Nguyễn Minh Châu thuộc lứa nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia làm hai thời kỷ: trong và sau kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến tranh, Nguyễn Minh Châu nổi tiếng là một cây bút xông xáo, bám sát từng bước đi của cuộc kháng chiến, mô tả trung thực, chân thành và trang trọng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết: "Dấu chân người lính" nổi tiếng với hàng loạt truyện ngắn viết về người lính. Ở chặng sau, Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút đi đầu trong việc đổi mới văn học. Nhà văn đã mạnh dạn đặt ra rất nhiều vấn đề đối với việc hoàn thiện đạo đức và nhân cách con người. Văn của Nguyễn Minh Châu càng ngày càng thấm đẫm những nỗi đời và nặng trĩu một dư vị triết lý
"Mảnh trăng cuối rừng" là một trong những truyện ngắn xuất sắc được viết đầu những năm chống Mỹ. Đây là một truyện ngắn lãng mạn của con người Việt Nam giữa những năm chống Mỹ ác liệt. Nó viết về một cuộc hẹn hò kỳ lạ của một đôi trai gái, mà điểm hẹn là nơi trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, giữa rừng già Trường Sơn
Qua đó nhà văn đã thể hiện được sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ Việt Nam, sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam
"Mảnh trăng cuối rừng" đẹp như một bài thơ bằng văn xuôi Phong vị lãng mạn của nó thấm đượm vào trong từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm Như chúng ta biết. trong văn học kháng chiến chống Mỹ có một nguồn cảm hứng lớn. đó là cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng ấy tìm đến những vẻ đẹp lý tưởng, tìm kiếm chất thơ ngay trong đời thường, vẽ ra tất cả những gì mà mình mơ ước về con người và cuộc đời. Cho nên, cảm hứng lãng mạn như một đôi cánh bay bổng, chắp cánh cho hiện thực, chắp cánh cho con người bay lên trong thế giới của mơ ước, của khát vọng. Con người trong cảm hứng lãng mạn thường hiện ra với vẻ đẹp lãng mạn phi thường, lý tưởng. Một trong những đặc sắc của "Mảnh trăng cuối rừng" chính là vẻ đẹp lãng mạn ấy.
Trước hết chất lãng mạn hiện ra ngay trong nhan đề của câu chuyện. Ban đầu khi mới được viết ra, truyện này có tên là "Mảnh trăng”, đến khi nó được in, lại trong tập ”Những vùng trời khác nhau", tác giả mới chắp thêm vào hai chữ "cuối rừng". Và chúng ta thấy rằng đây mới là cái tên mà tác phẩm cần phải có. Phải là "Mảnh trăng" chứ không phải là "vầng trăng". Vầng trăng hiện ra một hình ảnh trăng tròn đầy, viên mãn, e rằng không hợp. Còn mảnh trăng gợi ra hình ảnh trăng đầu tháng mảnh mai, mới mẻ, e ấp, tinh khôi. Nó phù hợp với tinh thần của câu chuyện. Trước hết, nó là một ẩn dụ về nhân vật chính của câu chuyện là Nguyệt. Nguyệt là trăng, là một cô gái mảnh dẻ. Nó cũng phù hợp với tình yêu của đôi trai gái, một tình yêu vừa mới nhen nhóm, ban sơ, hứa hẹn, một ngày mai sẽ tròn đầy. Đồng thời, nó cũng phù hợp với chính cuộc hò hẹn của câu chuyện. Cuộc hò hẹn có vẻ đẹp của một mảnh trăng đầu tháng, họ tìm nhau, gặp nhau mà hoá ra chưa gặp. Khi câu chuyện khép lại, chúng ta tin rằng họ vẫn còn tìm nhau trong rừng già Trường Sơn. Và phải là "cuối rừng" chứ không phải là đầu rừng hay giữa rừng. Cuối rừng là một không gian khuất lấp, quên lãng. Mảnh trăng vẫn lặng lẽ, âm thầm sáng nơi cuối rừng, gợi lên một sức sống bền bỉ, một vẻ đẹp mà con người cần phải tìm kiếm. Vì lẽ đó mà bản thân nhan đề của câu chuyện đã đẹp như một câu thơ hàm súc. Bản thân nhan đề ấy cũng như một mảnh trăng treo trên bầu trời của câu chuyện, toả xuống thế giới của câu chuyện ánh sáng thơ mộng và trữ tình của nó
Khung cảnh của câu chuyện này cũng tràn đầy chất lãng mạn. Đó là một đêm trăng đẹp giữa những ngày bom đạn. Không khí của đêm trăng là một không khí thanh bình, rất phù hợp cho những cuộc hẹn hò đôi lứa. Xe đi giữa những vạt rừng đen sẫm, gió Tây Nam xào xạc trên những chỏm rừng, sương mù cứ đùn ra trắng như sữa. Thỉnh thoảng từ thung lũng vang lên một tiếng chim mơ hồ. Trăng thì hiện ra, khi khuất sau đèo, khi rơi tõm xuống thung lũng như một trò chơi ú tim. Về đêm, trăng đứng im giữa trời, sáng trong như một mảnh bạc. Còn xe của Lãm thì bồng bềnh trong sương, tất cả toát lên một vẻ thơ mộng, trang trọng và huyền bí, phù hợp với việc mô tả tình yêu thiêng liêng, thánh thiện. Trong đó đáng nói nhất là hình tượng trăng. Toàn bộ câu chuyện được bao bọc trong một thứ ánh sáng bàng bạc. Ánh trăng như một bầu khí quyển riêng bao bọc câu chuyện. Nếu như chúng ta làm một thử nghiệm dại dột là tước đi tất cả những câu dính dáng đến trăng thì câu chuyện sẽ ra sao? Cốt truyện vẫn thế, nhân vật vẫn thế, thậm chí chủ đề cũng không có ảnh hưởng gì. Tất cả sẽ hiện ra một cách quá ư là rõ rệt, rõ rệt đến mức trần trụi và chắc chắn là chất thơ của câu chuyện đã hoàn toàn tan biến. Trăng được mô tả vừa sinh động, vừa giàu chất tượng trưng. Ban đầu là mảnh trăng nhợt nhạt, có lúc trăng còn làm cho Lãm nhầm với pháo sáng, có lúc trăng lặng lẽ, có lúc trăng tinh nghịch... Nhưng nhất là lúc trăng ùa vào buồng lái hoà nhập làm một với nhân vật Nguyệt, khiến cho từng sợi tóc của cô đều sáng lên, khuôn mặt của cô lồng đầy bóng trăng, con đường trước mặt cũng thếp đầy ánh trăng. Trong khung cảnh ấy phải nói rằng trăng là cái phần lung linh nhất của bức tranh, cũng là phần lộng lẫy nhất của chất lãng mạn
Tuy nhiên, "Mảnh trăng cuối rừng'' là một truyện ngắn chứ không phải là một bài thơ. Cho nên dù chất trữ tình, chất thơ bộc lộ trong khung cảnh khá đậm, nhưng cũng chưa phải là yếu tố quyết định. Chúng ta biết trung tâm của truyện ngắn là nhân vật là con người, cho nên, chính vẻ lãng mạn của con người mới là yếu tố quyết định chất lãng mạn của tác phẩm. Và tất nhiên nhân vật trung tâm của tác phẩm chính là Nguyệt
Nhân vật Nguyệt có lẽ là nét lãng mạn nhất của câu chuyện này, Nguyễn Minh Châu đã có dụng ý khi miêu tả ngoại hình nhân vật Nguyệt hoàn toàn tương phản với khung cảnh chiến tranh lúc bấy giờ. Giữa rừng núi hoang sơ, giữa cảnh bom đạn tàn phá ác liệt, bỗng hiện ra một cô gái mảnh dẻ với trang phục đời thường Sự hiện diện của một người con gái như thế là một sự lạc lõng, trớ trêu hay là một sự thách thức với bom đạn? Nguyệt được mô tả với một thân hình mảnh dẻ nhưng cứng cỏi đầy sức sống. Dáng người dong dỏng cao. Giọng nói trong trẻo, cứng cỏi. đôi mắt đen láy và sâu thẳm, mái tóc dày thơm mát và trẻ trung làm sao. đôi gót chân bóng hồng, đôi dép cao su sạch sẽ. Quần lụa chấm mắt cá. Tất cả những điều đó đã làm toát lên ở Nguyệt một vẻ đẹp thanh xuân Giữa khung cảnh chiến tranh, Nguyệt xuất hiện như đang đi đến một cuộc hẹn hò thời bình. Điều này đã giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện được một điều rất sâu sắc trong sức sống của Nguyệt. Bom đạn không tiêu diệt được khát vọng tình yêu. Nếu như giữa những ngày tàn khốc, một cô gái như Nguyệt vẫn biết chăm lo được những nét đẹp thuộc vẻ nữ tính, thì có nghĩa là bom đạn, chết chóc đã hoàn toàn bất lực trước sức sống của con người. Họ vẫn ung dung sống, sống như bản thân mình, ngừng cao đầu làm người, bất chấp mọi sự đe doạ tàn bạo, dã man nhất.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn ở nhân vật Nguyệt, không phải là ở ngoại hình, mà ở vẻ đẹp trong tính cách của nhân vật này. Phải nói rằng, Nguyễn Minh Châu đã có cách kể rất tự nhiên và khéo léo. Hình ảnh Nguyệt cứ hiện dần ra, hiện dần lên. Ban đầu. Nguyệt ngồi ở trong thùng xe tối om, cả Lãm và người đọc chỉ nghe thấy giọng nói của cô, nhưng chỉ cần nghe giọng nói Lãm cũng đã mơ hồ cảm nhận được phẩm chất bên trong của người con gái đó. Thế rồi Nguyệt hiện ra thật sự. và được nhà văn giới thiệu dần từng nét một. Nét đầu tiên mà Lãm và người đọc nhận ra ở Nguyệt là gót chân bóng hồng. Nghĩa là Nguyệt cứ hiện dần ra dưới ánh sáng và bằng ánh sáng. Thoạt đầu là dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn xe xích, rồi Nguyệt hiện dần lên dưới ánh trăng, Nguyệt chói sáng lên trong lửa đạn, rồi cuối cùng Nguyệt đọng lại trong ánh sáng tình yêu ờ trái tim Lãm Khi trăng đã lặn, Nguyệt quay lui trở về ngầm" Lãm vẫn cứ thấy Nguyệt đi trước xe mặt lòng đầy bóng trăng. Bởi vì, Nguyệt cũng là một thứ ánh sáng, ánh sáng tươi mát của vành trăng mà bom đạn không thể nào che khuất được. Cuối cùng, Nguyệt hiện lên trong tim Lãm óng ánh một tình yêu chói ngời và bất diệt. Có thể nói vẻ đẹp của Nguyệt gồm hai phương diện chính: một là người yêu lý tưởng, ở đây cô hiện ra chủ yếu trong ánh trăng, hai là một chiến sĩ anh hùng, ở khía cạnh này cô hiện ra chủ yếu trong bom đạn.
Có lẽ hiếm có người con gái nào có được những phẩm chất như Nguyệt, một mình sống giữa đời, ra giữa trận mạc nhưng vẫn rất duyên dáng, tế nhị. Bom đạn không làm cho tính cách của Nguyệt bị biến dạng. Nhà văn mô tả cách trả lời, cách đối thoại, giao tiếp của Nguyệt với người lính lái xe, từ cách ngồi ý tứ đoan trang, cho đến cách dò hỏi, cách động viên, tất cả đều cho thấy vẻ nết na của Nguyệt. Và nhất là ở Nguyệt có một niềm tin vô cùng trong sáng vào cuộc đời. Nguyệt và Lãm chưa từng một lần gặp nhau. Nguyệt chỉ biết về Lãm qua chị Tính và cũng chỉ qua vài câu chuyện ít ỏi. Ấy thế mà Nguyệt đã tự nguyện đính ước với Lăm. Suốt mấy năm liền, Lãm còn hờ hững, thế nhưng Nguyệt vẫn gắn bó thuỷ chung với mối tình ấy. Thực ra đó không hẳn là lòng chung thuỷ mà là đức trung tin. Nguyệt gắn bó với Lãm như muốn giữ một tín niệm với mình. Đối với những người con gái như Nguyệt, chung thuỷ với người mình yêu trước hết là chung thuỷ với chính mình. Nói một cách khác, sự bội ước với người khác chính là sự bội ước với bản thân. Cho nên, ai đã có phẩm chất ấy thì trước sau không bao giờ thay đổi, cho dù hoàn cảnh có tăm tối, nghiệt ngã và tàn bạo đến đâu. Và đây chính là điều khiến cho Lãm lạ lùng nhất. Và đến khi hiểu được điều này thì Lãm thấy mình là con người hạnh phúc nhất. Đây chính là cái mà Nguyễn Minh Châu gọi là sợi chỉ xanh óng ánh, mảnh mai của tâm hồn Nguyệt và của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung mà bom đạn Mỹ không thể nào chặt đứt. Chúng có thể đánh sập được cầu Đá Xanh nhưng không thể cắt đứt được sợi chỉ xanh óng ánh mỏng manh ấy. Nó thách thức cả thời gian lẫn bom đạn.
Là cô gái trẻ trung, tươi mát, Nguyệt còn là một người can đảm, kiên cường. Khi máy bay đến, Nguyệt dường như bộc lộ những tính cách mà chúng ta không thể ngờ lại có được ở một con người mảnh dẻ nhường ấy. Nguyệt rất am hiểu quy luật hoạt động, oanh tạc của máy bay địch, thông thạo từng đoạn đường, nhớ rành mạch tùng hố bom, lúc xi nhan cho xe chạy, lúc nhảy phăng xuống suối cột dây tời để kéo xe lên. Khi địch ném bom Nguyệt đã đẩy Lãm vào chỗ an toàn duy nhất, còn mình thì đứng che bên ngoài. Sau đó, chính lúc địch ném bom Nguyệt đã lao ra cứu xe, cuối cùng Nguyệt đã bị thượng. Toàn bộ hành động dũng cảm, gan dạ của Nguyệt khiến cho Lãm cảm thấy trong mình dâng lên một tình yêu mãnh liệt đến mê muội.
Như vậy, ở Nguyệt có một vẻ đẹp thật hoàn hảo, vẻ đẹp được lý tưởng hoá, được diễn tả trong cảm hứng lãng mạn bay bổng. Điều này đã làm cho mối tình của họ trong chiến tranh thật là rực rỡ. Cuộc hẹn hò của một đôi trai gái biến thành cuộc hiệp đồng chiến đấu của hai chiến sĩ. Bản tình ca đã hoà vào bản hùng ca để ca ngợi sức sống bất diệt của dân tộc này khi đối chọi với mọi thế lực ngoại xâm. Và đối với riêng Nguyễn Minh Châu, đây chính là viên ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người mà nhà văn đã nguyện tìm kiếm suốt cuộc đời cầm bút của mình.