yêu – Bài văn mẫu số 3
Vậy là quãng đời, học sinh của Tôi dần trôi qua, gần 3 năm học tập dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ với biết bao kỉ niệm, vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu này. Khoảng thời gian ấy tuy không dài so vơí 1 đời người, nhưng cũng đủ để in dấu vào lòng người những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý .
Cổng trường mở ra và khép lại, đón và đưa lớp lớp thế hệ học sinh nhập học rồi ra trường, mang theo những thành quả của ước mơ mà 3 năm về trước họ đã ấp ủ cho vào hành trang để họ lớn lên trên mái trường THPT. Và tôi – mội học sinh lớp 12A2 cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Sắp phải rời xa mái trường mà tôi đã gắn bó để nhường chỗ cho những thế hệ mới với những con người mới. Trong tôi lắng đọng những suy nghĩ, suy tư, của một thanh niên trẻ, một học sinh sắp rời ghế nhà trường để bước vào trường ĐH hay những thử thách mới đầy cam go nhưng cung không kém phần thú vị của cuộc đời. trong cái se lạnh của thời tiết đầu mùa, những kỉ niệm dưới mái trường THPT sống lại trong tôi như muốn, nhắc nhở tôi về một mái trường thân yêu, gần gũi, ấm áp đã giúp tôi nuôi lớn ước mơ của mình.
Ước mơ để trở thành học sinh cấp 3 xuất hiện hơn 4 năm về trước – từ ngày tôi còn là một học sinh cấp 2. Con đường dẫn tôi đến với ngôi trường này cũng nhiều khó khăn, nhưng bằng chinh những nỗ lực của mình, cổng trường THPT Nguyễn Huệ đã rộng mở đón chào tôi lần đầu tiên bỡ ngỡ bước vào .
Nhớ xiết bao buổi đầu tiên ấy. Bước chân vào cổng trường THPH mà lòng tôi đan xen biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui của một học sinh cấp 3 trước một chân trời mới của tri thức, vừa lo lắng, sợ sệt không biết học ở đây như thế nào. Nhưng rồi, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi xa nhường chỗ cho những tiếng cười, khi mà tôi được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các học sinh xã khác. Buổi gặp mặt với những tiết mục văn nghệ đầy sôi nổi và quan trọng nhất là những thông tin giới thiệu của các anh chị khóa trước về mái trường và thầy cô ở nơi đây.
Hình ảnh thầy giáo Hiệu trưởng giới thiệu về môi trường và chào đón những thế hệ đầu tiên hiện rõ trong kí ức của tôi. Thầy nói về những thách thức về ô nhiễm môi trường mà chúng ta sẽ phải chịu đựng trong quá trình phát triển kinh tế, về tình trạng thực tế của môi trường xung quanh chúng ta và trách nhiệm của 1 người công dân, 1 học sinh. Ngoài ra, thầy giáo còn giới thiệu về cách học và tầm quan trọng của thời học sinh, cấp 3 này… Tất cả đã mang cho tôi một cái nhìn tổng quát về tầm quan trọng của cấp 3.
Học kỳ đầu tiên đối với tôi thật nặng nề, có lẽ, vì tôi chưa quen với những phương pháp dạy và học mới ở bậc cấp 3, và cũng bởi vì tôi phải tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới trong khi tôi chưa chuẩn bị được nền tảng. Kỳ đầu tiên với kết quả không như tôi mong đợi đã làm cho tôi lo lắng. Tôi tự đổ lỗi cho nhà trường vì chương trình và nội dung không cuốn hút mà quên mất rằng chính mình đã không thực sự cố gắng và chú tâm vào học tập cho thực chất.
Và rồi cuối cùng tôi cũng nhận ra khi bạn bè xung quanh tôi ai cũng học tốt và đạt thành tích cao. Khi đó tôi tự hứa với lòng mình phải gác lại những tình cảm cá nhân, không nên dành nhiều thời gian cho những người thân yêu ở nhà mà phải lấy họ làm động lực để cố gắng. Những năm tháng dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ, tôi không chỉ được học những kiến thức hay, tính tự lập hơn và đã giúp tôi trưởng thành vững vàng hơn rất nhiều.
Trường THPT Nguyễn Huệ đã trở thành niềm tự hào của riêng tôi và tất cả các bạn. Ở đó có đội ngũ thầy cô thật tận tụy, những người bạn chân thành, mà có cả tình người ấm áp trong môi trường giáo dục chất lượng và đỉnh cao. Nhà trường cũng luôn theo sát hoàn cảnh của mỗi học sinh thông qua Đoàn trường và Hội học sinh, kịp thời động viên chia sẻ những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập tại trường.
Bây giờ đã là một học sinh năm cuối, hơn hai năm gắn bó với mái trường tôi càng thêm tin tưởng và hi vọng nhiều hơn. Niềm tin đó giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện, tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì trường Nguyễn Huệ đã dành cho tôi. Ngày hôm nay tôi có thể tự tin nói rằng vào THPT Nguyễn Huệ là lộ trình đúng bởi nơi đây chính là cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội, là chìa khóa cho những ai muốn thay đổi.
Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực dìu dắt và truyền đạt kiến thức của các thầy cô và sự cố gắng của bản thân tôi, tôi cũng đã thực sự được trưởng thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Tôi xin được gửi tới Thầy Cô của mái trường mến yêu của mình lời hứa rằng dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gi, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với thương hiệu học sinh THPT Nguyễn Huệ.
Nhân ngày 20/11 em xin chúc các thầy cô giáo cán bộ, công nhân viên nhà trường sức khỏe và công tác tốt để xây dựng trường THPT Nguyễn Huệ ngày càng phát triển.
Biểu cảm về mái trường thân yêu – Bài văn mẫu số 4
Xuân sang mang theo những cơn mưa vô tình chợt đến rồi chợt đi vội vàng như muốn nhòa tan đi từng dư vị kí ức mong manh cuối cùng của thời trung học phổ thông với bao vấn vương, nhớ thương làm thổn thức con tim thanh xuân tuổi 17 của người học trò cuối cấp khi sắp phải rời xa mái trường, thầy cô, bạn bè. Có chút tiếc nuối mơ hồ, có chút chơi vơi bất định. Là một trong những người con sắp xa quê, xin cho tôi một phút giây dù chỉ là ngắn ngủi thôi để được bộc bạch tiếng lòng của mình với nơi mà dành trọn cả con tim để hướng về – Nguyễn Hữu Cầu thân thương!
Bánh xe thời gian cứ lặng lẽ trôi, làm một phép tính đơn giản: đã hơn 2 năm, 3 tháng, 75 tuần, 274 buổi học với 2130 tiết học kể từ khi 330 chú Rồng Vàng năm học 2015 ấy về chung một đại gia đình Nguyễn Hữu Cầu, cũng là lúc tôi chân ướt chân ráo làm quen với cuộc sống ở một nơi mà mình chưa từng đến, may mắn có những người bạn mà tôi chưa từng biết trước đây!
Ánh nắng vàng tươi vẫn cứ lười biếng nằm dài giữa sân trường thoáng đãng là thế, những chiếc lá vàng cuối cùng cũng rơi, chấp chới như muốn đùa nghịch cùng gió, tôi vẫn thường men theo từng tán cây chầm chậm bước đi, nhẹ nhàng giẫm lên những hạt nắng li ti. Khung cảnh vốn không thay đổi, vẫn cứ trọn vẹn như ngày khai trường đầu cấp ấy! Nhớ ngày nào vẫn còn là “em út” trong nhà Nguyễn Hữu Cầu, nhận được biết bao sự quan tâm, tận tụy chăm sóc của thầy cô và các anh, chị đi trước mà giờ đây tôi đã trở thành những cánh chim đầu đàn, sắp sửa tung bay giữa khoảng trời bao la. Chùm hoa bò cạp vàng ngày nào còn kiêu ngạo khoe sắc ở đầu cửa A1, bây giờ chỉ nằm gọn trong kí ức của tôi, mong manh như thể cũng buồn khi biết tôi sắp chia xa nơi này.
Cùng với mùa thu bình yên, cùng với những cảm xúc lạ kì chẳng biết gọi tên, Nguyễn Hữu Cầu đã cùng tôi bước đi trên con đường thanh xuân rực rỡ. Dẫu rằng đã sang trường mới được hai năm nhưng hình ảnh của mái trường cũ năm lớp Mười ngày ấy lại mang đến cho tôi bao sự thân quen hơn hẳn, có lẽ bởi màu áo vàng bình dị quen thuộc mà nó khoác lên mình tựa mái nhà cấp hai cũ của tôi hay chính những kỉ niệm vui buồn mà tôi lưu giữ nơi đây. Đó là sân bóng nhộn nhịp trong ngày hội khỏe Phù Đổng. Là những dòng lưu bút nguệch ngoạc ở tấm bảng xanh cuối lớp mà bọn học sinh chúng tôi đua nhau khắc lên. Là những cành phượng vĩ đỏ rực nhuộm thắm con tim người học trò!
Những hình ảnh thầy cô tận tụy hết lòng yêu thương học sinh nơi đây sẽ mãi luôn in dấu sâu đậm trong hồi ức thanh xuân tuổi 17 này. Tôi sẽ nhớ mãi chất giọng trầm ấm của cô Thúy Loan mà mỗi khi bọn học sinh chúng tôi cúi đầu chào đều được cô đáp lại bằng một nụ cười vô cùng thân thiện: “cô chào trò”. Làm sao quên được giờ sử với những bài giảng tựa những câu chuyện thần thoại li kì không có điểm dừng của thầy Tuấn, giờ Văn với những cung bậc cảm xúc thăng hoa qua giọng nói trầm hùng của thầy Lâm, giờ Tiếng Anh của cô Dung với những bài kiểm tra đầu giờ, tưởng chừng như một tuần có bấy nhiêu tiết là bấy nhiêu buổi khảo bài! Tôi sẽ nhớ lắm, tiếng gọi hỏi bài lúc trầm lúc bổng du dương như tiếng vĩ cầm của cô Nguyệt, dẫu rằng mỗi lời cô hỏi là mỗi lần trái tim nhỏ bé xinh xinh của bao đồng chí con mà trong đó có tôi như muốn vỡ tung ra khỏi lồng ngực. Ấy vậy mà ngày nào cô không hỏi bài lại cảm thấy trống vắng vô cùng như thể cá sống mà không có nước!
Tôi thật may mắn khi được làm con của gia đình “Nguyễn Hữu Cầu” – cái nôi của những nhân tài với hơn 40 năm trang sử vàng vẻ vang đầy tự hào: anh Trịnh Quốc Khánh thủ khoa đại học Y dược TPHCM 2013, anh Nguyễn Khánh Quỳnh chủ nhân vòng nguyệt quế thứ 2 của Quý 3 Oympia 2016, ……Nơi đây trong tôi như một bức tranh mang dấu ấn, phong cách mà tôi tự họa cho riêng mình – là điểm tựa mà bản thân luôn nghĩ về mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi hay đuối sức trong chính cuộc sống muôn hình vạn trạn này, thì bức tranh ấy lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Bởi lẽ nó được vẽ lên từ màu sắc đa dạng, được lắp ráp từ những mảnh ghép đại diện cho chân dung cuộc đời, hành trình sống mà tôi đã đi qua,có thầy cô, bạn bè, có “B12 dấu yêu” nằm ở góc trường và đâu đó có mối tình tuổi học trò hồn nhiên mà tôi chưa kịp ngỏ lời….
Tôi sẽ mãi khắc ghi những món quà mà bản thân được ưu ái nhận từ nơi này, một mái nhà gắn bó hơn mười tiếng mỗi ngày, sự quan tâm tận tụy của thầy cô, những kĩ năng xã hội qua các hoạt động ngoại khóa, và hơn thế nữa là sự ấm áp, chân thành trong việc đối nhân xử thế với nhau, giáo dục bản thân biết tự kiềm chế những sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ, ….tất cả là bao bài học vô giá mà tôi tin rằng mình sẽ khó có thể tìm được ở dòng đời biến thiên vạn hóa khôn lường ngoài kia. Xin cho tôi được gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến thầy Đặng Công Vinh Bửu – người thầy, người cha đã dìu dắt tôi qua từng chặng đường toán học trong suốt ba năm vừa qua, dẫu rằng không phải là giáo viên chủ nhiệm của lớp nhưng trong tôi hình ảnh của thầy lại thân thương biết bao! Xin cảm ơn thầy vì sự bao dung khi bao lần kiểm tra đồng loạt trôi qua chúng tôi “xát muối” vào tim thầy khi cứ “học tài thi phận” làm bài dưới trung bình, cảm ơn thầy vì lửa tâm huyết với nghề, nhiệt huyết với trò khi bao hôm thức “thâu đêm suốt sáng” miệt mài soạn trắc nghiệm cho chúng tôi! Tôi vẫn luôn mong muốn thầy nhớ về mình như chút kỉ niệm đẹp trong trang lưu bút dạy học của thầy, mong muốn có thể như các anh, chị đi trước hãnh diện khoác áo trưởng thành về trường nhưng tôi biết điều đó chỉ thành hiện thực khi những bạn chọn khối D và C như mình thi văn được điểm tám, chín trở lên hay có chăng chiếc vé này vốn dĩ chỉ dành cho A,A1,B,… mà thôi.
Sau cùng, xin gửi đến những người bạn của tôi: “Dù chọn ban tự nhiên hay xã hội thì chúng ta hãy cùng nhau dồn hết sức vào học tập trong hai trăm ngày sắp tới này nhé bởi mười hai năm rèn sách chỉ đợi hai ngày thi đại học để đánh giá kết quả như một trang kết ngọt ngào mà bản thân mỗi người tự họa lên cho sổ tay thanh xuân của riêng mình và cũng như góp phần làm sống dậy nên những trang sử vàng Nguyễn Hữu Cầu một lần nữa! Hãy mãi nhớ về những tháng năm học trò như những dấu ấn tuyệt đẹp của một thời áo trắng hồn nhiên đầy mơ mộng nhé!”
Nguyễn Hữu Cầu thân thương ơi, xin cho tôi được nói lời cảm ơn vì tất cả!
Biểu cảm về mái trường thân yêu – Bài văn mẫu số 5
Cuộc đời mỗi con người đều là một cuộc hành trình rộng lớn thênh thang. Trong hành trình ấy, luôn có những khoảnh khắc thuộc về những nơi mà trái tim ngẩn ngơ thương thương nhớ nhớ. Một trong những nơi đặc biệt đó, không đâu khác chính là mái trường thân yêu.
Trường học trong môĩ cá nhân khác nhau lại mang một bóng hình khác nhau. Song nó đều mang ý nghĩa tuổi học trò hồn nhiên trong sáng. Có người ngây ngô yêu mái trường mầm non, có người lại bồn chồn yêu mái trường tiểu học. Còn em yêu da diết mái trường trung học thân yêu này. Em yêu biết mấy tòa nhà cổ kính, uy nghiêm, yên lặng khoác lên mình màu áo vàng sẫm, khiêm tốn ẩn mình sau những hàng cây xanh mướt phía xa xa. Yêu những hành lang quanh co xoắn ốc, mỗi sáng ban mai nắng chiếu chan hòa làm cả góc hành lang u tối sáng bừng lên, ngôi trường bỗng đẹp như một tòa lâu đài cổ.
Trong tiếng vọng về của quá khứ, em bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên đi học – ngày đầu tiên đến với ngôi trường này. Cảm giác hồi hộp, háo hức chờ mong dường như vẫn vẹn nguyên giống khoảnh khắc em bước chân qua cánh cổng lớn màu trắng tinh khôi. Cổng trường mở ra, cả thế giới bên trong náo nhiệt và đầy bất ngờ. Những hàng cây rì rào trong gió dần trở nên quen thuộc. Tiếng trống trường, tiếng chuông reo, tiếng cười đùa ốn ào huyên náo cũng lặng lẽ trở thành một phần quý giá của tuổi học trò.
Nhung nhớ biết nhường nào những tiết học thú vị, bổ ích! Lớp học lặng im trong tiếng giảng bài đều đều, ấm áp cửa thầy, của cô. Những ánh mắt chăm chú dõi theo nét phấn trắng trên nền bảng, khẩn trương như muốn trọn vẹn tiếp thu những kiến thức mới lạ trước mắt. Ánh mắt trong veo hài hòa trong không khí hăng say của cả lớp, khó quên đến không ngờ! Và tiếng chuông giải lao vừa reo, bức tranh cổ kính trong hồi ức bỗng mờ nhạt dần, cô cậu học trò ùa ra sân như bầy ong vỡ tổ, cả sân trường bỗng chìm trong nhiệt huyết thanh xuân. Góc này tụm năm tụm ba, chúi đầu vào cuốn truyện tranh, cuốn sách nhỏ. Góc này chạy nhảy nô đùa, quả cầu theo nhịp chân nâng lên hạ xuống. Những khoảnh khắc ấy sẽ trở thành những kỉ niệm bình yên đáng quý của cuộc đời.
Thời gian trôi đi, trường không đơn thuần chỉ là trường học nữa, nó trở thành một mái nhà. Đó là mái nhà thứ hai của rất nhiều, rất nhiều người, họ đã hạnh phúc và vui vẻ khi sống dưới mái nhà ấy. Nhớ về mái trường thân yêu là nhớ về thầy cô, nhớ về những tháng ngày được thầy cô quan tâm, chăm sóc, được thỏa sức nô đùa cùng bè bạn. Nhớ những bài học tri thức lí thú, nhớ những bài học đạo lý làm người, nhớ nụ cười ánh mắt nghiêm khắc mà bao dung, nhớ cả những mùa thi chợt đến. Mặc kệ ve kêu râm ran, mặc kệ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, mặc kệ những tia nắng chói chang, cả lũ học trò nhỏ cứ mải mê dưới tán lá dày. Từng ngày từng ngày qua đi, trái tim cứ âm thầm khắc ghi từng kỉ niệm, từng khoảnh khắc dưới mái trường này. Đó là những khoảnh khắc buồn vui khó diễn tả. Để rồi một ngày kia, sân trường râm ran tiếng ve gọi hè. Và trong ánh nắng hè gay gắt, phượng bỗng rực đỏ một khoảng trời nhỏ bé, chúng em nhận ra một mùa thi, mùa chia li nữa lại về. Các anh chị cuối cấp ngỡ ngàng và lưu luyến, nhặt cánh phượng đỏ thắm ép chặt vào trang giấy, những dòng lưu bút chân thành cùng lời hứa hẹn một mai kia cùng về thăm lại mái trường thân yêu.
Bảng đen, phấn trắng, hoa phượng đỏ,...tất cả đã trở thành hoài niệm của bao người về mái trường họ đã học. Trường học là một điểm dừng chân của chuyến tàu khám phá, trưởng thành. Điểm dừng ấy trong trái tim mang theo tình cảm xốn xang và ngây thơ, mang theo tuổi học trò rực rỡ tươi đẹp nhất
42.
Mái trường là nơi em đã có những khoảnh khắc vui buồn của tuổi học trò, những kỷ niệm ghi dấu không bao giờ có thể quên được. Nó giống như một ngôi nhà thân thương, rộng lớn nơi có thầy cô, bạn bè, nơi có tình yêu thương, tình bạn ngây thơ, trong sáng.
Mái trường là nơi rộng lớn, nơi mà quãng đời học sinh của mỗi người đều diễn ra tại đó. Có thể nói trường học là một thế giới kỳ diệu mà chỉ có những người sống trong cái thế giới đó mới cảm nhận được điều kỳ diệu này. Nhớ ngày ta còn bé, nói đến trường học thì nó là một thứ xa vời, thứ mà ta không thể tưởng tượng nổi. Đó là thứ mà trước ngày khai trường đầu tiên ta luôn tò mò về sự tồn tại của nó. Ngày đầu tiên đi học mọi thứ trong trường đối với ta đều xa lạ, mang chút gì đó bí ẩn đang thôi thúc chúng ta cần phải khám phá. Nhưng càng tiếp cận, càng tìm hiểu thì chúng ta mới thấy rằng trường học là nơi ấm áp, đầy tình thân, và cũng rất gần gũi với mỗi người.
Có thể nói em yêu nhất chính là khoảng sân trường rộng lớn đầy nắng và gió. Đây là nơi chúng em vui chơi sau những giờ học căng thẳng, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về bạn bè. Sân trường nơi có nhiều loại cây khác nhau mà mỗi cây lại mang những ý nghĩa riêng. Những hàng xà cừ cổ thụ, đứng sừng sững từ bao đời nay là bóng mát che chở cho cả ngôi trường. Những hàng cây bằng lăng, cây phượng báo hiệu cho mùa hè, mùa thi. Rồi những tán bàng xưa nơi có biết bao trò đùa nghịch của đám học trò. Tất cả tạo nên thứ gọi là “sân trường” ấy. Tại đó, mỗi gốc cây, mỗi chiếc ghế đá đều in bóng những kỷ niệm. Nơi những hàng ghế đá chúng em thường ôn bài, đọc truyện, sách báo, nơi để nói chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị. Những gốc cây nơi tỏa bóng mát để chúng em chơi đùa.
Ngôi trường còn ghi dấu về những ngày lao động, quét dọn sân trường, lớp học. Mặc dù lao động vất vả, trong cái nắng nắng hay gió rét nhưng trên mặt mọi người vẫn luôn ngập tràn niềm vui vì được cùng nhau làm việc với tinh thần đoàn kết. Rồi những buổi học ngoài trời lý thú, những tiết vẽ cảnh vật ngoài trời thì em thường vẽ về ngôi trường của em, ngôi trường tại chính nơi em đang đứng. Hay những kỷ niệm về thầy cô, người luôn quan tâm dạy bảo cho chúng em, mong muốn chúng em lớn khôn, nên người. Hơn một năm trôi qua, em đã được học rất nhiều thầy cô giáo. Mặc dù có thầy cô nghiêm khắc và cũng có thầy cô hiền nhưng tất cả đều vì lo lắng cho chúng em, muốn chúng em học tốt để không phụ lòng ba mẹ. Rồi những kỷ niệm về những bạn bè đồng trang lứa. Trong những giờ ra chơi thì thường rủ nhau chơi đùa trên sân trường, chơi đuổi nhau, kéo co, chơi bịt mắt bắt dê. Hay dưới những tán bàng, đám học sinh chúng em thường lấy đá đập hạt bàng để ăn cái nhân bên trong, có thể nói đây là thứ mà bọn trẻ chúng em cực kỳ thích.
Nhắc đến mái trường không thể không nhắc tới những dãy lớp học núp dưới hàng cây xà cừ. Tại đó có biết bao bài giảng mà thầy cô đã dạy, tưng chiếc bàn, chiếc ghế, cái bảng đen dường như cũng trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó với chúng em. Ấy vậy mà hơn một năm đã trôi qua, từ ngày bước vào ngôi trường cấp hai ấy. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc ngôi trường sẽ lại trở thành trường cũ như ngôi trường tiểu học mà em đã từng học. Em luôn mong muốn thời gian đừng trôi nhanh để thời gian em được học dưới mái trường này lâu thêm chút nữa, để níu kéo những giây phút bạn bè, thầy cô cùng sát cánh bên nhau.
Những cảm nhận về mái trường là những cảm xúc chân thật nhất và cũng tự nhiên nhất đối với không chỉ riêng em mà còn đối với mọi người. Em rất yêu quý và trân trọng khoảng thời gian đang ngồi trên ghế nhà trường để sau này nhớ lại bản thân sẽ không hối tiếc về thời học sinh ấy.