Giải thích ý nghĩa lời đề từ "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta"

Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca là một trong những tài năng sáng chói của nền văn học hiện đại Tây Ban Nha. Ngay từ thuở nhỏ, Lor-ca đã được coi là thần đồng với khiếu thiên bẩm trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật: thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu… Không những thế, Lor-ca còn có tinh thần rất lạc quan và anh minh trong việc vừa nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Sự có mặt của Lor-ca cùng nhiều tài năng khác lúc bấy giờ đã khiến cho đời sống tinh thần của Tây Ban Nha và cả một vùng rộng lớn thuộc khu vực Tây Âu trở nên sống động. Hoảng sợ trước ảnh hưởng xã hội to lớn của Lor-ca, năm 1936, chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã bắt giam và bắn chết ông. Cái chết của Lor-ca đã làm dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới đối với bè lũ Phrăng-cô. Tên tuổi của Lor-ca từ đó trở thành một biểu tượng, là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa Tây Ban Nha và thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.

Thanh Thảo – một nhà thơ xuất sắc có cùng niềm đồng cảm với lòng tiếc thương lớn lao đã gửi gắm hết những tâm tư, tình cảm của mình vào thơ văn. Tình cảm ấy sâu sắc đến nỗi ông phải khước từ những niêm luật khắt khe của lối thơ truyền thống để viết theo một kiểu hoàn toàn mới, phóng khoáng và tự do. Ở đó, ông có thể bộc bạch hết tất cả nỗi niềm của mình một cách rất tự nhiên mà vẫn chứa đầy nghệ thuật. Với nhan đề “Đàn ghi ta của Lorca” và lời đề từ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đã ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa.

Tây Ban Nha còn được gọi là đất nước Tây Ban Cầm. Bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với những đấu trường bò tót náo nức mà còn khiến mọi người nhớ đến với những bản nhạc “li la li la” đầy nghệ thuật của cây đàn ghi ta. Cây đàn đã trở thành một trong những hình ảnh biểu trưng cho nền văn hóa của Tây Ban Nha. Trong khi đó, Lorca là một người nghệ sĩ đa tài, yêu đàn, yêu nhạc, yêu đến mãnh liệt, si mê. Cái chết của ông cũng chính là chết vì nghệ thuật, vì cây đàn. Bởi thế, tên ông rất xứng đáng được đặt ngang vế với cây đàn ghi ta trong nhan đề của bài thơ. Đồng thời, Thanh Thảo cũng muốn thêm một lần nữa khẳng định Lorca chính là một biểu tượng sáng ngời của nền văn hóa nghệ thuật không chỉ của riêng Tây Ban Nha, mà của toàn nhân loại. Bởi đâu phải chỉ có Tây Ban Nha mới có đàn và biết yêu đàn. Biết bao nhiêu con người trên khắp thế giới có cùng niềm đam mê với guitar. Ghi ta là Lorca, và Lorca cũng chính là ghi ta. Tuy hai mà một, gắn bó mật thiết với nhau.

Cách để đối xứng giữa guitar và Lorca trong nhan đề bài thơ còn là niềm tôn kính sâu sắc của Thanh Thảo trong tầng lớp hậu thế gửi tới người nghệ sĩ đa tài sĩ đã hi sinh vì nghệ thuật. Trong lời đề từ, ông cũng rất trân trọng lời trăn trối cuối cùng của Lorca: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Thấp thoáng trong đó có một chút luyến tiếc, một chút xót xa cùng một chút đau buồn của Lorca. Luyến tiếc vì từ đây ông không còn được gảy lên những bản nhạc “li la li la” cho người đời thưởng thức, cho vơi đi những nỗi niềm sâu thẳm trong lòng người nghệ sĩ đầy ưu tư. Xót xa vì ông không thể nào chống cự lại được những kẻ tàn ác đã lập mưu giết chết mình chỉ vì ông có nhiều tài năng, có sự ảnh hưởng lớn cho mọi người. Đau buồn vì từ nay, trên đất nước Tây Ban Cầm đã thiếu vắng đi một cây đàn cực độc, cực hay. Và một câu hỏi đặt ra cho hậu thế rằng: Tại sao người tài giỏi như Lorca lại đoản mệnh như vậy? Tại sao ông lại phải chịu một cái chết bi thảm và đớn đau đến vậy? Người tài thường đi với chữ “tai” sao? Và nghệ thuật có đúng là nghiệt ngã đến mức phải chấp nhận cái chết bi thảm như Lorca? Kẻ thù nhẫn tâm giết chết ông rồi đem xác vứt xuống giếng phi tang. Một cái chết quá thê lương. Chỉ vì ông tài giỏi quá, họ sợ mọi người sẽ vì mến mộ tài năng ấy mà một lòng nghe theo ông, làm phản với những thế lực cường quyền ác độc kia.

“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” – lời trăn trối khẩn khoản, đau thương. Sống với đàn, chết cũng chỉ có một niềm khát khao là vẫn được ôm trọn cây đàn trong tay. Tình yêu nghệ thuật trong Lorca quá lớn lao khiến hậu thế ngưỡng mộ và kính trọng vô cùng. Tiếng đàn đàn ấy đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, nhưng ông mong muốn thế hệ sau dù có yêu mến mình đến mấy, cũng hãy cố gắng bứt phá để đi đến những đỉnh cao mới, những chân trời mới, đừng lấy ông làm giới hạn của nghệ thuật. Bởi nghệ thuật không có bất kỳ một giới hạn nào, cũng giống như tài năng của con người là vô hạn. Điều quan trọng là ta có biết đánh thức tài năng ấy hay không. Vì vậy, Lorca mong muốn được chôn cây đàn với mình cũng chính là một lời nhắn nhủ, lời thúc giục đến thế hệ sau hãy tìm tòi, học hỏi, hãy đưa nghệ thuật lên những đỉnh cao mới, giỏi hơn, hay hơn, đẹp hơn.

Dù mang ý nghĩa gì đi chăng nữa, cả cây đàn và Lorca vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời cho nền nghệ thuật của Tây Ban Nha, của toàn nhân loại. Tiếng đàn ấy “li la li la” du dương mãi trong lòng người nghe.