Đề tài về người nông dân từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn. Ngô Tất Tố khắc họa tình cảnh của người nông dân trong nạn sưu cao thuế nặng qua nhân vật Chị Dậu trong “Tắt đèn”. Kim Lân lại viết về cuộc sống nghèo đói của người nông dân trong nạn đói qua “Vợ nhặt”. Cùng chung cảm hứng sáng tác ấy, Nam Cao và Tô Hoài đã tìm đến người nông dân để bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc trước số phận đáng thương của họ mà tiêu biểu là qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ”. Qua truyện mỗi nhà văn không chỉ cho ta thấy được số phận khổ cực của người nông dân mà cao hơn cả là cho ta thấy phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của họ. Điều đó được thể hiện rất rõ khi Nam Cao và Tô Hoài dụng công miêu tả những giọt nước mắt trong hai tác phẩm. Đó là giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ.
Nam Cao và Tô Hoài đều là hai nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Sáng tác của Nam Cao tập trung ở giai đoạn trước cách mạng với hai đề tài chính là về người nông dân và người trí thức nghèo. Còn Tô Hoài có nhiều sáng tác nổi bật sau cách mạng tháng Tám. Ông có một lượng tác phẩm đồ sộ đạt kỉ lục trong kho tàng văn học Việt Nam. Truyện “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” đều viết về cuộc sống khổ cực của người nông dân bị đè nén áp bức. Tuy nhiên ở họ luôn có những phẩm chất cao đẹp. Tiêu biểu cho những con người ấy là nhân vật Chí Phèo và A Phủ. Trong số rất nhiều chi tiết, hình ảnh quan trọng thì hình ảnh giọt nước mắt của hai nhân vật ấy mang lại nhiều sức gợi và gợi nhiều suy nghĩ trong người đọc.
Ta cần hiểu “chi tiết nghệ thuật” là những biểu hiện cụ thể lắm khi nhỏ nhặt nhưng lại mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, tạo ra sức hấp dẫn cho người đọc. Thường có những chi tiết miêu tả thiên nhiên, chi tiết miêu tả không gian, chi tiết miêu tả về hành động, nội tâm của nhân vật…Chi tiết đóng vai trò quan trọng trong một tác phẩm văn học. Nó tạo ra tính hình tượng, thẩm mĩ cho tác phẩm. Chi tiết còn mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện quan niệm về con người và cuộc sống của nhà văn góp phần làm nổi bật chủ đề tưởng của tác phẩm. Chi tiết cũng là tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện, là bước ngoặt trong hành động của nhân vật. Như vậy, tất cả các chi tiết ấy đều là kỳ công, tìm tòi, sáng tạo của mỗi nhà văn. Với vai trò quan trọng như vậy, chi tiết nghệ thuật giọt nước mắt trong “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ” đã góp phần làm rõ chủ đề tư tưởng, những thông điệp mà mỗi nhà văn muốn gửi tới bạn đọc.
Trước hết đến với hình ảnh trong tác phẩm “Chí Phèo”. Tác phẩm viết về nhân vật Chí Phèo, một người nông dân bị đày đọa đến mức bị tha hóa. Dưới sự tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, Chí Phèo từ một anh canh điền hiền lành lương thiện bị tha hóa đến cùng đường. Nhưng rồi chính con người ấy lại được thức tình nhờ sự chăm sóc ân cần của Thị Nở. Khi Chí Phèo say, Thị Nở đã mang cho hắn một bát cháo hành làm hắn rất ngạc nhiên “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”.Chí Phèo đã khóc bởi đây là lần đầu hắn được người ta cho. Xưa nay hắn phải đi cướp bóc, dọa nạt người khác chứ đã bao giờ có ai cho không hắn cái gì. Hơn nữa đây lại là của một người đàn bà cho hắn, hắn cầm bát cháo hành khói bốc lên nghi ngút mà lòng bâng khuâng. Lần đầu tiên hắn được ăn cháo hành và cũng là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Giọt nước mắt ấy thể hiện một niềm vui, xúc động bởi hắn còn được người ta quan tâm. Trong các xã hội làng Vũ Đại hắt hủi, xa lánh, coi Chí như một con quỷ dữ thì vẫn còn có một người như thị quan tâm đến hắn. Hắn xúc động bởi xã hội loài người vẫn đón nhận hắn. Đó còn là giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc bởi hắn thấy mình còn có ý nghĩa trong cuộc đời, cuộc sống vẫn còn có ý nghĩa. Chí vui sướng hạnh phúc khi nghĩ rằng Thị Nở chấp nhận được hắn thì mọi người cũng sẽ yêu quý hắn. Và giọt nước mắt ấy còn khơi nguồn cho sự thức tỉnh bởi chính từ ấy mà Chí đã biết hối hận về tội ác trước đây và có khao khát làm người lương thiện, làm người có ý nghĩa trong cuộc sống. Giọt nước mắt hạnh phúc của Chí Phèo tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Chí. với giọt nước mắt ấy, có lẽ cuộc sống của Chí sẽ đổi khác. Chí sẽ thành người lương thiện được mọi người chấp nhận. Chí muốn làm người lương thiện “Trời ơi hắn thèm lương thiện”, “hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” và mong muốn Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy đã được thức tỉnh và khát khao được hoàn lương.
Thế nhưng hạnh phúc đến với Chí Phèo chưa được bao lâu thì hắn đã bị hắt hủi, bị Thị Nở cự tuyệt. Chỉ với mấy lời nói tưởng chừng như gián tiếp của bà cô thị đã đẩy Chí một lần nữa vào hố sâu của sự xa lánh, bị tước đoạt quyền làm người. Sau khi bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo đã “ngồi ngẩn mặt ra không nói gì”. Chí Phèo muốn níu kéo Thị Nở nhưng bị thị gạt tay ra, hắn đau đớn “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí Phèo khóc là bởi hắn đã bị Thị Nở cự tuyệt, và cũng đồng nghĩa với việc Chí bị cả xã hội loài người cự tuyệt. Bởi một người xấu ma chê, quỷ hờn như thị mà cũng không chấp nhận Chí thì trong cái xã hội ấy có ai sẽ có thể chấp nhận được y. Chí đã từng mơ ước chính Thị sẽ cái cầu nối đưa hắn trở về với thế giới loài người nhưng bây giờ chính thị lại cắt đứt cái cầu nối kì diệu ấy. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức” bởi cứ thoảng thấy hương vị của cháo hành, hương vị của tình yêu thương, chăm sóc. Càng nghĩ, Chí càng cảm thấy đau đớn, xót xa. Hắn khóc bởi đau khổ, tuyệt vọng. Ý định làm người lương thiện của y vừa mới chớm nở thì nay đã vụt tắt. Giọt nước mắt của Chí còn thể hiện cho sự căm phẫn đối với xã hội bất lương lúc bấy giờ mà tiêu biểu là qua Bá Kiến và bà cô Thị Nở. Đó còn là sự thức tỉnh của Chí Phèo khi nhận ra bi kịch của mình. Hắn nhận ra mình không thể trở thành người lương thiện được nữa. Chí nhận ra kẻ thù của mình chính là Bá Kiến. Đây là những giọt nước mắt đau đớn, giọt nước mắt ấy đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và hành động của Chí Phèo, từ đó dẫn đến việc Chí tự kết liễu được mình sau khi đâm chết Bá Kiến. Viết về sự thức tỉnh ấy của chí Phèo, Nam Cao thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, nhà văn đã nhận ra bên trong mỗi con người tưởng như đã bị tha hóa, tưởng như đã mất đi phần lương tiện thì ở họ vẫn nhen nhóm lên ánh sáng của lương tri. Nhà văn cũng dụng công khi nói về giọt nước mắt của sự hoàn lương mà ông thường ca ngợi đó là “giọt châu của loài người”. Giọt nước mắt của sự thức tỉnh ấy cũng được Nam Cao nói đến trong tác phẩm “Đời thừa” qua nhà văn Hộ. Nam Cao đã miêu tả giọt nước mắt của nhân vật Hộ “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh người ta bóp mạnh”. “Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Hộ khóc vì ân hận khi nhận ra hành động thô bạo của mình với vợ con. Như vậy sáng tác của Nam Cao đều rất dụng công miêu tả sự thức tỉnh nhân phẩm trong mỗi con người.
Đến với nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm viết về cuộc sống đau khổ của người dân miền núi trong đó có A Phủ, họ phải chịu thống trị của bọn phong kiến miền núi. A Phủ vì đánh con quan nên bị bắt và bị nộp phạt và trở thành người ở trong nhà quan thống lí. Một lần chăn bò, A Phủ sơ ý đã hổ bắt mất một con bò, quan thống lý đã trói A Phủ vào cột nhà gần với nơi Mị (người con dâu gạt nợ cho nhà thống lý) thường trở dậy ngồi thổi lửa hơ tay vào mỗi đêm. Giọt nước mắt của A Phủ được cảm nhận bởi Mị khi cô ngồi sưởi lửa. Một lần ngồi sưởi lửa, Mị lé mắt trông sang thấy “Hai mắt A Phủ vừa mở. Một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của một người đàn ông mà lại là một người gan bướng như A Phủ, Giọt nước mắt ấy thể hiện cho nỗi đau đớn đến tận cùng. Đau đớn vì những sợi dây mây thít chặt vào người nhưng có lẽ đau đớn hơn cả là trong lúc này A Phủ nghĩ đến tình cảnh đáng thương của mình. A Phủ khóc nhưng không hề cam chịu. Đó là giọt nước mắt của con người giàu nghĩa khí. Giọt nước mắt của A Phủ lại “lấp lánh” thể hiện cho khát vọng được sống, được tự do. A Phủ là một chàng trai mạnh mẽ, đã dám đánh lại con quan thống lí Pá Tra mà trong hoàn cảnh này lại khóc. Khát khao được sống, được tự do trong con người của một chàng trai miền núi như đang trào dâng mãnh liệt để rồi nó bật thành những giọt nước mắt. Giọt nước mắt của A Phủ cũng phần nào giống với Chí Phèo bởi nó thể hiện sự căm phẫn tận cùng tội ác của bọn địa chủ phong kiến. Chính bọn địa chủ phong kiến đã tước đi quyền sống của Chí Phèo, của A Phủ và của bao người nông dân khác.
Nhưng nếu như giọt nước mắt của Chí Phèo làm hắn rơi vào bế tắc thì giọt nước mắt của A Phủ đã tìm được sự đồng điệu cảm thông. Nhà văn không để cho nhân vật của mình rơi vào “bước đường cùng” mà giúp cho họ một hướng đi khi đã giúp họ có những thay đổi trong tình cảm và nhận thức. Giọt nước mắt của A Phủ đã tác động đến nhận thức và tình cảm của Mị. Nhìn A Phủ khóc, Mị đã nhớ lại “đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không biết lau đi được”. Cô đồng cảm sâu sắc với A Phủ, đó là niềm đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ. Từ người khác, nghĩ đến hoàn cảnh của mình rồi từ lòng thương mình dẫn đến thương người. Từ đó Mị có sự thay đổi nhận thức rất quan trọng. Mị nhận thấy sự bất công vô lý của xã hội, thấy sự oan ức trong tình cảnh của A Phủ “người kia việc gì mà phải chết”. Mị cũng nhận ra sự tàn bạo của bọn của bọn địa chủ phong kiến “chúng nó thật độc ác”. Như vậy chính từ giọt nước mắt của A Phủ đã làm lay động, thức tỉnh tâm hồn Mị. Đó chính là tiền đề quan trọng để tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Mị và A Phủ. Từ những nhận thức đáng quý ấy, Mị đã có hành động quyết liệt là cứu thoát A Phủ và tự giải thoát cho chính mình. Nếu không có sự thức tỉnh từ giọt nước mắt của A Phủ thì cô Mị không thể có hành động táo bạo và quyết liệt như vậy và cuộc sống của người nông dân miền núi vẫn là sự bế tắc cùng đường. Chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ’ là một chi tiết nhỏ nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa, nó góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh đó cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc khi nhà văn đã đồng cảm sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đồng thời Tô Hoài cũng trân trọng khát vọng tự do ở người nông dân. Và chỉ bằng chi tiết nhỏ đó thôi nhà văn cũng đã hé mở về cuộc sống tốt đẹp cho họ.
Như vậy, chi tiết về giọt nước mắt của Chí Phèo và giọt nước mắt của A Phủ đều thể hiện được những nỗi đau và sự bế tắc của những người nông dân trong tình cảnh bị đè nén. Đằng sau đó là một niềm khát khao về sự sống, khát khao tự do. Tuy nhiên hai tác phẩm được viết trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau với dụng ý nghệ thuật khác nhau nên mỗi chi tiết có sức biểu đạt và ý nghĩa riêng. Giọt nước mắt của Chí Phèo thể hiện sự thức tỉnh của người nông dân nhưng cuối cùng lại rơi vào bế tắc. Điều đó thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học phê phán thời kì trước cách mạng Tháng Tám. Giọt nước mắt của A Phủ làm lay động thức tỉnh con người và hướng họ đến cuộc đời tươi sáng. Đó chính là dấu ấn của văn học sau 1945, khi các nhà văn đã được cách mạng soi sáng nên nhìn cuộc đời bằng cái nhìn lạc quan để mở ra cuộc sống tốt đẹp cho người nông dân. Qua điều đó Tô Hoài muốn khẳng định chỉ cách mạng mới đem lại cho người nông dân một cuộc đời mới.
Qua việc khắc họa những chi tiết tiêu biểu như trên, nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đã khẳng định tài năng của mình trong việc xây dựng các chi tiết điển hình để xây dựng thành công tâm lí nhân vật từ đó mà góp phần quan trọng vào việc khắc họa chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với ý nghĩa đó, tác phẩm “Chí Phèo”- Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài trở thành những tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học Việt Nam.