Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc, ông có quan điểm dùng ngòi bút của mình để phanh phui những căn bệnh tinh thần của quốc dân: sự mê muội tự thỏa mãn, ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ. Truyện ngắn Thuốc viết năm 1919, vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ. Tác phẩm tập trung vạch rõ nguyên nhân căn bệnh đớn hèn của dân tộc Trung Hoa.
Tác phẩm trước hết bộc lộ tư tưởng chống tập tục mê tín dị đoan, phơi bày sự u mê, lạc hậu của những người dân Trung Quốc tin rằng bánh bao tẩm máu người sẽ chữa khỏi bệnh lao. Mọi người phải giác ngộ ra rằng cái gọi là thuốc chữa bệnh được sùng bái kia vốn là thuốc độc đẩy người bệnh đến cái chết nhanh hơn. Người Trung Quốc phải tỉnh giấc, không thể ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ! Liều thuốc độc ấy trớ trêu thay lại được pha chế bằng máu của người cách mạng - một người cách mạng dũng cảm, hiên ngang, xả thân vì nghĩa lớn, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng dân nhân. Thế mà nhân dân lại dửng dưng, mua máu của người cách mạng để chữa bệnh. Chính vì thế, Lỗ Tấn muốn thể hiện tư tưởng yêu nước, cảnh tỉnh về căn bệnh tinh thần đớn hèn được coi là quốc dân tính của người Trung Hoa lúc bấy giờ nhưng không dẫn người đọc vào chỗ bi quan, bế tắc mà củng cố niềm tin của họ vào cuộc sống, vào tiền đồ của cách mạng, ông kêu gọi mọi người phải tỉnh giấc, mở đường giải phóng tư tưởng cho thế hệ sau. Nhà văn đề nghị phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.
Tác phẩm được kể ở ngôi thứ ba, kể bằng tả, lấy tả là chính, do đó mà phơi bày câu chuyện một cách khách quan, lạnh lùng trạng thái ngu muội và vô cảm của người dân cùng nỗi cô quạnh của người cách mạng. Đây là một truyện ngắn cô đọng, súc tích nhưng ý nghĩa sâu xa: truyện phơi bày tình trạng ngu muội, vô cảm của người dân Trung Quốc trước Cách mạng Tân hợi (1911) và thể hiện tấm lòng khâm phục, thương xót đối với nhà cách mạng đã hi sinh. Tác giả thương xót người dân ngu muội nhưng hiền lành, đồng thời căm ghét người ngu muội nhưng xu phụ bọn thống trị,... Cốt truyện đơn giản, không gian nghệ thuật rất dung dị: câu chuyện xảy ra trong hai buổi sớm vào hai mùa thu và mùa xuân.. Như vậy, thời gian nghệ thuật đã có sự tiến triển. Kết cấu Thuốc đạt đến sự vững chãi trong một hình thức biểu hiện đơn thuần, bình dị, chứa đựng được một nội dung phong phú.
Tác giả đã triển khai nhiều điểm nhìn về phía nhân vật Hạ Du. Nhân vật Hạ Du được miêu tả gián tiếp qua suy tư, lời đối thoại của nhiều nhân vật khác. Để thể hiện căn bệnh tinh thần của người Trung Quốc, Lỗ Tấn đã dựng lên bối cảnh một quán trà nghèo nàn, gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân Trung Hoa thời bấy giờ. Không chỉ trong tác phẩm mới có nhiều hình ảnh tượng trưng như hình ảnh con đường mòn, hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người hay hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du,... mà ngay tên tác phẩm cũng có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.