Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là chủ đề không bao giờ hết hấp dẫn đối với thế hệ nhà văn Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đều được các nhà văn miêu tả, hình tượng hóa thông qua các nhân vật trong trang văn của mình. Và vẻ đẹp ấy chính là sự lạc quan, yêu đời, trái tim giàu tình yêu thương và sự quả cảm gan góc kiên cường trong tư thế người chiến sĩ. Tất cả những vẻ đẹp ấy đều được thể hiện qua nhân vật Việt trong tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi.
Nguyễn Thi là nhà văn của nhân dân Nam Bộ. Các sáng tác của ông đều có những nhân vật hồn nhiên, bộc trực, mang những tố chất của con người sinh ra là để chiến đấu. Đó chính là vẻ đẹp của anh hùng cách mạng. Với Việt là một ví dụ điển hình của vẻ đẹp ấy.
Trước hết là sự yêu đời. Việt là một cậu con trai mới lớn vậy mà sự yêu đời của cậu được thể hiện qua tính cách của trẻ con. Việt luôn giành phần hơn với chị trong tất cả mọi mặt: từ bắt ếch, bắn chim, đến tòng quân chiến đấu. Việt vẫn có những sở thích thuở nhỏ. Chiếc ná thun vẫn trong áo trên đường ra trận. Đêm trước ngày lên đường, Việt không hề mảy may lo lắng. Cậu vô tư lăn kềnh ra ván cười khì mặc chị Chiến lo toan thu xếp mọi việc. Việt vừa nghe chị Chiến nói vừa chụp con đom đóm vào trong lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Việt vô tư hồn nhiên yêu đời đúng chất của người anh hùng cách mạng.
Vẻ đẹp thứ hai của người anh hùng cách mạng xuất hiện ở Việt đó là một trái tim ấm áp tình yêu thương. Trong trận chiến ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt bị trọng thương nằm giữa chiến trường. Việt ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đưa anh trở về với những kỉ niệm đã qua. Việt nhớ tới má. Việt nhớ ánh mắt sắc lên của má khi đứng trước mũi súng giặc. Hình ảnh má Việt một tay bồng con, một tay cắp rổ đi đòi đầu chồng hiên ngang đối đáp với kẻ thù. Hai bàn tay to bản của má phủ lên đầu đàn con đứng nép dưới chân. Mỗi lần bọn lính bắn dọa, mắt má lại sắc lên nhìn bọn chúng. Ánh mắt "vượt sông vượt biển" của má Việt không thể nào quên được. Việt nhớ má, nhớ cái "gáy đo đỏ cùng đôi vai lực lưỡng của má lúc chèo xuồng". Việt lại nhớ tiếng gọi đầy yêu thương của má: "Việt à, ra phụ má nghe con". Tiếng nói thân thương quen thuộc của má đã in sâu vào tiềm thức Việt. Trong cơn mê, Việt còn cảm thấy mùi lúa gạo, mùi mồ hôi của má ngay trên đầu mình những đêm má đi làm thêm đến canh hai mới về.
Từ khi má mất, lúc nào Việt cũng tưởng tượng má đang hiện về nhất là đêm trước ngày lên đường. Không chỉ thương má, Việt còn thương chị Chiến. Việt thương chị, sợ mất chị nên giấu chị như giấu của riêng. Mặc dù tin yêu anh em đồng đội nhưng Việt không cho ai biết mình có chị gái là tiểu đội trưởng bộ đội nữ địa phương Bến Tre. Việt sợ mất chị trước lời tếu táo của anh em. Việt nhớ tới tiếng chân bịch bịch của chị. "Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế". Thương má, thương chị, Việt còn thương chú Năm. Việt nhớ đến cuốn sổ gia đình mà chú viết, nhớ đến những lần chú bênh vực khi giành phần hơn với chị Chiến. Và đặc biệt, Việt nhớ câu hò của chú. "Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài từng tiếng, vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội". Hay "giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông rồi dội lại trên cái ghe heo trèo mướn của chú".
Cuối cùng, vẻ đẹp mà thời đại nào người anh hùng cách mạng cũng có đó chính là sự gan góc, tư thế chiến đấu chững chạc, đàng hoàng; khiêm tốn và căm thù giặc sâu sắc. Ngay từ khi còn nhỏ, Việt đã tỏ rõ thái độ căm thù giặc sâu sắc và không hề nao núng, sợ hãi trước bọn giặc. Cùng má đến đồn bốt giặc để đòi đầu ba, Việt xông thẳng vào tên giặc đã chặt đầu ba mình. Lòng căm thù giặc sâu sắc luôn thôi thúc Việt đi bộ đội. Bởi vậy mà Việt đăng ký tòng quân dù chưa đủ tuổi. Tham gia chiến đấu rồi, Việt luôn tâm niệm lời dạy của má gắng hết sức chiến đấu lập công. Khi bị thương nằm lại giữa chiến trường, Việt vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. "Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo". "Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng". Chiến đấu hăng say không mệt mỏi, Việt đã lập nhiều chiến công. Lần này, Việt đã hạ được một xe tăng bọc thép của giặc. Nhưng dù lập nhiều công nhưng Việt vẫn khiêm tốn. Tự nhận thấy chiến công của mình chưa đủ lớn nên Việt nhớ chị Chiến, "muốn viết thư nhưng không biết viết sao. Việt cũng không muốn kể chiến công của mình vì tự thấy chưa thấm gì với thành tích của đơn vị và những ước mong của má".
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành một thể loại văn học có số lượng tác phẩm to lớn của nền văn học Việt. Không chỉ đem đến cảm hứng sáng tác cũng như sự quan tâm của độc giả mà nó còn mang tính tuyên truyền vận động, có vai trò quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống quân thù. Nhân vật Việt trong "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi là một bức chân dung tiêu biểu cho vẻ đẹp của người anh hùng cách mạng. Hồn nhiên, yêu đời, có trái tim ấm áp tình yêu thương và trên hết là lòng căm thù giặc sâu sắc, phấn đấu giành nhiều chiến công, góp hết sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.