Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu: "Những đường Việt Bắc của ta/... / Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Bài thơ “Việt Bắc” là một trong những thành công lớn của thơ Tố Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp. Thông qua cuộc đối đáp có tính chất tưởng tượng của kẻ ở người đi đầy lưu luyến, vấn vương thương nhớ trong cuộc chia tay người về miền xuôi kẻ ở miền ngược sau ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng 10 - 10 - 1954, bài thơ không chỉ ngợi ca những tình cảm điển hình của con người kháng chiến mà còn tái hiện một cách chân thực và sinh động bức tranh “Việt Bắc ra trận” rất hùng vĩ qua những vần thơ hào hùng:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Ngay ở câu thơ đầu tiên mở đầu đoạn thơ, tác giả đã nêu lên cái nhìn khái quát chung cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đây là một cuộc chiến tranh sáng ngời chính nghĩa hợp với ý trời lòng dân. Cho nên lực lượng của ta ngày càng trưởng thành lớn mạnh không ngừng. Từ một đội quân chỉ có ba mươi tư người xuất phát từ cây đa Tân Trào hôm nào, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, hôm nay chúng ta đã có một đội quân hùng mạnh liên tiếp gặt hái được những chiến công chói lọi: Thu Đông, Sông Lô, Biên Giới... Giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị tổng phản công bằng một chiến dịch lịch sử. Chúng ta hoàn toàn làm chủ chiến trường Việt Bắc cả về thế và lực. Cho nên đoàn quân ra trận hôm nay xuất phát từ mọi ngả đường Việt Bắc như những gọng kìm nhằm bao vây quân giặc đang co cụm ở những cứ điểm cuối cùng:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung"
"Những đường" chứ không phải "một đường" và Việt Bắc là "của ta". Câu thơ bình dị mà chất chứa biết bao niềm tự hào về quang cảnh ra trận và khí thế của ta trên chiến trường.
Câu thơ thứ hai mở ra một bối cảnh khác, đó là ngày kháng chiến chống Pháp, máy bay địch chủ yếu hoạt động ban ngày. Do đó ta phải hành quân đêm "xưa là rừng núi là đêm" (Tố Hữu). Trên các nẻo đường Việt Bắc đêm nối đêm cứ "rầm rập" tiến quân ra trận. Từ láy "rầm rập" là một từ tượng thanh rất gợi cảm. Nó diễn tả bước chân đi đầy khí thế hăng say và sức mạnh áp đảo của một tập thể người đông đúc có đội ngũ chỉnh tề. Với từ "rầm rập" đặc sắc ấy, cuộc ra trận của quân ta bỗng trở thành một cuộc duyệt binh, diễu binh hùng tráng:
“Xuân hãy xem! Cuộc diễn binh hùng vĩ
Ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ”.
Vì thế mà bước chân của đoàn quân ấy đêm đêm như làm rung chuyển cả mặt đất. Hình ảnh thơ mang đậm màu sắc thần thoại.
Từ cái nhìn chung ở câu một và hai đến đây, tác giả đi vào cái nhìn cụ thể. Nếu câu trên, tác giả tả khí thế ra trận của quân ta qua ấn tượng thính giác, thì các câu sau, tác giả tả bằng thị giác: "Quân đi điệp điệp trùng trùng". Từ láy từ "điệp điệp trùng trùng" thật giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gợi lên trong ta những đoàn quân ra trận nối dài vô tận và rất hùng vĩ như những dãy núi kế tiếp nhau vậy. Sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã viết:
"Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận"
Ở đây ta lại bắt gặp một hình ảnh thơ được viết với bút pháp cường điệu mang đậm màu sắc anh hùng ca. Vì vậy sức mạnh khí thế của đoàn quân ra trận đã được nâng ngang tầm với sức mạnh của thiên nhiên sông núi
"Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng sâu xa. Trước hết nó diễn tả đoàn quân đi trong đêm, đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Nhưng đó cũng là lấp lánh ánh sao lí tưởng:
"Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường"
(Vũ Cao)
Hình ảnh tươi sáng ấy kết hợp với hình ảnh chiếc mũ nan giản dị trang bị còn thiếu thốn của anh bộ đội, tạo cho anh một vẻ đẹp bình dị mà cao cả, bình thường mà vĩ đại. Nhà thơ Chính Hữu cũng đã có câu thơ rất hay "Đầu súng trăng treo".
Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Cho nên trong cuộc tổng phản công hôm nay có đủ mọi binh chủng, tầng lớp ra trận. Tiếp theo những binh đoàn bộ đội, là dân công tiếp tế lương thực, đạn dược. Cũng như những người chiến sĩ rầm rập lên đường, những nam nữ dân công cũng vào trận đầy khí thế và sức mạnh:
"Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay" "Nát đá" được viết theo phép đảo ngữ, từ dùng rất bạo khoẻ vừa gợi lên được những gánh hàng rất nặng vừa nói lên bước chân đầy sức mạnh tiến công của họ. Ngày nào dân ta mơ ước "trông trời, trông đất, trông mây... trông cho chân cứng đá mềm" thì giờ đây niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực kỳ diệu ở chiến trường Điện Biên. "Muôn tàn lửa bay" lại là một hình ảnh rất đẹp. Đoàn dân công đi dưới ánh đuốc, có "muôn tàn lửa bay". Đó là lửa của đuốc đang bay, hay có cả ánh lửa từ trái tim của những anh, chị dân công hỏa tuyến? ở hai câu thơ này, tác giả sử dụng được nhiều hình ảnh giàu màu sắc tạo hình vừa chân thực, vừa bay bổng. Đoàn dân công đi vào chiến dịch mà như thể đi trong đêm hội hoa đăng. Thật đẹp đẽ biết bao mà cũng tự hào biết bao về khí thế và niềm vui ra trận của quân ta. Đúng "cách mạng là ngày hội của quần chúng" (Mác)
Hai câu thơ cuối cùng của đoạn thơ cho ta thấy khí thế khẩn trương của cuộc kháng chiến:
"Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên"
Tiếp theo đoàn dân công là những đoàn xe chở vũ khí đạn được ra chiến trường. Xe nối đuôi nhau, đèn pha bật sáng trưng như ánh sáng ban ngày. Chỉ bằng một hình ảnh ấy, Tố Hữu đã diễn tả được cái đông đảo hùng mạnh của lực lượng cơ giới quân ta. Hai câu thơ có hai hình ảnh đối lập: "nghìn đêm thăm thẳm sương dày" với "đèn pha bật sáng như ngày mai lên" đã làm nổi rõ được sự trưởng thành vượt bậc của quân ta và niềm tin tất thắng của những người ra trận. Mới hôm nào, chúng ta phải mai phục, nương náu nơi rừng sâu, núi thẳm hàng ngàn đêm tăm tối gian khổ "thăm thẳm sương dày" để có giờ phút bừng sáng quật khởi đầy niềm tin chói lọi này.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, “đèn pha bật sáng” để chiếu rọi hình ảnh nhân dân Việt Nam anh hùng trên vũ đài thế giới với những chiến thắng lẫy lừng:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Hàng loạt các địa danh gắn với chiến thắng vang dội được liệt kê liên tiếp: Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng,... Nghe trong câu thơ có cái hào sảng, có niềm tự hào của những chiến thắng “trúc chẻ tre bay” Lê Lợi diệt giặc Minh trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ngày trước:
“Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về
Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh hôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.
Chỉ bằng mười hai câu thơ, Tố Hữu đã khắc họa được một bức tranh cả dân tộc ra trận bằng cuộc chiến tranh nhân dân thật hùng tráng. Bức tranh không chỉ làm sống dậy một thời kì hào hùng của dân tộc ở căn cứ địa Việt Bắc đang chuẩn bị cho một chiến công "lừng lẫy” năm châu chấn động địa cầu" mà còn đem lại cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của "Việt Bắc".