Thuyết minh ô nhiễm môi trường ở mức báo động – Bài văn mẫu số 1
Báo cáo cho biết trong năm 2019, ô nhiễm không khí là vấn đề gây lo ngại trong nhân dân. Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại một số thành phố lớn là do phát thải của các phương tiện cơ giới. Tại Hà Nội có hơn 770.000 ôtô và gần 5,8 triệu xe máy; TP HCM có khoảng 870.000 ôtô và hơn 8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày khiến ô nhiễm không khí ở 2 địa phương này rất nghiêm trọng.
Về ô nhiễm mặt nước, trong năm 2019, trên cả nước có hơn 32 triệu m3 nước thải chăn nuôi, gần 16 tỉ m3 nước thải nuôi trồng thủy sản và lượng lớn nước thải từ các làng nghề thải trực tiếp ra hồ, sông, kênh, rạch làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Chính phủ đánh giá ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện.
Về ô nhiễm môi trường đất, báo cáo lưu ý tại một số khu vực tập trung sản xuất công nghiệp, làng nghề tiếp tục có hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng, như ở xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), làng nghề tái chế Châu Khê (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng)... Theo kết quả thống kê, do ảnh hưởng trực tiếp từ xả thải, cả nước có khoảng 11 triệu ha đất đang bị thoái hóa và nguy cơ bị thoái hóa, giảm chất lượng, giảm năng suất, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, các nguồn ô nhiễm tăng nhanh về số lượng, phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm, trong đó có chất thải nguy hại và các chất ô nhiễm độc hại đối với môi trường và con người. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 372 KCN đã được thành lập, trong đó có 280 KCN đã đi vào hoạt động; bên cạnh đó có 698 cụm công nghiệp đang hoạt động. Với 846 đô thị, ước tính hằng ngày phát sinh hơn 7 triệu m3 nước thải sinh hoạt và hơn 35.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt và các vấn đề vệ sinh môi trường khu vực đô thị và vùng lân cận ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề để phát sinh các chất ô nhiễm độc hại, đang là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, nhất là trên lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Bắc Hưng Hải ở miền Bắc.
Đó là chưa kể ở nhiều địa phương đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm xen lẫn trong các khu dân cư, khu vực đô thị, kể cả làng nghề. Đây là những cơ sở có lưu giữ hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại, các chất ô nhiễm độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân xung quanh. Điển hình là sự cố cháy nổ hóa chất tại Công ty CP Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, sức khỏe và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy.
Về kết quả xử lý vi phạm, báo cáo cho biết trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 17 đoàn thanh - kiểm tra đối với gần 400 cơ sở; qua đó xử phạt vi phạm hành chính trên 55 tỉ đồng. Bộ Công an cũng đã phát hiện 26.640 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với 26.471 tổ chức, cá nhân; đã chuyển cơ quan CSĐT các cấp đề nghị khởi tố 375 vụ, 670 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 21.889 vụ, hơn 308 tỉ đồng.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 2
Ô nhiễm môi trường là gì? Ô nhiễm môi trường là thuật ngữ được sử dụng phổ biến hàng ngày trên báo đài. Ngày nay, tình trạng môi trường ô nhiễm đang được báo động. Tuy nhiên, thực tế là không phải ai cũng hiểu rõ ô nhiễm môi trường là gì.
Theo Điều 1, Luật Bảo vệ môi trường Viêt Nam quy ước: “Môi trường là tất cả các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo. Hai yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau và bao quanh con người. Chúng có ảnh hưởng đến đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người cũng như thiên nhiên.”
Hiểu một cách đơn giản, ô nhiễm môi trường là hiện tượng mà các tính chất vật lý, sinh học, hóa học tự nhiên bị thay đổi, vi phạm các tiêu chuẩn môi trường. Đây là hiện tượng mà môi trường bị làm bẩn, gây những tác động xấu tới sức khỏe của con người và sinh vật.
Trên thực tế, ô nhiễm môi trường là việc chuyển các năng lượng hoặc các chất thải ra trực tiếp môi trường. Điều này nhiều đến mức có khả năng gây hại đến sự phát triển của sinh vật, sức khỏe con người và làm suy giảm chất lượng môi trường.
Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu có thể kể đến là các dạng năng lượng như bức xạ, nhiệt độ; các chất thải ở dạng lỏng (nước thải), khí (khí thải), rắn (chất rắn thải) chứa nhiều hóa chất hoặc các tác nhân vật lý, sinh hoạt. Tuy nhiên, môi trường chỉ được coi là ô nhiễm khi nồng độ, hàm lượng hoặc cường độ của tác nhân kể trên vượt tiêu chuẩn môi trường theo quy định.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề của toàn nhân loại, bởi nó đang diễn ra hàng ngày trên tất cả mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như A-rập Xê-út, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam, Ai Cập, Qatar, Trung Quốc, Anh,… Chính vì thế, điều quan trọng mà loài người cần làm để bảo vệ Trái Đất là xác định chính xác các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và các giải pháp khắc phục vấn đề này.
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường
Dở khóc dở cười khi phải nói rằng: Nguyên nhân ô nhiễm môi trường hàng đầu và chủ yếu là do các hoạt động mà con người gây ra. Một số hoạt động của tự nhiên cũng có thể tác động xấu tới môi trường, tuy nhiên chỉ là một phần nhỏ. Cụ thể có 5 nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường:
Chất thải từ các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp
Không có gì lạ khi trong quá trình hoạt động, các khu công nghiệp “vô tình” hoặc “cố ý” đã xả ra môi trường hàng triệu tấn khí thải mỗi ngày. Khi đốt các nhiên liệu hóa thạch như dầu, than,… các khu công nghiệp này sẽ tạo ra hàng loạt các loại khí độc hại như CO2, SO2, CO, NOx,… thoát ra môi trường. Một số các chất hữu cơ chưa cháy hết như bụi, muội than, quá trình chuyển hóa chất bay hơi, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ,… cũng là những tác nhân gây ô nhiễm.
Đây được xem là nguyên nhân chính và chủ yếu nhất làm vấy bẩn môi trường. Dù chủ yếu tập trung trong một khoảng thời gian nhỏ nhưng các khí thải, nước thải hay chất rắn thải này đều có nồng độ chất độc hại cao. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến những khu vực nhất định trên toàn cầu, tác động xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và làm suy giảm chất lượng môi trường.
Chất rắn chưa qua xử lý
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của “đa số” các quốc gia trên thế giới đã làm gia tăng một lượng lớn các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng,… ra môi trường. Con người phát triển kéo theo nhu cầu trong đời sống tăng, chất thải theo đó cũng tăng lên hàng loạt.
Chính nhưng thói quen mong muốn “sự tiện lợi” mà con người đã vô tình thải ra môi trường hàng tỷ tấn chất rắn chưa qua xử lý. Chất thải điện tử phát sinh, nhựa sinh hoạt và công nghiệp, giấy, kim loại, thủy tinh,… đang tiếp tục gia tăng mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phát sinh rác thải sinh hoạt trung bình toàn cầu khoảng 0,74 kg/người/ngày, trong đó ở quốc gia thấp nhất là 0,11 kg/người/ngày, cao nhất là 4,54 kg/người/ngày. Tổng rác thải sinh hoạt toàn cầu rơi khoảng 2 tỷ tấn vào năm 2016, tiếp tục tăng từ 7 – 15 tỷ theo mỗi năm tiếp theo.
Chất thải rắn là nhựa đang là vấn đề môi trường gây bức xúc. Trong những tháng cuối năm 2019, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của toàn cầu. Ước tính tổng lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 242 triệu tấn, chiếm 12% lượng chất thải đô thị toàn cầu. Ở nhiều nước chưa phát triển trên thế giới, chất thải nhựa không được quản lý và xử lý tốt, đã được xả thải ra các đại dương, gây nhiều tác động xấu đối với môi trường và hệ sinh thái biển.
Các chất độc hóa học và chất bảo vệ thực vật
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh toàn cầu. Tiến bộ này kéo theo việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các chất độc hóa học trong canh tác nông nghiệp, gây nên tình trạng ô nhiễm đất đai ở cường độ đáng báo động.
Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng chủ yếu hiện nay gồm các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt sâu bệnh. Các nhà làm nông đã và đang phun các chất hóa học này vào cây trồng mỗi ngày. Lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân khi sử dụng; gây nên ô nhiễm môi trường, thoái hóa và làm “trơ” đất đai canh tác.
Khói, bụi từ phương tiện giao thông
Khói, bụi mù mịt từ các phương tiện giao thông đã không còn gì xa lạ tại các thành phố lớn trên thế giới. Nhìn từ xa, lượng khói bụi này trông như sương mù mỗi sáng sớm, tuy nhiên mức độ gây độc hại đến sức khỏe con người và sinh vật là vô cùng lớn. Nó tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp hay những nơi có mật độ xe cộ đông đúc.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng, các chất thải từ xe cơ giới, khói bụi gây ô nhiễm không khí cường độ nặng. Nó gây nên tính axit trong những tháng ít mưa và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, sự phát triển của vi sinh vật trong thời gian dài.
Khói, bụi từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí. Động cơ đốt xăng hoặc các nhiên liệu khác tạo nên các loại khí độc hại như CO2, SO2, CO, NOx, CH4, Pb,… Các khí độc này được thải ra môi trường trong quá trình con người di chuyển.
Ngoài những nguyên nhân đã kể trên, việc các cấp chính quyền tại nhiều quốc gia chưa có nhận thức đầy đủ và sự quan tâm đúng mực với công tác môi trường cũng gây ra những tác động xấu. Việc buông lỏng trong quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra và giám sát thường xuyên khiến cho môi trường vô tình bị con người hủy hoại nghiêm trọng. Các công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường trong xã hội còn khá hạn chế. Việc này cũng dẫn đến sự kém phát huy ý thức tự giác của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Tác hại của ô nhiễm môi trường
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Ô nhiễm không khí, nước và đất đề gây nên những tác động hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của chúng ta – khi các khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy, khu công nghiệp đang gây hại cho phổi mỗi ngày. Bụi mịn tồn tại rất lâu trong không khí, phát tán xa và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nên các bệnh về hô hấp, gây vô sinh,… Không chỉ vậy, ô nhiễm không khí còn khiến con người dễ mắc các bệnh về tim mạch, thần kinh, gây đau đầu và chóng mặt cường độ mạnh. Ô nhiễm không khí gây biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng giảm thất thường khiến gây ra các bệnh như chuột rút, đột quỵ và tử vong.
Ô nhiễm nước là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh về đường ruột như dịch tả, tiêu chảy, viêm gan, viêm não, thiếu máu, các bệnh do muỗi truyền,… của con người. Nếu uống phải nước bẩn hoặc ăn thực vật hay động vật được nuôi trong môi trường nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường ruột. Ngoài ra, khi tiếp xúc trực với môi trường bị ô nhiễm, chúng ta dễ dàng mắc phải các bệnh da liễu khó chữa trị.
Ô nhiễm đất khi sử dụng quá liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất độc hóa học là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Nông sản nhiễm độc khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng, mắc các bệnh về thần kinh, giảm chỉ số thông minh, hệ di truyền,….
Ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội
Ô nhiễm môi trường gây nên nhiều tác động xấu đến kinh tế và xã hội. Ô nhiễm gây thiệt hại về kinh tế do con người mắc nhiều bệnh tật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản và thủy sản. Khi yếu tố vật lý, hóa học của môi trường bị thay đổi, kinh tế bị thiệt hại khi phải cải thiện môi trường. Ngoài ra, môi trường bị nhiễm bẩn cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động du lịch – mua sắm của con người.
Ảnh hưởng đến hệ sinh thái
Môi trường ô nhiễm gây nên sự rối loạn trong điều tiết hệ sinh thái. Hệ sinh thái là khu vực là các quần thể sinh sống và tương tác với nhau. Tuy nhiên trong điều kiện ô nhiễm, sự tương tác này sẽ bị thay đổi, gây nên những tác động xấu đến hệ sinh thái.
Mối đe dọa trực tiếp đối với hệ sinh thái chính là ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí có thể dẫn tới mưa axit và huỷ diệt toàn bộ các khu rừng. Mặc dù không dẫn tới tuyệt chủng nhưng việc cây cối bị chết sẽ dẫn tới cấu trúc loài bị giảm, gây nên tuyệt chủng ở nhiều loài trên thế giới.
Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
Xã hội loài người ngay nay đang tiến gần hơn với sự phát triển bền vững. Vì sao lại là phát triển “bền vững” mà không phải chỉ phát triển? Đó là bởi con người đang dần nhìn nhận ra những tác động vô cùng xấu của việc phát triển không đi kèm với bảo vệ, “vô tư” gây ô nhiễm môi trường và cách đáp trả khi “mẹ thiên nhiên” nổi giận.
Ngày nay, việc vừa phát triển kinh tế hiện đại song song với bảo vệ môi trường sinh thái đang được toàn thế giới quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất hay không khí vẫn đang hoành hành khắp mọi nơi trên hành tinh xanh. Môi trường sống của con người và hàng triệu loài sinh vật đang ngày đêm bị tàn phá, mặc cho cộng đồng quốc tế vẫn ra sức kêu gọi việc bảo vệ môi trường.
Các cuộc cách mạng công nghiệp khiến cho nền kinh tế thế giới thay đổi, đạt tốc độ tăng trưởng thần kỳ. Song sự lợi dụng tự nhiên của con người cũng ngày càng gây những tác động xấu tới môi trường, khiến cho ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Các vấn đề về sinh thái, môi trường và tài nguyên mang tính toàn cầu đang được quan tâm; tầng ozon bị phá hỏng, tài nguyên nước sạch thiếu hụt và khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của con người ngày nay.
Theo những thống kê đáng tin cậy, hơn 50% dân số trên hành tinh không có nước sạch để sinh hoạt, nước cung cấp từ tự nhiên vô cùng khan hiếm. 80% diện tích rừng đang bị tàn phá và suy thoái, 6 triệu ha đất trồng đang biến thành hoang mạc vì nạn phá rừng (theo ước tính, nếu không có các biện pháp khắc phục thì trong khoảng 170 năm nữa, rừng trên toàn cầu sẽ biến mất hoàn toàn). 1/4 các loài động vật có vú và các loài động thực vật quý hiếm khác đang đứng trên đà tuyệt chủng. Có lẽ thực trạng với các số liệu cụ thể này khiến chúng ta phải giật mình.
Chúng ta cũng biết, ý thức người dân là vấn đề đầu tiên và cuối cùng quyết định đến vấn nạn môi trường. Tuy nhiên khó khăn nhất là phải làm sao để lan truyền được ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường; làm sao giáo dục được người dân về sự thoái hóa của các nguồn lực màu xanh. Nhiều vấn đề về môi trường đang diễn ra bởi chúng ta chỉ làm theo lối sống và không có ý thức về hậu họa trong tương lai. Chúng ta chỉ có một hành tinh, vậy tại sao lại hờ hững và thờ ơ, thậm chí là phá hoại nguồn sống của chính mình?
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 3
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ...
Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.
Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.
Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
Điều này đã để lại hậu quả gì?
Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...
Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?
Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...
Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 4
Vấn đề môi trường sống của con người trên trái đất đã và đang bị ô nhiễm là một vấn đề cấp bách đối với bất kì quốc gia nào. Vì nó gây ra những hiện tượng biến đổi khí hậu dẫn đến những thảm hoạ thiên tai khủng khiếp. Ở Việt Nam sự ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng báo động. Đây là một hiện tượng xấu, nhiều tác hại, cần nhanh chóng khắc phục.
Trước hết, ta cần hiểu môi trường là gì? Môi trường sống của con người là một khái niệm rộng. Nó bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật trên trái đất. Môi trường có hai loại chính: đó là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần tự nhiên như địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, nước, sinh vật,... Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ cá nhân với cộng đồng thể hiện bằng luật pháp, thể chế, cam kết, quy định,...
Thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra rất nghiêm trọng. Ô nhiễm nguồn không khí: các nhà máy đã và đang thải ra môi trường không khí một nguồn cacbonnic khổng lồ, các loại axit, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, khói bụi xe hơi và các loại động cơ khác. Ô nhiễm nguồn nước: hiện nay thế giới và đặc biệt là Việt Nam đã bị ô nhiễm nguồn nước, nhu cầu về nước uống và nước sinh hoạt ở nhiều vùng miền đang bị thiếu nghiêm trọng, số lượng người được sử dụng nước sạch chiếm tỉ lệ không lớn. Các nguồn nước: ao, hồ, sông, suối, biển cả đại dương, nguồn nước ngầm, nước mưa,... Ô nhiễm nguồn đất: đất đai ngày càng bị thoái hoá, bị rửa trôi, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, rác thải bệnh viện.
Từ cách hiểu trên ta thấy ô nhiễm môi trường có nhiều tác hại. Có rất nhiều ví dụ về ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây. Theo ước tính của những nhà khí tượng thủy văn, hằng năm trên Biển Đông có tới 9 đến 10 cơn bão hoạt động và 3 đến 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, hiện tượng sa mạc hóa ở ven biển miền Trung đang diễn ra ngày càng nhanh chóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Nghiêm trọng nhất chính là việc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long của nước ta sẽ có thể chìm ngập dưới mực nước biển trong thời gian sắp tới, một vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, một vựa lúa lớn nhất của nước ta có thể mất đi nếu như ngay từ bây giờ chúng ta không có biện pháp kịp thời để khắc phục. Và còn biết bao những ảnh hưởng khôn lường mà biến đổi khí hậu gây ra đối với người dân Việt Nam.
Qua các ví dụ trên ta thấy, ô nhiễm môi trường gây ra những tác hại lớn về con người. Đối với sức khỏe con người: không khí ô nhiễm có thể giết chết nhiều cơ thể sống trong đó có con người. Ô nhiễm ozone có thể gây bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, viêm họng, đau ngực, tức thở. Ô nhiễm nước gây ra xấp xỉ 14.000 cái chết mỗi ngày, chủ yếu do ăn uống bằng nước bẩn chưa được xử lý. Các chất hóa học và kim loại nặng nhiễm trong thức ăn nước uống có thể gây ung thư không thể chữa trị. Đối với hệ sinh thái: lưu huỳnh điôxít và các ôxít của nitơ có thể gây mưa axít làm giảm độ pH của đất. Đất bị ô nhiễm có thể trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong lưới thức ăn. Khói lẫn sương làm giảm ánh sáng mặt trời mà thực vật nhận được để thực hiện quá trình quang hợp. Các loài động vật có thể xâm lấn,cạnh tranh chiếm môi trường sống và làm nguy hại cho các loài địa phương, từ đó làm giảm đa dạng sinh học. Khí CO2 sinh ra từ các nhà máy và các phương tiện qua lại còn làm tăng hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất ngày một nóng dần lên, các khu sinh thái sẵn có dần bị phá hủy...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là do ý thức của con người không tôn trọng luật pháp bảo vệ môi trường. Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, diện tích bao phủ bị giảm nghiêm trọng. Vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà các công ti, nhà máy xí nghiệp đã bất chấp luật pháp thải ra môi trường, nước thải công nghiệp chưa qua xử lí, rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt không phân huỷ được,... Nhận thức của con người về ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế... Luật pháp chưa thực sự nghiêm minh, chưa đủ mạnh để ngăn chặn mọi sự vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường... Việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hỏi của người dân. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp. Một phần là do sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, kém hiệu quả,... chưa có hình thức xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị, công ty vi phạm, hay nói cách khác là biết mà làm ngơ.
Ô nhiễm môi trường gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng nên cần có những biện pháp để ngăn chặn. Bản thân con người phải ý thức được những tác hại to lớn khi môi trường ô nhiễm. Hệ thống pháp lí, chế tài nghiêm minh để xử phạt thích đáng cho các cá nhân và tổ chức vi phạm. Nhà trường phối hợp với các ban ngành thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, kiểm tra ý thức tự giác của mọi người về việc giữ gìn vệ sinh. Nên có những hình thức khiển trách đúng mức đối với những học sinh có thói quen vứt rác bừa bãi. Giáo dục ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong thời gian gần đây, chúng ta thường được nghe nói đến phong trào "Giờ Trái Đất". Đó cũng là một trong những hoạt động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường. Và chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, thường xuyên để khắc phục những hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường sống trong lành cho con người.
Tóm lại, ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay là một vấn nạn gây hậu quả nghiêm trọng cần lên án và loại bỏ. Hãy bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của mọi người, vì vậy mỗi người chúng ta cần có ý thức, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường hay nhất – Bài văn mẫu số 5
Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn nữa. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Đáng buồn thay nước ta có một hiện tượng phổ biến là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố. Việc làm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà cụ thể ở đây là gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện nhưng phổ biến, nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que lem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác.
Không chỉ với những nơi công cộng, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng cỏ mọc um tùm tràn lan, rác rưởi ngập đầy khắp lối đi, mùi hôi khó chịu bốc lên suốt ngày. Một biểu hiện phổ biến khác là một số tài xế chở gạch, đá phế thải ở các công trinh xây dựng đem đổ khắp nơi và cả trên dưới phố. Con người ta còn vô ý thức đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường. Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn.
Đáng sợ hơn, ở một số dòng sông những người sống trong những con đò đậu ngay trên sông có những việc làm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Họ vô tư xả rác trên đò xuống sông, đi tiêu đi tiểu xuống sông rồi ngay lập tức lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ thậm chí là nấu nướng. Thế nhưng hiện tượng xả rác đó còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay. Biểu hiện cụ thể ở một số sinh viên làm gia sư. Họ thường đứng ở các ngã ba, ngã tư đường để phát tờ rơi quảng cáo nhóm gia sư của mình một cách bừa bãi khiến khắp đường phố rải rác đầy những tờ rơi. Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại gây tác hại vô cùng to lớn.Phải chăng dọn dẹp sạch sẽ nhà mình từ phòng khách đến nhà ăn, từ trong nhà ra ngoài vườn là tốt?
Còn việc vứt rác bừa bãi, bạ đâu quăng đó cả những nơi công cộng là không cần thiết, không quan tâm không ảnh hưởng gì đến mình, đến gia đình mình. Điều này, mỗi chúng ta cần suy nghĩ lại.Bạn nghĩ sao khi một thành phố văn minh, giàu đẹp lại ngập tràn trong biển rác? Nó thể hiện hành vi của người vô văn hóa, vô ý thức, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta vô tư vứt rác xuống sông nhưng họ có nghĩ rằng bao nhiêu người sử dụng nguồn nước này để ăn uống, tắm giặt?
Nước không sạch,con người sử dụng, ăn uống, sức khỏe sẽ ra sao? Không có sức khỏe tốt thì lực lượng con người sẽ cống hiến như thế nào cho đất nước khi bước vào thiên niên kỉ mới với nền kinh tế công nghiệp, hiện đại. Không ở đâu xa, ngay trong thành phố của chúng ta – nơi con sông Đồng Nai chảy qua phải chịu bao rác rưởi dơ bẩn. Công viên ven bờ sông là nơi sinh hoạt thể dục thể thao của các cụ ông, cụ bà và cả các thanh thiếu niên trong khu vực. Mọi người đến để thư giãn, hóng mát nhưng nhìn xuống dòng nước ven bờ, nước bẩn theo cống vẫn từng ngày từng giờ ung dung đổ xuống, bao ni lông bị ném xuống trôi bồng bềnh gây phản cảm, mất mĩ quan cả dòng sông.
Còn đối với những ghế đá vô tội vạ bị những người vô ý thức trét bã kẹo cao su, khi có một người nào đó vô tình ngồi lên thì việc gì sẽ xảy ra? Bã kẹo sẽ dính chặt vào quần áo của người đó không những làm bẩn quần áo mà còn gây sự khó chịu. Và sẽ ra sao khi người ngồi trên ghế đá kia có một cuộc hẹn quan trọng? Bạn thấy đó, chỉ cần có một hành động vô ý thức đó mà gây ảnh hưởng đến công việc của người khác.
Ngày nay, đi đến đâu cũng có nhiều người tự hào khoe khu phố mình đang sống là một khu phố văn hóa. Thế nhưng, được đặt bảng khu phố văn hóa mà rác rưởi vương vãi khắp nơi gây phản cảm cho người đi đường. Như vậy họ chẳng khác gì tự mình mỉa mai mình, tự đánh mất thể diện mình và cả khu phố. Cỏ mọc um tùm là điều kiện thuận lợi cho sinh sôi nảy nở của loài muỗi. Từ đó phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết – căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Và việc một số tài xế đổ gạch đá phế thải ra ngoài đường thì sao? Một con đường đang sạch đẹp bỗng dưng phải hứng chịu vô số đất đá. Chúng vương vãi khắp nơi gây ùn tắc giao thông. Và cũng trên những con đường ấy đã xảy ra bao vụ tai nạn giao thông gây đau thương cho nhiều gia đình. Không chỉ có gạch đá bị thải ra đường mà còn có cả xác súc vật nữa.
Như đã kể ở trên, xác súc vật bị quăng bừa bãi khắp nơi. Thịt của chúng dần phân hủy kèm theo là một mùi hôi vô cùng khó chịu đối với những người vô tình đi ngang qua.
Tệ hại hơn, đứng trước nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm H5N1, một số người dân khi thấy gà vịt chết hàng loạt đã không báo cho cơ quan thú y xử lý mà họ đã tự ý ném xác chúng xuống hồ, ao. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì nếu lỡ con gà hay vịt ấy mang trong mình mầm bệnh thì dịch bệnh sẽ phát tán trên cả khu vực rộng lớn do nước từ các ao, hồ này sẽ chảy ra sông – nguồn nước sinh hoạt của rất nhiều gia đình.
Các quán ăn trên vỉa hè cũng có những hành vi xả rác nghiêm trọng. Những đồ ăn dư thừa hằng ngày vẫn đổ vào các cống thoát nước. Chúng khiến cho cống không thoát được nước. Vào những ngày mưa lớn, do hệ thống cống thoát nước không hoạt động hiệu quả, nước tràn khắp đường phố, cản trở giao thông. Nhiều lúc nước bẩn tràn ngược vào nhà. Nhìn cảnh tượng ấy, em thật bức xúc, xót xa cho một vẻ mĩ quan bị đánh mất.
Thật đáng nguy hiểm khi trẻ em ngày nay lại sa vào hiện tượng vứt rác bừa bãi rất nhiều. Cứ sau giờ chơi là mỗi lớp học lại đầy những vỏ kẹo, vỏ bánh. Điều đó làm phiền lòng rất nhiều thầy cô. Làm sao các thầy, các cô có thể toàn tâm dạy học trong một phòng học toàn rác bẩn như vậy. Và thế là việc học tạm gián đoạn để thu gom rác, dọn vệ sinh lớp. Nếu việc này vẫn xảy ra thường xuyên thì cả lớp sẽ mất bao nhiêu thời gian học tập và thậm chí có thể bị trừ điểm thi đua của lớp. Thật tai hại làm sao!
Ngày hôm nay, vị trí nước ta đã khác đi rất nhiều. Nước ta đã là một thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Và sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, con người và đất nước Việt Nam ta ngày càng được nhiều người biết đến.
Lượng khách nước ngoài đến thăm nước ta ngày càng đông. Mọi người được giới thiệu về nước Việt Nam như là một nước thanh bình, thân thiện. Nhưng khi nhìn thấy những sự việc trên thì liệu họ còn cái nhìn thân thiện về nước ta chăng? Hay đó là một cách nhìn khác, cái nhìn pha diện về cách sống của người Việt Nam.
Có lần em đi trên đường và nhìn thấy một đoàn khách du lịch nước ngoài. Khi đi ngang qua một ngôi trường, nhìn thấy những tờ quảng cáo của các nhóm gia sư bị ném vương vãi đầy rẫy trước cổng trường, họ lắc đầu và đi về phía khác. Vừa đi, những người khách vừa trò chuyện. Và từ xa, em thoáng nghe được một câu nói bằng tiếng Anh của một trong số họ: "Người Việt Nam là thế sao?" Chỉ là một lời nói nhưng đối với em sao thật nặng nề, thật xấu hổ. Lúc đó em đã nghĩ rằng phải chi những tờ bướm kia không được phát một cách bừa bãi, cổng trường không còn rác thì chắc những vị khách trên đã không nói như vậy.
Chưa bao giờ, ô nhiễm môi trường đang thực sự là vấn đề lớn của cả nhân loại như ngày nay. Những biến đổi khí hậu và hậu quả khủng khiếp của nó không còn là dự báo nữa mà thành hiện thực ở khắp nơi. Hiện tượng toàn cầu hóa El Nino và trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những hiện tượng trên đều có nguyên nhân từ con người, từ những hành động bừa bãi mà trong đó có cả việc xả rác và khí thải bừa bãi.
Nói cách khác, những tác hại của việc xả rác mà em đã nêu ra như mất vệ sinh, thể hiện hành vi vô văn hóa, gây mất mĩ quan lan truyền dịch bệnh, tốn kém tiền của trong việc thu gom và xử lý, khiến cho người nước ngoài có ấn tượng không tốt ... đều có nguyên nhân bắt nguồn từ con người. Đầu tiên là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chĩ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống theo kiểu.
"Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn"
Họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch thì được còn bẩn thì ai bẩn mặc ai. Những nơi công cộng không phải là của mình, vậy thì việc gì mà phải mất công gìn giữ. Cứ ném rác vội ra là xong, đã có đội vệ sinh lo dọn dẹp. Cách nghĩ như thế thật là thiểu cận và nguy hại làm sao. Nguyên nhân tiếp theo là do thói quen đã có từ lâu, khó sửa đổi, phải có sự nhắc nhở thì người ta mới không xả rác bừa bãi. Ở các lớp học, hằng ngày, các thầy cô và ban cán sự lớp phải thường xuyên nhắc nhở thì mới giữ cho lớp học sạch đẹp.
Nhưng xã hội là một phạm vị rộng lớn hơn lớp học rất nhiều. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình và không một ai có đủ thời gian để đi nhắc nhở từng người một. Không được nhắc nhở, con người ta lại quay về với thói quen trước kia. Nguyên nhân cuối cùng là do ý thức về vệ sinh của một số người chưa được tốt. Họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vô ý thức, phản văn hóa, văn minh, phá hoại môi trường sống.
Bên cạnh đó cũng cần phải nói đến việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hòi của người dân. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp.
Mặt khác, nếu so với các nước trên thế giới thì việc xử phạt những người vô ý thức cũng chưa thật nghiêm túc. Ví dụ như ở nước Singapo, chỉ cần ném một mẩu giấy ra đường là đã bị phạt tiền rất nặng. Tùy vào mức độ sai phạm mà người vi phạm có thể bị đánh giữa đường. Còn ở Việt Nam thì sao? Những người vô ý thức vẫn ung dung như không có gì xảy ra vì hình thức xử phạt ở nước ta quá dễ dãi, nhẹ nhàng chưa đủ sức răn đe.
Đất nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cách nghĩ. Lối sống của mỗi người ngày càng văn minh, tiến độ ứng xử có văn hóa. Đặc biệt là trong yêu cầu của cuộc sống ngày nay, đường phố xanh – sạch – đẹp là một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với một thành phố văn minh, sạch đẹp. Điều đó khiến mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và người khác. Nhận thức của người dân đa phần đã tích cực hơn. Mỗi nhà đều phải gom rác sinh hoạt để đúng chỗ để các cô chú công nhân vệ sinh đem vận chuyển đến nơi quy định để xử lý. Những việc làm đó thật đáng biểu dương vì không những giữ vệ sinh giữ sức khỏe cho cá nhân một người một gia đình mà còn cho cả cộng đồng.
Các bạn thấy đó tuy có nhiều người vô ý thức xả rác bừa bãi nhưng tồn tại song song với những con người này là số lớn những con người có ý thức vệ sinh rất tốt. Một nhóm bạn trẻ ở thành phố biển nhân ngày nghỉ hè rảnh rỗi đã cùng nhau nhặt rác ở khắp bãi biển, một bà lão lớn tuổi vẫn ngày ngày nhặt những mảnh chai trên cát, làm giảm đi sự nguy hiểm cho những người vui chơi trên biển. Đó là những việc làm tốt đẹp đáng cho ta noi theo. Còn những người vô ý thức kia đã đến lúc suy nghĩ lại. Hãy làm việc gì đó trước khi quá muộn. Nạn vứt rác bừa bãi có thể được khắc phục dựa trên sự cố gắng của mỗi người và toàn xã hội.
Ngay từ bây giờ, ta cần kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh của mỗi người. Bằng nhiều hình thức như áp phích, panô, các chương trình tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình, những thông điệp cơ bản về ý thức bảo vệ môi trường sẽ được truyền đến tận tai, tận mắt của mỗi người góp phần nâng cao ý thức của người dân.
Hơn nữa, đối với những người ương bướng, cố tình vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng. Không thể nhẹ tay với những con người vô ý thức, tàn phá môi trường nghiêm trọng vì nếu quá dễ dãi với họ thì sẽ mãi không bao giờ chấm dứt được tình trạng trên. Nếu như thực hiện được những việc làm trên thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao. Và có lẽ ở nước ta cũng không xảy ra chuyện vớt trên sáu tấn rác mỗi ngày ở một con kênh hay những cái lắc đầu chê trách của du khách nước ngoài.
Mỗi người trong cộng đồng ai cũng muốn có sức khỏe dồi dào, người thân không ốm đau, láng giềng yên ổn nhưng do nếp sống nếp nghĩ quen thuộc của một số ít người mà còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước không cho phép người dân cứ tiếp tục lối sống, nếp nghĩ như thế. Hãy khắc phục nó bằng mọi cách có thể. Mỗi người chúng ta hãy sống thật tốt đẹp, giữ gìn vệ sinh ở bất kì nơi đâu, trong nhà hay ngoài ngõ, trên cạn hay dưới sông để tạo môi trường sống trong lành cho cả mình và mọi người, để có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Đứng trước xu thế hội nhập ngày nay, làm thế nào để vươn ra biển lớn, để hòa nhập cùng với bạn nè ở bốn phương. Thiết nghĩ, cần nhất là một gương mặt một diện mạo mới của đất nước. Một con đường sạch đẹp ở thành phố luôn tạo cho mọi người, nhất là các khách du lịch quốc tế một cảm giác thoải mái. Hãy làm cho mình đẹp hơn dưới con mắt của mọi người, đứng vì những thói quen xấu của cá nhân như vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến mọi người. Hãy chấm dứt những hành vi kém văn hóa ấy để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và hãy sống theo tinh thần cao đẹp: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình"
Đối với em thì những hành vi như xả rác bừa bãi nơi công cộng, đổ nước thải sinh hoạt xuống cống, rãnh là những hành động xấu, đáng chê trách. Chúng gây những hậu quả nghiêm trọng cho mọi người. Vì vậy mỗi người dân chúng ta và toàn xã hội cần phải nhanh chóng khắc phục hiện tượng đó. Riêng với chúng em – những học sinh – người chủ tương lai của đất nước thì giờ đây cần phải xem lại bản thân mình, điều chỉnh những hành vi của mình thật đúng đắn.
Đứng trước hiện tượng vứt rác bừa bãi trên, chúng em sẽ tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho bạn bè cùng làm theo. Hi vọng rằng với việc làm nhỏ đó chúng em đã góp phần làm cho môi trường sống xung quanh trở nên xanh – sạch – đẹp và trái đất sẽ luôn là ngôi nhà chung đáng yêu của tất cả nhân loại.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường cực hay – Bài văn mẫu số 6
Giữa cuộc sống hối hả chảy trôi với những bộn bề cơm áo, đã có ai dừng lại và lắng nghe tiếng kêu cứu của đại dương, nhìn thấy dòng máu chảy ra từ các thân cây bị đốn hạ, cảm nhận hơi thở yếu ớt của đất mẹ. Thiên nhiên đang gióng lên bức thông điệp “Hãy bảo vệ môi trường!”.
Bầu không khí chúng ta đang hít thở, nguồn nước chúng ta đang sử dụng hàng ngày, thiên nhiên của núi rừng, sông suối, nhà cửa, đó chính là môi trường. Môi trường là tất cả những gì bao quanh chúng ta và có ảnh hưởng quan trọng đến sự tồn vong của loài người. “Bảo vệ môi trường” chính là hành động của mỗi người nhằm giúp Trái Đất của chúng ta trong sạch và lành mạnh hơn, giúp con người tránh khỏi nguy cơ đe dọa từ thiên nhiên.
Nhà văn đã từng phát biểu với đại ý rằng phải mất 180 triệu năm bông hồng mới nở, 380 triệu năm con bướm mới biết bay, nghĩa là môi trường mà chúng ta đang được sống đã phải trải qua một quá trình hình thành lâu dài và khắc nghiệt. Vậy mà, trong những năm gần đây, con người đang làm gì với môi trường? Hàng loạt những vụ chặt rừng, đốt rừng trái phép, những vụ xả thải không đúng quy trình như công ty Formosa, lượng rác thải sinh hoạt trên thế giới lên đến 3,5 triệu tấn mỗi ngày đã gây ra các vấn đề về ô nhiễm đất, nước, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Lượng túi ni long khổng lồ không thể phân hủy đã làm gây ra hiệu ứng nhà kính, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như động đất, sóng thần, hạn hán. Gần đây nhất, Nhật Bản- một nước ôn đới đã trải qua một đợt nắng nóng kỉ lục trong khi Mỹ cũng đang gánh chịu những cơn bão nặng nề nhất trong lịch sử. Ô nhiễm môi trường không chỉ làm cho bức tranh cảnh quan của mỗi đất nước bị mờ nhòa đi mà còn làm suy giảm kinh tế, văn hóa- xã hội và hơn hết thúc đẩy nhanh chóng quá trình xóa bỏ sự sống của con người.
“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh.” Vâng, để không bị tan biến, chúng ta- những con người hôm nay đã đang và sẽ không ngừng chung tay xây dựng một môi trường trong lành và bền vững. Vứt rác vào thùng, trồng một chiếc cây nhỏ, nói “không” với bao bì ni long- những hành động nhỏ bé ấy cũng đã giúp tô thêm một chút màu xanh tươi đẹp cho quả cầu sự sống của chúng ta. Hàng năm, Liên Hợp Quốc vẫn tổ chức sự kiện “Ngày Trái Đất” và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó cũng cho thấy sự nhận thức đúng đắn cũng như quan tâm của con người trước những thảm cảnh thiên nhiên. Ngày càng có nhiều tổ chức phi lơi nhuận, những con người trẻ đầy nhiệt huyết dám đứng lên bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo vệ các vườn nguyên sinh- mái nhà chung của muôn loài động vật.
Những hành động của chúng ta, dù lớn hay nhỏ vẫn đang từng ngày níu dài thêm sự sống. Bảo vệ môi trường không phải là quá trình kéo dài chỉ ngày một ngày hai mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân trên thế giới này, trong từng việc làm, từng hơi thở và bước đi đều quyết định đến sự tồn vong của Trái Đất. Học sinh cũng có thể đóng góp cho công cuộc này bằng những việc làm nhỏ bé nhưng hết sức ý nghĩa: chăm sóc cây cối xanh tươi của nhà của lớp, vứt rác đúng nơi quy định hay chọn một chiếc xe buýt để di chuyển. Môi trường đôi khi chỉ cần sự yêu thương bằng những việc làm thiết thực như thế, vì nó xuất phát từ chính ý thức trách nhiệm và sự chân thành tốt đẹp của con người.
“Trái Đất này là của chúng mình. Quả bóng xanh bay giữa trời xanh…” Tôi và các bạn hãy cùng để quả bóng ấy bay mãi trong vũ trụ bao la với màu xanh của hòa bình, của hi vọng và của cả sự trong lành nữa nhé!
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 7
Thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn phát triển không ngừng, hàng loạt sản phẩm ra đời giúp cho cuộc sống con người trở nên thuận lợi, đơn giản hơn. Thế nhưng đi liền với điều đó thì những khó khăn cũng gây nên bất lợi cho con người, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng yêu cầu chúng ta phải tìm ra biện pháp bảo vệ.
Môi trường là toàn bộ không gian mà con người sinh sống, bao gồm đất, nước, không khí, rừng. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đi dọc bất cứ con đường nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi gây ra mất mĩ quan và không khí xung quanh. Hay trở về những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi càng xảy ra nghiêm trọng. Bên cạnh đó trong nông nghiệp, việc sử dụng các chất hóa học một cách quá mức đã gây ra sự ô nhiễm môi trường đất trầm trọng. Không chỉ môi trường đất, nguồn nước hiện nay cũng đang xuất hiện những ô nhiễm nghiêm trọng do việc các nhà máy, xí nghiệp thải các chất thải công nghiệp chưa được xử lí trực tiếp ra nguồn nước hay vào các mùa vụ, dọc các mương rãnh những vỏ chai thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bị người nông dân tiện tay vứt xuống, xác động vật chết. Ngoài ra hiện nay môi trường không khí cũng không còn trong lành như trước nữa bởi khí thải công nghiệp, khói từ các phương tiện giao thông, đốt rác. Đặc biệt việc khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, quá mức hay hiện tượng đốt rừng làm nương rẫy đã làm mất đi hệ cân bằng sinh thái.
Những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đều bắt nguồn từ ý thức của con người. Đó có thể là do sự vô tình, không nhận thức rõ được hậu quả của vấn đề gây ra. Thế nhưng cũng có một bộ phận những con người vì lợi ích trước mắt, cho dù biết những việc mình làm sẽ gây hại cho môi trường nhưng vẫn cố tình làm. Từ sự vô tình hay cố ý đó đã gây nên hậu quả khôn lường. Việc môi trường bị ô nhiễm trước hết ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Ví dụ như các bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, nghiêm trọng hơn nó còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người( ô nhiễm không khí gây ra hiệu ứng nhà kính, Trái Đất nóng lên, thủng tầng ozon). Ô nhiễm môi trường còn gây ra mất đi mĩ quan chung. Bạn hãy thử tưởng tượng trước cổng bệnh viện hay trường học có những đống rác bốc mùi hôi khó chịu, bạn sẽ không cảm thấy điều gì sao? Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng tới khí hậu, gây ra các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xói mòn đất, tạo ra những thiệt hại nghiêm trọng về con người và của cải.
Chính vì hậu quả đó, chúng ta cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường.Trước hết, mỗi chúng ta cần tự có ý thức, những nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, còn cần những hành động thiết thực như tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường cho mọi người, dọn rác trên đường phố, sông hồ, đổ rác đúng nơi quy định, tham gia trồng cây, phủ xanh đồi trọc. Các công ty, xí nghiệp cần có biện pháp xử lí rác thải, nước thải, khí thải đúng với quy định trước khi xả ra môi trường. Nhà nước cũng cần có những xử lí nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối với học sinh, cần giữ vệ sinh chung các lớp học, trường học, bảo vệ cây xanh, vứt rác đúng nơi đúng chỗ. Những hành động nhỏ ấy cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.
Môi trường có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy hãy bảo vệ môi trường vì tương lai, vì một Trái Đất xanh-sạch-đẹp.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 8
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức thiết đối với toàn nhân loại. Việc vứt rác bừa bãi ở địa phương em có ảnh hưởng to lớn đến môi trường sống. Nhưng đây lại là một hiện tượng rất phổ biến hiện nay, được biểu hiện rõ nhất ở những nơi công cộng.
Hiện tượng vứt rác bừa bãi xuất hiện ngày càng nhiều, từ nơi học tập, làm việc cho đến các địa điểm nổi tiếng. Ra ngoài đường phố, ta dễ dàng bắt gặp những người phát tờ quảng cáo. Sẽ không có gì đáng nói nếu như họ không phát một cách tràn lan, bừa bãi, khiến mặt đường chỉ sau vài phút đã tràn ngập giấy rác. Cũng có nhiều người vừa đi đường vừa ăn uống rồi tiện tay vứt vỏ, hộp xuống đường. ngay cả công viên- nơi được coi là có bầu không khí trong lành, giúp con người có những giây phút thư giãn cũng không tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm. Thật đáng buồn khi ta ngồi trên ghế đá và thấy bã kẹo cao su được nhét vào khe, váo mặt sau của ghế. Đến thăm các danh lam thắng cảnh, ta cũng thấy đâu đâu cũng rác tràn ngập. Hồ Gươm, Hồ Tây rác nổi lềnh bềnh do người dân xả ra, du khách ném xuống, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết. Sông Tô Lịch mặt nước đen, bốc mùi hôi thối do giấy rác, thậm chí là xác súc vật mà những người vô ý thức đã ném xuống. Thật khó để tin được con sông ấy xưa kia đã được ca ngợi:
“Bên bờ vải nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.”
Học sinh chúng ta cũng không ít lần đã từng vứt rác bừa bãi. Ở trường, lớp các thầy cô giáo nhắc nhở nhưng dường như không có tác dụng hoặc nếu có cũng chỉ thực hiện trong trường, khi ra ngoài xã hội - một phạm vi lớn hơn, không ít bạn đã quên mất điều này.
Việc vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và đời sống của con người. Sông, hồ vì rác phủ khắp nên không thể chảy được. Nguy hiểm hơn nếu người dân đem xác súc vật ném xuống đố sẽ là mầm mống của nhiều dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Đường phố cũng trở nên mất mĩ quan khi mà nơi đâu cũng thấy rác. Hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp sẽ không gây được thiện cảm với bạn bè quốc tế bởi các địa điểm du lịch không có được một khung cảnh xanh- sạch- đẹp. Còn du khách quốc tế nhiều người vẫn “nói vui”: du lịch Việt nam có bốn chữ “b”: “bụi”, “buồn”, “bám”và nhất là “bẩn”. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đang ngày càng mất điểm trong mắt thế giới nếu hiện tượng trên vẫn cứ tiếp tục. Không chỉ có vậy, hàng năm nhà nước ta đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đẻ nạo vét đường cống sau những trận mưa lũ, nước sông tràn vào mang theo rác thải. như vậy vứt rác bừa bãi gây hại đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: vứt rác bừa bãi ảnh hưởng xấu như thế vậy tại sao người dân lại vẫn tiếp tục làm. Có lẽ nguyên nhân khách quan là do hệ thống thùng rác chưa được bố trí hợp lí, để tìm được một chiếc thùng rác trên tuyến phố lớn nhiều khi cũng rất khó khăn. Nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức của con người. Đối với các em nhỏ, các em có thể chưa ý thức được việc mình làm, các em chỉ bắt chước, làm theo người lớn. Vậy nên không thể phủ nhận người dân Việt Nam chưa có ý thức giữ gìn môi trường. phần lớn đều dùn đâu vứt đấy trong khi thùng rác có thể chỉ cách vài bước chân. Cũng có người luôn giữ trong mình suy nghĩ vị kỉ, chỉ lo giữ cho nhà mình, nơi mình làm việc sạch sẽ, ra ngoài đường thì thẳng tay vứt rác.
Vậy trước thực trạng đáng lo trên, chúng ta cần phải làm gì? Đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kĩ năng thực tế, biết áp dụng những điều đã học vào việc giữ gìn môi trường cần được chú trọng hơn là việc học nhiều lí thuyết như hiện nay. Và có lẽ để khắc phục hiện tượng vứt rác bừa bãi các cơ quan chức năng nên đề ra chế tài xử phạt nghiêm khắc như ở nhiều nước bạn, có thế người dân mới chủ động chấp hành. Tuy nhiên cũng có rất nhiều tín hiệu vui, ngày càng có nhiều chương trình tuyên truyền ý thức được phổ biến, đâu đó trên các con phố ta vẫn thấy thấp thoáng màu áo xanh tình nguyện đi dọn dẹp đường phố, vớt rác ở sông hồ. Đấy là những hành động đẹp mà chúng ta cần noi theo.
Để môi trường trở nên sạch đẹp, xã hội ngày càng văn minh, mỗi người phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Ngay từ những hành động nhỏ nhất như ngăn chặn thực trạng vứt rác bừa bãi, ta đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường xung quanh.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường lớp 12 hay nhất – Bài văn mẫu số 9
Mỗi người ai cũng muốn làm đẹp cho mình. Những tòa nhà, thành phố hay đất nước cũng vậy. Nhưng vô hình chung, chúng ta đang làm xấu đi hình ảnh của chính những con đường, khu phố và đất nước mình đang ở bằng những rác thải hằng ngày. Rác thải đã trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm của xã hội hiện nay.
Rác thải có thể hiểu đơn giản là những thứ không còn dùng đến nữa được người ta bỏ đi. Ai cũng có thể định nghĩa được về rác nhưng về những cách phân loại rác thì không phải ai cũng biết. Tùy theo những tiêu chí khác nhau sẽ có các loại rác khác nhau: như chia theo nguồn gốc phát sinh có: rác thải rắn sinh hoạt, dịch vụ, rác xây dựng, rác thải dịch vụ và rác thải y tế; chia theo thành phần có rác thải vô cơ và hữu cơ, tái chế. Đây là những cách phân loại phổ biến trong cuộc sống.
Thực trạng xử lí rác thải đang là vấn đề đáng quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo những số liệu được công bố năm 1900, đã có khoảng 220 triệu người sống ở các thành phố, phát sinh ra ít nhất 300.000 tấn chất thải rắn, bao gồm rác thực phẩm, bao bì và các vật dụng gia đình khác. Một trăm năm sau, hơn 2,9 tỷ người sống ở các thành phố và tạo ra hơn 3 triệu tấn rác thải mỗi ngày. Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) báo cáo nêu bật “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” đối với số lượng rác thải ra ảnh hưởng đến cuộc sống.
Trong tình trạng chung của thế giới, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tình trạng rác thải đáng lo ngại nhất. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng "thành tích" về rác thải nhựa. Không cần những con số ấy ta vẫn có thể nhận thấy qua hình ảnh rác ở Việt Nam. Khi bạn ra đường, rất khó để có thể không nhìn thấy bãi rác nào ở trên đường: những bao rác thải ngay cạnh những khu dân cư đông người, những bệnh viện, công trình; những bãi rác ngay bên chợ và cả những nơi ngập rác chưa được xử lí tại một khu xử lí rác cách đó chẳng bao xa. Ở những khu vui chơi, những lon nước ngọt, những vỏ bánh kẹo vứt la liệt ở mọi nơi, ngay cả gần thùng rác. Rồi ở gần Tháp Rùa, chẳng thấy cụ rùa đâu mà chỉ toàn rác ngập nước. Đó là ở đất liền, ra đến ngoài biển, người ta đã quen với cảnh biển đầy nhựa thay vì cá. Những rác thải sinh hoạt từ người du lịch, dân cư gần đó, những tàu đi đánh bắt cùng với rác thải của những khu công nghiệp xả thẳng ra biển mà chưa qua xử lí giờ không đủ để người dân bất ngờ mà chỉ lắc đầu ngán ngẩm. Rác tràn lan ở khắp mọi nơi: từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền ra biển. Nó được xử lí hoặc không, nếu được xử lí cũng chỉ là đốt hoặc chôn xuống đất- những cách làm chỉ gia tăng thêm sự ô nhiễm. Có thể thấy người dân hiện nay vẫn chưa nhận thức được việc vứt rác và xử lí rác sao cho hợp lí.
Hậu quả của việc vứt rác không đúng chỗ, xử lí rác không theo quy định, không phải tìm đâu xa, mọi người dân đều nhận thức được. Cảnh quan nhà cửa, đường phố hẳn không thể đẹp khi có những bãi rác bẩn thỉu, hôi thối. Nhất là với một đất nước du lịch như Việt Nam, việc giữ gìn mĩ quan lại càng cần thiết. Ta đã thấy rõ những con số về người du lịch giảm đi vì môi trường ô nhiễm ở những vùng biển Vũng Tàu, Sầm Sơn. Việc rác thải lâu ngày không được xử lí sẽ phát sinh ra nhiều virus và vi khuẩn gây bệnh, dễ gây những bệnh hô hấp cho con người. Thực tế chỉ ra, những nơi không có hệ thống vệ sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh về da, hô hấp cao hơn những nơi còn lại. Và rác thải- một thách thức lớn không kém gì biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm khi không được xử lí đúng: những chất không phân hủy được chôn xuống đất gây ô nhiễm đất, nguồn nước, khi đốt lại gây ra khí độc làm ô nhiễm không khí và hại cho sức khỏe. Biển đã bị biến đổi, sinh vật biển không thể sống bởi hàng tấn rác thải trên mặt nước. Việc thủy, hải sản chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người chăn nuôi, đánh bắt. Việc thu gom và xử lí rác đã chiếm một khoản không nhỏ trong ngân sách địa phương và quốc gia nhưng vẫn không có hiệu quả gì.
Không khó để chúng ta đưa ra những nguyên nhân của vấn đề này. Đầu tiên, phải nói về ý thức của người dân. Sự thiếu ý thức của người dân về việc vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác cũng như chưa ý thức được tác hại của sự việc. Mặt khác, họ rất ít khi được phổ biến hay giáo dục về những cách phân loại rác ở các cơ quan hay nơi mình ở. Thụy Điển trở thành một quốc gia sạch nhất thế giới, thậm chí phải nhập khẩu rác là nhờ ngay trong gia đình, họ cũng có ý thức phân loại rác thành các phần: có thể và không thể tái chế để giúp ích cho quá trình xử lí và tái chế rác. Ở nước ta, vẫn chưa có những nhà máy xử lí và tái chế rác, hình thức xử lí vẫn còn đơn sơ vừa gây hại môi trường, vừa rất lãng phí. Những hoạt động tuyên truyền vẫn chưa phổ biến, chưa tác động trực tiếp tới người dân.
Đã đến lúc chúng ta phải giải cứu cho môi trường, cho chính cuộc sống chúng ta! Một vài giây để vứt rác đúng chỗ, một phút để rác đúng phân loại của nó và một lời nhắc nhở dành cho mọi người để vứt rác đúng chỗ. Những thói quen tốt được hình thành từ những điều nhỏ nhặt ấy. Thay vì phải bỏ ra hàng tỉ đồng để thu dọn rác và xử lí ô nhiễm, chính phủ có thể tăng mạnh biện pháp tuyên truyền ý thức và xử phạt với những người, tổ chức thiếu ý thức. Một chiếc thùng rác xinh xắn với dòng chữ “Hãy cho tôi rác” đặt thường xuyên trên hè phố, trong các tòa nhà sẽ gây được sự chú ý. Những việc ấy, không có gì là khó cả.
Các cụ thường dạy: “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Sống trong một môi trường sạch đẹp, thoáng mát vẫn tốt hơn, phải không nào?
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường cực hay – Bài văn mẫu số 10
Ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên Thế Giới, ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề vô cùng bức thiết bởi sự tàn phá, sự hủy hoại của con người. Bởi vậy cho nên bảo vệ môi trường là một việc làm cần được tuyên truyền và thực hiện một cách nhanh chóng để đẩy lùi nạn ô nhiễm, trả lại không khí trong lành, nguồn nước sạch, khuôn viên thoáng mát và đảm bảo cho sức khỏe của cộng đồng. Bảo vệ môi trường không phải là một giải pháp hay một việc làm tức thời, nó là cả một quá trình mà toàn bộ con người cùng tham gia thì mới hiệu quả được.
Việt Nam đang trên đà phát triển, vì vậy mà việc xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng luôn được thực hiện và triển khai mỗi ngày. Chính vì sự xuất hiện của các công trình đó, các tòa nhà, khu đô thị, trung tâm công nghiệp đã biến cả thành phố nói riêng và đất nước nói chung trở thành một công trường khổng lồ, ngổn ngang. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng kéo theo đó là việc thải ra vô số các rác thải xây dựng, những rác thải không thể và có thể xử lí được nhưng chẳng ai xử lí. Những rác thải rắn được thu về chỉ chiếm hơn 60%, chưa thể đáp ứng được nhu cầu về bảo vệ môi trường. Những nhà đầu tư, những công trình thi công thường tự cho rằng việc thải lại những loại rác xây dựng tại những bãi đất trống bỏ hoang sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng thực chất lại gây hại cho toàn thành phố. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm di dời và xử lí khi chẳng biết ai là người bỏ lại để xử lí họ, và ai đủ quan tâm đến những bãi đất bỏ hoang không tên đó mà dọn dẹp? Không chỉ ở các công trình mà ngay tại những nhà máy, đặc biệt là các khu công nghiệp thường xuyên đổ nước thải ra sông, ra hồ làm ô nhiễm trầm trọng nước sinh hoạt của người dân. Những người dân sống gần những khu công nghiệp đó có nguy cơ và tỉ lệ mắc bệnh ung thư và các bệnh về đường hô hấp cao hơn những nơi khác. Một cá nhân không thể hủy hoại được cả xã hội nhưng cả tập thể thì có, chính vì quy mô rộng như vậy mà xã hội đang bị ô nhiễm nặng nề.
Vậy, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Các nhà máy, công trình chưa thực sự có quy trình đảm bảo, những hệ thống xử lí rác thải và nguồn nước để không ảnh hưởng đến người dân. Những người dân thì cũng chưa có ý thức nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường. Những hành động bảo vệ môi trường chưa được lan tỏa đến tất cả những người dân. Thêm vào đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các vị lãnh đạo, những người trực tiếp triển khai công trình thường xuyên rút ruột công trình, lấy ngân sách của nhà nước để vụ lợi cá nhân, gây ra hậu quả không hề nhỏ. Dù có rất nhiều nguyên nhân sâu xa về tình trạng này nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của con người. Vì vậy khi triển khai về bảo vệ môi trường, ta cần phải nâng cao nhận thức và hành vi của họ, để họ thấy được sự cấp bách và cần thiết của vấn đề này.
Để bảo vệ môi trường thì có rất nhiều cách. Hiện tại rất nhiều người đang triển khai hành động giảm thải rác nhựa bằng cách sử dụng những chiếc túi vải khi đi chợ, mang theo hộp cá nhân khi đi mua đồ tại các cửa hàng để không mang theo túi nhựa về nhà. Nhiều siêu thị đã dùng lá chuối gói thực phẩm thay vì sử dụng túi ni lông như trước kia. Các cửa hàng đồ ăn, đồ uống cũng tích cực đưa ra khuyến mãi, quà tặng khi cá nhân đến mua hàng mang theo sẵn cốc, hộp để đựng. Đây là một việc làm tốt, tích cực và đang dần lan rộng tới cộng đồng. Bên cạnh đó, các trường học cũng cần phải chú trọng trong việc dạy các học sinh về cách phân loại rác để giúp rút quá trình phân loại rác cực khổ từ các công nhân vệ sinh môi trường. Uỷ ban nhân dân của làng, xã cũng nên có kế hoạch tổng hợp rác về chung một địa điểm tập kết để mang đi xử lí, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Kết lại, bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của riêng ai mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Cả xã hội cần chung tay bảo vệ môi trường vì một cuộc sống tươi đẹp hơn, phát triển hơn, vì tương lai của con em mỗi chúng ta được sống trong một môi trường đảm bảo nhất.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 11
Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự sống của loài người. Mỗi chúng ta phải có ý thức trách nhiệm cùng nhau xây dựng một môi trường sống trong sạch. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp, những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm. Bất chấp những lời kêu gọi môi trường, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…??? Trong môi trường chúng ta, để phát triển toàn diện thì ngoài những yếu tố như tri thức, có điều kiện
sống tốt,… chúng ta phải quan tâm nhiều hơn về vấn đề môi trường. Vì đó cũng là nhân tố và đòng thời là điều kiện thiết yếu quyết định sự sống còn của cả nhân loại nói chung và phát triển của từng người ta nói riêng. Khi sống làm việc và làm việc trong môi trường tốt, bầu không khí trong lành thì ta cảm thấy dễ chịu và phấn khởi hơn, giúp ta hiểu hơn, tiếp thu hơn về vấn đề học tập ở lớp. Hoặc sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn sau những giờ làm việc, học tập ở công ty, trường học,… Vì tất cả chúng ta được sống và hít thở trong bầu không khí trong lành. Người dân giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống
xanh-sạch- đẹp. Đáng buồn thay ở Thị xã chúng ta nói riêng và cả nước nói chung có một hiện tượng phổ biến là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọngđến môi trường mà cụ thể đây là gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện của các tầng lớp nhân dân. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo,người ta vứt que vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon vứt chai
tại chỗ vừa ngồi. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ vẫn không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Con đường có đặt bảng khu phố văn hoá nhưng cỏ mọc um tùm tràn lan, rác rưởi ngập đầy khắp lối đi, mùi hôi khó chịu bốc lên suốt ngày… Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại gây tác hại vô cùng to lớn. Phải chăng dọn dẹp nhà sạch sẽ là tốt???
Còn việc vứt rác bừa bãi, bã đau quăng đó ở nhưng nơi công cộng là không cần
thiết, không ảnh hưởng đến mình và gia đình mình. Điều này, mỗi chúng ta cần suy nghĩ lại. Bạn nghĩ sao khi một thành phố văn minh giàu đẹp lại ngập tràn trong biển rác??? Nó thể hiện hành vi của người vô văn hoá, vô ý thức, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khoẻ con
người. Ô nhiễm nước có nguyên nhân từ các loại chất thải và nước thải công nghiệp được thải ra ở lưu vực các con sông mà chưa qua xử lý; các loại phân bón hoá học và thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước ngầm, ao hồ; nước thải sinh hoạt được thải ra từ các khu dân cư ven sông. Họ vô tư xả rác, vứt xác súc vật chết xuống sông rồi lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ và thậm chí là nấu nướng. Các loại rác thải chưa qua xử lý đã bị đổ ào ạt ra sông hồ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, gây khó khăn cho giao thông đường thuỷ và đặc biệt hơn rác thải đã làm mất đi vẻ mỹ quan của sông hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hộ nói chung và đời sống sinh hoạt của loài người nói riêng.
Khí thải là nguyên nhân quan trọng không kém đã góp phần làm cho môi trường bị suy giảm nghiêm trọng. Sự phát triển của công nghiệp và các phương tiện giao thông ở trên thế giới đòi hỏi phải sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu, làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nề. Hằng năm, các nhà máy và các loại xe cộ hoạt động đã đưa vào khí quyển hàng chục tấn khí thải. Gío đưa không khí ô nhiễm đi xa có khi đến hàng trăm, hàng nghìn ki-lô-mét. Hậu quả là tạo nên những trận mưa axít làm chết cây cối, ăn mòn các công trình xây dựng và gây ra các bệnh về đường hô hấp cho con người. Khí thải nlàm tăng hiệu ứng nhà
kính khiến Trái Đất nống lên, làm cho khí hậu toàn cầu biến đổi, băng ở hai cực tan chảy mực nước các đại dương tăng cao. Nó còn tạo ra lỗ thủng cho tầng ôzôn, gây nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Chính điều này đã gây ra bao nỗi nan giải, phiền toái cho người dân. Các khí thải không qua xử lý thải trực tiếp vào môi trường, nhưng chúng ta đã biết các loại khí thải đều chứa chất độc sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và môi trường làm việc của tất cả chúng ta.
Chặt phá rừng bừa bãi là nguyên nhân kế tiếp, nó đã góp phần lấy đi bầu không
khí trong lành và môi trường xanh của tất cả chúng ta. Để bảo vệ môi trường, nhà nước đã có một dự án phủ xanh đất trống đồi trọc bằng cách trồng cây xanh. Đó là một ý tưởng tôt nhưng khi đưa vào thực tế thì nó đã thất bại. Diện tích rừng bị cạn kiệt, điều này đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng: lũ lụt tràn về sẽ gây sạt lở và đất bị bạc màu dân đến mất cân bằng sinh thái; làm cho không khí bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi… Nguyên nhân là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biết là các bạn trẻ. Nhiều người nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người khác lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì đến mình nhiều… Việc phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có phần là của nhà nước nhưng đa phần là của người dân. Và những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều. Chúng ta phải ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ sự
sống của chúng ta. Các loài rác thải phải được xử lý kỹ càng, không nên vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm bầu không khí và mất vẽ mỹ quan. Đòng thời, các trung tâm nhà máy, xí nghiệp,… phải tăng cường các biện pháp xử lý khí thải trước khi đưa trực tiếp vào môi trường, có vậy mới làm giảm thiểu khí độc có nguy cơ lấy đi sức mạnh và tính mạng con người. Như vậy, mỗi chúng ta từng cá nhân phải có ý thức trồng nhiều cây xanh, góp phần làm cho không khí trong lành và tăng vẻ mỹ quan cho đất nước. Các cấp chính quyền phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Đưa
những bài viết về môi trường vào trong sách giáo khoa, giúp cho học sinh có thái độ và có cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường đang sống.
Hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ môi trường, cũng là giữ gìn xử sống cho toàn thể nhân loại. Hãy thay đổi, thay đổi và thay đổi trong chính những suy của mỗi chúng ta. Đó là tất cả những gì mà chúng ta mang lại không chỉ cho bản thân mà cho con cháu chúng ta mai sau nữa. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn tất cả các bạn hãy cùng tôi thực hiện. Và chỉ khi như vậy chúng ta
mới có một trái xanh mãi mãi.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng – Bài văn mẫu số 12
Môi trường từ lâu đã trở thành mối quan tâm của toàn nhân loại và vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào của mỗi quốc gia cũng được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi môi trường được hiểu là tất cả những gì ở xung quanh chúng ta và rất thân thiện gần gũi với con người, bao gồm môi trường tự nhiên (đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,…) và môi trường nhân tạo là do con người tạo nên (như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,…). Tất cả những vấn đề vừa nêu đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người (về đời sống và sức khỏe).
Có thể nói môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của con người, của tự nhiên và xã hội. Vì vậy, từ lâu để đảm bảo môi trường sống cho con người trong đời sống xã hội, có vô số những việc mà cả cộng đồng xã hội đều quan tâm và tìm mọi giải pháp, phương pháp để thực hiện, với mục đích làm cho đời sống con người ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn trên mọi mặt. Nhưng hiện nay môi trường sống của con người đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng và không ít nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà nguyên nhân đó do chính bàn tay của con người tác động đến, trong đó có thể chúng ta nhìn thấy được và không thấy được. Vì vậy, có thể nói hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề bức thiết, đang được mọi người đặc biệt quan tâm và hơn bao giờ hết mọi người cần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, đó là góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Ý nghĩa thiết thực của hoạt động bảo vệ môi trường mà mọi người cần quan tâm, hiểu thật sâu sắc, là có những hoạt động thiết thực để giữ cho môi trường trong lành sạch, đẹp, phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học. Đất nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng đang trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cùng với sự phát triển của các nhà máy, xí nghiệp với lượng chất thải và khí thải ra môi trường không nhỏ. Nếu không có hoạt động bảo vệ môi trường và mọi người không ý thức bảo vệ môi trường (xử lý rác thải, chất thải,...) thì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển bền vững của đất nước, quê hương. Các ngành chuyên môn làm tốt hoạt động bảo vệ môi trường sẽ phần nào hạn chế được những tác hại do chất thải và khí thải của các nhà máy, xí nghiệp,… và mọi người có ý thức bảo vệ môi trường sẽ góp cải tạo môi trường trong lành, sạch, đẹp để chính bản thân mình và cộng đồng dân cư xung quanh cùng hưởng thụ.
Trong bối cảnh Trái đất đã, đang ngày một nóng dần lên; môi trường sống đang bị hủy hoại bởi sự ô nhiễm của khí thải công nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán ngày càng gia tăng ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang gióng lên hồi chuông báo động đối với công tác bảo vệ môi trường. Do đó, hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng có ý nghĩa hơn, là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng. Kinh nghiệm từ thực tiễn người ta nhìn vào môi trường, để đánh giá sự phát triển của đất nước, quê hương, nơi đó có trong lành, sạch, đẹp hay không? Và bảo vệ, xây dựng môi trường trong lành, sạch, đẹp còn tạo điều kiện cho du khách trong, ngoài nước tìm đến để trải nghiệm, khám phá sự trong lành, thoải mái,…. Vì vậy, bảo vệ môi trường hiện nay là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, không còn là nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà là của toàn nhân loại.
Xác định môi trường và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt được các quốc gia và mọi người trên thế giới quan tâm, cho rằng môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại. Môi trường có tốt, có lành mạnh, mới giúp con người mạnh khỏe, có mạnh khỏe thì mới đảm bảo công việc làm có hiệu quả, chất lượng. Có lẽ vậy, Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5/6) ra đời và là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường; là ngày dành cho tất cả mọi người ở bất cứ đâu hành động vì môi trường. Và kể từ lần đầu tiên sự kiện về môi trường được tổ chức vào năm 1972, cộng đồng toàn cầu đã tổ chức hàng ngàn hoạt động, từ việc dọn dẹp khu phố, cho đến chống lại tội phạm săn bắt động vật hoang dã, trồng lại rừng. Ngày Môi trường Thế giới (5/6) hàng năm, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đều đưa ra một chủ đề để truyền đi thông điệp về ý nghĩa quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường.
Năm 2017, Ngày Môi trường Thế giới (5/6) có chủ đề là “Sống hài hòa với thiên nhiên”, nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, để từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của môi trường thiên nhiên đối với cuộc sống con người. Song song đó chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi, truyền đi thông điệp về bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa, bền vững giữa con người và thiên nhiên. Và mọi người cần nâng cao nhận thức, ý thức rằng con người là một phần của thiên nhiên và con người sống phụ thuộc vào thiên nhiên; điều đó sẽ khuyến khích chúng ta tìm thấy niềm vui trong thiên nhiên, qua đó mọi người hãy cùng trách nhiệm thực hiện tốt vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, để môi trường sống của nhân loại ngày càng tốt hơn.
Để công tác môi trường và bảo vệ môi trường đi vào thực tế, trở thành việc làm thường xuyên, cần phải đẩy mạnh khâu tuyên truyền thật sâu và rộng khắp về môi trường và bảo vệ môi trường đến tận người dân, đến các nhà máy, xí nghiệp để mọi người hiểu và chấp hành một cách triệt để. Các đoàn thể chính trị, xã hội phải tăng cường tập huấn kiến thức về môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường, để mỗi đoàn viên, hội viên thực sự trở thành là những tuyên truyền viên tích cực về môi trường và bảo vệ môi trường; gương mẫu, tích cực thực hiện nhiệm vụ cùng với nhân dân, cộng đồng các khu dân cư, các nơi công cộng bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong công tác vận động quần chúng cần biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần phải phê bình, kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có những hành vi gây ô nhiễm môi trường và không có thái độ trong công tác bảo vệ môi trường như: xả rác, xả chất thải bừa bãi ra đường, ra phố, xuống lòng sông... và còn rất nhiều, rất nhiều những hành vi xấu khác làm ô nhiễm môi trường.
Với thông điệp Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2017) “Sống hài hòa với thiên nhiên”, mọi người trên quê hương xứ dừa Bến Tre hãy ý thức bảo vệ môi trường, đừng vì lợi ích nhất thời của bản thân mà hủy hoại môi trường sống của chính mình. Hãy biết sống cho mình và cho người khác. Hãy cùng nhau bắt tay góp phần công sức nhỏ của mình để tham gia bảo vệ môi trường qua những việc làm thiết thực mà phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta phát động, cụ thể như: Không vứt rác bừa bãi; thu gom, đổ rác đúng nơi quy định; không đổ nước thải ra đường, phố, các nơi công cộng; thu gom nước thải vào hệ thống bể tự hoại, hầm chứa hoặc cho nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng; mỗi gia đình có hố xí tự hoại hoặc hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quy ước ấp, khu phố, bản cam kết bảo vệ môi trường; trồng cây xanh và hàng rào cây xanh, hoa kiểng trong khuôn viên mỗi hộ gia đình; các khu dân cư có điều kiện nên trồng cây xanh phân tán, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, xanh, sạch, đẹp; không hút thuốc lá nơi công cộng; tự giác chấp hành các quy định của các cấp chính quyền địa phương về giữ gìn vệ sinh; xây dựng mô hình “vườn xanh, sạch, đẹp và hiệu quả”; tham gia tổng vệ sinh môi trường hàng tháng theo phát động của địa phương.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta, do đó các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đồng hành trách nhiệm, lồng ghép các hoạt động về bảo vệ môi trường trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới; phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng chung tay, chung lòng, ý thức, trách nhiệm, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người, môi trường sống trong lành, sạch, đẹp thì con người mới có sức khỏe tốt. Vì vậy, hơn lúc nào hết mọi người hãy cùng ý thức về bảo vệ môi trường qua những việc làm nêu trên, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, cũng là bảo vệ chính mình, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, quê hương và sự sống còn của toàn nhân loại.
Bảo vệ môi truờng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên; thân thiện với môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực đối với đời sống con người. Bởi hơi thở của chúng ta gắn liền với thiên nhiên, khi ta còn tồn tại thì môi trường sống còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Thiên nhiên bằng một phép màu nào đó giúp ta cảm nhận được từng nhịp đập cuộc sống, trao giây phút vui vẻ, hạnh phúc cho con người. Vì vậy, chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, có thể bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất như: không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, nhặt rác và những chiếc lá rơi, không bẻ cành,…), những việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, cũng như thay lời cảm ơn đối với thiên nhiên.
Phát huy truyền thống quê hương Bến Tre Đồng Khởi, mỗi chúng ta quyết tâm yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa; phấn đấu bảo vệ, giữ gìn môi trường theo hướng trong lành, xanh - sạch - đẹp, góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Đây là việc làm thật sự có ý nghĩa, một cách làm thiết thực và hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới hiện nay là con người sống hòa nhập, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, chúng ta góp phần thực hiện thắng lợi việc “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái”, mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, để mọi người thật sự được sống trong môi trường an toàn, vệ sinh, xanh, sạch, đẹp. Mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng ý thức ứng xử có văn hóa với môi trường và bảo vệ môi trường hiện nay, đó là việc làm thiết thực thể hiện tình yêu đất nước, quê hương và xem như chúng ta đã phần nào học và làm theo lời Bác dạy về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, mà tổ chức UNESCO đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Người. Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu có đoạn: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây”.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường biển – Bài văn mẫu số 13
Trái đất của chúng ta bao la biển cả và rừng núi bạt ngàn, tạo nên một nét đẹp vô cùng hùng vĩ của núi non và sông nước hài hoà. Biển là nơi tham quan và là nơi vui chơi, giải trí của mọi người từ trẻ con đến người già, người nội trợ đến những người đi làm. Nó là nơi con người tìm về để giảm đi những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống bộn bề vào các kỳ nghỉ. Biển cung cấp cho ta bao nhiêu tài nguyên, hải sản thơm ngon. Vậy mà giờ đây biển đang bị đe doạ, đang ngày một ô nhiễm, thế giới sẽ như thế nào nếu biển ô nhiễm nghiêm trọng. Phải làm gì để cứu lấy làn nước xanh trong lành ấy.
Việt Nam có vùng bờ biển đặc quyền kinh tế trên 1.000.000 km² và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kem dài trên 3.260 km, vị trí địa hình thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, nhưng nó đang bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện tượng hải sản tự nhiên và nuôi trồng đột ngột chết trên quy mô lớn do độc tố học và tảo biển. Có rất nhiều rác thải, vỏ lon nước ngọt túi nilon trần ngập quanh bờ biển. Màu nước biển không còn xanh mà càng ngày càng đục và bẩn, nếu chạm vào người rất là ngứa. Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ PH trong nước biển bề mặt tầng biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm và một số chủng bảo vệ thực vật.
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp du lịch tràn lan, nuôi trồng thuỷ hải sản bất hợp lý, dân số tăng và nghèo khổ nên họ cũng tích cực khai thác vô tổ chức tài nguyên biển, vì dựa vào biển mà sống, đối mặt với sự khốc liệt, gắn liền với cuộc sống trên thuyền nên tư duy của họ rất đơn giản, khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển là vấn đề quá xa vời. Tập quán và phong tục sống còn lạc hậu, học vấn thấp nên với họ cái làm ra đồng tiền mới là quan trọng nhất. Thể chế, chính sách của nhà nước còn bất cập, chủ yếu lượng rác trên biển là có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xử nước thải, chất thải rắn chưa qua xử lý ra các con sông đồng bằng ven biển hoặc là thẳng ra biển. Khi nuôi trồng thuỷ hải sản thải chủ yếu các loại thức ăn hóa học có hại cho biển. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm con kiệt nhanh nguồn lợi thuỷ sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Do se lượng du linh biển lớn đã khiến hàng ngày có hàng tấn chất thải đổ ra biển gây ông nhiễm nghiêm trọng. Một nguyên nhân nữa là tràn dầu, kinh tế đang phát triển hội hỏi một lượng dầu lớn, lợi ích kinh doanh dẫn đến khai thác dầu quá mức. Hậu quả là một lượng dầu lớn bị ra rồi ra mới trường biển do hoạt động của các tàu hay do hiện tượng đắm tàu chở dầu, do các máy khoan thăm giò. Ô nhiễm môi trường biển còn do hoạt động của các cảng do hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng, nạo vét luồng lạch, đổ phế thải đang uy hiếp nghiêm trọng tới môi trường biển.
Ô nhiễm biển dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, nó gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người và dần làm mất đi những nguồn lợi từ biển như hai sản, du lịch biển. Môi trường biển bị ông nhiễm giảm đi sức hút với khách du lịch. Tràn dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn, cổ biển, vùng bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các mang dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, làm giảm oxy trong nước, làm con cân điều hoà oxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn. Các chất hóa học độc hại làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái, nó gây biến đổi gen, phá hủy cấu trúc tế bào vi khuẩn, gây chết cả quần thể. Các loài sinh vật bị đe dọa và bị chết do môi trường sống ông nhiễm quá nặng nề. Ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của cả nước, gây khó khăn trong việc phát triển cuộc sống dân cư vùng biển.
Để bảo vệ môi trường biển cần nâng cao ý thức của người dân, tuyên truyền giáo dục cho họ hiểu những tác hại nguy hiểm có thể xảy ra. Hỗ trợ nguồn vốn, lo cho cuộc sống người dân vùng biển ổn định hơn. Nghiêm cấm việc vứt rác ra bờ biển của khách du lịch biển, thường xuyên nhặt rác bẩn dọc bờ biển để hạn chế việc ô nhiễm. Giám sát hoạt động xả thải nước bẩn ở hộ dân và khu nuôi trồng thuỷ hải sản. Xây dựng hệ thống hóa sinh xử lý nước thải trước khi đưa xuống biển. Đưa ra các hình thức xử phạt với những tổ chức làm trái quy định Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương về việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển, chứ trong công tác phòng ngừa, kết hợp với xử lý có hiệu quả cao ô nhiễm, cải thiện mới trường biển vùng ven biển. Nghiêm ngặt trong giao thông đường thuỷ, tránh tai nạn và tràn dầu, tăng cường bảo vệ các mỏ dầu khí trên biển. Khai thác thuỷ hải sản hợp lý để bảo vệ những nguồn gen quy.
Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình chung tay bảo vệ biển. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ để cho biển không bị ô nhiễm. Vì một Việt Nam xanh- sạch- đẹp phát triển không ôm nhiễm, vì tương lai tốt đẹp của chính bạn hãy luôn bảo vệ biển.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường biển – Bài văn mẫu số 14
Như chúng ta đã biết thì hiện nay tình trạng ô nhiễm đang diễn ra khắp nơi như ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và cũng không nằm ngoài sự ô nhiễm đó chính là ô nhiễm môi trường biển. Trong thời gian gần đây, báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác đã đưa tin rất nhiều về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng ven biển miền Trung làm cho cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Sự việc này gây nên nhiều mối lo ngại về việc có nên sinh sống ở vùng đất này. Chưa có một bài báo nào nói về nguyên nhân chính thức gây ra sự việc trên tuy nhiên điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là môi trường biển đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.
Biển là nơi rất giàu có và đa dạng về tài nguyên, chứa đựng đầy tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Không những thế, biển còn là nơi dễ dàng phát triển về du lịch và phát triển ngành chăn nuôi thủy hải sản.
Tuy biển đẹp là thế, có ích là thế nhưng biển cũng đang dần bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân mà tác nhân chủ yếu là lại do chính con người. Điều đầu tiên phải kể đến đó chính là do ý thức của người dân người.
Hàng ngày có hàng tấn rác thải chưa được xử lý đổ ra biển, người dân sống ven biển cũng lấy bờ biển làm nơi đổ rác. Hành động thiếu ý thức của người dân đã góp phần làm môi trường biển bị ô nhiễm hơn.
Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp cũng xả nước thải cùng với những hóa chất độc hại ra biển không những làm cho biển ô nhiễm mà còn có tác hại xấu đến sức khỏe con người và mọi loài sinh vật sống ở đây.
Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra ở một số cảng hàng hải do tàu thuyền ra vào nhiều, nạo vét luồng lạch, đổ rác thải,…, một số cảng biển còn có lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép như cảng Vũng Tàu vượt đến 3,1 lần. Nhiều người dân còn đánh bắt cá bằng cách sử dụng bom mìn gây ra rất nhiều chất hóa học có hại.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng biển bị ô nhiễm là do những mặt trái của sự phát triển xã hội. Xã hội ngày càng phát triển và đồng thời nhu cầu của người dân ngày càng được nâng cao, ngành du lịch biển cũng từ đó mà phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên du lịch ngày càng phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên biển bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đồng thời cũng thải một lượng rác thải không hề nhỏ ra biển. Và một nguyên nhân nhỏ nữa đó chính là do tràn dầu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế làm tăng lượng tiêu thụ dầu mỏ. Lợi ích kinh tế đi kèm với việc dầu bị khai thác quá mức làm cho một lượng dầu lớn bị rò rỉ ra biển gây ô nhiễm biển, các loài cá cũng từ đó mà chết do không có đủ oxy để sống gây thiệt hại rất lớn cho môi trường biển và những vùng nuôi trồng hải sản.
Nguyên nhân cuối cùng có lẽ là do các cơ quan quản lý còn lỏng lẻo và chưa thực sự thắt chặt việc kiểm soát vấn đề xử lý rác thải của các doanh nghiệp, xí nghiệp và các khu du lịch.
Ô nhiễm môi trường biển dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Nó gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người và dần làm mất đi những nguồn lợi từ biển như hải sản, du lịch biển,… Một nghiên cứu năm 2008 đã cho thấy hàng năm Việt Nam mất đi khoảng 69 USD thu nhập từ ngành du lịch vì hệ thống xử lý vệ sinh kém. Môi trường biển bị ô nhiễm cũng làm giảm đi sức hút với khách du lịch.
Để góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng thì mỗi người cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường như không xả rác bừa bãi ra biển hay tổ chức nhiều cuộc đi thực tế và thu dọn bãi biển,…
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường quản lý để giảm thiểu lượng rác thải có hại ra môi trường biển để giữ cho cảnh quan thiên nhiên không bị cướp dưới bàn tay tử thần và để cho những người dân sống bám vào biển bớt nhọc nhằn về miếng cơm manh áo.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 15
Hiện nay, sức khỏe và tính mạng của con người đang bị đe dọa bởi nhiều mối hiểm họa từ nhiều phía như thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Trong số các dạng ô nhiễm môi trường thì ô nhiễm môi trường nước đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người một cách trực tiếp mà còn là nguy cơ tiềm ẩn các bệnh cấp và mãn tính.
Trước hết, ta cần phải hiểu ô nhiễm môi trường nước là gì? Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng mà các vùng nước như: sông, hồ, biển hay nguồn nước ngầm… bị nhiễm các chất độc hại có trong: thuốc bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp… chưa được xử lý. Nói cách khác, ô nhiễm môi trường nước là sự thay đổi chất lượng nước không đáp ứng được các mục đích sử dụng khác nhau, vượt qua tiêu chuẩn cho phép và gây ra ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và sinh vật.
Hiện nay, đa số các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thường là nơi có dân cư đông đúc cũng như tập trung nhiều khu công nghiệp lớn đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Phần lớn nước thải trong sinh hoạt ( khoảng 600.000 m³ mỗi ngày và khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông, hồ ở khu vực Hà Nội) và nước thải công nghiệp (khoảng 260.000 m³, trong đó chỉ có khoảng 10% được xử lý) đều không được xử lý mà đổ trực tiếp ra các sông, hồ. Rất nhiều nhà máy cũng như cơ sở sản xuất: lò mổ, các khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện (7000m³ mỗi ngày, 30% được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. 2360 con sông, suối dài hơn 10km, hàng nghìn hồ, ao là con số của hệ thống nước mặt Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nước nêu trên đang bị suy thoái và phá hủy một cách trầm trọng do con người khai thác quá mức và ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí có nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần. Không những thế, mức độ ô nhiễm môi trường nước đang không ngừng gia tăng do không kiểm soát hiệu quả được nguồn gây ô nhiễm.
Vậy, do đâu mà môi trường nước bị ô nhiễm? do đâu mà những con sông đang bị “bức tử” từng ngày. Trên thực tế, ô nhiễm môi trường nước có thể xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Các hiện tượng làm giảm chất lượng nước thì đều bị xem là nguyên nhân ô nhiễm nước (mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt, hoạt động sống cũng như xác của các sinh vật khi chết ngấm vào lòng đất…). Tuy nhiên, nguyên nhân tự nhiên chỉ làm môi trường ô nhiễm ở mức độ nhẹ. Nguyên nhân mà chúng ta cần quan tâm chính là nguyên nhân nhân tạo, là những nguyên nhân xuất phát từ hoạt động của con người. Thứ nhất cần phải kể đến nguồn chất thải từ sinh hoạt và y tế. Mỗi ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt và y tế thải ra môi trường mà không qua xử lý. Bên cạnh đó, việc dân số nước ta ngày càng tăng (đứng thứ 12 thế giới) dẫn đến lượng rác thải sinh hoạt tăng theo. Dân số tăng nhanh, do đó nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cũng tăng lên, các nguồn thải tăng, sự ô nhiễm môi trường cũng theo đó mà tăng lên. Nguyên nhân thứ hai là do sử dụng quá mức các loại phân bón cũng như hóa chất độc hại trong nông nghiệp. Hoạt động chăn nuôi gia súc tạo ra các loại chất thải: phân, nước tiểu, thức ăn thừa.. chưa qua xử lý mà đổ trực tiếp vào môi trường. Cùng với đó là các loại hóa chất dùng trong sản xuất nông nghiệp như: thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón cho cây trồng. Chúng vừa gây ô nhiễm nguồn nước mặt lại vừa gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc người dân sử dụng các loại phân bón, chất hóa học không kiểm soát kỹ càng, dùng quá mức cho phép gấp 3-4 lần. Bên cạnh đó, đa số các vỏ chai thuốc sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân cuối cùng và cũng là nguyên nhân nghiêm trọng nhất chính là nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Khi mà các khu công nghiệp ở nước a mọc lên ngày một nhiều, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao. Do đó, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp xả trực tiếp nước thải ra môi trường mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Hàng loạt các vụ việc về xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý đã được đưa tin trong thời gian gần đây là dấu hiệu đáng báo động cho môi trường nước của Việt Nam. Đặc biệt là vụ xả thải của Formosa làm cá chết hàng loạt tại vùng biển của các tỉnh miền Trung, hay vụ việc Vedan xả thải ra sông Thị Vải năm nào… Hành động của các công ty, nhà máy, xí nghiệp ấy đang từng ngày, từng giờ hủy hoại đi môi trường nước – nguồn sống của con người.
Ô nhiễm môi trường nước, con người sẽ nhận lại những hậu quả gì? Nước là tài nguyên quý giá và vô cùng thiết yếu đối với con người. Trên thực tế, có thể thấy rằng, khi nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng đã gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi nguồn nước ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh từ đó dẫn đến suy giảm nòi giống. Ở một số địa phương của nước ta, khi nghiên cứu các trường hợp mắc bệnh ung thư và viêm nhiễm ở phụ nữ đã thấy rằng có đến 40 - 50% là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo thống kê và đánh giá của Bộ Y tế và Bộ tài nguyên môi trường, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Bên cạnh đó còn gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà sử dụng nguồn nước ô nhiễm chính là một trong những nguyên nhân chính.
Để giải quyết được triệt để các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước thì đòi hỏi phải có những chiến lược cụ thể. Chúng ta cần có chiến lược lâu dài là cung cấp những nguồn nước uống an toàn đã qua xử lí đồng thời carit hiện hệ thống vệ sinh. Còn chiến lược ngắn hạn là sử dụng các phương pháp xử lý nước đơn giản tại nhà. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, còn cần phải thắt chặt hơn nữa vấn đề kiểm soát ô nhiễm, bắt buộc các doanh nghiệp (bao gồm cả quy mô lớn và nhỏ) đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu. Có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi phạm.
Hành vi gây ô nhiễm môi trường nước cũng chính là hành vi mang tính “tội ác” khi chúng có thể cướp đi cuộc sống của con người. Chính vì thế hãy chung tay bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung để hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn đối với con người.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 16
Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1.000.000 km² và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo dài trên 3.260 km. Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Nhưng thực trạng về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động “đỏ”.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp; thể chế, chính sách còn bất cập…
Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Đơn cử trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng.
Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn mét khối nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn ha, mỗi năm sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn.
Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400 ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến thái kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, bởi mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là tràn dầu rò rỉ do hoạt động của các tàu và do các sự cố hư hỏng hay đắm tàu chở dầu, do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.
Hàng năm, trên 100 con sông ở nước ta thải ra biển 880km³ nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp.
Năm 2010, lượng chất thải đã gia tăng rất lớn ở các vùng nước ven bờ, trong đó dầu khoảng 35.160 tấn/ngày, nitơ tổng số 26-52 tấn/ngày và tổng amoni 15-30 tấn/ngày. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng chất lượng môi trường biển và vùng ven biển tiếp tục bị suy giảm.
Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng tại vùng này.
Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ. Khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra ở các cảng do liên quan đến hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng, nạo vét luồng lạch, đổ phế thải. Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ ra biển chưa qua xử lý nên chỉ số vi trùng học luôn ở mức cao. Ở một số cảng đáng báo động là hàm lượng thủy ngân đã vượt ngưỡng cho phép, cảng Vũng Tàu vượt 3,1 lần, cảng Nha Trang vượt 1,1 lần…
Môi trường biển bị ô nhiễm đã dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô. Vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122km² rạn san hô, nếu hệ sinh thái này bị mất, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành “thủy mạc” không còn tôm cá nữa. Đó là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã cảnh báo.
Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến nay có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), 17% còn tốt (51-75%) và chỉ có 3% rất tốt (trên 75%).
“Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Mỗi năm, mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng, theo đà này 20 năm nữa san hô không còn trong vùng biển Việt Nam” – Viện Hải Dương học Việt Nam cảnh báo.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 17
Tại sao phải bảo vệ môi trường sống của chúng ta?
Bảo vệ môi trường còn giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục được những hậu quả mà con người gây ra.
Tại sao phải bảo vệ môi trường, bởi môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người; chính vì vậy chúng ta cần phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Bảo vệ môi trường còn giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục được những hậu quả mà con người gây ra.
Nhận thức tại sao bảo phải bảo vệ môi trường?
Môi trường tự nhiên là nguồn khai thác tài nguyên và năng lượng quý giá để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và trong cuộc sống như: đất, nước, không khí, khoáng sản và các dạng năng lượng ánh sáng, gió,...Cũng như các sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp và văn hoá, du lịch.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa axit, nước biển dâng, sa mạc hoá. Theo điều một số điều tra, Trái Đất đang nóng hơn gần 40°C so với kỷ băng hà cách đây 13.000 năm. Dự báo trong 100 năm trở lại đây, nhiệt độ sẽ tăng từ 0.6 – 0.7°C và ước tích trong vòng 100 năm tới nhiệt độ sẽ tăng khoảng 1.4-5.8°C.
Sự nóng lên của Trái Đất như vậy sẽ có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của con người. Cụ thể, nhiệt độ tăng cao sẽ làm băng tan và mực nước biển cũng tăng theo; hàng năm các cơn bão sẽ gia tăng, làm suy giảm tầng ozon… Bên cạnh đó, một số loài động vật không kịp thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết có thể sẽ bị tuyệt chủng.
Khi môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng nặng nề. Con người có thể sẽ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, gan, trẻ em sẽ bị giảm trí thông minh… Vì vậy, việc cấp thiết cần phải làm hiện nay đó là bảo vệ và cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm. Nhận thức được vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 hàng năm là Ngày môi trường thế giới.
Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của tất cả mọi người, chứ không phải của một cá nhân hay tập thể nào. Tuy nhiên phần lớn con người chưa có được ý thức được tại sao phải bảo vệ môi trường hay làm thế nào để góp phần bảo vệ môi trường. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho môi trường sống của con người và các loài động vật bị hủy hoại nặng nề.
Những yếu tố ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường
Đến từ chính môi trường tự nhiên
Cụ thể đó là động đất, núi lửa phun trào, sóng thần, nước biển dâng… Những hiện tượng này xảy ra là do lớp vỏ Trái Đất không đồng đều và sẽ xảy ra những tác động nhất định đối với tự nhiên.
Đến từ con người
Con người có tốc độ sinh trưởng và trí thông minh vượt trội. Chính vì thế mà con người được xem là yếu tố có ảnh hưởng nhất trong việc hủy hoại môi trường thiên nhiên và chưa ý thức được tại sao phải bảo vệ môi trường.
Chính từ những hành động nhỏ nhất như vứt rác bừa bãi đến những hành động lớn hơn như xây cất, trồng trọt… đã làm cho môi trường dần bị huỷ hoại. Tham vọng của con người càng lớn, thiên nhiên bị huỷ hoại càng nhanh. Cụ thể, để có đất để xây cất, trồng trọt, con người đã phá rừng (đặc biệt là rừng đầu nguồn), xẻ núi.
Việc phá rừng sẽ khiến cây cối sẽ không thể quang hợp. Bầu khí quyển sẽ không được lọc được khí, gây ô nhiễm trầm trọng; ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người và các loài động vật.
Xẻ núi mở đường sẽ thường xuyên xảy ra lũ lụt, sạt lở và xói mòn đất. Môi trường sống của sinh vật sẽ bị huỷ hoại nặng nề; các loài vật sẽ dần bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Hơn nữa, việc phá hoạt rừng sẽ gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên,... quỹ đạo của các hành tinh thay đổi cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ và cải thiện môi trường sống?
Nhận thức được tại sao phải bảo vệ môi trường chúng ta sẽ tìm ra những cách đơn giản, có thể can thiệp được và làm được để góp phần cải thiện môi trường đang bị đe dọa. Và chỉ với những hành động đơn giản diễn ra hàng ngày của chúng ta cũng đã giúp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Hạn chế sử dụng túi nilon. Phân loại rác, đối với những rác tái chế được như chai nhựa, giấy, túi nilon... gom lại bán phế liệu, tiết kiệm được nguồn tài nguyên.
- Không chặt cây, bẻ cành; tích cực trồng và chăm sóc cây xanh ở nhà. Bên cạnh đó cần lên án, phê phán những trường hợp không biết giữ gìn và bảo vệ cây xanh nơi công cộng.
- Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế đi xe máy, ô tô để giảm khí thải ra môi trường.
- Đối với môi trường nước: Không vứt rác, xác chết động vật xuống sông, ao hồ, bờ biển…
- Tiết kiệm điện năng, tắt điện khi không cần thiết.
- Áp dụng nguyên tắc 3R (reduce, reuse, recycle); tức là giảm sử dụng - tái sử dụng - sử dụng sản phẩm tái chế.
- Tiết kiệm giấy cũng góp phần bảo vệ cây xanh bởi rừng là nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy.
- Sử dụng các thành tựu công nghệ, thiết bị tiến bộ của khoa học để bảo vệ môi trường.
Chắc hẳn những thông tin trong bài viết trên đã giúp các bạn hiểu được lý do tại sao phải bảo vệ môi trường rồi đúng không? Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ, cải thiện môi trường ngày càng tốt đẹp hơn. Bảo vệ môi trường cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất: không vứt rác bừa bãi, hạn chế dùng túi nilon; như vậy sẽ giữ cho môi trường luôn xanh, sạch đẹp, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn việc chặt phá rừng; cần khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 18
An ninh môi trường là thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Theo báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên Hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 7 lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị.
An ninh môi trường là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó. Dưới góc độ triết học, việc giải quyết vấn đề an ninh môi trường là bảo vệ môi trường sống, môi trường tồn tại của con người và xã hội loài người; Là bảo vệ một trong ba yếu tố cấu thành của tồn tại xã hội.
An ninh môi trường không được bảo đảm thì xã hội không có sản xuất vật chất, không có đời sống tinh thần, không có sự tồn tại và phát triển. Như C.Mác đã khẳng định: “Con người sốngbằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thểcủa con người,... con người là một bộ phận của tự nhiên”(1)và “Công nhân không thể tạo ra cái gì khác nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu, trong đó lao động của anh ta triển khai, từ đó và nhờ đó, lao động của anh ta sản xuất ra sản phẩm”(2).
Biểu hiện củamôi trường bị mất an ninh là: Cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, biến đổi các chu trình sinh -địa, suy giảm đa dạng sinh học... Vì vậy, nếu không giữ được an ninh môi trường thì những thảm họa môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, trở thành ngòi nổ cho các bất ổn xã hội, các cuộc xung đột, chiến tranh và thậm chí hủy diệt loài người.
Ở Việt Nam, bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trườnglà trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”(3).
Khái niệm an ninh môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường”(4).
Đồng thời, “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống”(5). Điều này cho thấy, trong những năm gần đây, vấn đề bảo đảm an ninh môi trường đã được Đảng, Nhà nước taquan tâm và thể chế hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách,pháp luật.
Mặc dù vậy, môi trường nước ta hiện vẫn đang bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia. Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: “Các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”(6).
Bên cạnh đó, “Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng”(7). Vì vậy, việc xem xét, đánh giá vấn đề an ninh môi trường ở nước ta hiện nay là cần thiết. Có thể khái quát một số biểu hiện của an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống (hay còn gọi là quá trình tự hủy diệt) do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ragây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đến an ninh môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai. Ô nhiễm môi trường bao gồm ba loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Cả ba loại ô nhiễm đó đều đang vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép ở các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lýnước thải rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%, như: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lýnước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Thí dụ như, dọc lưu vực sông Đồng Nai mỗi ngày phải tiếp nhận trên 111 nghìn m3 nước thải của 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung(8), số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận...
Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã hủy hoại môi trường, phá vỡ hệ thống thủy lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán hoặc ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội như trường hợp nhà máy Formusa (Hà Tĩnh) năm 2016. Số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn, có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41nghìnngười đã bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trên 176 nghìn người phụ thuộc bị ảnh hưởng do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4nghìntàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng(9).
Bên cạnh ô nhiễm ở các khu công nghiệp là ô nhiễm ở các làng nghề. Trong đó, ngành sản xuất có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, quá trình nàyphát sinh các khí độc,như:hơi axit, kiềm, oxit kim loại (PbO, ZnO, Al2 O3), nhưlàng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên).
Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủycác chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải ra tạo nên các khí như SO2, NO2, H2S, NH3... Các khí này có mùi hôi tanh, điển hình như ở làng trống da Lâm Yên (Đại Lộc, Quảng Nam).
Các làng nghề ươm tơ, dệt vải và thuộc da, thường bị ô nhiễm các khí: SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan. Nồng độ SO2, NO2 tại các làng nghề tái chế nhựa khá cao, vượt nhiều lần giới hạn cho phép. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, dẫn đến sựphản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc.
Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. Đây là quá trình tự hủy diệt môi sinh của con người trong quá trình tồn tại và phát triển.
Hai là, biến đổi khí hậu đe dọa môi sinh. Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong 50 năm qua, thời tiết ở nước ta có nhiều thay đổi bất thường. Nhiệt độ trung bình hằng năm đều tăng. Số đợt không khí lạnh giảm rõ rệt, các đợt lạnh bất thường tăng cao. Biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của nông dân, nhất là các hiện tượng khí hậu cực đoan như: tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang và sẽ làm mất đi nhiều diện tích trồng cây lương thực(10).
Sự bất thường của chu kỳ khí hậu nông nghiệp không những dẫn tới sự tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng, mà còn gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác. Theo tính toán của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang làm cho năng suất lúa xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Trong 10 năm trở lại đây, cả nước liên tiếp xảy rathiên tai, như: lũ lụt, ngập úng lớn, lũ quét, hạn hán,...gây thiệt hại nặng nề đến đời sống dân cư, hạ tầng cơ sở. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ xảy ra từ mùng1đến mùng 3/8/2017 trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 33 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất lên tới hơn 610 tỷ đồng(11).
Đợt mưa lũ bất thường xảy ra từ ngày 9 đến 14/10/2017 tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây thiệt hại nặng nề: Hòa Bình ước tính 802 tỷ đồng,Yên Bái khoảng 700 tỷ đồng,Thanh Hóa khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng. Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính khoảng 6,1 nghìn tỷ đồng. Tính chung mười tháng năm 2017, thiên tai làm 280 người chết, mất tích và 283 người bị thương; 4,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 308 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 163,7 nghìn ha lúa và 101,4 nghìn ha hoa màu hư hỏng(12).
Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng tị nạn môi trường/khí hậu (trong nước và quốc tế) do mất nơi ở, thiếu đất sản xuất, môi trường biến đổi hoặc do bệnh tật và nghèo đói. Vấn đề tị nạn khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội, kinh tế mà có thể còn là vấn đề chính trị, chiến tranh.
Ba là, xung đột môi trường nước. Việt Nam có 2.360 con sông thuộc 16 lưu vực sông. Trong đó, hơn 60% tài nguyên nước mặt xuất phát từ các quốc gia khác. Hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước xuất phát từ Trung Quốc. Hệ thống sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có 10% nguồn nước bổ sung từ nội địa, trong khi 90% nguồn nước chảy qua từ biên giới Campuchia và ngược lên thượng lưu Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Hệ thống sông Mã, sông Cả đều có 40% lưu vực phía thượng nguồn nằm trên lãnh thổ Lào.
Hệ thống sông Đồng Nai cũng có 15% lưu vực phía thượng nguồn là Campuchia chảy qua. Với đặc điểm như vậy, Việt Nam cực kỳ nhạy cảm với mọi hoạt động liên quan đến khai thác và sử dụng nguồn nước từ phía thượng lưu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang làm suy thoái tài nguyên nước, nhưng nhu cầu dùng nước của các quốc gia đều tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột trong sử dụng chung nguồn nước.
Để bảo đảm sự bền vững về tài nguyên nước, mức khai thác không được vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30 -50% lượng dòng chảy, ở Ninh Thuận khai thác tới 70 -80% nguồn nước. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện chặn hoàn toàn dòng chảy sông là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: Sông Hồng, Sông Đồng Nai, Sông Sài Gòn, Sông Gia Vu, Sông Thu Bồn, Sông Ba, Sông Sêrêpok ...
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của nhân dân nhưng lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi. Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3 một người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta(13).
Bốn là, “xâm lược sinh thái” đe dọa an ninh môi trường. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đi sau các nước phát triển nhiều thập kỷ.Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, lợi dụng sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật và yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nhiều cán bộ nước ta đang tiếp tay cho các loại tội phạm, tiếp tay cho “xâm lược sinh thái” như: nhập khẩu phế liệu công nghiệp, nhập khẩu các sinh vật ngoại lai, nhập khẩu nông sản có hóa chất độc hại, ... biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, nông nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay 70% kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước có công nghệ trung gian. Việc nhập khẩu thiết bị máy móc thế hệ cũ này đang làm gia tăng hiện tượng phát thải, rác thải. Đặc biệt trong những năm gần đây, tình trạng đáng lo ngại là gia tăng việc nhập khẩu phế liệu, hàng cũ vào nước ta như thép phế liệu, giấy phế liệu, bao bì nhựa, hàng điện tử đã qua sử dụng và máy tính cũ.
Ngoài ra, an ninh sinh thái do sự nhiễu loạn của nhiều hệ sinh thái, sự xâm lấn của các sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gen đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, gây ảnh hưởng tới an ninh môi trường quốc gia. Thí dụ như, năm 2000, chuột hải ly đã được nhập khẩu nuôi thử nghiệm ở Việt Nam. Đây là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Loài chuột hải ly mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da... gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các động vật khác.
Mặc dù khi phát hiện tác hại tới môi trường sinh thái, chuột hải ly đã bị tiêu hủy nhưng vẫn còn và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước ta hiện nay. Bên cạnh đó là tôm hùm đỏ, gián đất, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, chồn nhung đen... là những sinh vật ngoại lai có thể gây hậu quả nghiêm trọng nằm trong danh sách cấm nhập khẩu và không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng hiện nay vẫn còn và gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Đằng sau việc đưa công nghệ lạc hậu, đưa sinh vật độc hại biến đổi gen vào Việt Nam những năm gần đây gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái còn thể hiện âm mưu chiến tranh sinh thái, đe dọa an ninh môi trường ở nước ta. Các nước nghèo như Việt Nam rất dễ bị mắc bẫy này. Việc những người dân sống dựa vào rừng, dựa vào tài nguyên sinh thái, nay phải sang các nước khác để kiếm sống đang được hiểu là mất an ninh môi trường. Bởi vì, suy thoái môi trường dẫn đến tị nạn môi trường. Những cộng đồng sống dựa vào tài nguyên, khi mất các dịch vụ sinh thái, không còn mưu sinh, họ trở thành tị nạn môi trường ở các khu đô thị khác hoặc sang nước ngoài để kiếm kế sinh nhai. Tại nhiều tỉnh gần biên giới, khi người dân không sống dựa vào tài nguyên sinh thái được, họ sẽ tìm cách sang các nước khác làm thuê, trở thành tị nạn môi trường. Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới mặc dù chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định.
Có thể khái quát một số nguyên nhân gây mất an ninh môi trường cơ bản sau:
Thứ nhất, do nhận thức chưa đầy đủ về môi trường. Trong thời gian qua, nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân trong việccần phải giữ vững an ninh môi trường còn yếu kém. Việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với an ninh môi trường chưa cao. Việc giáo dục ý thức an ninh môi trường cho xã hội vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Qua khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 33,9% số người được hỏi cho rằng: tài nguyên của Việt Nam là vô tận; 36,9% cho rằng tài nguyên rừng của Việt Nam là vô tận; 27,55% cho rằng chỉ nước mặt mới bị ô nhiễm, còn nước ngầm thì không; 29,2% cho rằng môi trường ở thành phố bị ô nhiễm, còn ở nông thôn thì không(14).
Theo khảo sát của Tổng cục môi trường (tháng 10-2010), trên 90% người dân được hỏi cho rằng họ có quá ít thông tin về môi trường và cho rằng lỗi ô nhiễm môi trường là thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương(15). Trên thực tế còn có nhiều quy định về bảo vệ môi trường mà người dân không được biết, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa thường có những hoạt động trực tiếp liên quan đến bảo vệ an ninh môi trường. Chính việc nhận thức sai lệch trên là một trong những nguyên nhân khiến cho các cấp chính quyền và người dân có những hành vi không thân thiện với môi trường, thiếu ý thức bảo vệ an ninh môi trường.
Thứ hai, do quản lý nhà nước về môi trường thiếu hiệu quả. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tuy đã được hình thành về cơ bản nhưng vẫn nhiều quy định còn chung chung, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, thậm chí chồng chéo giữa các luật với nhau như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, Luật Khoáng sản,... Thiếu các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, chưa có cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả. Các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát sinh và tính chất ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Ở cấp địa phương, cơ cấu tổ chức và năng lực của tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường chưa có sự chủ động, chưa tranh thủ được tối đa, nắm bắt kịp thời các cơ hội huy động hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ về bảo vệ an ninh môi trường.
Thứ ba, vai trò tham gia của doanh nghiệp trong bảo đảm an ninh môi trường chưa cao. Còn nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào các nhóm hành vi: thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận; Quản lý chất thải không đúng quy định; tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải không qua xử lý ra môi trường; Xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...
Trước tình hình an ninh môi trường đang đe dọa tới sự phát triển kinh tế - xã hội và sự tồn vong của con người, Việt Nam cần tích cực thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, trước hết là của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên về an ninh môi trường và trách nhiệm bảo đảm an ninh môi trường; làm cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác của mỗi thành viên trong xã hội, trở thành nếp sống văn hóa của mỗi người; làm cho an ninh môi trường thực sự trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia.
Đồng thời, quán triệt quan điểm đầu tư phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; trong các kế hoạch, các quy hoạch, các dự án của quá trình phát triển kinh tế phải có các biện pháp và kế hoạch bảo vệ môi trường. Phải nhanh chóng lồng ghép chặt chẽ an ninh môi trường với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và an ninh môi trường; tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường, thành lập cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh môi trường quốc gia. Về công tác lập pháp, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi pháp luật về bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành pháp luật về an ninh môi trường.
Đồng thời, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh môi trường, nhất là trong việc áp dụng các công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm tra, thanh tra, quan trắc, giám sát nguồn thải...;bảo đảm các công cụ, biện pháp này phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra môi trường. Bên cạnh đó,xem xét, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn, phức tạp và sự bùng phát các sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Ba là, cần xây dựng năng lực giám sát, cảnh báo khí hậu, thiên tai thông qua việc mở rộng, phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn theo hướng kết kết hợp quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn với giám sát, cảnh báo khí hậu; Tăng cường phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu về khí hậu và biến đổi khí hậu phục vụ hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu công bố trước thời kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để lồng ghép, điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
Tiếp tục nghiên cứu nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác phù hợp với đặc điểm sinh thái của các vùng và địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuyển đổi sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tăng cường hệ thống bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Bốn là, do phụ thuộc vào nguồn nước ở các nước thượng nguồn nên để bảo đảm an ninh nước cho Việt Nam và phát triển bền vững, giải pháp hợp tác tài nguyên nước các lưu vực sông quốc tế, nguồn nước xuyên quốc gia là đặc biệt quan trọng và cấp bách. Việt Nam cần chủ động và có biện pháp cụ thể hợp tác tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng với Trung Quốc và hợp tác khai thác sông Mê Kông với các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, tiến tới xây dựng các hiệp định, quy chế quản lý, chia sẻ và bảo vệ tài nguyên nước đối với các sông quốc tế, nguồn nước xuyên quốc gia. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và các điều ước quốc tế có liên quan.
Năm là, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là phòng, chống dịch chuyển ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia; Ngăn chặn nạn chặt phá rừng, săn bắt có tính hủy diệt động vật, nguồn lợi thủy sản; Chống buôn lậu, nhập khẩu trái phép rác thải công nghiệp, nông sản, thực phẩm có chất bảo quản độc hại và các hành vi cố tình xả thẳng khí thải, rác thải độc hại chưa xử lý ra môi trường.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 19
Tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ở nước ta.
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm,... Còn theo kết quả nghiên cứu khác vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe.
Mới đây, hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên khảo sát ở 132 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát; về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe đứng vị trí 77; về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79. Đó là những đánh giá chung, còn nếu xem xét cụ thể trên từng khía cạnh thì sẽ càng thấy rõ hơn bức tranh chung của môi trường Việt Nam hiện nay.
Rừng tiếp tục bị thu hẹp:
Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước, năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh.
40 năm trước đây, ha đất ven biển nước ta được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nhưng chỉ trong 5 năm, , ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá - tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó. Rừng ngập mặn trưởng thành rộng lớn ở vùng châu thổ sông Hồng hầu như đã bị tàn phá. Hệ lụy kéo theo là sự giảm sút mạnh của năng suất nuôi trồng thủy sản ven biển và sự mất cân bằng môi trường sinh thái.
Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đến hết năm 2012 có hơn ha rừng tự nhiên bị phá để sử dụng vào nhiều mục đích, nhiều nhất là để làm thủy điện, nhưng chỉ mới trồng bù được hơn 700 ha. Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có loài động vật, loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới.
Thế nhưng, trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Và, mặc dù có vẻ nghịch lý nhưng có một thực tế là các trang trại gây nuôi động vật hoang dã như nuôi những loài rắn, rùa, cá sấu, khỉ và các loài quý hiếm khác vì mục đích thương mại ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lại không hề làm giảm bớt tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, mà thậm chí còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi những trang trại này đã liên quan tới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Tiến sĩ Elizabeth L. Bennett, Giám đốc Chương trình Giám sát nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết: Thay vì hoạt động nhằm mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã lại vì mục đích thương mại nên trên thực tế trở thành mối đe dọa với các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Các phân tích từ những báo cáo cho thấy tác động tiêu cực của các trang trại này lớn hơn rất nhiều so với những ích lợi mà chúng có thể đem lại. Thậm chí, những trang trại gây nuôi các loài sinh trưởng nhanh với tỷ lệ sinh sản cao cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn vì những trang trại này liên tục nhập khẩu các loài động vật có nguồn gốc tự nhiên.
Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, như: ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại dừa, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ - một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.
Ô nhiễm sông ngòi:
Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bị ô nhiễm nặng nề là điều dễ dàng nhận thấy qua thực tế, cũng như qua sự phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, sông ở nhiều vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống.
Các dòng sông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất là: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những con sông này đã trở nên độc hại, làm hủy hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng.
Bãi rác công nghệ và chất thải
Hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam là chủ sở hữu của hơn một nghìn con tàu biển trọng tải lớn, cũ nát. Hầu hết các cảng biển trên thế giới đều không cho phép loại tàu này vào, vì nó gây ô nhiễm môi trường lại không bảo đảm an toàn hàng hải. Thế nhưng, hơn một nghìn con tàu cũ nát đó vẫn đang được neo vật vờ ở các tuyến sông, cửa biển để chờ được hóa kiếp thành phế liệu mà việc phá dỡ loại tàu biển cũ này sẽ thải ra rác thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường sống.
Nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung rác công nghệ và chất thải. Bài học xương máu này đã từng xảy ra với ngành sản xuất xi măng, song vẫn có khả năng lặp lại nếu những dây chuyền luyện gang, thép bị loại bỏ ở Trung Quốc được đưa về lắp đặt ở Việt Nam.
Ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp
Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao. Trong đó, lo ngại nhất là chất thải từ chăn nuôi. Hiện cả nước có trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (45%) và Đông Nam Bộ (13%), với tổng đàn gia súc 37,8 triệu con và trên 214 triệu con gia cầm. Theo tính toán của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phân thải của bò khoảng kg/con/ngày, trâu là kg/con/ngày, lợn là 2,5-3,5 kg/con/ngày và gia cầm là 90 gr/con/ngày. Như vậy, tính ra tổng khối lượng chất thải trong chăn nuôi của nước ta hiện khoảng hơn 73 triệu tấn/năm.
Nuôi trồng thủy sản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Việc đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng năng suất tại các vùng nuôi tôm tập trung, trong đó chủ yếu là tôm sú đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, không có kiểm soát đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, quá hạn sử dụng còn tồn đọng cần tiêu hủy là hơn 700 kg (dạng rắn) và hơn lít (dạng lỏng).
Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, khu vực nông thôn thải ra khoảng 10 triệu tấn/năm chất thải rắn sinh hoạt, nhưng đến năm 2010 tăng lên tới 13,5 triệu tấn/năm. Số rác thải này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Ô nhiễm ở các làng nghề
Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.
Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý đã thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, Tài da, liệu mỡ chia làm sẻ tại cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động gần đây cho biết, trong các làng nghề, những bệnh mắc nhiều nhất là bệnh liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%. Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.
Khai thác khoáng sản
Cùng với nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu, nguồn tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất của nước ta đã bị khai thác khá mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm , mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,1-2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu thô) với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, nhưng chỉ mang lại giá trị triệu USD. Riêng năm 2012, lượng khoáng sản xuất khẩu vẫn gần tấn thông qua đường chính ngạch. Nếu cộng cả số xuất lậu, xuất qua đường biên mậu, số lượng xuất khẩu còn lớn hơn nữa (vào năm 2008, chỉ riêng xuất lậu quặng ti-tan ước tính đã lên đến tấn).
Trong ba năm, hoạt động khai thác sắt, ti-tan khiến các khu vực, rừng ven biển từ Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng mất đi và dân làng biển đang phải đối mặt bão, lũ, gió cát. Và, hậu quả của ô nhiễm môi trường từ những hoạt động khai thác khoáng sản đã quá rõ ràng. Qua điều tra, cứ người dân Quảng Ninh có người mắc bệnh, chủ yếu là mắc bệnh bụi phổi, hen phế quản, tai mũi họng (80%). Kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy nồng độ bụi ở khu vực Cẩm Phả vượt từ 3-4 lần tiêu chuẩn cho phép, gần 0,3 mg/m3 trong 24 giờ (gồm bụi lơ lửng, bụi Pb, Hg, SiO2, khí thải CO, CO2, NO2). Mỏ Đèo Nai phải xử lý lượng đổ thải chất cao thành núi trong mấy chục năm qua. Mỏ Cọc Sáu với biển nước thải sâu 200m chứa 5 triệu m3có nồng độ a-xít cao và độ PH 4-4,5mgđl/l sẽ phải tìm công nghệ phù hợp để xử lý.
Ô nhiễm không khí
Việt Nam cũng đang bị coi là nước có ô nhiễm không khí cao tới mức báo động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 (tức bụi có kích thước bé hơn 10μ) tăng 1,07 lần. Kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt chỉ mới được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 20
Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất đã có lần tâm sự: “Sau khi bay vòng quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ, tôi thấy hành tinh của chúng ta đẹp biết bao. Các bạn ơi, hãy cùng bảo vệ và làm cho vẻ đẹp này thêm tươi sắc, chứ đừng hủy hoại nó nhé!”.
Thế nhưng, Trái Đất tươi đẹp với 3 phần 4 là biển và đại dương đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thay vì cố gắng tìm một hành tinh khác có sự sống trong dải ngân hà tại sao chúng ta không cứu lấy Trái Đất và việc đầu tiên cần làm là lắng nghe tiếng gọi của biển xanh.
Biển như người mẹ cung cấp cho con người rất nhiều thứ, từ nguồn lợi du lịch, khoáng sản, hải sản, giao thông… nhưng biển chưa bao giờ đòi hỏi loài người phải trả lại cho biển điều gì cả. Ngược lại, con người đối xử bất công và thực sự vô ơn.
Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra Trái Đất nóng lên, băng từ hai cực tan ra, mực nước biển ngày càng dâng lên. Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra nguồn hải sản đang cạn kiệt, nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Và khi cá chết ở nhiều nơi, người ta mới giật mình tự hỏi hình như nước biển đang ô nhiễm.
Đại dương mênh mông cũng đáp trả con người bằng những hành động giận dữ. Không gì khác đó chính là sự biến đổi khí hậu. Khi chiến thắng trong một hạng mục của giải thưởng OSCAR, diễn viên Leonardo vẫn không quên truyền đi một thông điệp tới cả thế giới: “Chiến thắng này cũng là một cơ hội quan trọng để mọi người chú ý nhiều hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động của chính chúng ta”.
Những mùa đông băng giá hơn, mùa hè nắng nóng hơn khắc nghiệt hơn. Mực nước biển dâng lên làm xâm nhập mặn đất nhiễm phèn, ảnh hưởng cả một nền nông nghiệp. Những cơn bão hay sóng thần thường xuyên hơn dữ dội hơn bao giờ hết, nó cuốn trôi cả con người và mọi thứ trên đường đi của mình.
Nhiều người vẫn không thể quên được lời nói xúc động của cô bé 6 tuổi trước khi buông tay mẹ và bị cơn bão Haiyan cuốn đi: “Mẹ, mẹ hãy buông con ra. Mẹ hãy tự cứu lấy mình”. Phải chăng đã đến lúc con người phải tự cứu lấy chính mình trước khi quá muộn.
Vì lợi nhuận kinh tế, con người sẵn sàng hủy hoại môi trường biển. Có người vì lợi nhuận nhỏ bán hàng ngay tại bãi biển các khu du lịch tiếp tay cho du khách xả rác vô điều kiện. Có người vì lợi nhuận lớn hơn thảm sát cá bằng các phương tiện hủy diệt. Có người vì lợi nhuận lớn hơn nữa sẵn sàng xả thải trực tiếp các chất hóa học độc hại xuống biển.
Thực chất, chúng ta đang vay nặng lãi để thế hệ con cháu phải gánh chịu món nợ của cha ông. Bạn thu được 1 đồng từ việc xâm hại biển bạn phải mất hàng nghìn lần như thế để cải thiện lại môi trường.
Bộ phim Mỹ nhân ngư lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nhưng lại đem đến một thông điệp rất đời: “Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành thì tiền còn nghĩa lý gì?”.
Tôi có một niềm tin sâu sắc về hiệu ứng cánh bướm, rằng “Một con bướm có thể vỗ cánh trên một bông hoa Trung Quốc và gây ra một cơn bão ở biển Caribbean”.
Một hành động dù nhỏ cũng có thể tạo nên sức lan tỏa rộng lớn như những cơn bão. Thay vì kêu cứu, bức xúc hộ biển xanh, biển tự biết cách bức xúc theo cách của mình. Hãy bắt tay ngay vào hành động.
Một cây xanh bạn trồng ở đất liền cũng có thể khiến đại dương xa xôi bình yên hơn. Từ chối sử dụng túi nilon khi mua hàng cũng có thể khiến thế giới thoát khỏi thảm cảnh là một biển rác. Hay tiết kiệm một giọt nước ngọt cũng là cách để biển không phải rơi nước mắt, biển quá mặn rồi.
Bạn đừng xả rác, lãng phí năng lượng, chặt phá cây xanh rồi sau đó tự hào vì đã gửi vài trăm nghìn đồng hỗ trợ nạn nhân bão lụt. Các công ty đừng xả thải trực tiếp ra môi trường rồi sau đó dành tiền hỗ trợ những nông dân là nạn nhân do hành động của chính họ gây ra.
Biển sẽ mãi bao bọc chở che con người khi con người biết lỗi và sẵn sàng sửa lỗi. Sau ồn ào biển nhất định dịu êm. Văng vẳng đâu đây một viễn cảnh tươi sáng hơn trong giai điệu bài Biển hát chiều nay (nhạc sĩ Hồng Đăng):
“Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng.
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương.
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.”
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 21
Giữa con người và môi trường sống có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Môi trường tạo ra các điều kiện sống cần thiết để con người tồn tại và phát triển. Con người có vai trò khai thác và cải tạo môi trường phù hợp với các điều kiện sống và hoạt động sản xuất của mình, đồng thời tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ lấy môi trường ấy. Thế nhưng, ý thức bảo vệ môi trường sống của con người hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Con người đang gia tăng các hoạt động hủy hoại môi trường, đe dọa trực tiếp đến đời sống của con người trên trái đất.
Môi trường sống là gì?
Môi trường sống là toàn bộ những gì bao quanh, có tác động trực tiếp lên đời sống con người. Môi trường phân làm hai loai. Thứ nhất là môi trường tự nhiên. Đó là môi trường vốn dã có sẵn của tự nhiên bao gồm đất đai, nước, các điều kiện khí hậu, rừng, sinh vật, tài nguyên trong đất,…. Thứ hai là môi trường nhân tạo (hay còn gọi là môi trường xã hôi). Đó là môi trường do con người tạo ra thông qua các hoạt động sinh sống và sản xuất như: nhà cửa, đất sản xuất, hồ nước,… Con người làm ra các môi trường nhân tạo nhằm cung cấp các điều kiện phù hợp với hoạt động sống và sản xuất của mình.
Tại sao học sinh phải có ý thức bảo vệ môi trường?
Con người không thẻ tách mình ra khỏi môi trường sống dù là môi trường tự nhiên hay môi trường nhân tạo. Môi trường sống cung cấp cho con người những điều kiện sống cần thiết và phù hợp để duy trì sự sống và các hoạt động sản xuất. Một khi môi trường ấy thay đổi thì đời sống con người cũng bị ảnh hưởng.
Một thực trạng dễ thấy hiện nay đó là môi trường sống đang bị suy thoái nghiêm trọng. Trước hết là môi trường tự nhiên đang bị phá hoại đến mức kiệt quệ. Diện tích rừng bị thu hẹp trên toàn thế giới, khoáng sản bị khai thác bừa bãi và đang dần cạn kiệt. Nguồn nước bị ô nhiễm, mực nước ngầm hạ thấp, nhiều khu vực trên thế giới đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bầu không khí đang nóng lên từng ngày do khí thải công nghiệp. Nước biển dâng cao do băng tan ở hai cực đe dọa trực tiếp đến người dân vùng trũng thấp. Thiên nhiên đang đứng trước bò vực bị hủy hoại, không thể phục hồi được. Bảo vệ môi trường, cứu lấy sự sống trên trái đất là thông điệp quan trọng được phát đi từ các hội nghị thế giới trong những năm qua.
Môi trường xã hội cũng bị xâm hại nghiêm trọng bởi rác thải và khí thải. Ô nhiễm môi trường sống là một hiện tượng phổ biến ở các thành phố lớn. Các tệ nạn xã hội không ngừng gia tăng. Hiện tượng bạo lực diễn ra khá phổ biến. Đạo đức con người không ngừng suy thoái, biến chất. Văn hóa phẩm đồi trụy len lỏi trong đời sống con người gây nên những hậu quả to lớn. Làm cho môi trường xã hội trở nên trong sạch, vững mạnh và văn minh, giúp đất nước phát triển luôn là nhiệm vụ được quan tâm của các quốc gia trên thế giới.
Cầm làm gì để bảo vệ môi trường?
Tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm, bổn phận của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Cũng cần có sự hợp tác, đoàn kết, chung tay góp sức của nhân dân trên toàn thế giới.
Đối với môi trường tự nhiên:
Bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Bởi sự phục hồi của các tài nguyên thiên nhiên là rất chậm. Phải cần đến hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm những gì con người đã lấy đi từ tự nhiên mới trở lại như lúc ban đầu.
Không đốt phá rừng, không khai thác bừa bãi động, thực vật rừng. Tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Mỗi mầm xanh là một phần của lá phổi xanh, yếu tố duy trì sự sống của con người và muôn vật. trái đất càng xanh tươi thì sự sống mới bền vững, thiên tai mới bớt đi, nhiệt độ và khí độc sẽ dần giảm bớt, đất đai sẽ phì nhiêu hơn.
Tích cực cải tạo các môi trường hoang mạc, đưa đất đai vào phục vụ sản xuất của con người. Vừa khai thác, vừa bảo vệ tự nhiên một cách hài hòa, bền vững.
Đối với môi trường xã hội:
Giữ gìn trật tự vệ sinh nơi ở và những nơi công cộng. Không vứt rác, xả nước thải bừa bãi. Không xả thải chất độc hại ra môi trường sống. Bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ động thực vật, không tham gia mua bán động, thực vật quý hiếm.
Quyết liệt đấu tranh, lên án và chống lại những hành vi phá hoại môi trường. Xây dựng môi trường sống trong sạch, văn minh, tiến bộ. Quyết liệt loại trừ tệ nạn xã hội ra khỏi cuộc sống. Kiên quyết tố cáo và xử lí tội phạm trong cộng đồng. Đề cao đời sống văn hóa tri thức. Tăng cường lối sống trung thực, đoàn kết gắn bó giữa con người với con người.
Tăng cường giáo dục về ý thức tôn trọng, gìn giữ vào bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ hôm nay. Tuyên truyền, cổ động và hướng dẫn thực hiện ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Phê phán:
Trong cuộc sống, có nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường. Vì lợi ích cá nhân, nhiều người bất chấp đạo lí, nhẫn tâm hủy hoại môi trường sống, làm tổn hại đến đời sống và sức khỏe của nhiều người. Những người như thế thật đáng lên án và bị pháp luật trừng trị.
Bài học:
Bảo vệ môi trường sống là bảo vệ sự sống lâu dài của chứng ta. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hộiú
Để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế và tham vọng chinh phục thế giới tự nhiên, thống trị trái đất, con người đã không ngừng làm tổn hại thiên nhiên và môi trường sống mà không lường hết hậu quả của nó. Mẹ trái đất đang nổi giận và sẵn sàng tạo ra những điều khủng khiếp, trừng phạt đối với con người. Bởi thế, nhu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 22
vHiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thời kì của xã hội tiêu thụ và dân số tăng nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát, ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống con người ngày càng nặng nề hơn. Do đó việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người trên thế giới.
Ai cũng biết rằng môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với con người. Con người không thể tồn tại khi tách rời môi trường. Tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường: không khí để thở, thức ăn, nước uống, đất đai canh tác, đất đai để xây dựng nhà ở, nhà máy, công xưởng, bệnh viện, trường học… và nguyên vật liệu để sản xuất ra các phương tiện làm việc, học tập. Từ những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt nhất cho đến những của cải quý giá nhất, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Ngay cả những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo”, thực chất cũng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Môi trường là điều kiện sinh tồn và phát triển của xã hội loài người. Con người là một phần trong quần thể sinh vật của thế giới tự nhiên.
Môi trường quen thuộc và gần gũi với chúng ta như những người bạn thân thiết trong cuộc đời. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, con người đã đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nước ở các dòng sông bị nhiễm độc trở thành nguồn phát sinh bệnh tật; núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng bão lũ xảy ra bất thường, không khí đầy chất độc và nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Trước tiên, do trình độ hiểu biết của con người còn thấp.Vì ích kỉ tư lợi dẫn đến không có ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường. Tiếp đến là sự khai thác thiên nhiên quá mức, lối sống tiêu thụ thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy mà không xây dựng khu xử lí chất thải, khí thải; thiếu quan tâm đến sự cân bằng, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững…
Các hành động gây ô nhiễm môi trường là muôn hình muôn vẻ và nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, thậm chí nghiêm trọng, ở nước ta, nạn chặt phá rừng vô tội vạ do thói quen đốt rừng làm nương, mở rộng đất canh tác có từ lâu đời của đồng bào miền núi. Quyền lợi của cá nhân hoặc lợi nhuận của những doanh nghiệp khai thác lâm sản là rất lớn dẫn đến hiện tượng phá rừng, lở núi, lũ quét, lũ lụt… gây hậu quả thảm khốc.
Ở nông thôn, hiện nay nông dân sử dụng hóa chất rất tùy tiện. Hóa chất độc hại ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước. Ngư dân nhiều nơi đánh bắt thủy hải sản bằng thuốc nổ, bằng lưới vét làm cạn kiệt nguồn lợi lâu dài. Ở các thành phố lớn, ô tô, xe máy xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
Các phương tiện truyền thông hằng ngày cho thấy nhiều hình ảnh thương tâm và đáng sợ. Đó là khung cảnh hoang tàn của những khu vực bị bão lũ tàn phá ở các tỉnh phía Bắc năm 2007; những cánh rừng nguyên sinh giờ đây trở nên trơ trụi ở Nghệ An, Binh Thuận, Đắc Lắc… Những vùng đất xưa kia trù phú xanh tươi giờ đã bị con người biến thành vùng đất chết ở Tây Nguyên. Những dòng sông đem lại sự sống từ hàng ngàn năm nay, là đề tài của thơ ca nhạc họa giờ đây đã bị biến thành những dòng sông “chết” vì bị nhiễm độc bởi chất thải công nghiệp, ví dụ như sông Thị Vải, sông Cầu, sông Hồng… Có thể nói tất cả các con sông trên toàn quốc đều bị ô nhiễm nhưng nặng nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì lợi ích riêng, khi xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, người ta đã không xây dựng khu xử lí nước thải và khí độc mà cứ vô tư xả lên trời hoặc xả trực tiếp vào các dòng sông, biến sông ngòi, kênh rạch thành những cống chứa nước thải tự nhiên hết năm này qua năm khác.
Tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Khí hậu trái đất đang nóng dần lên một cách bất thường bởi hiệu ứng nhà kính. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, dữ dội là nguyên nhân dẫn tới những thiên tai như giông bão, sóng thần, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán… dồn dập xảy ra trên khắp thế giới, gây nên những thiệt hại ghê gớm về của cải và tính mạng, ô nhiễm không khí, tầng ôzôn bảo vệ trái đất bị thủng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và chất lượng cuộc sống. Nguồn năng lượng, nguồn thực phẩm càng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì thiếu lương thực nên nạn đói đã xảy ra ỏ một số nước, nhất là ở châu Phi. Tất cả những điều đó đe dọa an ninh về lương thực, thực phẩm và cả trạng thái hòa bình, ổn định của đời sống chính trị, xã hội trên toàn thế giới.
Quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động đỏ : SOS ! Chúng ta phải làm gì đây để cứu lấy môi trường, cứu lấy màu xanh của đất nước Việt Nam, cứu lấy Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta ?
Vậy xã hội cần có những giải pháp gì để bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề này như thế nào?
Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều nhận thức rất rõ về tình trạng ô nhiễm môi trường và đã đưa ra những giải pháp có tính chất vĩ mô. Nhà nước ta đã đưa vào Bộ luật hình sự năm 1999 điều khoản về vấn đề này: “Những kẻ có hành vi sai phạm mang tính chất hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng đủ dấu hiệu cấu thành tội gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lí theo pháp luật”, ở Trung ương và địa phương đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường và họ đã vào cuộc để giám sát, thanh tra việc xử lí khí thải, nước thải, rác thải của các xí nghiệp, nhà máy… Tuy nhiên, do trình độ quản lí của những người có trách nhiệm bị hạn chế, hoặc do họ bị các doanh nghiệp “qua mặt” nên hành động xả khí thải, nước thải, chất thải vào bầu trời và nguồn nước vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó là ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân, từng gia đình chưa tốt!
Rất nhiều giải pháp cả vĩ mô lẫn vi mô được đưa ra song vấn để hàng đầu vẫn là giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Trước hết, chúng ta phải giữ gìn môi trường sống cho sạch sẽ, không vứt rác ra đường, ra những nơi công cộng. Điều này nhỏ nhưng không dễ, phải luyện thành ý thức tự giác thường xuyên. Các khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp phải được di dời ra xa khu dân cư. Nhà nước cần tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát thường xuyên ở những nơi công cộng, những khu công nghiệp để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hành vi, hiện tượng phá hoại môi trường. Việc xả khói thải, nước thải, chất thải phải được kiểm tra thường xuyên, liên tục theo quy định. Nếu nhà máy, xí nghiệp nào có tình vi phạm thì Nhà nước phải xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động hoặc truy tố trước pháp luật. Bên cạnh việc nghiêm cấm chặt phá rừng thì phong trào trồng cây gây rừng phải được duy trì thường xuyên, liên tục để phủ xanh đất trống đồi trọc, gìn giữ lá phổi xanh cho trái đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường.
Đã đến lúc chấm dứt những hành động tàn phá môi trường và bắt tay để làm cho trái đất của chúng ta thực sự là ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp. Mỗi người đều có thể làm cho ngôi nhà chung đẹp hơn, an toàn hơn bằng những hành động cụ thể. Mỗi hành vi trong cách ứng xử với môi trường của chúng ta đều tác động đến sự bình yên của ngôi nhà chung là trái đất.
Bảo vệ môi trường sống không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Học sinh các cấp phải được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như tham quan, cắm trại, picnic, tham dự các kì thi tìm hiểu thiên nhiên, tham gia đội tình nguyện bảo vệ môi trường… để có những hiểu biết cơ bản và từ đó tự giác góp phần tạo ra môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Môi trường sống bi ô nhiễm nghiêm trọng đã và đang đưa ra những lời cành báo dữ dội đối với loài người. Hãy bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của chính mình ! Mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức làm cho Trái đất thực sự trở thành ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp của toàn nhân loại!
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 23
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm mỗi trường đang là vấn đề nhức nhối đồi với mỗi quốc gia. Không riêng gì Việt Nam, mỗi quốc gia, mỗi nước, mỗi địa điểm đều xảy ra tình trang ô nhiễm. Không ít thì nhiều, không ô nhiễm không khí thì ô nhiễm nguồn nước. Không ô nhiễm nguồn đất thì ô nhiễm tiếng ồn,…
Hậu qua ô nhiễm để lại rất nặng nề, rất nhiều hệ lụy. Chúng biến đổi hệ sinh thái chúng ta đang sinh sống, làm băng tan chảy, nước biển dâng, đất bị xâm nhập mặn…đó là minh chứng cho sự biến đổi khi hậu (hiệu ứng nhà kính) bắt nguồn từ sự ô nhiễm môi trường mà ra. Vậy, ô nhiễm mỗi trường là gì, có bao nhiêu loại ô nhiễm, thực trạng, nguyên nhân và biện pháp cần làm nhất bây giờ là gì?
Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường bị thay đổi vì tính chất Sinh – Lý – Hóa. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, động – thực vật. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường là do hoạt động của chúng ta gây nên. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khách quan là do tự nhiên gây nên: Động đất, sóng thần, vòi rồng…
Biểu hiện cho thấy sự ô nhiễm môi trường đang diễn ra như:
Trái đất nóng lên
Băng tan ở hai cực
Nước biên dâng
Đất liền bị xâm nhập
Tình trạng sạc lỡ diễn ra nhiều hơn ở ven sông ven suối
Mưa nắng thất thường, khi quá nóng, khi quá lạnh. Thời gian nắng mưa không biết trước được.
Sâu bệnh hại ngày càng khó điều trị
Nguồn nước ngày càng mất dần
Con người ngày càng nhiều bệnh tật
…
Các dạng ô nhiễm chính đó là: Ô nhiễm nguồn nước, Ô nhiễm không khí, Ô nhiễm đất, Ô nhiễm không khí…Các dạng ô nhiễm này chúng ta sẽ tìm hiểu phân tích sau ở phần bên dưới.
Thực trạng ô nhiễm hiện nay ở nước ta.
Hiện nay vấn đề ô nhiễm ở nước ta đang ở tình trang báo động. Dường như nó xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành. Nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí.
Mới đây thôi, chỉ số đo được từ AQI (chỉ số chất lượng không khí)cho thấy nước ta đang ở mức độ trung bình đến có hại và có khi lại báo rất hại(từ màu cam đến màu đỏ đậm). Nguy hiểm nhất là khi có báo hiệu màu tím(rất có hại) hay là màu nâu(nguy hiểm).
Điều đó cho thấy, các nhà máy xí nghiệm mọc lên ngày càng nhiều mà chưa giám sát chặt chẽ trong khâu xử lý rác thải thải ra và lượng khói bụi thải ra ngoài môi trường chưa được xử lý.
Bên cạnh đó thì phần lớn cũng là do ý thức của chúng ta: Vứt rác chưa đúng nơi quy định, chưa biết cách phân loại rác thải, chưa tận dụng được các loại phế liệu bỏ đi. Thải rác sinh hoạt trôi theo nguồn nước hay có những hộ dân khi có “cơ hội” mưa lớn sẽ đem rác thả trôi theo dòng nước, đổ thẳng xuống mà không một chút nghĩ ngợi. Điều này đang là được nhiều người lên án gay gắt.
Khi xảy ra các tình trạng ô nhiễm trên bạn thấy cuộc sống hằng ngày rất ngột ngạc. Đi đâu cũng phải bịt khẩu trang, ra ngoài đường trở về nhà là loại bụi mịn dính đầy cơ thể. Mưa nắng, gió bão không lường trước được.
Hoa màu, rau xanh ngày càng bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nước thải từ các nhà máy. Không có đất canh tác hoặc phải bỏ không vì bị ngập mặn. Thiếu hụt nước do nắng nóng gây ra. Hàng ngàn hecta ruộng lua phải chịu cảnh chết khô. Vụ mua gieo mạ thì chết lên chết xuống vì trời quá lạnh và ngập lụt gây ra.
Các loại động vật dễ bị dịch bệnh. Gà Vịt thì cúm gia cầm như A/H5N2 và AH5N5 AH5N1, Heo thì cúm A H1N1, H1N2, H3N1,H3N2, và H2N3… còn ở người thì dịch bệnh hoàn hành trên toàn thế giới đó là SARS-CoV do một loại virus cực động gây nên có thể truyền từ người sang người.
Hiện tượng cháy rừng, sạc lỡ đồi núi, mạch nước ngầm trong các khe hang động ngày càng ít đi. Có nhưng nơi khô hẳn dòng chảy. Có những dòng chảy lại có màu khác lạ: khi nâu, khi đỏ khi lại đen sì…Đáng chú ý nhất là hiện tượng cháy rừng, chúng bộc phát một cách dữ dội, kéo theo đó là ô nhiễm không khí, thay đổi tính cơ học của đất, chim thú hệ sinh thái đều bị thay đổi nghiêm trọng.
Có bao nhiêu loại ô nhiễm môi trường ở nước ta?
Ở nước ta, dường như loại ô nhiễm nào cũng có. Nhưng cái ô nhiễm đang lưu ý nhất là ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước! Nhưng hãy cùng chúng tôi điểm qua xem ở nước ta hiện nay đang bị loại ô nhiễm nào nhé!
Ô nhiễm không khí:
Ô nhiễm không khí nguyên nhân chủ yếu là do khói bụi từ các nhà máy xí nghiệp thải ra. Các loại ống khói cỡ lớn ngày ngày ồ ạt thải ra với màu khói đen khịt kèm theo đó là mùi hôi khó chịu.
Ô nhiễm không khí từ máy móc sinh hoạt cũng chúng ta: xe máy, xe ô tô, máy phát điện, máy cày,lò đốt rác thải phế liệu của các hộ dân nhỏ lẻ…
Ô nhiễm nguồn nước
Sự thiếu ý thức từ một số hộ dân đã gây ra ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Cả nước ngọt lẫn nước mặn (nước biển). Trong quá đình đánh bắt hay chăn nuôi đã xả thải ra một lượng rác thải không nhỏ ra môi trường. Cả rác thải thô lẫn nước thải sinh hoạt. Thậm chí có những loại phế liệu cũng thẳng tay cho xuống sông xuống biển.
Hoạt động đánh bắt có sự hộ trợ của thuốc nổ hay một số loại hóa chất nhằm tăng năng suất. Bên cạnh đó cũng phải kể đến nước xả thải từ khu công nghiệp nhà máy tại nước ta. Có những đơn vị chưa được sự cho phép đã xả trực tiếp ra nguồn nước, ra lén lút để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp…
Ô nhiễm ao hồ, sông suối, kênh rạch, thác nước, mượng nước…
Ô nhiễm đất
Ô nhiễm đất là loại ô nhiễm bị ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng ô nhiễm đất là do ảnh hưởng từ rác thải rắn trên bề mặt và trong lòng đất. Các chất hóa học có trong rác thải sẽ làm thay đổi tính chất của đất. Các loại ô nhiễm nguồn đất chủ yếu là do sự khai thác quá mức, sử dụng chất hóa học quá nhiều trong trồng trọt, khai thác mỏ… Hay do hiện tượng tự nhiên: Động đất, ngập mặn…
Ô nhiễm tiếng ồn
Ô nhiễm tiếng ồn cũng là một loại ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Nó có thể không chế được và giảm thiểu tùy vào ý thức của mỗi người. Các biểu hiện
Ô nhiễm tiếng ồn ở khu đô thị
Ô nhiễm tiếng ồn ở gần các nhà máy
Ô nhiễm tiếng ồn từ phương tiện giao thông
Với 4 loại ô nhiễm nói trên, biện pháp khắc phục sẽ được liệt kê ngay ở phần dưới. Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân do đâu mà ô nhiễm môi trường lại diễn ra như vậy nhé!
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường là do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm môi trường là do hai nguồn tác nhân chính đó là Con Người và Tự Nhiện. Nhưng phần lớn còn người thường kéo theo tự nhiên thay đổi. Người ta thường nói sự phát triển luôn đi kèm với sự ô nhiễm. Đến thời điểm này điều đó thực sự đúng. Vậy nguyên nhân do đâu mà có sự ô nhiễm đó. Hãy cùng xem qua nhé:
Sự thiếu ý thức của người dân
Xả rác không đúng nơi quy định: Đứng đâu vứt đây, bóc cái gì xả luôn cái đó không một chút suy nghĩ
Xả nước thải sinh hoạt ra ngoài môi trường: kể cả nước thải rắn và nước thải sinh hoạt.
Tự ý đốt rác thải: bao bì ni lông, đốt rơm rạ.
Xử lý xác chết chưa đúng nơi quy định: heo gà vịt chết chôn lấp không đúng nơi quy đinh, hay đổ thẳng xuống sông.
Chặt phá rừng vô tôi vạ, khai thác rừng qua mức.
Chưa tận dụng hết công dụng của các đồ vật: bao bì ni lông, chai nhựa…
Sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan ban ngành
Không nghiêm ngặc trong chế tài xử phạt những doanh nghiệp xả thải ra môi trường.
Không răn đe trong khâu xây dựng bể chứa và xử lý nguồn nước thải tại các nhà máy, khu công nghiệp để rồi trong quá trình đi vào hoạt động. Nước thải rác thải từ đẩy bị đổ thẳng xuống sông xuống biển mà chưa được xử lý.
Thiên nhiên
Nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm ô trường một phần cũng là do thảm họa thiên nhiên gây ra: Động đất, sóng thần, Vòi rồng, Bão lũ… sự biến động ở trong lòng đất, thay đổi cấu trúc..thì chúng ta không thể lường trước được. Vậy nên cần ý thức bảo vệ môi trường thì các tai họa sẽ ít hơn hoặc mức độ nghiêm trọng sẽ giảm đi.
Biện pháp khắc phục để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ môi trường bằng các phong trào thiết thực: Chủ nhật xanh, Con đường xanh
Giáo dục trẻ nhỏ ý thức bỏ rác đúng nơi quy định và cách tận dụng các phế liệu bỏ đi: lon nước, chai nhựa, dây điện đồng, giấy thải loại, vải vụn…để làm dụng cụ học tập hoặc trang trí phòng học…
Nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Cho thấy được hậu quả nghiêm trọng khi bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường.
Tổ chức nhiều hơn các sự kiện về bảo vệ môi trường với các loại rác tái chế, phế liệu bỏ đi. Sáng tạo nhiều hơn những slogan hay để bảo vệ môi trường.
Quy hoạch thông minh khoa học các khu công nghiệp, lên phương án hệ thống xử lý nguồn nước thải trực tiếp với số lượng lớn.
Trồng nhiều cây xanh với các thông điệp:
Phủ xanh đất trắng đồi trọc
Một người trồng cây xanh, hàng trăm người sống khỏe
Một tay nhặt rác, đã khiến trái đất sạch hơn mỗi ngày
Phân loại rác thải: rác phân hủy, rác thải chế, rác độc hại. Bỏ rác đúng nơi quy định
Xử lý rác thải một cách thông minh: Tận dụng rác thải – phế liệu là các đồ dùng handmade, làm đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, trang trí phòng… Và như đã nói ở trên bạn cũng có thể bán chúng cho các đại lý thu mua phế liệu. Tại đây bạn sẽ được họ phân loại, xử lý và chuyên chở chúng về bãi một cách gọn gàng và nhanh chóng. Tận dụng những loại rác thải phân hủy để làm phân bón cây, hoa màu.
Sử dụng các loại xe bảo vệ môi trường, sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm điện
Trên là những biện pháp khắc phục để giảm thiểu khả năng ô nhiệm môi trường. Nhằm bảo vệ mội trường một cách tốt hơn. Hướng đến không gian sống xanh sạch đẹp. Vì thế hãy cùng chung tay thực hiện và tuyên truyền rộng rãi hơn về vấn đề bảo vệ mội trường. Đồng thời lên án kịch liệt các trường hợp làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta.
Vì tương lai của con em chúng ta và vì cuộc sống hiện tại của chúng ta. Hãy hướng đến một hành tinh xanh, với slogan sau:
Suy nghĩ xanh – Không gian sống trong lành
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 24
Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là 1 hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, cùng với nó là các tính chất vật lý, sinh học, hóa học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe của con người và các sinh vật khác trong tự nhiên. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do hoạt động xả thải từ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người gây ra. Ngoài ra, ô nhiễm còn do một số hoạt động từ tự nhiên khác có các tác động tới môi trường theo hướng tiêu cực.
Ô nhiễm môi trường tiếng anh còn được gọi là : Environmental pollution
Trong cuộc sống không ngững phát triển hiện nay, vấn đề ô nhiễm mỗi trường đang là vấn đề nhức nhối đối với nhà nha, người người. Không riêng gì tại Việt Nam, tại mỗi quốc gia, mỗi nước, mỗi địa phương đều xảy ra tình trang ô nhiễm.Có thể là ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm biển…
Để đưa ra bàn luận về vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta nhắc tới rất nhiều, rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan tới khách quan, từ con người tới thiên nhiên, từ ý thức tới chính sách luật pháp xã hội là điều mang theo nhiều trăn trở.
Tác hại của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới chất lượng cuộc sống, để lại rất nặng nề, rất nhiều hệ lụy. Chúng làm biến đổi khí hậu, biến đổi hệ sinh thái chúng ta đang sinh sống, làm băng tan chảy, làm nước biển dâng, làm đất bị xâm nhập mặn…đó là minh chứng cho sự biến đổi khí hậu toàn cầu (hiệu ứng nhà kính) bắt nguồn từ sự ô nhiễm môi trường mà ra. Vậy thì ô nhiễm mỗi trường là gì, có bao nhiêu loại ô nhiễm, nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp là gì, thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, và biện pháp khắc phục trước mắt và lâu dài như thế nào?
Biểu hiện của ô nhiễm môi trường đang diễn ra như:
Trái đất đang dần nóng lên
Chất lượng nguồn nước ngày càng giảm, Nguồn nước ngày càng mất dần
Băng tan ở hai cực ngày 1 nhiều hơn
Nước biên dâng cao
Tình trạng cháy rừng, lũ lụt diễn ra liên miên
Đất liền bị xâm nhập, nhiễm mặn
Tình trạng sạt lỡ đất diễn ra nhiều hơn ở ven sông ven suối
Khí hậu thay đổi thất thường, khi quá nóng, khi quá lạnh, hiện tượng tuyết rơi, mưa đá xuất hiện
Sâu bệnh hại rau mùa ngày càng khó điều trị
Con người ngày càng nhiều bệnh tật hơn.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Do thiên nhiên tạo hóa, thiên tai, hạn hán cháy rừng, lũ lụt
Do các chất khí thải, chất thải ra từ hoạt động công nghiệp và sinh học.
Do các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất độc hóa học.
Do các tác nhân phóng xạ từ bên ngoài trái đất.
Do các chất thải rắn công nghiệp.
Do vấn đề xả thải chưa xử lý triệt để
Do tiếng ồn, khói bụi từ xe cộ và hoạt động kinh doanh, sản xuất của con người…
Do sinh vật gây bệnh lâu năm…
Và nhiều nguyên nhân khác.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cũng được chia làm nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng sẽ có một tình trạng và biểu hiện ô nhiễm riêng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và sinh vật. Trong đó thì mỗi dạng cũng có nguyên nhân dẫn đến loại ô nhiễm khác biệt.
Có 9 nguyên nhân ô nhiễm môi trường chính như sau:
Để bàn sâu sắc về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cũng biết nhiêu đây lời văn không thể nói hết tâm ý và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường được. Nhưng chúng ta có thể tóm gọn các dạng ô nhiễm môi trường chính sau:
Ô nhiễm môi trường do Thiên nhiên
Nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm ô trường là vấn đề không thể kiểm soát mà chỉ có thể dự đoán được thôi. 1 phần cũng là do thảm họa của thiên nhiên gây ra: Các hiện tượng tự nhiên như Động đất, sóng thần, Vòi rồng, Sạt Lỡ, Thủy Triều, Bão lũ… Sự biến động sâu ở trong lòng đất, thay đổi cấu trúc sinh tầng…
Qúa trình phun trào từ núi lửa tạo nên rất nhiều chất độc hại hòa lẫn vào trong không khí. Đây cũng là 1 trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam. Gió bão, lũ lụt, sóng thần hằng năm làm chúng ta đang đối mặt với 1 một lượng khí gây độc hại cho con người rất lớn. Chưa kể đến những loại khói độc do cháy rừng thường xảy ra hằng năm cũng đã khiến bầu không khí không còn được trong lành như trước nữa.
Ô nhiễm môi trường do Các chất thải công nghiệp
Đây là nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường không khí nói riêng. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoặc bắt buộc hoặc cố tình, chủ các khu công nghiệp đã thải ra các loại khí như SO2, NO, CO2, CO.. vào bầu không khí chung của chúng ta. Ngoài ra nhiều xí nghiệp công nghiệp thải các loại chất thải vào lòng đất, đặc biệt là ở những nhà máy nhiệt điện hiện đang sử dụng nguyên liệu than để sản xuất khiến cho ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.Ngoài ra, còn loại chất thải ra các chất như bụi than, tất cả khói bụi nhà máy và bụi bẩn làm ô nhiễm không khí nặng hơn.
Do Chất thải rắn chưa được xử lý an toàn
Hiện nay, số lượng rác thải rắn, chất thải phế liệu, rác thải từ sản xuất ngày càng nhiều. Bao gồm: chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt thường ngày, rác thải y tế, rác thải chế biến, rác xác các vật tư hư cũ, chất thải trong nông nghiệp. Những loại rác thải này nếu không được bán đi hay giao cho các công ty thu mua phế liệu giá cao có chức năng thu gom, phân loại và xử lý chúng theo đúng quy trình thì sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí.
Do Các chất thải từ phương tiện giao thông
Chúng ta cũng biết chất thải và khói bụi từ các phương tiện giao thông như xe ô tô, xe máy, xe tải, máy bay, tàu hỏa rất dễ gây ô nhiễm bầu không khí nhiều. Đặc biệt, các loại khói bụi này không thể bị rửa trôi vào những tháng ít mưa. Khói bụi có tính axit cao sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe con người và gây nên nhiều loại bệnh tật khác.
Do Các chất từ thuốc bảo vệ thực vật và chất độc hóa học
Để chống mầm mống bệnh tật,bảo vệ cây trồng và tăng năng suất trồng trọt cao hơn thì cần phải áp dụng những kỹ thuật mới, những loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng khi sử dụng quá liều sẽ tạo nhiều tác động xấu, người dân không đủ kiến thức căn bản nên thường hay lạm dụng thuốc quá nhiều hoặc không sử dụng đúng cách thuốc này, sau khi sử dụng phân bón lại thải ra các loại bao bì, vỏ thuốc, bình chứa hoặc thuốc tồn độc hại ra môi trường.
các loại rác thải cũng bị đem chôn lấp lâu ngày không thể phân hủy. Từ đó gây ô nhiễm môi trường đất. Đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng xấu hơn khi trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra thêm mầm bệnh trong đất, trong nước, làm hại sinh vật và con người.
Do Chất thải sinh hoạt
Bên cạnh đó, do nhiều bộ phận nhân dân tiếp xúc truyền thông ít, ý thức kém, không được truyền đạt kĩ năng bảo vệ môi trường, không có hoặc thiếu kiến thức môi trường cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn hiện nay. Cụ thể, nhiều hoạt động trong sinh hoạt như xả thải trực tiếp ra sông, sử dụng than củi, các chất đốt, vất bừa bãi rác độc hại xuống kênh rạch, giếng cũ không dùng.
Tất cả bao ni lông, các loại rác thải khó phân hủy và nếu bị con người đem chôn dưới lòng đất sau đó sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất gây hậu quả rất nguy hiểm.
Các loại rác hữu cơ và vô cơ gây mùi khó chịu khi không xử lý triệt để . Việc này cũng tạo ra các chất thải không phân hủy hoặc khi phân hủy sẽ gây ô nhiễm không khí.
Do Các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất cơ khí
Tại các khu công nghiệp, tình trạng xả thải của các nhà máy, nhất là sản xuất cơ khí rất tệ, việc ngang nhiên xả thải ra môi trường đã làm cho tình hình ô nhiễm ngày càng khó xử lý hơn. Chất thải công nghiệp luôn gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều chất thải sinh hoạt.
Do chính sách pháp luật chưa mạnh tay và đủ sức răn đe
Khi người dân thường xuyên xả rác ra đường phố, bãi hoang, các kênh mương, ao hồ làm ô nhiễm môi trường nước cũng ít bị kiểm tra, trừng trị thích đáng cũng là 1 nguyên nhân làm cho mọi ý thức cộng đồng trở nên ì ạch và khó giải quyết hơn..
Các loại ô nhiễm môi trường chính hiện nay và biểu hiện của ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm môi trường không khí là hiện tượng gây mùi khó chịu, giảm thị lực khi nhìn xa do bụi do sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch.
Hiện nay, ô nhiễm không khí đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của cả thế giới chứ không phải riêng của một quốc gia nào. Hàng năm trên thế giới, con người khai thác và sử dụng hàng ngàn, hàng tỉ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt. Đồng thời cũng hàng ngày thải vào môi trường một khối lượng lớn các loại chất thải khác nhau như: các loại chất thải công nghiệp từ các nhà máy và xí nghiệp, chất thải sinh hoạt hộ dân làm cho hàm lượng các loại khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Môi trường khí quyển đang có nhiều biến đổi xấu đi rất rõ rệt và gây ảnh hưởng xấu đến con người và các sinh vật trên trái đất xanh của chúng ta.
Ở các nước nghèo, phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là xe gắn máy nên sự ô nhiễm từ khói xe gắn máy cũng là một loại ô nhiễm khí đáng lo ngại.
Ô nhiễm môi trường nước
Ô nhiễm môi trường nước được hiểu là với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật thì sự biến đổi theo chiều tiêu cực của các tính chất vật lý – hóa học và sinh học của nước. Nguồn Nước có thể bị phú dưỡng do ô nhiễm và làm giảm độ đa dạng các sinh vật trong nước. Xét về tốc độ lan truyền của chúng và quy mô ảnh hưởng nhanh chóng thì ô nhiễm nước là vấn đề đáng lo ngại hơn cả ô nhiễm ô nhiễm đất.
Nước bị ô nhiễm là do sự phú dưỡng đã xảy ra chủ yếu ở các khu vực vùng ven biển và nước ngọt hoặc vùng biển khép kín. Do lượng muối khoáng và hàm lượng các chất hữu cơ trong đó quá dư thừa làm cho các quần thể sinh vật trong nước không thể nào đồng hóa được. Kết quả làm cho hàm lượng ôxy ở trong nước giảm đột ngột, tăng cao độ đục của nước, các loại khí độc tăng lên, gây suy thoái thủy vực. Sự cố tràn dầu là ở các đại dương là nguyên nhân chính gây ô nhiễm.
Thực trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay rất nặng.
Ô nhiễm nước có nguyên nhân từ các loại hóa chất, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra nguồn nước, sông ngoài, kênh rạch và ra biển, Đại dương mà chưa qua xử lý. Tât cả các loại phân bón hoá học và thuốc trừ sâu dư thừa trên đồng ruộng ngấm vào nguồn nước ngầm và nguồn nước ao hồ; nước thải sinh hoạt được thải ra từ các khu dân cư ven sông sẽ gây ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sinh vật trong khu vực. Các loại chất độc hại đó lại bị đưa ra nguồn biển và là nguyên nhân xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ” nhức nhối hiện nay, gây ô nhiễm nặng nề và sẽ làm chết các sinh vật sống ở trong môi trường nước.
Biện pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước là tăng cường kiểm tra, giám sắt, phạt nặng các cơ ở sai phạm, tuyên truyền vận động ý thúc người dân giảm xả thải ra môi trường. Xử lý triệt để bằng tính nghiem minh của pháp luật. Thực hiện đồng thời các biệ pháp xử lý nguồn nước, vớt rá thải kênh mương, ao hồ, sông suối..
Ô nhiễm môi trường biển
Việc xả thải vô tội vạ ra môi trường biển đã làm mọi thứ ngày càng tệ hại hơn. Ô nhiễm môi trường biển hiện nay đang là hiện tượng nước biển đã bị tác động xấu làm thay đổi tính chất. Nó Gây nên những ảnh hưởng rất tiêu cực tới các chỉ số mực nước, sinh vật, sinh hóa trong nước biển. và tất nhiên nó gây hại tới sức khỏe con người 1 cách gián tiếp khi ăn các thực phẩm từ biển. Cũng như giết hại dần các sinh vật sống trên biển.
Theo thống kê, Hiện nay Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về vấn đề ô nhiễm rác thải biển ( marine debris ), đặc biệt là các loại rác thải nhựa. Ở một số khu biển ven bờ biển và ở cửa sông bị ô nhiễm dầu, tất cả các chất hữu cơ liên quan tới chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Đặc biệt là các tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.. Ngoài ra còn có những khu vực rừng ngập mặn luôn trong tình trạng tràn ngập túi rác thải nilon.. Các cửa chợ ven biển cũng là nguồn cơn của sự ô nhiễm. Ngoài ra, hiện lượng các loại chất thải rắn và chất thải rắn sinh hoạt sinh ra từ 28 tỉnh ven biển của Việt Nam cũng gây nhiều lo lắng: tầm khoảng 14,03 triệu tấn / năm ( khoảng 38.500 tấn / ngày).
Ô nhiễm môi trường đất
Ô nhiễm môi trường đất chính là hậu quả các hoạt động của con người làm thay đổi các nhân tố sinh thái khi vượt qua những giới hạn sinh thái của các quần xã sống trong mặt đất.
Môi trường đất là nơi sinh sống của con người và hầu hết các sinh vật trên cạn, là nền móng của tất cả các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Đất là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm cho con người. Nhưng với nhịp độ phát triển kinh tế, gia tăng dân số và tốc độ phát triển của nền công nghiệp và hoạt động đô thị hoá theo như hiện nay thì diện tích đất dùng để canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng nguồn đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người đã giảm. Riêng chỉ với ở Việt Nam, thực tế suy thoái tài nguyên đất là rất đáng lo ngại và nghiêm trọng.
Các loại ô nhiễm khác
Ô nhiễm phóng xạ
Ô nhiễm phóng xạ chính là việc chất phóng xạ nằm trên các bề mặt, chất lỏng hoặc chất khí (kể cả cơ thể con người), hoặc trong chất rắn, nơi mà sự hiện diện của chúng là ngoài ý muốn hoặc không mong muốn, hoặc quá trình gia tăng sự hiện diện của các chất phóng xạ ở những nơi như vậy.
Ô nhiễm tiếng ồn
Là tất cả nỗi sợ của người làm việc hay cần không gian yên tĩnh, là khát khao của những hộ dân sống trên đường lộ hay gần khu công nghiêp sản xuất, là tiếng ồn do xe cộ, máy bay..
Ô nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm ánh sáng xảy ra do hiện nay con người đã sử dụng lạm dụng các thiết bị chiếu sáng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường như ảnh hưởng tới quá trình phát triển của động thực vật.
Ô nhiễm sóng
Ô nhiễm sóng lại khó thấy hơn, có thể hiểu là do các loại sóng như sóng phóng xạ, sóng điện thoại, truyền hình… tồn tại với mật độ lớn mà mắt thường không thấy được. Làm cho con người bị ảnh hưởng đến bộ não của con người nhiều, khiến cơ thể con người bị chịu nhiều tác động xấu khác do ảnh hưởng bởi các loại sóng này.
Ô nhiễm môi trường trong sản xuất cơ khí
Các ngành sản xuất cơ khí ngày càng phát triển gây nên tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Các loại ô nhiễm cơ khí từ chât sthair, khí thải, tiếng ồn đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam rất tệ và Thực trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới cũng vậy
Theo UNICEF, thực trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới nói chung và thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Vam nói riêng hiện nay khá nóng và đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do chất thải chưa qua xử lý đúng quy trình bị xả thẳng ra môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu đang ngày càng nóng hơn. Chất thải từ các công ty, xí nghiệp, khói bụi từ hoạt động của các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông,…Đất nước ta mỗi ngày đang đối mặt với các mức độ ô nhiễm khác nhau, chuyển biến theo chiều hướng xấu và vô cùng nghiêm trọng.
Chủ đề nóng trên các kênh truyền thông hiện nay được cư dân cả nước và ban lãnh đạo, cũng như các mặt báo, ngành chức năng quan tâm là ô nhiễm môi trường.Và đáng quan tâm hơn cả là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, đây là vấn đề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không cần thông qua các phương tiện truyền thông, đập vào mắt hằng ngày chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh đáng lo ngại đó, cũng như theo các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay trên cả nước.
Tìm hiểu từ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nước ta chúng ta sẽ hiểu tình trạng và có hướng khắc phục hợp lý, hiệu quả nhất. Tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất tệ, đây là thười gain cần sự chung tay, chung sức của toàn đồng bào.
Cùng với nền công nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp nặng như sản xuất kim loại như sắt, chì, gang, nhiệt điện, khai thác than, thép, boxit, titan thì môi trường Việt Nam đang gặp vấn đề lớn. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện là 2 địa điểm có chỉ số ô nhiễm không khí xếp hàng đầu thế giới, đó là báo động đỏ cho sức khỏe người dân cũng như là sức khỏe của đất nước Việt Nam. Năm vừa qua đã xảy ra nhiều sự cố môi trường đã xảy ra như nhiệt điện Vĩnh Tân, Formosa vào năm 2016 và hàng loạt sự cố môi trường khác.
Mặc dù các ban ngành chức năng, cơ quan môi trường, đoàn thể địa phương ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu không khí, bảo vệ nguồn nước,… Nhưng Tình trạng quy hoạch tại các khu đô thị chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nguồn thải công nghiệp, xử lý nước thải,… vẫn còn nhiều tồn đọng nên tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, công ty sản xuất và khu đô thị,…và khi chưa đụng tới kinh tế và pháp luật thì dường như chưa đủ để răn đe và giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Số liệu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường ( MoNRE ) đã báo cáo rằng tất cả các hoạt động giao thông đã gây ra khoảng 70% tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại Hà Nội. tình trạng ngày nghiêm trọng nhất
Theo tổ chức của ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng khoảng trên dưới 90% nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn của Việt Nam không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường tự ho.
Hiện nay đang có khoảng 20% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc đang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ kênh mương, nguồn nước ngầm và ao hồ.
Năm 2017 đã có 1 ví dụ đã từng được dư luận quan tâm thì trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại thải ra từ nhà máy sản xuất của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền mà không ai lên tiếng.
Tình hình ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động đỏ. Theo ước tính của bộ tài nguyên môi trường, trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước thì có trên khoảng 60% các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đúng quy định. Tại các đô thị hiện nay, chỉ có khoảng 60% – 70% các cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa hoàn thiện nên các loại chất thải rắn được thu gom nên chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,… Nguồn thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ kênh rạch tự nhiên.
Bên cạnh đó thì phần lớn ô nhiễm cũng là do ý thức của con người: Chưa biết cách phân loại rác thải từ nguồn,Vứt rác chưa đúng nơi quy định theo quy trình phân loại rác, chưa biết tận dụng được các loại phế liệu bỏ đi. Thải rác sinh hoạt rơi ra môi trường và trôi theo nguồn nước hay có những hộ dân vô ý thức thường chờ đêm tối hoặc mưa lớn sẽ đem rác thả trôi theo dòng nước, đổ thẳng xuống sông, ao hồ mà không một chút nghĩ ngợi. Điều này đang là được nhiều người lên án gay gắt và hệ thống pháp luật chưa thể xử lý.
Khi xảy ra các tình trạng ô nhiễm như trên bạn thấy cuộc sống hằng ngày rất ngột ngạt. Đi đâu cũng ngữi nộc mùi hôi thối, phải bịt khẩu trang, ra ngoài đường đi có khúc là loại bụi mịn dính đầy cơ thể. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Mưa nắng, gió bão không lường trước được.
Tình trạng nông nghiệp tệ đi, Hoa màu, rau xanh ngày càng bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nước thải từ các nhà máy lớn. Không có đất canh tác hoặc phải bỏ không chúng vì bị ngập mặn. Tình trạng thiếu hụt nước do nắng nóng gây ra. Hiện nay ở Miền Bắc hàng ngàn hecta ruộng lua phải chịu cảnh chết khô. Mùa mưa thfi tình trạng ngập lụt, sạt lở lại ảnh hưởng nhiều.
Dịch bệnh tăng cao, Các loại động vật dễ bị dịch bệnh. Gà, Vịt, gia cầm thì bị các loại bệnh cúm gia cầm như AH5N1, A/H5N2 và AH5N5, Heo thì cúm A H1N1, H3N1, H1N2,H3N2, và H2N3… còn ở người thì dịch bệnh hoàn hành trên toàn thế giới đó là Covid 19 do một loại virus cực động gây nên có thể truyền từ người sang người.
Hiện tượng chúng ta thường thấy vào mùa khô là cháy rừng. Việc nay dẫn tới bộc phát một cách dữ dội, kéo theo đó là sự ô nhiễm không khí, thay đổi tính cơ học của đất, chim thú hệ sinh thái đều bị thay đổi nghiêm trọng, sạc lỡ đồi núi, mạch nước ngầmở trong các khe hang động ngày càng ít đi. Có những dòng nước chạy ngầm lại có màu khác lạ: khi nâu, vàng hoen rỉ, , khi đỏ khi lại đen sì…
Hậu quả ô nhiễm môi trường
Hậu quả của ô nhiễm môi trường là cực kì nghiêm trọng hiện nay. Các loại ô nhiễm hiện nay đều gây ra những hậu quả nguy hiểm nghiêm trọng như:
Ảnh hưởng đến cuộc sống và đối với sức khỏe của con người
Khi môi trường bị ô nhiễm thì sức khỏe của con người sẽ bị đe dọa nhiều nhất. Đặc biệt là mỗi dạng môi trường lại gây ra những biến chứng riêng cho sức khỏe.
Chúng ta không ai mong muốn phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm. Nhưng ý thức của con người quá kém lại đem lại hậu quả hết sức nặng nề đến sức khỏe của chính chúng ta.
Môi trường không khí: không khí bị nhiễm bẩn, chúng ta hít phải bầu không khí không được trong lành thì hệ hô hấp của con người bị ảnh hưởng đầu tiên. Phổi sẽ tiếp nhận một lượng chất độc, bụi bẩn hằng ngày. Từ đó tích tụ lâu dần và khiến cho chức năng phổi bị suy giảm. Ngoài ra, không khí bị ô nhiễm còn gây ra những biến chứng như chóng mặt, đau đầu, giảm trí nhớ… Điều đáng nói là người già phải đối mặt với tình trạng đột quỵ và bệnh tim mạch gia tăng do hậu quả của không khí ô nhiễm.
Môi trường nước: cơ thể chúng ta phần lớn là nước. Vậy nhưng, nước bị ô nhiễm thì chắc chắn một điều là cơ thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Nếu thường xuyên sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm thì sẽ gây nên những bệnh như tiêu chảy, dịch tả…Nguy hiểm hơn còn có thể ảnh hưởng đến não và hệ tim mạch. Nguồn nước không đảm bảo cũng làm cho tuổi thọ của chúng ta giảm sút đáng kể.
Môi trường đất: hóa chất trong nông nghiệp hiện nay đang bị lạm dụng quá mức quy định. Những hóa chất dư thừa này sẽ ngấm vào trong đất và là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cho con người. Tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc từ nông nghiệp không còn xa lạ đối với người dân. Nếu đất và cây trồng không được cân bằng sinh học thì con người còn đối diện với căn bệnh gan to, hệ thần kinh suy giảm. Đặc biệt hóa chất này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông minh của trẻ nhỏ. Đây là vấn đề không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay.
Môi trường biển: hằng năm, lượng khách du lịch đến biển rất lớn. Nhưng chất lượng thủy hải sản không được như mong muốn là nguyên nhân khiến cho nhiều du khách không còn hứng thú đi biển. Thậm chí có nhiều người bị ngộ độc sau khi thưởng thức những món ăn đến từ biển.
Hậu quả đối với hệ sinh thái
Hệ sinh thái biển cũng đang bị đe dọa khi lượng rác thải xuống sông ngoài và biển ngày càng nhiều. Những rạn san hô nằm sâu dưới đáy biển cũng đang bị đe dọa bởi chất thải công nghiệp quá nhiều.
Hệ sinh thái bao gồm nhiều quần thể sống chung với nhau dưới biển và tương tác qua lại lẫn nhau. Nhưng tình trạng điều tiết hệ sinh thái suy giảm mạnh đang ngày càng diễn ra trầm trọng hơn.
Đặc biệt là đối với hệ sinh thái dưới biển. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ô nhiễm môi trường. Khi không khí ô nhiễm sẽ làm cho hiện tượng mưa axit ngày càng nhiều hơn.
Mưa axit sẽ hủy hoại sinh vật, giết chết cây cối và làm phá hủy hệ sinh thái các khu rừng nguyên sinh. Thậm chí có nhiều loài cây đang nằm trong bờ vực tuyệt chủng bởi mưa axit sẽ kéo dài. Nếu mất đi hệ sinh thái rừng nguyên sinh thì chúng ta sẽ rất khó để lấy lại được.
Ngày nay, lãnh đạo và người dân nước ta đang ra sức bảo vệ các hệ sinh thái để cải thiện phần nào tình trạng ô nhiễm và làm bẩn môi trường. Những hệ sinh thái này đều được chăm sóc kĩ càng và có biện pháp để tránh được hậu quả nặng nề của vấn nạn môi trường bị ô nhiễm về sau.
xem thêm: giá phế liệu, giá xử lý rác thải hôm nay
Hậu quả đối với kinh tế xã hội
Môi trường bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chúng ta.
Thứ 1: Xuất hiện bệnh lạ và khó chữa hơn, kéo dài hơn khiến cho kinh tế của con người trở nên kiệt quệ. Thậm chí có nhiều người phải bán hết nhà cửa để chữa các bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm.
Thứ 2: Nền kinh tế giảm sút do lượng nông sản và hải sản ngày càng bị khan hiếm. Hoạt động đánh bắt hải sản sẽ bị gián đoạn và không còn thuận lợi như trước. Nguồn cung ứng thực phẩm giảm sút hiện nay là nỗi lo của nhiều người. Tình trạng sản lượng thu hoạch tại các khu nuôi trồng thủy hải sản cũng giảm đáng kể do ô nhiễm nguồn nước.
Thứ 3: Nền kinh tế thiệt hại do việc đầu tư cải thiện môi trường bị tàn phá. Quá trình xây dựng lại những hệ sinh thái và làm sạch môi trường, nước, đất, không khí, biển đã chiếm rất nhiều thời gian và tiền của nhiều người và đất nước. Bên cạnh đó thì những hoạt động du lịch cũng sẽ không còn thuận lợi như trước nữa vì môi trường tự nhiên không còn dẫn tới mất thu nhập của một bộ phận lớn dân chúng tại iền du lịch.
Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Chúng ta cùng chung tay nhau trong từng hành động nhỏ dưới sự khuyến khích của đảng và nhà nước. Nhưng ý thức con người và tính hà khắc của Luật pháp là điều quan trọng nhất chúng ta cần chú ý đặc biệt. Có nhiều cách khắc phục được đưa ra như là:
Tái chế rác thải tại nguồn, tái chế phế liệu kim loại và phi kim loại.
Giảm thiểu chất thải hộ dân và doanh nghiệp
Giảm thiểu tác động môi trường, kiểm tra khắt khe hơn nữa
Phòng chống ô nhiễm, tuyên truyền nang cao ý thức dân
Tái sử dụng giấy,
Làm phân hữu cơ từ rác thải: Tận dụng những loại rác thải phân hủy để làm phân bón cho cây cối, hoa màu.
Sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm (đối với một số quốc gia)
Hạn chế sử dụng túi nilon thay bằng túi giấy.
Trồng nhiều cây xanh với các thông điệp:
Phân loại rác thải: rác phân hủy, rác thải chế, rác hữu cơ, vô cơ, rác độc hại. Bỏ rác đúng nơi quy định
Các loại rác thải từ nông nghiệp: Chai đựng thuốc trừ sâu, bao bì đựng thuốc trừ sâu, phế phẩm nông nghiệp … nên bỏ đúng nơi quy định. Bỏ trong thùng rác chuyên đựng chất hóa học.
Xử lý rác thải một cách thông minh: Tận dụng các loại rác thải – phế liệu là các đồ dùng handmade, làm đồ dùng học tập và đồ dùng cá nhân, trang trí phòng… Và như đã nói ở trên đây bạn cũng có thể bán chúng cho các đại lý thu mua phế liệu. Tại đây bạn sẽ được họ thu mua, phân loại, xử lý và chuyên chở thuận tiện về bãi để xử lý một cách gọn gàng và nhanh chóng.
Sử dụng các loại xe bảo vệ môi trường, sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm điện
Tham gia hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hằng năm tên gọi khá làc: Eco Day / Environment Day/ WED ;Tên chính thức: UN World Environment Day. Khi các bạn đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi các công ty, xí nghiệp vụ lợi mà bất chấp làm ảnh hưởng tại địa phương bạn sống. Hãy mạnh mẽ đứng lên bằng cách hưởng ứng chiến dịch vào ngày môi trường thế giới và các ngày bình thường khác.
Hạn chế sử dụng các loại rác thải nhựa chỉ sử dụng một lần thay vào đó nên sự dụng các loại nhựa: Nhựa HDPE – ký hiệu số 2 và Nhựa PP – ký hiệu số 5
Bán ve chai cho các cơ sở tái chế phế liệu hoặc các công ty chuyên thu mua phế liệu. Bạn vừa có thể bảo vệ môi trường vừa có thêm thu nhập. Bạn có thể biết việc bán phế liệu cho các công ty đó rất có lợi: bạn không phải mất công sức gom hàng, phân loại…, Bạn sẽ hông cần chở chúng đến tận nơi để bán hay không phải tự tay dọn dẹp, lau sạch sẽ khu vực đó. Hãy để các vựa, cơ ở hay các công ty thu mua làm điều đó.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 25
Như các bạn đã biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng nghiêm trọng và đang trở thành vấn đề được quan tâm nhất của toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường gồm các vấn đề sau:
1. Do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Trong nước có rất nhiều khu công nghiệp được xây dựng để hưởng ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hiệu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tổng kết được là đang ở mức báo động đỏ và việc cấp bách là tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Quá trình hoạt động của các khu công nghiệp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường không thể cứu vãn được. Các quá trình gây ô nhiễm là quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch: than, dầu, khí đốt tạo ra: CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây truyền công nghệ, các quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi. Nguồn gây ra ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ.
Các khu công nghiệp tại Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống xử lý chất thải đảm bảo an toàn hay thậm chí có những doanh nghiệp còn không có, vì lợi nhuận, họ thải chất thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài gây nên tình trạng ô nhiễm nước, không khí và đất tại các khu vực xung quanh làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.
ên cạnh đó, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường, ví dụ: xả thải của công ty Vedan, Miwon, sự cố biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang... Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
2. Do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học.
Nền kinh tế phát triển dẫn đến ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo mùa vụ người dân đã quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.
Theo bộ tài nguyên môi trường, hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở các khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, phèn hóa, mặn hóa, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất. Trong đó, việc sử dụng bất hợp lý các loại hóa chất trong sản xuất và xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ô nhiễm đất ở nông thôn. Đáng báo động hiện nay là tình trạng lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp
3. Do các chất thải rắn.
Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa làm cho nền kinh tế nước ta phát triển, nhiều cơ sở sản xuất lớn ra đời phục vụ nhu cầu sử dụng các sản phẩm vật chất ngày càng lớn của người dân. Chính điều này làm tiền đề cho sự gia tăng một lượng lớn rác thải rắn bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng, v.v… Theo báo cáo năm 2004 về chất thải rắn thì trên cả nước có khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó khoảng hơn 150.000 tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.
Nguồn gốc chất thải rắn có thể từ sinh hoạt của người dân, từ các khu công nghiệp hay từ các cơ sở y tế. Có thể nói, do một thời gian dài trước đây chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà chỉ tập trung phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các chất thải gây ra đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay. Chất thải thải ra không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ví dụ điển hình như: Khu vực xã Thạch Sơn, Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thị trấn Mỹ Đức thành phố Hải Phòng, một số khu vực tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, v.v…
4. Do bụi, khói,...
Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng, khói bụi bay mù mịt rất thường xảy ra tại các thành phố lớn, nơi tập trung các khu công nghiệp, có mật độ xe cộ đông đúc. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học về các chất khí thải xe cơ giới, khói bụi gây ô nhiễm không khí vào những tháng ít mưa có tính a-xít. Khói bụi có tính a-xít tác động xấu đến sức khỏe con người, nhất là khi bị phơi nhiễm trong thời gian dài.
Bụi mịn là yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất, nó có kích thước rất nhỏ vì thế chúng tồn tại rất lâu trong không khí và phát tán rất xa. Mũi và đường hô hấp trên chỉ có khả năng loại các hạt bụi có kích thước lớn hơn 2,5 mm, nên bụi mịn dưới kích thước này xâm nhập rất sâu vào phổi, thậm chí vào máu gây nên một số bệnh về hô hấp hay các loại bệnh như vô sinh, tim mạch rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Các quá trình tạo ra các khí gây ô nhiễm là quá trình đốt nhiên liệu động cơ: CO, CO2, SO2, NOx, Pb,CH4 Các bụi đất đá cuốn theo trong quá trình di chuyển. Nếu xét trên từng phương tiện thì nồng độ ô nhiễm tương đối nhỏ nhưng nếu mật độ giao thông lớn và quy hoạch địa hình, đường xá không tốt thì sẽ gây ô nhiễm nặng cho hai bên đường. Ngoài ra việc tạo ra khói bụi còn do các hoạt động khác của con người như hoạt động sinh hoạt hằng ngày sử dụng than, hay các chất đốt...cũng góp phần gây nên ô nhiễm không khí trầm trọng.
5. Thiếu sót trong khâu quản lý của nhà nước.
Để tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng là không thể chối bỏ. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Các hoạt động bao che, tham ô hối lộ để bỏ qua các hành động sai trái của các đơn vị vi phạm đã vô tình làm cho môi trường bị ô nhiễm đến mức khó có thể phục hồi được. Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể và cấp thiết để có thể giảm thiểu tối đa những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đồng thời đánh thức ý thức trách nhiệm của từng người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 26
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề đang rất nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân hiện nay. Tình trạng môi trường bị ô nhiễm có thể gây ra nhiều hậu quả không chỉ trực tiếp làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến giống nòi, con cháu thế hệ sau. Để hiểu hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và các biện pháp khắc phục, mời bạn tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay
Hiện nay, ở nước ta tình trạng quy hoạch các khu đô thị vẫn chưa được gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải,… Trong đó, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. HCM, các khu công nghiệp, khu đô thị,… tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động.
Cụ thể, theo ước tính trên tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước thì có hơn 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đối với các đô thị, chất thải rắn được thu gom chỉ rơi vào tỉ lệ khoảng 60% – 70% và cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết rác thải sinh hoạt cũng như chất thải dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,… chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Có thể hiểu ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường trong tự nhiên bị bẩn làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên để lại hậu quả gây nguy hiểm tới sức khỏe con người và các sinh vật khác.
Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường?
Ý thức của người dân
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Do những suy của nhiều người rằng những việc mình làm chỉ là việc quá nhỏ bé, không đủ để tác động làm hại môi trường.
Cũng có người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền… Hay một số khác cho rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng “đâu vào đâu”, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì đến nhiều nên cũng mặc kệ.
Nhưng, chính những suy nghĩ ấu trĩ ấy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như chính sách bảo vệ môi trường của các thế hệ mai sau.
Đúng như vậy, người lớn không làm gương, trẻ em bị ảnh hưởng tác động của người lớn. Theo nhiều khảo sát thực tế tại nơi công cộng như trường học, nhiều cảnh tượng phụ huy đưa con trẻ đi học đến cổng trường dừng lại ăn sáng và ngay sau đó thay vì bỏ rác vào thùng rác thì họ lại vứt ngay tại chỗ. Trong khi đó, hầu hết tại các cổng trường đều có bảng với khẩu hiệu cấm xả rác bừa bãi nhưng ý thức của các phụ huynh vẫn thản nhiên vứt bừa bãi nơi công cộng. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, đối với những bà con ở vùng gần sông hồ, rác sinh hoạt cũng không để đúng nơi quy định mà vứt trực tiếp ra sông, hồ,… như một thói quen.
Do đó, những việc như vậy rất khó hình thành ý thức tốt cho thế hệ trẻ mai sau.
Các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, quan liêu, thiếu chặt chẽ
Nguyên nhân tiếp theo gây ra tác động rất lớn đến môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Mục tiêu lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu mà không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình hoạt động, khai thác và gây tác động rất lớn đến ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, hơn 60% các khu công nghiệp ở nước ta chưa có hệ thống xử lý rác thải tập trung, một số khu công nghiệp khác có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Do đó nước thải công nghiệp bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên.
Nước thải công nghiệp bị ô nhiễm được thải ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên
Những nguyên nhân trên cũng do chính sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước, nhiều cán bộ tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, khí thải do xe cộ lưu thông ở nước ta ngày càng nhiều cũng đã gây tác động không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
Do những tác động tự nhiên:
Những nguyên nhân tự nhiên gây ô nhiễm có thể là do sự bào mòn hay sự sụt lở núi đồi, đất ven bờ sông bị dòng nuớc cuốn theo các chất cơ học như bùn, đất, cát, chất mùn… hoặc do sự phun trào của núi lửa làm bụi khói bốc lên,… gây tác động đến môi trường.
Nói đi thì cũng phải nói lại, tự nhiên vốn có sự cân bằng, nếu môi trường bị ô nhiễm do tác động của các yếu tố tự nhiên sẽ được quá trình tuần hoàn và thời gian trả lại nguyên vẹn. Vì vậy, những tác động này không gây đáng kể đến môi trường.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người về hệ sinh thái. Cụ thể, ô nhiễm môi trường dẫn đến những hậu quả sau:
Hậu quả xấu đến sức khỏe con người
Có tác động tiêu cực đến phổi
Khói bụi gây ô nhiễm không khí, việc hít vào những nguồn không khí ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến phổi dễ bị hư hỏng. Đồng thời, đối với những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản khi hít vào không khí ô nhiễm này khiến bệnh tình nặng hơn.
Theo một số nghiên cứu, trẻ em chiếm tỷ lệ cao bị mắc bệnh hen suyễn khi sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao.
Ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, ung thư phát sinh có đến 75- 80% nguyên nhân là có liên quan đến môi trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô nhiễm môi trường đất, khi thực phẩm rau củ được trồng trên vùng đất bị ô nhiễm sẽ chứa trong đó 1 phần độc tố hóa học và khi con người ăn phải những thực phẩm đó, lượng độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và tạo thành những khối ung thư.
Ô nhiễm là nguyên nhân của các bệnh ung thư
Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến tim mạch
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim, thậm chí dẫn đến đau tim, đột tử,… Theo một nguyên cứu tại Anh cho biết: “Khi các hạt carbon nhỏ xâm nhập vào phổi, chúng gây ra phản ứng viêm và phóng hóa chất vào máu, thu hẹp động mạch, gây ra các cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim”.
Ô nhiễm môi trường gây hậu quả lớn đối với hệ sinh thái
Tình trạng ô nhiễm môi trường không những chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người mà còn gây tác động rất lớn đến hệ sinh thái.
Môi trường đất
Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, môi trường mà tất cả chúng ta cũng như các hệ sinh vật đang sinh sống. Khi tài nguyên đất bị ô nhiễm sẽ làm đất đai cằn cỗi, cây cối không thể phát triển được gây ảnh hưởng đến rất nhiều các loài sinh vật. Những vấn đề này dẫn đến các hệ lụy khác rất nguy hiểm.
Thứ nhất, nguồn đất bị ô nhiễm trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Vì thực vật trồng khi trên đất này cũng sẽ bị nhiễm bệnh, Khi chúng ta ăn vào cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong lưới thức ăn.
Thứ hai, môi trường đất bị ô nhiễm cũng sẽ ngấm vào nước gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và dẫn đến tình trạng thiếu nước dùng cho sinh hoạt hoặc phải dùng các nguồn nước bẩn.
Thứ ba, môi trường đất bị ô nhiễm sẽ làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài sinh, động, thực vật.
Môi trường không khí
Bên cạnh đó, môi trường không khí bị ô nhiễm cũng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy như:
Thứ nhất, gây ra mưa axit làm giảm độ pH của đất do những chất lưu huỳnh dioxit và các oxit của nitơ.
Thứ hai, Ô nhiễm không khí tạo nên hiện tượng hiện tượng khói bụi che chắn làm giảm ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến sự quang hợp và phát triển của thực vật… Cụ thể máy ngày gần đây tại thủ đô Hà Nội đang bị che phủ trong khói bụi dày đặc.
Thứ ba, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân làm thủng tầng ô zôn, tăng hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên, phá hủy các khu sinh thái sẵn.
Môi trường nước
Có thể nói, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất tại nước ta hiện nay đang hủy diệt các sinh vật sống trong nước. Cụ thể: Ô nhiễm nguồn nước do Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả trực tiếp ra biển khiến hiện tượng cá chết hàng loạt từ vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) kéo dài tới vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào khoảng đầu tháng 4 năm 2016.
Nói chung, ô nhiễm nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sống và sức khỏe con người. Ví dụ như: Ô nhiễm và cạn kiệt mạch nước ngầm sẽ gây lên tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt trong tương lai.
Các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
Với tình trạng ô nhiễm môi trường như ngày nay, có một số biện pháp nhanh chóng để cải thiện đồng thời bảo vệ môi trường cần được thực hiện như:
Thứ nhất, người dân cần được giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi nhằm tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, người dân nên hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì nếu lạm dụng sử dụng bạn sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới làm nhiễm độc nguồn nước. Do đó, nên áp dụng cách thông bồn cầu, cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng vi sinh.
Thứ hai, chính quyền nên hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, và xử lý mạnh tay đối với những trường hợp gây ô nhiễm môi trường nhằm răn đe các đối tượng khác không vi phạm.
Bên cạnh đó, các nhà máy, các khu công nghiệp cần phải xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý rác thải công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế trước khi thải ra môi trường. Tổ chức bộ phận giám sát chặt chẽ về việc xử lý chất thải nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Thứ ba, tại các địa điểm công cộng tập trung đông người như khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,… nên đầu tư, bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng.
Thứ tư, cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Đồng thời thường xuyên đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường.
Tóm lại, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ở mức báo động nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người đều góp sức, chung tay bảo vệ môi trường. Vì bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ mai sau, hãy cùng chung tay, góp sức để gìn giữ một môi trường xanh – sạch – đẹp nhé.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 27
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ? TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HIỆU QUẢ
Theo UNICEF, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó không thể không nhắc tới Việt Nam. Bên cạnh ô nhiễm môi trường không khí, đất do chất thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, khói bụi từ hoạt động của các nhà máy, phương tiện giao thông,...thì Việt Nam cũng đang đối mặt với mức độ ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng.
Trong những gần đây, con số người dân chưa được cung cấp nguồn nước sạch mà phải sử dụng các nguồn nước thay thế từ nước ngầm, nước mưa, nước từ các nguồn cung cấp không đảm bảo ở lên đến hơn 17 triệu người trong tổng số hơn 95 triệu dân trên lãnh thổ Việt Nam.
1. Môi trường là gì?
1.1. Định nghĩa môi trường là gì?
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”.
1.2. Có mấy loại môi trường?
Theo chức năng, môi trường sống của con người được chia thành 4 loại:
- Môi trường tự nhiên: Gồm các nhân tố tự nhiên như ánh sáng mặt trời, đất, nước, không khí,…
- Môi trường xã hội: Là tổng thể các môi quan hệ của con người với nhau như các điều luật, quy định, thể chế chính trị- xã hội,….
- Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố do con người tạo nên như nhà cửa, các công trình công cộng,….
Ngoài ra, người ta cũng có thể phân chia môi trường dựa vào đặc tính của nó như sau:
- Môi trường trong đất
- Môi trường nước
- Môi trường không khí, trên mặt đất
- Môi trường sinh vật
2. Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác.
Các loại ô nhiễm môi trường hiện nay được phân ra theo những hình thức sau:
- Ô nhiễm môi trường đất
- Ô nhiễm môi trường nước
- Ô nhiễm môi trường không khí
3. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
3.1. Ô nhiễm môi trường do các yếu tố tự nhiên
- Sạt lở đất đồi núi, bờ sông cuốn vào dòng nước bùn, đất, mùn,... làm giảm chất lượng của nước.
- Khói bụi từ sự phun trào núi lửa theo nước mưa rơi xuống.
- Ô nhiễm môi trường nước cũng là do sự hòa tan nhiều chất muối khoáng có nồng độ quá cao, trong đó có chất gây ung thư như Asen, Fluor và các chất kim loại nặng…
- Sự phân hủy xác các sinh vật sống thành chất hữu cơ bị ngấm xuống đất, lâu dần ngấm tới mạch nước ngầm, hoặc xác chết các sinh vật trôi nổi cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm trực tiếp. Đặc biệt, với một hệ thống nối liền của các dòng chảy ao hồ, kênh rạch,...khi các thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra như lũ lụt, mưa bão,...rác thải sẽ dễ dàng bị cuốn trôi và phát tán nhanh chóng, khó khống chế.
3.2. Ô nhiễm môi trường do tác nhân con người
3.2.1. Từ sinh hoạt hàng ngày
- Hàng ngày, con người sử dụng nước cho rất nhiều hoạt động khác nhau, từ các cá nhân đến các cơ quan, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện.
- Nước từ các hoạt động này đều chứa các chất thải với thành phần dễ phân hủy, dầu mỡ, chất rắn, vi khuẩn thường không được xử lý mà thải trực tiếp ra các ao, hồ, sông,...
3.2.2. Từ các loại chất thải nông nghiệp
- Các chất thải từ phân, nước tiểu gia súc, phân bón, hóa chất,... thường không được thu gom, xử lý. Những chất này có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
- Đặc biệt, các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi. Chai lọ, bao, bao bì để chứa các loại thuốc này sau khi sử dụng hay được người dùng vất lung tung, thậm chí vất trực tiếp xuống nước. Lượng hoá chất tồn dư sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước khi nó ngấm vào nước ngầm cũng như đất ở nơi đó.
3.2.3. Từ các loại chất thải công nghiệp
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ lâu đã trở thành xu hướng phát triển chung của mỗi quốc gia. Lượng chất thải từ các hoạt động này là vô cùng lớn thành phần có sự khác biệt với mỗi ngành nghề sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên mức độ gây nguy hiểm thì tất cả đều có.
- Do chi phí đầu tư các trang thiết bị, ứng dụng xử lý chất thải, khí thải không hề nhỏ nên rất ít công ty có biện pháp xử lý, hoặc thậm chí họ có xây dựng các khu vực xử lý thì vẫn có một phần nào đó được xả trực tiếp ra môi trường do lượng chất thải quá lớn, không xử lý hết được.
4. Tác động của ô nhiễm môi trường trong thực tế
4.1. Ô nhiễm môi trường không khí
- Ô nhiễm môi trường không khí có thể sẽ giết chết nhiều sinh vật sống, trong đó có cả con người, gây nên các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đau tức ngực,…
- Sóng nhiệt hoặc tiếng ồn gây ra các triệu chứng đau đầu, stress, căng thẳng,…
- Nhiệt độ không khí quá cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ, sốc nhiệt, thậm chí tử vong.
- Khói bụi lẫn trong sương sẽ làm giảm việc hấp thụ ánh sáng mặt trời của cây xanh.
- Lưu huỳnh dioxit và các oxit nito có thể tạo nên các cơn mưa axit, hạ thấp nồng độ pH của đất khiến nó trở nên khô cằn, thiếu dưỡng chất để trồng trọt.
- Khí cacbonic từ phương tiện giao thông, nhà máy,…sẽ làm trái đất nóng lên, gây hiệu ứng nhà kính và tăng kích thước lỗ thủng tầng ozon.
4.2. Ô nhiễm môi trường nước
- Các bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm từ các vi sinh vật gây bệnh trong nước thải gây bệnh tả,ung thư da, thương hàn và bại liệt.
- Kim loại nặng gây độc hại với môi trường và cơ thể sinh vật khi hàm lượng của chúng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột biến. Đặc biệt phải kể đến các kim loại như Chì, Thủy ngân, Asen,Cadimi,...
- Các hóa chất dùng để pha chế các loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng mạnh, gây ảnh hưởng về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, người già, những người có hệ miễn dịch yếu.
4.3. Ô nhiễm môi trường đất
- Khi môi trường đất bị ô nhiễm, các loại cây trồng trên đó cũng bị nhiễm độc. Người sử dụng sẽ dễ bị nhiễm độc gan, hệ thần kinh,…
- Con người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp khi tiếp xúc với đất ô nhiễm.
- Chất gây ô nhiễm còn có thể làm thay đổi quá trình chuyển hoá của thực vật. Điều này làm giảm năng suất cây trồng. Đất bị ô nhiễm sẽ trở nên khô cằn.
4.4. Tác động của ô nhiễm môi trường đến đời sống kinh tế- xã hội
- Ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do bệnh tật, nông, thủy sản kém chất lượng hoặc nhiễm độc nên không thể tiêu thụ, xuất khẩu sang các nước khác được.
- Ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân làm cản trở ngành du lịch phát triển.
- Chi phí xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường không hề nhỏ, ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia.
5. Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Theo ông Hoàng Văn Bảy- Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng "Cần xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư. Từ đó, tạo thành hệ thống thống nhất giữa trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Các cơ quan quản lý sẽ theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp không tuân thủ pháp luật ".
- Cần phải sớm có những khung quy định chuẩn về xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn hoặc các khu công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, với các hình thức xử lý nghiêm khắc về hành chính và hình sự, nhằm răn đe các đối tượng vi phạm cũng như các đối tượng có ý định vi phạm.
- Trên các lưu vực sông, quy hoạch tiêu úng phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch xả thải. Từ quy hoạch xả thải có thể phát triển thành quy hoạch vệ sinh môi trường (xả thải, khu chứa và chôn lấp chất thải rắn, phân định khu nghĩa trang…) có xét đến công nghệ xử lý nước thải và rác thải ở các giai đoạn sau.
- Các nhà máy, khu công nghiệp cần xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải và nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, dưới sự giám sát chặt chẽ của đơn vị chuyên trách.
- Tăng cường xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, bổ sung thếm nhiều thùng rác tại các điểm du lịch, khu dân cư đông đúc,...
- Không xây dựng thêm nhiều bệnh viện, cơ sở y tế chữa trị các bệnh dễ lây truyền, đặc biệt là các nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Sử dụng các biện pháp vi sinh thay cho các hóa chất tẩy rửa trong việc giải quyết tắc nghẽn cống thoát nước bởi các hóa chất này sẽ dễ dàng thâm nhập nguồn nước, làm nhiễm độc cho nước vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc.
- Nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tuy rất đáng báo động nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mọi người cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả đã xảy ra và ngăn chặn những mối nguy có thể có trong tương lai. Bảo vệ môi trường chính là góp phần bảo vệ tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 28
Ô nhiễm môi trường là gì? Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, nguyên nhân, biện pháp khắc phục
Do nhu cầu sinh hoạt của con người cũng như số lượng chất thải của ngành công nghiệp nặng quá nhiều và tăng cao dẫn tới việc ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc xử lý rác thải không đúng quy trình, chưa kịp thời và chưa triệt để sau này sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho con cháu đời sau.
Luật pháp ở nước ta xử lý chưa triệt để cũng là 1 cơ nới cho hoạt động hủy hoại môi trường.
Mỗi ngày chủ đề ô nhiễm môi trường đang liên tục nóng hơn trên các mặt báo.
Để hiểu cụ thể hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, mời bạn cùng công ty thu mua phế liệu Việt Đức đọc xem các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục bên dưới.
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ?
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên đã bị nhiễm bẩn. Đồng thời, các thành phần hóa học trong môi trường nước, môi trường đất và các tính chất vật lý, sinh học, hóa học của môi trường cũng bị thay đổi. Từ đó gây tổn hại tới sức khỏe của con người, môi trường và sinh vật. Tất cả các dạng ô nhiễm môi trường phần lớn là do con người gây nên.
CÁC LOẠI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Trước khi tìm hiểu các loại ô nhiễm môi trường, chúng ta cùng xem các loại môi trường được phân loại khách nhau đã nhé.
– Môi trường tự nhiên : bao gồm ánh sáng mặt trời, không khí, đất, nước,…
– Môi trường nhân tạo : các công trình xây dựng nhà cửa, vật tư, các công trình công cộng,….
Và trong môi trường sống đó, cũng vô tình hay cố ý. Con người và tự nhiên tạo ra và phát sinh những dạng ô nhiễm chính là: ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm phóng xạ và các loại ô nhiễm khác. Trong đó:
Ô nhiễm môi trường nước:
Là sự thay đổi theo hướng tiêu cực các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của nước. Với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn gây ra hiện tượng độc hại cho con người và sinh vật. Làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước. Riêng về tốc độ lan truyền và quy mô ảnh hưởng môi trường thì ô nhiễm nước là vấn đề đáng lo ngại hơn ô nhiễm đất.
Ô nhiễm môi trường nước nguyên nhân là do nhiễm từ các loại hóa chất, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra sông, ra biển, mà chưa qua xử lý; các loại phân bón hoá học hay thuốc trừ sâu dư thừa trên đồng ruộng, khu trồng trọt ngấm vào nguồn nước ngầm và ngấm xuống nước ao hồ; nước thải sinh hoạt bị thải ra từ các khu dân cư ven sông gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm chết hoặc yếu đi các sinh vật trong khu vực.
Ô nhiễm môi trường đất:
Ô nhiễm môi trường đất xảy ra khi đất bị xâm nhiễm các chất hóa học độc hại với hàm lượng chất cấm vượt quá giới hạn. Ô nhiễm đất xảy ra do các hoạt động của các doanh nghiệp như khai thác khoáng sản, sử dụng phân bón trong trồng trọt, chăn nuôi,… Phổ biến nhất trong các loại chất ô nhiễm đất là các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hydrocacbon,…
Ô nhiễm môi trường không khí:
Nghe thấy quen nhưng ít ai hiểu sâu sắc về khái niệm này. Loại ô nhiễm môi trường không khí là sự có mặt của một chất lạ độc hại hoặc 1 sự biến đổi quan trọng tiêu cực trong thành phần không khí. Từ đó làm cho không khí không còn sạch hoặc gây ra sự bốc mùi hôi, có mùi rất khó chịu, và có nhiều khói bụi.
Các loại ô nhiễm khác bao gồm: ô nhiễm tiếng ồn (bao gồm tiếng ồn công nghiệp, tiếng ồn do xe cộ, máy bay…), ô nhiễm sóng (các loại sóng như sóng điện thoại, mạng, sóng vệ tinh, sóng truyền hình,… tồn tại với mật độ cao), ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm phóng xạ,…
Ô nhiễm nhiệt
Ô nhiễm nhiệt được hiểu là sự gia tăng đột ngột về nhiệt độ của môi trường, nguồn nước, không khí..có thể là tăng hoặc giảm đột ngột do tác động của tự nhiên hoặc con người.
Ô nhiễm môi trường biển
Nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển này chính là các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt từ các nguồn thải công, nông nghiệp và rác thải của ngành vận tải biển.
Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông ngòi mang ra biển như dầu và sản phẩm từ dầu, nước thải, phân bón nông nghiệp, chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, chất thải phóng xạ và nhiều chất ô nhiễm khác. Hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển trên thế giới khoảng 50 triệu tấn, gồm: rác thải đất, cát, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng ven bờ biển. Một số chất khác bị phân hủy và lan truyền ra toàn khối nước biển.
Vùng ven biển cũng là nơi chịu sức ép về chất thải của gần 60% tổng dân số cả nước, khoảng 50% đô thị lớn của cả nước. Hầu hết các chất thải do sinh hoạt và các khu công nghiệp đều đổ trực tiếp ra biển đông, một phần chất thải rắn vào sông, suối, biển gây nên ô nhiễm môi trường nước…
Chất thải rắn không được thu gom đúng quy trình và xử lý triệt để đã gây ảnh hưởng chất lượng nước biển, đời sống dân cư vùng ven biển và gây thiệt hại cho những ngành kinh tế gắn với biển.
Vấn đề thu gom, xử lý chất thải vùng ven biển tại TPHCM và cả nước VN, tuy đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm nhưng chưa được đầu tư, kiểm tra đúng mức. Tất cả các nguồn chất thải từ các sông ngòi, ao hồ, kênh rạch, khu dân cư… đều đổ ra biển gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường trong sản xuất cơ khí
Ô nhiễm môi trường trong sản xuất cơ khí là 1 vấn đề cấp bách hiện nay. Việc các công ty hoạt động sản xuất của làng nghề gia công cơ kim khí, cơ khí, kim loại cần phải được tập trung vào trong 1 cụm công nghiệp, và không để xen kẽ trong tất cả các khu dân cư. Nước thải của ngành cơ khí có chứa rất nhiều bụi bẩn, dầu mỡ, rỉ sắt và có một số hóa chất độc hại như là: HCl, Fe3+, NaOH, Cr, Ni, Zn2+, CN-, Cr3+, Ni2+..Những chất thải này khó xử lý triệt để và gây hại môi trường rất nhiều.
Mỗi chúng ta đều được giáo dục để bảo vệ môi trường từ khi còn rất bé. Những hành động nhỏ nhặt hằng ngày cũng góp phần bảo vệ môi trường. Và trước khi tìm hiểu tại sao phải bảo vệ môi trường, các bạn cùng với công ty mua phế liệu Việt Đức cần phải hiểu bảo vệ môi trường là gì? trước đã nhé.
Bảo vệ môi trường là gì?
Bảo vệ môi trường có thể hiểu là các hoạt động cải thiện môi trường và gìn giữ cho môi trường luôn trong lành. Bảo vệ môi trường là hoạt động của cá nhân, tập thể, tổ chức. Việc làm thường xuyên và lâu dài này còn giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục những hậu quả về môi trường nước, không khí, đất, biển..mà con người đã và sẽ gây ra cho môi trường.
Tại sao phải bảo vệ môi trường?
Việc bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Hiện nay thực tế trước mắt và qua các phương tiện báo chí, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng môi trường nước, biển, không khí.. của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng. Từ những điều hằng ngày chúng ta thấy và trực tiếp chịu đựng như khói bụi cho đến những điều lớn như biến đổi khí hậu, mưa đá, tuyết rơi, mưa axit, nước biển dâng, sa mạc hoá, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn trước…
Sự nóng lên của toàn cầu có tác động không nhỏ đến con người, môi trường và xã hội. Cụ thể, nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan ở các cực và mực nước biển cũng sẽ tăng theo, gia tăng số lượng và quy mô các cơn bão, động dất, sóng thần, làm suy giảm tầng ozon… Ngoài ra, một số loài không kịp thích ứng với thay đổi khí hậu cũng có thể bị tuyệt chủng.
Theo điều tra của các ban ngành hải tượng thủy văn, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang nóng hơn khoảng gần 40°C so với kỷ băng hà cách đây 13.000 năm. Đặc biệt, là trong vòng 100 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tăng 0.6°C – 0.7°C và trong 100 năm tới sẽ tăng khoảng 1.4°C-5.8°C.
Đặc biệt quan trọng là con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi sống trong môi trường nước bị ô nhiễm, xuất hiện các chứng bệnh lạ ngoài các bệnh về phổi, thần kinh, tim mạch, gan, ảnh hưởng đến bà bầu và giảm trí thông minh ở trẻ em…
Ngày 5/6 đã được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày môi trường thế giới như là 1 mốc lịch sử để kêu gọi phát huy tham gia và cổ động tinh thần vì môi trường xanh.
TÁC HẠI CỦA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Đối với sức khỏe con người, sinh vật
Ô nhiễm môi trường không khí có thể làm phá hủy tầng ozone. Điều này sẽ gây ra nhiều bệnh lý cho chúng ta như bệnh về đường hô hấp, viêm họng, khó thở, bệnh tim mạch, viêm mũi,… Ngoài ra, ô nhiễm nước có thể gây ra 14.200 cái chết mỗi ngày do ăn uống bằng nước bẩn bị ô nhiễm chưa được xử lý. Bên cạnh đó, các chất hóa học độc hại và kim loại nặng nhiễm trong nước có thể làm tăng nguy cơ ung thư và hàng ngàn bệnh nan y khác.
Đối với hệ sinh thái và môi trường
Môi trường đất khi bị ô nhiễm sẽ trở nên cằn cỗi, thiếu chất dinh dưỡng, không thích hợp để trồng cây. Khói bụi lẫn trong không khí và sương sẽ làm giảm ánh sáng mặt trời khiến cho thực vật khó quang hợp hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác. Đặc biệt, khí CO2 sinh ra từ các nhà máy và các phương tiện giao thông sẽ làm trái đất nóng dần, tăng hiệu ứng nhà kính, các khu sinh thái bị phá hủy nghiêm trọng.
Hậu quả đối với kinh tế xã hội
Môi trường bị ô nhiễm gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chúng ta như:
Phát sinh dịch bệnh tật mới, kéo dài khiến cho kinh tế của con người trở nên kiệt quệ. Thậm chí tại các vùng ô nhiễm có nhiều người phải bán hết nhà cửa để chuyển nhà đi nơi khác lập nghiệp hoặc chữa bệnh do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm.
Nông sảnr khan hiếm, thị trường đắt đỏ: Tình hình giá cả leo thang do hàng hóa đắt đỏ, kinh tế giảm sút do lượng nguồn cung nông sản và hải sản bị khan hiếm. Hoạt động đánh bắt hải sản bị gián đoạn và không còn thu hoạch lợi nhuận như trước nữa.
Tốn thời gian và kinh phí cho việc tái tạo và xử lý môi trường: Thay vì dùng kinh phí để trồng rừng và xây dựng cảnh quan, chúng ta mất thời gian và công sức cũng nhưu tiền bạc để tái tạo lại những hệ sinh thái và làm sạch môi trường đất,không khí, nước, biển. Bên cạnh đó thì những hoạt động về du lịch cũng không thuận lợi như trước nữa vì ô nhiễm khiến nền kinh tế ngày càng đi xuống.
NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Có 5 nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, trong đó nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, khác với nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn… như sau:
Các chất thải từ nhà máy, xí nghiệp
Đây là nguyên nhân của ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường không khí nói riêng. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các khu công nghiệp đã thải ra các khí như SO2, CO2, CO, NO.. vào bầu không khí chung. Ngoài ra, còn thải ra các chất như bụi than, bụi làm ô nhiễm không khí. Việc các công ty môi trường, các công ty thu mua phế liệu hoạt động cũng tạo điều kiện tốt cho môi trường.
Chất thải từ phương tiện giao thông
Theo các chuyên gia môi trường, chất thải và khói bụi từ các phương tiện giao thông như xe cơ giới, xe máy, xe tải, máy bay rất dễ gây ô nhiễm bầu không khí. Đặc biệt, các loại khói bụi này trực tiếp gây ô nhiễm không khí vào những tháng ít mưa có tính axit cao. Khói bụi có tính axit sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe con người.
Những chất thải rắn không được xử lý an toàn
Hiện nay, số lượng phế liệu, rác thải, chất thải rắn xây dựng như phế liệu sắt thép, đồng, nhôm, inox.. ngày càng nhiều. Bao gồm: chất thải sinh hoạt thường ngày, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng, rác thải y tế, rác thải chế biến, chất thải trong nông nghiệp. Những loại rác thải này nếu không được chú trọng thu gom, phân loại và xử lý theo đúng quy trình thì sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, nước mặt và không khí.
Chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học
Để bảo vệ cây trồng và tăng năng suất trồng trọt cao thì cần phải áp dụng những kỹ thuật mới, những loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất chuyên dụng. Tuy nhiên, người dân thường hay lạm dụng thuốc quá nhiều hoặc không sử dụng đúng cách thuốc này, sau khi sử dụng phân bón lại thải các bao bì, vỏ thuốc, bình chứa hoặc thuốc tồn độc hại ra môi trường. Từ đó gây ô nhiễm môi trường đất. Đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chất thải trong quá trình sinh hoạt do ý thức của người dân
Bên cạnh đó, do 1 số bộ phận nhân dân ý thức kém, thiếu kiến thức môi trường cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn hiện nay. Cụ thể, nhiều hoạt động trong sinh hoạt như sử dụng than củi, các chất đốt này cũng tạo ra khói bụi gây ô nhiễm không khí. Hay ý thức từ cá nhân ngay từ đầu không phân loại rác, xả rác ra đường phố, bãi hoang, các kênh mương, ao hồ làm ô nhiễm môi trường nước.
THỰC TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ HIỆN NAY Ở VIỆT NAM LÀ 1 VẤN ĐỂ NHỨC NHỐI
Kiểm soát ô nhiễm môi trường là một từ để dùng trong quản lý môi trường. Nó bao gồm việc kiểm soát các loại khí thải và chất thải vào không khí, nước và đất. Nếu không có việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, các chất thải từ các hoạt động sản xuất, vận tải, tiêu thụ, đốt nhiên liệu tạo nhiệt…và các hoạt động khác của con người sẽ làm tích tụ và phát tán chất ô nhiễm làm giảm chất lượng môi trường sống.
Nhiều năm gần đây với nền công nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng như là sản xuất gang, thép, nhiệt điện, khai thác than, boxit, titan thì môi trường Việt Nam đang gặp những vấn đề lớn với nhiều sự cố về môi trường đã xảy ra như xả thải của nhà máy Formosa vào năm 2016, nhiệt điện Vĩnh Tân và hàng loạt sự cố môi trường khác nhau.
Tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện là 2 thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí đứng hàng đầu thế giới, đó là báo động đỏ cho sức khỏe người dân cũng như là sức khỏe của đất nước Việt Nam. Ghi nhận lúc 8:20 sáng 01/10/2019 Hà Nội đạt mức kỷ lục 320 US AQI theo ứng dụng đo ô nhiễm AirVisual.
Ngoài ra, cũng theo ước tính trên tổng số khoảng 183 khu công nghiệp trên cả nước thì có khaorng hơn 60% các khu công nghiệp hiện nay chưa có hệ thống xử lý vệ sinh xử lý rác và xử lý nước thải tập trung.
Ở các đô thị lớn, chất thải rắn hiện đang được thu gom khoảng tỉ lệ từ 60% đến 70% và các cơ sở hạ tầng dùng để thoát nước và xử lý tất cả nước thải, chất thải đều chưa thể đáp ứng được đúng và đủ các yêu cầu về vấn đề bảo vệ môi trường. Và tại nước ta, Hầu hết tất cả các loại rác thải sinh hoạt cũng như là chất thải dầu mỡ, các loại hóa chất tẩy rửa, các hóa phẩm nhuộm, đệt may, chất thải rắn cơ khí, chế tạo máy,… hiện đều chưa được xử lý đang có 1 phần lớn đổ thẳng ra kênh mương, ao hồ, sông và ra biển
Vấn đề ngày càng cấp bách đòi hỏi toàn dân cần:
Hiện nay tại các khu du lịch, các khu đông dân cư, hay trên tuyến đường lớn, gần các bãi rác hay khu công nghiệp… Vấ đề rác thải ngập tràn mọi nơi, Việc bổ sung thêm thùng rác hay là các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn hiện đang là cần thiết và cấp bách.
Để tăng cường công tác nắm tình hình, tăng cường việc thanh tra, giám sát về môi trường cần sự ủng hộ mạnh tay của chính quyền các cấp..
Đồng thời cần nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho nhân dân, học sinh cũng như đội ngũ cán bộ phụ trách các công tác môi trường và các trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để nhằm phục vụ đúng, nhanh, đủ và hiệu quả hơn.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Trong các cách để kiểm soát và phòng chống các loại ô nhiễm thì giảm thiểu chất thải được xem là biện pháp hiệu quả nhất. Các cách chính là:
– Tái chế rác thải
– Tái sử dụng giấy
– Giảm thiểu chất thải
– Giảm thiểu tác động môi trường
– Phòng chống ô nhiễm
– Làm phân hữu cơ
– Sử dụng điện có hiệu quả(đối với một số quốc gia)
– Hạn chế sử dụng túi nilon
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay
Vào thời điểm hiện tại, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các phương tiện đại chúng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân cũng như chính quyền. Trong số đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bằng thực tế tai nghe mắt thấy và thông qua các phương tiện truyền thông, bạn có thể dễ dàng thấy được các ảnh hưởng thực tế về thực trạng môi trường hiện nay.
Mặc dù nhà nước, chính sách pháp luật ra sức kêu gọi, áp dụng các bộ luật định để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước,… nhưng có vẻ là chưa đủ sâu và mạnh để cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Tình trạng quy hoạch tại các khu đô thị chưa gắn liền với các vấn đề xử lý chất thải vẫn còn tồn đọng nên tại các thành phố lớn, khu đô thị, các khu công nghiệp,…tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động cao. Theo ước tính của bộ tài nguyên môi trường, trong tổng số 183 khu công nghiệp trên cả nước thì có trên 60% các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng chuẩn quy định.
Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% – 70% các loại chất thải rắn được thu gom. Hệ thống cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết nguồn nước thải bị nhiễm dầu mỡ, tạp chất độc hại, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,… chưa được xử lý qua đều đổ thẳng ra các sông, hồ kênh rạch tự nhiên.
Chúng ta cũng biết, ý thức người dân là vấn đề đầu tiên và cuối cùng quyết định đến vấn nạn này. Vậy mà chúng ta hờ hững với sự sống của thiên nhiên và đang dần tiêu diệt nguồn sống của chính con người chúng ta ư? Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay đang rất nghiêm trọng.
Vào ngày môi trường thế giới, toàn thể con dân trên thế giới vẫn chung tay bảo vệ và làm những công việc ý nghĩa cho trái đất xanh thông qua các hoạt động thiết thực nhất.
NHỮNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, BIỆN PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỐT NHẤT
Những biện pháp bảo vệ môi trường là vấn đề nhức nhối của các bậc lãnh đạo nhà nước, các cơ quan ban ngành, các công ty xử lý môi trường, các cá nhân yêu môi trường và yêu nước. Bởi vì vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và sinh vật.
Các biện pháp khắc phục ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn.. ơhair khác nhau và đòi hỏi thay đổi liên tục.
Chính vì vậy, cần phải áp dụng những biện pháp nguy cấp để khắc phục và xử lý tình trạng ô nhiễm như sau:
Xây dựng chế tài bảo vệ môi trường cứng nhắc
Trước tiên cần phải hoàn thiện và hệ thống pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó, cần phải đưa ra các mức xử phạt, chế tài nặng hơn, rộng hơn, đúng đối tượng hơn để răn đe các đối tượng vi phạm.
Cải thiện môi trường bằng hành động tích cực
Mọi khó khăn đều có thể chung tay giải quyết, Việc cải thiện ô nhiễm môi trường cũng không quá là khó khăn như chúng ta vẫn nghĩ. Những việc làm tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng lại góp một phần không nhỏ vào cải thiện môi trường như:
Phân loại rác từ nguồn và vứt rác đúng nơi quy định: phân loại rác từ nguồn tạo điều kiện cho cả thiện và giảm thiểu chi phí phân loại rác, rác thải được để đúng nơi quy định là yếu tố đầu tiên giúp cải thiện môi trường hiệu quả.
Trồng cây xanh, gây rừng: những việc làm nhỏ như trồng cây, gây rừng đã được tuyên truyền từ lâu. Quá trình trồng cây, gây rừng tại các địa phương sẽ làm cho không khí trở nên trong lành và mát mẻ hơn rất nhiều.
Xử lý và đốt rác khoa học: các loại rác thải cần giao cho công ty môi trường xử lý, và quá trình đốt rác đúng khoa học là 1 trong những cách giảm thiểu ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất. Các cơ quan chức năng đủ pháp lý có hiểu biết chuyên sâu về vấn đề này có thể và sẽ thực hiện tốt theo đúng chỉ dẫn thì việc đốt rác cũng góp một phần lớn giúp cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm.
Tích cực sử dụng nguồn năng lượng thân thiện: Tất nhiên, để không tạo ra nhiều khói bụi trong thành phố thì hiện nay tất cả nên giáo dục đều hướng con người và khuyến khích sử dụng những năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Những nguồn năng lượng miễn phí này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường cực kỳ tốt.
Quy hoạch các khu công nghiệp khoa học
Các nhà máy, khu công nghiệp cần được quy hoạch thành cụm, tránh xa các khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, các khu công nghiệp cần có cơ sở hạ tầng đầy đủ với hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo khoa học.
Giám sát chặt chẽ về môi trường và hệ thông xử lý rác của doanh nghiệp, Thường xuyên kiểm tra, thanh tra môi trường
Công tác kiểm tra và thanh tra môi trường lỏng lẻo tại địa phương là điều kiện để cho những nhà máy, xí nghiệp xả rác ra môi trường. Để mang đến hiệu quả tốt như mong muốn thì nên có những đợt kiểm tra, thanh tra đột xuất để biết được tình trạng chấp hành của nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp có trung thực hay không. Vì vậy, để bảo vệ môi trường tốt thì nhất thiết phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra. Phối hợp với các cơ quan chức năng có chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm định các hệ thống xử lý chất thải của doanh nghiệp từ các nhà máy, công ty, hộ dân và khu công nghiệp nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm.
Nâng cao ý thức người dân. Cần tiến hành mơ rộng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường và tầm ảnh hưởng nguy hại của ô nhiễm môi trường. Thu gom rác hữu cơ và rác vô cơ rồi phân loại riêng để tái chế. Phát huy tinh thần tự giác, có trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường. Bán phế liệu cho các công ty tái chế phế liệu trên địa bàn.
Khuyến khích các doanh nghiệp làm chức năng bảo vệ môi trường, xử lý chất thải
Mở các cuộc thi môi trường và việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm công tác xử lý chất thải, dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường là cần thiết ngay lúc này. Ngoài ra còn có cách đóng góp tuy nhỏ những hữu ích như sau:
– Kêu gọi đồng bào, học sinh và công nhân và yêu cầu người dân vứt rác đúng nơi quy định: các loại rác thải được để đúng nơi quy định chính là yếu tố đầu tiên giúp cải thiện môi trường hiệu quả.
– Đốt rác 1 cách có khoa học: tuân thủ theo quy trình đốt rác không đúng khoa học, không theo hướng dẫn của sở tài nguyên môi trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn đất nặng nề. Nhưng nếu có hiểu biết chuyên sâu hơn về vấn đề này và thực hiện theo đúng các chỉ dẫn thì việc đốt rác thải cũng góp một phần lớn giúp cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm.
– Sử dụng nguồn năng lượng thân thiện: để không tạo ra nhiều khói bụi vào bầu khí quyển thì hiện nay con người được khuyến khích sử dụng những năng lượng thân thiện nhất với môi trường như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Sử dụng nguyên liệu tái chế..Tất cả những nguồn năng lượng này đều không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí xử lý mà còn giúp bảo vệ môi trường cực kỳ tốt.
– Trồng cây xanh, gây giống rừng: việc trồng các loại cây xanh từ cây cảnh, cây rừng đều mang lại hiệu quả tích cực. Quá trình trồng cây, gây rừng sẽ góp phần làm cho không khí trở nên trong lành, mát mẻ và giảm thiểu ô nhiễm hơn rất nhiều.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 29
Ô nhiễm môi trường là gì?
Chúng ta thường nghe báo đài nói về tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở Hà Nội khi thủ đô này được xếp vào danh sách TOP các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo báo cáo của AirVisual. Bên cạnh đó, vì ô nhiễm môi trường là chủ đề HOT nên cũng có rất nhiều bài nghị luận xã hội phân tích về nó.
Cụ thể, ô nhiễm môi trường là cụm từ dùng để chỉ hiện tượng môi trường tự nhiên của Trái Đất bị bẩn và các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý của môi trường bị thay đổi theo chiều hướng xấu, gây tác hại đến sức khỏe nhân loại và các sinh vật trú ngụ trên địa cầu. Ô nhiễm môi trường tiếng Anh gọi là Environmental pollution.
Hiện nay ô nhiễm môi trường đang là vấn đề toàn cầu, bởi nó không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn trên tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, A-rập Xê-út, Qatar, Ai cập, Bangladesh, Ấn Độ, Mỹ … Điều quan trọng chúng ta cần làm để bảo vệ Trái Đất đó là xác định rõ các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và đề ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đời sống và kinh tế xã hội
Ô nhiễm môi trường dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống con người và kinh tế xã hội. Dưới đây là một số tác hại của việc ô nhiễm môi trường dễ dàng nhận thấy nhất.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người
Sức khỏe nhân loại là yếu tố chịu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đầu tiên. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng ô nhiễm sẽ có những tác động nhất định đến sức khỏe con người, điển hình là làm gia tăng các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, bệnh về mắt, nguy cơ ung thư, vô sinh ở cả hai giới.
Tác hại của việc ô nhiễm môi trường đến kinh tế xã hội
Môi trường bị ô nhiễm gây thiệt hại về kinh tế và vấn đề an sinh xã hội do dịch bệnh hoành hành, chất lượng nông sản và thủy hải sản bị giảm sút nghiêm trọng, nguồn thu về ở các hoạt động du lịch cũng bị trùng xuống. Hơn nữa, chi phí chi cho việc cải thiện môi trường sống cũng là những con số khổng lồ.
Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái
Theo thông tin từ chuyên gia, sự điều tiết của hệ sinh thái bị thay đổi, xuất hiện các cơn mưa axit tàn phá tài nguyên rừng khiến cây cối suy kiệt, sinh vật đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cũng là hậu quả của ô nhiễm môi trường gây ra.
Các loại ô nhiễm môi trường điển hình nhất hiện nay
Có mấy loại ô nhiễm môi trường? Lời giải đáp cho câu hỏi này quý khách nên biết để hiểu hơn về vấn đề. Trên thực tế, ô nhiễm môi trường là khái niệm rộng, các loại ô nhiễm môi trường rất đa dạng, tuy nhiên trong bài viết hôm nay Thanh Bình chỉ xin được tổng hợp các dạng ô nhiễm môi trường phổ biến nhất như sau:
Ô nhiễm môi trường nước
Dạng môi trường bị ô nhiễm đầu tiên, đó chính là ô nhiễm môi trường nước. Tức là, nguồn nước bị biến đổi về tính chất, có sự xuất hiện các chất lạ ở thể rắn hoặc thể lỏng. Sự biến đổi này làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước, gây độc hại cho con người và hệ sinh vật.
Ô nhiễm môi trường đất
Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước thì ô nhiễm đất cũng là một trong các dạng ô nhiễm môi trường điển hình nhất. Đó là sự thay đổi các nhân tố sinh thái trong đất vượt quá các giới hạn của quần xã sống trong đất khiến chất lượng đất bị suy thoái trầm trọng, ngày càng trở nên cằn cỗi.
Ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí cũng là đáp án dành cho những ai đang đặt ra nghi vấn có mấy loại ô nhiễm môi trường. Có thể hiểu đơn giản, đây là hiện tượng không khí bị nhiễm bẩn và thay đổi thành phần do những tạp chất lạ, xuất hiện mùi và không còn sạch sẽ, trong lành như bản chất vốn có nữa.
Ô nhiễm môi trường biển
Khi nói về các loại ô nhiễm môi trường thì không thể không nhắc đến ô nhiễm biển. Dưới tác động của những hoạt động phát thải khí độc CO2, nước biển không chỉ bị biến đổi màu, mà còn đổi bị, dẫn đến quá trình axit hóa đại dương, đe dọa đến sự sống của hàng triệu sinh vật biển, thậm chí gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ô nhiễm phóng xạ
Ô nhiễm phóng xạ cũng là một dạng của ô nhiễm môi trường. Nghĩa là các chất phóng xạ hiện diện ở những nơi không mong muốn và vượt ngoài tầm kiểm soát của con người, có thể nằm trên bề mặt hoặc bên trong các chất lỏng, rắn, khí.
Ô nhiễm phóng xạ sẽ gây nên những đột biến dị dạng, bệnh tật … Con người ăn phải những thực phẩm, uống phải nguồn nước nhiễm phóng xạ cũng sẽ bị tích lũy trong cơ thể dẫn đến ngộ độc, nhiễm độc.
Ô nhiễm tiếng ồn
Dạng ô nhiễm môi trường tiếp theo là sự ô nhiễm tiếng ồn. Đây là hiện tượng tiếng ồn trong môi trường bị vượt quá ngưỡng cho phép, gây khó chịu cho người hoặc cho động vật, ảnh hưởng đến chức năng của thính giác, nguy hiểm hơn có thể bị mất thính lực vĩnh viễn.
Phần lớn ô nhiễm tiếng ồn đều xuất phát từ những loại tiếng ồn ngoài trời, cụ thể là các phương tiện giao thông như các loại xe có động cơ, tàu hỏa, máy bay, các hoạt động xây dựng …
Ô nhiễm sóng điện từ
Trong thời đại công nghệ số phát triển, tình trạng ô nhiễm sóng điện từ cũng ngày một gia tăng. Khi các loại sóng điện từ phát ra từ các thiết bị như điện thoại, ti vi, tủ lạnh, máy tính …. với mật độ quá lớn sẽ gây ô nhiễm cục bộ hoặc trên phạm vi toàn cầu. Được biết, ô nhiễm sóng điện từ là một trong các loại ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nhiều nhất đến não bộ.
Ô nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm ánh sáng cũng được xếp vào danh sách các dạng ô nhiễm môi trường phổ biến nhất hiện nay. Vậy ô nhiễm ánh sáng là gì? Đây là hiện tượng để chỉ nguồn chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo vượt quá mức gây khó chịu, bị chói, ánh sáng lộn xộn, giảm tầm nhìn và gây lãng phí năng lượng.
Các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường phổ biến
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường có thể xuất phát từ yếu tố tự nhiên nhưng đa phần đều là do tác động của con người. Sau đây là những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường quý khách nên biết.
Do các yếu tố tự nhiên
Sạt lở đất, núi lửa phun trào, nồng độ muối khoáng trong nước quá cao do sự thay đổi của thổ nhưỡng, cường độ phát xạ mặt trời quá lớn… chính là một trong các tác nhân gây ô nhiễm môi trường xuất phát từ yếu tố tự nhiên. Thế nhưng, đây không phải là nguyên nhân chính, chỉ tác động một phần nhỏ.
Chất thải từ phương tiện giao thông
Các phương tiện giao thông, đặc biệt là động cơ nổ, sử dụng nhiên liệu xăng dầu như xe máy, xe tải, ô tô, xe cơ giới chính là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do lượng chất thải và khói bụi xả ra quá lớn, trực tiếp làm bầu không khí bị nhiễm bẩn.
Chất thải từ các xí nghiệp, nhà máy
Chất thải từ các khu công nghiệp chứa rất nhiều các khí độc như CO2, SO2, NO, CO … những chất này đều là kẻ thù của môi trường. Cùng với đó, các chất bụi than và một số loại bụi mịn khác cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng.
Chất thải rắn chưa được qua xử lý an toàn
Nguyên nhân tiếp theo là do các chất thải rắn được xả ra môi trường nhưng chưa được qua xử lý an toàn. Bao gồm chất thải sinh hoạt hàng ngày, chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp. Các chất thải này không chỉ ảnh hưởng đến không khí mà còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước mặt và nước ngầm.
Do các chất độc hóa học, chất bảo vệ thực vật
Thêm một nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nữa, là việc lạm dụng các hóa chất bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng và kéo dài thời gian sử dụng cho thực phẩm. Dẫn đến chất lượng đất bị ảnh hưởng, sức khỏe và tính mạng con người bị đe dọa do môi trường bị nhiễm độc.
Sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để đun nấu
Do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều hộ gia đình tại Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa có đủ điều kiện để sử dụng “bếp sạch”. Vì thế, than, củi, rơm rạ và các chất đốt vẫn được sử dụng hàng ngày để phục vụ cho nhu cầu nấu nướng. Do đó, đã vô tình tạo ra khói bụi dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường có thể tàn phá Trái Đất, hủy diệt nhân loại trong tương lai, chính vì thế đây là vấn để nhức nhối của toàn thế giới. Cách khắc phục ô nhiễm môi trường tốt nhất là hạn chế hoặc triệt tiêu các nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Dưới đây là một số đề xuất của Thanh Bình:
Xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, có các hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những hành động gây ô nhiễm để mọi người nghiêm túc thực hiện.
Trồng cây, gây rừng phủ kín đồi trọc, tạo ra môi trường sống xanh cũng là giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường thông minh. Tốt nhất, nên ưu tiên những loại cây có khả năng hấp thụ khí CO2 cao.
Khắc phục ô nhiễm môi trường bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra và giám sát, kiểm định quy trình xử lý rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp để tránh sai phạm.
Quy hoạch các khu công nghiệp khoa học, tránh xa các khu dân cư sinh sống là ý tưởng giảm ô nhiễm môi trường khôn ngoan, hạn chế ảnh xấu đến sức khỏe người dân.
Nên đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo chuyên môn cho đội ngũ phụ trách công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện biện pháp giảm ô nhiễm môi trường bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, giúp họ hiểu ô nhiễm môi trường là gì, nguyên nhân do đâu để tự giác phòng tránh.
Tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, túi nilon.
Vứt rác thải đúng nơi quy định, không xả thải bừa bãi ra môi trường sống.
Tái chế những loại rác thải còn sử dụng được.
Nghiên cứu thêm các nguồn năng lượng sạch (gió, nước, mặt trời …) là một trong các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nên thực hiện ngay từ hôm nay.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 30
Trong năm nay, thế giới tràn ngập vô vàn tin tức nóng bỏng về môi trường. Trái đất nóng dần, băng tan ở hai cực, mực nước biển dâng lên, cùng vô số hệ lụy nghiêm trọng khác lần lượt xuất hiện trên khắp các mặt báo cũng như trang mạng xã hội. Có lẽ vì đó, “Bảo vệ môi trường”, “sống xanh cứu lấy trái đất” là những chủ đề chưa bao giờ hết được quan tâm.
Thế giới có gì...?
Mỗi năm, có khoảng 7 triệu người trên thế giới chết đi do hậu quả của ô nhiễm không khí chủ yếu là do đột quỵ, bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Báo cáo của WHO cho biết, hơn 80% người dân sống ở khu vực thành thị chịu ô nhiễm không khí với mức chất lượng bụi trong không khí vượt quá giới hạn cho phép của WHO. Còn các nước thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức ô nhiễm cao nhất, cả trong nhà và ngoài trời.
Bên cạnh ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước nói chung và môi trường biển nói riêng vẫn luôn nằm ở mức đáng báo động. Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, trong năm 2018 có đến hơn 80% lượng nước thải trên thế giới chảy ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý. Theo thông tin từ National Geographic, ở các nước đang phát triển, 70% chất thải công nghiệp thải vào môi trường nước mà không được xử lý đã gây ô nhiễm nguồn cung nước có thể sử dụng. Thậm chí, ở một số nước kém phát triển, con số này lên đến mức 95%.
Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nóng
Theo Green ID, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị. Bộ Tài nguyên và Môi trường (MoNRE) báo cáo rằng các hoạt động giao thông gây ra khoảng 70% ô nhiễm không khí, cụ thể là ở Hà Nội.
Số liệu của WHO cho thấy 6/10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Những người sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai dễ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra hơn nhiều so với những người sống ở các địa phương khác.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 90% nước thải sinh hoạt ở các đô thị Việt Nam không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Hiện có khoảng 20% hộ gia đình trên toàn quốc phải sử dụng nước bị ô nhiễm từ hồ, ao và kênh.
Bên cạnh đó, lượng rác thải và bao bì nhựa được đưa đến bãi rác mỗi tuần luôn ở mức đáng báo động. Chỉ riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình có khoảng 80 tỷ tấn nhựa thải ra mỗi ngày.
Quan tâm môi trường, cứu lấy bản thân
Tại VN, có tương đối nhiều các tổ chức quan tâm, lên tiếng vì môi trường. Tiêu biểu có:
1. WildAct: tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam.
2. CHANGE: Được thành lập năm 2013 bởi người Việt Nam. CHANGE khuyến khích, thúc đẩy việc gìn giữ và bảo tồn môi trường thông qua giáo dục và truyền thông sáng tạo nhằm thay đổi thói quen và truyền cảm hứng để cộng đồng cùng hành động tại Việt Nam.
3. Tổ chức Hành động vì môi trường (AFEO): là tổ chức phi chính phủ của Việt nam, được thành lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, truyền thông, nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững.
4. Let’s Do It: Khởi nguồn từ chiến dịch thu gom rác của đất nước Estonia từ năm 2008. Năm 2011, tổ chức phi chính phủ Let's Do It! World được thành lập và nay là thành viên của UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc). Let’s Do It đã được lan rộng lên đến 112 quốc gia trên toàn thế giới và thu hút hàng triệu người tham gia.
5. Việt Nam Sạch và Xanh (VNSX): “Việt Nam Sạch và Xanh” hướng đến giảm thiểu lượng rác thải bừa bãi ở Việt Nam và đem lại những thay đổi lớn trong xã hội. Chúng tôi nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc xả rác và tầm quan trọng của ý thức mỗi cá nhân.
Hoạt động, phong trào vì môi trường ở VN:
Trong năm 2019, vô số bài viết từ các trang lớn cũng như tài khoản cá nhân hướng về môi trường trên những trang mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Instagram.
Ngoài ra, các chiến dịch #trashtag - dọn dẹp những “bãi rác tự phát” du nhập từ nước ngoài cũng được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng. Đi kèm theo những hashtag tiếng Anh là những hashtag rất Việt Nam như #thuthachdonrac #cauchuyenverac #chuyenracvietnam được nhiều bạn trẻ sử dụng để “khoe” thành quả dọn dẹp rác của họ.
Không chỉ những chiến dịch, phong trào tự phát của giới trẻ, những nhà kinh doanh buôn bán cũng nhập cuộc bảo vệ môi trường.
Tất cả những điều này cho thấy, sống xanh, nỗ lực vì môi trường đang là xu thế tất yếu của hiện tại.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 31
Thực trạng môi trường nước ta và những con số gây sốc
Hàng năm, cả nước “xài” hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế.
Những con số giật mình vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổng hợp báo cáo tại hội nghị toàn quốc về bảo vệ môi trường tổ chức sáng 24.8 để thẳng thắn nhìn vào bức tranh tổng thể về thực trạng môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ TNMT, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế – xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Đáng chú ý, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.
Cả nước hiện có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý và đang lưu hành gần 43 triệu môtô và trên 2 triệu ôtô.
Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.
Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan.
Tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.
Bộ TNMT đánh giá khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam với khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…; chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ… Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…
Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được đánh giá là diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Việc xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Công ảnh hưởng lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Bộ TNMT đánh giá về cơ bản môi trường đất, nước, không khí nước ta nhìn chung còn khá tốt. Dù vậy, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề; chất lượng nước biển bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như vùng nước biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do sự cố môi trường vừa qua. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Suy thoái do xâm nhập mặn, xói mòn, hoang mạc hóa xảy ra ở một số nơi, vùng ven biển; một số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu chưa được xử lý gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Việt Nam được ghi nhận có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, đa dạng sinh học nước ta đang bị suy giảm nhanh, tốc độ tuyệt chủng các loài cao.
Tại khu vực đô thị, vấn đề ô nhiễm môi trường chủ yếu là ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, ô nhiễm không khí, nước mặt tại một số khu vực tập trung các ngành công nghiệp. Tại các lưu vực sông, đoạn chảy qua các đô thị, đặc biệt và khu vực tập trung khu công nghiệp đã xảy ra tình trạng ô nhiễm các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh như sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, sông Đồng Nai chảy qua Tp. Biên Hòa và tỉnh Bình Dương,…
Tại khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm chủ yếu diễn ra tại các làng nghề, điểm công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, các cơ sở sản xuất, các trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động trồng trọt, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở các vùng lân cận, chôn lấp và đốt chất thải sinh hoạt,… Hoạt động canh tác thâm canh với việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu làm phát sinh và gia tăng các khí CH4, H2S, NH3 gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu vực chuyên canh nông nghiệp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình kỹ thuật như: Đông Anh (Hà Nội), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Yên Định (Thanh Hóa), Tây Nguyên (Đức Trọng, thành phố Đà Lạt). Bên cạnh đó, tình trạng thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, phèn hóa, mặn hóa, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất.
Ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đối với môi trường như: tái chế nhựa, kim loại, ắc quy chì, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy,… Ô nhiễm bụi đang là vấn đề phổ biến tại các làng nghề sản xuất gốm sứ, chế tác đá, đồ thủ công mỹ nghệ như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội). Ô nhiễm không khí vẫn diễn ra tại làng nghề tái chế nhựa như làng nghề tái chế nhựa Trung Văn, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Định). Ô nhiễm mùi, ô nhiễm nước, ô nhiễm chất hữu cơ tập trung nhiều tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và giết mổ. Ô nhiễm kim loại nặng trong nước mặt đang xảy ra tại các làng nghề cơ kim khí và làng nghề tái chế kim loại như làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Yên Bình (Nam Định), làng nghề tái chế chì Đông Mai, Văn Lâm (Hưng Yên).
Tại các khu vực khai thác khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh như thải đất đá và nước thải mỏ, phát tán bụi thải, quặng xỉ ngấm xuống nguồn nước hoặc phát tán ra môi trường; làm thay đổi hệ sinh thái rừng, suy thoái và ô nhiễm đất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giảm hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt tại khu vực tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Theo bộ TNMT, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp. Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung đã xảy ra. Nguyên nhân của thực trạng môi trường là do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường trong khi nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến.
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 32
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện đang là một chủ đề nóng. Nhiều tờ báo trong nước và quốc tế cho rằng vấn đề này cực kỳ nghiêm trọng và ở mức độ đáng báo động.
Đặc biệt, ô nhiễm nước và không khí là hai vấn đề quan trọng nhất, thậm chí số liệu thống kê cho thấy Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ô nhiễm đất cũng đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và các bệnh không thể tránh khỏi đối với Sức Khỏe của con người.
Ô nhiễm nước ở Việt Nam
Một nhóm các nhà nghiên cứu và chuyên gia ở Mỹ và Úc đã liệt kê 12 quốc gia ảnh hưởng đáng kể đến đại dương vào năm 2018 và khu vực Đông Nam Á có tới 5 đại diện: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trung Quốc đứng đầu với gần 8,8 triệu chất thải nhựa và Việt Nam đứng thứ tư với 1,8 triệu. Điều thực sự đáng báo động là các nước đang phát triển là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong 10 năm gần đây. Một thực tế khủng khiếp có thể xảy ra vào năm 2050 là đại dương chứa nhiều chất thải hơn sinh vật biển nếu tình trạng chất thải nhựa vẫn đang tiếp diễn, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, một sự thật bất ngờ là chỉ mất 5 giây để sản xuất một túi nhựa, 1 giây để ném nhưng lên tới 500 hoặc thậm chí 1000 năm để phân hủy.
Một lý do gây ô nhiễm nước ở Việt Nam là nhiều công ty và doanh nghiệp không thể quản lý rác và sau đó đổ chất thải vào sông suối, mà chính phủ không thể kiểm soát được. Trong khi đó, sông suối là hai nguồn nước chính để sử dụng.
Kết quả là, ở nhiều nơi của Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, người ta mắc các bệnh như dịch tả, tiêu chảy hoặc bệnh ngoài da khi phải sử dụng nước từ sông suối. Lý do cơ bản là nhiều hộ gia đình không được cung cấp nước máy và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, vì vậy họ không có nước để sử dụng hoặc họ không có hệ thống lọc nước. Ngoài ra, nhiều người lấy nước từ giếng đào không chắc chắn sạch. Mặt khác, nhiều sinh vật biển đã chết vì ô nhiễm nước do hóa chất nặng.
Chính phủ cần có luật nghiêm ngặt mới để ngăn chặn các công ty đổ chất thải vào nước và quản lý hệ thống nước được xử lý tốt hơn ở nhiều khu vực.
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Theo tin tức của VOA, nói chung, ô nhiễm không khí ở Việt Nam không nghiêm trọng như ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên, ô nhiễm ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu mới nhất về chỉ số hiệu suất môi trường của Đại học Yale (Mỹ) báo cáo rằng Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước gây ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới vào năm 2018.
Lý do đáng chú ý nhất cho sự ô nhiễm là giao thông Việt Nam. Có quá nhiều phương tiện tại Việt Nam với số lượng tiêu thụ xe máy được xếp hạng thứ tư trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực đô thị như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở những thành phố lớn này, có đầy đủ phương tiện giao thông trên đường phố, thậm chí là quá tải trong giờ cao điểm. Khói và bụi từ những chiếc xe đó đang phá hủy không khí trong lành ở những thành phố này. Hơn nữa, Việt Nam đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó bụi được tăng lên đáng kể.
Một nghiên cứu của Vietnam Forbes cũng chỉ ra rằng chất lượng không khí ở Việt Nam rất kém với các màu đỏ, đỏ sẫm và vàng bao phủ cả nước. Và một sự thật là khu vực phía Bắc bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn khu vực phía Nam.
Ở Việt Nam, hệ thống giám sát môi trường không khí cũng rất hiếm. Gần đây, các chuyên gia của chính phủ Đức tuyên bố trong cuộc khảo sát về ô nhiễm môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh rằng vấn đề ô nhiễm này gấp 23 lần so với các thành phố của Đức.
Con người phải đối mặt với nhiều bệnh như hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng hoặc thậm chí là ung thư phổi khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Điều hoàn toàn quan trọng đối với chính phủ là hạn chế số lượng phương tiện và thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt mới đối với người dân gây ô nhiễm môi trường bằng cách ném chất thải sai cách. Nó cũng là cần thiết để đánh thức mọi người nhận thức về vấn đề đáng báo động này.
Ô nhiễm đất ở Việt Nam
Mặc dù ô nhiễm đất ở Việt Nam không phải là vấn đề cấp bách như ô nhiễm nước và không khí, nhưng đây cũng là một vấn đề quan trọng cần tính đến khi đề cập đến ô nhiễm môi trường. Nó có thể ảnh hưởng đến người dân Sức khỏe cũng như năng suất nông nghiệp, đó là thế mạnh của mô hình phát triển Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng môi trường đất ở hầu hết các khu vực đô thị hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải và rác thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải.
Số liệu thống kê không mong muốn được liệt kê bởi Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Hung Yen) ghi nhận rằng có 207 trẻ em trong số 317 trẻ có xét nghiệm mẫu bị nhiễm độc chì.
Nhiều chuyên gia khẳng định ô nhiễm đất do hóa chất là một trong những ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Do đó, tất cả mọi người phải tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là ba tài nguyên thiên nhiên bằng cách tránh sử dụng chất thải nhựa và thu gom chúng một cách hiệu quả.
Nói một cách dễ hiểu, ô nhiễm đã hủy hoại những hình ảnh đẹp của Việt Nam trong tâm trí khách du lịch quốc tế. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên môi trường không thể nhận được quá nhiều sự quan tâm so với các lĩnh vực khác như kinh tế hay quốc phòng.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 33
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam như thế nào đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nóng hổi và gây nhức nhối khắp toàn cầu. Trên khắp các mặt báo, các trang truyền thông truyền thống hay mạng xã hội, ô nhiễm môi trường đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Song dù có nhiều lời kêu gọi, nhiều đề xuất bảo vệ thì môi trường vẫn đã, đang và sẽ bị hủy hoại.
Tình trạng ô nhiễm dẫn đến những hậu quả vô cùng khó lường. Nó đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người và sinh vật sống trên trái đất. Ngoài ra, nó còn gây tổn hại trực tiếp tới nòi giống, những thế hệ sau của con người.
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam
Theo thống kê của tổng cục môi trường Việt Nam, ô nhiễm môi trường ở nước ta bao gồm 3 loại chính là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và ô nhiễm đất. Trong đó, ô nhiễm không khí là cực kỳ nghiêm trọng tại các khu đô thị lớn, các khu đô thị và các làng nghề. Tình trạng này đang ở mức báo động – khi mức ô nhiễm vượt lên nhiều lần so với tiêu chuẩn được cho phép.
Thực trạng hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung tại nhiều địa phương là rất thấp. Đa số các tỉnh thành chưa phát triển mạnh về công nghiệp như Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc,… chỉ đạt mức từ 15% đến 20%. Những khu công nghiệp không có hệ thống xử lý đều xả thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều khu công nghiệp lại chỉ có những “giá trị ảo” khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, song lại không vận hành vì sợ tiêu tốn nhiều chi phí.
Tính đến nay, nước ta chỉ mới có 60 khu công nghiệp lớn đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lý nước thải. Chỉ 42% số khu công nghiệp đang vận hành có trạm xử lý, chưa tính đến chuyện những nơi này có vận hành xử lý chất thải hay không, hay vì muốn giảm chi phí mà xả thải trực tiếp ra môi trường. 58% lượng chất thải chưa xử lý sẽ đi về đâu, ai sẽ là người kiểm tra, xử lý lượng chất thải bị xả thẳng ra môi trường này?
Các bạn có tin được không khi trung bình mỗi ngày, các khu, cụm công nghiệp này thải đến 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và các chất độc hại ra môi trường. Một tuần xả 210.000 tấn, một tháng xả 9.000.000 tấn và một năm xả đến 10.950.000 tấn chất thải ra môi trường. Thật là một con số kinh khủng.
Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động. Tuy nhiên ngạc nhiên hơn là chỉ có 21/56 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 35 khu công nghiệp còn lại đều xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường nước, môi trường đất,… gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến chất lượng nước và đất của các nguồn tiếp nhận. Tình trạng phổ biến hiện nay là chất thải đã phá vỡ đi hệ thống thủy lợi, tạo nên những cánh đồng khô cằn hạn hán hoặc ngập úng, gây ô nhiễm tới nguồn nước tưới thực vật và nguồn nước uống của bà con nông dân nơi đây.
Tình trạng các khu công nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định đã làm cho hệ sinh thái tại địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư tại các khu công nghiệp đang phải đối mặt với hiểm họa môi trường mỗi ngày. Họ phải sống chung với khói bụi nhà máy, uống nước, vệ sinh cá nhân từ nguồn nước ô nhiễm chất thải, sử dụng thực phẩm nhiễm nhiều chất độc hóa học,… Chính điều này đã tạo nên cơn sóng phẫn nộ, những phản ứng và đấu tranh quyết liệt của người dân với các hoạt động không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường nơi đây.
Thực trạng ô nhiễm không khí tại các làng nghề Việt Nam
Trong thời đại mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa được chú trọng, các khu, cụm, điểm công nghiệp đã ra đời ồ ạt. Điều này giúp các làng nghề tại Việt Nam như “diều gặp gió” phục hồi và phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Các làng nghề này chủ yếu là các làng nghề thủ công, có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giúp giải quyết vấn đề việc làm tại nhiều địa phương nước ta. Tuy nhiên có lẽ một phần thiếu hiểu biết, một phần thiếu trang thiết bị hiện đại mà hậu quả về môi trường mà các làng nghề này mang lại là vô cùng nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm không khí gần như không thể cứu vãn do lượng khí CO, CO2, SO2 được thải ra trong quá trình sản xuất và gia công tại các làng nghề này. Các nhiên liệu được sử dụng phổ biến tại đây như than, bụi,… đã khiến không khí tại nơi đây bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
Theo thống kê đáng tin cậy của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta hiện nay có gần 3.000 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống đang giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu người lao động (kể cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên). Các làng nghề này rải rác khắp đất nước từ Bắc vào Nam, nhưng chủ yếu tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,…
Sự phát triển của các làng nghề đã gây ô nhiễm trầm trọng đến môi trường sinh thái tại nhiều địa phương. Nó đã mang đến những hậu quả của ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân tại các làng nghề. Đặc biệt, nó còn tác động xấu đến các người dân sống tại những vùng lân cận, gây nên những xung đột xã hội hết sức gay gắt.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị
Bên cạnh những tác động tồi tệ tới môi trường mà các khu công nghiệp và các làng nghề mang lại, ô nhiễm tại môi trường đô thị cũng đang ở mức báo động. Trong những năm gần đây, dân số ở các đô thị đang tăng nhanh đột biến, khiến cho hệ thống cấp thoát nước không thể đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng.
Dân đông, kéo theo nước thải nhiều, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế theo vậy mà leo thang. Không chỉ vậy, tình trạng ô nhiễm không khí do khói bụi từ hàng triệu phương tiện giao thông trong thành phố, từ điều hòa tại nhiều chung cư, tiếng ồn mọi nơi,… khiến cho môi trường tại các thành phố đang xuống cấp từng ngày.
Hiện nay theo báo cáo, các chất thải sinh hoạt và y tế, kể cả vô cơ hay hữu cơ, dù độc hại hay không độc hại ở đô thị đều được xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Không có bất kỳ một biện pháp xử lý môi trường nào được áp dụng,, ngoại trừ việc vận chuyển chất thải đến bãi để chôn lấp, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cho môi trường đất.
Mỗi ngày người dân tại các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác thải, các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải và chất độc hóa học, các phương tiện giao thông thải ra hàng triệu tấn bụi,… gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây, mức benzen và sunfua dioxit trong khí quyển tại Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn ở mức báo động, đạt mức ô nhiễm nặng nhất tại nước ta.
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam rất đáng báo động, để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Thay vì đòi hỏi, yêu cầu nhà nước phải đưa ra nhiều biện pháp để làm thay đổi tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Mỗi người dân hãy nâng cao ý thức của bản thân hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 34
Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam
Chất lượng môi trường không khí nói chung và tại các đô thị lớn nói riêng chịu tác động do phát sinh bụi, khí thải từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải... Trong đó, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là xe ô tô, xe gắn máy chiếm tỉ lệ lớn nhất đồng thời cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị.
Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), giao thông vận tải đóng góp 24.34% lượng khí thải carbon mỗi năm. Xét riêng lĩnh vực giao thông vận tải, các loại ô tô hạng nhẹ, ô tô tải và ô tô bus lần lượt chiếm 44%, 27% và 6% lượng khí thải carbon mỗi năm. Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel, quá trình đốt cháy nhiên liệu dẫn tới phát sinh nhiều loại khí thải như SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM10, PM2.5); thậm chí rò rỉ, bốc hơi nhiên liệu khi vận hành phát sinh VOC, Benzen, Toluen...
Đến tháng 02 năm 2020, toàn quốc có tổng số 3.553.700 xe ô tô và khoảng 45 triệu xe máy đang lưu hành. Trong đó, Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. Đây là một trong những nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây ngày càng gia tăng.
Diễn biến chất lượng không khí từ năm 2010 đến nay cho thấy: Từ năm 2018 đến năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12 năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018. Giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2019, khu vực miền Bắc đã xảy ra một số đợt cao điểm ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí tại một số đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI từ 150 đến 200, có khi vượt 200 tương đương mức rất xấu. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), khi thẩm thấu qua đường hô hấp sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của hàng loạt các căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chất lượng không khí từ ngày 01/01/2020 đến ngày 10/4/2020 có xu hướng được cải thiện hơn so với cùng kỳ của những năm trước. Kết quả tính toán chỉ số AQI cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị trong phần lớn thời gian duy trì ở mức tốt và trung bình. Đặc biệt, từ thời gian nửa cuối tháng 3/2020 đến nay, trong đó có giai đoạn cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid 19, giá trị thông số PM2.5 và CO thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó. Đây cũng là những khoảng thời gian ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong các khu vực nội đô giảm so với thời gian từ tháng 02 năm 2020 về trước, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng hoặc giảm. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị, thể hiện khá rõ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong khoảng thời gian nêu trên cũng có xu hướng tốt hơn thời gian trước.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 35
Chưa bao giờ cả nhân loại và nhân dân trong cả nước lại quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường như hiện nay. Vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến giống nòi, con cháu mai sau.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định và đưa vào một trong số các chỉ tiêu quan trọng: “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%”.
Thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
Sau Đại hội XII của Đảng, vấn đề môi trường đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2017, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5%. Đến năm 2016 dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87,5%. Năm 2017, chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 90%, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41,45%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64-QĐ/TTg được xử lý đạt 91,1%. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Trước hết là vấn đề quản lý rác thải nhập khẩu còn nhiều sơ hở. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 28/8/2018, cả nước có đến 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan, chủ yếu ở một số cảng biển. Các phế liệu này chủ yếu là nhựa, giấy, phế liệu sắt, nhôm do các hãng tàu nước ngoài chở đến. Ở các đô thị và nhiều tỉnh, các bãi rác thải ứ đọng chưa được xử lý do khu vực chôn lấp và các nhà máy chế biến quá tải. Số lượng các chất thải rắn như đồ nhựa, túi ni lông, … ngày càng nhiều và đổ cả xuống biển, các dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở một số vùng.
Vấn đề quản lý nước thải ô nhiễm càng phức tạp, khó khăn hơn. Theo các chuyên gia môi trường đánh giá, hầu hết các dòng sông và phần lớn ao hồ ở Hà Nội và một số đô thị đều ô nhiễm nặng. Hàng năm có hàng triệu mét khối nước chưa qua xử lý đổ xuống các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Lừ, .v.v. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gần 300 khu công nghiệp với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày nhưng có tới 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để, 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12%. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Cùng với rác thải, nước thải, vấn đề khí thải cũng rất nghiêm trọng. Đầu tháng 3/2019, Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam công bố báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh “Về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”. Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính của trường Đại học Fulbright, thiệt hại kinh tế ở Việt Nam do ô nhiễm không khí (2013) khoảng 5-7% GDP và gây chết sớm cho hàng chục ngàn người. Tại Hội nghị Lagos (Thụy Sĩ) năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Theo Cục kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường, Việt Nam có khoảng 43 triệu xe máy và hơn 2 triệu ô tô lưu hành, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như diesel, xăng, đang là nguồn phát thải lớn khói bụi, khí độc vào không khí. Nghiên cứu của WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những cái chết yểu trên thế giới và ước tính thiệt hại đến 225 tỉ USD hàng năm. Việc các công trình xây dựng, xe chuyên chở vật liệu, khai thác than, khoáng sản, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất .v.v… không chấp hành quy định xử lý môi trường cũng làm ô nhiễm không khí không nhỏ.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nêu trên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính.
Về nguyên nhân khách quan: Nước ta nằm ở vị trí địa lý chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán, ngập úng, nhiễm mặn ở một số vùng. Điều kiện nguồn thu ngân sách khó khăn nên chi đầu tư cho lĩnh vực môi trường rất hạn chế. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra khá mạnh mẽ cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học….
Về nguyên nhân chủ quan: Nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, của người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến chậm. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp và chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có nơi, có lĩnh vực nghiêm trọng. Công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.
Đề xuất một số biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp của nhiều quốc gia trên thế giới vì thế phải có giải pháp đồng bộ, lâu dài và với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Một số giải pháp chủ yếu là:
Một là, Các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan truyền thông và cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân về bảo vệ môi trường.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải được cả hệ thống chính trị, mỗi một người dân tham gia với ý thức tự giác và thường xuyên. Tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị, từng lứa tuổi và giai tầng xã hội để sáng tạo trong lựa chọn phương pháp phổ biến, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, tạo ý thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, từng hộ gia đình tự giác phân loại rác thải, thực hiện lối sống xanh, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học… Có ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển nguyên vật liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vệ sinh công cộng .v.v.. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát của người dân về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tăng cường phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, coi trọng chỉ tiêu môi trường trong đánh giá, phân loại khu phố, khối phố văn hóa, xã nông thôn mới .v.v..Sự chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân sẽ càng tốt hơn khi mỗi Đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước luôn gương mẫu chấp hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hai là, Trên cơ sở các quan điểm tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khóa XI), Trung ương lãnh đạo nhà nước tiếp tục thể chế hóa và bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật trên lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường kịp thời.
Một số văn bản pháp luật như: Luật Tài nguyên nước (năm 2012), Luật bảo vệ môi trường (2014), Luật Đa dạng sinh học (2008) ,.v.v. cần được sơ kết, đánh giá để nghiên cứu, bổ sung những vấn đề còn bất hợp lý, hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả để tăng cường quản lý tốt hơn trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục công dân phải xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách, công cụ thị trường nhằm điều hành và quản lý xã hội tốt hơn. Để làm giảm từng bước, tiến tới nghiêm cấm sử dụng chất thải rắn như bao ni lông cần phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi giấy, bao giấy thân thiện môi trường, đồng thời tăng thuế cao đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ nhựa, túi ni lông. Trên cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng như xe khách, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. .v.v. kết hợp với chính sách tăng phí dịch vụ xe máy, xe ô tô con,…ở khu vực đô thị để từng bước giảm tải ùn tắc giao thông và gây ô nhiễm không khí. Ngày 27/3/2019, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Từ năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 chủng loại rác thải rắn, trong đó có các loại nhựa và giấy không được phân loại. Bang New York (Mỹ) sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật cấm túi nhựa dùng một lần như bang California đã làm. Đó là những thực tế để Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo trong phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Ba là, Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trước hết quan tâm chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng trong xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt trong quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng. Thực tế ở nhiều đô thị của Việt Nam quy hoạch cho diện tích cây xanh, hồ nước tỷ lệ còn rất thấp. Nhiều hồ, ao, sông ngòi bị san lấp hoặc lấn chiếm để xây dựng các khu chung cư cao tầng đã tác động đến việc điều hòa nước, làm cho một số khu phố chỉ mưa nhỏ phải ngập úng, đường thành sông như ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010, chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng cộng đồng của nội thành là 2,4m2/người, nội thành phát triển mới là 7,1m2/người, các huyện ngoại thành là 12,0m2/người. Thực tế chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mới đạt mức bình quân là 1,6m2/người. Thủ đô Hà Nội diện tích cây xanh trên đầu người mới chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiên trên thế giới. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ cây xanh 8m2/người, trong lúc hiện nay thủ đô Praha đã đạt 200m2/người, Viene (Thụy Sỹ) đạt 131m2/người, thành phố Hambourg (Đức) đạt 114m2/người, v.v.. Việc xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng gần đây lại không quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng, nhất là tiêu thoát nước và đường giao thông nên đã xẩy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, ngập úng, phát thải hiệu ứng nhà kính tăng lên. Tăng cường hơn nữa việc quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn đi đôi với quản lý khai thác khoáng sản, cát sỏi liên quan lưu vực các sông, suối, ảnh hưởng trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước.
Việc quản lý nhà nước về trật tự công cộng có tác động rất nhiều đến bảo vệ môi trường, nhất là khu vực đô thị. Cần khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lý hành lang, vỉa hè đường phố. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm trong chỉ đạo giải phóng hành lang vỉa hè nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Việc người dân sử dụng hành lang, vỉa hè để kinh doanh như dịch vụ ăn uống, hành nghề cắt tóc, rửa xe, sửa chữa điện nước, v.v.. vừa cản trở giao thông, gây mất trật tự công cộng, lại góp phần gây ô nhiễm môi trường rất phức tạp. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này phải nỗ lực chăm lo việc làm cho người lao động kết hợp giáo dục thói quen mua bán, sinh hoạt vỉa hè và đấu tranh với sự ràng buộc lợi ích kinh tế của một số cán bộ quản lý chính quyền cơ sở, lực lượng quản lý an ninh, trật tự khu vực, địa bàn .v.v. Việc giải quyết ùn tắc giao thông, hạn chế lưu thông ô tô, xe máy của người dân cũng phải có lộ trình như đầu tư đồng bộ giao thông, phương tiện vận tải công cộng,.v.v. tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư càng rất cần thiết phải khắc phục cho được những hạn chế, thiếu sót trước đây. Có một xu thế là các nước công nghiệp phát triển đang chuyển dần các cơ sở công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp lạc hậu gây hại cho môi trường vào các nước chậm phát triển. Cần phải có cơ cấu kinh tế hợp lý để tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp. Bài học thu hút đầu tư các nhà máy xi măng lò đứng, dự án Formosa, bô xít (Tây Nguyên) ,.v.v. đều rất đắt giá, đã cảnh báo điều đó. Hiện nay, khung pháp lý về bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ nhưng khâu yếu nhất vẫn là việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vấn đề cấp bách hiện nay là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào việc chế biến, xử lý rác thải, nước thải và hạn chế đến mức thấp nhất khói bụi trong không khí. Trước hết cần có cuộc khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn của thế giới và trong nước nhằm phân loại, lựa chọn công nghệ tối ưu, phù hợp với điều kiện Việt Nam để khuyến khích đầu tư ở những vùng nhiều rác thải, ưu tiên các đô thị đông dân. Sớm bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến, xử lý rác thải, nước thải. Isarel đã thành công trong sản xuất máy xử lý rác thải gia đình để giải quyết thức ăn thừa, rau, củ, quả, vỏ trái cây,. .v.v. nhằm lấy nhiên liệu để nấu nướng. Hiện đã có 70 quốc gia quan tâm, yêu cầu lập thiết bị hệ thống phân phối. Ở trong nước, đã có người bỏ công sức nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải sinh hoạt phục vụ sản xuất bằng phương pháp vi sinh. Nhà máy được đầu tư xây dựng và vừa khánh thành tại Dĩ An, Bình Dương có thể xử lý với công suất tối thiểu khoảng 10.000m3 và tối đa khoảng 18.000m3 nước mỗi ngày. Kết quả thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt phục vụ sản xuất. Nếu kiểm tra thực tế là có hiệu quả thì cần có cơ chế khuyến khích đầu tư ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mới đây, một sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu có kết quả việc tận dụng túi ni lông bỏ đi để làm thành gạch lát hoặc các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng cần được khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế. Quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc dự báo khí hậu, giám sát môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện các điều ước hợp tác quốc tế về môi trường, tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực tạo giống cây lâm nghiệp vừa có năng suất, sản lượng gỗ cao, vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn có hiệu quả.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ rất khó khăn nếu không thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước hết, cần thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất đai, các khu chức năng nhất là khu dân sinh,vv…Trong thực tế, việc vi phạm luật pháp về quy hoạch chủ yếu do một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước, nhất là người đứng đầu các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, kiến trúc, giao thông, thủy lợi, vv…Nhiều đề án, dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn bị điều chỉnh, cắt xén trong quá trình thực hiện. Cá biệt đã có một số công viên sau nhiều năm tồn tại vẫn bị cắt xén cho các nhà hàng, văn phòng,vv….mọc lên.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp phép đầu tư, nhất là đầu tư các nhà máy sản xuất công nghiệp cần được làm nghiêm ngặt hơn. Rút kinh nghiệm việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn trước, đề nghị từ nay về sau phải nghiêm cấm các nhà máy thiết bị công nghệ lạc hậu, không xử lý triệt để ô nhiễm môi trường xây dựng ở Việt Nam. Ai cấp phép đầu tư những nhà máy như vậy phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật kịp thời. Đối với các nhà máy đang hoạt động cần thanh tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thiết bị, công nghệ xử lý nước thải, khí thải và tăng mức phạt, kể cả đóng cửa nhà máy nếu xả thải nước chưa qua xử lý ra sông, suối, ao, hồ,…Cần thanh tra xử lý nghiêm những người vẫn cố tình cấp phép nhập phế liệu, chất thải từ các nước vào Việt Nam. Hiện nay, việc nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu, việc mua bán , vận chuyển các loại hóa chất, chất bảo quản,vv… vẫn diễn ra rất phức tạp cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn, nhất là ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, bến cảng. Đi đôi với biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về chấp hành những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng cần nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe người vi phạm. Việc bảo vệ rừng, nhất là diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn phải được các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để quản lý tốt. Trong những năm tới nếu việc trồng rừng, bảo vệ rừng để tăng nhanh độ che phủ rừng không tốt thì sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu càng lớn. Một số yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường nêu trên đặt ra cho công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực kinh tế - xã hội là hết sức nặng nề và cấp bách.
Phấn đấu để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế là rất quan trọng nhưng phải đồng thời quan tâm đúng mức việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn liền với chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 36
Bàn tay con người trong hàng loạt thảm họa môi trường năm 2019
Năm 2019 đi qua với hàng loạt sự cố, khủng hoảng về môi trường khắp cả nước. Tất thảy đều có dấu ấn của bàn tay con người gây ra.
Năm 2019 là năm người Việt Nam phải gánh chịu những tai ương liên tiếp gây ra bởi chính con người. Công ty thuê người đổ dầu thải đầu nguồn sông Đà khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội dùng nước nhiễm dầu. Nông dân đốt rẫy thiêu rụi luôn hàng chục ha rừng Hà Tĩnh. 13 triệu dân TP.HCM thấp thỏm sống chung với ô nhiễm bởi khí thải do chính mình gây ra...
Cháy nhà máy Rạng Đông: Ô nhiễm thủy ngân, chính quyền bất nhất
Tối 28/8, kho chứa hàng triệu bóng đèn của Công ty Rạng Đông bùng cháy. Người dân khi ấy khó mà hình dung được mối nguy hiểm thủy ngân mà họ phải đối mặt ngay sau đó.
Sau vụ cháy, người dân sống gần nhà máy, lính cứu hỏa, phóng viên tác nghiệp vụ cháy… đồng loạt đi kiểm tra sức khỏe trước những cảnh báo bất nhất từ chính quyền. Trong khi chờ một giải pháp thống nhất từ thành phố, nhiều hộ dân tự cứu mình bằng cách tháo chạy khỏi khu vực ô nhiễm, đến nơi ở khác, bỏ lại những căn nhà trống không.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường có thể lên tới 27,2 kg, nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng an toàn 10-30 lần. Bộ khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm, nguồn nước ngầm xung quanh nhà máy, ngược lại, thành phố khẳng định chỉ số môi trường quanh khu vực an toàn. Người dân một lần nữa "tiến thoái lưỡng nan" trước những công bố bất nhất từ chính quyền.
Hai tuần sau vụ cháy, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành tẩy độc khu vực. Đến lúc này, người dân mới tạm yên tâm khi Bộ TN&MT phát thông báo môi trường xung quanh nhà máy đã an toàn.
Sự việc xảy ra kéo theo những câu hỏi về trách nhiệm, năng lực của chính quyền Hà Nội trong giải quyết thảm họa môi trường và nguyên nhân các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn tồn tại trong khu dân cư dù Chính phủ đã có quyết định di dời từ năm 2003.
Nước sông Đà nhiễm bẩn: Lòng vòng "chuyền bóng" trách nhiệm
Khi những câu hỏi sau vụ cháy Rạng Đông còn bỏ ngỏ, người dân thủ đô lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà.
Ngày 10/10, hàng vạn hộ dân thuộc 8 quận, huyện hoang mang phát hiện nước sinh hoạt có mùi khét “như nhựa cháy”. Người Hà Nội khi ấy không biết rằng, trước đó một ngày, Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện dấu hiệu đổ trộm dầu thải tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), đầu nguồn nước sông Đà.
2 ngày sau, thông tin này mới được gửi đến chính quyền Hà Nội và 5 ngày sau mới chính thức "đến tai" người dân. Ngày 15/10, nhà chức trách Hà Nội khuyến cáo người dân không dùng nước máy sông Đà để nấu ăn do hàm lượng styrene vượt quá quy chuẩn và quy trách nhiệm cho Viwasupco vì không lập tức báo cáo khi phát hiện ô nhiễm.
Cuộc sống người dân đảo lộn vì mất nước. Nước lọc đóng chai “cháy hàng” tại nhiều khu phố. Khung cảnh từng đợt người xếp hàng dài suốt ngày đêm trước những xe nước miễn phí do thành phố cung cấp khiến người Hà Nội “dở khóc dở cười” nhớ lại thời bao cấp.
Trước tình cảnh hàng vạn hộ dân mất nước, lãnh đạo Viwasupco trần tình “công ty là nạn nhân lớn nhất của sự việc” và thanh minh rằng đã báo cáo với chính quyền Hòa Bình ngay khi phát hiện. Lời thú nhận này khiến dư luận "dậy sóng" với câu hỏi về khả năng và trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của Viwasupco cũng như các cấp chính quyền. Quả bóng trách nhiệm được chuyền qua đá lại giữa chính quyền và doanh nghiệp cho đến khi Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ 3 nghi phạm đổ thải.
Vụ việc dần hé lộ khi nhóm này khai được Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) thuê xử lý dầu cặn trong sản xuất. Sự việc gây ra bởi một vài cá nhân chứng minh an ninh nguồn nước của hàng vạn hộ dân Hà Nội đang lỏng lẻo thế nào. Đồng thời, sự thiếu thống nhất trong cách xử lý của nhà quản lý là "chất xúc tác" khiến người dân bất an chồng bất an.
12 ngày sau sự cố, Hà Nội tuyên bố nước sông Đà đã lại đạt chuẩn. Hàng vạn hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội tiếp tục quay lại dùng nước của Viwasupco với khoản bồi thường “một tháng dùng nước miễn phí”, bất chấp loạt bê bối nước nhiễm dầu cùng hơn 20 lần vỡ đường ống dẫn nước của đơn vị này. Bởi lẽ, họ không có lựa chọn khác.
Sự cố về an ninh nguồn nước một lần nữa mở ra nỗi lo ngại của người dân khi phải trả phí cho những nhu yếu phẩm được cung cấp độc quyền, nhưng lại mang nhiều rủi ro về chất lượng.
Ô nhiễm không khí: Con người là nạn nhân, con người là nguyên nhân
Nếu ô nhiễm Rạng Đông và nước sạch sông Đà chỉ là hai đợt khủng hoảng trong thời gian ngắn, thì ô nhiễm không khí lại là mối nguy hại mà người dân Hà Nội và TP.HCM đã phải chịu đựng suốt nhiều năm, với cấp độ tăng dần. Nhiều thời điểm trong năm 2019, hai thành phố lớn nhất nước "thay phiên" nhau đứng trong danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo xếp hạng của ứng dụng quan trắc quốc tế AirVisual.
Tình trạng ở Hà Nội tồi tệ hơn cả. Từ 10 đến 16/12, chỉ số AQI liên tục vượt ngưỡng 300, không khí ở mức nguy hại. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Y tế phải ra khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra đường và đóng kín cửa.
Tại TP.HCM, tòa nhà biểu tượng Landmark 81 nhiều ngày biến mất sau lớp mù đặc quánh và người dân chỉ được biết chỉ số ô nhiễm của thành phố sau...15 ngày từ thời điểm quan trắc. Đại diện Sở TNMT thừa nhận việc chậm thông báo các chỉ số ô nhiễm là do quan trắc bằng phương pháp thủ công.
Người dân TP.HCM sẽ phải chờ đến năm 2030 để cập nhật thông tin ô nhiễm khi hệ thống 18 trạm quan trắc tự động liên tục trị giá 500 tỷ chính thức hoàn thiện và vận hành.
Sau nhiều đợt ô nhiễm liên tục suốt cả năm, ngày 19/12, Bộ TN&MT mới công bố 6 nguyên nhân chính khiến Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí kéo dài, trong đó, phương tiện giao thông và hạ tầng xây dựng là 2 nguồn phát thải lớn nhất.
Bộ đưa ra nhiều quyết sách cải thiện tình hình. Nhưng cho đến khi thấy được kết quả từ những quyết sách đó, người dân vẫn phải tự cứu mình bằng việc “hạn chế hoạt động ngoài trời” trong những ngày không khí nguy hại, như khuyến cáo của Tổng cục Môi trường.
Miền Trung cháy hiếm thấy, Phú Quốc ngập chưa từng thấy
Khi miền Bắc "oằn mình" chống đỡ những sự cố môi trường liên tiếp, miền Trung và miền Nam cũng ở trong tình cảnh không mấy lạc quan.
Ngày 27/6, một nông dân Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan cả 7 ha rừng. Ngay hôm sau, một người dân khác đốt rác trong vườn nhà, thiêu rụi luôn cả 50 ha rừng thông phòng hộ tại Hà Tĩnh.
Đó chỉ là 2 trong 45 vụ cháy xảy ra trong 6 ngày cuối tháng 6/2019, thiêu rụi 293 ha rừng dọc miền Trung. Hà Tĩnh là tỉnh phải "chạy lửa" nhiều nhất. Có ngày, cùng lúc toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng. Có đám cháy 1.000 người phải tham gia dập lửa. Có đám cháy dập lửa 3 ngày chưa tắt. Nhiều tỉnh phải cắt điện để phòng sự cố cháy nổ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm, 156 vụ cháy rừng đã xảy ra tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy là 930 ha, tăng 705 ha.
Hai tháng sau, Phú Quốc (Kiên Giang) ngập chưa từng thấy trong lịch sử 100 năm. Lượng mưa hơn 1.000 mm từ ngày 2-9/8, chiếm 1/3 lượng mưa trung bình cả năm, nhấn chìm 8.424 căn nhà và 63 km đường, cuốn trôi hơn 68 tỷ đồng của người dân "đảo ngọc". Nước ngập mênh mông ở nhiều khu dân cư, dự án sát biển là điều khó ai tưởng tượng ra. Đợt mưa ngập lịch sử phơi bày những bất cập về quy hoạch xây dựng, hạ tầng vốn được nói đến nhiều năm nay ở Phú Quốc.
Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh con người chính là nguyên nhân khiến tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
Tận thu nước ngầm rồi... chịu ngập
Người dân TP.HCM vừa thở phào vì không chịu ngập trong đợt mưa tháng 8 như Phú Quốc thì đến cuối tháng 9, TP.HCM phải đối mặt với đợt triều cường cao chưa từng có suốt 10 năm. Đỉnh triều đạt mức kỷ lục 1,74 m gây ngập 13 điểm, độ sâu từ 0,1 đến 0,35 m.
Một tháng sau, người Nam Bộ lại tiếp tục hoang mang khi The New York Times công bố nghiên cứu dự báo gần như cả miền Nam sẽ biến mất vào năm 2050. Trước sự tranh cãi của các học giả trong nước về kịch bản này, tác giả của nghiên cứu thuộc tổ chứcClimate Central (Mỹ) đính chính với Zing.vn rằng khu vực sinh sống của khoảng 150 triệu người Việt Nam không biến mất hoàn toàn, nhưng có thể bị nhấn chìm khi nước triều đạt đỉnh.
Nguy cơ không trầm trọng như The New York Times đưa tin, nhưng dự báo cho thấy mối nguy hại lớn hơn các kịch bản trước đó. Khuyến cáo này có cùng xu hướng với công bố hồi tháng 6 của Bộ TN&MT về nguy cơ ngập toàn miền Nam đang ngày càng nhanh hơn.
Kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy 306/339 mốc lún so với năm 2005. Khoảng 3.400 km2 diện tích thuộc 9 tỉnh miền Nam lún trên 10 cm. Vùng có mức độ lún cao nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) với tốc độ lún trung bình là 6,78 cm/năm.
Khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm được cho là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún. Thống kê ở ĐBSCL và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Ngoài ra, còn có khoảng 990.000 giếng quy mô hộ gia đình với lưu lượng khoảng 840.000 m3/ngày.
Bỏ qua tính tranh cãi về độ chính xác của các dự báo, nhiều chuyên gia thúc giục chính quyền cần tìm mọi cách hạn chế giảm mực nước ngầm và cấp bách chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất năm 2050.
Nhà máy đốt rác phát điện: Tái tạo từ rác
Rác là vấn đề nan giải của TP.HCM suốt nhiều năm nay. Để giải quyết 9.100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày và giảm áp lực cho Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, đốt rác phát điện là hướng đi mới mà TP.HCM lựa chọn trong năm 2019. Thành phố hướng tới giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50% vào năm 2020 và năm 2025 sẽ chuyển 80% rác thải thành năng lượng.
Thành phố đã khởi công 2/3 nhà máy xử lý rác hiện hữu để chuyển đổi công nghệ với tổng công suất dự kiến là 6.000 tấn/ngày. 2 dự án xử lý chất thải rắn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đang được đẩy nhanh tiến độ và một dự án công suất 2.000 tấn/ngày đang chờ nhà đầu tư.
Với định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ, giải pháp năng lượng tái tạo chuyển rác thành điện năng là hướng đi phù hợp để giải bài toán khủng hoảng rác cho TP.HCM.
Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí 67/141 trong bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), tăng 10 bậc chỉ trong 1 năm. Trái ngược với bức tranh kinh tế tươi sáng, thứ hạng tại bảng xếp hạng chỉ số Năng lực quản lý môi trường là 132/180 nước (năm 2018), tụt 53 bậc so với năm 2012.
Nhìn lại sự cố môi trường năm qua có thể thấy, thứ hạng này phản ánh một thực tế có thật về năng lực quản lý môi trường của Việt Nam.
Đầu năm 2019, Thủ tướng đã khẳng định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và phải làm ngay. Nhưng quyết tâm của Thủ tướng không thể chỉ dựa trên việc hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ con người, mà còn phải tăng cường giải pháp từ chính con người - đặc biệt là cải thiện năng lực quản lý môi trường của hệ thống hành pháp.
An ninh môi trường liên tục bị xâm phạm qua từng biểu hiện của ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu… Những mối đe dọa môi trường đến bất ngờ hay được dự báo thời gian qua cho thấy chúng không còn là câu chuyện của địa phương hay một bộ, ngành riêng lẻ nào nữa.
Chúng ta là nguyên nhân và chúng ta cũng là giải pháp. Nhưng để giải pháp ấy đáp ứng mục tiêu trong Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 mà Chính phủ đặt ra, Việt Nam còn một chặng đường dài phải đi.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 37
Ô nhiễm môi trường – vấn đề nổi cộm của Việt Nam trong năm 2019
Liên tiếp tại nhiều thời điểm trong năm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều thành phố, đặc biệt là hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM đều vượt ngưỡng “rất xấu” lên mức “nguy hại.” Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao ở mức đáng báo động, tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, ứng dụng AirVisual nhiều lần xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Sự việc đã gây nên luồng tranh luận mạnh mẽ trên Mạng xã hội (MXH) vào đầu tháng 10, khiến AirVisual nhận được hàng loạt bình luận tiêu cực, có tính chất đe dọa trên Facebook, đồng thời bị “tấn công hội đồng” bằng những đánh giá 1 sao trên nhiều nền tảng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí được các chuyên gia cho rằng từ nhiều phương diện: khói bụi của các phương tiện giao thông dày đặc, nhiều công trình xây dựng, làm đường, ít cây xanh, thói quen đốt rơm rạ tại một số khu vực, hay hiện tượng nghịch nhiệt.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong năm 2019, mức độ ô nhiễm trở nên ngày càng đáng báo động. Tình trạng chung là lượng nước thải đô thị lớn hầu như đều chưa được xử lý, mang theo rất nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông; một phần của số này lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh thành, nước thải công nghiệp, nước thải từ các làng nghề, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng làm ô nhiễm nặng hệ thống sông ngòi.
Tại Hà Nội, điển hình của ô nhiễm nước là vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải; nước ngầm tại Hà Nội nhiễm asen nặng; nguy cơ nước nhiễm thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông; hay những vấn đề liên quan đến làm sạch sông Tô Lịch. Tại miền Nam, ô nhiễm nước mặt sông Đồng Nai ngày càng trở nên nghiêm trọng, không đủ tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các sông khác như sông Thị Vải, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Tiền – Hậu đều có mức độ ô nhiễm mở rộng.
Năm 2019 cũng xảy ra tình trạng “khủng hoảng rác” trên nhiều tỉnh thành, cụ thể là tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải khi lượng rác thải ngày càng nhiều nhưng quỹ đất dành cho việc chôn lấp ngày càng hạn hẹp và công nghệ xử lý còn lạc hậu.
Điển hình là vụ người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn (Sơn Tây) khiến rác ứ đọng, ngập ngụa; hàng chục ngàn tấn rác thải tồn đọng tại nhiều địa phương ở Quảng Nam; Đà Nẵng chi đến 12 tỷ chỉ để mua bạt che rác ở bãi rác Khánh Sơn v.v. Ngoài ra, vấn nạn rác thải cũng đang diễn ra ở nhiều huyện đảo du lịch như: Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du…
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó Hà Nội có tới 85 – 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại Việt Nam trong tình trạng quá tải, tồn đọng hàng chục đến hàng trăm nghìn tấn rác thải chưa được xử lý. Những “núi rác” này không được che chắn, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không có biện pháp xử lý mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trái ngược với tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức rất đáng lo ngại, phản ứng của các cơ quan liên quan và chính quyền sở tại nhìn chung còn chậm, lúng túng với sự chồng chéo về vai trò, chức năng. Hơn thế nữa, những giải pháp đưa ra đa số dừng lại ở bề mặt, chưa có những biện pháp quyết liệt để giải quyết từ gốc rễ để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Năng lực quản lý môi trường ở Việt Nam, đặc biệt về mặt hành pháp, cần được xem xét và cải thiện một cách nghiêm túc, nhất là khi ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã tới giới hạn nguy hiểm.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 38
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương tôi
I,Đặt vấn đề:
Nông thôn Việt Nam nói chung và địa phương em nói riêng là nơi sinh sống chủ yếu là nông dân, là vùng sản xuất nông nghiệp là chính. Tuy nhiên trong những năm qua, kinh tế địa phương tôi tương đối phát triển mạnh nhờ sản xuất đa ngành, từ một địa phương thuần nông nay xuất hiện nhiều ngành nghề như làm bún truyền thống, nuôi trâu bò, nuôi lợn, nuôi gà,trồng hoa màu, một số hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng xuất hiện…nhờ đó đã làm cho đời sống kinh tế của người dân địa phương tôi có những bước phát triển mới. Cùng với sự phát triển đó thì đời sống bà con địa phương được nâng lên. Các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra sôi nổi; nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế. Công ăn việc làm ở địa phương cơ bản được giải quyết. Tình trạng nông nhàn sinh ra các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc hầu như không đáng kể. Các hộ nghèo giảm hẳn. Nhà của của bà con được xây dựng khang trang kiên cố. Đường xá được bê tông hóa nên giao thông đi lại rất thuận tiện. Ai đi xa lâu ngày khi trở về quê đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của địa phương. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh vấn đề xã hội nan giải là ô nhiễm môi trường. Địa phương tôi cũng phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nước thải chuồn trại gia súc không đảm bảo, nước thải sản xuất bún , sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt…
Nghiên cứu tác động của ô nhiễm môi trường đến môi trường xã hội địa phương, tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này là công việc hết sức cấp bách nhằm ổn định xã hội về phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho bà con, phòng chống các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh dịch có sức lây lan nhanh như xuất huyết, tiêu chảy cấp…qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống từ vật chất đến tinh thần cho bà con địa phương, xây dựng nếp sống làng xã ngày một văn minh hơn.
II, Thực trạng:
Hiện nay, địa phương có khoảng 180 hecta trồng lúa, 20 hecta rau màu, 200 hộ nuôi lợn( Mỗi hộ bình quân nuôi từ 10 đến 20 con lợn), khoảng 20 hộ nuôi gà( tất cả khoảng 10 ngàn con), 10 hộ nuôi trâu bò( Khoảng 200con) và khoảng 30 hộ làm bún truyền thống. Đây là tiềm lực kinh tế lớn của địa phương nhưng cũng là những ngành nghề gây ô nhiễm nhất.
Hơn nữa mấy năm địa phương chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Chưa nhận thức rõ môi trường tác động đến đời sống xã hội như thế nào. Hiện nay địa phương tôi cũng rất lúng túng chưa có hướng giải quyết nhằm cải thiện về vấn đề môi trường để địa phương có nếp sống văn minh, thôn sóm sạch đẹp, cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con qua đó phòng ngừa một số dịch bệnh sống cho bà con địa phượng, ổn định xã hội. Nhiều cuộc họp dân với sự tham gia của chính quyền địa phương nhưng vấn đề này chưa có hướng giải quyết. Cũng chưa có cuộc nghiên cứu đánh giá cụ thể nào về ô nhiễm môi trường tác động đời sống xã hội của nhân dân địa phương.
Nhìn chung ô nhiễm môi trường ở địa phương tôi diễn ra ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của bà con địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi, tác động đến cảnh quan môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội.
III, Nguyên nhân:
Qua tìm hiểu thì tôi nhận thấy những thực tế điều kiện hoàn cảnh thực trạng vấn đề như sau:
1, Ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi:
Hầu hết các hộ chăn nuôi tự phát theo hộ gia đình, quy mô nhỏ, có khi nuôi gia súc thả rong, làm chuồng trại tạm bợ không đạc tiêu chuẩn. Các chất thải từ chuẩn trại không không được xử lý. Chất thải nầy vừa gây ô nhiễm nguồn nước, tạo cơ hôi cho các dịch bệnh phát triển lại vừa gây ra mùi khó chịu làm ô nhiễm không khí.
2, Ô nhiễm từ chất thải nghề làm bún:
Đây cũng tác tác nhân gây ô nhiễm không kém. Tương tư như chăn nuôi, các chất thải hữu cơ từ nghề làm bún cũng gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của địa phương, ảnh hương đến sưc khỏe đời sống của bà con ở địa phương.
3, Ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp:
Do kinh nghiệm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón của bà con ta còn hạn chế, tùy tiện nên xảy ra tình trạng dư lượng thuốc và phân tồn đọng trong môi trường và trên sản phẩm nông nghiệp gây ảnh hương không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. các chai lọ bao bì đựng phân thuốc vất ngổn ngan ra môi trường làm thêm ô nhiễm, nếu không có biện pháp hạn chế ngăn chặn thì lâu dài là rất nguy hiểm.
4, Ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt:
Do chưa có đội ngũ thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đồng thời ý thức bà con vất rác đúng nơi quy định của bà con địa phương còn hạn chế. Vì vậy đi đâu cũng thấy rác làm mất vệ sinh và cảnh quang thôn xóm, cũng là tác nhân gây ô nhiễm trầm trọng.
IV, Hậu quả của sự ô nhiễm môi trường:
Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sông bà con địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, nhưng đồng thời sức khỏe cư dân địa phương bị đe dọa trầm trọng. Các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da… có dấu hiệu phát triển mạnh, ảnh hưởng trầm trộng đến chất lượng sống của cư dân trên địa bàn.
Đặt biệt ô nhiễm cũng gây thiệt hại kinh tế to lớn; dịch bệnh từ chăn nuôi diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho hàn chục gia đình chăn nuôi ở địa phương.
V, Các giải pháp đề xuất:
-Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững thì lãng đạo địa phương học hỏi kinh nghiệm địa phương khác về mô hình chuồn trại khép kín: chuồn thông thoáng, phân được xử lý sử dụng làm phân bón cho nông nghiệp. đặc biệt tuyên truyền vận động bà con xây hầm bi-o-ga vừa kinh tế vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Lãnh đạo địa phương có trách nhiệm hướng dẫn bà con kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí.
– Về nghề bún thì hướng dẫn vận động các hộ sản xuất áp dụng các hình thức sản xuất mới khép kín vệ sinh. Xây dựng các bể xử lý chất thải sử dụng các chất vi sinh, nuôi bèo bể để nước thải được xử lí trước khi thải ra môi trường.
-Tuyên truyền vận động bà con cách sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách tránh lãng phí, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt tuyên truyền cho bà con hiểu chai lọ bao bì phân thuốc bảo thực vật là rác rất nguy hiểm cầ phải vất đúng chỗ để tiện thu gom xử lý.
-Về rác thải sinh hoạt thì rất cấp bách; phải tuyên truyền bà con thải rác đúng nơi quy định. Xây dựng đội ngũ thu gom rác tự quản. Kinh phí thì vận động mỗi hộ gia đình đóng 10 ngàn đồng/tháng để đội này hoạt động thường xuyên hiệu quả. Hình cho được dịch vụ thu gom rác hoạt động một cách bền vững. tuyền từng gia đình ý thức bảo vệ môi trường , hợp tác nhau triệt để
Trên đây là những đề những đề xuất có nghiên cứu từ thực tiển. Nếu được nghiên cứu triển khai đồng bộ thì tôi tin chắc rằng môi trường địa phương tôi sẽ được cải thiện, ô nhiễm môi trường sẽ được khống chế và đẩy lùi. Kinh tế địa phương sẽ phát triển một cách bền vững, sức khỏe bà con trên địa bàn sẽ được đảm bảo; hạn chế, đẩy lùi các dịch bệnh. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con sẽ được nâng cao toàn diện.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 39
Thế kỉ XXI không chỉ là thế kỉ của công nghệ số mà còn là thế kỉ của ô nhiễm môi trường. Tình trạng này xảy ra ngày càng phổ biến ở nước ta đặc biết là ở Vị Xuyên - Hà Giang.
Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Ô nhiễm môi trường là một tình trạng mà tất cả những yếu tố tự nhiên đã và đang bị nhiễm các chất cặn bẩn, chất độc hại, có hại với sức khỏe con người. Với môi trường đất đai, con người sử dụng những chất thuốc hóa học như thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật,….
Tuy diệt được các loài có hại nhưng những sinh vật có ích cũng bị nhiễm độc thuốc ảnh hưởng theo, làm đất bị thoái hóa trầm trọng, đặc biệt là Việt Nam tình trạng này còn trầm trọng hơn khi ngoài việc phun thuốc hóa học để chống sâu bệnh hại quá liều mà do tỉ lệ dân số nước ta khá cao so với diện tích đất khiến cho diện tích đất trồng đang bị thu hẹp lại.
Với môi trường nước, các nhà máy hoạt động thải chất bẩn ra các con sông mà không xử lý, gây nhiễm độc nước làm nhiều loài sinh vật biển chết hàng loạt. Trong đó phải kể đến sự việc cá chết hàng loạt vào năm 2016 nhà máy Formosa thả chất thải trực tiếp xuống sông khiến các vùng biển Vũng Áng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị nhiễm độc nặng, ảnh hưởng đến công việc ngư dân và đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, việc phun thuốc hóa học không chỉ làm đất bị suy thoái, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước khi phun thuốc trước hoặc sau các ngày mưa làm thuốc hóa học theo đất đổ ra các con sông, đồng thời khí độc trong thuốc bay hơi sẽ ảnh hưởng đến môi trường không khí. Môi trường không khí hiện nay cũng đang bị ô nhiễm rất lớn bởi khí thải của các phương tiện giao thông, các nhà máy chưa qua xử lý.
Đặc biệt tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề phải kể đến thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc khi người dân Trung Quốc gần như không thấy mặt trời, ra đường luôn phải đội mũ bảo hộ. Đây quả thực là một tình trạng hết sức nguy cấp và có dấu hiệu gia tăng khi khí hậu đang dần biến đổi, vùng Bắc cực có dấu hiệu băng tan.
Tình trạng ô nhiễm gây ra rất nhiều tác hại mà không chỉ sinh vật, con người sẽ là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Với sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường gián tiếp gây ra những căn bệnh nguy hiểm khi họ ăn phải hoặc uống, sử dụng phải nguồn nước nhiễm độc, sinh vật chết do nhiễm chì nặng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt Việt Nam ta hiện nay đang là nước đứng thứ hai thế giới vì tỉ lệ người bị mắc bệnh ung thư.
Với tâm lý xã hội, hiện tượng này sẽ gây ra sự hoang mang, lo lắng cho người dân, làm tổn hại nền kinh tế khi họ phát bệnh nặng khi sử dụng những nguồn nước và thức phẩm không đảm bảo, khiến chi phí chữa bệnh vô cùng lớn, làm ảnh hưởng đến lương tháng, công việc của họ.
Vậy tại sao môi trường lại ô nhiễm đến như vậy? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết về khách quan, nước ta chưa có sự đầu tư cao cho các công tác bảo vệ môi trường, chất thải sinh ra từ các khu sinh hoạt , khu công nghiệp nhà máy quá nhiều đến mức không xử lý được hết, những phần dư sẽ tích tụ và gây nên ô nhiễm, hay tại các phố đông người phân bố thùng rác không hợp lý, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên làm quá trình ô nhiễm bị đẩy lên cao hơn.
Tuy nhiên, yếu tố khách quan là một phần nhưng yếu tố chủ quan lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự ô nhiễm quá mức trầm trọng bởi nếu có ý thức bảo vệ môi trường, con người hoàn toàn có thể khắc phục được những nguyên nhân khách quan, nhưng hầu hết người dân chưa thực sự ý thức được về tác hại mà những tác động dù nhỏ nhất của họ vẫn có thể dẫn đến sự ô nhiễm, nhiều người vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định, sử dụng nhiều túi nylon, rác thải nhựa như ống hút, cốc nhựa,…
Bởi các chất thải nhựa mất đến hơn một thế kỷ mới có thể phân hủy, việc sử dụng đồ nhựa cũng khiến người dân bị nhiễm độc nhựa hay lạm dụng các chất hóa học bởi chúng “tiện”, những nhà máy cũng vì cái “tiện” mà không qua xử lý thải chất độc hại ra môi trường
Có biện pháp nào hạn chế được tác hại mà ô nhiễm môi trường gây ra hay không? Câu trả lời là có, nước ta nên có thêm những chính sách đầu tư cho các chiến dịch, công tác bảo vệ môi trường, địa phương tại các nơi thường tụ tập hoặc có đông người đi lại nên phân bổ thùng rác hiệu quả và thường xuyên vệ sinh chúng hay tạo ra ngày môi trường, vận động người dân đi xe đạp, xe điện.
Ngoài ra, bạn có thể tuyên truyền cho người dân biết về tác hại môi trường ảnh hượng thế nào đến lợi ích của họ và gia đình, nâng cao ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa, sử dụng các chất hóa học, các nhà máy nên đầu tư mua các trang thiết bị lọc chất thải tối tân, hiện đại để bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, để thực hiện được những giải pháp trên cần một quá trình lâu dài và cần sự nhận thức của tất cả mọi người rằng nên vì lợi ích chung sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, không nên vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến cuộc sông của những người khác những sinh vật đã và đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường.
Như vậy, ô nhiễm môi trường quả là một tình trạng đáng lo ngại, là hiểm họa đối với cuộc sống sức khỏe con người nói chung và hành tinh Trái Đất nói riêng.
Là học sinh, mỗi chúng ta nên là những người biết sống xanh, biết bỏ rác đúng nơi quy định, chúng ta phải thật sự thay đổi thì người khác mới có thể thay đổi, tự trau dồi những kiến thức về môi trường để tuyên truyền và vận động những người xung quanh chúng ta.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 40
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG - VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HIỆN NAY
Môi trường sinh thái, môi trường sống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân. Những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương dường như mới chỉ chú trọng đến hạ tầng cơ sở, như: đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện,… mà chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sức khỏe - một yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế gia đình và xã hội.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của nước ta hiện nay, tiêu chí vệ sinh môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững nông thôn mới. Phát huy các giá trị vật chất và tinh thần mà kết quả của các phong trào “xây dựng làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”,… Đảng, Nhà nước ta phát động phong trào “xây dựng nông thôn mới”, một việc làm hợp lòng dân, được nhân dân hưởng ứng làm theo một cách tự giác và hiệu quả tích cực. Diện mạo ấy chủ yếu là cơ sở hạ tầng, như: đường liên thôn, liên xã, kiến trúc, trường học, nhà văn hóa, bệnh viện, bệnh xá, thủy lợi tưới tiêu, dồn điền, dồn thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho sự phát triển nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, cải thiện một bước đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề môi trường an sinh xã hội, nhất là không khí, nguồn nước, thực phẩm bẩn đang là một vấn đề bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe của con người, do vậy giải quyết vấn nạn này là một yêu cầu quan trọng cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Nhận thức đúng yếu tố đời sống an sinh trong mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường vệ sinh sức khỏe
Trong những năm qua, nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng đến cơ sở vật chất, như: đường sá, nhà cửa, phát triển kinh tế, thu nhập cá nhân, hộ gia đình tăng năng suất lao động,… mà không quan tâm đúng mức về môi trường vệ sinh sức khỏe, một đòn bẩy tiên quyết để phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh công nghiệp, thủ công nghiệp từ làng nghề truyền thống do vô thức và ham lợi đã thải ra sông suối, kênh rạch, đường sá hàng tấn rác bẩn, hằng tỷ khối nước thải độc hại gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hủy hoại cuộc sống, gây bất bình trong nhân dân. Nhiều khu dân cư sống trong môi trường độc hại nhiễm các bệnh, như: lao phổi, viêm đường hô hấp,… nhiều người sử dụng nước bẩn, rau bẩn, cá, thịt bẩn, hằng trăm người mắc phải bệnh ung thư, viêm gan B, HIV và các bệnh truyền nhiễm khác. Và như vậy, nguồn lao động bằng sức lực và trí tuệ con người ngày một giảm đi, kinh tế suy sụp, tốn kém tiền của chữa chạy thuốc men khuynh gia bại sản, gây nguy hại đến từng gia đình và cả xã hội.
Trách nhiệm tự giác làm sạch môi trường của mỗi người dân trong việc xây dựng nông thôn mới
Không ai khác, chủ thể làm sạch môi trường là con người, là sự kết nối, hợp sức của các tầng lớp già trẻ, trai gái, các tôn giáo, chức sắc từ miền núi đến đồng bằng, đô thị trong cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương. Vì vậy, mỗi người trong cộng đồng xã hội là phải nhận thức đúng và hành động từ đáy lòng, từ trái tim, khối óc và thật sự khẩn trương để môi trường của chúng ta trong sạch vì lợi ích sức khỏe, văn minh, an sinh xã hội, không những đối với người lớn, mà ngay cả trẻ nhỏ mới sinh ra cũng được hưởng điều tốt lành từ môi trường trong sạch. Qua nhiều năm, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt được kết quả đáng mừng, cơ sở vật chất, như: đường giao thông liên thôn, liên xã, bệnh xá, trường học, khu văn hóa vui chơi của cộng đồng, đời sống nhân dân được nâng lên một bước, có nơi khá giả, tình làng, nghĩa xóm, phố xá yên vui, đầm ấm. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn bất cập, nhiều địa phương nông thôn, nông dân cũng còn nghèo, còn khó khăn, môi trường ô nhiễm diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân…
Việc xóa đói giảm nghèo không bền vững, nhiều địa phương tái đi tái lại, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội. Nguyên nhân thì nhiều, như: thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mất mùa, nhưng trong đó có vấn đề môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, kéo theo đó là kinh tế, văn hóa giảm sút nghiêm trọng. Đó là một vấn đề rất lớn, hết sức nhạy cảm của xã hội, một lỗ hổng về môi trường nóng bỏng hiện nay do thiếu trách nhiệm, ý thức tự giác chung tay đồng bộ của cả cộng đồng trong việc làm sạch môi trường. Nhiều địa phương, tỉnh, thành đã lên tiếng bức xúc về tình trạng môi trường bẩn, nhưng những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt và liên tục thì chưa đủ. Trong thực tế, có rất nhiều địa phương, xóm, xã ở các tỉnh thành, du khách khi họ bước vào đầu làng là thấy có nhiều đống rác thải, như: nilong, quần áo rách, động vật chết, thức ăn bẩn chất đống bốc mùi hôi thối, tháng này để sang tháng sau cứ thế mà chồng chất vô tội vạ, suy cho cùng đó là cách ứng xử vô trách nhiệm của một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa thực hiện đúng quy định về xử lý rác thải. Trong khi đó, nhiều địa phương có các cơ sở làm tốt việc xử lý rác thải, như: xã Đông Phương (huyện Tiền Hải, Thái Bình), xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) và nhiều tỉnh thành phố khác, như: Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình,… nhiều điển hình, cách làm hay gắn với việc thi đua, khen thưởng đúng lúc và kịp thời về xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Điều cần nói ở đây, ở thời kỳ hội nhập, du khách trong và ngoài nước đổ về nông thôn, miền núi tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm, vì vậy rất cần có một môi trường sạch để thu hút khách du lịch, qua đó người dân được hưởng lợi, đó chính là từ môi trường sạch đẹp.
Mấy năm gần đây, khi Đảng có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc, bước đầu có chuyển biến mạnh mẽ, nông nghiệp, nông dân có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, năng suất lao động được nâng lên, chủ yếu là cây lương thực, rau màu, gia súc, gia cầm. Song, vì lợi nhuận, một bộ phận người dân thờ ơ, vô cảm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng, coi thường luật pháp, cố ý làm trái, đã dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích quá liều cho phép nên người tiêu dùng bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo gây hậu quả khôn lường. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện bị phong hóa, mưa dầm, xe quá tải cày xéo ngày đêm, gây ra đất bụi mất vệ sinh cho người đi đường và các hộ dân sống lân cận mà không có biện pháp ngăn chặn. Mặc dù, Nhà nước đã có chế tài ngăn ngừa chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát bừa bãi ở các tuyến sông, như nạn phá rừng, khai thác cát trái phép xảy ra thời gian qua làm cho nguồn nước không những nhiễm bẩn mà còn hủy hoại nhà cửa, môi trường sống của dân thật khó tưởng tượng nổi một thảm họa môi trường đến với cộng đồng xã hội.
Nói không với bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật về chỉ tiêu vệ sinh môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới
Chúng ta không thể không tôn vinh những địa phương, những cá nhân thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, trong đó có bảo vệ môi trường, đồng thời không thể không phê phán những địa phương, những cá nhân phản ánh sai sự thật để có thành tích hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong khi môi trường bẩn vẫn tồn tại ở địa phương, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Vấn đề này không phải là cá biệt, nhiều địa phương báo cáo lên cấp trên đã làm tốt các chỉ tiêu, song đoàn kiểm tra về xem xét lại, mới biết là ở ven đường làng, thôn xóm còn có nhiều điểm đổ rác thải không đúng quy định, không tổ chức trong việc xử lý rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân,… Có những làng, thôn, xã, ấp nhiều chỉ tiêu đạt rất khá, như: kinh tế, văn hóa, văn nghệ, đường làng khang trang bê tông hóa, song việc chó chạy rông, phân chó rơi vãi mùi hôi thối bốc lên, cống rãnh ở khu dân cư nước bẩn, bọ gậy loăng quăng dày đặc, cùng với rác thải nilon đầy bên đường làng, thế nhưng lãnh đạo địa phương vẫn gửi văn bản lên cấp trên đề nghị khen thưởng vì đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, bất chấp cộng đồng địa phương kêu ca về ô nhiễm môi trường.
Trong thực tế hiện nay, bệnh thành tích không phải là phổ biến, nhưng điều này đã bộc lộ nguyên nhân xây dựng nông thôn mới không bền vững ở một số địa phương cũng như: việc xem nhẹ nội dung môi trường. Môi trường bẩn là một vấn đề hết sức nhạy cảm của người dân, vì đây vừa mang ý nghĩa sống còn về sức khỏe trực tiếp, vừa có tiềm ẩn hủy hoại cuộc sống của cả cộng đồng, suy giảm về kinh tế, văn minh xã hội. Vì vậy, muốn có lợi ích từ môi trường, mỗi người dân phải ứng xử rất công bằng, khách quan mang ý nghĩa tích cực, phản ánh và hành động trung thực với môi trường, để cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống thiết thực hơn.
Cần có những biện pháp hữu hiệu, mạnh mẽ của xã hội để hướng thiện với môi trường sạch trong việc xây dựng nông thôn mới bền vững
Nhiều nước trên thế giới, như: Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… đặt vấn đề môi trường là một yếu tố quan trọng của nguồn sống con người, là sản sinh ra sức sản xuất để tăng năng suất lao động phát triển kinh tế - xã hội. Những cuộc hội thảo khoa học quốc tế về môi trường đã khẳng định, sức khỏe con người phụ thuộc vào không khí trong lành, nguồn nước sạch, thực phẩm không bẩn,… là tiềm lực sáng tạo ra sức khỏe văn minh để cải tạo thế giới vật chất và tinh thần phục vụ lợi ích thiết thực cho con người. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi trọng môi trường thông qua nhiều hoạt động xã hội, chế tài để phục vụ an sinh đất nước. Ở những nơi công cộng, trường học, bệnh xá, bệnh viện, ghế đợi xe bus, xí nghiệp, nhiều địa phương, bản, phố, xã, thôn, ấp trong nước người dân tự giác viết khẩu hiệu, tờ rơi nói rõ tác hại của ma túy, thuốc lá và khuyến cáo mọi người hãy nói không với thứ độc hại. Cách làm đó đang có sức giáo dục hấp dẫn, lan tỏa rất cao, nhất là trong giới thanh thiếu niên. Từ những việc làm phong phú, đa dạng ấy, nhiều địa phương lại có cách làm hay khác nhau, như: vùng quê Thái Bình, bà con trong thôn, xóm trồng hoa bên đường làng không những làm đẹp cảnh quan văn minh đường làng mà còn để khuyến cáo mọi người thôn, xã không được đổ rác thải ra ngoài đường bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có thói quen phân loại rác thải đồ nhựa, nilon thành gói riêng, loại hữu cơ như lá rau, vỏ củ, quả, thức ăn thừa, những nơi có đất trồng trọt thì dùng bón cho cây hoặc đưa đi phân hủy theo quy hoạch. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong nước đã có quy hoạch những nơi đổ rác thải và tiêu hủy rác một cách hợp lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương đã quan niệm ứng xử với môi trường một cách rất rõ ràng, tự giác là thể hiện văn hóa, thuần phong mỹ tục và hành động là phải có hiệu quả thiết thực. Điều đáng mừng là ở vùng cao nhiều bản làng, như: Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An,… mỗi khi họp dân, ngoài việc bàn về kinh tế, an ninh xã hội, vấn đề môi trường đều được đưa ra bàn một cách nghiêm túc và thường xuyên, vừa nhắc nhở, vừa răn đe những ai cố ý làm trái quy định của nhà nước về môi trường trong cộng đồng thôn, bản.
Nhiều địa phương ở các tỉnh thành nhất là các xã, bản ở gần trạm xá, bệnh viện, chợ quê, nơi chế biến bánh kẹo, thực phẩm gia cầm, gia súc, cổng nước thải công nghiệp, những địa phương này đã thành lập tổ chuyên trách kiểm tra vệ sinh môi trường và có chế tài hoạt động cụ thể phản ánh kịp thời những hành vi sai trái của những ai ứng xử môi trường không đúng quy định của nhà nước, nên đã đem lại kết quả khách quan trong việc xử lý vụ việc, như: xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn).
Vừa qua, Hội Phụ nữ Thành phố Cần Thơ đã phát động phong trào vì môi trường sạch, trong đó chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của mọi gia đình trong cộng đồng. Nhiều gia đình trong thành phố, chị em phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các khâu gieo trồng không dùng thuốc trừ sâu, kích thích hoặc không dùng những loại hóa chất có hại cho chế biến, bảo quản thức ăn, không lưu hành, buôn bán cho người tiêu dùng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc,… Đó là một trong nhiều biện pháp mà có sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương để giải quyết vấn đề môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chưa bao giờ người dân lại quan tâm đến môi trường như bây giờ, có lẽ họ thấy làm tốt môi trường sẽ đem lại nguồn hạnh phúc, ấm no cho chính họ, gia đình và xã hội. Muốn phá được lỗ thủng về môi trường trước hết người đứng đầu ở các cơ quan, ban, ngành, Đảng, chính quyền, địa phương phải gương mẫu làm trước và cùng với dân hành động làm sạch môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Ngoài những biện pháp hành động cụ thể trực quan, công tác tuyên truyền giáo dục đều khắp và thường xuyên trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về công tác môi trường là biện pháp tiên quyết. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh, thưởng, phạt nghiêm minh khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích làm tốt môi trường sạch và đấu tranh không khoan nhượng với những ai cố tình làm môi trường bẩn với mọi hình thức để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành động lực phát triển xã hội, góp phần xây dựng đất nước của chúng ta mãi mãi trong lành và tươi đẹp hơn.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 41
Ô nhiễm không khí và rác thải quá tải
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5. Tháng 9/2019, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018. Từ tháng 9-12/2019, chỉ số AQI giờ nhiều nơi đã vượt giá trị 200, đặc biệt có ngày chỉ số AQI giờ có nơi vượt ngưỡng 300, mức nguy hại cho sức khỏe.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như: PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu - ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ trong tháng 9-10/2019. Thời điểm giao mùa có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, nhưng chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm.
Vụ cháy nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra ngày 28/8/2019, phát tán ra môi trường từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân. Đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cô lập, thu gom chất thải tàn dư sau vụ cháy để xử lý, kiểm soát vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Từ sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường tại Công ty Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng rà soát toàn bộ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường. Nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Việt Nam hiện xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 - 16%, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Đi tìm nguyên nhân
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019, số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng rất lớn.
Số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công. Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1 nghìn công trình đang xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có mật độ xây dựng cũng rất lớn, biến hai thành phố trở thành đại công trường gây ô nhiễm lớn.
Ngoài ra, nguyên nhân đặc thù ở Hà Nội là do đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Cùng với hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.
Tổng cục Môi trường đánh giá, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.
Triển khai ngay các giải pháp
Để kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt như: tăng cường và duy trì công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá chính xác chất lượng, công bố công khai cho người dân và nếu vượt ngưỡng quy chuẩn phải có thông báo trên các phương tiện thông tin và khuyến cáo những biện pháp bảo vệ thích hợp. UBND thành phố cần có các biện pháp cụ thể như phun nước, điều tiết các luồng giao thông, loại bỏ bụi bẩn trên phương tiện và cảnh báo các phương tiện cá nhân tham gia giao thông không được đi vào những khu đông dân cư, chỉ ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng..
Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những văn bản quy định bảo vệ môi trường để giải thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị UBND các thành phố cần có những chính sách hỗ trợ người dân để hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội không sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ bà con sau thu hoạch để không đốt rơm rạ; kiểm tra và giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải…
Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí, cần đẩy nhanh lộ trình đưa ra quy chuẩn đối với khí thải giao thông. Các phương tiện giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải kiểm soát cao hơn và chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện các biện pháp tăng cường đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo để giữ cho môi trường trong sạch; có lộ trình để tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng năng lượng hoá thạch, quy hoạch lại điện năng để đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay; rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh để bảo vệ môi trường không khí.
Đối với rác thải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng thị trường lành mạnh. Chính phủ đã làm việc với các đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi. Mức thuế hiện được nâng lên cao nhất trong khung chịu thuế là 50.000 đồng/kg với nhà sản xuất, tuy vậy vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng.
Năm 2020, Bộ sẽ ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý chất chất thải thu hồi năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam” và “Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam".
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và từng người dân, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục có những những hành động thiết thực thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 42
Vẫn 'nóng' tình trạng ô nhiễm môi trường
Hiện nay, tình trạng và nguy cơ về ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức cao, không chỉ tác động đến môi trường đầu tư mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống an toàn của người dân, nhất là ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao như làng nghề, khu công nghiệp, các bệnh viện…
Theo các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2003 - 2015, toàn tỉnh có 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, còn 22 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để. Trong số này, có 13 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn, đang trong giai đoạn cải tạo, 7 cơ sở là các bãi rác đang thực hiện cải tạo phục hồi môi trường.
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 4 cơ sở chưa tiến hành lắp đặt, gồm: Khu công nghiệp (KCN) Đông Hồi, KCN Nghĩa Đàn, KCN Hoàng Mai I và Nhà máy mía đường Sông Con thuộc Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.
Theo xác định, trên địa bàn hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó có thể kể đến các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, toàn tỉnh có 954 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, hiện đã điều tra khảo sát xong 240 điểm, đang điều tra 714 điểm. Lũy kế đến năm 2019 đã và đang xử lý cho 62 điểm, trong đó 26 điểm đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao hoàn trả mặt bằng cho địa phương, 17 điểm đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 19 điểm đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại 10 KCN đang xây dựng và hoạt động trên địa bàn, hiện mới chỉ có 3 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải phát sinh tại các KCN hiện nay chỉ đạt được khoảng 70% so với công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải tập trung, riêng đối với KCN VSIP, chỉ mới đạt được khoảng 3% công suất. Một số KCN như Nghĩa Đàn, Hoàng Mai I và Wha Hemaraj, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở trong các KCN này đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, vấn đề chất thải rắn hiện nay cũng đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn vì trên thực tế hầu như các KCN đều không triển khai hạng mục này mà các cơ sở trong KCN đang tự hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch đến năm 2020 có 50 CCN với tổng diện tích 802,8 ha, đến nay có 22 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 248 dự án đầu tư. Trong số này, mới chỉ có 8 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, vấn đề thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị và các huyện phụ cận thành thị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Việc thu gom chỉ mới thông qua hình thức hợp đồng với công ty môi trường hoặc các tổ thu gom do các xã, phường tự thành lập để thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung để xử lý; một số vùng nông thôn rác thải do các tổ thu gom của xã và vận chuyển về bãi rác quy hoạch theo chương trình nông thôn mới hoặc bãi rác tạm để xử lý; một số khu vực nông thôn còn lại và vùng sâu, vùng xa thì các hộ gia đình tự thu gom, xử lý.
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 28/5/2019, quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, không lựa chọn được vị trí quy hoạch khu xử lý, bãi chôn lấp CTR phù hợp. Kinh phí phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển tại một số địa phương (nhất là vùng nông thôn) vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn là các làng nghề. Năm 2019, tổng số làng nghề toàn tỉnh là 158 làng nghề, trong đó có 151 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hiện có 70 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề không được đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ các hạng mục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xuống cấp từ lâu... Chất thải sản xuất từ các làng nghề chế biến thực phẩm phát sinh mùi không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Các dự án khoáng sản với 221 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 14 mỏ kim loại. Qua công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát cho thấy, tại một số điểm khai thác khoáng sản, tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa tốt. Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đã và đang được các cấp, ngành và chính quyền địa phương chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa sự cố môi trường tiếp tục xảy ra.
Một lĩnh vực khác là các nhà máy thủy điện cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Với 32 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó có 18 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và phát điện hòa lưới điện quốc gia, hiện nay hoạt động thủy điện chiếm dụng diện tích đất lớn và tiềm ẩn những sự cố môi trường khi gặp thiên tai, mưa lũ lớn bất thường kéo dài. Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở chế biến nông lâm, thủy hải sản và các bệnh viện cũng nằm trong danh sách những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực hiện việc chấp pháp về bảo vệ môi trường, trong năm 2019, các sở, ngành cấp tỉnh đã lập 2 đoàn kiểm tra và 24 đoàn thanh tra, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 65 cơ sở. Riêng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.030 vụ, 1.095 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt số tiền 3,8 tỉ đồng.
Theo đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ở mức cao là do công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp huyện, xã chưa được chú trọng, công tác chỉ đạo còn chưa kịp thời, sâu sát. Cán bộ làm công tác này còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên ngành môi trường; ý thức của các doanh nghiệp còn mang tính chất đối phó, xử lý sai phạm trong lĩnh vực môi trường còn chưa quyết liệt… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng, nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tiềm ẩn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 43
Ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người.
Phơi nhiễm với hàm lượng các hạt rắn cao trong không khí, đặc biệt các hạt bụi mịn có kích thước 2.5 micrô-mét hoặc nhỏ hơn (PM2.5) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí, bao gồm nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi.
Quá nhiều khí Ô-zôn trong không khí có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe, gây ra các vấn đề về hô hấp, khơi mào bệnh hen suyễn, suy giảm chức năng của phổi và dẫn đến các bệnh về phổi.
Phơi nhiễm với khí NO2 sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em đang mắc bệnh hen suyễn.
Khí SO2 có thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp và các chức năng của phổi và gây ngứa rát, khó chịu cho mắt.
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia về các bằng chứng khoa học hiện có và được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Thật không may là 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí chưa đáp ứng với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng ô nhiễm không khí bên ngoài và ô nhiễm không khí trong nhà gây ra 7 triệu tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, hơn 60.000 người chết vì bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính trong năm 2016 đều do ô nhiễm không khí gây ra. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình, thầm lặng.
Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí thay đổi tùy theo địa điểm, theo giờ, theo ngày và theo mùa vì chịu sự ảnh hưởng của sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm, của gió và thời tiết v.v. Ví dụ, chất lượng không khí ở Hà Nội kém hơn vào mùa đông so với mùa hè. Tuy nhiên, trong năm nay, chất lượng không khí trong khoảng nửa sau tháng 9 trở nên rất kém so với cùng kỳ các năm trước đây.
Các mục tiêu liên quan tới chất lượng không khí là một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc kêu gọi phải hành động ở cấp độ toàn cầu sao cho đến năm 2030, chúng ta sẽ:
Giảm đáng kể số ca tử vong và số ca mắc bệnh do ô nhiễm không khí gây ra (Mục tiêu SDG3.9); và
Giảm tác động môi trường có hại của các thành phố tính trên đầu người, bằng cách quan tâm hơn tới chất lượng không khí (Mục tiêu SDG 11.6)
Ở Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 với tầm nhìn tới năm 2025 (Quyết định Số 9851/QD-TTG) năm 2016, trong đó đề ra các hoạt động bao gồm việc xác định và theo dõi các nguồn ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí ở tất cả các cấp – sẽ góp phần phổ biến các hành động hướng đến cải thiện chất lượng không khí.
Vì chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên xấu đi trong những năm qua, bây giờ chính là lúc cần phải triển khai thực hiện kế hoạch trên đây và phải hành động quyết liệt. Chính phủ, ở cấp trung ương và các cấp địa phương, cần phải cân nhắc các hành động sau đây hướng đến không khí sạch và cải thiện sức khỏe của người dân.
Trước tiên, chính phủ cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng. Hiện nay, số lượng các trạm quan trắc chất lượng không khí vẫn còn hạn chế. Cần đặt nhiều trạm quan trắc hơn nữa và đưa các trạm này vào hoạt động. Do các trạm quan trắc chính thống có chi phícao, cần cân nhắc thay thế bằng các thiết bị theo dõi, quan trắc cảm biến có giá thành thấp hơn. Số liệu về chất lượng không khí của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cần được đo ở chế độ thời gian thực. Mặc dù thông tin về chất lượng không khí của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có trên trang web, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biết được về kênh thông tin này và thậm chí còn nhiều người chưa có khả năng truy cập được nguồn thông tin này. Mặt khác, nhiều người hiện nay đang sử dụng các ứng dụng của điện thoại thông minh để theo dõi chất lượng không khí. Như vậy, chính phủ có thể cân nhắc việc phổ biến thông tin theo dõi chất lượng không khí thông qua ứng dụng dành cho điện thoại thông minh.
Thứ hai, để bảo vệ sức khỏe người dân, chính phủ cần tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Chỉ số Chất lượng Không khí có thể là một hướng dẫn hữu ích để kích hoạt các hành động khẩn cấp của chính phủ để kiểm soát phát thải ô nhiễm. Các hành động này có thể nhắm tới các cơ sở công nghiệp, các nhà máy phát điện, ngành giao thông vận tải, các cơ sở quản lý chất thải và hoạt động đốt rơm rạ. Các thành phố cũng có thể tăng cường tần suất làm sạch đường phố bằng việc phun nước để giảm thiểu bụi đường do Công ty môi trường đô thi (URENCO) thực hiện.
Thứ ba – các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch. Hầu hết các nguồn ô nhiễm không khí ngoài trời nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cá nhân người dân và do vậy, cần phải có sự phối hợp của các nhà hoạch định chính sách từ cấp địa phương, đến cấp trung ương và quốc tế. Điều này có nghĩa là, ngay cả trong giai đoạn ô nhiễm không khí thấp, các cơ quan chức năng trong ngành giao thông vận tải, năng lượng và quản lý chất thải, quy hoạch đô thị và nông nghiệp cũng vẫn cần phối hợp cùng nhau để đảm bảo không khí sạch. Có rất nhiều ví dụ về các chính sách thành công giúp giảm ô nhiễm không khí:
Đối với các ngành công nghiệp: các công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện công tác quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu hồi khí mê-tan thoát ra từ bãi thải để thay thế phương án đốt rác thải (sử dụng khí sinh học);
Đối với ngành năng lượng: đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch tại hộ gia đình và có thể chi trả được để đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng;
Đối với ngành giao thông: ưu tiên phương tiện vận chuyển đô thị tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị; chuyển đổi sang các phương tiện chạy dầu đie-zen sạch hơn và các phương tiện ít phát thải và nhiên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Đối với quy hoạch đô thị: cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng lớn hơn.
Đối với ngành điện: tăng việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải và các nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện); kết hợp sản xuất nhiệt và điện; và phát điện phân phối (ví dụ, điện lưới nhỏ và phát điện mặt trời trên mái nhà)
Đối với quản lý chất thải đô thị và chất thải nông nghiệp: các chiến lược giảm chất thải, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý chất thải, cũng như các phương pháp cải thiện quản lý chất thải sinh học như phân hủy yếm khí chất thải để sản xuất khí sinh học, là những giải pháp thay thế khả thi với chi phí thấp thay cho thiêu đốt ngoài trời chất thải rắn; ở những nơi mà việc thiêu đốt rác là không thể tránh được thì các công nghệ đốt có kiểm soát khí thải chặt chẽ là hết sức cần thiết.
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất ở các thành phố lớn của các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và chính phủ cần thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc kiểm soát phát thải khí một cách quyết liệt, đặc biệt trong giai đoạn có ô nhiễm nghiêm trọng. Chính phủ, xã hội dân sự và các cơ quan đối tác quốc tế cần phối hợp với nhau để tìm ra các giải pháp trung hạn và dài hạn để phòng ngừa ô nhiễm không khí ngay từ nguồn. Bây giờ chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 44
Nan giải vấn đề ô nhiễm môi trường
Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn đô thị, tại một số đô thị lớn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị.
Chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị bình quân đầu người ở các đô thị có mức sống cao như các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 1,3 kg/người/ngày, lớn hơn nhiều so với các đô thị loại IV, loại V là 0,5 kg/người/ngày.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm tới 45 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị. Tại các đô thị nhỏ (từ loại II trở xuống), lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng không nhiều do mức sống thấp và tốc độ đô thị hóa không cao.
Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày đơn vị chức năng của thành phố thu gom, vận chuyển và xử lý gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là lượng rác thải được để đúng nơi quy định, có lực lượng thu gom thường xuyên. Bên cạnh đó, rác thải bị vứt bừa bãi không đúng quy định ở những nơi không có đơn vị quét dọn, thu gom thường xuyên cũng chiếm khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, việc quản lý chất thải rắn hiện nay đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được xử lý và thải bỏ một cách an toàn. Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam đang được xử lý chủ yếu thông qua phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước chỉ có gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã.
Chia sẻ về nguyên nhân rác thải bị vứt bừa bãi, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng xả rác bừa bãi phần lớn là do ý thức, ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng bị xả rác. Việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời gây tắc nghẽn cống thoát nước khiến tình trạng ngập nước thêm trầm trọng. Để giảm tình trạng xả rác bừa bãi, các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân cần được tăng cường, làm cho mọi người hiểu rằng hành vi xả rác là trái quy định pháp luật và cần siết chặt các chế tài, công tác xử lý đối với hành vi xả rác bừa bãi.
Nhằm xử lý triệt để vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường, tại hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ngành TN&MT vừa được Bộ TN&MT tổ chức mới đây, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã “hiến kế” giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề môi trường hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi cộm là ô nhiễm môi trường nước, chất thải sinh hoạt… Qua khảo sát 3.000 người bệnh tại nhiều bệnh viện trên cả nước, yếu tố khiến người bệnh kém hài lòng nhất không phải là chất lượng khám chữa bệnh hay thái độ phục vụ của y bác sĩ mà chính là… nhà vệ sinh bệnh viện. Nên có đầu mối về cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn, rác thải y tế…
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, những năm vừa qua, Hà Nội gặp rất nhiều vấn đề thách thức về tài nguyên môi trường. Đặc biệt là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, công tác thu gom xử lý chất thải hoàn toàn thủ công; các ao hồ, sông trên địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ô nhiễm các dòng sông, xâm hại và sử dụng đất rừng, cạn kiệt đất rừng, bất cập trong việc giải quyết các khiếu kiện của người dân…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tại Hà Nội ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của thành phố. Theo đánh giá của thành phố, có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng, các công trường xây dựng, hai là lượng ô tô, xe máy lưu thông quá lớn với 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô. Để giảm thiểu ô nhiễm, dự kiến Hà Nội sẽ lắp đặt 95 trạm quan trắc không khí để bảo vệ môi trường. Nếu mục tiêu này đạt được, Hà Nội sẽ có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện nhất, phục vụ việc đánh giá chất lượng không khí và tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay: Trong giai đoạn hiện nay, phát triển ngành tài nguyên và môi trường khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước bởi phát triển phải đi đôi với rất nhiều thách thức trong bảo vệ môi trường, tác động của thiên tai và sự thay đổi của thế giới.
“Hiện nay, nhận thức của thế giới về môi trường đã thay đổi, những quy định trong luật phải thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện tại. Ngành tài nguyên và môi trường cũng cần có cơ chế, chính sách để sáng tạo và phát triển. Sử dụng có hiệu quả 1% ngân sách mà nhà nước dành cho quản lý tài nguyên môi trường.Điều quan trọng là thay đổi để có những ứng xử mới với vấn đề tài nguyên và môi trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết.
Nhằm giải quyết vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT khẳng định, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục thành lập các Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, và việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt trong năm 2019, phấn đấu cả nước đạt 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom vận chuyển và xử lý, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường. Các cơ chế chính sách về phân loại rác thải tại nguồn được ban hành; các mô hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải được xây dựng và triển khai nhân rộng. Đồng thời, phấn đấu cả nước đạt 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 45
Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến cuộc sống con người
Ô nhiễm môi trường bao giờ cũng là nỗi lo của nhiều người. Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay thì tình trạng này lại càng là vấn nạn đáng báo động.
Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là tình trạng môi trường trong tự nhiên gặp những vấn đề như rác thải, bụi bẩn quá nhiều. Tình trạng này diễn ra hằng ngày và diễn ra dưới nhiều phương tiện khác nhau.
Tình trạng ô nhiễm trong môi trường tự nhiên cũng được hiểu là các tính chất vật lý, hóa học trong môi trường có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, sự thay đổi này theo chiều hướng tiêu cực nên có ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe và bầu không khí xung quanh chúng ta.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường cũng được chia làm nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng sẽ có một tình trạng ô nhiễm riêng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người lẫn sinh vật. Trong đó thì mỗi dạng cũng có nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm khác biệt.
Ô nhiễm môi trường nước
Môi trường nước bị ô nhiễm mang đến nhiều hậu quả khó lường trước. Những hậu quả này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm để có biện pháp khắc phục kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như:
Từ tự nhiên: nước là là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Quanh năm chịu ảnh hưởng của không ít đợt lũ quét. Đấy cũng chính là nguyên nhân làm cho môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng. Khi lũ quét kéo dài thì nhiều động vật chết, trôi theo dòng nước và làm cho nước bị ô nhiễm trầm trọng.
Từ con người: sông, suối cũng chịu nhiều tác động từ phía con người. Họ thản nhiên vứt rác thải khó xử lý xuống nguồn nước. Vì vậy mà nguồn nước đang ngày càng nhiễm bẩn nhiều hơn.
Từ chất thải nông nghiệp: nếu để ý chúng ta sẽ thấy những trang trại nuôi vật nuôi thường thải chất thải xuống ao, hồ, sông, suối. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn thì tình trạng này cực kỳ phổ biến. Điều này làm cho nguồn nước phải hứng chịu những rác thải gây mùi khó chịu.
Từ sản xuất công nghiệp: nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp cũng xả rác thải xuống dòng nước và không có biện pháp xử lý rác trước khi thải ra.
Ô nhiễm môi trường đất
Môi trường đất vô cùng quan trọng bởi đất là nơi nuôi dưỡng những nông sản quý giá cho cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, môi trường đất của chúng ta cũng đang bị đe dọa trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là:
Chất thải công nghiệp: nhiều xí nghiệp công nghiệp thải chất thải vào lòng đất, đặc biệt là những nhà máy nhiệt điện đang sử dụng than để sản xuất khiến cho môi trường đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rác thải sinh hoạt hằng ngày: bao ni lông, rác thải khó phân hủy nếu bị con người chôn dưới lòng đất sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất rất nguy hiểm.
Phân động vật: nếu phân động vật không được xử lý mà thải trực tiếp xuống đất thì hậu quả mà loại phân này để lại là không hề nhỏ.
Ô nhiễm môi trường không khí
Chúng ta đang đối mặt với tình trạng trái đất nóng lên và không khí cũng chứa nhiều thành phần gây hại hơn trước rất nhiều. Hệ thống cây xanh thì đang ngày càng ít đi và nguyên nhân gây nên tình trạng này rất đáng lên án.
Từ tự nhiên: không khí bị ô nhiễm một phần cũng do những yếu tố tự nhiên gây ra. Quá trình phun trào của núi lửa tạo nên không ít những chất độc hại hòa lẫn vào trong không khí. Gió bão hằng năm chúng ta đang đối mặt cũng tạo nên một lượng không hề nhỏ những khí gây hại cho con người. Chưa kể đến khói độc do cháy rừng gây nên mỗi năm cũng khiến bầu không khí không còn được trong lành.
Từ con người: bên cạnh những nguyên nhân đến từ tự nhiên thì không khí bị ô nhiễm một phần cũng do con người tác động. Khói bụi của các nhà máy, xí nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không khí nhiễm bẩn như hiện nay. Quá trình nấu ăn bằng than cũng thải ra không khí một lượng chất độc nguy hiểm. Ngoài ra, việc gia tăng dân số khiến cho giao thông chật hẹp cũng là nguyên nhân gia tăng khói bụi trong không khí.
Ô nhiễm môi trường biển
Biển được xem là tài nguyên giàu có của nước ta. Tài nguyên biển nước ta rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tình trạng biển bị ô nhiễm như hiện nay chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tài nguyên biển. Vậy thì lý do gì khiến cho môi trường biển bị bẩn như hiện nay.
Sử dụng chất nổ để đánh bắt: nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản sử dụng những biện pháp như chất nổ, chất độc để đánh bắt nhanh hơn, nhiều hơn. Nhưng chính điều này lại là nguyên nhân khiến cho môi trường biển của chúng ta ngày càng xuống cấp. Thủy hải sản cũng từ đó không có môi trường sạch sẽ để sinh sản nên ngày càng ít dần.
Mất cân bằng hệ sinh thái biển: hệ sinh thái biển hiện nay đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng. Lý do bởi những khu rừng ngập mặn ven biển và những rạn san hô dưới đáy biển không được bảo vệ tốt. Những loài lưỡng cư từ đó mất đi môi trường sống của chúng. Lâu dần, biển không còn khả năng tái tạo và ô nhiễm trầm trọng.
Chất thải từ con người: chất thải do các nhà máy, xí nghiệp thải ra biển hằng năm đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt là con người cũng trực tiếp xả rác xuống biển khiến cho môi trường biển ô nhiễm.
Hậu quả ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là vấn nạn đáng quan tâm. Bởi không chỉ môi trường bị bẩn mà hậu quả của việc này cũng hết sức nghiêm trọng. Hệ lụy của môi trường biển bị nhiễm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của cả nước.
Ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của con người
Chúng ta không ai mong muốn phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm. Nhưng ý thức của con người quá kém lại đem lại hậu quả hết sức nặng nề đến sức khỏe của chính chúng ta.
Khi môi trường bị ô nhiễm thì sức khỏe của con người sẽ bị đe dọa nhiều nhất. Đặc biệt là mỗi dạng môi trường lại gây ra những biến chứng riêng cho sức khỏe.
Môi trường không khí: không khí bị nhiễm bẩn, chúng ta hít phải bầu không khí không được trong lành thì hệ hô hấp của con người bị ảnh hưởng đầu tiên. Phổi sẽ tiếp nhận một lượng chất độc, bụi bẩn hằng ngày. Từ đó tích tụ lâu dần và khiến cho chức năng phổi bị suy giảm. Ngoài ra, không khí bị ô nhiễm còn gây ra những biến chứng như chóng mặt, đau đầu, giảm trí nhớ… Điều đáng nói là người già phải đối mặt với tình trạng đột quỵ và bệnh tim mạch gia tăng do hậu quả của không khí ô nhiễm.
Môi trường nước: cơ thể chúng ta phần lớn là nước. Vậy nhưng, nước bị ô nhiễm thì chắc chắn một điều là cơ thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Nếu thường xuyên sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm thì sẽ gây nên những bệnh như tiêu chảy, dịch tả…Nguy hiểm hơn còn có thể ảnh hưởng đến não và hệ tim mạch. Nguồn nước không đảm bảo cũng làm cho tuổi thọ của chúng ta giảm sút đáng kể.
Môi trường đất: hóa chất trong nông nghiệp hiện nay đang bị lạm dụng quá mức quy định. Những hóa chất dư thừa này sẽ ngấm vào trong đất và là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cho con người. Tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc từ nông nghiệp không còn xa lạ đối với người dân. Nếu đất và cây trồng không được cân bằng sinh học thì con người còn đối diện với căn bệnh gan to, hệ thần kinh suy giảm. Đặc biệt hóa chất này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông minh của trẻ nhỏ. Đây là vấn đề không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay.
Môi trường biển: hằng năm, lượng khách du lịch đến biển rất lớn. Nhưng chất lượng thủy hải sản không được như mong muốn là nguyên nhân khiến cho nhiều du khách không còn hứng thú đi biển. Thậm chí có nhiều người bị ngộ độc sau khi thưởng thức những món ăn đến từ biển.
Hậu quả đối với hệ sinh thái
Hệ sinh thái bao gồm nhiều quần thể sống chung với nhau và tương tác qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, tình trạng điều tiết hệ sinh thái suy giảm đang ngày càng diễn ra trầm trọng hơn.
Đặc biệt là đối với hệ sinh thái biển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ô nhiễm môi trường. Không khí ô nhiễm sẽ làm cho hiện tượng mưa axit ngày càng nhiều.
Mưa axit sẽ giết chết cây cối và làm phá hủy hệ sinh thái rừng nguyên sinh. Thậm chí có nhiều loài cây đang nằm trong bờ vực tuyệt chủng bởi mưa axit kéo dài. Nếu mất đi hệ sinh thái rừng nguyên sinh thì chúng ta sẽ rất khó để lấy lại được.
Hệ sinh thái biển cũng đang bị đe dọa khi lượng rác thải xuống biển ngày càng nhiều. Những rạn san hô nằm sâu dưới đáy biển cũng bị đe dọa bởi chất thải công nghiệp quá nhiều.
Ngày nay, nước ta đang ra sức bảo vệ các hệ sinh thái để cải thiện tình trạng ô nhiễm và làm bẩn môi trường. Những hệ sinh thái này đều được chăm sóc và có biện pháp để tránh được hậu quả nặng nề của vấn nạn môi trường bị ô nhiễm.
Hậu quả đối với kinh tế xã hội
Môi trường bị ô nhiễm gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chúng ta.
Thứ nhất: bệnh tật đeo bám, kéo dài khiến cho kinh tế của con người trở nên kiệt quệ. Thậm chí có nhiều người phải bán hết nhà cửa để chữa bệnh do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm.
Thứ 2: kinh tế giảm sút do lượng nông sản và hải sản bị khan hiếm. Hoạt động đánh bắt bị gián đoạn và không còn thuận lợi như trước. Nguồn cung ứng thực phẩm hiện nay là nỗi lo của nhiều người.
Thứ 3: kinh tế thiệt hại do cải thiện môi trường bị tàn phá. Quá trình lấy lại những hệ sinh thái và làm sạch môi trường không khí, nước, đất, biển đã chiếm rất nhiều thời gian và tiền của nhiều người. Bên cạnh đó thì những hoạt động du lịch cũng không thuận lợi như trước nữa nên nền kinh tế cũng đang ngày càng đi xuống.
Cách khắc phục ô nhiễm môi trường
Nếu chúng ta có biện pháp cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm thì sẽ giảm thiểu được những hậu quả mà tình trạng này mang đến.
Nâng cao ý thức của người dân
Ý thức của người dân được cải thiện là biện pháp đầu tiên để khắc phục ô nhiễm môi trường. Khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường thì sẽ không còn xả rác bừa bãi, không còn thải khí độc vào trong không khí, không thải chất thải chưa qua xử lý xuống nguồn nước.
Như vậy, môi trường của chúng ta sẽ lấy lại được sự trong lành và đảm bảo bầu không khí an toàn cho người dân. Điều đầu tiên cần làm để nâng cao ý thức của người dân chính là yêu cầu để rác đúng nơi quy định. Thứ 2 nữa là hình thành ý thức từ nhỏ để rèn luyện cũng như giúp trẻ nhỏ hiểu được để rác đúng nơi quy định sẽ giúp bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Hạn chế tối đa chất tẩy rửa trong sinh hoạt
Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có thể hạn chế tối đa chất tẩy rửa để có thể bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Những chất tẩy rửa không cần thiết thì chúng ta có thể bỏ qua. Hoặc nếu sử dụng thì nên sử dụng với lượng vừa phải để giảm thiểu khả năng tắc nghẽn ống nước. Nên áp dụng cách thông tắc bồn cầu cũng như cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng vi sinh. Chính những điều nhỏ nhặt này mà chúng ta có thể tự bảo vệ được cuộc sống của chúng ta.
Biện pháp sử dụng chất vi sinh thay cho những chất tẩy rửa cũng đang được áp dụng khá thành công. Vì vậy, hãy tạo cho không khí chúng ta những gì tốt đẹp nhất.
Xử phạt những trường hợp vi phạm đúng pháp luật
Pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta đang dần hoàn thiện. Điều này sẽ khiến cho những nhà máy đang xả rác phải ngưng tình trạng này. Hơn nữa, đối với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh để răn đe những người khác về hành động làm cho môi trường bị ô nhiễm này.
Nhà nước ta cũng đang từng bước xây dựng một hệ thống quản lý môi trường đúng chuẩn quốc tế. Hệ thống quản lý này sẽ giúp cho việc quản lý ngày càng chặt chẽ và không còn tình trạng thải chất độc hại ra môi trường bên ngoài nữa.
Thường xuyên kiểm tra, thanh tra môi trường
Công tác kiểm tra, thanh tra môi trường lỏng lẻo là điều kiện để cho những nhà máy, xí nghiệp xả rác ra môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường thì nhất thiết phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra.
Để mang đến hiệu quả như mong muốn thì nên có những đợt kiểm tra, thanh tra đột xuất để biết được tình trạng chấp hành của nhiều nhà máy, xí nghiệp có trung thực hay không.
Cải thiện môi trường bằng các biện pháp tích cực
Việc cải thiện môi trường cũng không quá là khó khăn như chúng ta vẫn nghĩ. Những việc làm hết sức đơn giản nhưng lại góp một phần không nhỏ vào cải thiện môi trường như:
Vứt rác đúng nơi quy định: rác thải được để đúng nơi quy định là yếu tố đầu tiên giúp cải thiện môi trường hiệu quả.
Trồng cây, gây rừng: việc trồng cây, gây rừng đã được tuyên truyền từ lâu. Quá trình trồng cây, gây rừng sẽ làm cho không khí trở nên trong lành và mát mẻ hơn rất nhiều.
Đốt rác khoa học: quá trình đốt rác không đúng khoa học cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất. Nhưng nếu có hiểu biết chuyên sâu về vấn đề này và thực hiện theo đúng chỉ dẫn thì việc đốt rác cũng góp một phần lớn giúp cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm.
Sử dụng năng lượng thân thiện: để không tạo ra nhiều khói bụi trong thành phố thì hiện nay con người được khuyến khích sử dụng những năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Những nguồn năng lượng này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường cực kỳ tốt.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 46
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải, cần được quan tâm và tìm biện pháp khắc phục. Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn , đồng thời, các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới sức khỏe con người và sinh vật.
Các dạng ô nhiễm chính là ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí và các loại ô nhiễm khác.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra. Bên cạnh đó còn do một số hoạt động của tự nhiên khác có tác động tới môi trường. Cụ thể, có 5 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường:
Các chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp
Trong quá trình hoạt động, các khu công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch: than, dầu, khí đốt tạo ra: CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây truyền công nghệ, các quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi.
Theo những chuyên gia môi trường, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ.
Chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học
Hiện nay, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, để đảm bảo mùa vụ người dân đã quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa, ô nhiễm môi trường đất.
Các chất thải rắn không được xử lý an toàn
Quá trình công nghiệp hóa cũng dẫn đến sự gia tăng của một lượng lớn rác thải rắn gồm chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải tế, nông nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng, v.v… Theo báo cáo năm 2004 về chất thải rắn thì trên cả nước có khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó khoảng hơn 150.000 tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.
Những chất thải rắn thải ra không được xử lý an toàn trong thời gian dài tích tụ lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.
Do bụi, khói từ phương tiện giao thông
Tình trạng khói bụi bay mù mịt rất thường xảy ra tại các thành phố lớn, nơi tập trung các khu công nghiệp, có mật độ xe cộ đông đúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chất khí thải xe cơ giới, khói bụi gây ô nhiễm không khí vào những tháng ít mưa có tính a-xít. Khói bụi có tính a-xít tác động xấu đến sức khỏe con người, nhất là khi bị phơi nhiễm trong thời gian dài. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí.
Các quá trình tạo ra các khí gây ô nhiễm là quá trình đốt nhiên liệu động cơ: CO, CO2, SO2, NOx, Pb,CH4 Các bụi đất đá cuốn theo trong quá trình di chuyển. Đồng thời, khói bụi còn được tạo ra do những hoạt động của con người như hoạt động sinh hoạt hằng ngày sử dụng than, hay các chất đốt…cũng góp phần gây nên ô nhiễm không khí trầm trọng.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chưa có nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mực với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Cùng với đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Một số giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
Để ngăn chặn, khắc phục và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp dưới đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường , phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp để có thể phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.
Ba là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ…
Với những khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải , phân tích môi trường tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải tại đó.
Bốn là, chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 47
Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Đến nay, mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lí nước thải. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận... Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Nhìn chung, hầu hết các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp... Từ đó, gây bất bình, dẫn đến những phản ứng, đấu tranh quyết liệt của người dân đối với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, có khi bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt.
Cùng với sự ra đời ồ ạt các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống cũng có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển các làng nghề có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm ở các địa phương. Tuy nhiên, hậu quả về môi trường do các hoạt động sản xuất làng nghề đưa lại cũng ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2 và Nox thải ra trong quá trình sản xuất khá cao. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên. Các làng nghề được phân bố rộng khắp cả nước, trong đó các khu vực tập trung phát triển nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của những người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.
Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lí môi trường nào nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. Theo một kết quả nghiên cứu mới công bố năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB), trên 10 tỉnh thành phố Việt Nam, xếp theo thứ hạng về ô nhiễm đất, nước, không khí, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa bàn ô nhiễm đất nặng nhất. Theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu châu Á về mức độ ô nhiễm bụi.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 48
Việt Nam nói chung và vùng Tây Nam Bộ nói riêng cũng không thoát được sự ô nhiễm môi trường này. Từ ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất cho đến vùng nông thôn, vùng quê, vì chưa được tư vấn môi trường một cách đúng đắn, nên các khí thải, chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài, làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trên toàn thế giới. Công nghiệp phát triển, kéo theo hàng loạt, nhà máy phân xưởng ra đời đáp ứng nhu cầu sản xuất, theo đó các chất thải nguy hải, khi thải từ các nhà máy, cơ sở chưa qua xử lý vô hình chung làm tình trạng ô nhiễm ngày càng thêm nặng nề, đây là vấn nạn cần được giải quyết không chỉ riêng việt nam mà còn trên toàn thế giới.
Cần Thơ
Thực trạng TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn . Hiện trên địa bàn Tp Cần Thơ có 8 khu công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp và chất thải rắn do chưa được xử lý đang ở mức báo động. Bên cạnh đó, một số Bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế; rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; các khu dân cư và các khu công nghiệp vẫn còn tình trạng xả thải trực tiếp ra kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, Cần Thơ liên tục bị ngập lụt ở nhiều khu vực, gây hư hại nhiều công trình, gây xói lở bờ sông, tổn hại nghiêm trọng đến đời sống và phát triển kinh tế.
Trước những thách thức trên, Chương trình Nước và Vệ sinh, Ngân hàng Thế giới( WSP /WB) đã phác thảo các giải pháp VSMT cho Tp Cần Thơ như: giải quyết tình trạng ngập úng do mưa lũ, hoàn thiện các sơ đồ thoát nước mưa, lựa chọn công trình xử lý nước thải tập trung hoặc phân tán tuỳ theo từng khu vực, xã hội hoá quản lý chất thải rắn, ban hành một số quy định mới về trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ban, ngành của TP. Cần Thơ về thoát nước và VSMT…
Được biết, dự án phát triển VSMT tại Tp Cần Thơ nằm trong khuôn khổ dự án xây dựng Chiến lược thống nhất về VSMT do Bộ Xây dựng chủ trì với sự hỗ trợ tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tp Cần Thơ là 1 trong 8 tỉnh, thành trong cả nước được chọn để thực hiện thí điểm, nhằm xây dựng cơ chế phối hợp để ban hành kế hoạch thực hiện một cách thống nhất theo hệ thống quản lý nhà nước. Dự án nhằm xây dựng chiến lược thống nhất về vệ sinh môi trường, trên cơ sở tổng hợp các tiêu chí về cấp nước sạch, quản lý nước thải, chất thải,... là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhưng lại do nhiều cơ quan, đơn vị quản lý.
Cà Mau
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, tình hình ô nhiễm môi trường tại các cửa biển tăng gấp 5 lần cho phép, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân là do tình trạng sạt lở tại các cửa biển ngày càng nghiêm trọng, xăng dầu xả ra từ hàng ngàn chiếc tàu khai thác thủy sản, tình trạng vứt rác thải ra cửa biển của người dân. Đặc biệt là ý thức về bảo vệ môi trường của người dân còn kém.
Những cửa biển bị ô nhiễm nhất là cửa biển Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, nơi có dân số gần 90.000 người và gần 3.000 chiếc tàu khai thác thủy sản thường xuyên hoạt động.
Kế đến là cửa biển Khánh Hội thuộc huyện U Minh, nơi đây có gần 40.000 người dân sinh sống và gần 700 tàu khai thác thủy sản đang hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Bền-một người dân sống ở thị trấn Sông Đốc cho biết, tình trạng ô nhiễm đã xảy ra tại đây hàng chục năm nay. Để khắc phục được tình trạng trên, chính quyền cần có những chủ trương đồng bộ, đầu tư chống sạt lở và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Ba-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, năm 2015 tỉnh sẽ chi 5 tỷ đồng nạo vét hai cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội nhằm khai thông dòng chảy; dùng cây gỗ, đất đá phòng chống những nơi sạt lở; quy định tàu khai thác thủy sản không được vứt rác thải xuống sông, nếu vi phạm sẽ xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, tiến hành giải tỏa trên 600 căn hộ lấn chiếm cửa biển; tổ chức họp dân để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và buộc làm cam kết không vi phạm ô nhiễm môi trường; giao cho chính quyền sở tại thành lập đội thanh niên tình nguyện, tham gia vớt rác trên cửa biển.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Ba, việc xử lý ô nhiễm môi trường không phải chỉ riêng một ngành mà đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và của toàn thể cộng đồng, điều cốt lõi là ý thức của người dân về vấn đề này.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 49
Cùng với đà phát triển kinh tế, các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và Sài Gòn cũng đã dần dần theo chân của Jakarta, Bangkok, Bắc Kinh…, đối phó với nạn ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Nạn ô nhiễm này trong những ngày qua đã lên đến mức báo động và đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí là một vấn đề liên quan đến nhiều mặt, tìm ra các giải pháp không phải là đơn giản.
Một báo cáo do tổ chức Global Alliance on Health and Pollution ( Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm ) công bố tháng 12/2019 vừa qua cho thấy có hơn 71.300 người đã chết vì ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, trong đó khoảng hơn 50.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trong năm 2017, tức là năm mới nhất mà chúng ta có được các dữ liệu này. Như vậy, tính về số người chết vì ô nhiễm, Việt Nam đứng hàng thứ tư ở khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc ( 1,8 triệu người ), Philippines ( 86.650 người ) và Nhật Bản ( 82.046 người ).
Thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất hiện nay tại Việt Nam là Hà Nội, nhất là ô nhiễm về bụi mịn, trong thời gian gần đây đã lên đến mức báo động. Bụi mịn ở Hà Nội chủ yếu là do những nguyên nhân nào, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 28/12/2019, giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, nhiều năm nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, giải thích:
“ Nguyên nhân chính vẫn là phát thải từ giao thông, trước hết là xe cộ. Hà Nội nay có trên 7,5 triệu phương tiện giao thông ( xe máy, xe tải, xe bus, xe hơi ). Mỗi loại xe như thế phát thải những bụi khí rất độc, phần lớn là bụi mịn, tức là dưới 2,5 micron. Nhưng trong khí phát thải của xe cộ thì có hai loại mà ít người để ý đến, trong khoa học người ta mới nghiên cứu sâu. Thứ nhất là hạt do xe cộ trực tiếp phát ra, dưới 2,5 micron, thậm chí dưới 1 micron, chủ yếu là những hạt từ động cơ, cháy không hết nên phát ra, trong đó có những hạt rất độc, như là carbon đen, mà người Việt hay gọi là bồ hóng, đặc biệt là từ những xe chạy bằng dầu diesel.
Ngoài ra, khi xe chạy thì lốp xe bào mòn và từ đó phát ra những hạt khác, rồi bụi đất ở trên đường, có những loại bụi mịn vẫn theo xe tung lên. Nhưng cái mà ít người để ý, đó là nó phát ra những khí rất độc, trong đó có NO2, hay là NOx, SO2, CO và các khí hữu cơ, dễ bốc, trong đó có benzene. Benzene là chất phụ gia người ta đưa vào trong xăng, thay cho chất chì ( nay đã bị cấm ), và cũng là một chất gây mầm mống ung thư. Một hàm lượng lớn benzene trong không khí có thể là nguy hiểm.
Những khí độc ấy là một bộ phận rất lớn do xe cộ vận hành phát ra. Vấn đề là các khí đó, sau một thời gian lan truyền trong khí quyển, sẽ trở thành hạt. Những hạt đó phần lớn rất là bé, phần lớn là dưới 1 micron, người ta gọi đó là hạt thứ cấp. Những hạt đó là một bộ phận rất lớn trong hạt bụi mịn, nguy hiểm hơn vì mịn hơn, nó đi sâu hơn ( vào cơ thể ), để lại nhiều độc tố trong phổi.”
Nhưng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, ngoài xe cộ, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn, xuất phát từ nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như than tổ ong mà người dân còn sử dụng rất nhiều:
“ Ví dụ như ở Hà Nội thì người ta vẫn thường dùng than tổ ong. Khi đun ( than tổ ong ) thì nó phát ra một lượng tro bay tương đối khá. Rồi bao nhiêu những nguồn khác nữa, ví dụ như là đốt sinh khối. Ngay cả những chuyện mà chúng ta không để ý là, cứ tới ngày lễ, ngày giỗ thì người ta đốt rất nhiều vàng mã. Ở Hà Nội thì việc này rất phổ biến chung quanh các nhà chùa. Đó là những loại bụi do đốt sinh khối. Nghiên cứu kỹ người ta còn thấy có bụi từ biển, chứa muối biển, cũng bay vào Hà Nội.
Mỗi nguồn như thế thì có những thành phần nguyên tố, phải làm thế nào xác định được thành phần nguyên tố của bụi ở tại một điểm, xong rồi từ đó mới truy ngược lại là có những nguồn gì. Phải phân định mỗi một nguồn đóng góp bao nhiêu vào khối lượng bụi quan trắc được tại một điểm.
Như vậy, vấn đề tương đối phức tạp, không phải nhìn vào là nói ngay được, mà phải làm nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã có nhiều công trình nghiên cứu như thế, ví dụ như là có một nghiên cứu gần đây cho thấy là ở một khu đô thị ở Nghĩa Đô, nồng độ bụi mịn là khoảng hơn 40 microgram/m3, tính trung bình cả năm, nhưng có những ngày tăng vọt trên 100. Trong 40 microgram đó, có một nửa là thành phần bụi do xe cộ, mà trong một nửa đó thì có 15% là trực tiếp phát ra từ ống xả, 15% là bụi lơ lửng do xe cộ tung ra từ mặt đất và 20% là bụi thứ cấp, tức là từ các khí phát ra. Ngoài ra, bụi từ các bếp than tổ ong cũng chiếm đến 15%, còn lại là các thứ khác. ”
Ở những nước khác, giao thông vẫn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, nhưng riêng Hà Nội lại có những đặc điểm khiến thành phố này không giống những nơi khác, như phân tích của giáo sư Phạm Duy Hiển:
“ Thứ nhất, thành phần xe cộ ở Hà Nội, đa số 85% là xe máy, mà xe máy thì chất lượng phát thải không tốt, xe công cộng thì rất là ít. Đặc điểm thứ hai: diện tích mặt đường ở Hà Nội quá bé so với tổng diện tích, có nghĩa là diện tích dành cho xe cộ chạy thì rất ít. Trước những năm 2005, diện tích này chỉ chiếm 1,9% trong vùng nội thành, rất thấp so với thế giới, do đó xe cộ cứ phải chen chúc nhau.
Đặc điểm thứ ba là, trong cấu trúc đô thị của Hà Nội, có rất ít khoảng trống dành cho cây xanh, hồ nước, còn tất cả đều là bê tông nói chung là rất chật chội. Các nghiên cứu của thế giới, cũng như của chúng tôi, đều cho thấy là nồng độ ô nhiễm phụ thuộc rất nhiều vào mật độ dân cư. Khu nào càng đông dân cư thì ô nhiễm càng cao. Dân cư đông thì xe cộ nhiều, nhất là mỗi người dân lại có 1 hoặc 2 xe máy. Mật độ dân số cao thì nhà cửa chật chội, đường xá chật chội, không có khoảng trống để các chất ô nhiễm phát tán.
Cũng vì tất cả đều là bê tông, nên có một hiện tượng là ban ngày ánh nắng mặt trời đốt nóng mặt đất, tối đến thì xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt: nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất tăng lên theo độ cao, trong khi bình thường thì nó phải giảm theo độ cao. Cho nên, ô nhiễm không phát tán ra được, mà nó cứ ở lại trong khoảng vài trăm mét trên mặt đất. Đó là một yếu tố rất quan trọng làm cho Hà Nội có rất nhiều bụi vào đầu mùa khô.
Một hiện tượng nghịch nhiệt nữa, tức là nhiệt độ không giảm mà lại tăng theo độ cao, khoảng 500 mét trên mặt đất, thường xảy ra vào mùa hơi ẩm một chút, sau tháng Giêng, tháng Hai, liên quan đến khái niệm gọi là mù. Có hai loại mù. Đầu tiên là loại bụi mù mà tôi nói ở trên và thứ hai là loại mù khí tượng. Loại mù thứ hai này thường dày đặc đến mức máy bay không lên xuống được. Những yếu tố thời tiết và địa hình có ảnh hưởng rất lớn, làm cho nồng độ tăng lên. Như vừa rồi, đầu tháng 12, từ 7 cho đến 14, gần như là 7 ngày liên tục, hàm lượng bụi ở Hà Nội đã tăng lên sau giờ chập tối, trên 200 microgram/m3, thậm chí có nơi trên 300. Mãi đến khuya, hàm lượng này vẫn còn cao, rồi đến sáng mới bớt dần. Cho nên nhiều người không hiểu tại sao ban đêm xe cộ không chạy nhiều mà ô nhiễm không khí lại cao hơn ban ngày”.
Trước tình trạng này các cơ quan hữu trách phải có giải pháp nào cho Hà Nội? Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, vẫn có một quan điểm sai lầm cho rằng ô nhiễm không khí là trách nhiệm của riêng bộ Tài Nguyên Môi Trường, trong khi đây là vấn đề mà toàn bộ chính quyền phải ra tay giải quyết, mà giải quyết không phải chỉ là bằng việc trang bị thật nhiều trạm quan trắc. Tuy nhiên, tìm ra những giải pháp hữu hiệu không phải là đơn giản:
“ Đó là vì những giải pháp nào cũng đụng chạm đến người dân, nhưng chung quy lại, muốn giải bài toàn ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố khác, thì phải đánh đổi những khó khăn của người dân với việc tăng chất lượng không khí lên. Muốn như vậy thì phải có những giải pháp tương đối mạnh.
Ví dụ như tại Hà Nội, những khu mà ô nhiễm tương đối cao nhất là các cụm đại học, bệnh viện. Mỗi khu đại học như thế hàng ngày thu hút hàng chục nghìn người, thậm chí nhiều hơn, mà mỗi người đều đi xe máy. Thế thì liệu chúng ta dám làm một việc là dời các cụm đại học đó ra vùng ngoại vi, ví dụ như trên đường Thăng Long? Mà giải tỏa khu đó thì không phải là để làm nhà cao tầng, mà là xây các công viên, các hồ nước, v.v…, để cho khí ô nhiễm phát tán.
Còn về xe cộ, thì tại những nước văn minh, người ta có dùng xe máy nhiều như thế đâu? Trung Quốc ngay từ hàng chục năm trước đây đã cấm xe máy. Cái này chúng ta phải suy nghĩ. Ban đầu có thể là giảm đăng ký xe mới. Bây giớ cứ mỗi một năm lượng xe đăng ký trong nội thành lại tăng 15-17%, như thế thì chịu sao nổi? Sau đó, tiến đến cấm xe máy ở một số khu, rồi cấm hẳn và như vậy thì Hà Nội sẽ trở thành một đô thị hiện đại như những nơi khác.
Một yếu tố cũng rất quan trọng và Hà Nội cũng từng làm rất nhiều, đó là vỉa hè. Vỉa hè của Hà Nội thì lởm khởm, bụi đất nhiều, nhìn không tươm tất, cho nên phải cương quyết dẹp chuyện chiếm dụng vỉa hè, để làm sạch vỉa hè. Rồi phải cấm sử dụng than tổ ong, thay bằng bếp gaz chẳng hạn.
Thật ra, trong vấn đề ô nhiễm không khí do xe cộ ở Hà Nội, có vấn đề chất lượng phát thải, chất lượng xăng dầu. Ở phương Tây và các nước khác người ta đã theo tiêu chuẩn khí thải euro, tiến tới euro 6, còn mình thì vẫn lẹt đẹt theo sau. Như vậy là các xe cộ phải được kiểm tra rất kỹ về chất lượng phát thải. Xăng dầu cũng vậy: xăng của mình thì có lượng benzen hơi cao, trong dầu thì cũng có nhiều lưu huỳnh. Bây giờ phải tính tới chuyện đưa lên đến mức ngang bằng với Singapore. Trên bản đồ chỉ số ô nhiễm của cả châu Á, Singapore bao giờ cũng rất là sạch, thường là màu xanh, trong khi chung quanh đó thì Jakarta, Kuala Lumpur thường là màu đỏ, màu vàng”.
Tuy nhiên, giải pháp hạn chế dần, rồi tiến tới cấm xe máy ở Hà Nội chắc chắc sẽ gây nhiều tranh cãi, chưa chắc là khả thi, vì đây vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của đa số dân thủ đô, cũng như ở Việt Nam nói chung.
Vấn đề ô nhiễm còn liên quan chặt chẽ đến quản lý đô thị và phát triển đô thị. Cho nên, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, muốn giải quyết tốt nạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội, biện pháp trước mắt cũng như lâu dài là kiểm kê các nguồn ô nhiễm, tức là kiểm kê phát thải như nhiều nước đang làm:
“ Việc kiểm kê đó không những giúp cho nhà khoa học biết nguồn bụi đó là như thế nào, nhưng quan trọng hơn là cho các nhà quản lý biết năm nay, tại Hà Nội, ở khu này có bao nhiêu xe máy, sang năm sẽ là bao nhiêu, rồi dùng than là bao nhiêu, dùng diesel là bao nhiêu. Các nhà quản lý có thể nhìn vào bài toán kiểm kê, có số liệu hàng năm được cập nhập.
Rồi con người cũng phải bỏ đi những tập quán không tốt, không thích hợp với cuộc sống ở những đô thị văn minh. Ở các đô thị văn minh, người ta đi bộ rất nhiều, rồi lên các xe bus, metro, còn người Việt Nam thì cứ có thói quen đi xe máy. Rồi khi nào thấy có chỗ nào xây đường thì mọi người xông ra mặt tiền, gây ra sốt đất. Đó là những thói quen của người Việt từ một xã hội thủ công nghiệp trước đây. Chất lượng không khí là thể hiện một thành phố văn minh hiện đại.”
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 50
Tình hình ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Nguồn nước ô nhiễm không chỉ tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta, mà còn là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư da, tiêu chảy cấp, viêm màng kết…
Những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước: Từ sinh hoạt, từ các hoạt động công nghiệp, từ y tế, từ hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp. Cụ thể:
- Từ sinh hoạt: là nước thải phát sinh từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, cơ quan trường học, chứa các chất thải trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh của con người. Nước thải không được xử lý chảy vào sông rạch và ao hồ gây thiếu hụt oxy làm cho nhiều loại động vật và cây cỏ không thể tồn tại.
- Từ các hoạt động công nghiệp: là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải. Khác với nước thải sinh hoạt hay nước thải đô thị, nước thải công nghiệp không có thành phần cơ bản giống nhau, mà phụ thuộc vào ngành sản xuất công nghiệp cụ thể. Ví dụ: nước thải của các xí nghiệp chế biến thực phẩm thường chứa lượng lớn các chất hữu cơ; nước thải của các xí nghiệp thuộc da ngoài các chất hữu cơ còn có các kim loại nặng, sulfua,... Điều nguy hiểm hơn là trong số các cơ sở sản xuất công nghiệp, các khu chế xuất đa phần chưa có trạm xử lý nước thải, khí thải và hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Từ y tế: là nước thải từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm, từ các nhà vệ sinh, khu giặt là, rửa thực phẩm, bát đĩa, từ việc làm vệ sinh phòng... cũng có thể từ các hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân, người nuôi bệnh nhân và cán bộ công nhân viên làm việc trong bệnh viện. Nước thải y tế có khả năng lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, nhất là đối với nước thải được xả ra từ những bệnh viện hay những khoa truyền nhiễm, lây nhiễm.
- Từ hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp: các hoạt động chăn nuôi gia súc: phân, nước tiểu gia súc, thức ăn thừa không qua xử lý đưa vào môi trường và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác: thuốc trừ sâu, phân bón từ các ruộng lúa, dưa, vườn cây, rau chứa các chất hóa học độc hại có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt. Từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản, các xưởng chế biến thủy sản...
Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước
Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy và nguy cơ ung thư ngày càng cao. Tại một số địa phương, trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư, viêm nhiễm phụ khoa cũng tăng lên do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư trong đó thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống.
Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư. Nhiễm Natri (Na) gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch; nhiễm lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hoá; nhiễm Kali, Cadimi gây bệnh thoái hoá cột sống, đau lưng. Hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, phốt pho... gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa.
Vi khuẩn, ký sinh trùng các loại là nguyên nhân gây các bệnh đường tiêu hóa, nhiễm giun, sán. Kim loại nặng các loại: titan, sắt, chì, cadimi, asen, thuỷ ngân, kẽm gây đau thần kinh, thận, hệ bài tiết, viêm xương, thiếu máu.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày một trầm trọng, yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng. Do đó, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người. Cùng với đó cũng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc xử lý các chất thải và rác thải từ các doanh nghiệp sản xuất.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 51
Nhìn nhận vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn
Ô nhiễm môi trường đã và đang gây hậu quả nặng nề và ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. Để góp phần giảm sự ô nhiễm nhiều nhà máy xử lý nước thải (xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bệnh viện …) , xử lý rác thải, khí thải .. ra đời. Hàng loạt những công trình xử lý nước hàng triệu đô được khánh thành và đi vào hoạt động. Song đó vẫn là chưa đủ, Ở nhiều vùng nông thôn hiệu xuất xử lý và khối lượng để đáp ứng đảm bảo cho công tác xử lý nước thải còn gặp nhiều hạn chế. Những vấn đề đối với môi trường và xử lý nước thải vùng nông thôn đang tồn tại là gì ? nhà nước đã và đang có chủ chương, chính xách gì để xử lý vấn đề này ?
Xử lý nước thải và môi trường vùng nông thôn
Hoá chất độc hại bọt trắng xoá tấn công làm khổ dân
Người dân kêu cứu, kiến nghị đã hàng chục năm nay ấy vậy mà sự việc vẫn chưa có được giải pháp cụ thể nào. Hiện trạng người dân Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9 phải sống trong cảnh nắng thì mùi hôi đến nghẹt thở, mưa phải đóng kín cửa vì bọt trắng hoá chất tấn công. Tình trang ô nhiễm được xác định là do Công ty CP Hóa chất Vi Sinh – Xí nghiệp Hương Việt đơn vị chuyên sản xuất, gia công sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa, nằm xen kẽ khu dân cư, được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Đến nay, khu nhà máy xử lý nước thải của xí nghiệp không còn hoạt động.
Người dân đã hàng chục, thậm chí hàng trăm lần kiến nghị lên cơ quan quản lý nhưng cho tới nay, sự việc vẫn chưa được bất cứ cơ quan nào giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân thì đã xác định rõ, với một hệ thống xử lý nước thải không hoạt động, tiêu chuẩn từ những cách đây hơn 40 năm. Các sản phẩm thì hầu hết là những chất tẩy rửa, mỹ phẩm có tính chất hoá học cao lại gần khu dân cư.
Ô nhiễm môi trường nông thôn – công tác xử lý nước thải được triển khai như thế nào ?
Tại các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng, các làng ghề thủ công, làng nghề truyền thống phát triển một cách nhanh chóng, qua đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực này. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh; sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với nguồn tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi khí thải, chất rắn do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải đồng bộ…
Kết quả “Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm a-sen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục”, do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường thực hiện cho thấy: Trong số hơn bốn nghìn đối tượng (nam, nữ) đã sử dụng nước giếng khoan trong hơn ba năm (có nhiễm chất a-sen) để ăn, uống và tắm giặt đã phát hiện được 60 trường hợp nhiễm độc a-sen mạn tính (chiếm tỷ lệ 1,62%), trong tổng số người sử dụng nước ô nhiễm a-sen và chủ yếu phân bố ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội (7,25%), Vĩnh Phúc (4,98%), Nam Ðịnh (4,5%)… Một số bệnh có tính chất di truyền, tại các khu vực nông thôn hiện nay ở nước ta đã và đang xuất hiện nhiều loại bệnh tật có tính chất lây lan, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân như dịch tả, uốn ván, bệnh ngoài da, ung thư…
Theo những nội dung tin tức công ty môi trường PERSO đã đăng tải thời gian gần đây, bạn đọc có thể thấy rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường có rất nhiều : như ảnh hưởng từ nước thải không qua hệ thống xử lý đổ thẳng vào môi trường, từ rác thải, khí thải … Song điều đáng nói là việc giải quyết, xây dựng phương pháp, giải pháp cho các vấn đề này lại là một bài toán chưa có lời giải từ các cơ quan có thẩm quyền, chức năng.
Ðể giảm những tác động từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế – xã hội tại mỗi địa phương khác nhau, cho nên mức độ ô nhiễm môi trường cũng khác nhau, do vậy việc cấp bách hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại khu vực này, để qua đó xác định được các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm nhằm có các biện pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.
Cần chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp, nhất là tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở một số địa phương thời gian qua. Ðối với các khu công nghiệp đóng trên địa bàn các vùng nông thôn hiện nay, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động; đồng thời bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường…
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó cần chú trọng việc xây dựng các chế tài xử phạt phải thật sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm. Tiếp tục ban hành và thể chế hóa các luật có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn, đồng thời tiến tới xây dựng luật riêng về lĩnh vực này. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân và doanh nghiệp đối với công tác này…
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 52
Ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí trở thành đề tài “nóng” hơn bao giờ hết khi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới gần như tất cả các khu vực trên thế giới.
Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí bên ngoài và ô nhiễm không khí là “thủ phạm” gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu.
Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi. Nồng độ khói bụi nhìn thấy được trong không khí không thể phản ánh được mức độ trong lành của môi trường sống. Trên khắp thế giới, môi trường ở cả thành phố hay vùng quê đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị là tối đa 25 microgam/m3. Ước tính, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi có không khí ô nhiễm.
Ảnh hưởng sâu rộng
Trước đây, khi nói đến ô nhiễm không khí, chúng ta chỉ thường nghĩ đến các quốc gia đang phát triển và có dân số đông như Trung Quốc, Ấn Độ... Thế nhưng, hiện nay, đến những quốc gia phát triển, nhất là tại các khu đô thị lớn đều là nạn nhân của ô nhiễm không khí. Theo dữ liệu mới nhất của WHO, 97% thành phố ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình với hơn 100.000 dân không đáp ứng các tiêu chuẩn về không khí của WHO. Với các nước có thu nhập cao, tỷ lệ giảm xuống 49%.
Một thống kê đầu năm nay của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, bảy trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), thì vào năm 2018, Gurugram là thành phố có mức độ ô nhiễm nặng nhất thế giới. Tổng cộng 18 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc về các nước Nam Á.
Thủ đô Tehran (Iran) ngày 15/12 phải đóng cửa tất cả trường học trong vài ngày do mức độ ô nhiễm quá cao. Tại Australia, khói từ hơn 150 đám cháy hoành hành ở cả bờ Đông và bờ Tây đã bủa vây lấy thành phố Sydney, khiến chất lượng không khí nơi đây xuống thấp trầm trọng.
Châu Âu không phải ngoại lệ. Năm 2017, Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí là vấn đề được nhắc đến từ cả gần 100 năm nay qua tại Anh. London luôn là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu dù đã có nhiều giải pháp tiếp cận khắc phục vấn đề này từ lâu.
Đi tìm nguyên nhân
Theo WHO, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Oxit nitơ (NOx), Oxit lưu huỳnh (SOx), Carbon monoxit (CO), Chì, Ozon tầng mặt đất, Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.
Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.
Đâu là giải pháp?
Trước tình hình này, WHO cho rằng, các quốc gia cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí, cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng; tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của WHO; các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.
Có rất nhiều ví dụ về các chính sách thành công giúp giảm ô nhiễm không khí được WHO đưa ra là các công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu hồi khí mê tan thoát ra từ bãi thải để thay thế phương án đốt rác thải (sử dụng khí sinh học); đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch tại hộ gia đình và có thể chi trả được để đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng. Một giải pháp nữa là ưu tiên phương tiện vận chuyển đô thị tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị.
Cùng với đó, chuyển đổi sang các phương tiện chạy dầu diezel sạch hơn và các phương tiện ít phát thải và nhiên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng lớn hơn; tăng việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải và các nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện); kết hợp sản xuất nhiệt và điện; và phát điện phân phối (ví dụ, điện lưới nhỏ và phát điện mặt trời trên mái nhà)…
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và các chính phủ cần thực hiện vai trò trong việc kiểm soát phát thải khí một cách quyết liệt. Chính phủ, xã hội dân sự và các cơ quan đối tác quốc tế cần phối hợp với nhau để tìm ra các giải pháp trung hạn và dài hạn để phòng ngừa ô nhiễm không khí ngay từ nguồn. Bây giờ chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 53
Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta
Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
Năm 2019 này, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”, nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí (trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người). Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozon trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Có thể nói, ô nhiễm môi trường không khí được tồn tại ở nhiều dạng khác nhau trong đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất. Cụ thể như ô nhiễm không khí từ các hộ gia đình trong việc nấu nướng, điều hòa không khí và ánh sáng, hoặc ô nhiễm không khí ngoài trời từ các hoạt động sản xuất như: đốt đồng, đốt rác, phun thuốc bảo vệ thực vật, khí thải từ các cơ sở sản xuất, các phương tiện tham gia giao thông…
Do vậy, trước mắt cần hạn chế ô nhiễm từ các hoạt động này thông qua việc không xử lý hình thức đốt cải tạo, xử lý rác, cần thay thế bằng các công nghệ xử lý sinh thái thân thiện với môi trường. Như phân loại rác và tái sử dụng rác. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng và phát triển sử dụng năng lượng tái tạo thay cho khí đốt, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Đặc biệt, nên trồng và phát triển hệ thống cây xanh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cho môi trường không khí.
Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 5/6 tại Trung Quốc, nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính chúng ta.
Đối với Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Cùng với đó là tổ chức chuỗi các hoạt động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam.
CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG
Để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 và có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường không khí, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Tập trung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985A/QĐ-TTg.
Để thực hiện tốt kế hoạch này, cần chú trọng một số giải pháp cụ thể như: Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp…
Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm hạn chế phát sinh khí thải. Đồng thời, tăng cường xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí.
Thực hiện việc đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn theo danh mục tại Phụ lục Nghị định số 38/2015/NĐ-CP tới Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có liên quan và Bộ TN&MT; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên.
Tập trung xử lý, kiểm soát và giám sát khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Song song đó, tập trung triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” với nội dung “Giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thư ngỏ số 161/LĐCP ngày 25/4/2019; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng của bộ, ngành, địa phương; tích cực triển khai các chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo.
Tổ chức triển khai các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường, khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn.
Khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: Trồng cây xanh chắn cát, chống sạt lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường,…
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 54
Ô nhiễm môi trường đất
Những năm qua, sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị cũng như quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng đang tạo ra sức ép lớn, gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn đối với môi trường đô thị Việt Nam. Trong đó, nhiều đô thị trên cả nước đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống người dân.
Ít diện tích đất “đáng sống”
Theo báo cáo việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 cấp quốc gia của Bộ TN&MT, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, diện tích đất đô thị Việt Nam đã tăng 700.000 ha, bình quân tăng 2,8%/năm. Dự kiến đến năm 2020, đất đô thị toàn quốc sẽ đạt khoảng 1.941,74 nghìn ha. Trong đó, Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có tốc độ tăng đất đô thị lớn nhất trong toàn quốc với khoảng 3,8 đến 4 %/năm.
Mặc dù đất đô thị tăng nhanh, nhưng tỷ trọng đất dành cho các vấn đề xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của đời sống xã hội. Ở nhiều đô thị, quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ đạt 29,78%; thậm chí chỉ 10 đến 15%. Đặc biệt, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại các đô thị lớn chỉ chiếm 10%; trong khi yêu cầu phạt đạt tỷ lệ cần thiết ít nhất là 20 đến 25%. Bên cạnh đó, diện tích đất đô thị dành cho cấp thoát nước đô thị hiện chưa có quỹ đất để mở rộng theo nhu cầu phát triển. Các hệ thống hiện nay thường dùng chung với các cơ sở hạ tầng khác trên đường phố chính. Yêu cầu với loại đất cho hạ tầng cấp nước chiếm 1%, thoát nước vệ sinh môi trường đô thị trung bình từ 6-7%...
Theo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nghịch lý là tốc độ phát triển đất đô thị ngày càng nhanh, song đất dành cho cuộc sống của người dân lại còn thiếu và yếu. Thực tế, ở nhiều đô thị nước ta, diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích; các khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt đầu tư cơ sở hạ tầng; tình trạng đất bỏ hoang, suy giảm do nhiều dự án quy hoạch theo vẫn diễn ra phổ biến…Vì vậy, diện tích đất đô thị “đáng sống” chưa thực sự tương xướng với sự phát triển.
Đe dọa sức khỏe người dân
Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị Việt Nam hiện nay đang có xu hướng ô nhiễm do chịu tác động từ các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, các bãi chôn lấp rác thải. Nhiều đô thị mọc lên, nằm ngay trên những vùng đất có chứa các chất độc hóa học tồn lưu, các chỉ số cao hơn mức cho phép nhiều lần. Sức khỏe con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật cao, phát sinh từ nguồn đất.
Đơn cử như những vùng phụ cận khu vực chôn lấp chất thải rắn phường Trảng Dải (TP Biên Hòa), khu xử lý rác thải xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Túc Trưng (huyện Định Quán) tỉnh Đồng Nai, hàm lượng asen trong đất vượt quy chuẩn từ 1,05 đến 4,12 lần. Hàm lượng đồng (cu) vượt 1,5 lần, crom và ni tơ trong đất cao từ 135 -375mg/kg. Hay khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), hàm lượng cd đã vượt quy chuẩn gấp 2 lần.
Tại khu vực sân bay Biên Hòa và một vùng lân cận phía Bắc và phía Tây Nam, lượng Dioxin cao trên 1.000 ppt (tiêu chuẩn đất cần xử lý của Việt Nam) với tổng diện tích 163.000m2… Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường đất do chất hóa học tồn lưu là một trong những loại ô nhiễm nguy hiểm nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người dân khu vực bị ô nhiễm. Các khu vực Đồng Bưởi, Đồng Rô, Đồng Vạc, Lâm Thao (Phú Thọ), hay Tam Hiệp, Thanh Trì (Hà Nội), hàm lượng các loại kim loại nặng như cu, pb, zn có xu hướng tích lũy và vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép 1,5 đến 2 lần. Nan giải nhất là hiện nay, các đô thị ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 15% bãi chôn lấp chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn. Điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn đất do nước rỉ từ các hầm ủ và tải lượng chất ô nhiễm hữu cơ từ bãi chôn lấp.
Đất bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất. Mặt khác, sự xâm nhập của ô nhiễm đất vào tầng nước ngầm cũng trở thành mối nguy hiểm tiềm tang đe dọa sức khỏe người dân. Số liệu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên) dẫn chứng, đã có 207 trẻ em trong tổng số 317 em được lấy mẫu xét nghiệm bị nhiễm độc chì. Nguyên nhân là do khu tái chế chí tại Đông Mai thẩm thấu xuống lòng đất, ô nhiễm nặng trên địa bàn và ra khu vực lân cận.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại. Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề dối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ.
Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp là rất nặng
Mức độ ô nhiễm nước ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung là rất lớn.
Tại cụm công nghiệp Tham Lương, thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi nước thải công nghiệp với tổng lượng nước thải ước tính 500.000 m3/ngày từ các nhà máy giấy, bột giặt, nhuộm, dệt. ở thành phố Thái Nguyên, nước thải công nghiệp thải ra từ các cơ sở sản xuất giấy, luyện gang thép, luyện kim màu, khai thác than; về mùa cạn tổng lượng nước thải khu vực thành phố Thái Nguyên chiếm khoảng 15% lưu lượng sông Cầu; nước thải từ sản xuất giấy có pH từ 8,4-9 và hàm lượng NH4 là 4mg/1, hàm lượng chất hữu cơ cao, nước thải có màu nâu, mùi khó chịu…
Khảo sát một số làng nghề sắt thép, đúc đồng, nhôm, chì, giấy, dệt nhuộm ở Bắc Ninh cho thấy có lượng nước thải hàng ngàn m3/ ngày không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường trong khu vực.
Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở các thành phố này, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nước. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn là rất nặng.
Tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vi khuẩn Feca coliform trung bình biến đổi từ 1.500-3.500MNP/100ml ở các vùng ven sông Tiền và sông Hậu, tăng lên tới 3800-12.500MNP/100ML ở các kênh tưới tiêu.
Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khoẻ nhân dân.
Do nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản, thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc; thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thuỷ triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu: nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao… Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu (chẳng hạn như chưa có các quy định và quy trình kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước). Cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng. Chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước, gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 55
Một thập kỷ đáng báo động về môi trường
Giai đoạn 2010-2019 khép lại bằng việc Từ điển Oxford chọn “climate emergency” - “tình trạng khẩn cấp khí hậu” - là từ của năm 2019, thể hiện mối quan tâm của con người đến biến đổi khí hậu. Thập kỷ vừa qua là quãng thời gian con người vừa thích nghi với những hệ quả của biến đổi khí hậu, vừa vụng về tìm cách bảo vệ tương lai trước khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.
Theo dữ liệu được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố đầu tháng 12-2019, thập kỷ 2010 là thập kỷ nóng nhất của Trái đất kể từ khi dữ liệu nhiệt độ bắt đầu được thu thập vào thế kỷ 19. Kể từ những năm 1980, nhiệt độ trung bình của thập kỷ sau luôn cao hơn thập kỷ trước.
WMO cũng nhận thấy rằng 5 năm gần nhất tính từ hiện tại là quãng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận. Kể từ đầu năm nay, nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn 1,1oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến 2019 thành năm nóng thứ 3 trong lịch sử.
Mức độ nóng lên như vậy là rất đáng chú ý vì theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2oC và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5oC tính đến năm 2030. Báo cáo của WMO cho thấy nhiều điểm nóng trên thế giới đã tăng quá 2oC.
Điều đáng chú ý của năm nay chính là hiện tượng El Nino ở vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương không hoạt động mạnh mẽ như giai đoạn 2015-2016. Thông thường, những năm nóng nhất thập kỷ sẽ đi kèm với sự hoạt động của El Nino, nhưng năm 2019 thì không. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu (do con người gây ra) là yếu tố làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Những con số đáng báo động
WMO ghi nhận khí thải nhà kính do con người tạo ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp và vận tải hàng hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đại dương, nơi hấp thụ 90% lượng nhiệt từ khí nhà kính, đang nóng lên từng ngày. Năm 2012, diện tích lớp băng ở Bắc Cực đã giảm xuống chỉ còn 3,39 triệu km2 - mức thấp nhất từng được ghi nhận, theo The Washington Post.
Ước tính, mỗi ngày đảo Greenland mất đi 11 tỉ tấn băng tan trôi ra đại dương, tương đương thể tích của 4,4 triệu bể bơi chuẩn Olympic. Bên cạnh đó, nồng độ axit trong các đại dương cũng cao hơn 25% so với 150 năm trước, đe dọa môi trường sống không chỉ của sinh vật biển mà còn của con người.
Băng tan gây ra nước biển dâng. Mực nước biển đã liên tục tăng trong suốt thập kỷ 2010, với tốc độ 3mm/năm theo nghiên cứu công bố năm 2018 trên tập san PNAS của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, khiến hàng tỉ người sống ven biển sẽ chịu cảnh ngập lụt hoặc di dời và các quốc gia sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền để khắc phục hậu quả.
Biến đổi khí hậu - Ô nhiễm nhựa
Các nhà khoa học đã liên kết hiện tượng nóng lên toàn cầu với tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc hơn của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước đây, rất khó để quy kết biến đổi khí hậu là nguyên nhân của các cơn bão.
Các tiến bộ khoa học trong thập kỷ vừa qua đã cho thấy câu trả lời. Chẳng hạn, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng lượng mưa trong cơn bão Harvey đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 đã tăng thêm ít nhất 15% do biến đổi khí hậu mà con người gây ra.
Trong khi nhiều nơi ngập lụt, các nơi khác lại gặp hạn hán và cháy rừng. Bang California, Mỹ đã phải hứng chịu cơn hạn hán nghiêm trọng kéo dài 7 năm, từ 27-12-2011 tới ngày 5-3-2019. Tệ hơn, nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng mức độ nghiêm trọng của hạn hán tại California vào thời điểm đó tệ hơn 20% do biến đổi khí hậu.
Những trận cháy rừng kinh hoàng ở quốc gia phương Tây và trên thế giới vào cuối thập kỷ này cũng đã nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các yếu tố gây cháy rừng như hạn hán và nạn phá rừng.
Trong những năm qua, sự quan tâm của công chúng đối với biến đổi khí hậu đã gia tăng nhanh chóng. Vào năm 2010, có 59% người trưởng thành ở Mỹ tin hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra, dựa trên khảo sát của Đại học Yale. Năm nay, con số này là 67%. Năm 2009, chỉ có 31% người cho rằng biến đổi khí hậu sẽ tác động xấu đến họ, đến nay số người tin vào điều đó đã là 42%.
Ý thức đã nâng cao tuy nhiên vẫn còn đó nhiều bất đồng về bước hành động và chi tiêu bao nhiêu. Chẳng hạn, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama đã tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris (COP25) nhằm hạn chế phát thải nhà kính.
Nhưng chưa đầy một năm sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi COP25, và thậm chí còn bày tỏ hoài nghi trước nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu.
Một vấn nạn môi trường không kém phần nghiêm trọng và được nhắc đến liên tục trong thập kỷ vừa qua là ô nhiễm nhựa trên các đại dương. Nhựa mất từ 450-1.000 năm để phân hủy, có nghĩa là mảnh nhựa đầu tiên được tạo ra vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.
Và ước tính, mỗi năm có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới từ các vùng ven biển. Số nhựa khổng lồ đó đã gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển và môi trường biển, khiến những bờ biển tràn ngập nhựa, những sinh vật biển mắc kẹt trong nhựa và chết vì ăn phải bao bì, túi nilông, rác thải nhựa.
Ô nhiễm nhựa mang lại một nguy cơ khác chính là hạt vi nhựa (mảnh nhựa hoặc hạt có kích thước dưới 5mm). Các loại hạt này được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm dùng hằng ngày như sữa rửa mặt, sữa tắm, một số mỹ phẩm (son, mascara, sơn móng tay...), kem đánh răng.
Và vì có kích thước nhỏ, chúng dễ dàng lọt qua hệ thống xử lý nước thải rồi tiến thẳng ra biển, nơi chúng tồn tại dai dẳng hàng trăm năm không bị phân hủy. Nghiên cứu chỉ ra rằng sinh vật biển không thể phân biệt giữa thức ăn và hạt vi nhựa. Chúng ăn vào hoặc hấp thụ hạt vi nhựa qua da, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hành động thiết thực
Nếu có một sự thay đổi tích cực lớn nhất trong thập kỷ qua về vấn đề môi trường, thì đó chính là sự thay đổi nhận thức về các vấn đề môi trường.
Nửa cuối thập kỷ, chúng ta chứng kiến phong trào tẩy chay mạnh mẽ đồ nhựa dùng một lần trên phạm vi thế giới và ngay ở Việt Nam. Người người nhà nhà chuyển từ ống hút nhựa sang ống hút giấy, gạo; dùng túi vải đi chợ thay túi nilông. Ở mức độ lớn hơn, nhiều chính phủ đã ban hành luật cấm dùng đồ nhựa và quy chế tái chế rác thải nhựa.
Ở lĩnh vực năng lượng, liên tiếp các vụ kiện nhắm vào các công ty nhiên liệu hóa thạch, buộc họ phải chịu trách nhiệm về việc làm nóng hành tinh và che đậy bằng chứng. Bên cạnh đó, thế giới chứng kiến cuộc đua sử dụng năng lượng tái tạo, từ sự phổ biến của những tấm pin năng lượng mặt trời, những tuôcbin gió đến những chiếc xe điện đang chạy trên đường với giá thành ngày một dễ chịu hơn.
Các nhà khoa học cũng nhập cuộc tạo ra thịt làm từ thực vật, hay còn gọi là thịt giả (fake meat), nhằm thay thế thịt động vật trong tương lai. Ngoài lý do sức khỏe, ngành chăn nuôi tạo ra thịt động vật cũng tiêu tốn một lượng nước sạch không hề nhỏ và tạo ra hàng tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các sản phẩm thịt giả như hamburger nhân thịt giả, xúc xích heo giả, thịt gà giả nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người tiêu dùng Mỹ, không chỉ bởi có lợi cho môi trường mà chúng còn thực sự rất ngon, mùi vị không khác gì thịt thật
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 56
Thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở hai siêu đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Đô thị hóa thiếu quy hoạch gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng không khí
Đô thị hóa là quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 10/4/2019, Việt Nam có 819 đô thị bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá là nhanh, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38,4% năm 2018 và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 40% năm 2019.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của các cơ hội và tiện ích ở các đô thị lớn đã không ngừng lôi cuốn lượng lớn cư dân nông thôn và các đô thị nhỏ di cư đến, khiến cho mật độ dân cư của các đô thị tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mật độ dân cư trung bình tại Thủ đô Hà Nội năm 1999 là 1.296 người/km2, năm 2009 đã tăng lên 1.929 người/km2 và năm 2019 là 2.398 người/km2; thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước với mật độ dân số lần lượt là 2.410, 3.418 và 4.363 người/km2. Gia tăng dân số ở các đô thị đã dẫn đến sự cần thiết gia tăng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như: Nhà ở, xe cộ, việc làm… đồng thời kéo theo sự phát thải từ các phường tiện và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi. Mức độ ô nhiễm biểu hiện rõ nhất ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là các đô thị loại I.
Tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm không khí tại các đô thị
Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2016, chuyên đề “Môi trường đô thị” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, áp lực ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của cư dân, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào. Trong đó, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ “đóng góp” nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí với các khí thải độc hại như: Lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2), ni-tơ đi-ô-xit (NO2), các bon mo-no-xít (CO), khói, bụi… Tại Thủ đô Hà Nội, có đến 70% lượng bụi, 85% tổng lượng khí thải các-bon đi-ô-xít (CO2) và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được gây ô nhiễm không khí là do hoạt động của hàng triệu phương tiện giao thông thải ra.
Tại các khu vực nội thành, nội thị các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm. Đối với các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa đông. Bên cạnh đó, nhiều khu vực hoạt động xây dựng, phát triển đô thị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các công trường xây dựng đã và đang gây ra ô nhiễm không khí, chủ yếu là ô nhiễm bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, đất cát phục vụ xây dựng. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn đến từ khí thải của ngành công nghiệp xi măng, sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác than, vật liệu xây dựng, hóa chất, một số ngành sử dụng lò hơi, lò đốt rác thải... một số nhà máy, đặc biệt là loại vừa và nhỏ như nhà máy xi măng lò đứng hầu như chưa có hệ thống xử lý bụi đạt yêu cầu, các nhà máy thép, xi măng chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất độc hại. Một số địa phương đầu tư các lò đốt chất thải công suất nhỏ, chưa kiểm soát được lượng khí thải độc hại trong quá trình đốt, vận hành lò. Trong khi đó, phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn đô thị đều chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, rất nhiều trong số đó là các bãi rác tạm, lộ thiên, thường trong tình trạng quá tải, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác... vừa là nguồn gây ô nhiễm tới không khí, vừa ảnh hưởng đến chất lượng đất và nguồn nước các đô thị và khu vực lân cận.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, biến đổi khí hậu với những tác động ngày một hiện hữu và nghiêm trọng cũng khiến cho chất lượng không khí trở nên tồi tệ hơn thông qua thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng. Tác nhân chính của biến đổi khí hậu - đốt nhiên liệu hóa thạch cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó còn phải kể đến ý thức gìn giữ môi trường và thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí.
Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và kinh tế - xã hội
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người; gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030.
Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe vào cuối năm 2018 tại Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định, hàng ngày có khoảng trên 90% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (khoảng 1,8 tỷ trẻ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo WHO, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Các nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra, năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Trong khi đó, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trong đó, điều đáng lo ngại là bụi khí PM 2,5 với kích thước siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy, được coi là tác nhân gây ô nhiễm có ảnh hưởng nhất đối với sức khỏe, do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi, thậm chí còn có thể xuyên qua thành mạch máu đi vào hệ tuần hoàn của con người. Vì thế, các hạt bụi này có thể gây ảnh hưởng tức thời như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi và khó thở. Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn cũng có thể tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim.
Sự vào cuộc của các cơ quan liên quan nhằm hạn chế ô nhiễm không khí đô thị
Đứng trước thực trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề đáng lo ngại tại các đô thị. Các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước hết, các đô thị cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông công cộng xanh để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, hạn chế phát thải. Tất cả các phương tiện giao thông cần được đưa vào kiểm soát và đăng kiểm để đảm bảo chất lượng.
Cần kiểm soát tốt vấn đề rác thải đô thị; các khu xử lý chất thải cần được kiểm soát chặt chẽ từ vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp đến việc xử lý các chất thải xây dựng; tái chế dần thành vật liệu xây dựng. Song song với đó, cần đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các nhà máy xử lý chất thải, các lò hơi của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng để đạt hiệu quả cao và hạn chế sự phát thải ra môi trường trong quá trình vận hành.
Cần đầu tư đồng bộ, xây dựng giải pháp lâu dài về kiểm soát khí thải và xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến đổi khí hậu và những tác động ảnh hưởng của môi trường. Tại các đô thị cần tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc để có được một hệ thống quan trắc toàn diện, đánh giá được tổng thể chất lượng không khí tại các đô thị, đặc biệt là tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người để thay đổi thói quen sinh hoạt tùy tiện, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Những năm gần đây, các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, bằng những hành động mạnh mẽ, quyết đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với tình hình ô nhiễm không khí. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí (CLKK) thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo đó, cơ quan quản lý phải tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí. Phải hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới...
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 57
Ô nhiễm môi trường biển:
Ô nhiễm môi trường biển là một trong những vấn đề lớn trên toàn thế giới. Các vùng biển hiện nay đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Mà đây lại là một trong các nguyên nhân gây hại tới sức khỏe và các hoạt động sống của con người. Vậy ô nhiễm môi trường biển là gì? Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay những thông tin dưới đây để biết thêm.
Môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề
Ô nhiễm môi trường biển là gì?
Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất. Gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển. Đồng thời, nó gây hại tới sức khỏe con người. Cũng như các sinh vật sống trên biển.
Bởi, việc nguồn nước biển ô nhiễm sẽ kéo theo các loài sinh vật dười biển có nguy cơ bị tuyệt chủng. Kèm theo đó là hệ sinh thái, cảnh quan của biển cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề.
Thực trạng ở Việt Nam
Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Hay còn có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon. Ngoài ra, hiện lượng chất thải rắn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày).
Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức. Nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển
Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển. Tình trạng ô nhiễm này chính là các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt từ các nguồn thải công, nông nghiệp và vận tải biển. Theo đó, có thể kể tới một vài nguyên nhân chủ yếu như:
Nguyên nhân tự nhiên
Sự phun trào nham thạch của núi lửa dưới lòng biển cũng gây nên hiện tượng các loài sinh vật bị chết hàng loạt. Khiến nguồn nước bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực
Do sự bào mòn hay sạt lở núi đồi.
Do sự phun trào của núi lửa làm bụi khói bốc lên cao theo nước mưa rơi xuống đất.
Do triều cường nước dâng cao vào sâu gây ô nhiễm các dòng sông
Hòa tan nhiều chất muối khoáng có nồng độ quá cao, trong đó có chất gây ung thư như Asen và các chất kim loại nặng…
Nguyên nhân do con người
Việc sử dụng chất nổ, dùng điện, chất độc để đánh bắt thủy hải sản của con người sẽ khiến các loài sinh vật chết hàng loạt. Việc này có thể dẫn đến việc một số loài bị tuyệt chủng. Ngoài ra, do việc khai thác này rất khó kiểm soát nên các xác thủy hải sản còn xót lại trên biển sẽ bị phân hủy. Gây ô nhiễm cho nước biển.
Các vùng nước lợ, rừng ngập mặn ven biển và các hệ rạn san hô chưa được bảo tồn tốt dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển và làm mất đi môi trường sống của một số loài lưỡng cư.
Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp,… Chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp đổ ra sông. Rồi theo dòng chảy ra biển gây là nguyên nhân ô nhiễm nặng nề.
Ngoài ra, việc vứt rác thải bừa bãi, thiếu văn hóa từ hoạt động du lịch. Đây chính là nguyên nhân gây nên hậu quả ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Việc khai thác dầu cũng là nguyên nhân khiến nước biển bị ô nhiễm. Ngoài ra, các sự cố tràn dầu cũng sẽ nước biển nhiễm một số chất độc hại.
Hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển trên thế giới khoảng 50 triệu tấn, gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng biển ven bờ. Một số chất khác bị phân hủy và lan truyền trong toàn khối nước biển.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường biển
Ô nhiễm môi trường biển gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như:
Làm suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô.
Phá hoại và làm tuyệt chủng một số loài sinh vật, hải sản gần bờ.
Mất mỹ quan, khiến doanh thu cảu ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề.
Làm hỏng hỏng những thiết bị máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy.
Tác động và kìm hãm sự phát triển kinh tế biển,…
Biện pháp
Các hoạt động khai thác
Kiểm soát môi trường biển là một trong những phương pháp để bảo vệ môi trường biển hiệu quả nhất. Cần có những hoạt động tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác trên biển.
Nghiêm cấm những hành vi sử dụng chất nổ, kích điện hay hóa chất độc hại. Những hoạt động này sẽ khiến thủy hải sản bị chết hàng loạt khiến một số loài có khả năng bị tuyệt chủng. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi cố tình hay không chấp hành luật pháp của nhà nước.
Ngoài ra, cần quy hoạch hoạt động đánh bắt thủy hải sản theo các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề,… Để tránh tình trạng khai thác tràn lan, không phù hợp và khó quản lí như hiện nay.
Xử lý khí thải, rác thải từ hoạt động công nghiệp
Nước thải, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước biển rất đáng chú ý. Do đó, nhà nước cần yêu cầu những công ty phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải trước khi thải xả ra môi trường.
Các giải pháp sinh học
Bên cạnh việc xây dựng các hệ thống đê, kè, mương,… Để kiểm soát tình trạng thiên tai, lũ lụt,… Chúng ta cần sử dụng một số nguyên liệu có khả năng khử độc, khử khuẩn có nguồn gốc tử thiên nhiên để làm sạch môi trường. Như: vôi, than hoạt tính,…
Đồng thời, tích cực phát động những hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường theo định kỳ và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trên ghế nhà trường.
Trong những năm gần đây, nước ta đang khủng hoảng trong việc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Mà biển có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh tồn của loài người. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường chung của nhân loại, tức là bảo vệ tương lai của loài người.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 58
Ô nhiễm môi trường nước
Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.
Nguồn nước sạch đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nước sạch là nước chúng ta dùng trong sinh hoạt hằng ngày, và phải không bị ô nhiễm và nhiễm độc… Nước chiếm ¾ trái đất và là nguồn tài nguyên quí giá đối với sự sống của con người. 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng. 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.
Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển. Hiện nay, các thành phố lớn, nhất là ngay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Việc khoan giếng lấy nước ngầm xảy ra tràn lan, không những gây thất thoát, lãng phí còn có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước đó.Hơn nữa, do không thấy hết vị trí quan trọng của tài nguyên nước, nên trên khắp cả nước, đâu đâu cũng thấy có những bãi rác, nơi chôn cất, xử lý rác thải không được thực hiện theo đúng quy định và quy trình bảo vệ môi trường, để nước rác rò rỉ ngấm xuống nguồn nước ngầm và tràn ra nguồn nước mặt.
Gần đây tại Singapore đã khai mạc Tuần lễ nước quốc tế. Thông điệp được đặt ra là: phải giữ cho nguồn nước sạch, thậm chí hứng từng giọt nước; cần tái chế nước bẩn thành nước sạch để lấy nước cho cuộc sống, cứu vãn môi trường. Theo đánh giá tại đây, ở Việt Nam nước sạch rất rẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, giá nước sạch có khi đắt gấp 10 lần so với Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát nước sạch ở Singapore chỉ khoảng 1% còn ở Việt Nam là hơn 10%, thậm chí còn cao hơn nữa. Đất nước ta có những vùng “đất khát” đến cùng cực như cao nguyên đá Hà Giang, thiếu nước chạy thủy điện, cho trồng trọt mùa khô mà vẫn bị đánh giá là lãng phí nước mới thấy việc sử dụng nước của ta còn nhiều điều phải bàn. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm với mức độ trầm trọng hơn, nguy cơ thiếu nước sạch đã hiện hữu.
Riêng đối với cuộc sống của con người. Nước có một vai trò hết sức đặc biệt. Đối với cơ thể con người nước không phải là một chất dinh dưỡng nhưng chúng ta có thể nhịn ăn thậm chí 1 tuần nhưng không thể nhịn không uống nước trong vòng 3-5 ngày được. Như chúng ta đã biết, 70% cơ thể chúng ta là nước, nước trong cơ thể ta chính là dòng máu đỏ chảy trong mỗi con người. Các bạn hãy thử tưởng tưởng xem nếu không có dòng máu này liệu con người có sống được không?. Chỉ một ví dụ rất đơn giản cũng đủ để chúng ta thấy được tầm quan trọng của nước. Tất nhiên là một việc làm cần thiết của mọi con người chúng ta là phải biết quý trọng nguồn nước quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta các bạn nhé!. Không có nước sạch mọi sinh hoạt của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có nước sạch sẽ sinh ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sự sống của con người. Lúc đó: bệnh tật nảy sinh, môi trường cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Tình hình thiếu nước sạch hiện nay cũng là một vấn nạn toàn cầu đáng báo động. Bởi lẽ, theo Maude Barlow, chuyên gia của Dự án Hành Tinh xanh tại Canada, từng là tư vấn cao cấp về nước cho chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nước là trung tâm của mọi thứ: “Không có nước thì không có thực phẩm, không có sức khỏe, không có trường học, không có bình quyền và không có hòa bình”.
Với tầm quan trọng về tài nguyên nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, Nhà nước cần có chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, bảo đảm sự cân bằng sinh thái và cân bằng môi trường. Đặt vị trí, vai trò của tài nguyên nước cũng quan trọng, cần được bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý như các nguồn tài nguyên khác của đất nước, thậm chí coi như tài nguyên than đá.
Sử dụng nước sạch sao cho hợp lý là cần thiết. Nếu ta lãng phí nước thì một ngày nào đó chúng ta sẽ hết nước đến lúc đó ta sẽ cảm thấy nuối tiếc và muốn quay lại thời gian trước đó để có thật nhiếu nước sạch dùng. Bởi theo tôi được biết hiện nay nước biển đang xâm chiếm khá mạnh đến nước ngọt đến một lúc nào đó ta sẽ hết nước thì sao? Bạn đã nghĩ đến điều này chưa? Hãy nhớ rằng nước sạch đối với ta rất quan trọng và nếu như bạn làm cho nó không bị mất đi giá trị cao quý của nó. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hạn chế đến thấp nhất việc khoan giếng tự do, tràn lan. Việc khoan giếng này không những sẽ làm cho việc khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm mà qua đó nước bẩn lại theo những giếng khoan này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là cả một hệ sinh thái nước sạch bị mất cân bằng, mất đi một nguồn cung cấp nước sạch tin cậy cho cuộc sống. Có lý khi các chuyên gia khuyên rằng, trước hết phải nhận thức sâu sắc sự quan trọng của tài nguyên nước, có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước và những người có trách nhiệm có thể từ chối những dự án gây ô nhiễm nguồn nước, dù rằng dự án đó có đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Từ chối hôm nay là để đỡ tốn kém và gìn giữ cho mai sau.
Nguồn nước sạch quan trọng thế đấy! Vì thế chúng ta hãy bảo vệ chính dòng máu của mình.Hãy giữ gìn nguồn nước thật tinh khiết không chỉ cho thế hệ của chúng ta mà còn cho thế hệ mai sau.Hãy vì sự tồn tại của con người, vì hành tinh xanh của chúng ta mãi mãi xanh và tràn đầy sự sống bạn nhé. Trách nhiệm của mỗi người la phải tiết kiệm nguồn nước quí giá mà thiên nhiên ban tặng cho ta.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 59
Môi trường nước
Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này rất quan trọng đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, nước ta đang phải đổi mặt với nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên này.
Ba phần tư diện tích trên Trái Đất là các đại dương, biển, hồ, sông ngòi. Nước có rất nhiều vai trò trong cuộc sống. Vai trò của nước vô cùng quan trọng đối với thiên nhiên. Nước chiếm một lượng lớn trong tế bào thực vật, bảo đảm cho thực vật có một hình dạng và cấu trúc nhất định. Nước hòa tan chất màu có trong đất. Rễ cây thấm hút nước chuyển hóa lên lá, quang hợp ánh sáng, tạo chất dinh dưỡng nuôi cây phát triển. Nước nối liền cây với đất và khí quyển, góp phần tích cực trong việc bảo đảm môi liên hệ khăng khít sự thông nhất giữa cơ thể và môi trường. Với một số loài cây, nước là môi trường sống của chúng. Vì vậy, nếu không có nước, cây sẽ chết và có ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường. Trái Đất sẽ thiếu oxi cho sự sống và có thể trở thành hành tinh chết. Các cơn mưa cung cấp cho cây cối lượng nước cần thiết để cây phát triển. Những loài động vật sống trên cạn và dưới nước cũng rất cần nước, đặc biệt là những loài động vật sống dưới nước. Nếu thiếu nước, động vật sẽ chết. Do đó, sự phong phú của hệ sinh thái sẽ bị giảm sút. Nếu không có nước, đất đai sẽ cằn cỗi, cuộc sống của con người bị đe dọa. Nước quan trọng đối với chúng ta như không khí vậy. Nước chiếm 74% trọng lượng trẻ sơ sinh, 55% đến 60% cơ thể nam trưởng thành, 50% cơ thể nữ trưởng thành. Nước cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể bởi nó liên quan đến nhiều quá trình sinh hoạt quan trọng. Các quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn,… đều cần có nước. Nước duy trì sự sống trong cơ thể ta.
Hai phần ba lượng nước trong cơ thể con người là thành phần cơ bản của 50 ngàn triệu tế bào sống. Chính vì vậy, cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể là nhu cầu cần thiết bậc nhất của con người. Chúng ta có thể nhịn đói cả tháng nhưng không thể nhìn khát quá năm ngày. Ngoài ra, nước biển còn cung cấp muối cho con người. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định đến năng suất cây trồng và vật nuôi. Nước giúp cho cây trồng xanh tốt, đem lại vụ mùa bội thu, mọi người có đầy đủ lương thực, thực phẩm. Đặc biệt đối với các quốc gia nghèo, nơi sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân thì nước càng có ý nghĩa sống còn. Trong sản xuất công nghiệp, nước cũng đóng vai trò quan trọng. Nước dùng để tẩy rửa nguyên vật liệu, nước tham gia các quá trình trao đổi nhiệt, tham gia các phản ứng chế tạo vật chất mới,… Trong giao thông đường thủy, sông và biển giúp con người đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt, khi giao thông đường thủy kết hợp với công nghiệp, mọi người có thể dễ dàng vận chuyển và buôn bán hàng hóa, góp phần phát triển giao thông và kinh tế. Trong xây dựng, nước cần thiết cho thủy điện. Các nhà máy thủy điện từ đó tạo ra dòng điện phục vụ cho nhân dân.
Nước còn được xem là nguồn khoáng sản và năng lượng to lớn của nhân loại. Đây là một tiềm năng cần được con người khai thác và sử dụng hợp lí. Có thể nói, thiên nhiên và con người tạo thành một vòng tuần hoàn của tự nhiên. Nếu một thành phần trong vòng tuần hoàn đó mất đi thì các thành phần khác cũng không thể tồn tại. Qua đó, ta cũng thấy được nước quan trọng đối với Trái Đất như thế nào.
Tuy vậy, tình trạng sử dụng nước hiện nay đang trở thành mối lo của toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu đã làm nước trở thành một thứ xa xỉ. Nước đang bị sử dụng lãng phí và không hợp lí. Các đô thị thường được ưu tiên sử dụng nước sạch. Và đáng buồn hơn, nước sạch còn được dùng để tưới vườn và sân golf. Trong khi đó, nông dân phải gieo trồng trên các vùng đất khô cằn hoặc trả tiền để mua từng xô nước. Rất nhiều sản phẩm đang khiến lượng nước sạch tiêu hao mau chóng. Cụ thể, 1,5 tấn nước được dùng để sản xuất một máy tính, 6 tấn nước được dùng để làm ra một cái quần bò, 60 lít nước để sản xuất lkg cà chua. Lượng nước sạch được dùng trên thế giới hằng năm tương đương với 10 con sông Nin. Trong khi ở nhiều nơi, nước bị sử dụng một cách lãng phí thì trên thế giới, tình trạng thiếu nước trầm trọng đang diễn ra ngày càng nhiều. Khoảng 700 triệu người tại 40 quốc gia đang chịu ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nước. Khoảng một tỉ người không có nước ngọt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hằng năm có hơn 1,6 triệu người trên thế giới tử vong do không được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, 90% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi và ở các quốc gia đang phát triển. Tại châu Á và châu Phi, 141 triệu dân cư ở các thành phố lớn không được bảo đảm về nước ngọt và nước sạch. Tại các nước đang phát triển như Braxin và Ấn Độ, 820 triệu người sống tại các khu nhà ổ chuột đang thiếu nước sạch. WHO cảnh báo đến năm 2025, số người không có nước sạch sinh hoạt sẽ tăng gấp 3 so với mức khoảng 1 tỉ người hiện nay. Tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng. Cùng với việc thiếu nước, hiện nay, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Các nguồn nước bị ô nhiễm bao gồm: nước biển, nước sông hồ, nước ngầm. Khi nước bị ô nhiễm, trong thành phần của nó tồn tại các chất khác, mà các chất này có thể gây hại cho con người và cuộc sống các sinh vật trong tự nhiên. Ở đại dương, nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước là do sự cố tràn dầu. Váng dầu ở các vùng ven biển tạo nên “thủy triều đen”.
Ô nhiễm nước còn có nguyên nhân từ các loại chất thải và nước thải công nghiệp chưa xử lí được thải ra các con sông, các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước ngầm và nước ao hồ, nước thải sinh hoạt được thải ra từ các khu đô thị, khu dân cư ven sông. Các chất độc hại đó đã làm nhiễm bẩn nước sông, hồ và nước ngầm trên đất liền. Sau đó, chúng lại bị đưa ra biển là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “thủy triều đỏ”, làm chết ngạt các sinh vật sống trong nước. Các hiện tượng thủy triều đỏ, thủy triều đen,… gây những hậu quả nghiêm trọng cho toàn Trái Đất. Vì vậy, cung cấp nước sạch đang trở thành một nhiệm vụ khó khăn trên toàn thế giới.
Vậy, chúng ta phải làm gì để bảo vệ nguồn tài nguyên nước của chúng ta? Trước hết, mỗi chúng ta cần có ý thức tự giác tiết kiệm nước hằng ngày. Tùy theo mục đích sử dụng mà chúng ta có thể dùng nước sạch, nưốc giếng, nước mưa, nước sông, nưốc tái sử dụng. Sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt vệ sinh cá nhân, sản xuất thực phẩm, các ngành sản xuất cần nước tinh sạch, ta sử dụng nước sạch từ công ty cấp nước, nước giếng hoặc nước sông đã qua hệ thống xử lí đạt tiêu chuẩn cho phép. Sử dụng để tưới cây, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chuồng trại, ta có thể sử dụng nước giếng, nước sông rạch hoặc nước thải đã được xử lí. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, ta nên nuôi trong chuồng trại có hệ thống xử lí chất thải, không chăn thả rong để dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Chúng ta cũng cần tự giác không vứt rác xuống sông, hồ, bảo vệ nguồn nước. Để kêu gọi mọi người tham gia tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, thế giới đã chọn ngày 22-3 là ngày Nước thế giới.
Nước là một yếu tố sinh thái, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Nước là nguồn tài nguyên quan trọng có khả năng tái tạo vô cùng quý giá. Mỗi con người chúng ta cần có những thái độ tích cực đốì với nước. Bởi vì, nguồn nước quyết định ít nhiều đến sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 60
Môi trường nước
Nước là một quà tặng của mẹ thiên nhiên. Nó là sự sống của nhân loại, chảy trôi mãi không ngừng, nó tinh khiết, nó cũng đáng quý giống như thời gian vậy. Tài nguyên ấy không hữu hạn, nó lại là thứ cần thiết phục vụ sự sống, mọi lĩnh vực, mọi mục đích sống của con người,. Sự nhận thức về tính cấp bách, tầm quan trọng của nước với hệ sinh thái,con người như vậy, nâng việc giải quyết sự việc gây ô nhiễm nguồn nước lên hàng đầu, những việc làm lãng phí nguồn nước cũng cần được nhanh chóng lên án, khắc phục.
Nguồn nước trên trái đất ta có thể chia chủ yếu thành hai loại, nước mặn ở biển khơi chiếm số lượng lớn, chỉ một số ít là nguồn nước ngọt, chúng ta sử dụng cho vô vàn mục đích của con người. Từ xưa đến nay, con người đã tận dụng, khai thác thêm nhiều vùng đất để tìm kiếm những nguồn nước, họ sống bằng nguồn nước mát, phục vụ cho tưới tắm nông nghiệp, giặt giũ,…Ngày nay khi xã hội càng phát triển,trong quá trình sinh hoạt đồng thời mọi mặt của cuộc sống cũng đi lên, dân số cũng tăng, làm sao tránh khỏi cái nạn nhức nhối khi người dân không quan tâm, không đầy đủ kiến thức để bảo vệ nguồn nước như một tài sản vô giá, vì cuối cùng cũng có thể đến cái ngày chung ta sẽ phải sống trong cảnh không còn nguồn nước mát lành để nuôi sống cơ thể vì cơ thể sinh vật đa số cần nước. Có một câu nói “Bạn có thể sống thiếu thức ăn trong 3 ngày, nhưng không thể thiếu nước trong 3 giờ, không thể thiếu O2 trong 3 phút.Mới chứng tỏ sự vô cùng quan trọng của nước.
Cụm từ ô nhiễm nguồn nước dường như đã quá quen thuộc trong nhiều năm trở lại đây, nó được hiểu rằng sự thay đổi của nguồn nước theo chiều xấu đi các tính chất vật lý – hoá học – sinh học, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật. Làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước.Có hai kiểu gây ô nhiễm do tự nhiên và do con người.
Ô nhiễm do tự nhiên được hiểu là do mưa,tuyết tan, lũ lụt, gió bão… hoặc do các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng ngấm vào nguồn nước ngầm cứ thế chảy trôi. Cây cối, sinh vật chết đi, chúng bị vi sinh vật phân hủy thành chất hữu cơ. Do lượng muối khoáng và hàm lượng các chất hữu cơ quá dư thừa làm cho các quần thể sinh vật trong nước không thể đồng hoá được, hàm lượng ôxy trong nước sẽ bị giảm đột ngột, các khí độc tăng lên, tăng độ đục của nước.Những vụ thiên tai, lũ quét, giông bão, làm bẩn, khuấy động nguồn nước, làm xảy ra tình trạng ô nhiễm. Nước đó ngấm đầy những loại hóa chất tạp nham nguy hiểm cho con người và sinh vật, cuốn đầy vào nhà cửa, quần áo lênh láng mỗi khi có thiên tai .Nhưng nó không quá ảnh hưởng thường xuyên đến chất lượng cuộc sống của hành tinh này. Mà nó chủ yếu là ô nhiễm do con người gây nên.
Con người ngày trước, được sống được gắn bó tuổi thơ mình với những dòng sông hiền hóa, sạch sẽ vô cùng. Ngày nay, con người vô cùng văn minh,càng tiến bộ, càng thay đổi thế nhưng họ lại càng sống thiếu trách nhiệm với việc giữ vệ sinh nguồn nước người dân vẫn có thói quen dùng bồn chứa nước không an toàn và kém vệ sinh như bể xi măng, chum, vại , họ đang ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, nhất là các thành phố lớn, nền công nghiệp phát triển, thải thẳng các chất độc không qua xử lí ra thẳng môi trường, ở khu vực nông thôn chất thải của người dân, của gia súc không được xử lý, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dễ thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nặng hơn, sử dụng nước ngầm dưới hình thức khoan nguồn nước ngầm, sau khi ngưng không sử dụng không bịt kín các lỗ khoan lại làm cho nước bẩn chảy lẫn vào làm ô nhiễm. Các nhà máy xí nghiệp xả khói bụi công nghiệp vào không khí làm ô nhiễm không khí, khi trời mưa, các chất ô nhiễm này sẽ lẫn vào trong nước mưa cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.. Nước chảy trôi không ngừng ra hồ, ra suối, ra sông, ra biển người dân khac lại sử dụng nguồn nước đó,nguồn đất đó để sinh hoạt,các sinh vật biển lại hấp thu nguồn nước đó,nó như một vòng tuần hoàn lớn, rồi tất cả chỉ gây ô nhiễm, gây bệnh cho mọi sinh vật, ảnh hưởng đến môi trường trên trái đất.
Ngày nay con người gặp phải nhiều bệnh tật vô cùng hiểm nghèo,quái ác đặc biệt phải kể đến như ung thư đột biến, bênh liên quan đến hệ tiêu hóa, viêm da cấp và mãn, viêm nhiễm nấm, … do các chất độc, các ion kim loại cao, các hợp chất hữu cơ được tổng hợp bao gồm các nhiên liệu, thuốc trừ sâu, chất tẩy, hóa chất, các vi khuẩn sinh sôi, vi rút truyền bệnh có trong nguồn nước, không khí ô nhiễm. Gây ra nhiều cái chết thương tâm.
Vậy chúng ta hãy thức tỉnh ngay từ bây giờ, phòng tránh dần từng chút một để việc xử lí môi trường ô nhiễm sẽ từng chút bớt khó khăn, cần là có sự chung tay của cả động đồng cùng kế sách dài lâu…
Điều quan trọng đầu tiên chính là cần tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì bảo vệ môi trường chính là góp phần bảo vệ chúng ta, và vì nguồn nước không phải vô tận nếu tiếp tục tình trạng ô nhiễm này, sớm muộn tác hại của ô nhiễm nguồn nước sẽ đem đến những thứ khủng khiếp cho sức khỏe của bản thân, người khác, chúng ta sẽ tự đánh mất nguồn nước sạch quý phục vụ cho nhu cầu con người, ta sẽ mãi mãi bệnh tật và không bao giờ có thể lao động. Phải Ý thức được tìm cách bỏ đi những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chĩ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người . Giáo dục rất kỹ cho thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp, bỏ đi thói quen xả rác bừa bãi, có ý thức vệ sinh sạch sẽ bản thân sau khi tiếp xúc với chất bẩn xung quanh, nâng cao chất lượng lọc nước bẩn trước khi dùng bằng những công nghệ hiện đại. Tuyên truyền hạn chế sử dụng bao đựg bằng ni lông trong sinh hoạt vỉ rất khó phân hủy, hại môi trường nhiều năm. Với những người ương bướng, cố tình vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng. Không thể nhẹ tay với những con người vô ý thức, tàn phá môi trường nghiêm trọng vì nếu quá dễ dãi với họ thì sẽ mãi không bao giờ chấm dứt được tình trạng trên
Thấy được tầm quan trọng của nước, ta càng trân trọng nó với cuộc sống sức khỏe của mỗi người, càng thấy kinh tởm, không đồng tình các việc làm phá hoại môi trường nước. Bản thân em là người học sinh còn đang tu dưỡng trên ghế nhà trường người chủ tương lai của đất nước thì giờ đây cần phải xem lại bản thân mình, và điều chỉnh hành động của mình,đem những hiểu biết, tấm lòng của mình để tuyên truyền bảo vệ môi trường cho người khác, góp phần công sức nhỏ vào việc giữ gìn môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 61
Hiện nay môi trường đang bị đe dọa trầm trọng vì tình hình thế giới phát triển càng lúc càng cao, các nhà máy, công trình, xưởng sản xuất mỗi ngày thải ra ngoài môi trường rất nhiều khí thải, chất thải nguy hại, dẫn đến môi trường bị đe dọa ô nhiễm. Môi trường toàn cầu hiện nay đầy những yếu tố, nào là hạn hán, đói kém, thiên tai, lũ lụt. Dưới đây sẽ phân tích các vấn đề nghiêm trọng mà trái đất đang phải chống chọi, đối mặt.
Nguồn nước đang bị khan hiếm
Hiện nay trên trái đất, diện tích nước chiếm tới khoảng 70% bề mặt, tuy nhiên chỉ có khoảng 2% là nước phù hợp cho tiêu dùng, được coi là nước tinh khiết. Nước được xem là một dạng tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Vấn đề nhắc tới là lượng nước sạch đến với mọi người trên thế giới là không đều.
Nhiều khu vực vẫn phụ thuộc vào lượng nước mưa dự trữ, tuy nhiên nếu khí hậu biến đổi thì nguồn nước cung cấp từ thiên nhiên là vô cùng khan hiếm, dẫn đến khan hiếm nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên có nơi lại lũ lụt thiên tai, lũ quét làm phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo trong khu vực.
Ngoài ra, một trong những mối quan tâm lớn về y tế liên quan trực tiếp với vấn đề môi trường này là việc tiếp cận với nước sạch. Rất ít người trên toàn thế giới có thể truy cập nguồn nước uống. Điều này gây ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người dân sống ở khu vực đó.
Nạn phá rừng
Ngày nay thiên tai lũ lụt, hạn hán ngày càng nặng nề, đáng cảnh bảo, nguyên nhân sâu xa là do phần rừng bị khai thác một cách vô tội vạ. Nạn phá rừng hầu như xảy ra trên toàn thế giới, các tổ chức cây xanh trên thế giới đã cảnh báo rất nhiều về việc tàn phá hệ sinh thái cây xanh sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu.
Cuộc sống phát triển, nhu cầu tiêu thụ nhu yếu phẩm, thực phẩm tăng lên, dẫn đến con người phải phá bỏ nhiều diện tích rừng cho việc trồng trọt. Xã hội phát triển, các đô thị, thành phố lớn mọc ra khiến các cánh rừng bị thay thế bới các tòa cao ốc. Khai thác khoáng sản, dầu và các tài nguyên khác cũng dẫn đến nạn phá rừng
Với nạn phá rừng làm cho nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Xói lở đất, biến đổi khí hậu đáng kể và trong một số trường hợp thiên tai như sạt lở đất và lũ quét có thể là do, trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng .
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu
Sự tăng nhiệt độ trái đất đáng kể trong những năm vừa qua đang làm cho thế giới không an tâm. Biến đổi khí hậu trên thế giới dẫn đến thiên tai, động đất, sóng thần, lũ lụt ngày càng xuất hiện với mật độ nhiều và nặng hơn.
Những báo cáo về sự tăng nhiệt độ trong mùa hè, mùa đông không đủ lạnh và khối lượng đất đóng băng cũng giảm. Toàn bộ thế giới bị ảnh hưởng bởi sâu rộng trong tự nhiên. Ảnh hưởng của nó không chỉ gây tử vong cho con người mà còn cho các loài khác sống ở hành tinh này.
Quản lý chất thải nguy hại
Quản lý chất thải nguy hại liên kết chặc chẽ với phát triển dân số nhanh chóng trên toàn thế giới và tỷ lệ tiêu thụ, chất thải, và quản lý của nó đã trở thành một vấn đề lớn trên thế giới. Việc xử lý chất thải được tạo ra trong nhiều hình thức, mà có thể được phân loại rộng rãi trong hai hình thức. Một số chất thải phân hủy sinh học và một số không như vậy.
Vấn đề mất gốc trong lối sống của chúng ta, đó là chuyển động nhanh và nhẫn tâm trong suy nghĩ và hành động. Vấn đề này thể hiện rõ ràng hơn xung quanh các vùng đô thị của thế giới. Các giải pháp sửa chữa nhanh chóng của các bãi chôn lấp và các trung tâm tái chế không được chứng minh. Trong thực tế, tràn đầy các bãi chôn lấp, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới, đang gây ra sức khỏe nghiêm trọng hơn và các vấn đề môi trường trong khu vực.
Đa dạng sinh học và sử dụng đất
Đa dạng sinh học có nghĩa là sự đa dạng của cuộc sống tồn tại trong bất kỳ khu vực nhất định. Hôm nay với dân số ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng tăng cho các nhu cầu cơ bản, đa dạng sinh học đang bị đe dọa ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhu cầu cao cho quần áo, thực phẩm và nơi sinh ở đã dẫn đến một mô hình sử dụng đất sai lệch.
Đất canh tác cho nông nghiệp hiện nay đang ít dần, cộng với nhiều vùng miền đang thiếu nước canh tác, hoặc nước nhiểm mặn không thế canh tác.Nhiều đất canh tác có thể dẫn đến các vấn đề về tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn đất. Điều này cũng dẫn đến các vấn đề khác như khai thác quá nhiều . Họ có thể để trồng thực phẩm hoặc các loại ngũ cốc hoặc thậm chí cả cây, nhưng những ảnh hưởng của sự thay đổi đó có ảnh hưởng lâu dài và gây hại cho môi trường làm cho các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hóa chất, chất thải độc hại và kim loại nặng
Nhiều chất thải được tạo ra bởi con người có chứa một lượng cao các hóa chất và các chất độc. Chúng có tác động xấu đến môi trường. Các vấn đề của mưa axít là một ví dụ. Một số hóa chất và kim loại nặng có một hiệu ứng có thể gây tử vong trên con người cũng như đời sống động vật.Cần được chăm sóc thực hiện để ngăn chặn điều này xảy ra. Định mức phát thải nghiêm ngặt kiểm soát và các quy định cần phải được thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người từ vấn đề chết người này. Tái tạo nguồn năng lượng không tái tạo năng lượng, nhu cầu và tiêu thụ của họ là một nguyên nhân của vấn đề môi trường xung quanh hành tinh .
Khoa học Di truyền
Là một vấn đề rất nhạy cảm và rất gây tranh cãi. Khoa học đã giúp con người rất nhiều và đã đạt được nhiều bước đột phá về y học, công nghệ, y tế, thông tin liên lạc, vv . Trong thực tế, tất cả các khía cạnh của đời sống con người được cải thiện rất nhiều với sự giúp đỡ của khoa học. Sửa đổi di truyền của thực vật, động vật và có lẽ ngay cả con người trong tương lai gần có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn lợi.
Chúng ta không thể không đồng ý với việc nghiên cứu về di truyền học đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào.Các thách thức khó khăn nhất được lan truyền nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về sự thoái hóa các nguồn lực màu xanh. Nhiều vấn đề được gây ra bởi chúng ta làm theo lối sống, mà không có một ý thức về hậu quả.. Chúng tôi chỉ có một hành tinh, chỉ có một nhà, chúng ta không thể mất nó để thõa mãn sự tham lam của chúng ta!
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 62
Thực trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu
Môi trường đã và đang là vấn đề được rất nhiều quốc gia cũng như hầu hết mọi người sống trên trái đất của chúng ta quan tâm. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang hoành hành khắp nơi trên hành tinh xanh.
Sau công cuộc cách mạng công nghiệp nền kinh tế thế giới như được thay da đổi thịt với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kì của nhiều nước. Nhưng mọi vấn đề đều luôn có mặt trái của nú. con người đã phá hỏng sự cân bằng của trái đất.
Nguyên nhân nào làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm và bị tàn phá. Thực trạng của vấn đề này và một số giải phát dưới con mắt của triết học cho vấn đề thực sự đang rất nóng này.
Trên hành tinh Xanh của chúng ta, ở đâu ta cũng dễ dàng nhận thấy dấu hiệu của sự ô nhiễm môi trường: từ những biến đổi của khí hậu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt bất thường, những cơn mưa axit phá hủy các công trình kiến trúc có giá trị, gây tổn thương hệ sinh thái, đến sự suy giảm tầng ôzôn khiến tăng cường bức xạ tia cực tớm…
Chúng ta đang phải đối mặt với 3 vấn đề phổ biến đó là sự nóng lên của Trái Đất, sự ô nhiễm biển và đại dương cùng với sự hoang mạc hóa.
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất hiện nay nóng hơn gần 40 độ C so với nhiệt độ trong kỷ băng hà gần nhất, khoảng 13. 000 năm trước. Tuy nhiên trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất tăng khoảng 0, 6-0, 7 độ C và dự báo sẽ tăng 1, 4-5, 8 độ C trong 100 năm tới.
Ấm lên toàn cầu có những tác động sâu sắc đến môi trường và xã hội. Một trong những hệ quả tất yếu của sự gia tăng nhiệt độ của trái đất là sự gia tăng mực nước biển, gia tăng cường độ các cơn bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan,suy giảm tầng ụzôn, thay đổi ngành nông nghiệp, và làm suy giảm ụxy trong đại dương.
Tốc độ ấm lên toàn cầu ở thế kỷ XXI nhanh hơn so với sự thích ứng của các loài sinh vật, vì vậy một số loài có khả năng tuyệt chủng.
Biển và đại dương đang ngày đêm kêu cứu vì ô nhiễm trầm trọng. Hàng năm, khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ... Bên cạnh đó, rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển.
Thông qua những con số biết nói sau đây, ta có thể thấy được phần nào hậu quả của sựô nhiễm:
- 1. 000. 000 chim biển, 100. 000 thú biển và rựa biển bị chết do bị vướng hay bị nghẹt thở bởi các loại rác plastic.
- 30-50% lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch bị đại dương hấp thụ, việc thay đổi nhiệt độ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu CO2 của các phiêu sinh thực vật và sau đó làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
- 60% các rạn san hô đang bị đe dọa bởi việc ô nhiễm.
- 60% bờ biển Thái Bình Dương và 35% bờ biển Đại Tây Dương đang bị xói mòn với tốc độ 1m/ năm
Nếu con người cũn xem biển cả là một bói rác khổng lồ có thể chứa đủ thứ chất thải, môi trường đại dương sẽ còn bị hủy hoại trầm trọng hơn nữa chứ không chỉ như tình trạng hiện nay.
Mỗi năm, sa mạc Sahara tiến dần về phía Nam với tốc độ 45 km/ năm. Cao nguyên Madagasca - nơi được xem là kho báu về đa dạng sinh học nhưng giờ đây 7% đất đai là đất cằn đồi trọc. Tại Kazakhstan, kể từ năm 1980, 50% diện tích đất trồng trọt đã bị bỏ hoang vì quá cằn trong tiến trình hoang mạc húa.
Đa dạng sinh thái bị suy giảm, đất đai trở nên bạc màu không thể canh tác là hai ảnh hưởng chủ yếu của quá trình hoang mạc hóa. Tình trạng này đang đe dọa cuộc sống của gần 1 tỉ người trên Trái Đất. Châu Phi có thể chỉ nuôi được 25% dân số vào năm 2025 nếu tốc độ hoang mạc húa ở lục địa đen tiếp tục như hiện nay.
Những dấu hiệu cảnh báo về hiện tượng ô nhiễm môi trường toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi trên toàn thế giới. Chúng ta đều hiểu rằng, một khi ô nhiễm môi trường xảy ra, chính loài người chúng ta cùng những sinh vật vô tội khác trên Trái Đất sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên - những ảnh hưởng tiêu cực tác động đến sự sống hôm nay và mai sau.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 63
Cuộc sống hiện nay của con người đang bị đe dọa bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng. Chính vì thế môi trường là đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động liên tục.
Trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay thì ô nhiễm môi trường thực sự là một vấn đề đáng báo động cao nhất.
Môi trường là tất cả những gì xung quanh con người như cây xanh, không khí, nước, đất… tất cả mọi thứ. Nếu không có môi trường thì con người sẽ không tồn tại được. Nhưng nếu có môi trường và đang bị ô nhiễm thì chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người cũng ngày càng giảm đi.
Ô nhiễm môi trường chỉ xuất hiện khi những chất độc hại thay đổi nhanh chóng và gây tác hại xấu đến đời sống của con người. Do đó, hiện nay đang là vấn đề toàn cầu được cả nhân loại quan tâm.
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Trên thế giới hiện nay thì hầu như ô nhiễm môi trường đã xuất hiện với một phạm vi rộng lớn. Dấu hiệu để con người nhận biết ô nhiễm môi trường đang diễn ra đó chính là sự gia tăng ngày càng nhiều của những sự biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hơn, nóng lên toàn cầu, mưa axit phá hủy các công trình kiến trúc, gây tổn thương hệ sinh thái, suy giảm tầng ozon, tạo ra nhiều lỗ thủng lớn làm cho tia bức xạ cực tím lớn hơn…
Hiện tại, trên toàn thế giới thì môi trường đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn nhất trên toàn cầu đó chính là sự nóng lên của Trái Đất, ô nhiễm biển và đại dương cùng với sự hoang mạc hóa nhanh chóng
Thực trạng hiện nay:
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang nóng lên gần 40 độ C so với nhiệt độ trong kỷ băng hà gần đây nhất, khoảng 13.000 năm trước. Nhưng trong vòng 100 năm qua thì nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang có xu hướng tăng lên rõ rệt từ 0,6 đến 0,7 độ C và các nhà khoa học đang dự báo ẽ có khả năng tăng 1,4 đến 5,8 độ C trong vòng 100 năm tới. Điều này đang rống lên tiếng chuông cảnh báo cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới
Hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ có tác động sâu sắc lớn đến môi trường và xã hội. Đây chính là hệ quả tất yếu của hiện tượng Trái Đất nóng lên và sự gia tăng mực nước biển, cường độ của các cơn bão cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc. Các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, chịu tác động mạnh mẽ của thiên nhiên, khí hậu nên ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình canh tác, sản xuất.
Tốc độ ấm lên toàn cầu của thế kỷ XXI diễn ra quá nhanh khiến cho các loài sinh vật không chịu thích ứng. Khả năng tuyệt chủng cũng sẽ có nguy cơ cao lên. Đại dương và biển đang càng tăng lên vì số lượng rác thải ra càng lớn. Theo số liệu thống kê của Chương trình môi trường Liên hợp quốc công bố thì có đến 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển gồm cát, đất, rác, phế thải xây dựng, chất phóng xạ… Hơn nữa, sự cố tràn dầu, rò rỉ dầu, đắm tàu… cũng thường xuyên xảy ra gây ô nhiễm môi trường biển nặng nề (những sự cố này chiếm đến 50%).
Thực trạng đáng báo động thông qua những con số khiến ai đọc cũng phải giật mình:
100.000 thú biển và rựa biển, 1.000.000 chim biển do bị vướng hay bị nghẹt thở bởi các loại rác plastic
Chiếm đến 30 – 50% lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt nguyên liệu hóa thạch bị đại dương hấp thụ. Việc thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu CO2 của các phiêu sinh thực vật và nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Hơn 60% rạn san hô đang bị đe dọa bởi quá trình ô nhiễm nặng nề
60% bờ biển Thái Bình Dương và 35% bờ biển Đại Tây Dương đang bị xói mòn với tốc độ chóng mặt 1m/năm
Nếu như ai cũng xem biển là bãi rác khổng lồ có thể chứa tất cả các loại rác thải ở trên thế giới thì môi trường biển cũng sẽ không còn nữa.
Mỗi năm, sa mạc Sahara đang tiến dần về phía Nam với tốc độ 45km/năm. Cao nguyên Madagasca cũng đang bị thoái hóa khi 7% đất đai bị hoang mạc hóa trở thành đất cằn đồi trọc. Một nơi đã từng được xem là kho báu về sự đa dạng sinh học giờ đây chỉ còn là bãi đất trống. Một hiện thực đau lòng và đòi hỏi mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức của mình hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường.
Do đó khi đa dạng sinh thái bị suy giảm, đất đai dần trở nên bạc màu. Đây chính là 2 nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng hoang mạc hóa toàn cầu. Nếu tình trạng này tiếp diễn và kéo dài thì trong tương lai gần thì cuộc sống và nơi ở của con người và sinh vật sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Thực trạng môi trường ở Việt Nam
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải chưa đúng yêu cầu, chưa đạt chuẩn.
Ví dụ ở tỉnh Bắc Cạn: Lượng nước thải của khu vực đô thị trên địa bàn các tỉnh khoảng 12000m3/ngày/đêm. Còn khu vực nông thôn thì phát sinh khoảng hơn 20.280m3/ngày/đêm. Lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu là chất thải rắn chiếm đến 80% làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, bụi bặm cùng các chất thải rắn có nguy cơ gây hại ngày càng cao. Sự gia tăng trong ống xả khí thải và chất rắn trong các hoạt động công nghiệp ngày càng cao tác động trực tiếp đến sức khỏe của người lao động và môi trường sống.
Quy trình xử lý chất thải ở Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ và còn lỏng lẻo.
Theo thống kê của Bộ Y tế thì lượng chất thải rắn từ các cơ sở tế trên toàn quốc đạt 300 tấn/ngày. Trong đó, có đến 40 – 50 tấn là nhu cầu xử lý chất thải nguy hại.
Việt Nam chúng ta nằm trong top 10 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Mỗi năm, Việt Nam bị tổn thất khoảng 1,5% GDP do thiên tai gây ra, nghiêm trọng nhất vẫn là các tỉnh miền Trung. Thực trạng này đang rất báo động vì chúng ta đang là nước đang phát triển nhưng môi trường không đảm bảo thì sự phát triển sẽ không bền vững được.
Các dấu hiệu cảnh báo về hiện tượng ô nhiễm cũng như thực trạng hiện nay đang ngày càng lan rộng ra trên toàn thế giới. Chính vì thế, vì sự sống còn của nhân loại, mỗi một người dân hãy nâng cao ý thức của mình trong việc bảo vệ môi trường, từ những hành động nhỏ nhặt nhất.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 64
Khái niệm ô nhiễm môi trường nước là gì?
Ô nhiễm môi trường nước có tên gọi bằng tiếng Anh là Water pollution, dùng để chỉ hiện tượng nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn, thay đổi thành phần và chất lượng theo chiều hướng xấu, trong nước có các chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người và hệ sinh vật.
Biểu hiện ô nhiễm môi trường nước thường thấy nhất là nước có màu lạ (màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, ..), mùi lạ (mùi tanh hôi, thối nồng nặc, mùi thum thủm, …) và xuất hiện váng, nổi bọt khí, có nhiều sinh vật sống trong nước bị chết.
Thực trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới rất đáng báo động. Cụ thể:
Vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên thế giới hiện nay không chỉ xảy ra ở đới ôn hòa, mà còn có trên đới nóng, đới lạnh, tức là bao trùm khắp các châu lục. Theo báo cáo ô nhiễm môi trường nước của UNEP, có tới 60% dòng sông của Châu Á – Âu – Phi bị ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam cũng không chỉ xảy ra ở nông thôn, mà ô nhiễm nhiễm môi trường nước ở Hà Nội và TPHCM, các tỉnh lân cận cũng rất nghiêm trọng.
Ví dụ dẫn chứng về ô nhiễm môi trường nước ở nước ta hiện nay tại Hà Nội và TPHCM:
Tại Hà Nội: Khoảng 350 – 400 nghìn m3 nước thải và hơn 1.000m3 rác thải xả ra mỗi ngày nhưng chỉ 10% được xử lý, số còn lại xả trực tiếp vào sông ngòi gây ô nhiễm nước khiến cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, mức độ ô nhiễm rộng khắp 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ).
Tại TPHCM: Ô nhiễm môi trường nước ở TPHCM điển hình nhất là ở cụm công nghiệp Thanh Lương, có tới khoảng 500.000m3 nước thải/ngày từ các nhà máy bột giặt, giấy, nhuộm.
Những số liệu về ô nhiễm môi trường nước được dẫn chứng ở trên sẽ không ngừng gia tăng mỗi ngày nếu chúng ta không nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp giảm thiểu, loại trừ.
Các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước
Theo thông tin từ các chuyên gia môi trường thì có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước từ sản xuất nông nghiệp
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước đầu tiên bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, các loại thức ăn thừa không qua xử lý, phân và nước tiểu của vật nuôi xả trực tiếp ra ngoài chính là những tác nhân dễ dàng nhận thấy nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc người sân sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, diệt cỏ … vượt quá liều lượng được khuyến cáo cũng chính là các yếu tố gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm do hóa chất bị tồn dư.
Thậm chí, một số bà con nông dân còn sử dụng những loại hóa chất bị cấm như thuốc trừ sâu Monitor, Thiodol … điều này không chỉ dẫn đến ô nhiễm nước mà còn vô cùng độc hại cho người sử dụng, nhất là khi không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.
Ngoài ra, việc cất giữ, bảo quản thuốc không đúng cách, bày ở khắp nơi trong nhà cũng khiến nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc. Hoặc, việc vứt bỏ các vỏ chai đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bừa bãi xuống bờ ruộng, kênh rạch cũng là yếu tố nguy cơ.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước từ sản xuất công nghiệp
Nước thải và rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp phần lớn đều được xả trực tiếp ra ao hồ, sông suối mà chưa qua xử lý. Do đó, đây cũng chính là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước điển hình nhất.
Trong nước thải công nghiệp có rất nhiều các anion gây ô nhiễm môi trường nước là Cl-, SO42-, PO43, Na+, K+ và vô số các hợp chất kim loại nặng mang độc tính cao như Hg, Pb, Cd, As, Sb, Cr, F… chúng sẽ hòa tan trong nước, khiến nguồn nước bị thay đổi tính chất theo chiều hướng có hại.
Ô nhiễm môi trường nước nguyên nhân ở khía cạnh công nghiệp còn do sự nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư, một số cơ quan, tổ chức và cộng động dân cư còn hạn chế, chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế trong khi xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường xung quanh, vì thế tình trạng nước nhiễm bẩn là điều đương nhiên.
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường nước từ rác thải sinh hoạt
Cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thì rác thải sinh hoạt cũng là một trong các nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, môi trường nước mà quý khách phải biết.
Đó là những loại rác thải sinh hoạt từ những hộ gia đình, khu dân cư, bệnh viện, trường học … được xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý an toàn.
Trong khi đó trong nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị luôn chứa một lượng lớn các ion gây ô nhiễm môi trường nước như PO43, Na+, K+, Cl-, SO42- và các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học (dầu mỡ, chất dinh dưỡng, chất rắn, protein, cacbohydrat). Mức xả thải càng lớn thì sự ô nhiễm môi trường nước càng nghiêm trọng.
Ngoài các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước ở trên thì nguồn nước bị ô nhiễm còn do các yếu tố tự nhiên như tuyết tan, mưa, giông bão, lũ lụt … đưa các chất bẩn, sinh vật có hại vào môi trường nước gây ô nhiễm.
Các hậu quả của ô nhiễm môi trường nước gây ra
Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước để lại rất nhiều tác hại đến sức khỏe con người, hệ sinh vật sống dưới nước và cả những thực vật trên cạn. Cụ thể:
Hậu quả của việc ô nhiễm nguồn nước đối với con người
Hậu quả của ô nhiễm nguồn nước đối với con người là trên phương diện sức khỏe. Bởi vì, sử dụng hoặc sống gần nguồn nước bị nhiễm bẩn sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, dịch tả, thương hàn và bại liệt do các loại vi khuẩn trong nước thải gây ra.
Trong khi đó, với nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng, các hóa chất độc hại còn là nguyên nhân của các chứng ngộ độc và những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột biến gen, dị tật bẩm sinh.
Ngoài tác hại của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe, thực trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Do nước nhiễm bẩn và độc tố sẽ gây gây hại hoặc làm giảm năng suất nông nghiệp, năng suất nuôi trồng thủy hải sản.
Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước đối với sinh vật dưới nước
Lượng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, các hóa chất tồn đọng được xả ra ao hồ, sông suối, biển cả sẽ làm môi trường sống của các sinh vật dưới nước bị thay đổi theo hướng ngày một tồi tệ hơn.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường nước đối với sinh vật dưới nước là hàng loạt tôm cá và những sinh vật dưới biển chậm phát triển. Khi mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ không thể thích nghi được, dẫn đến cái chết hàng loạt, làm tài nguyên biển, cũng như hệ sinh thái dưới nước bị suy kiệt. Nếu ăn cá bị nhiễm độc, sức khỏe con người cũng bị đe dọa.
Tác hại của ô nhiễm môi trường nước đối với thực vật
Không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh vật sống dưới nước mà một trong những tác hại của ô nhiễm nước còn ảnh hưởng đến đời sống của hệ thực vật trên cạn.
Cụ thể, dùng nước bị ô nhiễm để tưới tiêu cho cây trồng, hoa màu sẽ khiến chúng bị còi cọc, chậm phát triển. Nếu mức độ nhiễm bẩn của nước quá lớn còn làm thực vật bị chất hàng loạt, đất đai ngày càng bị cằn cỗi, dễ xói mòn.
Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước
Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước là làm biến đổi chất lượng nguồn nước, bao gồm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Điều này khiến nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, vệ sinh cá nhất, phục vụ nông nghiệp và công nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm. Đây chính là một thảm họa vô cùng lớn đối với toàn thể nhân loại.
Các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước
Các biện pháp, giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước hiệu quả nhất là căn cứ vào nguyên nhân gây ra thực trạng này. Dưới đây là một cố cách khắc phục ô nhiễm môi trường nước có thể tham khảo:
Tăng cường tuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường nước từ những hành động đơn giản như vứt rác đúng nơi quy định, lên án với những hành vi xả rác bừa bãi.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Các nhà máy, xí nghiệp cần xây bể xử lý nguồn nước thải thay vì xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài cũng là biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hiệu quả.
Khuyến khích người dân vùng nông thôn áp dụng giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách xây dựng hầm cầu tự hoại, hầm biogas cải tiến để xử lý nước thải, tránh xả trực tiếp phân và nước tiểu trong chăn nuôi ra môi trường.
Cải tiến công tác sản xuất nông nghiệp bằng cách dùng phương pháp tự nhiên để tạo dinh dưỡng cho đất, kết hợp sử dụng cây trồng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại.
Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm những hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn. Tích cực đầu tư nghiên cứu để tìm ra các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước hiệu quả hơn.
Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các thiết bị lọc nước tân tiến để loại bỏ chất bẩn trong nước.
Thuyết minh về ô nhiễm môi trường – Bài văn mẫu số 65
Ô nhiễm môi trường từ lâu đã là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, là chủ đề nóng thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, ô nhiễm môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Theo một nghiên cứu tại Đại học Georgia, có 9 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm, trong đó 80% đến từ đất liền, bao gồm rác thải cá nhân, chất thải công nghiệp… và 20% đến từ các hoạt động đánh bắt cá và du lịch biển. Môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hơn 100.000 sinh vật biển chết hàng năm do bị mắc kẹt hoặc ăn phải đồ nhựa. Các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán, đến năm 2050, khối lượng rác thải trên biển sẽ còn nhiều hơn khối lượng sinh vật biển đang sinh sống, đủ để xoay quanh Trái đất 400 lần!
Ở Việt Nam, tình hình ô nhiễm môi trường biển cũng đang ở mức báo động. 5.600 tấn rác thải dầu khí, 1.8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm; 80% lượng rác thải không qua xử lý trên biển có nguồn gốc từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư; 90% các rặng sạn hô có nguy cơ bị hủy hoại (theo Dân trí). Đây chỉ là một vài số liệu tiêu biểu trong hàng ngàn con số đáng báo động khác về môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng giờ đây không còn là trách nhiệm của riêng các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước và rất nhiều tổ chức đã tham gia phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường, nổi bật như Chiến dịch “Biển Việt Nam xanh” của Bộ Văn hóa–Thể thao-Du lịch, Dự án hợp tác “Vì một thế giới không rác thải” của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam và CocaCola Foundation, phong trào ZeroWaste, Plastic Free Challenge…
Các siêu thị, các cửa hàng hay nhà hàng tại Việt Nam đang tích cực hưởng ứng các phong trào này bằng những hành động thiết thực như sử dụng ống hút giấy, túi vải, bọc thực phẩm bằng các sản phẩm tự nhiên,…Ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà các mẹ xách giỏ đi chợ để hạn chế túi nilong, các bạn trẻ khi đi mua đồ cầm theo túi vải và lọ thủy tinh cá nhân… Mỗi hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ở Việt Nam.