Trong một bài thơ ở tập Ngục trung nhật ký, phát biểu "cảm hứng đọc thiên gia thi", Hồ Chí Minh nêu nhận xét: "Thơ xưa nghiêng về việc ca ngợi (Thiên ái) cảnh đẹp của thiên nhiên như mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông" và từ đó Người phát biểu quan niệm của mình:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong".
Bàc Hồ quan niệm như thế và đã làm như thế. Đọc toàn bộ tập thơ Người viết trong tù, bài nào cũng lấp lánh chất thép Giải đi sớm là một trong những bài thơ ấy
Gà gáy một lần đêm chửa tan
…
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
Thế nào là chất thép trong thơ Bác? Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: "Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép". (Đọc Nhật ký trong tù, NXB Tác phẩm mới. HN. 1977). Nghĩa là có khí chất thép được biểu hiện một cách trực tiếp, dễ hiểu, dễ thấy; nhưng có khi lại được biểu hiện một cách gián tiếp rất nhẹ nhàng, tế nhị và kín đáo. ở những bài thơ này, chất thép chủ yếu thể hiện trong tư thế và phong độ ung dung của người tù. Trong hoàn cảnh ấy mà vẫn giữ được tư thế và phong thái ấy, thì phải là người có bản lĩnh và nghị lực phi thường lắm, thứ nghị lực và bản lĩnh kiểu Quan Vân Trường trong tiểu thuyết của La Quán Trung. Chất thép của bài Giải đi sớm là loại chất thép thể hiện một cách gián tiếp này.
Bài thơ chia làm hai khổ, hai bức tranh vừa ghi lại một hiện thực vừa phác hoạ được một tư thế ung dung thi sĩ của người viết. Khổ I bao gồm bốn câu:
Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Bao trùm lên toàn bộ khổ thơ là hình ảnh một "người đi xa" (Chính nhân) trên "con đường xa" (Chinh đồ thượng), với một tư thế hiên ngang "mặt đón gió thu từng trận, từng trận lạnh". Nếu không biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì không thể biết được đây là hình ảnh của người tù. Người đọc chỉ thấy có một "người đi xa" lên đường rất sớm, khi gà mới gáy lần đầu, khi trăng sao đang còn vằng vặc tròn đỉnh núi mùa thu, người ấy đã có mặt trên "con đường xa". Không một lời ca thán, không một mảy may run sợ hay chán chường, tuyệt vọng, mà hoàn toàn ở một tư thế chủ động, làm chủ hoàn cảnh và làm chủ bản thân mình; chủ động lên đường và chủ động đón từng đợt gió thu lạnh lẽo.
Nếu như khổ thơ đầu là bức phác hoạ tư thế của người đi xa trong lúc đất trời còn dày đặc bóng đêm, thì đến khổ thơ thứ hai tác giả lại tập trung làm nổi bật tình cảm, cảm xúc của mình khi bình minh đã tới.
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
Trước hết đây là bức tranh tả thực về một bình minh đang ló rạng của một buổi sáng mùa thu đẹp đẽ. Thời gian như đang dịch chuyển, từ khổ thơ đầu sang khổ thơ thứ hai, đất trời từ bóng đêm u ám bỗng đột ngột chuyển sang màu trắng và bừng lên một màu hồng sáng lạng của vầng dương; bầu trời thu như trong sạch không để lại một chút vương sót của bóng đêm; cái lạnh lẽo của trận trận gió thu ở khổ thơ trên biến mất, nhường lại cho hơi ấm bao la trùm lên khắp đất trời, sông núi, cỏ cây... Nếu như ở khổ thơ trên, chất thép thể hiện trong tư thế ung dung và tinh thần chủ động của người đi xa, thì ở khổ thơ thứ hai này, chất thép ấy lại toát ra từ cảm hứng nồng ấm, từ cách nhìn, cách cảm nhận hết sức khoẻ khoắn, lành mạnh của nhà thơ. Muôn đời câu nhận xét của Nguyễn Du vẫn đúng: 'Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Kiều). Bức tranh tả thực trên không thể có được ở một tâm hồn đang giá lạnh, ủ rũ, chán chường và tuyệt vọng. "Cái noãn khí bao la" kia là của mặt trời thực mang lại hay là của vầng dương đang ngời chói trong lòng người đi xa? Điều gì đã mang lại cho người tù bị "Giải đi sớm" ấy một cái nhìn, một cảm hứng khỏe khoắn và nóng đượm, lạc quan và lãng mạn; hơn nữa còn là "thi hứng" cho một thi nhân? Điều gì đã xóa sạch những mặc cảm và "dấu vết" của một tù nhân, nhường chỗ cho cảm hứng của một thi nhân. Sẽ không trả lời được những câu hỏi đó nếu như không hiểu bản lĩnh kiên cường, ý chí gang thép, thái độ ung dung tự tại, luôn bình tĩnh, nắm được quy luật của xã hội, của đất trời và tin tưởng ở tương lai của người chiến sĩ - nhà thơ cộng sản Hồ Chí Minh. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao trong thơ Bác luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ đêm tới ngày, từ mưa đến nắng. từ khổ đến vui, từ hiện tại đến tương lai .
Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi
(Nhật ký trong tù)
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Hết khổ là vui vốn lẽ đời
(Nhật kí trong tù)
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
(Nhật ký trong tù)
Thuyền về trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi
(Đi thuyền trên sông Đáy)
Thơ tù là một bộ phận nổi bật của thơ ca cách mạng thời kỳ này. Với các nhà thơ cách mạng khác, chất thép, tinh thần thép thường biểu hiện trực tiếp ở tinh thần chiến đấu, trong hình ảnh người chiến sĩ:
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ
(Tố Hữu – Tâm tư trong tù)
Nhưng ở Hồ Chí Minh thỉ khác, trong các thi phẩm tiêu biểu và hay nhất của Người trong Nhật ký trong tùy chất thép thường thể hiện ở chất thơ, bản chất người chiến sĩ lồng trong hình tượng người thi sĩ: Giải đi sớm là một trong những bài thơ như thế.