Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà người còn là một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Quốc tế cộng sản. Cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại một sự nghiệp văn học lớn lao về tầm vóc tư tưởng, phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách nghệ thuật. Tuy phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh rất phong phú, độc đáo như vậy nhưng lại hết sức nhất quán, kết hợp sâu sắc và nhuần nhụy mối quan hệ giữa-chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Hơn nữa, ở trong mỗi thể loại sáng tác, Người lại có một phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững.
Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, hùng hồn, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về phút pháp. Văn chính luận mà vẫn giàu hình ảnh, thấm đượm tình cảm chân thành của người viết. Giọng điệu khi ôn tồn, thấu tình, đạt lí, khi lại đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn,... tùy theo mục đích của Người khi viết.
Những tác phẩm truyện và kí của Người viết rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và kết hợp được nghệ thuật trào phúng sắc bén, nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng đả kích rất sâu cay: Văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có đặc điểm nổi bật là dí dỏm, hài hước. Điều đó không ngăn Người đã viết nên những lời thắm thiết trừ tình khi xúc động (Phạm Huy Thông).
Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế nhất vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh. Thơ của người chia làm hai loại, mỗi loại lại có những nét phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn. Với thơ tuyên truyền cách mạng thì lời thơ thường giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, mang màu sắc dân gian hiện đại; còn với thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mĩ thì mang vẻ đẹp hàm súc, hòa hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa chất tình và chất thép.
Văn học là một hoạt động sáng tạo không ngừng. Phong cách của nhà văn cũng luôn vận động, tự đổi mới. Tuy dù đa dạng, phong phú đến đâu nhưng phong cách của nhà văn cũng có những hạt nhân nhất quán. Với thơ văn của Hồ Chí Minh cũng vậy, ta có thể thấy sự nhất quán thể hiện ở cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị; sử dụng sáng tạo, linh hoạt các thủ pháp, bút pháp nghệ thuật khác nhau nhằm mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm. Đồng thời, trong tư tưởng, tình cảm, hình tượng nghệ thuật trong những sáng tác của Bác đều luôn vận động một cách tự nhiên hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.
Những đặc điểm trong phong cách trên của Người bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường, hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng và bản sắc tinh thần của Người. Thế giới thơ Đường, thơ Tống và văn chương cổ điển Việt Nam đã đến với Người khi còn nhỏ để trở thành màu sắc cổ điển đậm đà, tự nhiên, mang hồn cốt phương Đông trong thơ văn của Bác. Tính hiện đại của phong cách phải chăng là ảnh hưởng của nền văn học phương Tây khi Người đi bôn ba tìm đường cứu nước ? Ngoài ra, phong cách nghệ thuật của Người còn được hình thành do quan điểm sáng tác thơ văn của Người. Văn chương là hành động cách mạng. Người cầm bút trước khi viết phải quan tâm đến đối tượng, mục đích rồi từ đó mới quyết định nội dung và hình thức thể hiện. Những phương châm ấy đã tạo nên tính đa dạng, phong phú của sự nghiệp và phong cách thơ văn Hồ Chí Minh.