Một bông hoa đẹp không chỉ cần có màu sắc mà cần đến cả mùi hương, một bài hát hay không chỉ cần giai điệu đẹp mà còn cần đến lời hát ý nghĩa. Còn đối với một tác phẩm truyện ngắn ngoài những giá trị nhân đạo, hiện thực hay thẩm mỹ nghệ thuật thì đôi khi còn thành công và hấp dẫn người đọc bởi tình huống truyện độc đáo. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm như thế. Truyện ngắn không chỉ thành công bởi ý nghĩa sâu sắc, nội dung phong phú hình tượng nghệ thuật mà còn thành công bởi tình huống truyện.
Tình huống truyện là gì? Bàn về tình huống truyện giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có viết: "Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn". Có ba loại tình huống truyện đó là tình huống tâm lý, tình huống hành động, tình huống nhận thức. Trong đó chiếc thuyền ngoài xa thuốc loại tình huống truyện nhận thức. Cụ thể là nhận thức của nghệ sĩ Phùng khi chứng kiến cảnh đẹp trời cho sau đó lại là cảnh tượng đánh đập dã man.
Câu chuyện được nhìn từ tự sự của Phùng cho nên trở nên gần gũi và khách quan hơn. Phùng là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng và anh thích chụp những cảnh đẹp nghệ thuật. Vào năm ấy anh được cử đi công tác tại vùng biển để chụp bức ảnh thuyền và biển in vào trong bộ lịch năm ấy. Phùng đã đến vùng biển trong buổi sáng sớm tinh sương. Anh bắt gặp một cảnh tượng gần gũi mà như xa lạ, thực mà như mơ. Đó là cảnh tượng bầu trời đầy những sương giăng, ánh mặt trời hãy còn nhạt nhòa chưa lên nắng, một chiếc thuyền ngoài khơi xa in những nét lòa nhòa trong sương sớm. Phùng tưởng chừng đây là một cảnh trong tiên mờ ảo chứ không phải cảnh thật nữa. Nó giống một bức tranh mực tàu của họa sĩ thời cổ. Thế rồi Phùng chợt nhận ra nghệ thuật chính là đạo đức, ngắm nhìn cảnh biển anh cảm thấy lòng mình trong sạch tâm hồn như được thanh lọc vậy. Đây quả là một cảnh đắt hiếm có. Anh nhanh tay chụp lấy cảnh đẹp nghệ thuật ấy và yên trí rằng bộ lịch năm nay sẽ có cảnh đẹp mê ly.
Thế nhưng bất chợt khi chiếc thuyền gần lại về phía bờ, Phùng trông thấy một người đàn ông cao to lực lưỡng và một người đàn bà thô kệch đi đằng sau. Dáng vẻ người đàn bà ấy lầm lũi vô cùng. Người đàn ông dừng lại bên cạnh một chiếc xe tăng ngay cạnh đó. Rồi không nói năng câu gì ông ta tháo chiếc thắt lưng ra đánh tới tấp vào người đàn bà ấy. Một cảnh tượng hãi hùng khiến cho Phùng trợn mắt không thể tin được. Đằng sau một cảnh thuyền và biển đẹp đến mê hồn lại có một cảnh tượng bạo lực như thế này. Người đàn bà không hề có một chút phản kháng nào vẫn đứng im nín đau để mặc cho chồng mình hành hạ, liên tiếp quất những lần thắt lưng vào người. Khi ấy có một thằng bé cầm con dao lao tới nó dường như muốn lấy mạng người đàn ông mà nó gọi là bố. thế nhưng nó bị ông ta tát cho một cái văng ra rồi bỏ đi. Người đàn bà ôm lấy con mình mà khóc. Những giọt nước mắt chảy đầy những nốt rỗ chằng chịt trên gương mặt khắc khổ của bà.
Tình huống truyện được tạo nên từ nghịch cảnh giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái của trong gia đình thuyền chài, gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên vai hai vợ chồng. Vì hoàn cảnh nên ông chồng trở nên vũ phu và đánh đập vợ con chứ thật ra ngày xưa ông là một anh cắt cỏ hiền lành chăm chỉ. Không những thế khi người đàn bà mặt giỗ kia mất bố mẹ lại ế chồng, ông đã dang tay che chở cho cuộc đời của bà ấy. Tuy nhiên cuộc sống đã làm cho ông thay đổi, chính vì nghèo khó mà lại lắm con cho nên ông đã trở thành một người hoàn toàn khác. Còn người đàn bà làng chài ấy, cũng vì số phận mà phải theo chồng lênh đênh trên biển. Vì các con bà nhẫn nhịn để cho ông chồng của mình đánh đập chỉ mong ông ta nguôi cơn giận để tiếp tục cùng nhau nuôi con. Đó là một sự hi sinh có ý nghĩa, bà đâu cam chịu một cách ngu ngốc chẳng qua bà vì các con của bà mà thôi. Còn đứa con kia cũng chính vì thương mẹ bảo vệ mẹ nên sẵn sàng cầm dao đâm vào người bố vũ phu. Sự thật nghiệt ngã ấy khiến cho Phùng không thể nào chấp nhận được vì thế cho nên anh quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của chánh án Đẩu để giúp cho người đàn bà khốn khổ kia thoát khỏi cuộc sống đau khổ đó.
Từ tình huống truyện ấy chúng ta có thể rút ra được ý nghĩa mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc. Qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong tòa chánh án Đẩu và Phùng hiểu thêm về cuộc đời và con người. Từ chỗ bay bổng với cảm giác tìm thấy cái đẹp toàn bích để rồi nghệ sĩ Phùng lại phẫn nộ với sự thật phũ phàng về một gia đình làng chài sau khi cảnh đẹp kết thúc và cuộc sống mưu sinh của một ngày mở ra. Câu chuyện mà người đàn bà hàng chài kể về cuộc đời mình cũng như gia đình bà khiến cho nghệ sĩ Phùng từ chỗ thương hại bất bình đến chỗ thấu hiểu và chia sẻ. nếu trước đó anh cứ thuyết phục chị bằng được phải bỏ ông chồng vũ phu kia đi thì đền giờ anh lại thấu hiểu được chị cần một chỗ dựa như thế nào trong cuộc sống này. Hành trình nhận thức của Phùng cũng là hành trình nhận ra biết bao nhiêu điều trong cuộc sống xung quanh ta.
Từ những nghịch lý ấy Nguyễn Minh Châu đã gửi cho bạn đọc một thông điệp về sự khám phá phát hiện mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Cái đẹp chính là sự hài hòa giữa chân thiện mỹ, bản thân cái đẹp chính là đạo đức. nghệ thuật phải gắn liền với đời sống, không thể rời xa cuộc sống này được.
Không những thế người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều về cuộc sống bởi xung quanh ta các hiện tượng sự vật luôn tồn tại những mặt đối lập. Cuộc sống không đơn giản xuôi chiều mà chứa đựng nhiều điều nghịch lý. Đừng bao giờ nhìn nhận cuộc đời con người một cách dễ dãi. Hình ảnh người đàn ông đánh vợ trên chiếc xe rà phá mìn khiến chúng ta liên tưởng so sánh rằng trận chiến chống tha hóa đạo đức, chống bạo lực gia đình, bảo vệ thiên lương còn gian nan hơn cả trận chiến chống quân xâm lược.
Đồng thời nhà văn mở ra cái nhìn khám phá về con người. Nhà văn đã khám phá sau vẻ xấu xí thô kệch của người đàn bà hàng chài là cả một sự hy sinh thầm lặng chịu đựng vì con cái. Có thể nói bà quả là một người mẹ điển hình cho những người mẹ Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã tìm thấy hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người. qua đó nhà văn muốn nhắn nhủ bạn đọc rằng đừng nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, đừng vội đánh giá qua cái nhìn bề ngoài.
Như vậy ta thấy tình huống truyện của tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa được nhà văn Nguyễn Minh Châu dày công xây dựng đã mang lại những hiệu quả lớn trong việc truyền tải ý nghĩa nội dung tác phẩm. Vẫn biết rằng văn học là một chỉnh thể thẩm mỹ hoàn chỉnh nhưng đôi khi vẫn cần lắm những tình huống truyện nhỏ bé để làm nên sức hấp dẫn và truyền tải ý nghĩa một cách sâu sắc của tác phẩm.