Dàn ý cảm nhận về vẻ đẹp của Việt và Chiến
1. Giới thiệu chung:
- Nguyễn Thi được mệnh danh là nhà văn của người nông dân Nam Bộ bởi ông đã gắn bó sâu nặng và sự am hiểu sâu sắc về những con người nơi đây.
- "Những đứa con trong gia đình" thuộc số những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Thi. Thành công nổi trội của truyện là nghệ thuật xây dựng các tính cách nhân vật với cá tính đậm nét, đặc biệt là hai nhân vật: Việt và Chiến.
2. Cụ thể:
a. Nét tính cách chung của hai chị em:
- Chung một hoàn cảnh: con một gia đình nông dân nghèo chịu nhiều mất mát đau thương nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nên họ giống nhau về bản chất
- Chung tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em: thương ba má, chị Hai và em. Kính trọng và nghe lời chú Năm, cùng mối thù với bọn xâm lược, hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba và má, và có cùng nguyện vọng được cầm súng đánh giặc nên giành nhau đi tòng quân.
- Cả hai đều là những con người dũng cảm gan góc và từng lập được nhiều chiến công.
+ Việt: Từ nhỏ đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình; Việt cùng với chị đã chủ động tìm giặc để đánh: bắn tàu giặc trên sông, phá xe tăng địch. Khi chỉ còn một mình trên chiến trường, mình đầy thương tích nhưng Việt vẫn quyết sống mái với quân thù.
+ Chiến: một lòng một dạ quyết tâm tòng quân đánh giặc.
- Có những nét rất ngây thơ – có phần trẻ con: tranh giành công bắt ếch, thành tích bắn tàu chiến giặc
b. Nét riêng ở Việt và Chiến:
- Nhân vật Việt: Việt là một thanh niên đáng yêu, vô tư, thơ ngây. Việt có dáng vẻ vụng về. lộc ngộc của một cậu bé mới lớn, thích bắt ếch, bắt cá, bắn chim… TRước ngày lên đường chiến đấu. Chiến bàn việc gia đình, Việt không mấy quan tâm mà chỉ mải chụp đom đóm, rồi ngủ lúc nào không hay. Vào bộ đội. Việt còn mang theo cây súng cao su, ra trận không sợ chết nhưng lại sợ ma; gặp lại đồng đội mừng quá, khóc òa…
- Nhân vật Chiến:
+ Chiến mang vóc dáng của má, của con người lao động: “hai bắp tay tròn vo rám nắng…thân người to và chắc nịch…”
+ Chiến đặc biệt giống má khi thu xếp việc nhà trước khi cùng em trai lên đường tòng quân: biết lo liệu, thu xếp việc nhà đâu ra đấy…
+ Chiến biết nhường nhịn em nhưng cũng rất kiên quyết khi ghi tên tòng quân…
+ Là một cô gái đầy nữ tính: lúc nào cũng mang theo bên mình cây lược...
c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nhà văn đã xây dựng nhân vật vừa có cá tính vừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính…
- Nguyễn Thi đã sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ vừa thể hiện nét riêng của nhân vật vừa tạo nên màu sắc địa phương độc đáo cho tác phẩm.
- Trong người anh hùng luôn có sự kết hợp giữa cái đời thường và cái phi thường – đó là hình mẫu về người anh hùng chúng ta thường gặp trong tác phẩm của Nguyễn Thi.
3. Đánh giá khái quát:
- Khẳng định tính chính xác của ý kiến.
- Chiến và Việt là khúc sông sau chảy xa hơn trong dòng sông của một gia đình cách mạng. Họ là hiện thân cho vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ với những phẩm chất của người anh hùng trên quê hương nam Bộ.
Nêu cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Việt và Chiến
Với tác phẩm "Những đứa con trong gia đình", Nguyễn Thi đã tăng thêm vị thế danh hiệu "nhà văn của người dân Nam Bộ". Phong cách nhân vật của ông luôn là những người bộc trực, hồn nhiên, gan góc, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng. Hai nhân vật Việt và Chiến là minh chứng hùng hồn cho phong cách ấy.
Chiến và Việt cùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có mối thù sâu nặng với Mĩ – ngụy. Ông nội và ba đều bị giặc giết hại. Má phải vất vả nuôi mấy chị em, cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Chiến và Việt đều là hai nhân vật trung tâm của truyện ngắn góp phần thể hiện nội dung cũng như tư tưởng của tác phẩm. Hai nhân vật này đều có những vẻ đẹp tiếp nối truyền thống gia đình và đưa truyền thống ấy đi xa hơn.
Đầu tiên là nhân vật chị Chiến, chị Chiến trong tác phẩm là hiện thân vẻ đẹp của má. Chị được thừa hưởng những vẻ đẹp của má. Chị mang dáng vóc của má "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dùng cả thân người to và chắc nịch". Không chỉ về ngoại hình, chị Chiến giống má nhất ở sự đảm đang tháo vát. Trước đêm lên đường, Chiến lo liệu hết việc nhà. "Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học. Nồi lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi với nơm để gửi chú Năm. Chừng nào chị Hai ở dưới biển về làm giỗ má, chị có muốn lấy gì thì chị chở về dưới. Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đặng chia cho cô bác khác mần. Hai công mía thì chừng nào tới mùa, nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm giỗ ba má. Đem bàn thờ sang gửi chú Năm". Chị Chiến lo liệu chu toàn mọi việc đến chú Năm còn khen: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non". Chiến chu đáo giống hệt má. Đến Việt cũng thấy chị giống má: "Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy! Cũng ở trong cái buồng mà nói vọng ra, cũng nằm với thằng Út em, ở trên cái giường đó". Chị Chiến giống từ cách nằm, cựa mình, thở dài ngay cả cách nói vọng từ buồng ra. Chính chị Chiến cũng cảm thấy mình giống má: "Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy". Nhưng không chỉ giống má, Chiến còn có nét riêng biệt. Ở Chiến vẫn có nét trẻ trung, thích làm duyên làm dáng. Trong túi Chiến lúc nào cũng có một cái gương để soi. Chiến là cô gái mới lớn, đang tuổi mơ mộng nên vẫn có những nét trẻ con. Điểm khác biệt nhất của chị Chiến với má là được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề: "Đã là thân con gái, nếu giặc còn thì tao mất, vậy à?". Chị Chiến là tiêu biểu cho người yêu nước, những con người sinh ra để cầm súng đánh giặc.
Nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm là Việt. Nhà văn đã trao ngòi bút để nhân vật Việt tự viết về mình. Việt là chàng trai có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, yêu đời. Việt có nét riêng của con trai mới lớn, tính tình trẻ con ngây thơ hiếu động. Việt hay giành phần hơn với chị từ việc đi bắt ếch, tòng quân, lập chiến công giết giặc… Việt thích đi câu cá, bắn chim, khi đi bộ đội rồi, anh vẫn mang chiếc ná thun trong áo. Đêm trước ngày lên đường, chị Chiến thu xếp toan tính mọi việc thì Việt lại vô tư lăn kềnh ra ván cười khì, vừa nghe vừa chụp con đom đóm vào lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con. Mặc dù tin yêu anh em đồng đội nhưng lại giấu không cho ai biết mình có chị gái là tiểu đội trưởng bộ đội nữ Bến Tre. Việt sợ mất chị trước lời tếu táo của anh em. Khi bị lạc đồng đội, một mình nằm lại giữa chiến trường, không sợ giặc mà sợ "con ma thụt đầu ngồi trên cây xoài mồ côi, và thằng chỏng thụt lưỡi hai bên vàm sông". Khi gặp được đồng đội, thằng út em vừa khóc vừa cười. Dù trẻ con nhưng trên cương vị của người chiến sĩ, Việt dũng cảm kiên cường. Dòng máu trong con người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc, không bao giờ sợ trước bạo tàn. Việt đã chiến đấu dũng cảm lập chiến công dùng thủ pháo tiêu diệt một xe tăng bọc thép của giặc. Khi bị trọng thương một mình giữa rừng, "mắt sưng húp không nhìn thấy gì, toàn thân như rỉ máu" nhưng Việt vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. "Đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng". Việt là đứa con kế tục truyền thống của gia đình đi tiếp con đường cách mạng của ba má là con đường đi trả thù mà không sợ dài lâu nhưng Việt còn tiến xa hơn, lập nhiều chiến công.
Chiến và Việt đã kế tục và phát huy truyền thống của gia đình, mang truyền thống ấy tiến xa hơn. Hai nhân vật, hai tính cách khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung thống nhất. Hai nhân vật, hai bức tượng đài lớn của tác phẩm và trở thành hình mẫu của tuổi trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến.