"Một người làm sao nhận thức được chính mình? Đó không phải của tư duy mà của thực tiễn. Hãy thực hiện bổn phận của mình, bạn sẽ hiểu giá trị của mình
Mỗi con người là một "Tiểu vũ trụ" trong một vũ trụ lớn. Từ xưa đến nay có biết bao nhà văn, nhà thơ tìm hiểu thế giới bên trong mỗi con người nhưng đề tài về con người vẫn là đề tài bất tận không bao giờ khai thác hết được.
Bởi bản thân con người chưa nhận thức hết được về bản thân huống hồ để diễn giải điều đó một cách cụ thể. Con người chỉ có thể khẳng định giá trị bản thân khi thực hiện được đầy đủ bổn phận của mình. Điều này đã được Gớt - nhà văn Đức vĩ đại nói rất rõ rằng "Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình”. Đó không phải là việc của tư duy mà là việc của thực tiễn. Hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của mình.
Trong mỗi một con người bình thường luôn có hai mặt chi phối, đó là cái thiện và cái ác. Hai mặt mâu thuẫn này khiến con người phải có những hành động đấu tranh trong tâm tưởng. Chính bản thân mỗi người cũng không thể khẳng định mình là người tốt hay người xấu khi không được thử thách qua thực tiễn. Các bạn đã thử suy nghĩ về bản thân mình bao giờ chưa? Nếu suy nghĩ rồi thì ai cũng phải thừa nhận Gớt nói đúng "Một con người làm sao có thể nhận thức được mình". Con người không thể hiểu hết bản thân mình, giá trị tiềm ẩn trong mình. "Đó không phải là việc của tư duy mà là việc của thực tiễn".
Mới đầu nếu ta xâu chuỗi từ "Nhận thức" và "Tư duy" ta sẽ tưởng chừng Gớt rất mâu thuẫn trong câu nói này. Bởi "Nhận thức" luôn gắn liền với "tư duy" của con người. Nếu không có "tư duy" thì làm sao có thể nhận thức hết được mọi việc. Nhưng trong trường hợp này thì hoàn toàn ngược lại. Để hiểu biết về bản thân mình, con người không có con đường nào khác thông qua hành động, thông qua thực tiễn.
Để khẳng định mình là người tốt, lương thiện con người không chỉ tư duy, nhận thức mình là người tốt mà phải thông qua hành động bởi tư duy chỉ nằm bên trong óc mỗi con người, mọi người xung quanh đều không nhìn thấy, cảm thấy mà chỉ có hành động cụ thể của thực tiễn mới khiến con người thay đổi suy nghĩ về nhau; Chúng ta hãy thử nhìn vào "hiện tượng Chí phèo" trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao. Ai có thể khẳng định Chí phèo là người xấu, là "Con quỷ dữ của làng Vũ Đại"? Ai phủ nhận Chí phèo là người lương thiện? Trong thâm tâm, của Chí Phèo, Chí luôn muốn làm người lương thiện, điều này được thể hiện rất rõ trong 20 năm đầu đời của Chí, ở ước mơ của Chí ở giai đoạn cuối ở cuộc đời. chí không muốn bóp chân cho bà ba Bá Kiến. Chí chỉ thấy đó là điều nhục, thấy "run run" chứ không sung sướng gì. Nhưng có ai biết được điều ấy mà chỉ biết vì hành động đó mà Bá Kiến tống giam Chí. Sau bảy, tám năm ở tù Chí muốn trả thù Bá Kiến nhưng những gì Chí làm lại hoàn toàn ngược với suy nghĩ của mình. Đâu phải bao giờ suy nghĩ và hành động của con người cũng là một. Chí đã làm tay sai cho Bá Kiến, phá huỷ biết bao niềm vui hạnh phúc của biết bao gia đình. Nhưng tất cả những điều này Chí đều làm trong khi say. Những con người tưởng chừng như ác quỷ đó luôn tiềm ẩn chữ "lương thiện". Khi gặp Thị Nở, Chí Phèo được thức tỉnh và muốn được lương thiện, thèm lương thiện. Nhưng có ai hiểu được điều đó đâu. Không ai cả, kể cả Thị Nở vì những điều đó chỉ làm trong suy nghĩ của Chí mà thôi. Và vì muốn được làm người lương thiện mà Chí Phèo đã giết Bá Kiến. Giết Bá Kiến là sự thức tỉnh lương tâm của Chí nhưng mọi người trong làng lại cho đó là hành động giết nhau của những kẻ ác. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp chứng tỏ nhận thức, hiểu được giá trị của mình không phải là qua tư duy.
Con người chỉ có thể nhận thức được mình thông qua hành động, thực tiễn. Thông qua ứng xử của mình như thế nào trước một sự việc xảy ra thì con người mới biết bản thân mình và người khác cũng hiểu một phần về mình. Ví dụ như nhìn thấy số tiền lớn của nhà bạn để sơ hở sẽ có sự phân vân trong suy nghĩ nên lấy hay không nên lấy. Một người luôn cho mình là tốt sẽ không tham lam nhưng đứng trước số tiền lớn như vậy mà 'lại lấy thì có thể khẳng định đó là người xấu còn nếu không lấy thì đó là người tốt. Đó chỉ là một dẫn chứng tiêu biểu khẳng định rằng nhận thức bản thân "không phải là việc của tư duy mà là việc của thực tiễn" Nếu trong suy nghĩ cho răng không nên lấy, lấy là sai nhưng bàn tay lại cầm lấy số tiền đó đi rồi hối hận ăn năn nhưng mặc kệ và vẫn tiêu xài thì đó thật không thế’ chấp nhận được. Đó là con người không chiến thắng được bản thân mình, không thắng được cái xấu mà cái xấu luôn ngự trị trong mỗi người.
Đứng trước mọi tình huống, cách ứng xử của con người như thế nào thì đó chính là bản chất con người đó. Như khi biết người đó là Sở Khanh, chỉ biết lợi dụng mình mà mình không thể vạch trần loại đó thì đó là người yếu mềm, nhu nhược. Trong khi đó mình lại luôn cho mình là người rất mạnh mẽ, sống ý trí. Đó là sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động. Như vậy, lời nói và suy nghĩ không bao giờ khẳng định được giá trị bản thân, giúp nhận thức được chính mình mà "hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của mình".
"Bổn phận" chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người với tư cách là một con người chân chính, ở mỗi cương vị, con người có những bổn phận khác nhau. Với gia đình, phải có bổn phận với bố mẹ anh chị em trong gia đình. Là con khi còn nhỏ thì phải chăm chỉ học hành ngoan ngoãn để bố mẹ không phải lo lắng. Khi lớn lên phải có hiếu với bố mẹ. Sự có hiếu ở đây không có nghĩa là cung cấp tiền của cho bố mẹ lúc già mà mặc bố mẹ không thăm nom, chăm sóc. Người con có hiếu phải biết lo lắng cả về mặt vật chất, tinh thần cho bố mẹ. về mặt vật chất phải tạo điều kiện sống tốt nhất cho bố mẹ. về mặt tinh thần cần thường xuyên quan tâm thăm hỏi bố mẹ. Là con phải phụng dưỡng, có hiếu với bố mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Với anh chị em trong gia đình phải biết chăm sóc, quan tâm, lo lắng cho nhau đùm bọc nhau khi khó khăn. Khi vui cũng như khi buồn luôn nghĩ cho nhau:
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần
Với thầy cô cần phải kính trọng và lễ phép. Bởi đó là những người giúp ta nên người và trở thành người có ích cho xã hội.
Không thầy đố mày làm nên
Phải biết ghi nhớ công ơn của thầy cô đã tận tâm dạy bảo mình. Và những hành động thiết thực nhất để đền đáp công ơn thầy cô đó là học hành chăm chỉ, xứng đáng là con ngoan trò giỏi, để thành đạt trong tương lai.
Với bạn bè đó là sự chỉ bảo lẫn nhau, phải yêu thương giúp đỡ nhau theo tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân", trước hành động sai trái của bạn bè phải kịp thời khuyên can, không được làm ngơ "Mặc ai người đó sống". Đó mới là tình bạn, đáng trân trọng.
Nhưng cao hơn tất cả là bổn phận của một công dân đối với đất nước. Là một người công dân chân chính phải là người có lòng yêu nước, phấn đấu hết mình xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh. Giúp đất nước phát triển chính là giúp những người nghèo khó được cải thiện đời sống. Cần phải đấu tranh loại bỏ những hành động sai trái, phá hoại đất nước như tham nhũng, buôn bán trái phép, tuyên truyền phản động,.... Trước những hành động dụ dỗ mua chuộc của người nước ngoài cần tuyệt đối trung thành với đất nước không làm tổn hại đất nước. Bởi nếu làm tổn hại đất nước chính là làm tổn hại đến gia đình bản thân, hàng triệu người dân vô tội. Mỗi người phải luôn tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Như vậy, thông qua việc thực hiện những bổn phận của mình mà ta sẽ khẳng định được giá trị của bản thân, vừa làm giàu cho đất nước vừa được mọi người yêu quỷ và tôn trọng. Đồng thời ta cũng nhận thức được con người trong con người. Đó mới thực sự là người đủ đức, đủ tài và xứng đáng là một công dân Việt Nam.