Bài văn mẫu số 1
Mở đầu tác phẩm Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành viết: "Làng... gà gáy". Đó là cách giới thiệu "ngược", ông đã đem sự việc giới thiệu trước khi giới thiệu cái làng ấy tên gì, ở đâu bằng giọng văn bình thản nhưng không kém phần gần gũi, thân thiết. Bình thản bởi sự việc giặc bắn đại bác đã thành lệ mỗi ngày hai bận như cơm ăn, nước uống của người dân Xô man. Gần gũi, thân thiết bởi mỗi người đều tìm thấy nét chung, nét đồng cảm trong những năm khốc liệt ta bắt gặp những làng trong "tầm đại bác" và bắn thành thông lệ như ở Xô man không ít trên đất nước Việt Nam này.
Chung nhưng không lẫn, làng Xô man vẫn mang những nét rất riêng. Kiêu hãnh và gan góc với "ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn" đã tạo ra sự khác biệt ấy.
Có lẽ chính vì tính chất "riêng", "mới lạ", "đặc sắc", có tính đại điện, phổ quát cao cho các dân tộc Tây Nguyên nên Rừng xà nu được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật sinh động, gan góc như một sinh thể có hồn.
Tính chất tàn phá mãnh liệt của chiến tranh in đậm trên mỗi thân cây " cả rừng xà nu hàng vạn cây, không có cây nào không bị thương. Có cây bị chặt đứng ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão, ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn". Chỉ cần ba câu văn thôi nhưng ta có thể thấy trước mắt mình của một rừng xà nu sau mỗi lần "chúng nó bắn". Những nét đẹp và sự gợi cảm của mỗi câu văn không chỉ là nói lên một hình tượng tàn khốc mang tính tàn phá huỷ diệt như thế. "Một tác phẩm sẽ chết nếu nó miêu tả chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là sự thôi thúc mạnh mẽ mang tính chủ quan của tinh thần thời đại" (M. Gorki), "của niềm vui và nỗi đau khổ, của nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt cay đắng" (Rãnu Gamzatop). Những thương của cây xà nu không chỉ là sự phản quang tội ác của giặc, không chỉ mất mát hoàn toàn. Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu không chỉ là loại cây thông thường mà dưới góc độ khác, góc độ như một con người, con người Tây Nguyên gan góc, dũng mãnh, đầy quả cảm. Cây xà nu hiên ngang từ dáng đứng thẳng tắp dám hứng "hầu hết đạn đại bác", đến phẩm chất "thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt". Tác giả không miêu tả một cây, ông miêu tả cả một rừng cây. Phải chăng một chi tiết nhỏ đó thôi cũng bao hàm một lời hứa lớn. Đó là sự khái quát cao độ của hình tượng cây xà nu đông đảo, toàn diện và có phần chung chung nhưng lại không vô nghĩa, và đặc biệt không hề nhạt hoà, bé nhỏ. Nó cũng như con người: bị thương và chết đi, nhựa của nó chảy ra "dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành cục máu lớn". Đây không phải là một phép so sánh giản đơn mà dường như trong tiềm thức của người nghệ sĩ, cây xà nu gần gũi thân yêu thật sự không phải là vật vô tri vô giác, ông đó là một sinh thể, là một con người. Lẽ dĩ nhiên trong văn chương có những điều "bất khả giải", chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác, đôi khi rất khó tin, thậm chí không có sự "trùng khít giữa cái miêu tả và cái được miêu tả" nhưng cái tài của Nguyễn Trung Thành chính là ông đã tạo ra được "ảo tưởng giống như thiệt" (Focdine) của sự vật được phản ánh. Ông đã truyền sự rung cảm từ con tim chủ quan của người nghệ sĩ sang mỗi chúng ta là người tiếp nhân, khiến chúng ta không những yêu mà còn tin vào sức sống cũng như vẻ đẹp rất '"người" tiềm ẩn trong mỗi cây xà nu tưởng hết sức thông thuộc, bình dị. Sức sống mãnh liệt của cây xà nu chính nằm trong sự nối tiếp "cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Đúng như Nguyễn Trung Thành nói: "Trong rừng ít có loài cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy", sức sống và sự kế tiếp của cây rừng xà nu không khỏi khiến ta cảm phục, dường như có chút gì đó rạo rực, bâng khuâng... ta chợt nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu:
Lớp cha lớp trước thân sau,
Đã thành đồng chí chung câu quân hành.
Có thể Nguyễn Trung Thành cũng đâu có viết về sự tiếp nối mạnh mẽ của cây rừng xà nu? Phải chăng đằng sau sức sống và sự "sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy", còn có một sức sống tiềm ẩn khác của con người Tây Nguyên, của dân làng Xô Man trong kháng chiến. Họ cũng dũng mãnh như cây xà nu với "hình nhọn mũi lên lao thẳng lên bầu ười". Sức mạnh ngòi bút Nguyễn Trung Thành chính là ở ông đã nắm bắt nhuần nhuyễn đặc điểm đó, miêu tả tài hoa và tinh tế sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên Tây Nguyên, khiến ta thấy thấp thoáng ẩn hiện sau mỗi cây xà nu là sự gan góc, sức sống mạnh mẽ và nụ cười cởi mở của dân làng Xô Man. Sự hoà nhập đó đã tạo nên sức gợi cũng như sống tiềm tàng của mỗi câu chữ mà Nguyễn Trung Thành sử dụng. Tuy nhiên cái khéo chính là ông đã miêu tả cây xà nu tuy trong góc độ như một con người nhưng lại không phải là con người, ông không biến một sinh vật thành một người đơn giản để cuối cùng mất đi bản sắc riêng của nó. Xà nu là loại "ham ánh sáng mặt trời". "Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng, ánh sáng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lá vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, mươi hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã."
Thật là quật cường và cũng thật kì diệu! Có lẽ bản thân những câu văn cũng đã nói lên sức sống cùng phẩm chất ham sống tuyệt vời của cây xà nu. Nhà văn không miêu tả phiến diện đến nỗi khó tin là tất cả các loại cây dưới tầm đại bác đều còn sống và đều vươn lên với sức mạnh kì diệu. Nhưng có điều rất thật "nhà văn có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, ghê tởm, thấp hèn. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, thuỷ chung" (Nguyễn Khải). Nguyễn Trung Thành có miêu tả cái chết của đó là quy luật không tránh khỏi của cuộc sống, đặc biệt là trong chiến tranh nhưng ngay cả khi nó chết, cái còn lại vẫn là chỗ nhựa thơm "long lanh nắng gay gắt", và đặc biệt là vẫn những cây vượt lên, sinh sôi và phát triển. Hơn bao giờ hết ta hiểu cái giá của sự sống và sức mạnh của sự sống khi nó được châm ngòi, khi nó được "cháy lên để mà tỏa sáng" (Raxun Gamzatop), trở nên có ích trong cộng đồng của mình "ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng.
Cây xà nu là như vậy, đẹp đẽ và kiêu hãnh biết bao. "Tấm ngực lớn" của nó không chỉ thể hiện sức tráng kiện, dũng mãnh đến gai góc của một loại cây ở thời kỳ trưởng thành đang nhập nhoà trong sức mạnh cộng đồng như cả dân làng Xô Man mà còn thể hiện chút chân thực đến say lòng người, cùng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình.
Cái hay và đặc sắc của đoạn văn chính là ở chỗ nhà văn đã nhìn rừng xà nu như một sinh thể có hồn hòa nhập vào đời sống nhiệt thành của con người Tây Nguyên nói chung, của dân làng Xô-man nói riêng. Khép lại đoạn văn và cũng là toàn tác phẩm là một câu văn đầy sức gợi: "Đứng trên đồi xà nu trông ra xa, đến hết tầm ngắm cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời". Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nguyễn Trung Thành sử dụng câu văn này hai lần, ở trong đoạn này và đoạn cuối tác phẩm. Rừng xà nu dường như đã lớn lên đến sức sống căng tràn nhất, trải dài khắp nẻo đường. Ta như cảm giác cánh tay rừng xà nu đang vươn dài ôm lấy làng Xô-man vào lồng ngực lớn của mình, yêu thương, che chở và bảo vệ. Sức mạnh của khu rừng, của làng Xô -man và của cả một chút gì bí ẩn, hoang sơ gợi sự khát khao, kiếm tìm với người biết yêu thương và lời đe dọa đối với kẻ thù xâm lược: "Chừng nào chúng ta còn tồn tại thì các ngươi đừng hòng xâm nhập vào đây phá tan cuộc sống yên bình nơi đây".
Rừng xà nu là câu chuyện của cả đời được kể trong một đêm do đó những cảm xúc về cây xà nu chính là những rung cảm mãnh liệt nhất của người nghệ sĩ "được viết ra khi cảm xúc tràn đầy" (Tố Hữu). Theo lời tác giả kể, câu chuyện viết ra chỉ trong hai tiếng rưỡi nhưng lại được thai nghén hàng chục năm. Ta chợt hiểu sâu sắc đằng sau mỗi dòng chữ kia là tấm lòng yêu thương chất chứa, dồn nén của người nghệ sĩ. Có lẽ ông đã dồn rất nhiều tâm huyết để dựng lên hình tượng cây xà nu đẹp, đầy gợi cảm, mang sức chứa và khái quát cao độ. Nó xứng đáng là kết tinh của thiên nhiên và con người Tây Nguyên dũng mãnh, gan góc và quật cường. Thành công lớn ở đoạn văn chính là hình tượng cây xà nu đã diễn tả sâu sắc và tinh tế nội dung toàn tác phẩm cũng như điều mà nhà văn gửi gắm, ở mỗi cây xà nu ta nhìn thấy hình ảnh một người dân Xô man. Thấy cụ Mết, Tnú, Dít, Heng và lớp lớp dân làng kiêu hãnh, gan góc bất diệt như "Rừng xà nu".
Bài văn mẫu số 2
Người ta thường nói văn học như một dòng chảy mãi, chảy mãi theo thời gian. Trên dòng sông văn học ăm ắp và xanh trong đó, biết đếm sao cho hết những dáng núi, hàng cây nghiêng mình bên dòng nước. Nó là biểu tượng cho mọi dân tộc, mỗi vùng đất, cho niềm tự hào khôn nguôi… Có ai quên rừng bạch dương chạy dày tít tắp đậm đà trong nền văn học đồ sộ Nga; có ai quên những cây hoa anh đào thấp thoáng trong mỗi tâm hồn người Nhật và Việt Nam chúng ta tự hào với cây tre hiên ngang thẳng tắp, vững bền theo năm tháng. Nhưng đâu chỉ có cây tre, trên mỗi miền đất nước chúng ta, làm sao có thể quên những rặng dừa xanh, những trái măng cụt hay nhãn lồng xứ Bắc. Và Tây Nguyên tự hào xiết bao với rừng xà nu, kiêu hãnh ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng đậm đà trong trang văn của Nguyễn Trung Thành. Có thể nói, viết về rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã chạm tới được một nét đẹp điển hình và đặc sắc của Tây Nguyên hoang dại đầy khí phách. Một trong những đoạn văn đặc sắc có sức biểu cảm của truyện chính là đoạn đầu của tác phẩm: Làng ở trong tầm đại bác của giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…
Đứng trên đồi xà nu trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xa nu nối tiếp tới chân trời.
Đặt đoạn văn vào toàn tác phẩm, ta nhận thấy Rừng xà nu có một kết cấu, hay nói đúng hơn là lối vào đề hiện đại: Làng ở trong tầm đại bác của giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Nếu như giới thiệu theo lối cổ điển Nguyễn Trung Thành sẽ giới thiệu tên làng, nguồn gốc rồi sau đó mới nói đến vấn đề muốn nói. Nhưng không, vào đề ông nói ngay đến vị trí nguy hiểm ở trong tầm đại bác của giặc của dân làng Xô Man mà không hề nhắc đến tên địa danh của làng. Trong cách kể của nhà văn dường như tất cả chúng ta đều biết cái làng đó rồi như người đi xa lâu ngày không gặp chỉ náo nức muốn biết tình trạng sức khỏe của thân giờ này ra sao. Và làng Xô Man trong tiềm thức của chúng ta dù có thể chưa một lần đặt chân đến vẫn thấy sao có chút gì đó thân quen, gần gũi. Trong chiến tranh đâu chỉ có làng Xô Man mới nằm trong tầm đại bác của đồn giặc. Tất cả các làng, các xóm trên đất nước Việt Nam này đều chịu đựng chung nỗi đau thương đó. Ta cũng thấy lòng có chút gì đó đồng điệu…
Nhưng đây không phải làng quê của ta. Nếu như Hoàng Cầm nhớ thiết tha đất Kinh Bắc với lúa nếp thơm nồng, tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, nếu như Nguyễn Đình Thi mơ màng với Gió thổi mùa thu hương cốm mới thì làng Xô Man lại kiêu hãnh và gan góc với ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Ta nhận thấy đây là Xô Man chứ không phải bất kỳ một làng nào trên mọi miền đất nước. Có lẽ chính vì tính chất riêng, mới lạ, đặc sắc, có tính đại diện và phổ quát cao cho các dân tộc Tây Nguyên nên rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành miêu tả thật sinh động, gan góc như một sinh thể có hồn, lay động…
Tính chất tàn phá mãnh liệt của chiến tranh in đậm trên mỗi thân cây: Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn. Chỉ cần ba câu văn thôi chúng ta thấy trước mắt mình cả một khu rừng xà nu sau mỗi lần chúng nó bắn. Nhưng nét đẹp và sự gợi cảm của mỗi câu văn không chỉ là nói lên một hiện tượng tàn khốc mang tính tàn phá hủy diệt như thế một tác phẩm sẽ chết nếu nó miêu tả chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là sự thôi thúc mạnh mẽ mang tính chủ quan của tinh thần thời đại (M. Gorki) của niềm vui và nỗi đau khổ, của nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt cay đắng (Raxun Gamzatốp). Những vết thương của cây xà nu không chỉ là sự phản quang tội ác của giặc, không chỉ là sự mất mát hoàn toàn. Nguyễn Trung Thành đã miêu tả những cây xà nu không chỉ như những loại cây thông thường mà dưới góc độ khác, góc độ như một con người, con người Tây Nguyên gan góc, dũng mãnh và đầy quả cảm. Cây xà nu hiên ngang từ dáng đứng thẳng tắp dám hứng Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu, đến phẩm chất thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt. Nguyễn Trung Thành không miêu tả một cây, ông miêu tả cả một rừng cây. Phải chăng một chi tiết nhỏ đó thôi cũng bao hàm một sức chứa lớn: sự khái quát cao độ của hình tượng rừng xà nu, đông đảo, toàn diện và có phần chung chung nhưng lại không vô nghĩa và đặc biệt không hề nhạt nhòa, bé nhỏ. Nó cũng như con người: bị thương và chết đi, nhựa của nó chảy ra, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Đây không phải là một phép so sánh giản đơn mà dường như trong tiềm thức của người nghệ sĩ, cây xà nu gần gũi thân yêu thực sự không phải là vật vô tri vô giác, ông tin đó là một sinh thể, là con người. Lẽ dĩ nhiên trong văn chương có những điều bất khả giải, chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác, đôi khi rất khó tin thậm chí không có sự trùng khít giữa cái miêu tả và cái được miêu tả. Nhưng cái tài của Nguyễn Trung Thành chính là ông đã tạo ra được cái ảo tưởng trông như thật (Féđine) của sự vật được phản ánh. Ông đã truyền sự rung cảm của con tim chủ quan của người nghệ sĩ sang mỗi chúng ta người tiếp nhận, khiến chúng ta không chỉ yêu mà còn tin vào sức sống cũng như vẻ đẹp rất người tiềm ẩn trong mỗi cây xà nu tưởng hết sức không thuộc, bình dị. Sức sống mãnh liệt của cây xà nu chính nằm trong sự nối tiếp, cạnh một cây xà nu mới gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳmg lên bầu trời. Đúng như Nguyễn Trung Thành nói trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Sức sống và sự kế tiếp của cây rừng xà nu không khỏi khiến người ta cảm phục dường như có chút gì rạo rực, bâng khuâng. Ta chợt nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu:
Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
Nếu để lẫn những câu thơ này vào đoạn văn của Nguyễn Trung Thành ta mới hiểu hết sức gợi cảm của tính mơ hồ đa nghĩa trong tiếng Việt. Tố Hữu đâu chỉ viết riêng về con người, và Nguyễn Trung Thành cũng đâu chỉ viết về sự tiếp nối mạnh mẽ của cây rừng xà nu? Phải chăng đằng sau sức sống của con người Tây Nguyên, của dân làng Xô Man trong kháng chiến. Họ cũng dũng mãnh như cây xà nu với hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời con người Tây Nguyên vốn hoang dã, dữ dội như lẫn vào thiên nhiên, trời núi. Sức mạnh ngòi bút Nguyễn Trung Thành có lẽ chính là ở ông đã bắt nhuần đặc điểm đó, miêu tả tài hoa và tinh tế sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên Tây Nguyên, khiến ta thấy thấp thoáng ẩn hiện sau mỗi cây xà nu là sự gan góc sức sống mãnh liệt và nụ cười cởi mở của dân làng Xô Man. Sự hòa nhập đó đã tạo ra sức sống tiềm tàng của mỗi câu chữ mà Nguyễn Trung Thành sử dụng. Tuy nhiên, cái khéo chính là ông đã miêu tả cây xà nu tuy trong góc độ như một con người nhưng lại không phải là con người. Ông không biến một sinh vật thành một con người đơn giản để cuối cùng mất bản sắc riêng của nó. Xà nu là một loại cây ham ánh sáng mặt trời. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng, thứ ánh sang trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh… đã ngã.
Thật là quật cường và cũng thật là kì diệu! Có lẽ bản thân những câu văn trên cũng đã nói lên sức sống cùng phẩm chất ham sống tuyệt vời của cây xà nu. Nhà văn không miêu tả phiến diện đến nỗi khó tin là tất cả các loại cây dưới tầm đại bác đều còn sống và vươn lên với sức mạnh diệu kì. Nhưng có điều rất thật nhà văn có quyền, nhưng không miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, thấp hèn. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung (Nguyễn Khải). Nguyễn Trung Thành miêu tả cái chết của cây đó là quy luật không tránh khỏi của cuộc sống, đặc biệt là chiến tranh nhưng ngay cả khi nó chết, cái còn lại vẫn là chỗ dựa thơm long lanh nắng hè gay gắt và đặc biệt vẫn những cây vượt lên, sinh sôi và phát triển. Hơn bao giờ hết ta hiểu cái giá của sự sống và sức mạnh của sự sống khi nó được châm ngòi, khi nó được cháy lên để mà tỏa sáng (Raxun Gamzatốp), trở nên có ích trong cộng đồng của mình ưỡn tấm ngực ra che chở cho dân làng.
Cây xà nu là như vậy, đẹp đẽ và kiêu hãnh biết bao. Tấm ngực lớn của nó không chỉ thể hiện sức tráng kiện, dũng mãnh đến gai góc của một loại cây ở thời kỳ trưởng thành đang nhập hòa trong sức mạnh cộng đồng như cả dân làng Xô Man mà còn thể hiện chút gì đó chân thực đến say lòng người, cùng tình yêu, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình. Từ tấm ngực lớn đó ta bỗng xao lòng nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:
Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh
Thổi bùng lên tim bỗng hóa mặt trời
Phải chăng sức mạnh của rừng xà nu chính nằm ở tấm ngực lớn đó, nơi chứa chất con tim sôi nổi và dào dạt mềm yếu, cũng như dân tộc Việt Nam với sức sống bùng cháy từ bốn nghìn năm lịch sử cũng biểu hiện từ tấm ngực lớn dạt dào cháy bỏng?
Cái hay và đặc sắc của đoạn văn chính là ở chỗ nhà văn đã nhìn xà nu như một sinh thể có hồn hòa nhập vào đời sống nhiệt thành của con người Tây Nguyên nói chung, của dân làng Xô Man nói riêng. Khép lại đoạn văn và cũng là toàn bộ tác phẩm là một câu văn đầy sức gợi: Đứng trên đồi xà nu trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Trung Thành sử dụng câu văn này hai lần, ở đoạn này và đoạn cuối của tác phẩm. Rừng xà nu dường như đã lớn lên đến sức sống căng tràn nhất, trải dài khắp nẻo đường. Ta như có cảm giác cánh tay rừng xà nu đang vươn dài ôm lấy làng Xô Man vào lồng ngực lớn của mình yêu thương, che chở và bảo vệ. Ta như thấy khuất lấp sau khu rừng đại ngàn cái hoang sơ, trong ngần, chân thật của một chốn xa xăm không dễ gì nắm bắt. Sức mạnh của khu rừng, của làng Xô Man và của cả một chút gì bí ẩn, hoang sơ gợi sự khát khao tìm kiếm với người biết yêu thương và lời đe dọa đối với kẻ thù xâm lược: chừng nào chúng ta còn tồn tại thì các ngươi đừng hòng xâm nhập vào đây phá tan cuộc sống bình yên nơi đây.
Thật là đẹp và cũng thật là kì vĩ! Ta cảm giác như choáng ngợp mỗi lời văn là cái không khí sử thi hoang dã, dũng mãnh, gan góc và đầy bí mật như trong những lời kể khan, như trong khu rừng già đại ngàn và đời sống của chàng Đăm Săn thuở xưa rực rỡ. Chính sức sống hoang dã, mãnh liệt này là một nét đặc sắc và vô cùng độc đáo của vùng đất Tây Nguyên mà con người dù có viết nhiều về nó cũng mãi mãi không thể nào khám phá hết chiều sâu tận cùng của nó.
Rừng xà nu là câu chuyện của cả đời được kể trong một đêm (Nguyễn Trung Thành) do đó những cảm xúc về cây xà nu chính là những rung cảm mãnh liệt nhất của người nghệ sĩ được viết ra khi cảm xúc tràn đầy (Tố Hữu). Theo lời tác giả kể, câu chuyện được viết ra chỉ trong vòng hai tiếng rưỡi nhưng lại được thai nghén hàng chục năm. Ta chợt hiểu sâu sắc đằng sau mỗi dòng chữ kia là tấm lòng thương yêu chất chứa, dồn nén của con người nghệ sĩ. Có lẽ ông đã dồn rất nhiều tâm huyết để dựng lên hình tượng cây xà nu đẹp đẽ và đầy gợi cảm, mang sức khái quát cao độ. Nó xứng đáng là kết tinh của thiên nhiên và con người Tây Nguyên dũng mãnh, gan góc và quật cường. Thành công lớn ở đoạn văn chính là qua hình tượng cây xà nu đã diễn tả sâu sắc và tinh tế nội dung toàn tác phẩm cũng như điều mà nhà văn gửi gắm.
Nói đến văn học kháng chiến không ai có thể quên Nguyễn Trung Thành mà nhắc đến Nguyễn Trung Thành không thể không nhắc đến Rừng xà nu, đặc biệt là đoạn văn miêu tả loài cây tráng kiện ấy bởi đó chính là một trong những chất nhụy thơm thảo làm nên hương thơm trong cuộc đời sáng tác của một nhà văn lớn – Nguyễn Trung Thành.