Đất nước là nơi ta sinh ra và lớn lên. Thật vậy, chẳng ai biết đất nước có từ bao giờ, chỉ biết đất nước lớn lên theo ta từng ngày. Đất nước đang trưởng thành theo năm tháng. Đứng trước vẻ đẹp của đất nước có mấy ai không rung động, không trào dâng cảm giác tự hào trong lòng. Có lẽ cũng vì một lòng nồng nàn yêu nước và muốn tìm về cội nguồn của dân tộc mà Nguyễn Khoa Điềm đã đặt bút để rồi tự mình vẽ lên một đất nước thật đẹp và bình dị. "Đất nước" được hiện lên rõ nét qua mối quan hệ gắn bó từ ngàn xưa với con người. Qua tác phẩm, chúng ta cũng nhận thấy được tài năng xuất chúng của Nguyễn Khoa Điềm, đó là việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian vừa quen thuộc vừa mới lạ.
Chất liệu dân gian được tác giả sử dụng ngay từ những câu chữ đầu tiên của tác phẩm. Đất nước gắn liền với phong tục, lối sống văn hóa của người dân Việt Nam. Đó là miếng trầu bà ăn, là búi tóc bới sau đầu, là cái kèo cái cột thành tên. Đất nước cũng gắn liền với hoạt động lao động sản xuất qua hình ảnh hạt gạo xay, giã, giần sàng. Đất nước cũng là cái nôi ấm áp của những mối tình đơn sơ. "Đất là nơi anh đến trường, nước là nơi em tắm". Tác giả đã có cái nhìn độc đáo về đất nước khi tách đất nước thành đất và nước riêng biệt để định nghĩa, từ đó khiến cho khái niệm về đất nước gần gũi, thân thuộc hơn với chúng ta. Rồi cũng từ đất nước mà bao cuộc tình đậm sâu đến với mỗi người. Đất nước là nơi em bắt đầu có khái niệm đầu tiên về yêu thương, là khi em trót thương thầm anh để rồi đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. Đất nước yêu dấu của chúng ta cũng là nơi tình cảm cha mẹ mặn nồng cùng nhau gắn bó để xây dựng nên một tổ ấm thật hạnh phúc.
Để xây dựng lên một khái niệm đất nước thật hoàn chỉnh thì tác giả cũng đã tinh tế đưa thêm vào cả ca dao, dân ca, tục ngữ. "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" là thành quả của tác giả khi lấy ý từ bài ca dao "Muối ba năm muối hãy còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa". Và đâu phải cái tài của tác giả chỉ dừng ở đó, Nguyễn Khoa Điềm cũng đi liệt kê hàng loạt câu chuyện từ xa xưa trong truyền thuyết và cổ tích dân gian để làm nổi bật vẻ đẹp trù phú của đất nước đồng thời khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong việc "làm ra Đất Nước". Đó là tinh thần cảnh giác cao độ trước kẻ thù "dân mình biết trồng tre mà đánh giặc", truyền thống uống nước nhớ nguồn "Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ". Và không chỉ có thế, ông cũng ca ngợi vẻ đẹp trù phú của quê hương, đất nước:
"Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm"
Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng dày đặc chất liệu dân gian giúp cho đất nước hiện lên thật bình dị, gần gũi và thân thuộc. Đất nước gắn liền với cuộc sống thường ngày của con người chứ không to lớn, trừu tượng mang tầm vóc to lớn khó hiểu.
Chất liệu dân gian được sử dụng trong tác phẩm vừa quen thuộc, vừa mới lạ. Thật vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã diễn tả đất nước theo bề dày lịch sử, không gian và thời gian. Đất nước gắn liền với truyền thống yêu nước, bảo vệ dân tộc của người dân Việt Nam. Đất nước được gìn giữ bởi máu xương của bao người. Đất nước cũng cứ thế mà trưởng thành và phát triển nhờ lao động sản xuất của con người, ai ai cũng cống hiến hết mình để góp phần xây dựng lên một đất nước giàu đẹp hơn. Và cũng nhờ việc sử dụng chất liệu dân gian mà tác giả đã làm nổi bật tư tưởng về đất nước mới mẻ. Đó là đất nước của nhân dân, đất nước là của ca dao thần thoại.
Đi khắp kho tàng văn học dân gian của dân tộc đã có biết bao nhiêu tác phẩm viết về đất nước. Thế nhưng khi đến với "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm ta lại thấy một đất nước thật bình dị và gần gũi, đất nước gắn liền với lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. Qua Đất nước, chúng ta cũng thấy được lòng tự hào dân tộc và yêu nước của tác giả. Chắc hẳn phải yêu và tự hào biết bao thì ông mới có những định nghĩa về đất nước gần gũi và thiết thực đến vậy. Và qua tác phẩm chúng ta thấy thêm được tài năng của người nghệ sĩ, đó là sự sáng tạo, am hiểu sâu rộng về nền văn hóa cũng như truyền thống của nước nhà.