Dàn ý nghị luận Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của người tốt
1. Mở bài
- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
a. Khái niệm:
- "xót xa": Đó là cảm giác buồn khổ không nói nên lời, là nỗi niềm thương tiếc sâu sắc nằm tại đáy lòng, nó cứ kéo dài, lặng lẽ thấm tận vào tâm can, khó mà có thể nguôi ngoai.
- Người xấu là người có tâm hồn không trong sáng, có những hành vi và lời nói trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến người khác, gây ra cho người khác những thiệt hại hoặc tổn thương nào đó.
- Người tốt là người không gây ra những hành vi, xấu xa, đê tiện, tâm địa thiện lương, sống chan hòa với những người xung quanh,...
- Người tốt im lặng là kiểu người không thích phiền phức, ngại việc phải lên tiếng về một vấn đề nào đó, kể cả đó có là chuyện thương thiên hại lý, họ cũng sẵn sàng im lặng, bàng quan, thậm chí là vô cảm để tránh rắc rối.
- Câu nói của Martin Luther King, là nỗi bất an, cũng như là lời cảnh tỉnh về một xã hội ngày càng trở nên kỳ lạ, những người tốt với sự im lặng đáng sợ, biểu trưng cho cuộc sống vô cảm, bàng quan, mất dần lòng yêu công lý, chỉ còn lại thái độ ích kỷ, bo bo giữ mình.
b. Bàn luận:
* Tình trạng diễn biến của người xấu và tình trạng người tốt im lặng.
- Người xấu trở nên gian manh hơn, ẩn giấu trong đủ các ngóc ngách của xã hội như một con người bình thường để làm ra những hành vi đáng sợ.
- Ngày nay con người không những phải chịu tổn thương từ những vụ trộm cắp hay cố ý gây thương tích, mà ghê gớm hơn con người có thể chịu tổn thương ở bất kỳ không gian và thời gian nào.
- Nêu một số ví dụ để chứng minh hành động của người xấu
- Một số ví dụ về sự im lặng của người tốt.
* Nguyên nhân khiến người tốt im lặng:
- Sợ phiền phức, họ sợ nếu mình lên tiếng can thiệp vào mình sẽ bị vạ lây (nêu ví dụ), do xã hội xuất hiện quá nhiều thành phần bất hảo, giá trị đạo đức, nhân phẩm đi xuống, con người trở nên thủ đoạn và ngày càng nông nổi, có thể làm bất cứ việc gì mà không màng đến hậu quả.
- Con người ngày càng trở nên vô cảm, chai lì trong cảm xúc, cuộc sống, công việc và đồng tiền đã đặt lên vai họ những áp lực quá lớn, khiến họ trở nên chai sạn, không còn quan tâm đến thế giới và những con người xung quanh.
- Giữa những người tốt không có sự đoàn kết, đồng lòng, có thể ở đâu đó đã có người lên tiếng nhưng hành động đó của họ bị phớt lờ, không ai quan tâm, không ai ủng hộ thậm chí còn bị cho là khác người, dần dà họ bị ám thị theo số đông, họ không còn muốn lên tiếng nữa.
3. Kết bài:
- Nhận định và suy nghĩ cá nhân.
Nêu suy nghĩ về ý kiến: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của người tốt”
Mới đây, cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn clip ghi lại hình ảnh cô gái xinh đẹp đi xe gắn máy bị một nam thanh niên cướp giữa thanh thiên bạch nhật. Bị cướp bất ngờ, cô gái mất lái, ngã sõng soài ra đường và nằm bất động. Đáng nói ở đây là có nhiều người đi đường đi qua chỉ ngó rồi lại đi tiếp, không ai quan tâm đến nạn nhân nằm bất tỉnh giữa đường ra sao. Thậm chí, còn có người đứng từ xa ngó nhìn rồi móc trong túi chiếc điện thoại để quay lại sự việc đăng lên mạng cho “nóng”. Họ thật sự chẳng hề mải may gì đến cô gái tội nghiệp đằng kia. Câu chuyện này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, suy nghĩ về cách sống và thái độ ứng xử của con người trong xã hội ngày nay. Cũng bàn về vấn đề này, M.L.King cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Con người từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên luôn đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Vui có, buồn có, hào hứng có, tuyệt vọng có… và “xót xa”, “im lặng” cũng là những cảm xúc, trạng thái không thể thiếu. “Xót xa” là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn “im lặng” là một trạng thái tĩnh của con người, là sự không hành động, không phản ứng, thờ ơ hoặc hèn nhát, quay lưng lại với mọi việc diễn ra xung quanh. Và cuộc sống chúng ta đang sống thì muôn hình vạn trạng, luôn có những mảng màu đối lập. Con người cũng thế, luôn luôn tồn tại hai loại người “người tốt” và “kẻ xấu”. “Kẻ xấu” là những kẻ độc ác, tàn nhẫn, là những kẻ ích kỷ và có những lời nói, hành động làm tổn hại đến những người xung quanh. Ngược lại, “người tốt” là những con người nhân hậu, bao dung, những con người có tấm lòng độ lượng, nhân từ, không làm hại đến mọi người. Như vậy, chúng ta cảm thấy “xót xa” với lời nói và hành động của “kẻ xấu” là đều tất nhiên, rất đỗi bình thường. Bởi lẽ khi nhìn thấy những cảnh tượng lừa đảo, cướp giật trên đường, những hành vi vi phạm pháp luật: buôn bán ma túy, mại dâm, giao cấu với trẻ em,..ai mà không khỏi căm phẫn, bất bình. Nhưng tại sao chúng ta lại “xót xa” hơn trước sự “im lặng” đến đáng sợ của “người tốt”? Sự “im lặng” ở đây là sự ngầm thỏa hiệp, mặc kệ cho cái xấu, cái ác lộng hành. Đó cũng là biểu hiện của sự thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của những người vốn có bản tính tốt đẹp. Điều đó là cách để dung túng cho kẻ xấu làm tổn hại đến mọi người trong xã hội. Thông qua câu nói của mình, M.L.King đã gửi gắm tới người đọc một thông điệp hết sức sâu sắc: “Nỗi đau đớn, nuối tiếc do những lời nói, hành động của kẻ xấu không xót xa bằng việc người tốt không có thái độ, hành động hay bất cứ phản ứng gì trước việc làm sai trái ấy”.
Trong tư tưởng một số người, họ nghĩ: “Sự im lặng của riêng họ trước những việc làm xấu, trái với chuẩn mực đạo đức và luân thường đạo lí là chuyện bình thường, không ảnh hưởng gì đến cộng đồng, xã hội”. Nhưng họ không biết rằng những ý nghĩ đó là vô cùng sai lầm. Nếu trong xã hội này mà ai ai cũng có những suy nghĩ lệch lạc như thế thì thử hỏi cái xấu, cái ác sẽ tiếp tục vẫy vùng, thoải mái lộng hành ra sao nữa? Khi cái ác lộng hành trong xã hội mà chẳng có sự cản ngăn, lên tiếng bảo vệ lẽ phải thì cái tốt, cái thiện sẽ mất đi niềm tin vào cuộc đời. Những người yếu đuối, bất hạnh sẽ không được bênh vực, không được bảo vệ, chở che. Và rồi cái “chân lý” vốn có trong xã hội dần dần bị suy đồi và mất dần khi không được khẳng định, không được bảo vệ. Hàng ngày, biết bao những vụ án, những tội ác khủng khiếp xảy ra được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng đáng sợ không kém còn là chính sự tiếp tay, thỏa hiệp âm thầm của những người tốt bởi sự “im lặng” hèn nhát. Như vụ việc của em N.T.Nhi (12 tuổi), được báo đăng tin cách đây không lâu. Em bị chính người cha ruột của mình “làm hại”, bị giao cấu suốt nhiều năm. Những người trong gia đình em (mẹ, anh trai) đều biết nhưng vẫn giữ “im lặng” vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình. Đến khi em đã biết suy nghĩ, cảm thấy bản thân mình bị tổn hại nặng nề về mặt thể xác lẫn tinh thần thì em mới báo công an về hành vi đồi bại của cha mình. Qua sự việc đó, nhiều người đã không khỏi bàng hoàng và vô cùng bất bình trước hành vi của người cha. Nhưng cũng không khỏi bức xúc trước sự “im lặng” hèn nhát, đáng sợ của người thân trong gia đình em. Không chỉ riêng em N.T.Nhi mà trên thực tế còn nhiều trẻ em bị lạm dụng như thế. Và đây cũng chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của tội ác, trên thực tế vẫn còn nhiều điều xấu xa trong xã hội hiện nay. Sự nhân rộng cái ác như thế một phần cũng là do sự “im lặng” của nhiều người trong xã hội.
Đau đớn, xót xa, bất bình trước những việc làm sai trái của “kẻ xấu” là thế. Biết được hậu quả khôn tưởng của sự “im lặng” hèn nhát, đáng khinh là thế. Nhưng tại sao đến cuối cùng có một số người vẫn không dám lên tiếng? Sự im lặng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình trước kẻ xấu không hề có tác dụng gì hay không nhận được sự đồng tình của số đông. Họ sợ khi lên tiếng bênh vực người bị hại, họ sẽ bị liên lụy, “rước họa vào thân”. Trên thực tế, chúng ta không thể phủ nhận rằng cũng có số ít người “lên tiếng” bảo vệ lẽ phải nhưng lại nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc, đáng buồn. Nhưng tôi tin dù có ra sao thì kết cục cuối cùng vẫn sẽ mang lại sự công bằng, tốt đẹp cho xã hội.
Ý kiến của M.L.King là một lời cảnh báo nghiêm khắc để cảnh tỉnh con người hãy thôi đừng “im lặng” nữa. Hãy thôi đừng sống thờ ơ, vô cảm với mọi thứ diễn ra xung quanh nữa. Và để làm được điều đó, tất cả những gì chúng ta cần làm ngay bây giờ là hãy sống dũng cảm, có đủ quyết tâm không đồng tình và không bị cái xấu, cái ác lôi kéo. Hơn hết, nếu chỉ có vài cá nhân chịu đứng lên, dám lên tiếng chống cái xấu thì vẫn không đủ sức mạnh để thay đổi được nó. Vì thế, mỗi một người trong chúng ta phải đoàn kết lại và phải cùng chung một tư tưởng là bảo vệ cái tốt, cái thiện, bảo vệ những con người yếu đuối, bất hạnh. Hãy góp chung tiếng nói của cộng đồng lại để ngăn chặn, triệt tiêu những “kẻ xấu” đang lộng hành, đang vẫy vùng trong xã hội.
Khi người tốt “im lặng” là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự phá sản những giá trị tinh thần. Bởi “im lặng” là lùi bước cho cái xấu và đó cũng là một tội ác. Hãy coi câu nói của M.L.King là một bài học. Hãy xoắn tay áo lên và hành động ngay hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất đến những việc lớn hơn để xã hội ngày càng đẹp hơn, mà ở đó con người được sống trong yên vui hạnh phúc.