Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lỗi lạc, một nhà chính trị kiệt xuất và là một nhà văn tài ba. Bác ra đi để lại cho nền văn học nước nhà những tác phẩm lớn lao và giàu giá trị. Và có lẽ, ngày 2/9/1945 đã được ghi vào dấu mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc, không ai không thể quên được hình ảnh vị Cha già kính yêu dõng dạc đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hàng vạn đồng bào khắp cả nước lắng nghe những lời thiêng liêng ấy trong giây phút huy hoàng của Tổ quốc thân yêu. Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời mang giá trị lịch sử và giá trị văn chương vô cùng to lớn.
Về mặt lịch sử, tác phẩm là bản án tố cáo đanh thép tội ác của thực dân Pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá,... và sự tàn bạo của phát xít Nhật đã gây ra cho đất nước ta. Tái hiện lại sự thật lịch sử đau thương mà hàng triệu người dân phải gánh chịu trước những âm mưu đê hèn, luận điệu xảo quyệt của chính chúng. Vạch trần tính tiểu nhân, phản bội của chính quyền thực dân khi quỳ gối đầu hàng dâng nước ta cho Nhật, buộc ta phải chịu đồng thời hai tầng xiềng xích, khiến bao người khốn đốn, khổ cực. Tác giả cũng đã vạch ra kết quả về cục diện chính trị mới: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa."
Bác cũng khẳng định phần thắng thuộc về ta, phe chính nghĩa, từ trong nô lệ, gông cùm, dân ta đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc: "Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập chế độ Dân chủ Cộng hòa". Bản tuyên ngôn cũng tuyên bố xóa bỏ quan hệ của chúng ta với thực dân, vô hiệu các hiệp định đã kí với Pháp trước đó, hủy bỏ mọi đặc quyền của chúng tại Việt Nam. Nó có ý nghĩa trong việc khẳng định sự tự do, không phụ thuộc của ta vào bất kì điều gì liên quan đến Pháp. Là tiếng nói tự hào trước truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Là lời khẳng định thiêng liêng, lời tuyên thệ quyết tâm giữ gìn nền độc lập cho dân tộc bằng tất cả sức lực, tính mạng và của cải: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập", "và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Bản tuyên ngôn độc lập mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc trong tiến trình giải phát triển của lịch sử: Kỉ nguyên của độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội. Tuyên bố chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm, khẳng định quyền tự chủ, quyền bình đẳng của nước ta trên trường quốc tế, mở ra một trang sử mới đầy hào hùng cho dân tộc.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, Tuyên ngôn độc lập còn mang giá trị văn chương to lớn, cho thấy tài năng bậc thầy trong ngòi bút chính luận của Hồ Chí Minh. Đó là một áng văn chính luận mẫu mực nhất, thuyết phục và có sức hấp dẫn nhất. Bằng lời lẽ ngắn gọn, súc tích, chứng cứ được hun đúc từ thực tế khách quan, lí lẽ sắc bén, đanh thép, bản tuyên ngôn đã tố cáo rõ tội ác thực dân "trời không dung, đất không tha" của thực dân. Lời văn vừa sống động, gây xúc động lòng người, khơi gợi sự đồng cảm trong lòng người đọc, người nghe. Sử dụng nghệ thuật "gậy đập lưng ông" đã giáng đòn nặng nề vào phe thực dân. Bằng sự am hiểu sâu rộng và trái tim thiết tha với dân tộc ngôn ngữ điêu luyện, Bác đã dành trọn cả trái tim và tâm hồn mình vào từng lời, từng chữ của bản tuyên ngôn. Chính những điều ấy đã thể hiện được tư tưởng lớn lao và nhân cách cao đẹp trong tâm hồn vị Cha già kính yêu của nhân dân.
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh quả xứng đáng là một áng văn bất hủ, còn mãi với non sông, đất nước, không chỉ giàu giá trị lịch sử mà còn mang đậm giá trị văn chương, mãi trường tồn cùng thời gian.