Mở bài và kết bài Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành

Mở bài Rừng xà nu hay nhất

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ và mãi “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không chấp nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành vẫn mãi vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh hình tượng con người Xô Man anh hùng thì còn có hình tượng cây xà nu – một loài cây mang sức sống hoang dại mãnh liệt bất chấp sự hủy diệt của tội ác kẻ thù. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trung Thành về sức sống của con người, nhất là con người Tây Nguyên kiêu hùng bất khuất.

Mở bài trực tiếp 

Mở bài 1:

Nguyễn Trung Thành là nhà văn đã sống và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính mảnh đất và tình người nơi đây đã phả hồn vào những trang viết của nhà văn và để lại dấu ấn sâu đậm qua: “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Trong số đó, “Rừng xà nu” được xem là một khúc hùng ca – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Tác phẩm có kết cấu độc đáo – truyện lồng truyện, truyện của cuộc đời những cánh rừng xà nu quyện hòa vào cuộc đời của nhân vật chính – Tnú. Tất cả tạo nên một đội ngũ trùng điệp, bất tận về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn của dân tộc. Ấn tượng sâu đậm nhất, khắc sâu nhất trong tác phẩm này chính là hình tượng nhân vật Tnú – một nhân vật mang tầm vóc sử thi của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên anh hùng.

Mở bài 2:

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiềng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu - tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

Mở bài gián tiếp:

Mở bài 1:

Tây Nguyên là mảnh đất nắng gió bao la, nơi đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Mảnh đất sản sinh văn hóa cồng chiêng và bao pho sử thi đồ sộ như Đam Săn, Xinh Nhã, Xinh Bia… Mảnh đất ấy cũng từng kinh qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và để lại bao dấu ấn đẹp đẽ qua bao trang văn, trang thơ. Trong số những sáng tác về mảnh đất và con người nơi đây phải kể đến “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965 và nhanh chóng trở thành một khúc hùng ca bi tráng, thiêng liêng – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Người đã dệt nên bản anh hùng ca ấy chính là hình tượng nhân vật Tnú – con người tiêu biểu cho chân lý cách mạng ngời sáng mà cụ Mết đã truyền dạy “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

Mở bài 2:

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiềng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu- tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

Mở bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Mẫu số 1

Trong thế giới nghệ thuật của mình mỗi nhà văn lại chọn cho mình một miền "đất nhớ", đó là mảnh đất gắn bó, nơi lưu lại những cảm xúc yêu thương, tự hào. Nếu trong những trang văn của Hoàng Cầm mang đậm dấu ấn của mảnh đất Kinh Bắc, trong những sáng tác của Nguyễn Thi ẩn hiện hình ảnh của mảnh đất Nam Bộ anh hùng thì trong Tây Nguyên đại ngàn lại là không gian nghệ thuật đặc biệt trong trang văn của Nguyễn Trung Thành. "Rừng xà nu" là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ về mảnh đất Tây Nguyên, là bản hùng ca mạnh mẽ, tự hào về tinh thần, ý chí của con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ. "Rừng xà nu" là truyện ngắn kết tinh tài năng, tấm lòng của Nguyễn Trung Thành với mảnh đất Tây Nguyên thương nhớ.

Mở bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Mẫu  số 2

Đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh, về người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc, đó là những câu chuyện đi cùng năm tháng như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, là "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, và với tôi một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất là "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành. Truyện viết về cuộc đấu tranh đồng khởi của làng Xô Man, viết về quá trình trưởng thành từ những đau thương của Tnú để trở thành người cán bộ cách mạng mẫu mực. Tuy viết về những đối tượng cụ thể, không gian nghệ thuật cũng được giới hạn trong không gian rộng lớn của Tây Nguyên đại ngàn nhưng tầm vóc sử thi của tác phẩm lại thật lớn lao, qua câu chuyện về Tnú, về không khí đấu tranh của làng Xô Man ta lại thấy được trọn vẹn không khí hào hùng, thấy được từng bước trưởng thành của cách mạng miền Nam: từ vũng bùn của đau thương mất mát, chúng ta đứng lên đấu tranh để làm chủ cuộc sống, hướng đến ánh sáng của tự do.

Kết bài Rừng xà nu

Mẫu số 1

“Tôi yêu say mê cây xà nu. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạc. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứ nhựa. Tán lá vừa thanh vừa rắn rỏi, mênh mông, tưởng như đã sống ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau.” Trong dụng ý miêu tả của mình, Nguyễn Trung Thành dã lựa chọn những cánh rừng xà nu cạnh con nước lớn và chạy bát ngát đến tận chân trời làm phông nên cho tác phẩm. Để từ đó xuất hiện những người anh hùng và những hành động anh hùng của người Tây Nguyên. Những hành động kiên cường anh dũng của họ mãi được lịch sử ghi nhận và cuộc đời, hành động của họ mãi mĩa trở thành trang sử thi bất hủ của dân tộc. Và trong những đêm huyền thoại với ngọn lửa bùng bùng soi rõ, những khan dử thi anh hùng mãi được hát lên, được ghi nhớ và được kể lại cho muôn đời sau. Và đâu đó, âm vọng trong núi, trong nước, trong cánh rừng và trong tâm trí người Xô Man vẫn còn câu nói trầm trầm đầy uy lực của cụ Mết: “Nhớ lấy, ghi nhớ,… Chúng nó cầm súng, mình phải cầm mác”.

Mẫu số 2

Qua cuộc đời nhiều mất mát, đau thương cùng tinh thần mạnh mẽ, kiên cường vươn lên từ trong đau thương để chiến đấu, chống lại thế lực ngoại xâm bạo tàn của Tnú, nhà văn Nguyễn Trung Thành trong truyện ngắn Rừng xà nu đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất về quá trình trưởng thành trong nhận thức và đấu tranh của cả cộng đồng làng Xô Man hay cũng chính là con người Tây Nguyên và cả miền Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhiều gian khổ. Tinh thần, âm vang hào hùng của thời đại, của dân tộc được khắc họa ấn tượng qua những con người làng Xô Man qua các thế hệ, đó là cụ Mết, là Tnú, Mai, Dít, bé Heng.