Dàn ý cảm nhận về hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới hai bên nghĩa địa
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác phẩm "Thuốc" của nhà văn Lỗ Tấn và hình ảnh con đường.
2. Thân bài
a. Khái quát về hình tượng con đường trong tác phẩm
- Là hình tượng nghệ thuật độc đáo xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm
- Góp phần thể hiện rõ chủ đề, tư tưởng mà nhà văn Lỗ Tấn gửi gắm.
b. Phân tích ý nghĩa của hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới giữa hai bên nghĩa địa
- Con đường mòn là hình ảnh ẩn dụ thể hiện tình trạng u mê về tư tưởng, nhận thức của quần chúng nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ.
- Con đường mòn đã thể hiện sự phân chia ranh giới rõ ràng giữa lí tưởng cách mạng và sự u mê trong nhận thức của quần chúng nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ.
- Sự phân chia ranh giới qua hình ảnh con đường còn phản ánh bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới giữa hai bên nghĩa địa.
Bài văn mẫu số 1
Thuốc của Lỗ Tấn gợi một bối cảnh dung dị, trầm lắng và sâu xa: một quán trà, một pháp trường và một bãi tha ma Cảnh tượng nào cũng gây cảm giác buồn buồn, cố hữu. Quán trà của những người vô công rồi nghề thì nghèo nàn, tẻ nhạt. Pháp trường thì toàn những bóng đen lượn lờ dưới ánh đèn dầu khi mờ, khi tỏ. Bãi tha ma thì mộ dày khít như bánh bao nhà giàu trong tiệc mừng thọ, ở giữa có một con đường mòn cố hữu mà nhà văn đã nhắc nhiều lần trong tác phẩm của mình.
Con đường mòn đó là ranh giới phân chia nghĩa địa thành hai phần rõ rệt: bên phải là mộ của người nghèo, bên trái là mộ của những người chết chém Người dân Trung Quốc lúc bấy giờ rất lạc hậu, họ coi làm cách mạng là làm giặc, là trái đạo. Hình ảnh con đường mòn được nhắc nhiều lần trong tác phẩm như một sự ám ảnh về lối sống u mê của người dân đương thời, có thể coi bối cảnh ấy là bức tranh điển hình của nước Trung Hoa thời trung cổ. Tuy nhiên, ám ảnh ấy đã vơi đi phần nào với chi tiết trong truyện: mùa xuân, vào tiết thanh minh, hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn cố hữu đến thăm nhau. Đó có thể coi là dấu hiệu tốt lành, hứa hẹn sự giác ngộ của người dân Trung Quốc để con đường mòn không còn là ranh giới ngăn cách mà trở thành con đường chung.
Bài văn mẫu số 2
Trong nền văn học hiện đại Trung Quốc, Lỗ Tấn là cây bút tiêu biểu và được ngợi ca là người tiên phong, vị chủ tướng trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Nhà văn từng nói: "Mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý mà tìm cách chữa chạy" (Trích "Vì sao tôi viết tiểu thuyết") để thể hiện quan điểm sáng tác văn chương của mình. Tác phẩm "Thuốc" chính là minh chứng thể hiện rõ điều này. Ra đời trong hoàn cảnh phong trào Ngũ tứ mang tính chất phản đế và phản phong bùng nổ và diễn ra sôi nổi, tác phẩm là tiếng nói lên án, phê phán căn bệnh u mê, tê liệt của quần chúng nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ, đồng thời thể hiện sự cảm thông của tác giả trước bi kịch của những người chiến sĩ cách mạng. Hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới giữa hai bên nghĩa địa là chi tiết đặc sắc thể hiện rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Trong tác phẩm, hình ảnh con đường đã được tác giả miêu tả nhiều lần, gợi nên những ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí độc giả. Hình tượng con đường mòn phân chia ranh giới giữa hai bên nghĩa địa được miêu tả giữa không gian hiu hắt, lạnh lẽo: "mộ dày khít như bánh bao nhà giàu trong tiệc mừng thọ" trong tiết trời Thanh minh: "Phía bên tay trái con đường là mộ của những người chết chém hoặc chết tù, phía bên phải là những người nghèo".
Trước hết, con đường mòn còn là hình ảnh ẩn dụ thể hiện tình trạng u mê về tư tưởng, nhận thức của quần chúng nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ. Chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ tử tù được tôn sùng trở thành phương thuốc tiên chữa mọi căn bệnh, sự hi sinh của người cách mạng trở thành món hàng để tầng lớp cai trị đầu đầu tư tưởng và thu vén lợi ích từ người dân. Đồng thời, con đường mòn đã thể hiện sự phân chia ranh giới rõ ràng giữa lí tưởng cách mạng và sự u mê trong nhận thức của quần chúng nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ. Những người chiến sĩ như Hạ Du cho đến lúc chết vẫn cách biệt với người dân như gia đình Hoa Thuyên, cả Khang, Năm Gù,... Sự phân chia đó chính nguyên nhân dẫn đến việc lí tưởng cách mạng không được truyền bá rộng rãi, không thể chiến thắng những u mê trong nhận thức của nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự phân chia ranh giới qua hình ảnh con đường còn phản ánh bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Thông qua hình ảnh con đường, độc giả có thể thấy được thái độ xa lánh, coi thường đối với những người chiến sĩ cách mạng có vai trò tiên phong dẫn đường. Dù mang trong mình tư tưởng tiến bộ cùng lí tưởng cao đẹp muốn giải phóng nhân dân thoát khỏi áp bức, bóc lột nhưng vô hình trung, những định kiến xã hội và sự u mê của người dân đã khiến họ bị "đồng hóa" với những kẻ tử tù mang danh trộm cắp, giết người.
Như vậy, hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới giữa hai bên nghĩa địa là một chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh biểu trưng cho sự u mê trong nhận thức của người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX. Đồng thời thể hiện số phận đầy bi kịch của những người chiến sĩ cách mạng gánh trên vai sự nghiệp cao cả nhưng luôn bị coi thường, xa lánh trong cái nhìn ấu trĩ và xa lạ của quần chúng nhân dân.