Bài văn mẫu số 1
Những phẩm chất cao quý trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,”mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quý nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội.
Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quý và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp một người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi “tốt hơn cho bạn và cho tôi”.
Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kỳ, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: “những gì mình làm đã là tốt nhất”. Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.
Bây giờ, chúng ta là thanh niên, là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn. “Cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người.”. Và hãy nhớ rằng, “mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Bài văn mẫu số 2
Ông cha ta cũng từng dạy con cháu rằng: “Muốn đánh giá được người đó như thế nào thì hãy xem việc anh ta làm, đừng nghe anh ta nói”. Thật vậy nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông đã đúc kết rằng: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Vậy chúng ta muốn hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này, chúng ta phải hiểu được thế nào là “Đức hạnh”? Đức hạnh là đạo đức và tính nết tốt (Theo từ điển Tiếng Việt). Đức hạnh được thể hiện qua cảm xúc, lời nói, hành động hằng ngày của từng cá nhân trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Mặt khác, hành động có thể được định nghĩa là những việc làm cụ thể, được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Hành động chính là phẩm chất quan trọng của đức hạnh bởi vì nó vừa là sự chuyển hóa vừa là kết tinh của các phẩm chất khác. Hành động là thước đo đánh giá đức hạnh của một cá nhân, một tập thể và cộng đồng dân tộc. Hành động là yếu tố cao nhất trong bậc thang giá trị nhân phẩm, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của cá nhân và xã hội.
Muốn đánh giá một người chúng ta phải dựa vào những việc làm, hành động của người đó đối với những người xung quanh. Ngược lại nếu chỉ đánh giá họ qua lời nói thì đó là cách nhìn nhận phiến diện, thiếu chính xác dễ dẫn đến những hậu quả không tốt, đặc biệt khi chúng ta chọn bạn để kết thân. Nhân cách hay đức hạnh của mỗi người được nhìn nhận không phải thông qua hành động lớn mà có khi chỉ qua những việc rất nhỏ lại đánh giá được đức hạnh của họ.
Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn không cần phải làm những việc lớn lao hay hy sinh những thứ quý giá của mình thì mới gọi là những cử chỉ, hành động đẹp. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ có thai và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác, cư xử lễ phép, đối xử tốt với mọi người xung quanh. Tất cả đều là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh. Danh ngôn có câu:
“Ý nghĩa là nụ
Lời nói là bông hoa
Việc làm mới là quả ngọt.”
Mọi hành động tốt luôn bắt đầu từ những ý nghĩ tốt đẹp, trong sáng cộng hưởng với lòng ham muốn làm việc tốt đó. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những điều ấy từ suy nghĩ, lời nói thành hành động việc làm cụ thể, như vậy mới tạo thành trái ngon, “quả ngọt”.
Tuy nhiên, một số trường hợp cần xem xét trong từng hoàn cảnh để đem đến việc có lợi cho mọi người nhất mà không ảnh hưởng tới người khác. Ví dụ như trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhân để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động đẹp. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những kẻ thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỷ riêng của chính họ. Chúng ta không thể loại bỏ họ mà phải làm cho họ phải thay đổi được những ý nghĩ ích kỷ, mưu cầu lợi ích cá nhân ấy.
Một xã hội văn minh, lịch thiệp là một xã hội tồn tại những con người làm nhiều việc tốt, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích của cá nhân, biết đoàn kết cùng tương trợ lẫn nhau, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh.
Danh ngôn có câu “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh”. Ý kiến đó có còn nguyên giá trị trong cuộc sống của ngày hôm nay. Chúng ta biết rằng trong cuộc sống phải có nền tảng hay chúng ta gọi đó là gốc rễ để từ đó chúng ta có phương hướng phát triển, rèn luyện để đạt được điều mong muốn. Nền tảng vững chắc thì thân, lá mới tốt mới cho quả ngọt. Đức hạnh cũng chính là thước đo lòng người của xã hội, chân lý cũng phải bắt nguồn từ đức hạnh mà ra.
Mỗi người trong chúng ta có cùng một mục đích là tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn về vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng, là từ “cho”. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho người khác, là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả , đáng trân trọng…Khi chúng ta đem lại hạnh phúc cho người khác bản thân chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn người đó, cảm giác tuyệt vời này không phải ai cũng cảm nhận hết được, không phải ai cũng nắm bắt được. Hạnh phúc thật giản đơn và dễ dàng có khi chỉ là giúp đỡ một cụ già qua đường, hay tìm lại bố mẹ cho một em bé bị lạc… Tất cả những điều đó sẽ làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Mỗi học sinh chúng ta tuy đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại mang tâm hồn, hoài bão của thế hệ trẻ, vì vậy hãy cùng nhau rèn luyện, học tập thật tốt, cùng tham gia công tác cộng đồng giúp đỡ mọi người. Tất cả những hành động nhỏ đó khi chúng ta tích lũy nhiều sẽ tạo nên những thói quen có những hành động tốt, lời nói hay, ý đẹp góp phần xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp. Mỗi chúng ta phải tự xây dựng hình ảnh đẹp cho mình, góp công sức tạo nên vẻ đẹp rất riêng, lưu giữ nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam.
Bài văn mẫu số 3
Khi mỗi người trong chúng ta làm một việc tốt, bất kể là việc gì, có ai biết rằng chúng ta đang thể hiện đức hạnh của chính mình. Hay nói cách khác như lời của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông:
“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Mỗi con người khi sinh ra đều có mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Đức hạnh là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động có thể được định nghĩa là những việc làm cụ thể, được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người. Cả câu nói của nhà văn M. Xi-xê-rông mang ý nghĩa như chính nghĩa gốc của nó. Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể.
Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hãy biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Đó chỉ là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh.
Người ta thường nói rằng:
“Ý nghĩa là nụ
Lời nói là bông hoa
Việc làm mới là quả ngọt.”
Khi ta có ý nghĩa về một việc làm tốt, ta cần nói ra để xem xét. Nhưng không phải là nói suông, ta cần phải thực hiện điều đó. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những điều ấy từ suy nghĩ, lời nói thành việc làm cụ thể, như vậy mới tạo thành “quả ngọt”.
Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cần được xem xét trong từng hoàn cảnh. Nói dối được xem là một hành động xấu và sai. Nhưng trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhân để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động cao cả. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những kẻ thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỷ riêng của chính họ. Chúng ta không loại bỏ họ mà phải làm thay đổi được những con người ấy.
Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh.
Nhạc sĩ thiên tài người Đức Beethoven có nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Ý kiến đó có còn nguyên giá trị trong cuộc sống của ngày hôm nay?. “Hạnh phúc” chính là cuộc sống tốt đẹp; niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người …. Còn “cao quý” và “tốt đẹp” là những cụm từ có ý tôn vinh ca ngợi. Câu nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác” của Beethoven thể hiện quan niệm sống đẹp ,khẳng định ca ngợi quan niệm sống hướng về cống hiến,vị tha…
Trong cuộc sống, ai cũng tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho người khác, là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả, đáng trân trọng…Thật vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho người khác thì quả là tuyệt vời. Hạnh phúc đó có thể dễ dàng có được khi ta giúp đỡ một cụ già qua đường, hay nhường chỗ cho một phụ nữ có thai trên xe buýt… Tất cả những điều đó thật đơn giản nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác, làm mọi người vui vẻ. Và không dừng ở đó hạnh phúc cũng ở lại với chúng ta khi ta làm được một điều tốt đẹp, có ích cho người khác, cho xã hội. Hành động cao quý và tốt đẹp hơn, to lớn hơn chính là hạnh phúc của sự bình yên mà các anh bộ đội, các chiến sĩ Cách mạng đã đem lại cho chúng ta. Tất cả những hy sinh của các anh chỉ để đem lại hạnh phúc cho chúng ta, cho dân tộc. Hạnh phúc ở đây là sự độc lập tự do cho cả dân tộc. Thật cao quý và tốt đẹp dáng tôn vinh biết nhường nào!
Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con hoặc những đứa con bất hiếu chỉ ăn chơi, thỏa mãn nhu cầu cá nhân, làm cha mẹ đau lòng. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại sự bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình?… Ngoài xã hội, hiện có một lớp thanh niên, thay vì giúp đỡ người giá yếu , họ lại lợi dụng để cướp giật, móc túi… Những kẻ lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình cần đáng bị trừng trị!. “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Đó là một quan điểm sống mang tính nhân văn. Nếu có một điều ước thì tôi sẽ ước cho tất cả mọi người trên thế giới này đều được hạnh phúc. Muốn vậy, ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm thật nhiều điều , dù lớn, dù nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho cho mọi người, cho gia đình và cũng là cho bản thân chúng ta…
Bài văn mẫu số 4
Trong quá trình làm việc và học tập ngày nay, mỗi cá nhân thường được đánh giá qua bàn cân tài – đức. Khả năng, tài năng của mỗi người được thể hiện bằng kết quả của cả một hành trình rèn luyện. Còn cái “đức” của mỗi người được đánh giá qua từng hành động, đúng như lời của nhà triết học La Mã cổ đại Xi-xê- rông: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Câu nói này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc tu dưỡng và học tập của bản thân mỗi người.
Câu nói này đặt nền tảng cho sự nhìn nhận, đánh giá một con người: Bản chất mỗi người không thể hiện qua lời nói mà được bộc lộ qua hành động. Điều làm nên giá trị của con người chính là phẩm chất. Như vậy, mọi phẩm chất của đức hạnh là những phẩm chất, tính cách tốt đẹp của con người, do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Đức hạnh chỉ những tính cách, bản chất bên trong. Tính cách của mỗi người ta thể hiện thông qua những biểu hiện ra bên ngoài: lời nói và hành động.
Có thể nói, mỗi con người giống như một quyển sách vậy. Bìa sách như vẻ ngoài và lời nói của mỗi người vậy, thường được tô vẽ đẹp và ấn tượng để thu hút “người đọc”. Thoạt nhìn bìa sách, người đọc thường thấy hấp dẫn chứ chưa thể biết nội dung bên trong. Chỉ khi đọc từng trang sách thì người đọc mới có thể đánh giá quyển sách là hay hoặc dở.. Bản chất của mỗi cá nhân được thể hiện thông qua hành động, cũng như tác phẩm của tác giả được thể hiện qua từng lời văn, dòng chữ tác giả đặt bút viết chứ không phải qua vỏ ngoài. Để được mọi người yêu mến và đánh giá cao, mỗi cá nhân nên không chỉ tô vẽ cho cái bìa, cái vẻ ngoài mà quan trọng hơn là hãy chú tâm chăm chút cho lời lẽ, ý tứ để bản chất con người mình là một tác phẩm, một câu chuyện hay và có ý nghĩa. Muốn thể hiện bản thân là một con người đức hạnh thì nên nói ít đi và làm nhiều lên. Lời hay ý đẹp, vẻ ngoài trang nhã lịch sự thì không thể hiện được con người thật.
Để có được những hành động đúng đắn và những đức tính tốt, mỗi con người cần luôn cố gắng trong quá trình tu dưỡng và học tập của bản thân. Một người tốt thì cần có những đức tính tốt như: trung thực, lễ độ, lịch sự, biết cảm thông, có tinh thần trách nhiệm. Những đức tính đó không phải có được trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình, giống như khi gieo trồng, chăm chút một cái cây thật lâu dài thì mới đến ngày được ngắm hoa, hái quả. Chúng ta hãy luôn tâm niệm rằng lời nói không thể hiện được bản chất, đơn giản là vì như một danh ngôn đã nói: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận”.
Bước đầu cần thiết chính là xác định rõ ràng nhận thức, suy nghĩ và tư tưởng của bản thân, cách nhìn nhận thức, suy nghĩ và tư tưởng của bản thân.
Cách nhìn nhận sự việc, niềm tin mà đúng đắn, trong sáng thì sẽ dẫn đến những hành động đúng. Hãy bắt tay vào từ những việc làm nhỏ nhất. Đối với bản thân mình, hãy tự rèn giũa bằng việc học tập chăm chỉ và luôn tự nhắc nhở yêu thương bản thân mình. Đối với mọi người xung quanh, hãy cư xử thật chân thành, tử tế. Những lời chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi hay khuôn mặt vui vẻ không tốn mấy năng lượng mà lại nhận được kết quả là sự thân thiện, của con người, chẳng phải đó là việc làm tốt rồi sao? Nhưng chúng ta đừng chỉ dừng ở đó mà hãy quan tâm và giúp đỡ bắt đầu từ những người thân gần gũi, ví dụ như dậy sớm hơn hằng ngày nửa tiếng chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Còn đối với cộng đồng, chỉ riêng việc vứt rác đúng nơi quy định hay không vượt đèn đỏ trên đường cũng là việc làm rất đáng trân trọng. Tất cả những việc làm trên mới chỉ là điểm khởi đầu, bởi quá trình viết một câu chuyện đẹp cho quyển sách của mình sẽ kéo dài suốt cuộc đời mỗi người. Làm những việc tốt nhiều để tạo nó thành thói quen. Một khi những hành động đúng đắn đã trở thành thói quen thì nó đã trở thành con người, quyết định cuộc đời mình, quyết định giá trị quyển sách.
Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Phải chăng những điều xấu, điều ác đã đi ngược lại bản chất ban đầu của mỗi người? Hãy luôn sống đẹp để hướng tới một người tốt, để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và hạnh phúc. Câu nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” không còn là một ý kiến nhỏ mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, giúp chúng ta rút ra bài học: Không thể đánh giá một quyển sách qua bìa ngoài và hành động của mỗi cá nhân thể hiện đức hạnh của người đó. Đó chính là những bài học cần thiết cho quá trình tu dưỡng và học tập của bản thân mỗi con người.