Nguyễn Minh Châu có một vị trí quan trọng lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Trong giai đoạn văn học thời chống Mỹ (1965 - 1975) ông là một trong những cây bút xuất sắc nhất (tiểu thuyết Cửa sông, Dấu chân người lính và nhiều truyện ngắn). Sau 1975, trong phong trào đổi mới văn học, Nguyễn Minh Châu lại là một người đi tiên phong, không phải chi bằng nhiệt tình và tư tưởng mà còn bằng những tác phẩm có giá trị cách tân lớn và phẩm chất nghệ thuật cao (tập truyện Bến quê, Cỏ lau).
Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu thời chống Mĩ. Thiên truyện có ba sáng tạo đặc sắc:
Một là sáng tạo tình huống truyện. Đối với nghệ thuật truyện ngắn, việc sáng tạo ra tình huống truyện có ý nghĩa quyết định. Mảnh trăng cuối rừng đã tạo ra được một tình huống truyện rất đặc sắc.
Truyện viết về chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi nhân vật anh hùng trong chiến đấu chống Mĩ, một đề tài phổ biến của ta thời chống Mĩ. Loại truyện này dễ nhàm chán nếu như không có cách thuật kể độc đáo, mới mẻ.
Mảnh trăng cuối rừng đã khắc phục được sự nhàm chán đó. Truyện kể hấp dẫn. Gương mặt người anh hùng cứ hiện dần, hiện dần ra một cách tự nhiên mà hồi hộp. Mặt khác, truyện chiến đấu, truyện anh hùng mà vẫn tươi mát. Một sự kết hợp giữa tình yêu và chủ nghĩa anh hùng. Người anh hùng được phát hiện ra cùng một lúc với người yêu Gương mặt người anh hùng càng rực rỡ, tình yêu càng nồng thắm Truyện viết hay là truyện khi kết thúc vẫn để lại dư âm dư vị. Mảnh trăng cuối rừng khi kết thúc đã để lại được dư âm dư vị như thế: một nỗi bâng khuâng khó tả về một cái gì đó thực mà như tạo ảnh, một vẻ đẹp cao cả tuy vẫn gần gũi đấy mà dường như không sao với tới được. Một dư vị đầy chất thơ lãng mạn rất thú vị.
Truyện có hai nhân vật: Lãm một anh lái xe đường Trường Sơn và Nguyệt, một cô công nhân giao thông sửa đường ở ngầm Đá Xanh, một mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay địch. Hai người được chị Tính (chị của Lãm. cùng công tác với Nguyệt) giới thiệu với nhau qua thư từ. Họ tìm hiểu nhau và hình dung ra nhau bằng tường tương dựa trên nhận xét của chị Tính. Tuy thế họ rất có cảm tình với nhau, thậm chí chờ đợi nhau một cách thuỷ chung.
Tình huống truyện xảy ra như thế này: Lãm và Nguyệt, theo kế hoạch của chị Tính, sẽ gặp nhau ở công trường Đá Xanh. Trên đường đến với nhau, Nguyệt tình cờ lại đi nhờ xe của Lãm. Chờ đợi nhau, đi tìm nhau, nhưng ngồi cạnh nhau mà không biết. Lãm người kể chuyện, lúc đầu xem thường cô gái. Về sau ngày càng phát hiện ở cô, cùng với vẻ đẹp, một phẩm chất anh hùng chói lọi. Anh dần dần đoán ra đấy là người mà anh đang tìm gặp và tình yêu nảy nở dần trước phẩm chất anh hùng của cô gái. Nhưng đến khi biết rõ đấy chính là Nguyệt và tình yêu phát triển "gần như mê muội lần cảm phục” thì cô lại ra đi. Và do lỡ ngày hẹn. ngày hôm sau khi Lãm tìm tới công trường Đá Xanh thì cô đã đi rồi.
Một tình huống ngẫu nhiên nhưng phản ánh đúng đây cuộc tình duyên đầy éo le và trớ trêu, thời chiến tranh nói chung, đối với số phận cá nhân, những li hợp ngẫu nhiên lại gần như là quy luật của thời chiến tranh nhất là vào thời điểm ác liệt của nó.
Điều đặc biệt hồi hộp và thú vị của tình huống này là nó giống như một trò chơi ú tim vậy. Tìm nhau mà không gặp. gặp thì không biết, biết rồi lại không gặp được nữa.
Hai là xây dựng nhân vật Nguyệt. Một nhân vật lí tưởng: đẹp người, đẹp nết, tâm hồn trong sáng, trí dũng tuyệt vời. Nhưng xuất hiện bình dị, không có vẻ anh hùng, thậm chí bị xem thường nữa. Phẩm chất anh hùng cứ hiện dần ra một cách tự nhiên, Hồn nhiên, khiêm tốn. Phẩm chất đặc biệt của cô gái này là niềm tin kì lạ ở cuộc đời. Yêu và chung thuỷ với một người chưa hề tiếp xúc, chưa hề biết mặt. Một tâm hồn lãng mạn, sống với lí tưởng, sống với tương lai, tin chắc ở những điều mình mong muốn. Niềm tin rất đẹp : "Trong lòng cô ta, cái SỢI chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh. qua thời gian và bom đạn vẫn không phai nhạt, không hề đứt".
Những người như thế hoàn toàn có thực trong thời chiến tranh. Riêng Nguyệt lại còn được tô điểm thêm, lãng mạn hoá, lí tưởng hoá thêm qua con mắt đầy quí yêu của người kể chuyện: anh lái xe tên là Lãm. Tình yêu của anh ta đã bao bọc cô gái "Trong một bầu không khí vô trùng" (Ni. Niculin).
Ba la hình ảnh sáng tạo "Mảnh trăng cuối rừng". Hình ảnh này có một vai trò hết sức quan trọng đối với chủ đề truyện, tình huống truyện, cách kể chuyện và sự thể hiện nhân vật Nguyệt.
Không phải vầng trăng tròn mà một mảnh trăng khuyết mỏng manh khi ẩn hiện chập chờn "Như một trò chơi ú tim" ở cuối rừng. Lãm bắt đầu kính nể Nguyệt vì mảnh trăng ấy mà anh tưởng như là ánh pháo sáng. Nhờ ánh trăng ấy, anh ta càng nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy của Nguyệt "Vầng trăng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên đẹp lạ thường". Nhưng cũng như mảnh trăng cuối rừng, Nguyệt hiện ra rồi vụt mất đi như một ảo ảnh, một vẻ đẹp lung linh huyền ảo xa vời... Tác giả nhờ mảnh trăng ấy đã tả được những điều rất khó tả ở cỏ gái tên là Nguyệt - Nguyệt, là trăng. Phân tích Mảnh trăng cuối rừng mà bỏ qua hình ảnh mảnh trăng khuyết ấy, có thể xem như bỏ mất một nửa giá trị của tác phẩm