Cuộc sống với rất nhiều mối quan hệ, với sự va chạm với rất nhiều người khác nhau. Sống sao cho giữa những mối quan hệ và những tính cách con người khác nhau ấy, ta vẫn là chính mình và cân bằng được những mối quan hệ là điều không phải ai cũng làm được. Câu chuyện “Ba câu hỏi” của nhà hiền triết Sô- crát đã dạy chúng ta rất nhiều về điều đó.
“Ba câu hỏi” kể về việc vị khách đến gặp nhà hiền triết Sô- crát muốn kể về những gì ông vừa nghe được về người bạn của nhà hiền triết. Đáng ngạc nhiên là Sô- crat không hề quan tâm ngay tới nội dung mà vị khách muốn kể, ngược lại ông đã hỏi vị khách. “Thứ nhất anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là đúng sự thật không?”; “Điều thứ hai, có phải anh nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không?”; “Câu hỏi cuối cùng: Tất cả những điều anh nói về bạn tôi thực sự cần cho tôi chứ?”. Ba câu hỏi với ba mục đích rõ ràng, thứ nhất là về tính chính xác của câu chuyện, câu hỏi thứ hai là tính tích cực của thông tin, câu hỏi thứ ba là về tính cần thiết của những điều vị khách sắp nói. Sô- crát không quan tâm xem nội dung của câu chuyện như thế nào mà chỉ cần biết ba yếu tố đó. Chắc hẳn nếu không đáp ứng đủ ba yếu tố đó thì Sô- crat cũng không cần thiết phải nghe câu chuyện này. Ba câu hỏi của Sô- crat chính là những tiêu chí chính xác để lựa chọn tiếp nhận thông tin. Những tiêu chí ấy thể hiện rõ sự sự thông minh cùng đức tính cao quý của Sô- crat.
Câu chuyện kết thúc khá mở, không đưa ra câu nói cuối cùng của Sô- crat mà bắt người đọc suy đoán và đưa ra câu trả lời theo ý nghĩ riêng của mỗi người. Chắc hẳn câu trả lời cuối cùng cuối Sô- crat sẽ là “này anh bạn nếu những gì anh bạn kể ra sau đây là không có thật, không tốt đẹp và cũng không cần thiết cho cả anh và tôi thì việc gì anh phải kể?”. “Ba câu hỏi” chính là một bài học đắt giá cho những kẻ mang trong mình căn bệnh nói xấu, rảnh rỗi, đưa ra những thông tin không giá trị. Đồng thời cũng ngợi ca những người biết chọn lọc thông tin, bài trừ những thông tin xấu, không quan trọng và không cần thiết, thiếu tốt đẹp.
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo, mỗi người đều mang trong mình những khuyết điểm, điều quan trọng là chúng ta không nên chỉ nhìn vào những khiếm khuyết ấy để đánh giá người khác. Con người sẽ trở nên thật nhỏ nhoi, tầm thường nếu chỉ nhìn vào những điểm xấu của nhau. Khi nói xấu đặt điều cho người khác chính là bản thân đã tự hạ thấp phẩm giá của chính mình. Chỉ những người không tốt mới muốn dìm người khác xuống. Đặc biệt khi quá soi mói, xét nét đến những điểm xấu của người khác cũng khiến chính bản thân mình không được thoải mái, trở nên phức tạp, khó có sự bình yên trong tâm hồn. Việc giao tiếp với người khác cũng không còn nhẹ nhàng, vui vẻ nữa.
Mỗi người là một phần của xã hội, mang trong mình những bổn phận, công việc riêng. Một quỹ thời gian có hạn trong đời sẽ có ích hơn nếu sử dụng đúng mục đích như cố gắng hoàn thành công việc đúng thời hạn, chăm chỉ sáng tạo trong công việc, thời gian sử dụng như vậy sẽ hữu ích hơn so với việc đi nói chuyện của người khác, những câu chuyện không cần thiết sẽ làm mất thời gian của cả hai bên, người nói và người nghe. Thời gian là vàng bạc, hãy trân trọng và sử dụng nó có ích.
Việc tạo mối quan hệ trong cuộc sống là đặc biệt cần thiết, đặt điều nói xấu người khác sẽ làm cho những mối quan hệ của con người trở nên rạn vỡ. Đó có thể là mối quan hệ giữa người nói, người nghe với người được nhắc đến trong câu chuyện. Cuộc sống sẽ trở nên phức tạp, con người sẽ trở nên xa cách nếu chúng ta chỉ nhìn vào những nhược điểm của người khác để phê phán, chê bai, trách móc. Mặt khác, sống đúng với bổn phận của mình, chỉ quan tâm những việc đáng quan tâm, không soi mói vào tật xấu, đời sống riêng tư của người khác, thì bản thân, cuộc sống của mỗi con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Những người như vậy luôn được người khác tôn trọng và ngợi ca.
Vậy làm thế nào để có lối sống trong sạch như Sô- crat? Để có một lối sống như vậy là cả một quá trình rèn luyện lâu dài và bền bỉ. Mỗi chúng ta cần có cái nhìn khoan dung trước lỗi lầm của người khác, những điểm yếu của họ, thay vì soi mói thì hãy góp ý chân thành và giúp đỡ họ sửa chữa để ngày càng hoàn thiện mình đồng thời nên nhìn vào những điểm mạnh, ghi nhận những phẩm chất tốt đẹp của họ. Không vì bạn mình đã từng là học sinh không trung thực mà dèm pha, soi mói thay vào đó cần khuyên bạn sống trung thực và nhìn vào những điểm tích cực của bạn như biết giúp đỡ cha mẹ….. Bên cạnh đó, mỗi người cần sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình. Cùng với đó cũng còn lên án, phê phán những người sống ích kỉ, sống không có sự khoan dung, lòng rộng lượng với những người xung quanh.
Bài học mà Sô-crát để lại không lớn lao nhưng lại rất có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta, đặc biệt là trong xã hội hiện nay khi mà việc tạo lập các mối quan hệ tốt đẹp là hết sức cần thiết. Câu chuyện hướng đến chúng ta là một lối sống khác, một lối sống đẹp đẽ, trong sạch, cao thượng. Đó là lối sống của những người làm tròn bổn phận của mình, có sự quan tâm đúng mực với cuộc sống của người khác. Sống được như Sô- Crát cuộc đời của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, đáng trân trọng hơn, đạo đức của mỗi con người trở nên cao quý hơn. Qua câu chuyện mỗi người cần nhìn lại bản thân để tự rút ra bài học và hoàn thiện hơn. Sửa những điều chưa tốt, cố gắng rèn luyện để trở thành một người có những phẩm chất tốt đẹp được mọi người quý mến. Câu chuyện giản dị nhưng truyền tải được một ý nghĩa sâu sắc, một bài học quý giá cho mỗi người.