Top 50 bài thuyết minh về áo dài hay nhất (50 mẫu)

Thuyết minh về áo dài Việt Nam hay nhất 1

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari. Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn mãi song hành với chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.

Cho đến nay, vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng nối ngược dòng thời gian, tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà áo thướt tha đã được tìm thấy ở các hình khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm.

Áo dài có rất nhiều loại. Nhưng sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh: Cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì sau này, phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân: Gồm bốn vạt nửa trước phải, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái. Nhưng với những người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ, muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng, khuê các. Thế là áo tứ thân được biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay lại được thu bé trở lại thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước trở thành áo ngũ thân.

Ngoài ra còn áo dài Le Mor của một họa sĩ vào đầu thập niên 1930, áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ được thiết kế vào năm 1934, áo dài với tay giác lăng vào thập niên 1960, áo dài miniraglan danh cho các nữ sinh...

Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: Dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà... Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: Mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miền Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.

Áo dài có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài, thướt tha, xõa tóc dài chạy xe đạp đến trường. Cũng nơi đó, những cô giáo, những người mẹ thứ hai của các học sinh nhẹ nhàng đón rón những đứa con của mình trước giờ vào học trong chiếc áo dài mới thực sự toát lên vẻ đằm thắm, và thương yêu. Trong những dịp lễ Tết, chiếc áo dài lại thêm một lần nữa thấp thoáng trên các ngã tư đường phố, cùng hoa va cảnh sắc của trời mới đất mới, khoe sắc ngày Tết. Áo dài giữa phố đông chật chội người và xe, ồn ào náo động, làm dịu lại cảnh sắc và làm mát lại những hồn người, làm cho ai đó phải quay lại ngắm nhìn dù chỉ một lần, dịu đi cái khó chịu và u uất vốn có trong bản tính mỗi con người bận rộn.

Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo. Chính vì thế, chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao, mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người và chỉ dành cho người ấy, không thể là một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo rất kĩ, khi may xong phải thử và chỉnh sửa lại thêm vài lần nữa thì mới hoàn thiện được.

Thực vậy, trong các hội nghị quốc tế, ở hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ học giả Mỹ đã vận một chiếc áo dài, và mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu tiếng Việt: "Xin chào các bạn", cả hội trường Ba Đình trang trọng khi đó bỗng tràn ngập một không khí thân thương trìu mến. Trong hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Việt Nam, áo dài đã được vinh dự là trang phục chính cho các vị lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của các nước mặc trong buổi lễ bế mạc kết thúc hội nghị. Áo dài, như vậy có thể là đại sứ tinh thần của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa chung vào dòng kinh tế năng động và nhiệt huyết trên thương trường thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.

Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn hy sinh, đứng phía sau để cổ động tinh thần cho nước nhà, cùng nhau hòa nhịp và phát triển. Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam ngắn gọn 2

Nhắc đến trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam chúng ta người ta nghĩ ngay đến tà áo dài, áo dài thường được sử dụng ở các ngày lễ lớn, tà áo dài thướt tha, kín đáo nhiều màu sắc làm tôn thêm vẻ đẹp yêu kiều dịu dàng của người con gái Việt Nam, đã từ lâu áo dài được coi là trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam.

Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài đa dạng và phong phú như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống có cổ hình chữ V dài từ bốn đến năm xentimet, làm nổi bật nên vẻ đẹp của chiếc cổ trắng ngần của người phụ nữ Việt Nam và cũng rất là duyên dáng, kín đáo, ngày này chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, và cổ tròn làm đa dạng thêm tà áo dài truyền thống.

Có năm phần chính trên một chiếc áo dài, phần cổ áo, phần thân áo, phần tà áo, phần tay áo, và phần quần, thân áo được tính từ cổ đến eo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo làm tôn thêm vẻ đẹp thon gọn của người phụ nữ, tà áo được chia làm hai phần tà áo trước và tà áo sau, được chia làm hai phần ngăn cách bởi hai bên hồng, tà áo thì phải dài hơn đầu gối, phần tay áo là phần từ vai đến qua cổ tay, có thể may chung với phần thân áo hoặc may bằng một loại vải riêng biệt, phần quần áo được may theo kiểu quần ống rộng, có thể là vải đồng màu với chiếc áo dài hay khác màu, thường thì quần có màu trắng làm tôn lên sự mềm mại, thướt tha cho bộ trang phục và thêm duyên dáng, đằm thắm đáng yêu của tà áo dài Việt Nam.

Trong các ngày lễ hội truyền thống không thể thiếu trang phục áo dài, áo dài vừa thể hiện nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ mà còn thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, trang phục áo dài còn xuất hiện trong trường hợp, trong các trường Trung học phổ thông thứ hai hàng tuần nhìn các em nữ sinh trong trang phục áo dài trắng đứng lên chào cờ đẹp và thiêng liêng làm sao, những giáo viên trong trang phục áo dài đứng trên bục giảng toát lên vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch nhưng không kém phần thanh tao, trang nghiêm của giáo viên. Trong các buổi văn nghệ, hay các cuộc thi lớn không thể thiếu những hình ảnh chiếc áo dài, khi các hoa hậu của đất nước ta đi thi đấu ở đấu trường quốc tế, trong hành trang không thể thiếu tà áo dài thướt tha, mang nét đẹp, truyền thống của dân tộc ta giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Khi giặt áo dài phải giặt thật nhẹ tay và không được phơi ở thời tiết nắng quá lâu, ủi ở nhiệt độ vừa phải, có như thế mới giữ được áo dài luôn mới.

Áo dài là nét đẹp là biểu tượng của nước Việt Nam, chúng ta hãy giữ gìn để áo dài mãi là trang phục truyền thống của mỗi người Việt Nam, khi nhắc đến tà áo dài chúng ta nghĩ ngay đến nền văn hóa đậm đà bản sức dân tộc, chúng ta hãy phát huy để bản sắc ấy ngày càng tươi đẹp hơn.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam hay nhất 3

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng ong 2 thân thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái.

Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn lên vẻ yêu kiều, thanh lịch cho con người và khung cảnh xung quanh. Chiếc quần may theo kiểu quần ống rộng bằng thứ vải đồng chất đồng màu hay sa tanh trắng nâng đỡ tà áo và làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục mượt mà duyên dáng, gợi vẻ đằm thắm đáng yêu.

Đã ngót một thế kỷ nay, cô nữ sinh trường Quốc học Huế trong trang phục áo dài trắng trinh nguyên như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Để đến bây giờ trang phục ấy trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh trong các trường phổ thông trung học như muốn nói với mọi người với du khách quốc tế về văn hoá và bản sắc dân tộc. Tà áo trắng bay bay trên đường phố, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của những cô cậu học sinh vương lại phía sau cùng mảnh hoa phượng ở giỏ xe rơi lác đác gợi cho người qua đường một cảm giác lâng lâng, bâng khuâng nhớ về thuở học trò trong vắt những kỷ niệm thân thương.

Ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ... là một cách biểu hiện tấm lòng thành kính gửi đến cửa thiền một lòng siêu thoát, tôn nghiêm. Chiếc áo dài trùm gối, khăn mỏ quạ chít khéo như hoa sen, tay nâng mâm lễ kính cẩn lên cửa chùa, miệng "mô phật di đà"... hình ảnh ấy đã đi vào bức hoạ tranh dân gian Đông Hồ là một biểu tượng độc đáo của văn hoá Việt Nam.

Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, váy đầm, áo ngắn, áo thời trang... chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu và trở thành trang phục công sở ở nhiều nơi.

Thuyết minh về áo dài cực hay 4

Mỗi một quốc gia đều có trang phục truyền thống và đối với Việt Nam, trang phục truyền thống đó là chiếc áo dài- một trang phục với vẻ đẹp thanh lịch mang hồn cốt tinh thần Việt.

Áo dài xuất hiện vào thời Nguyễn khi có những cải cách về trang phục. Chiếc áo dài đầu tiên được thiết kể bởi nhà thiết kế thời trang tài năng Cát Tường và được gọi là áo "Le Mur", đây chính là cách dịch sang tiếng Pháp của "Cát Tường" mà nguyên bản chiếc áo là cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Sau này, theo xu hướng, có nhiều lần cải cách diễn ra để được chiếc áo dài như ngày hôm nay như áo dài Lê Phổ, áo dài Trần Lệ Xuân,...

Chiếc áo dài truyền thống là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai luồng văn hóa Đông- Tây. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm. Ngày nay, nhiều nhà thiết kế đã thiết kế nhiều kiểu cổ áo đẹp và đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U, trên cổ áo còn có thể được đính ngọc, đính cườm. Thân áo là phần từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông.

Ngày nay, để cho tiện lợi, nhiều chiếc áo dài được thiết kế có khóa ở dọc phần hông hoặc phần sau lưng. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau cách tân từ chiếc áo tứ thân ngày trước. Trên tà áo trước thường được thêu những hoa văn hay những bài thơ. Tay áo thuôn dài từ vai xuống cánh tay rồi đến cổ tay, ôm sát nách.

Chiếc áo dài được mặc với quần lụa. Quần dài được may với ống quần rộng, dài chấm gót chân. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng hoặc đen. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần của áo dài có màu đi tông hợp với màu của áo. Thời trang càng phát triển, chiếc áo dài càng được cách tân với nhiều kiểu dáng mới mẻ, màu sắc thanh lịch khác nhau nhưng luôn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của nó đó là tôn lên vẻ đẹp hình thể cho người mặc. Đặc biệt, áo dài không phải là trang phục dành riêng cho nữ mà có cả áo dài nam cũng có kiểu dáng gần giống.

Ngày nay, tuy nhiều loại trang phục du nhập, thoải mái và sang trọng hơn, phù hợp với môi trường làm việc hơn nhưng vào những ngày lễ, ngày hội hay cưới hỏi, những dịp quan trọng, tà áo dài vẫn không thể thiếu vì tà áo dài vừa thanh lịch lại vừa truyền thống nhất là nó tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt. Thậm chí nhiều trường trung học còn lấy áo dài làm đồng phục bắt buộc để khuyến khích thế hệ trẻ biết gìn giữ văn hóa cổ truyền dân tộc.

Áo dài là một trang phục đặc biệt, hình như nó có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp mọi thân hình. Chiếc áo dài hiện đại vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa nhỏ nữa mới hoàn thiện. Vì vậy, muốn sở hữu một chiếc áo dài có thể tôn lên vẻ đẹp của mình thì phải may đúng số đo bản thân. Một điều cần hết sức chú ý đó là cần bảo quản chiếc áo dài thật tỉ mỉ vì vải áo dài rất dễ bị tổn thương nên khi giặt hay mặc cần hết sức cẩn thận và trân trọng.

Ra đời cách đây đã hàng ngàn năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu của đất nước, người phụ nữ Việt Nam với những nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, là niềm tự hào cũng như nét đẹp cổ truyền của dân tộc.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam ngắn gọn 5

Mỗi một quốc gia có một trang phục truyền thống thể hiện bản sắc riêng của đất nước mình. Nếu như Nhật Bản có kimono, Hàn Quốc có hanbok, Trung Quốc có sườn xám thì Việt Nam lại nổi tiếng với tà áo dài. Áo dài đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Áo dài đã có từ lâu đời và trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử. Không ai biết áo dài có từ bao giờ. Sự định hình cơ bản của áo dài Việt Nam bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được lấy cảm hứng từ áo sườn xám của Trung Quốc.

Áo dài gồm có thân áo và quần ống rộng.

Thân áo được tính từ phần cổ xuống eo, từ eo thân áo được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ ở ngang hông. Trên thân thường được trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn hay thêu các bài thơ. Cổ áo truyền thống là loại cổ thuyền, cao từ 4- 5 cm, ngày nay cổ áo được biến tấu khá đa dạng thành cổ tròn, cổ chữ u, có thể đính thêm ngọc hoặc đá quý.

Tay áo ôm sát tay, dài đến cổ tay. Hàng cúc của áo được may từ cổ chéo sang vai rồi xuống ngang hông, thường là dạng cúc bấm. Quần áo dài là quần ống rộng, may chấm gót chân, có thể cùng màu hoặc khác màu so với áo, nếu khác màu thì thường là quần trắng làm bằng lụa sa tanh, phi bóng. Loại vải để may áo dài cũng khá phong phú: vải nhung, vải tơ tằm, vải lụa nhưng có đặc điểm chung là mềm, nhẹ, thoáng mát.

Áo dài Việt Nam vừa giữ được sự truyền thống xa xưa vừa có những cách tân hiện đại để phù hợp với nhu cầu. Trang phục này có thể mặc đi chơi, cũng có thể mặc đến nơi công sở. Hình ảnh cô học trò mặc áo dài trắng đi trên hè phố, tà áo tung bay trong gió đã lôi cuốn biết bao ánh nhìn, làm say đắm biết bao con tim. Các bà, các mẹ mặc áo dài đi lễ chùa.

Đối với mỗi lứa tuổi có một sở thích khác nhau về màu áo, họa tiết, hoa văn nhưng áo dài trắng vẫn là đẹp và tinh khôi nhất. Áo dài cũng là trang phục truyền thống vào những ngày lễ tết hay cưới hỏi. Mặc áo dài giúp cho người phụ nữ khoe được mọi vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm, ý nhị của mình. Chính vì thế, mỗi chiếc áo chỉ dành riêng cho một người, gắn với những đặc điểm cơ thể của người ấy.

Để có thể tạo nên chiếc áo dài đòi hỏi người thợ may phải công phu, khéo léo. Trước tiên phải lấy số đo thật chuẩn, sau đó kì công trong từng đường kim, mũi chỉ mới may được một chiếc áo dài đẹp. Nhiều nhà may đã gắn liền tên tuổi của mình với chiếc áo dài nhưng áo dài được may ở Huế vẫn là đẹp nhất. Với người mặc, cần phải giặt áo dài bằng tay, phơi nắng nhẹ và là ủi để áo dài không có những nếp nhăn.

Áo dài thực sự đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ duyên dáng trong tà áo dài đã tốn không ít giấy mực của những người nghệ sĩ:

"Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong

Hôm xưa em đến mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng em đi đến

Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng" (Áo trắng).

Màu áo dài làm nên một huyền thoại:

"Biển dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh".

Áo dài đã gắn liền với tâm hồn người Việt từ nghìn đời nay: "dù ở đâu, Pa-ri, Luân-đôn hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...". Dù thời gian có trôi đi, áo dài vẫn sẽ mãi mãi trường tồn với đất nước và con người Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam lớp 8 hay nhất 6

Tục ngữ Việt Nam có câu "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân". Suy ngẫm nhiều, chúng ta thấy đúng là y phục góp phần quan trọng vào vẻ đẹp mỗi con người, góp phần quan trọng vào dáng vẻ thướt tha của phụ nữ. Một trong những kiểu y phục ấy là chiếc áo dài Việt Nam.

Áo dài Việt Nam có từ rất xa xưa, theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những hình dáng khác nhau và thay đổi theo từng phương. Miền Bắc ngày xưa có kiểu áo dài viền năm tà, miền Trung lại có một kiểu sợi dây cột ngang lưng, miền Nam cũng có áo dài cổ cao theo một cách đặc biệt.

Đến đầu thế kỉ XX, áo dài Việt Nam lần này được thiết kế lại với hai tà ôm sát thân mình. Cách may cắt cũng ngày càng tinh xảo hơn để bớt đi những chỗ lòng thòng, những nếp nhăn, số lượng nhiều tà chỉ còn lại hai tà phía trước và phía sau, sợi dây cột ngang lưng cũng được bỏ đi. Theo thời, có lúc tà áo dài đến mắt cá, có lúc tà áo thu lên ngang gần đầu gối, có lúc tà rộng, có lúc tà hẹp.

Những năm đầu thế kỉ này, tà áo dài theo hai khuynh hướng. Phối hợp với y phục phương Tây, các nhà tạo mẫu cho ra đời những kiểu áo dài kéo sau lưng, những kiểu áo trái tim, kiểu cổ truyền. Một khuynh hướng khác là trở về nguồn. Các nhà tạo mẫu dùng những hoa văn hình chim hạc để thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài.

Hoặc họ dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùng màu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.

Nhờ sự khéo léo của những nhà thiết kế, chiếc áo dài Việt Nam đã tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng và thể hiện nét kín đáo thiết tha của người phụ nữ. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đáo nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên chiếc áo thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng và thùy mị của cô gái Việt Nam.

Đồng thời hai tà áo lúc mở lúc khép, quấn quýt theo làn gió, tạo vẻ thướt tha dịu dàng của chiếc áo dài. Nét đẹp đó làm say mê bao văn nhân, thi sĩ Việt Nam, làm say mê bao khách nước ngoài khi giao dịch, tham quan du lịch Việt Nam, nhà thơ Nguyên Sa từng viết:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ anh viết vẫn nguyên màu lụa trắng!

Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đưa hình ảnh áo dài Việt Nam vào trong bài "Bến xuân" của mình: Tà áo em rung trong giấc mộng ngập ngừng ngoài bến xuân.

Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã' là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Ngay cả những dịp quan trọng như ngày Tết, ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục chính. Với những loại vải quí phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ sang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống, gắn liền với phong tục và văn hóa của người Việt Nam. Bảo vệ nét đẹp áo dài Việt Nam là bảo vệ văn hóa và phong tục của ta vậy.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam lớp 8 cực hay 7

Áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài mang lại nét đẹp duyên dáng, đằm thắm làm say lòng người của người phụ nữ Việt. Bởi vậy đã có biết bao nhà thơ, nhà văn hết lời ca ngợi:

"Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay"

(Tương tư - Nguyên Bá)

Trải qua bao thế kỉ chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi so với tổ tiên nó trước đây. Không ai biết rõ nguồn gốc nguyên thủy của chiếc áo dài vì chưa có tài liệu ghi nhận. Nhưng kiểu sơ khai nhất của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh. Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người được xem là có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam.

Chính do sự di cư của người Minh Hương mà chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài giao lãnh để tạo nét riêng cho dân tộc Việt. "Thường phục thì đàn ông, đàn bà mặc áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở"...(Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên) - đây là bằng chứng lịch sử cho ta thấy chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo giao lãnh như thế nào.

Qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử áo dài đã thay đổi rất nhiều. Như đã nói ở trên, chiếc áo giao lãnh được coi là chiếc áo dài đầu tiên. Áo này cũng tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc hai tà không được buộc vào nhau. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng màu buông thả, cùng với váy thâm đen. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán nên khi mặc chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước được thả nay cột gọn gàng mặc cùng váy xắn quai cồng tiện việc lao động.

Đối với phụ nữ nông dân áo tứ thân được mặc rất đơn giản với áo yếm ở trong, áo ngoài cột tà và thắt lưng. Mặc kèm với áo thường là chiếc khăn mỏ quạ đen tuyền. Trong khi đó, áo tứ thân dành cho tầng lớp quý tộc lại rất nhiều chi tiết. Mặc ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu non, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc thường không cài kín cổ, để lộ ba màu áo.

Bên trong mặc chiếc yếm màu đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc thiên lý. Áo mặc với váy màu đen, đầu đội nón quai thao càng làm tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ. Nhưng sau một thời gian áo tứ thân được cách tân để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng khuê các. Thế là chiếc áo ngũ thân ra đời. Áo ngũ thân được cải tiến ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước.

Áo che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và vạt con nằm dưới vạt trước tượng trưng cho người mặc. Năm hột nút nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nhưng đến thời Pháp thuộc, chiếc áo đài lại một lần nữa thay đổi. "Lemur" là tên tiếng Pháp để chỉ chiếc áo dài cách tân.

Chiếc áo dài này do người họa sĩ có tên là Cát Tường sáng tạo ra. Bốn vạt trước và sau thu gọn thành hai tà trước sau. Vạt trước dài chấm đất tăng thêm sự duyên dáng và uyển chuyển. Hàng nút phía trước của áo được chuyển dọc qua hai vai và chạy dọc một bên sườn. Áo may ráp vai, tay phồng, cổ bồng hoặc hở. Để cho đúng mốt, áo Cát Tường phải mặc với quần sa tanh trắng, đi giày cao, cầm bóp đầm.

Do xã hội vẫn còn chưa cởi mở với cách ăn mặc này nên chiếc áo không được nhiều người chấp nhận vì họ cho là "đĩ thõa" (phản ánh của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm, "Số đỏ" đã chứng minh điều đó). Năm 1943, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng nhắc của áo Cát Tường, đưa thêm một số yếu tố dân tộc của áo tứ thân, ngũ thân đã tạo ra kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt trước tự do bay lượn.

Sự dung hòa này được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đấy, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó và từ đấy đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Cho tới ngày nay, chiếc áo dài đã được thay đổi rất nhiều. Cổ áo cổ điển cao 4 - 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Cổ áo làm tăng thêm nét đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần của người phụ nữ. Phần eo được chít bên làm nổi bật đường cong thon thả của chiếc lưng ong của người phụ nữ. Cúc áo là loại cúc bấm, được bố trí cài từ cổ qua vai xuống eo. Từ eo, thân áo được xẻ thành hai tà dài đến mắt cá chân.

Ống tay áo may từ vai ôm sát cánh tay dài qua khỏi cổ tay. Áo thường mặc với quần lụa có màu sắc hài hòa với áo. Áo dài thường được may bằng lụa tơ tằm, nhung, voan, the,... rất phong phú. Nhưng có sự lựa chọn chung là nên chọn loại vải mềm, rũ. Để làm tăng thêm nét duyên dáng, khi mặc áo dài phụ nữ thường đội nón lá. Ở đồng bằng Nam bộ, áo dài được cải biên thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng để tiện việc lao động.

Chiếc áo dài là một trang phục không thể thiếu được của người phụ nữ ngày nay. Nó không chỉ là trang phục dân tộc mà còn là trang phục công sở của giáo viên, nữ sinh, nhân viên ngân hàng, tiếp viên hàng không,... Áo dài còn được mặc khi đi dạo phố, những buổi họp mặt quan trọng như lễ cưới chẳng hạn. Ngay cả cô dâu trong nghi thức bái gia tiên cũng không thể thiếu bộ trang phục này.

Do được may bằng chất liệu vải mềm nên áo dài cần được bảo quản cẩn thận. Chỉ nên giặt áo dài bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh nóng quá làm cháy áo. Luôn cất áo vào tủ cẩn thận giúp áo bền, đẹp và mới lâu. Nên giặt áo ngay sau khi mặc, treo bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.

Áo dài là quốc phục của nước Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Dù thời gian có đổi thay, những mẫu trang phục ngày càng đa dạng và hiện đại nhưng trên khắp nẻo đường ở đất nước bình yên này, tà áo dài vẫn nhẹ nhàng tung bay mang theo nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 8

“Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố đã thấy tâm hồn quê hương ở đó”. Áo dài đã trở thành một nét đẹp, một trang phục truyền thống của người Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam đẹp hơn, duyên dáng hơn trong tà áo dài thướt tha, mềm mại. Chiếc áo dài đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người trên thế giới, ai cũng muốn khám phá, tìm hiểu một nét đẹp truyền thống này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về sự hình thành và ra đời của chiếc áo dài.

Áo dài tứ thân miền Bắc là chiếc áo dài đầu tiên của người Việt Nam chỉ mặc vào những dịp lễ tết. Áo nâu với hai vạt trước buộc chéo thả xuống đi với quần lĩnh đen và thắt lưng lụa. Rồi áo tứ thân biến thành áo mớ ba mớ bảy. Cổ áo cao khoảng 2 cm, tay may bó khít cổ tay, chiều rộng ngực eo bằng nhau, điểm khác biệt là ngoài hai vạt áo chính còn có vạt phụ (vạt con) dài sát gấu áo.

Khuy áo được tết bằng vải, cài cúc cạnh sườn, cổ áo lật chéo để lộ ba màu áo (hoặc bẩy màu áo). Lớp ngoài cùng thường là lụa màu nâu hoặc the màu thâm, kế tiếp là màu mỡ gà, cánh sen, vàng chanh, hồ thủy,… nhiều màu, hấp dẫn mà vẫn nền nã, kín đáo, hài hòa. Đến năm 1935, áo dài được cách tân thành áo dài vai bằng, tay măng – sét, cổ tròn khoét sâu đến ngực, viền đăng ten.

Gấu áo cắt sóng lượn nối vải khác màu hoặc đính ren diêm dúa. Năm 1995, áo dài được cách tân phù hợp với thời đại và đẹp hơn, tay áo dài ôm vừa sát tay. Áo dài nhung, thêu, vẽ, in bông,… đã tạo nên những vẻ đẹp kiêu sa hơn nữa nâng cánh áo dài Việt Nam như bay lên. Những năm sau đó, áo dài không thay đổi nhiều lắm. Thỉnh thoảng cách mặc đổi mới, ví dụ như quần mặc với áo đồng màu.

Có giả thiết cho rằng áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc do năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong khi xưng vương bắt các quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách Tam Tài Đồ Hội của nhà Minh – Trung Quốc. Nhưng áo dài là loại trang phục riêng của người Việt vì những khi lễ lạt, người xưa phải mặc loại áo này. Như vậy chưa ai khẳng định được áo dài Việt Nam xuất hiện từ khi nào và thế nào.

Nhưng trải qua năm tháng, áo dài đã dần dần trở thành một thứ trang phục đặc biệt của riêng người Việt.Áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn và đã có nhiều thay đổi nhưng không ai có thể đưa ra một chuẩn mực cụ thể cho chiếc áo dài. Bởi lẽ, các cụ ngày xưa đã phải bỏ ra nhiều công sức để tìm ra sự phối hợp giữa các màu sắc, các giá trị thẩm mĩ với phong tục tập quán của dân gian.

Ví dụ như thấy cổ người Việt không cao lắm, người xưa đã may áo cổ thấp và ôm sát, tóc thì vấn cao lên để tôn vẻ đẹp của người phụ nữ. Chiếc áo dài dù biến động qua nhiều thời kì lịch sử, có những cách tân khác nhau nhưng phần nhiều chỉ thay đổi về chất vải, hoa văn. Còn kiểu dáng thì về cơ bản vẫn là ôm sát thân, chít eo nhằm tôn vóc dáng của người phụ nữ. Chiếc áo dài trông mặc lên thì thật đơn giản nhưng để may được, phù hợp với người mặc thì không đơn giản chút nào. Nếu chứng kiến các nhà may thì chúng ta thấy may được một chiếc áo dài mất khá nhiều công.

Áo dài cổ cao, áo dài tay loe, áo dài vạt ngắn rồi vạt dài,… Suốt bao nhiêu năm qua, với sức sống mãnh liệt, áo dài vẫn luôn là sự lựa chọn số một cho các bà, các cô trong những cuộc gặp gỡ. Nhưng chọn được một bộ áo dài sao cho đẹp mắt, phù hợp với vóc dáng và công việc thì bạn gái cũng cần chú ý đến nhiều việc như: cách chọn vải, chọn kiểu dáng đến việc chọn một nhà may phù hợp. Nên chọn vải mềm nhẹ, có độ co giãn và không quá mỏng.

Chất liệu tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm hoặc phin bóng là thích hợp nhất. Mỗi nơi lại có địa chỉ may áo dài nổi tiếng, ở Hà Nội có thể biết tìm đến phố Cầu Gỗ, phố Lương Văn Can, mới đây có thêm phố Kim Mã,… Có nhiều mẹ, nhiều chị cầu kì thì đặt may tại Huế – nơi hội tụ nhiều nghệ nhân may áo dài nổi tiếng. Có những nhà thiết kế nổi tiếng nhờ áo dài mà chúng ta biết như nhà may Minh Hạnh. Nhưng các bạn lưu ý rằng mặc áo dài quan trọng là phong thái, là dáng đi của người mặc, hay cả như cử chỉ giao tiếp cũng liên quan tới việc mặc có đẹp hay không. Chẳng thế mà nói: áo dài là tâm hồn người Việt.

Nhắc đến Việt Nam, bạn bè năm châu nhớ ngay đến áo dài. Đó là niềm tự hào, là nét đẹp riêng của người Việt. Người phụ nữ nào cũng phải có ít nhất là hai bộ áo dài cho mình trong cả cuộc đời. Người Hà Nội xưa cứ ra khỏi nhà là mặc áo dài thế nên có phụ nữ sở hữu đến gần trăm bộ áo dài. Điều đó để nói lên rằng đây là trang phục thân thiện, hoàn hảo nhất của người Việt. Nó mãi là hình ảnh đẹp, đặc trưng cho người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và mãi mãi về sau.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 9

Với người phụ nữ Việt Nam, áo dài đã trở thành một trang phục truyền thống. Chiếc áo đã tôn vinh vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ Việt. Nó được nâng niu yêu quý như một nét văn hóa đầy bản sắc.

Áo dài được coi là trang phục truyền thống của người dân Việt nhưng chủ yếu dành cho phụ nữ. Áo che kín thân người, từ cổ đến quá đầu gối hoặc sát xuống gần mắt cá chân. Trang phục này thường được mặc trong các dịp nghi lễ hay cưới hỏi. Không ai biết chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ khi nào và hình dáng ra sao. Nhưng y phục xa xưa nhất của người Việt được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ cho thấy, tổ tiên ta đã mặc áo dài với hai tà xẻ.

Chiếc áo được coi là sơ khai của áo dài là áo giao lãnh. Áo giao lãnh tương tự như áo tứ thân nhưng hai thân trước giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, thường là yếm đào mặc với váy tơ đen, thắt lưng màu hồng hoặc màu xanh nõn buông thả. Ban đầu thì các bà, các cô búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ lông chim dài. Nhưng sau này, khi mặc áo giao lãnh thì người phụ nữ vấn tóc để đội khăn hay đội nón lá, nón thúng. Chân có thể đi đất hoặc đi guốc, giày dép.

Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán nên chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân. Áo có bốn vạt nửa, hai nửa thân trước và hai nửa thân sau, hai vạt trước được buộc lại gọn gàng. Áo dài này thường mặc với áo yếm, với váy xắn quai cồng để tiện cho việc buôn bán, đồng áng nhưng không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ.

Áo tứ thân thích hợp cho phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải, gánh gồng từ việc buôn bán đến việc đồng áng. Nhưng sau đó, người phụ nữ tỉnh thành đã cách tân chiếc áo tứ thân thành áo ngũ thân, nhằm làm mất đi vẻ dân dã, quê mùa, tăng thêm vẻ sang trọng, đài các.

Áo ngũ thân được biến cải ở chỗ: vạt thân trước được thu bé lại thành vạt con, thêm một thứ năm be bé ở dưới vạt trước để không hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống thành bốn, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con thứ năm tượng trưng cho người mặc áo.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc ra đời chiếc áo dài có vai trò của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhằm tách Đàng Trong thành một quốc gia riêng, chúa đã chủ trương cho Đàng Trong ăn mặc khác với Đàng Ngoài, sắc dụ chúa ban “Thường phục thì đàn ông, đàn bà mặc áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống rộng hay hẹp tuỳ tiện. Áo thì từ nách trở xuống được khâu kín liền, không xẻ mổ”. Quy định đó đã định hình cho chiếc áo dài Việt Nam. Để chế ra chiếc áo dài Việt Nam, các triều thần đã phối hợp từ mẫu áo của người Chăm với mẫu áo của người phụ nữ Thượng Hải.

Đến đầu thế kỉ XX, chiếc áo ngũ thân đã được sử dụng rất phổ biến. Trải qua chặng đường dài lịch sử, nó đã trở thành chiếc áo truyền thống như ngày nay. Nhìn lại cả chặng đường lịch sử từ đầu thế kỉ XX đến nay, sự thay đổi của chiếc áo dài chính là sa tanh trắng. Nhưng chiếc áo quá lai căng với kiểu cổ tròn, cổ trái tim, tay bằng,… chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đến năm 1943 thì nó không xuất hiện nữa.

Năm 1934, hoạ sĩ Lê Phổ đã bớt đi những nét quá hiện đại, lai căng của chiếc áo này và thêm vào đó những nét dân tộc để tạo ra một kiểu áo mới. Áo có thêm cúc cài cuối thân. Kiểu áo này được các bà, các cô nồng nhiệt tiếp nhận. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó.

Những năm 30 của thế kỉ XX, nhà may Cát Tường đã cho ra đời kiểu áo “lemus”, được may bằng vải khổ rộng, do đó áo chỉ còn lại hai vạt mà thôi. Vạt trước được nối dài chấm đất để tăng thêm vẻ duyên dáng yểu điệu, đồng thời, phần trên được may ôm sát với đường cong cơ thể để tạo dáng yêu kiều gợi cảm, hàng nút được chuyển sang vai áo và chạy dọc thân sườn phải. Áo dài này đi liền với kiềng vàng, giày cao, quần ống rộng.

Chiếc áo dài sau đó cũng có nhiều thay đổi. Những năm 60, Trần Lệ Xuân ở miền Nam Việt Nam cho ra đời kiểu áo dài mi ni với vạt thu nhỏ, tà xẻ cao, cổ thuyền hoặc cổ tròn. Trải qua thời gian, chiếc áo dài có sự thay đổi nhưng nhìn chung nó vẫn giữ nguyên được hình hài ban đầu. Hiện nay, áo có các phần chính như thân áo, tay áo, cổ áo. Thân áo có hai thân, thân trước và thân sau.

Thân trước có hai li ngực và hai li chiết eo để làm tăng thêm vẻ đẹp cho đường cong của người phụ nữ. Tà áo được khâu bằng tay cho mềm mại. Hai thân áo giao nhau với phần tay và phần cổ. Cổ áo nguyên bản là cổ đứng, cao từ 3 đến 7 phân. Tay áo được nối với thân sau và thân trước.

Để có được một chiếc áo dài đẹp thì không phải dễ dàng nên các nhà may rất tỉ mỉ, họ chia ra làm nhiều công đoạn. Đầu tiên, rất tỉ mỉ, họ lấy số đo của khách và may lược theo các số đo này. Lần thứ hai, khách đến thử áo, nhà may sẽ đánh dấu những chỗ khách chưa vừa ý để chỉnh sửa lại. Đến lần thứ ba khách mới lấy được áo nhưng chiếc áo sẽ như ý của chính mình.

Chiếc áo dài có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt. Nó được sử dụng trong các cuộc thi sắc đẹp, trong ngày lễ hội,… Nó đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” của thế giới. Ngày nay, mặc dù có nhiều trang phục hiện đại nhưng chiếc áo dài vẫn luôn gần gũi, quen thuộc với người Việt. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát triển để áo dài mãi mãi là biểu tượng của Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 10

Trên trái đất này, mỗi quốc gia đều có một trang phục truyền thống của riêng mình.Việt Nam ta cũng vậy, tà áo dài của chúng ta đã là trang phục cổ truyền có từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay. Cho dù đã trải qua không ít thăng trầm của lịch sử nhưng giá trị của nó vẫn rất nguyên vẹn. Nó đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ngày nay, tuy không ít những mẫu mã thời trang, nhưng chiếc áo dài vẫn giữ một vị trí rất quan trọng không những chỉ trong làng thời trang trong nước mà ngay cả trên thế giới. Nó đă được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và đã trở thành một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam hiền hòa mà nhân hậu.

Nguồn gốc của chiếc áo dài đã có từ rất xa xưa, không ai biết thời điểm chính xác là từ khi nào, chỉ có thể biết rằng nó được bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân vốn đã có từ lâu đời của dân tộc ta. Qua sử liệu, qua văn chương, qua các loại hình nghệ thuật : điêu khắc, hội họa, sân khấu dân gian,… chúng ta đã trông thấy hình ảnh của chiếc áo dài qua các giai đoạn phát triển của người dân Việt Nam.

Chiếc áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, và mọi tầng lớp của xã hội. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ trẻ con cho đến các cụ già đều có thể mặc áo dài. Đối với mỗi độ tuổi, áo dài lại có các cách thức và kiểu may phù hợp, giúp người mặc nó cảm thấy tự tin và xinh đẹp hơn.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp thấy những em bé gái xinh xắn, và đáng yêu hơn trong bộ áo dài bằng gấm, có những màu sắc đa dạng như : hồng, đỏ, xanh… cùng những chiếc quần màu trắng hoặc cùng màu áo, ở trong các cuộc nghi lễ sang trọng…trông chúng thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Còn đối với các thiếu nữ thì tà áo dài lại càng tôn lên sự cân đối của sự uyển chuyển vốn có của mình. Họ thướt tha trong chiếc áo mềm mại và chiếc quần trắng càng làm tôn lên vẻ tinh khiết và sự trắng trong.

Áo dài may bằng nhiều thứ vải khác nhau : gấm Thái Tuấn, lụa tơ tằm, nhung, lụa,…Các kiểu may rất đa dạng và cũng có thể cách điệu như cổ ba phân hay một phân,cổ thuyền, cổ tròn… tuy không màu mè nhưng vẫn rất trẻ trung, thanh tú. Còn với những cô, những bác trung niên thì tà áo dài còn giúp họ thấy sự đứng đắn, lịch lãm và trang trọng. Nhưng với các cụ có tuổi thì có thể mặc áo dài màu nâu hay bằng nhung, lụa, đi kèm là quần đen sẽ cảm thấy lịch sự và trang nhã không kém.

Tà áo dài càng ngày càng có nhiều kiểu cách để ta lựa chọn nhưng dù thế nào thì nó vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình. Tà áo dài là niềm hãnh diện của người Việt Nam không chỉ ở đất nước mình mà còn là khắp năm châu bốn biển. Giờ đây, mỗi chúng ta phải biết giữ gìn, bảo vệ nó như di sản văn hóa của dân tộc mình. Chắc chắn, chiếc áo dài mãi mãi đẹp và trường tồn theo thời gian.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam hay nhất  11

Trái đất chúng ta có biết bao nhiêu dân tộc, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, phong tục và trang phục riêng. Mới gặp, không cần giới thiệu chỉ cần nhìn trang phục bên ngoài là ta đã rõ đó là người dân thuộc quốc gia nào. Tuy những bộ quốc phục đó không được sử dụng thường xuyên nhưng nó mang vẻ đẹp đậm đà bản sắc dân tộc, nó là niềm tự hào của mỗi xứ sở.

Chúng ta cũng vậy, phụ nữ Việt Nam hãnh diện về bộ áo dài của mình. Chiếc áo đã tôn vinh vẻ đẹp của họ. Chiếc áo là một trong những tinh hoa của cuộc sống và sinh hoạt của người Việt Nam. Từ ngàn đờì nay, áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Quê hương của chiếc áo dài là xứ Huế,ở đócó nhiều thợ may áo dài rất đẹp. Người dân Huế coi chiếc áo dài là một nét đẹp cổ truyền quý báu của cố đô. Áo dài được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau,màu sắc khác nhau tùy ý người mặc. Có người còn cầu kì hơn, may áo dài và quần xéo bằng hàng mỏng hai lớp trông thật yểu điệu. Người mặc sẽ rất hài lòng nếu chiếc áo dài ôm vừa thân hình mà lại dễ cử động. Áo dài được mặc trong những dịp long trọng và nghiêm trang như ngày lễ, tết, đám cưới, hội nghị,…

Áo dài được may theo đúng nghĩa đen của nó, dài từ cổ xuống dưới chân, cổ áo cao cài khuy chéo ngang. Khuy được tết bằng vải hoặc hạt trân châu. Áo gồm hai thân,dài suốt từ trên xuống gần chấm chân. Tay dài, không có cầu vai, may liền cổ như áo bà ba. Tà xẻ dài, khiến trong sinh hoạt dễ dàng mà tạo ra sự thướt tha,yểu điệu và mềm mại vô cùng. Áo dài thường đi liền với quần trắng. Với trang phục đó, người phụ nữ trở nên trang nhã và đài các.

Ngày nay, nữ sinh cấp ba xem áo dài là đồng phục và họ may cách tân. Thân áo bó sát, tà ngắn tạo nên nét tinh nghịch, đáng yêu của tuổi học trò. Trong thực tế sử dụng, người thợ không ngừng sáng tạo để áo dài phù hợp hơn, sử dụng thuận tiện hơn và đẹp hơn. Quần trắng thay bằng quần đồng màu với áo.

Vạt áo dài chấm chân hoặc ngắn hơn tùy ý thích và tùy vóc dáng người. Vạt áo may rộng xòe ra hay may hẹp nhỏ lại trông ngộ nghĩnh và trẻ trung. Rồi cổ cao, cổ thấp, thậm chí không cổ… tay dài rồi tay ngắn cho mát mẻ, dễ sử dụng. Các nhà tạo mẫu luôn đem áo dài làm đề tài sáng tạo của mình từ kiểu dáng, màu sắc, hoạ tiết… và luôn đem lại cảm giác bất ngờ và ưa thích đối với bạn bè trên thế giới.

Nó là thứ trang phục không thể thiếu được khi phụ nữ Việt Nam sang nước ngoài, nhất là các hoa hậu của chúng ta tham gia các kì thi quốc tế. Sự kín đáo, duyên dáng đầy e ấp, mặn mà của họ đã chinh phục được ban giám khảo kể cả những người khó tính nhất.

Dù ở bất cứ đâu, chiếc áo dài cũng được nâng niu, bảo trọng. Người nước ngoài sang Việt Nam chơi ai cũng sắm một bộ áo dài để thể hiện vẻ đẹp yêu kiều của mình với người thân và cũng bày tỏ tình cảm yêu quý, trân trọng bộ trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chiếc áo dài đã tôn vinh vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Dù xã hội ngày càng phát triển, trang phục ngày càng phong phú nhưng bộ quốc phục này luôn được giữ gìn như quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Ở đâu trên thế giới này có người Việt Nam thì ở đó có áo dài Việt Nam và chiếc áo dân tộc đó được nâng niu, yêu quý như một nét văn hóa đầy bản sắc riêng.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 12

Mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều có cho mình một nền văn hóa đặc sắc, trong đó các điểm chính như phong tục tập quán, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, giọng nói là những nét riêng dễ nhận biết nhất. Đặc biệt là sự khác biệt về trang phục đã đem đến cho mỗi dân tộc, quốc gia một diện mạo khác nhau và vô cùng phong phú, thể hiện được phần nào nét đẹp trong nền văn hóa lâu đời đã trải qua hàng nghìn năm phát triển. Có thể nói rằng cách dễ nhất để nhận biết một dân tộc, đầu tiên là dựa vào trang phục truyền thống của họ, ví như người ta chỉ cần nhìn thấy Hanbok thì sẽ nhớ đến đất nước Hàn Quốc với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp giải trí. Nhìn thấy Kimono thì sẽ liên tưởng đến đất nước Nhật Bản với bánh Mochi và món Sushi độc đáo. Nhìn thấy sườn xám, hoặc những bộ đồ cổ trang thướt tha thì chắc hẳn là đất nước Trung Quốc rộng lớn với nền văn hóa cực kỳ đáng ngưỡng mộ. Còn Việt Nam ta, một đất nước có tới hơn 4000 năm văn hiến, với những phong tục tập quán kỳ cựu, những nét văn hóa độc đáo, thì cũng không hề thua kém và tự hào với tà áo dài thướt tha, duyên dáng, đại diện cho nét đẹp trong văn hóa trang phục của nước ta.

Thực tế áo dài của ta không có tuổi đời lâu như trang phục truyền thống của một số nước khác. Thuở xa xưa, lối ăn mặc của ông cha ta có chút tương tự như với người Hán tức là mặc áo hai tà trước, sau, xẻ ở hai bên hông, vạt áo trùm gần đến mắt cá, hai vạt áo cài với nhau ở bên phải hoặc trái tùy thời, bên trong mặc quần rộng. Có hai kiểu thông dụng là áo giao lĩnh, vạt chéo và áo viên lĩnh cổ tròn, thông thường thì người ta hay mặc áo giao lĩnh bên trong như một kiểu áo đệm, lót, bên ngoài mặc viên lĩnh. Nếu quan sát trong các bộ phim của Trung Quốc, thì cung cách ăn mặc này khá giống với thời nhà Tống. Mãi đến thời vua Lê, chúa Trịnh phân tranh với nhà họ Nguyễn cùng với sự tách biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài và sự tham vọng, xưng vua một cõi của chúa Nguyễn Phúc Khoát, thì trang phục của nhân dân ta mới có sự cải tiến. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã lệnh cho nhân dân Đàng Trong mặc kiểu áo dài ngũ thân, tức là kiểu áo cũng xẻ tà ở từ hông trở xuống, nhưng đằng trước có hai vạt con, đằng sau cũng chia làm hai vạt, phía dưới vạt đằng trước lót thêm một vạt liền nữa, bên trong đàn ông mặc quần ống rộng, còn phụ nữ thì mặc váy rộng. Đến những năm 1900, thì áo dài đã không còn là dạng áo ngũ thân rườm rà mà quy lại chỉ còn hai vạt trước sau phủ dài tới qua gối hoặc qua mắt cá chân một chút, cả nam và nữ đều chuyển qua mặc quần. Có sự cải tiến, cách tân mới lạ này cũng là do sự du nhập văn hóa phương Tây, cùng với những nhu cầu cách tân trang phục để theo kịp với xu hướng của thời đại mà vẫn không làm mất đi bản sắc dân tộc. Chính vì thế tà áo dài đã ra đời, và kiểu dáng cũng chủ yếu là dành cho phái nữ, bởi đàn ông đã chuyển qua mặc các dạng quần áo hơi hướng phương Tây.

Trải qua nhiều lần cải tiến, cách tân áo dài ngày nay đã có một kiểu dáng cố định, và được chọn làm quốc phục của Việt Nam. Khi thiết kế người ta chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ để tăng tính thẩm mỹ mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của áo dài. Về cơ bản áo dài ngày nay gồm hai bộ phận chính là áo và quần rộng ống mặc kèm bên trong tà áo. Khác với các mẫu áo dài cũ thường được may suông, rộng rãi thì ngày nay người ta có xu hướng chít eo, phần hông áo được may sát với vòng  eo của người phụ nữ, để tôn triệt để các đường cong và vẻ uyển chuyển của người phụ nữ, khiến người mặc trở nên quyến rũ mà vẫn kín đáo lịch sự. Về tà áo, cũng như các mẫu cũ, gồm có hai tà trước sau, tuy nhiên độ dài của tà áo thì tùy theo sở thích, công dụng của bộ áo mà người ta may dài hẳn đến mắt cá chân, hay may lửng đến giữa bắp chân hoặc là may ngắn vừa qua đầu gối,... Thông thường tà áo dài sẽ được may bằng nhau, nhưng trong một số mẫu thiết kế sẽ có kiểu tà trước ngắn hơn, tà sau, tà sau được may rộng và kéo dài để phục vụ cho các buổi trình diễn, dạ tiệc,... Phần cổ áo có thể nói là phần có nhiều biến thể cách tân nhất trong áo dài của ta, với các bộ áo truyền thống thì cổ áo cao tầm 4 - 5 cm, hình cánh buồm đối cạnh với nhau. Ngày nay thì xuất hiện các kiểu cổ tròn, cổ trái tim, cổ vuông, cổ hình chữ u, cổ thuyền, thậm chí có những bộ áo được thiết kế kiểu cúp ngực, không cổ,... Về phần thân áo, được ghép lại với nhau bằng hàng cúc bấm chéo từ cổ áo xuống nách áo, sau đó theo dọc thân đến phần xẻ tà, ngoài ra còn có các kiểu khép thân khác, ví như may khóa kéo ở phía sau lưng, hoặc thay vì khuya người ta sẽ may luôn khóa kéo ở bên hông để tiện cho việc mặc áo. Phần tay áo ngày nay đã số được may sát, ôm với cánh tay, có kiểu tay lỡ hoặc tay dài đến cổ tay. Với áo tay dài đôi khi phần cổ tay sẽ hơi rộng ra một chút hoặc biến thể tùy theo mẫu thiết kế để tăng thêm phần điệu đà, duyên dáng. Và áo dài được mặc với phần quần ở bên trong thay cho kiểu mặc váy ngày xưa. Quần áo dài thường được may rộng rãi và dài trùm qua mắt cá, ống quần được may loe ra nhìn để trông được thướt tha giống như mặc váy bên trong. Tuy nhiên, với những yêu cầu sử dụng khác nhau mà phần quần này có thể được may với những kiểu cách khác nhau, ví như may ống quần hẹp lại, hoặc là may ngắn hơn bình thường. Khi may quần người ta thường chọn loại vải mềm có độ rủ, và màu sắc tương đồng với màu áo, hoặc có thể chọn vải màu trắng vốn là màu có thể phối được với tất cả các màu khác.

Trong cuộc sống ngày hôm nay, dẫu rằng có nhiều các loại trang phục khác nhau để ta lựa chọn, thế nhưng áo dài vẫn là một trong những trang phục được ưa thích. Bởi tính đơn giản, mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, tính cá nhân hóa, lại là loại trang phục sử dụng được trong nhiều trường hợp từ thông thường như đi học, đi chơi, đến các trường hợp trang trọng ví như dự tiệc, lễ lộc, trong việc cưới xin. Không chỉ vậy áo dài còn là biểu tượng cho truyền thống văn hóa của người Việt, đại diện cho bản sắc của cả một dân tộc, chính vì thế trong các dịp trọng đại của quốc gia, trong các cuộc thi, các chương trình, sự kiện áo dài đã trở thành trang phục chính của những người tham gia, để quảng bá, tôn vinh nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với thế giới. Nét đẹp của áo dài không chỉ nằm trong đời sống mà nó còn nhiều lần đi vào thơ văn, tác phẩm nghệ thuật với vai trò là đề tài chính hoặc là chất liệu độc đáo làm cho các tác phẩm thêm phần độc đáo, mang tính dân tộc rõ nét. Trong giới thời trang, tà áo dài cũng là một trong những đối tượng được các nhà thiết kế thời trang để tâm thiết kế, cách điệu để cho ra các bộ sưu tập độc đáo, mới lạ, vừa sáng tạo những vẫn giữ lại những nét truyền thống trên tà áo, tôn vinh vẻ đẹp của cả người mặc và tà áo.

Áo dài là biểu tượng, là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc, là di sản văn hóa vật thể cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Đối với tôi người phụ nữ Việt Nam ở trong trang phục áo dài vẫn là những người phụ nữ đẹp, duyên dáng và hấp dẫn nhất. Bởi ở họ toát lên những vẻ đẹp yểu điệu, thướt ma vừa hiện đại nhưng cũng có cái gì đó vừa e ấp, vừa chất chứa những nét truyền thống đặc biệt của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 13

Cho đến trước ngày giải phóng Thủ đô (1954), phụ nữ vẫn theo phong tục cũ: ra đường là phải mặc áo dài, dù là người giàu hay người nghèo, dù đi lâu hay chóng, gần hay xa.

ở Hà Nội vào những năm 30, từ những tấm áo dài cổ điển dân tộc, có phần nào cổ lỗ, họa sĩ Cát Tường đã cách tân, biến tấm áo dài cũ thành áo dài kiểu mới, gọi là "áo dài tân thời". Thứ có cổ áo cao, thứ không'cổ, còn khoét thêm cho rộng để ngầm khoe cái cổ trắng

nõn, hoặc cố cao ba ngấn. Tà trước không mở ở giữa màkín, chỉ cài cúc phía bên phải. Tấm áo "tân thời" đó, tấm áo ấy vân còn rát ít người mặc, chủ yếu là con nhà giàu sang, sinh viên, "các cô, các mọ-...".

Tấm áo dài cổ, loại từ xưa đế lại có cái khác. Sang trọng ngày hội, ngày lễ, ngày tết... có áo mớ ba mớbảy, là loại áo mặc nhiều cái chồng lên nhau với nhiều màu khác nhau.

Áo dài ngày thường giản dị hơn. Đi chợ, đi làm, đi buôn bán chỉ là tâm áo tứ thân, nghĩa là bốn khố vải dọc. Riêng hai thân trước mở ở giữa, và thắt nút hai vạt lại với nhau, khi chỉ hờ hững thắt trễ tràng một nút, hoặc vội vã, cần chắc chắn hơn, thì thắt con đo lỏng lẻo đế gió không tốc tung lên kẻo bị chê là không đứng đắn.

Vài năm trở lại đây, sau mấy chục năm bị quên lãng, áo dài được xuất hiện trở lại. Thật đẹp và thật vui. Các cô nhân viên tiếp tân, bu'u điện, một số cửa hàng, nhất là ngày lễ, ngày tết... làm đường phô' tươi đẹp, sinh động hẳn lên. Giờ tan trường các nữ sinh với tấm áo dài trắng như bướm bay phấp phới trên đường phố khiến nhiều người bồi hồi trước tuổi trẻ được chăm sóc chu đáo, và nhớ lại dăm chục năm trước, những tấm áo dài nữ sinh như thế đã làm mê mệt bao chàng trai thành phố. Với nữ sinh, có lẽ đẹp nhất vẫn là màu trắng, tinh khiết. Nhưng nghịch mắt nếu một cô nào muốn khoe cái ba-lô quai đen mới mua được, đem quàng qua vai, thay cho chiếc cặp ôm trước ngực. Đây là những nét phá nhau, nó không còn là mốt nữa mà là phản mốt. Áo dài là sự mềm mại, mỏng manh, nó không chấp nhận cái ba-lô mang dáng du lịch ôm đồm tất bật và cứng dơ.

Năm 1993, váy đầm các loại phát triển rầm rộ. Cũng là mốt. Không sao cả. Nhưng xét ra, tấm áo dài, vẫn là nét đẹp Việt Nam, từ áo mó' ba mớ bảy, áo tứ thân, áo đổi vai, áo đồng lầm, áo tân thời, nay chỉ đơn thuần là tấm áo dài, ngắn một chút theo kiểu miền Nam hay dài hơn theo kiểu Hà Nội, tay thụng hay tay lửng, cổ cao hay cổ rộng, để trơn hay vẽ hoa... Mong sao tấm áo dài được có mặt hơn nữa, làm cuộc sống tươi vui lên.

Thuyết minh về biểu tượng, niềm tự hào của Việt Nam: Áo dài 14

    Chiếc áo dài là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hoá dân tộc, là niềm tự hào của con người Việt Nam chúng ta.

    Áo dài ra đời từ rất lâu, nó đã trải qua các thời kì cải biến để đạt đến độ thẩm mĩ như ngày nay. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được người phụ nữ mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Sau đó, nó được biến thành áo ngũ thân để các cô, các bà mặc trong lễ hội mùa xuân.

    Đến thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về y phục, thì chiếc áo dài có cổ đứng ngắn tay, cứa ống tay rộng hoặc hẹp, hai bên nách trở xuống khâu kín, không xẻ tà. Từ đó, áo dài được cải tiến theo nhiều kiểu, ngày một trở nên xinh đẹp, thướt tha.

    Áo dài được may bằng nhiều chất liệu như gấm, nhung, lụa tơ tằm. Hiện nay, các nhà thiết kế y phục đã sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài tân thời, cố áo cài khuy. Khuy áo là hạt cườm, hạt ngọc, cúc bấm. Tay áo dài không có cầu vai, may liền với cổ áo giống như áo bà ba xẻ tà. Chính đặc điểm này khiến việc sinh hoạt của ngực phụ nữ được dễ dàng, đồng thời tạo dáng thanh thoát, yểu điệu, thướt tha.

    Áo dài có hai tà chính: tà áo trước và tà áo sau. Đây là phần được các nhà thiết kế thời trang cách điệu nhiều nhất. Khi thì dùng chất liệu vải voan, khi thì được kết cườm, ngọc óng ánh. Áo dài thường đi đôi với quần thụng. Phụ nữ Việt Nam thường mặc áo dài xẻ tà cùng với quần thụng trắng bởi nó tạo nên vẻ đài các trang nhã. Hiện nay, áo dài có nhiều hoa văn khác nhau, mang đậm bản sắc dân tộc có thể là những đoá hoa như hoa hồng, hoa lan, búp huệ. Có thể là hoa thuỷ tiên. Cũng có thể là nhiều loại hoa rực rỡ, đủ màu sắc gợi lên dáng yêu kiều, đài các, quý phái của các cô thiếu nữ, thanh nữ.

    Giêng hai, bước vào hội xuân, trên mọi nẻo đường quê Kinh Bắc, xứ Đông xứ Đoài... ta bắt gặp các bà, các cụ trong bộ áo quần dài bằng lụa nâu, vai khoác túi đi đến chùa lễ Phật. Hội chùa Hương, hội Gióng, hội chùa Dâu, hội Lim,... từng đoàn thiếu nữ, thanh nữ thướt tha trong bộ áo dài tuyệt đẹp. Trong các lễ chào cờ, các ngày lễ được tổ chức ở sân trường, nhất là các trường Trung học phổ thông hàng nghìn nữ sinh và cô giáo trong chiếc áo dài trắng, quần trắng gợi lên vẻ đẹp tinh khôi, trinh trắng của thế hệ tuổi xuân.

    Chiếc áo dài mãi mãi là niềm tự hào và hãnh diện của mỗi con người Việt Nam chúng ta. Vẻ đẹp chiếc áo dài gợi lên vẻ đẹp văn hoá truyền thống của đất nước và con người Việt Nam. Trên con đường hội nhập, có thể y phục của mỗi con người Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng, hiện đại, nhưng chiếc áo dài tân thời sẽ mãi mãi gắn bó với tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, làm tôn vẻ đẹp kiêu sa, duyên dáng của các thiếu nữ, thanh nữ trong lễ hội.

Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam ngắn nhất 15

    Chiếc áo dài là thứ trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo khoác ngoài màu thầm, bên trong là chiếc áo cánh sen, áo mỡ gà,... làm cho người phụ nữ quê ta trở nên duyên dáng, xinh đẹp và trang trọng.

    Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lề Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.

    Chiếc áo dài tân thời ngày nay vốn là chiếc áo dài tứ thân được cải tiến. Ống tay dài thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.

    Trong lễ hội, hình ảnh các thiếu nữ xuất hiện trong chiếc áo dài tân thời, người đi xem cảm thấy như đàn bướm sặc sỡ đang bay lượn giữa vườn hoa xuân.

    Thứ hai hằng tuần, trường em quy định giáo viên nữ mặc áo dài trắng, các giáo viên nam mặc vét, thắt ca-vát, đi giầy. Lễ chào cờ hàng tuần trở nên long trọng; sân trường như sáng bừng lên.

    Chiếc áo dài màu trắng điểm hoa, chiếc áo dài màu xanh da trời, màu tím Huế đã làm tôn vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trang nhã, trinh trắng hơn, mềm mại, tươi đẹp hơn.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 16

Thế giới nhắc đến Việt Nam không thể không nói đến nón lá, phở và đặc biệt là áo dài. Áo dài là trang phục truyền thống, là một trong những yếu tố văn hóa thời trang đặc trưng của Việt Nam, mang lại những giá trị tốt đẹp và to lớn.

Phiên bản ban đầu của áo dài là chiếc áo ngũ thân xuất hiện từ thời chùa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Ngoài với tham vọng cả Đàng thống nhất về mặt trang phục, vì thế áo ngũ thân có hai phiên bản dành cho cả nam và nữ. Với đàn ông khi làm việc, áo ngũ thân gây bất tiện nên được phép xẻ tà. Trải qua nhiều thời kỳ từ vua Minh Mạng thời Nguyễn đến hiện tại, áo dài có nhiều đổi mới về mặt thiết kế, quy định mặc ngày càng hoàn thiện hơn.

Áo dài Việt Nam có rất nhiều kiểu từ kiểu cổ xưa đến những kiểu cách tân trong thời kỳ cận đại và hiện đại như áo ngũ thân, áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài cách tân….Áo ngũ thân là kiểu dáng đầu tiên của áo dài Việt Nam, là loại áo lập lĩnh ngắn tay, áo được khâu liền từ phần nách trở xuống, không xẻ tà, vì thế với đàn ông phải lao động khi mặc áo ngũ thân có thể vướng víu, gây bất tiện cho công việc. Từ áo ngũ thân, áo dài được cách tân trở thành áo dài tân thời  với bộ cánh nổi bật áo dài Trần Lệ Xuân với phần cổ áo được cắt khoét, cổ thuyền tạo sự thoải mái, giảm bí bức cho người mặc, nhất là Nam Bộ quanh năm nóng nực, loại cách tân này được áp dụng phổ biến đến ngày nay. Tiếp tục một lần cải cách áo dài, áo dài cách tân vừa giữ nét đẹp truyền thống vừa mang những nét rất hiện đại, người mặc có thể chọn lựa nhiều kiểu mẫu, nhiều chất liệu, kết hợp áo dài với váy hay áo dài có tà ngắn,…..

Mặc dù áo dài có nhiều kiểu khác nhau song chúng đều mang những đặc điểm, cấu tạo giống nhau. Áo dài có cấu tạo gồm bốn phần: phần cổ áo, phần thân áo, phần tà áo và quần trong. Phần cổ áo thường là loại cổ khoét tròn, ngoài ra còn có nhiều kiểu cổ như cổ trái tim, cổ chữ U,… đa dạng hơn so với áo ngũ thân chỉ có kiểu cổ cao, kín và khó di chuyển. Thân áo dài tính từ vai đến phần eo người mặc, tay áo may dài đến cổ tay hoặc áo tay lỡ và bó sát vào người mặc, thân áo thường được thêu họa những hình thù tinh tế, đẹp mắt. Từ phần eo trở đi, áo dài được chẻ làm hai tà gồm tà trước và tà sau, tà trước có kích thước ngắn hơn tà sau, tà thường dài không quá bàn chân hoặc có tà thiết kế dài chưa đến đầu gối, mép tà vuông vắn. Ngoài phần áo, người mặc cần kết hợp thêm quần mặc bên trong, quần trong thường khá rộng và thoải mái, không bó sát vào chân gây bí bức cho người mắc, áo dài cách tân hiện nay người mặc có thể kết hợp áo dài với váy ngắn, quần trong kích thước vừa phải, qua đầu gối. Ngoài ra, áo dài cho nữ và áo dài cho nam có sự khác biệt nhẹ, áo dài nam phần thân áo có thêm hàng cúc 5 chiếc được đính chéo qua ngực, thân suông, không bó sát vào người mặc tạo sự đĩnh đạc, lịch lãm cho phái nam.

Có thể nói, áo dài mang lại nhiều giá trị sử dụng, văn hóa và tinh thần cho người dùng nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Áo dài hiện nay hầu hết người mặc là phụ nữ, giúp tôn lên vóc dàng mềm mại, nét dịu dàng của người con gái Việt Nam. Áo dài thường được mặc vào các ngày lễ, tết cổ truyền, những dịp hội họp quan trọng của địa phương, tổ chức hay của toàn dân. Với những loại áo dài cách thân, trung hòa nét truyền thống và nét hiện đại năng động, người dùng có thể mặc áo dài đi làm, đi chơi mà không gây bất tiện. Về giá trị tinh thần, áo dài là quốc phục Việt Nam, là niềm tự hào của người dân với thế giới về một nét văn hóa truyền thống, bản sắc rất riêng của người Việt Nam. Áo dài đã được rất nhiều bạn bè quốc tế mặc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Tuy hiện nay, áo dài không được sử dụng mặc thường xuyên như trang phục thường ngày như thời xưa nhưng những giá trị mà áo dài mang lại luôn được gìn giữ, phát huy và để lại dấu ấn trong lòng bao thế hệ người dân Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 17

Tục ngữ Việt Nam có câu: Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Suy ngẫm nhiều, chúng ta thấy đúng là y phục góp phần quan trọng vào vẻ đẹp của mỗi con người, góp phần quan trọng vào sự thướt tha của phụ nữ.

   Áo dài Việt Nam là loại trang phục truyền thống của Việt Nam, che thân từ cổ đến đầu gối hoặc quá đầu gối, dành cho cả nam lẫn nữ. Áo dài thường được mặc vào các dịp lễ hội trang trọng, hoặc nữ sinh mặc khi đi học. Không ai biết áo dài nguyên thủy có từ lúc nào và hình dáng ra sao, nhưng theo những hình khắc trên trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm, đã có hình phụ nữ mặc trang phục áo dài với hai tà xẻ. Sử gia Đào Duy Anh viết: Theo sách sử chép thì người Văn Lang xưa mặc áo dài cài nút về bên tả. Từ đó suy rằng trước thời Băc thuộc người Việt gài áo về tay trái, sau bắt chước người Trung Quốc, mới mặc áo gài về bên phải.

   Theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những thay đổi về chi tiết. Kiểu sơ khai của áo dài là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì không buộc hai vạt trước lại. Sau để tiện làm việc, áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân, gồm có hai vạt trước và hai vạt sau. Áo tứ thân hợp với phụ nữ thôn quê quanh năm bươn chải, lao động đồng áng. Sau đó, áo ngũ thân ra đời, phù hợp cho phụ nữ tỉnh thành với sự biến đổi vạt nửa trước bên phải của áo tứ thân thu nhỏ, thành một vạt con. Vạt thứ năm nhỏ hơn, nằm dưới một vạt trước. Áo ngũ thân che kín thân hình, không để hở áo lót, mỗi vạt có hai thân nối sống, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Vạt thứ năm nằm dưới vạt trước, khép kín nhờ năm chiếc khuy, tượng trưng cho “ngũ thường” của Nho giáo và “ngũ hành” của triết học Đông Phương. Đến thể kỉ XVIII, một số người Minh hương bất mãn với nhà Thanh, sang Việt nam lập nghiệp, mang theo một lối sắc phục của người Hoa. Để tạo bản sắc riêng cho dân tộc, Vũ Nương Nguyễn Phúc Khoát (1973 – 1965) đã ban hành một sắc dụ về ăn mặc cho toàn dân xứ Đàng Trong, đây là bước định hình quan rọng cho áo dài biến thành quốc phục Việt Nam: “Áo thì cổ đứng, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện, hai bên nách trở xuống phải khâu kín, không được xẻ mở…”.

   Nhưng có ý kiến cho rằng áo ngũ thân xuất hiện trong thời vua Gia Long (1802-1819). Năm Minh Mạng triều đình có chiếu chỉ cấm mặc váy mà phải mặc quần hai ống (vì áo ngũ thân phải mặc với quần hai ống, không thể mặc với váy) nên có câu ca dao:

   "Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng"

   Những năm đầu thế kỉ này tà áo dài theo hai khuynh hướng: Phối hợp với y phục Phương Tây, các nhà tạo mẫu cho ra dời những kiểu áo dài có dây kéo sau lưng. Những kiểu cổ áo trái tim, kiểu cổ truyền thống. Khoảng 1930, họa sĩ Cát Tường sáng tạo ra kiểu áo dài mới bằng cách biến tứ thân, ngũ thân thành áo hai tà. Thân trên áo dược may sát, ôm theo những đường cong của cơ thể tạo ra vẻ yêu kiều, gợi cảm rất độc đáo. Hàng nút cũng được chuyển dịch, cổ áo cũng nhiều thay đổi, và phong phú hơn, mặc với quần ” sa tanh” trắng… gọi là áo dài “Le Mur”, nhưng có đôi người đưa ý kiến phản bác vì quá “lai căng”. Vũ Trọng Phụng cũng có thái độ trong tác phẩm Số đỏ. Một khuynh hướng khác của các nhà tạo mẫu là khuynh hướng trở về nguồn. các nhà thiết kế dùng những hoa văn hình chim hạc trên áo dùng dể thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài hoặc dùng những hoa văn trên vải thổ cẩm để làm viền, những chiếc ao dài vừa duyên dáng vừa hiện đại vừa cổ điển, rang phục kèm theo áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùng màu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.

   Năm 1934, một hoạc sĩ khác là Lê Phổ đã bỏ bớt giới nét lai căng và đưa vào những nét đẹp truyền thống của áo dài dân tộc, dược nữ giới hoan nghênh nhiệt liệt.

   Sau Cách mạng tháng Tám, đối mặt với giặc đói, giặc dốt, Bác Hồ vận động nhân dân bỏ thói quen mặc áo dài. Ngày hòa bình thống nhất, chiếc áo dài lại được cả nước ca ngợi và sử dụng, nhờ sự khéo léo của những nhà thiết kế mà chiếc áo dài Việt Nam vừa tôn vẻ đẹp dịu dàng thể hiện nét kín đáo thướt tha của người phụ nữ Việt Nam. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đóa nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái rất đẹp. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng, thùy mị của cô gái Việt Nam, đồng thời hai tà áo lúc mở lúc khép, quấn quýt trong giá ạo vẻ thướt tha dịu dàng của chiếc áo dài. Nét đẹp đó làm say mê bao văn nhân, thi sĩ Việt Nam, say mê bao khách nước ngoài khi giao dịch tham quan du lịch Việt Nam. Nhà thơ Nguyên Sa đã viết nhiều bài thơ về áo dài Việt nam như:

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ anh viết vẫn nguyên màu lụa trắng"

   Cố nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy cũng đưa hình ảnh áo dài Việt Nam vào trong bài “Bến xuân” của mình “Tà áo em rung trong giấc mộng ngập ngừng ngoài Bến Xuân.” Đến thể kỉ XXI này, tuy xã hội Việt Nam đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng người ta vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thệp niên gần đây, tà áo dài đã là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học ngay cả dịp quan trọng như ngày tết , ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục cho cô dâu và phụ nữ. Với những loại vải quý phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm gấm, lụa và vẽ màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài đã giúp cho người phụ nữ Việt Nam tăng thêm vẻ trang trọng và tươi đẹp. Các nữ sinh mới lớn cắp sách đến trường trong tà áo dài trắng tăng thêm nét yểu điệu, tinh khiết, trong sáng và vô tư như những thiên thần.

   Áo dài Việt nam là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Người nữ sinh trung học ngày nay nên tự hào khi được mặc chiếc áo này! Bảo vệ nét đẹp áo dài Việt Nam là bảo vệ văn hóa và phong tục của người Việt Nam, nó cũng là nguồn đề tài vô tận cho các thi nhân nghệ sĩ Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 18

Không ai có thể biết chính xác được rằng chiếc áo dài có từ bao giờ cũng như không ai biết được hình dáng nguyên thủy của chiếc áo dài ra làm sao, chúng ta chỉ biết một điều rằng những hình ảnh được khắc trên chiếc trống đồng Ngọc Lũ cho thấy rằng chiếc áo dài ngày xưa của người Việt có hai tà áo xẻ có từ cách đây mấy ngàn năm trước. Và cho đến những năm của thế kỷ 17, truyền thống mặc váy vẫn tồn tại trong cách ăn mặc ở người phụ nữ Việt Nam. Trong cuốn sách Lê Triều Thiên Chính có ghi rằng ở đời vua Lê Huyên Tông đã ra sắc lệnh tháng 3/1665 nhắc nhở rằng áo của đàn bà con gái không có thắt lưng, quần không phải hai ống và từ xưa đến nay đã có cổ tục như thế. Khi thuyết minh về tà áo dài Việt Nam chúng cần nghiên cứu sâu hơn về các tài liệu lịch sử qua những bằng chứng để lại thì chiếc áo dài được quy định rõ về kiểu dáng và đã trở thành quốc phục dưới triều của chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739- 1765) do tham vọng muốn xưng vương là lập nên một cõi riêng nên đã tách rời Đàng Trong ( là vùng đất chúa cai trị ) ra khỏi Đàng Ngoài. Ở trong sắc dụ Chúa ban thì lần đầu tiên chúng ta có thể hình dung được cơ bản đường nét của chiếc áo dài Việt đó là thường phục thì đàn ông, đàn bà sẽ dùng áo có cổ đứng và ngắn tay, cửa ống tay sẽ rộng hoặc là hẹp tùy ý điều chỉnh. Áo ở phía hai bên nách trở xuống dưới phải được khâu kín, không được xẻ mở ra để người khác nhìn thấy. Tuy nhiên đàn ông không muốn mặc áo với cái cổ tròn và ống tay hẹp để thuận tiện khi làm việc thì được phép không cần mặc.

Vào năm 1744, theo lệnh của Chúa thì cuộc cải cách lớn nhất về trang phục từ quan cho đến những người dân được diễn ra. Cả nam và nữ ở trong đất nước đều mặc áo như áo bào, mặc quần, vấn khăn dân gian vẫn hay gọi là quần chân áo chít. Ban đầu khi đưa ra sắc lệnh này thì hai vùng được áp dụng đầu tiên là tại Thanh Hóa và Quảng Nam. Vào năm Minh Mạng thứ 9 năm 1828, ở triều đình Huế ra chiếu lệnh cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống.

Sau này áo dài đã dần dần trở nên phổ biến rộng rãi và trở thành quốc phục của triều Nguyễn. Qua bao tháng năm thăng trầm áo dài đã từng ngày được cải biên để phù hợp với cuộc sống biến thành những bộ áo dài tân thời rồi áo dài hiện đại như ngày nay. Tà áo dài rất kín đáo nhưng vẫn tôn lên hết được nét đẹp của người phụ nữ đã được giữ gìn trong suốt những tháng năm của chiều dài lịch sử và được chọn là trang phục truyền thống của Việt Nam.

Qua bao nhiêu giai đoạn thăng trầm của cuộc sống, chiếc áo dài đã thay đổi đi khá nhiều. Chiếc áo giao lãnh được xem như là chiếc áo dài đầu tiên của người Việt Nam, áo này cũng tương tự như áo tứ thân chỉ khác là khi mặc vào hai tà không phải buộc vào nhau. Chiếc áo tứ thân là áo mặc ngoài cái yếm lót, kết hợp với váy tơ đen, thắt lưng màu tùy thích. Vì người phụ nữ ngày xưa phải làm việc đồng áng suốt ngày và buôn bán ở chợ cho nên khi họ mặc áo giao lãnh được thu gọn thành những chiếc áo tứ thân với hai tà trước được thả thì giờ  đã được buộc một cách gọn gàng mặc cùng váy tiện cho việc lao động chân tay. Đối với những người phụ nữ là nông dân thì áo tứ thân được mặc khá đơn giản với áo yếm ở trong và áo ngoài cột tà kèm theo thắt lưng. Đi kèm với những chiếc áo là những chiếc khăn mỏ quạ đen truyền đã đi vào những câu thơ, câu văn của các nhà văn học. Trong khi đó chiếc áo tứ thân dành cho những người quý tộc lại có khá nhiều chi tiết. mặc ở phía ngoài là chiếc áo màu nâu non, chiếc áo thứ hai có màu mỡ gà, sang đến chiếc áo thứ ba sẽ có màu cánh sen, những người phụ nữ mặc thường không cài kín hết cổ và để lộ cả 3 màu áo. Khi mặc thì phía trong mặc yếm màu đỏ thẫm , thắt lưng bằng lụa màu hồng hoặc thiên lý, áo mặc với những chiếc váy màu đen, đầu đội chiếc nón quai thao càng làm tăng thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ. Nhưng chỉ sau đó một khoảng thời gian ngắn thì những chiếc áo tứ thân được cách tân lên để giảm bớt đi nét dân giã lao động trong đó và tăng nét sang trọng, quý phái lên. Thế là chiếc áo ngũ thân được ra đời , chiếc áo ngũ thân được cải tiến ở chỗ vạt trước được thu bé thành vạt con , thêm vào dưới vạt trước là một vạt thứ năm khá bé. Áo này che kín thân hình và không để lộ áo ở phía trong,  năm hột nút nằm cân xứng trên năm vị trí cố định để giữ cho chiếc áo luôn ngay ngắn và kín đáo nhất. Nhưng khi đến thời Pháp thuộc chiếc áo dài lại một lần nữa được cải biến. Chiếc áo này do người họa sĩ Cát Tường sáng tạo ra . Tổng bốn vạt cả trước và sau đã được thu gọn và biến thành hai tà trước và sau. Vạt trước áo dài chấm đến đất để tăng thêm vẻ duyên dáng là linh hoạt. Hàng nút phía trước của áo đã được di chuyển qua hai vai và chạy dọc một bên sườn áo. Để mặc cho đúng chuẩn hiện đại, áo Cát Tường luôn mặc với quần sa tanh màu trắng, đi giày cao và cầm bóp mỗi khi đi ra ngoài. Do lúc bấy giờ phong cách ăn mặc này không được nhiều người chấp nhận nên vào năm 1943, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét không phù hợp ở áo Cát Tường đưa thêm một số nét dân tộc của áo tứ thân , ngũ thân để tạo ra kiểu áo vạt dài cổ kín, ôm sát cơ thể người, trong khi đó hai vạt trước được tự do bay lượn . Chính sự dung hòa này đã lấy được thiện cảm và sự hoan nghênh nhiệt liệt của nữ giới. Cũng kể từ đó, chiếc áo dài Việt Nam đã tìm được cho mình hình hài chuẩn mực và từ đấy đến nay trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sự thay đổi, cách tân, hình dáng chiếc áo dài cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Bài viết thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam miêu tả sắc nét chân thực về chiếc áo dài giúp cho bất kỳ ai cũng có thể hình dung rõ nét nhất về hình ảnh của nó. Chiếc áo dài Việt Nam được thiết kế khá đơn giản và đẹp mắt với chiều dài từ cổ xuống đến chân. Cổ áo được may theo kiểu cổ của Tàu hoặc cũng có khi giống cổ thuyền, cổ tròn tùy theo sở thích của nhà thiết kế và người mặc. Khi mặc thì cổ áo ôm khít lấy cổ của người phụ nữ tạo nên vẻ kín đáo và thanh lịch. Khuy áo dài thường được dùng nhất là loại khuy bấm, được dùng ở cổ chéo sang vai rồi xuống ngang đến tận hông của áo. Ngày áo dài mới ra đời thì áo có năm cái khuy ở năm vị trí cố định với mục đích vừa giữ cho thân áo được ngay ngắn vừa biểu tượng cho năm đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thân áo sẽ gồm có 2 phần đó là phần trước và phần sau, dài từ trên cổ xuống mắt cá chân hoặc có thể điều chỉnh ngắn hơn thùy theo thời đại, dọc ở hai bên hông có đường xẻ từ eo xuống đến hết cả tà áo . Mỗi khi người phụ nữ đi trước gió thì sẽ càng duyên dáng hơn trong những tà áo dài rập rờn như những cánh bướm đầy đủ màu sắc.

Áo dài được may bằng nhiều loại vải cũng như màu sắc khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng và sở thích của người thiết kế và người sử dụng. Chất liệu làm nên áo khá phong phú và đa dạng nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là mềm mại, nhẹ nhàng và thoáng mát cho người mặc. Những loại chất liệu như nhiễu, voan, nhất là lụa tơ tằm là những mặt hàng được các chị em yêu thích . Nếu sử dụng vải có một màu thì thân trước và cả thân sau sẽ được trang trí hoa văn cho chiếc áo trở nên sang trọng hơn và không bị đơn điệu. Thân áo sẽ được may sát vào thân người vì vậy khi mặc áo sẽ ôm sát vào người làm nổi bật được đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Tay của chiếc áo dài sẽ không có cầu vai thay vào đó được may liền, kéo dài từ tận cổ áo đến cổ tay áo. Những chiếc áo dài thường sẽ được phối với những chiếc quần đồng màu hoặc màu trắng bằng lụa, sa tanh, phi bóng,…Những người thợ may áo dài phải là những người có tay nghề cao, khéo tay thực sự thì mới có thể may được những chiếc áo dài đẹp mắt.

Từ trước đến nay chiếc áo dài Việt Nam luôn được tôn trọng và nâng niu, nó đã được nâng lên hàng quốc phục. Các chị các em mặc áo trong những ngày lễ trọng đại của đất nước hay của cá nhân, phụ nữ sẽ mặc áo dài để tiếp khách từ nước ngoài đến. Khi các cô giáo mặc áo dài lên lớp sẽ thể hiện sự gần gũi, đứng đắn và tao nhã hơn hẳn những trang phục khác. Ngày nay áo dài cũng đã trở thành đồng phục của các trường THPT cũng như đại học. Nhiều vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã say sưa, mê mẩn những tà áo dài thướt tha, quyến rũ như những chú bướm trong giờ tan trường. Vì lẽ đó mà những người phụ nữ nước ngoài cũng rất yêu thích những chiếc áo dài. Trong các cuộc thi hoa hậu  cũng có hẳn một phần thi trình diễn trang phục áo dài và người nào mặc đẹp nhất, tôn vinh lên nét dịu dàng, đằm thắm nhất sẽ có giải trong phần thi đó.

Trong chương trình học các học sinh sẽ gặp đề bài thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam, chiếc áo dài là hình ảnh quá quen thuộc chính vì thế sẽ không quá khó khăn để nêu lên cảm nghĩ về tà áo dài phải không nào?

Khi chúng ta nói đến các khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa cũng như trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến chiếc áo dài, chiếc nón lá, bông hoa sen. Thật vậy trải qua bao nhiêu thời kỳ, vượt qua những diễn biến của quá trình phát triển đất nước , tà áo dài vẫn luôn tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống mang tính lịch sử lâu đời nhất của người phụ nữ. Áo dài không giống như kimono của người Nhật Bản hay Hanbok của người Hàn Quốc hay Sari của người phụ nữ Ấn Độ bởi lúc mặc sẽ không cần tốn quá nhiều thời gian, áo dài Việt Nam đơn giản, gọn gàng mà thanh lịch . Cũng chính vì lẽ đó mà chiếc áo dài đã len lỏi vào đời sống hằng ngày của người phụ nữ Việt Nam. Không gì tinh khôi và đẹp đẽ bằng việc mỗi sáng sớm được ngắm nhìn những nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đi đến trường. Trên những chuyến bay đường dài với những thay đổi một cách thất thường về khí hậu cũng như không khí dễ gây mệt mỏi cho những hành khách trong chuyến bay nhưng với những hình ảnh những cô gái tiếp viên hàng không xinh đẹp đằm thắm trong tà áo dài làm dịu đi những mệt nhọc của các hành khách. Không chỉ vậy, ngày nay tại các công sở , cũng dễ dàng có thể tìm thấy hình ảnh những người phụ nữ gọn gàng trong tà áo dài nhưng vẫn rất hoạt bát, nhanh nhẹn xử lý công việc một cách nhanh chóng.

Vào khoảng tháng 1 năm 2001, lần đầu tiên những áo dài xinh đẹp được giới thiệu tại thành phố Tour của nước Pháp với sự tham gia và hiện diện của 300 người yêu quý nền văn hóa Việt, chiếc áo dài được coi như là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước Việt Nam. Không chỉ trong mắt người châu Á mà trong con mắt của những người phương Tây, từ lâu đã được chú ý và coi trọng. Chiếc áo dài là một bộ trang phục không còn xa lạ trong cuộc sống hiện nay của người phụ nữ. Nó không chỉ là bộ trang phục của dân tộc mà còn là trang phục được dùng khi đến công sở của giáo viên, nhân viên nhân hàng, tiếp viên hàng không,…Hiện nay những chiếc áo dài không chỉ được mặc trong các ngày đại lễ lớn mà còn được mặc khi đi dạo phố, đi chơi, đi chụp kỷ yếu, những buổi họp mặt quan trọng. Ngay cả cô dâu khi bái gia tổ tiên lúc tổ chức lễ cưới cũng không thể thiếu được bộ trang phục này, cô dâu sẽ mặc để tiếp khách quan.

Đã ngót gần một thế kỷ trôi qua, các nữ sinh học tại trường Quốc học Huế mặc trong trang phục áo dài trắng bay bay như là một biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết, cao quý trong tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Tà áo dài bay bay trên phố, tiếng cười nói hồn nhiên của các cô cậu học trò còn vương lại sau những bó hoa phượng ở những chiếc giỏ xe gợi cho những người qua đường cảm giác bâng khuâng về thuở học trò của mình với những kỷ niệm thân thương. Vào những dịp tết hay lễ hội ở quê hương , các bà, các mẹ, các chị với những chiếc áo dài sặc sỡ hồng, đỏ, tím,…như một biểu hiện tấm lòng thành kính đến cửa thiền một lòng tôn nghiêm và tôn trọng. Chiếc áo dài trùm gối, khăn mỏ quạ chít khéo léo ở trên đầu, tay nâng mâm lễ dâng lên cửa chùa, …những hình ảnh ấy đã đi vào những bức ảnh dân gian Đông Hồ như một biểu tượng độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Do chiếc áo dài được may bằng những chất liệu vải rất mềm mại nên cần phải được bảo quản một cách thật cẩn thận và an toàn. Chỉ được giặt áo dài bằng tay, không nên giặt bằng máy gặt, giũ áo cho ráo nước rồi phơi ngoài nắng nhẹ, tránh phơi dưới ánh nắng gắt sẽ gây bạc màu áo. Dùng bàn là để ủi áo dài ở một nhiệt độ thích hợp nhất tránh nóng quá rất dễ làm hỏng và cháy áo. Luôn cất áo vào tủ đồ một cách cẩn thận để áo có thể dùng được lâu dài, nên giặt áo ngay sau khi mặc bẩn, treo lên bằng móc áo, nếu gấp hãy gấp thật cẩn thận tránh gây gãy cổ áo.

Áo dài là chính niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam, dù thời gian trôi qua bao lâu cùng với những mẫu trang phục ngày càng đa dạng, hiện đại và bắt mắt nhưng ở khắp mọi nẻo đường ở đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta vẫn thấy tà áo dài tung bay mang theo những nét đẹp, những nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 19

Trong bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy có câu hát rất nổi tiếng: “Tà áo em bay, bay, bay, bay trong gió nhẹ nhàng, dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ tìm thấy hồn quê hương ở đó, em ơi.” Áo dài mang trong mình tâm hồn của người Việt, khiến mỗi người con xa quê khi nhìn thấy đều không khỏi thổn thức nhớ về. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt, trở thành nét đẹp duyên dáng, biểu tượng của người con gái Việt.

Áo dài đã có từ rất lâu đời, từ khoảng hơn 3000 năm trước, chiếc ào dài với tà áo thướt tha đã xuất hineje trong những mặt trống đồng cổ đại thời trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, trên thạp đồng Đào Thịnh. Nhiều tài liệu chỉ ra rằng áo dài ngày nay có sự góp công rất lớn trong sự cải biến của chúa Nguyễn Phúc Khoát ở thế kỉ XVIII.

Có thể hình dung kiểu sơ khai nhất của áo dài chính là áo giao lãnh, được người phụ nữ thời xưa mặc hàng ngày, cả khi làm việc đồng áng hay khi đi buôn bán. Áo giao lãnh cũng có bốn vạt như áo tứ thân sau này nhưng hai vạt trước để song song mà không buộc lại/ Kiểu áo tứ thân và áo giao lãnh phù hợp với tính chất công việc vất vả, hoạt động chân tay nhiều của người phụ nữ xưa. Bởi vậy khi mặc chiếc áo này, người phụ nữ vẫn có thể làm việc nhà hay việc đồng áng bình thường mà không cảm thấy bị vướng víu.

Không chỉ có áo giao lãnh, áo tứ thân mà xuất xứ của chiếc áo dài còn bắt nguồn từ áo ngũ thân. Áo ngũ thân thường dành cho những người phụ nữ ở thành thị, không phải làm nhiều công việc tay chân bận rộn. Chiếc áo ngũ thân có thêm một vạt nhỏ trước, ở giữa hai vạt lớn, làm tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, khuê các, quý phái của các quý cô.

Trong khoảng thế kỉ thứ XVIII, văn hóa nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nước Trung Hoa, nhiều người có xu hướng bắt chước cách ăn mặc của phương Bắc. Nhận thấy xu hướng đáng lo ngại đó, chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong đã ban hành sắc dụ trong cả nước, quy định về trang phục của dân chúng. Theo đó, đàn ông đàn bà đều phải mặc áo cổ đứng, cửa ống tay có thể tùy thích hẹp hay rộng, đặc biệt không được hở từ hai bên nách trở xuống mà phải khâu kín liền.

Từ đó, áo dài được mặc phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt tầng lớp, giới tính, từ nam đến nữ, từ quan lại cho đến thường dân đều mặc trang phục này. Sắc lệnh của chúa Nguyễn Phúc Khoát được xem là những miêu tả đầu tiên, làm nền tảng cho việc phát triển và cải tiến chiếc áo dài sau này.

Những thời kì sau đó, chiếc áo dài cũng có những thay đổi nhỏ, có sự khác biệt giữa áo dài nữ và nam cũng như giữa miền Bắc và miền Nam. Nhưng thời kỳ đánh dấu sự cải biến vượt bậc của chiếc áo dài phải kể đến đó là những năm 1930-1940 là giai đoạn xuất hiện của chiếc áo dài tân thời. Họa sĩ Cát Tường là người có công trong việc sáng tạo ra chiếc áo dài cách tân đầu tiên “Le Mur” mang cảm hứng từ chiếc váy phương tây.

Tuy nhiên, mãi đến sau này khi họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” dung hòa giữa nét mới lạ của phương Tây và nét truyền thống, chiếc áo dài cách tân mới được đón nhận bởi đông đảo người dân. Đến thập niên 1940-1950, áo dài được đánh giá là chiếc áo dài có thiết kế đẹp nhất trong các giai đoạn lịch sử. Áo dài có sự khác biệt giữa ba miền Bắc Trung Nam bởi có sự khác biệt về khí hậu, địa lí và văn hóa vùng miền.

Giai đoạn thập niên 1960-1970 là giai đoạn áo dài của nhiều biến đổi nhất. Từ đó đến nay chiếc áo dài Việt Nam vẫn luôn có sự biến đổi nhờ vào sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa khác nhau. Về phần áo dài nam, chiếc áo dài tuy đã không còn phổ biến như áo dài nữ nhưng vẫn xuất hiện trong các hoạt động nghệ thuật hay các ngày lễ trọng đại.

Về cấu tạo, các phần chính của một chiếc áo dài bao gồm cổ áo, thân áo, tay áo. Mặc kèm với áo dài là chiếc quần dài ống suông, có cùng chất liệu may với áo dài để đồng bộ. Cổ áo dài thường cao từ 4 đến 5 cm, ôm sát vào cổ, có khoét hình chữ V phía trước. Hiện nay, do có nhiều sự cách tân mà cổ chiếc áo dài có thể có hình chữ U, hoặc kiểu trái tim, mang đến sự trẻ trung, nhiều lựa chọn hơn cho người phụ nữ mà vẫn không kém phần duyên dáng, thanh lịch.

Thân áo có thể được chia làm hai phần, phần bên trên được may đo sát vào người để tôn lên những đường cong quyến rũ của người phụ nữ, phần phía dưới là hai tà áo dài quá đầu gối, được để thả tự nhiên để có thể tung bay trong gió khi di chuyển. Tay áo được tính từ vai áo kéo dài xuống tay, thường được thiết kế bó sát. Một số chiếc áo dài hiện đại có thể cải biến cánh tay của chiếc áo dài thành nhiều dáng khác nhau như ống xòe, ống xẻ,..

Chiếc áo dài Việt Nam là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc, ẩn chứa những nét đẹp trang nhã, thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ. Ta vẫn thường thấy những cô học sinh trung học thướt tha trong tà áo dài đến trường vào mỗi sớm thứ Hai. Chiếc áo dài là trang phục dành cho mọi đứa tuổi, là trang phục chuẩn mực của người dân đất Việt trong những dịp lễ, tết, hay trong những ngày quan trọng.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng về trang phục truyền thống, yêu quý vẻ đẹp của những tà áo dài cũng chính là yêu quý vẻ đẹp của đất nước, tự hào về những gì được xem là truyền thống. Vẫn còn đó những câu hát về tà áo dài tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông trong mắt mỗi con dân nước Việt cũng như bạn bè quốc tế:

“Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài... Em phụ nữ Việt…

Ánh lên bao rạng ngời người Phương Đông…”

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 20

Trên thế giới mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống có nét đẹp riêng biệt. Với con người Nhật Bản họ luôn tự hào về trang phục Ki-mo-no, sối với người Ấn Độ luôn có trang phục duyên dáng Xa-din. Còn đối với con người Việt Nam, chiếc áo dài là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hóa dân tộc là niềm tự hào của chúng ta.

Áo dài ra đời từ rất lâu, cho đến nay vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng trở về tìm với cội nguồn nối ngược dòng thời gian, hình ảnh chiếc áo dài với tà áo thướt tha đã được tìm thấy ở các hình ảnh khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài trăm năm. Trải qua các thời kỳ cải tiến, cho ra đời nhiều loại áo dài nhưng xơ khai về chiếc áo dài xưa là áo giai lãnh giống như áo tứ thân chỉ khác áo tứ thân ở cách mặc, khi mặc hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại, bởi vậy sau này do người phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn thành áo tứ thân gồm 4 vạt nửa trước phải trái, nửa sau phải trái, Nhưng đối với người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ muốn có một kiểu áo dài thướt tha để tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ thì chiếc áo dài tứ thân đã dần được cải tiến trở thành chiếc áo ngũ thân phía trước có 3 vạt để các cô các bà mặc trong các lễ hội  mùa xuân.

Vào khoảng những năm 1930, hai họa sĩ du học từ Pháp về là Nguyễn Cát Tường và Lê Phổ đã có sự cách tân cho áo dài, hai ông đã vẽ và chỉnh trang kiểu áo dài phụ nữ có cổ cao, không có eo biểu lộ sự kín đáo của người phụ nữ vạt áo thả xuống qua đầu gối, áo được mặc với quần thung trắng hoặc đen. Mặc dù áo được cách tân hay truyền thống thì khi mặc chiếc áo dài  người phụ nữ cũng trở lên thướt tha và quyến rũ hơn. Ngày nay, chiếc áo dài vẫn không ngừng cải tiến cách tân theo sở thích, sự sáng tạo của người sử dụng , cải tiến không cổ, tay cộc có nhiều màu sắc tùy ý thích. Các nhà thiết kế thời trang nay đã sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài  tân thời bằng nhiều chất liệu vải tốt như lụa, ren, gấm, nhung đủ các màu sắc trắng, hồng, xanh, tím… Trên tà áo được trang trí bằng nhiều họa tiết đẹp có thể là những bông hoa rực rỡ hay một số loài chim đủ màu sắc lộng lẫy, gợi lên dáng yêu kiều đài các quý phái của các cô thiếu nữ, khuy áo chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo được làm bằng hạt cườm, hạt ngọc óng ánh cúc bấm, có thể thấy chiếc áo dài là trang phục không hề dườm dà, cầu kỳ mà ngược lại nó tạo dáng yểu điêu thướt tha cho người phụ nữ. Muốn mặc chiếc áo dài thanh thoát, duyên dáng hơn thì người con gái có thể đi kèm với một số nữ trang như giày cao gót, guốc, đeo vòng cổ, hoa tai… Ngày nay, tùy thuộc lứa tuổi mà lựa chọn màu sắc phù hợp, nữ sinh thường mặc áo dài màu trắng hoặc trong các đại lễ hội nghị thì màu đỏ, vàng. thuyết minh về chiếc áo dài

Chiếc áo dài là thứ trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. chiếc áo dài được coi là quốc phục của con người trong những ngày đại lễ của đất nước. Trong các trường học thì chiếc áo dài trắng là những bộ đồng phục của tuổi học trò gợi lên vẻ đẹp tinh khôi của thế hệ học trò, chắc hẳn trong cuộc đời của phụ nữ Việt Nam ai cũng được một lần mặc trên mình tà áo dài truyền thống của đất nước. Vào các ngày lễ hội, các bà, các cụ vẫn thường mặc áo dài , hình ảnh của thiếu nữ xuất hiện trong chiếc tà áo dài. Ngày xưa, chiếc áo dài là trang phục của cô dâu, nó có mặt trong các buổi dạ tiệc, các buổi hội họp, Đặc biệt hơn nó xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu, người con gái trở nên thật duyên dáng, điệu đà trong trang phục truyền thống. Phải chăng chiếc áo dài vừa lịch sự vừa lộng lẫy, kín đáo, không kém bất kỳ trang phục nào trên thế giới.

Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam đẹp mà giản dị là niềm tự hào và hãnh diện của con người Việt . Trong tương lai, y phục của con người sẽ càng trở nên đa dạng, phong phú, hiện đại nhưng chiếc áo dài sẽ mãi gắn bó với tâm hồn phụ nữ Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 21

Nhắc đến trang phục truyền thống nước ta phải nói đến áo dài là trang phục dành cho cả nam lẫn nữ, mang lại sự kín đáo, vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng cho người con gái. Áo dài là trang phục có tính lịch sử và biểu tượng văn hóa.

Áo dài xuất hiện từ rất sớm, kiểu dáng hai tà dài trước và sau có từ rất lâu. Vào năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã có nhiều cải cách mẫu áo dài thành kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, từ đó đến nay áo dài Việt Nam không có nhiều sự thay đổi đáng kể.

Tùy theo đặc điểm vùng miền mà áo dài có sư da dạng như áo dài cổ đứng, áo dài cổ mềm,áo dài cách tân tà ngắn… chia theo giới tính có áo dài cho nam và cho nữ. Áo dài  được thiết kế sao cho khi mặt ôm sát người, cổ cao. Cổ áo cổ tròn, cổ áo ôm khít mang lại vẻ đẹp kín đáo.

Thân áo chia ra làm thân trước và thân sau. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông mềm. Hai tà xẻ chít trên vòng eo giúp người mặc có sự dễ chịu, thoải mái. Tay áo dài được may liền từ cổ áo đến cổ tay. Áo dài phù hợp khi mặc chung với quần cùng màu sắc giúp cho tạo ra sự đồng bộ, hài hòa.

Áo dài được sử dụng rất nhiều trong đời sống như học sinh mặc đồng phục đến trường, cô giáo mặc khi đi dạy, các quý bà mặc trong các dịp lễ hội, đám tiệc, áo dài mang vẻ truyền thống trang phục kín đáo, thể hiện bản sắc riêng của con gái Việt.

Chiếc áo dài để sử dụng bền lâu, người mặc cần biết cách bảo quản tốt như không được giặt áo bằng máy giặt mà phải giặt bằng tay, không được giặt nước nóng có thể khiến áo bị biến dạng. Khi mặc không nên bó quá sát khiến áo bị rách.

Áo dài giúp cho người con gái trở nên thật xinh đẹp, duyên dáng, áo dài không chỉ là một trang phục truyền thống mà nó còn là tinh hoa và hồn của người phụ nữ Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 22

Chiếc áo dài là trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài khoác ngoài mầu thẫm, bên trong là chiếc áo cánh sen, áo mỡ gà,... làm cho người phụ nữ quê ta trở nên duyên dáng, xinh đẹp và trang trọng.

Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo nam thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo nam thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vai rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lễ Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.

Chiếc áo dài tân thời ngày nay vốn là chiếc áo dài tứ thân được cải tiến. Ống tay dài thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên eo, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.

Trong lễ hội, hình ảnh các thiếu nữ xuất hiện trong chiếc áo dài tân thời, người đi xem cảm thấy đàn bướm sặc sỡ đang bay lượn giữa vườn hoa xuân.

Thứ hai hằng tuần, trường em quy định giáo viên nữ mặc áo dài trắng, các giáo viên nam mặc vét, thắt ca-vát, đi giầy. Lễ chào cờ hằng tuần trở nên long trọng; sân trường như sáng bừng lên.

Chiếc áo dài màu trắng điểm hoa, chiếc áo dài màu xanh da trời, màu tím Huế đã làm tôn vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trang nhã, trinh trắng hơn, mềm mại, tươi đẹp hơn.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 23

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

   Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

   Áo dài một biểu tượng văn hóa đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến áo dài là nhắc đến bộ quốc phục của dân tộc, với dáng yểu điệu, thướt tha tung bay trong gió. Để chiếc áo dài có được hình dáng, cấu tạo như thời điểm hiện tại là cả một quá trình sáng tạo và phát triển dài lâu.

   Về lịch sử ra đời của áo dài vẫn chưa có những kết luận thống nhất với nhau. Có một vài nghiên cứu cho rằng, sự xuất hiện của áo dài là khi Trần Anh ông cấm dân chúng không được mặc áo tay rộng. Hay đời vua Trần Anh Tông cấm không được dùng trang phục của Trung Quốc. Nhưng cứ liệu được mọi người viện dẫn nhiều hơn cả về sự ra đời của áo dài là chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, là người đã sáng tạo nên chiếc áo dài đầu tiên. Đến năm 1930, một nhà họa sĩ người Pháp đã biến đổi và cách tân hình dáng của áo dài, với những đường chiết eo ôm sát vào cơ thể, tạo nên sự yêu kiều, duyên dáng, tăng thêm vẻ nữ tính cho người mặc. Và áo dài sau nhiều lần cải tiến, cách tân đã có hình dáng như hiện tại.

   Áo dài có cấu tạo không quá phức tạp gồm hai phần tách riêng biệt là phần áo và phần quần. Phân thân áo tiếp tục được chia làm hai phần nhỏ là thân áo và tà áo. Cổ áo dài thường được may từ 4 đến 5cm, tùy chiều cao của cổ, bởi cổ người Việt tương đối ngắn, nên nếu may cáo sẽ làm mất đi vẻ thanh tú của khuôn mặt. Cổ thường được may hình chữ V, nhưng đến nay đã được biến đổi rất đa dạng như cổ tim, cổ tròn,… phù hợp với nhu cầu của người mặc. Thân áo được tính từ chân cổ xuống đến eo, thân áo thường được chít eo, ôm sát cơ thể của người phụ nữ, tôn lên vẻ đẹp quyến rũ cho người mặc. Bên cạnh thân áo là đường cúc bấm định hình, được cài rất chắc chắn. Hiện nay phần nay có thể thay đổi bằng cách kéo khóa ở phía sau, nhưng đẹp nhất vẫn là khi có một hàng cúc bấm bên sườn, chỉ khi ấy dáng vẻ vừa thanh tú, vừa quyến rũ của người mặc mới được tôn lên trọn vẹn. Phần thứ hai của áo là tà, tà áo được kéo dài từ eo xuống đến quá đầu gối. Tà trước và tà sau bằng nhau, nhưng hiện nay ta áo có thể làm so le, ta trước hoặc sau dài ngắn khác nhau. Để tăng thêm vẻ đẹp của chiếc áo dài, phần tà trước và tà sau có thể thêu thêm các họa tiết khác nhau như hoa, cây, cảnh vật,… Tay áo được may dài đến cổ tay người mặc, phần trên ôm sát, phần dưới hơi leo rộng ra, để tạo độ rủ và thướt tha hơn cho chiếc áo. Tay áo cũng được biến tấu hết sức đa dạng được may cộc tay, tay lỡ,… tạo nên sự phong phú, đa dạng cho chiếc áo dài.

   Phần quần thường được may hết sức đơn giản, cùng màu với áo dài, hoặc có thể khác màu. Quần áo dài may bằng chất liệu lụa, ộng quần rộng tựa như cái váy, vừa thoải mái, tiện lợi lại vẫn tôn lên vẻ yêu kiều, duyên dáng.

   Áo dài là một biểu tượng đẹp đẽ của Việt Nam. Đối với những du khách nước ngoài chỉ cần nhắc đến nón lá, áo dài là họ sẽ nghĩ ngay đến những cô gái Việt xinh xắn, thướt tha. Áo dài còn đươc dùng trong những ngày trọng đại của con người. Cô dâu đầu đội khăn xếp, thân mặc áo dài đỏ duyên dáng, rực rỡ tràn đầy hạnh phúc. Trong ngày lễ vu quy trọng đại, không có tà áo dài đỏ sẽ thiếu đi cái may mắn, hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

   Áo dài còn mang đến nguồn cảm hứng cho thi ca, âm nhạc muôn thê hệ:

   Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay

(Phạm Duy)

   Hay vẻ đẹp dịu dàng, tinh khôi của áo dài trong vần thơ Huy Cận:

   Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong

   Hôm xưa em đến mắt như lòng

   Nở bừng ánh sáng em đi đến

   Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng.

   Áo dài, vẻ đẹp, biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng áo dài vẫn giữ vững những giá trị của nó. Chúng ta cần yêu quý, tôn trọng và có những phương thức để giữ gìn, phát huy vẻ đẹp của áo dài. Đó cũng chính là cách thức để giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 24

Không một ai có thể khẳng định chiếc áo dài Việt Nam ra đời từ khi nào. Qua mỗi thời kì lịch sử của đất nước, hình ảnh những tà áo dài cũng dần thay đổi, cải tiến nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc Việt. Kiểu dáng sơ khai của chiếc áo dài ra đời vào khoảng thế kỉ 17, đơn giản chỉ là chiếc áo lãnh bốn vạt, bên ngoài được khoát yếm lót kết hợp với váy đen và thắt lưng có nét khá giống với chiếc áo tứ thân.

Vào khoảng năm 1645, hình ảnh những tà áo tứ thân ra đời với thiết kế thả dài xuống hoặc được cột gọn, không có khuya cài với màu vải nâu đặc trưng. Bên trong áo, người mặc có thể chọn một chiếc yếm với màu sắc tùy thích, cụ thể: đối với những phụ nữ đứng tuổi thì gam màu trắng sẽ rất phù hợp.

Ngược lại, các cô gái trẻ với những gam màu tươi sáng: thắm đỏ, hoa đào,… thể hiện sự tươi trẻ, khỏe khoắn những cũng toát lên vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo của phụ nữ Việt.

Sau đó, vào khoảng thế kỉ 18, những chiếc áo dài Năm Thân được ra đời, gồm hai khổ vải được may nối lại thành thân áo vô cùng kín đáo, mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, được xem là biểu tượng của tứ thân phụ mẫu và phần thân áo thứ năm sẽ tượng trưng cho người mặc. Hơn thế nữa, hình ảnh chiếc áo Năm Thân luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý làm người của con người Việt Nam.

 Một bước đi dài với những đột phá, sáng tạo trong ý tưởng thiết kế của họa sĩ Cát Tường đã cho ra đời kiểu áo dài lemur. Với những đường cong ôm sát thể hiện đường cong quyến rũ của người phụ nữ với thiết kế đinh nơ, cổ khoét trái tim,… mang lại sự khỏe khoắn, tươi mới cho người mặc.

Bước sang những năm 1960, hình ảnh chiếc áo dài với tay raglan với tay áo được nối từ cổ xuống nách, phần tà trước và tà sau được nối với nhau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông nhằm khéo léo khoe được đường cong quyến rũ của người phụ nữ, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái, linh hoạt cho người mặc. Kể từ thời điểm này, chiếc áo dài Việt Nam được ra đời.

 Sau đó, hình ảnh chiếc áo dài được sáng tạo với rất nhiều kiểu dáng khác nhau, điển hình như: áo dài hở cổ, hoặc áo dài cổ thuyền, cổ khoét,… hoặc những tà áo dài chít eo – áo dài mini lần lượt ra đời vào những năm 1960 – 1970 nhưng vẫn mang lại sự thoải mái, tiện lợi cho người mặc.

 Những năm 1970, chiếc áo dài hiện đại Việt Nam đã ra đời với những kiểu dáng phá cách và được thiết kế trên các loại chất liệu khác nhau, mang đến sự tươi trẻ nhưng vẫn tôn vinh được vẻ đẹp dịu dàng, nết na của phụ nữ Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là tìm hiểu tường tận về lịch sử ra đời mà cấu tạo của chiếc áo dài Việt Nam cũng là một yếu tố góp phần tạo nên những chiếc áo dài duyên dáng như hiện nay.

Chiếc áo dài Việt Nam bao gồm các phần như: cổ áo, thân áo, tay áo, quần mặc với áo dài.

•        Cổ áo dài:

Cổ áo thường cao khoảng 4 đến 5cm, được khoét hình chữ V trước cổ, giúp tôn vinh vẻ đẹp thanh phú của người phụ nữ Việt. Hiện nay, chiếc áo dài Việt được cách tân, sáng tạo với rất nhiều kiểu dáng cổ như cổ thuyền, cổ tròn, kiểu trái tim,… mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho chị em phụ nữ.

•        Thân áo dài

Phần thân áo được đo và may ôm sát vào người, đặc biệt ở phần eo được chít ben khéo léo thể hiện đường cong 3 vòng quyến rũ của người phụ nữ. Tính từ eo, thân áo được xẻ làm hai tà (tà trước, tà sau).

Phần hai bên thường có hàng cúc kèm theo, chủ yếu sử dụng cúc bấm được cài bắt đầu từ phần cổ qua vai xuống đến hết eo.

Phần dưới là phần tà, có hai tà được may bắt buộc phải qua đầu gối. Khi di chuyển sẽ tung bay trong gió.

•        Tay áo dài

Tay áo tính từ vai xuống, được may ôm sát, dài qua khỏi tay một chút nhưng với chất liệu vải mỏng nên luôn tạo được sự thoải mái nhưng vẫn kín đáo cho người mặc.

Mẫu áo dài cách điệu phần cổ tay phồng tạo nên nét ấn tượng cho người mặc

•        Quần mặc với áo dài

Quần áo được đi kèm với chất liệu vải mềm như lụa, vải silk bóng, với tông màu được ưa chuộng chủ yếu là màu đen, trắng. Hiện nay,  những tà áo dái với những chiếc quần màu sắc rực rỡ là hình ảnh hết sức quen thuộc vào mỗi dịp lễ Tết.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ thường chọn màu sắc quần cùng tông với áo dài để tổng thể bộ trang phục trở nên hài hòa, cân đối về màu sắc hơn. Hoặc nếu là áo dài có họa tiết hoa văn thì màu sắc của quần chính là một trong những màu thuộc hoa văn trên thân áo. Các mẫu quần thường được các nhà thiết kế chọn lựa là dạng ống suông, rộng có thiết kế thẳng đứng với phần eo ôm sát tạo đường cong cho phái đẹp. Tuy nhiên, với mẫu áo dài cách tân hiện đại, phần quần áo dài này thay đổi và được biến tấu thành loại quần jean, legging ôm hoặc quần cullotes lửng, váy xòe, … rất đa dạng.

Hình ảnh tà áo dài đã trở nên quá gần gũi và thân thuộc với mỗi người phụ nữ Việt.  Không đơn thuần là những bộ trang phục thể hiện bản sắc và văn hóa của dân tộc Việt, qua đó nó còn là một biểu tượng của những người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài truyền thống đại diện cho sự trang nghiêm, chuẩn mực của người phụ nữ

Ngày nay, chiếc áo dài Việt Nam còn được sử dụng như một trang phục được diện để dạo phố cũng gia đình, đi dự tiệc hay vào mỗi dịp lễ Tết lớn của dân tộc, đôi khi còn là trang phục của các cô nàng công sở chốn văn phòng,…

 Có thể nói, nếu như mẫu áo dài truyền thống với hai tà dài thướt tha đại diện cho sự trang nghiêm, mẫu mực thì những thiết kế hiện đại của mẫu áo dài cách tân với tà ngắn lại mang đến sự mới mẻ, độc đáo như thổi một luồng gió mới, phóng khoáng hơn cho phụ nữ ngày nay.

Không quá trang trọng, chú ý nhiều hơn đến sự thoải mái phù hợp với nhiều địa điểm hoặc các dịp khác nhau, dễ dàng lựa chọn cho người mặc chính là những ưu điểm phải kể đến của áo dài.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 25

Chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống của người Việt từ lâu đời. Nó mang đậm bản sắc dân tộc và tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ. Bạn bè quốc tế cũng rất yêu thích và thán phục vẻ đẹp lạ kỳ, đầy hấp dẫn của chiếc áo dài Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận. Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài, tranh khắc trang phục cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Nét đặc trưng mạnh mẽ nhất của áo dài chính là hai tà áo, dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất vẫn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Có nhiều người cho rằng áo dài Việt là một bản khác của sườn xám của phụ nữ Trung Quốc, nhưng chiếc sườn xám chỉ xuất hiện vào khoảng 1920, còn tà áo dài Việt đã có từ rất lâu trước đó. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa truyền thống của riêng Việt Nam, là của người Việt Nam.

Áo dài cấu tạo gồm ba phần: cổ áo, thân áo và tay áo. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,… Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chít ben (hai ben ở thân sau và hai ben ở thân trước). Cúc áo dài thường là cúc bấm,  từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Ngày mới ra đời áo dài có năm khuy ở năm vị trí cố định vừa giữ cho thân áo ngay ngắn vừa tượng trưng cho năm đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ,  trí, tín. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, không có cầu vai, may liền, dài đến qua khỏi cổ tay một tí. Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu đen. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.

Có nhiều loại vải dùng để may áo dài như lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung…nhưng tính chất chung là phải mỏng, nhẹ thì áo mới đẹp. Các bà và các chị ở độ tuổi trung niên thích may áo dài bằng nhung, gấm cho sang trọng để mặc trong những dịp cưới hỏi, lễ tết. Còn thanh nữ và thiếu nữ lại thích những chất liệu nhẹ nhàng hơn và màu sắc tươi mát hơn. Chiếc áo dài đi đôi với chiếc quần lụa hay sa tanh, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng.

Giờ đây chiếc áo dài phụ nữ đã trở thành một tác phẩm mĩ thuật tuyệt vời. Đó là niềm tự hào của y phục dân tộc. Năm 1970, tại hội chợ quốc tế O-sa-ka (Nhật Bản) chiếc áo dài của phụ nữ Việt nam đã đoạt huy chương vàng về y phục dân tộc. Khách quốc tế trầm trồ và ngây ngất khi ngắm nhìn những vạt áo dài lả lơi như những cánh bướm trước gió. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, vừa khêu gợi được những nét đẹp kiều diễm, mảnh mai của người phụ nữ Việt Nam .

Chiếc áo dài ngoài vẻ đẹp văn hoá còn có một ý nghĩa đạo lí. Người xưa dạy rằng: Hai tà áo (hai vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Cái yếm che trước ngực nằm giữa những chiếc áo ngoài tượng trưng cho hình ảnh mẹ ôm ấp con vào lòng. Năm khuy cài nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giử cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi mặc áo dài tứ thân người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau cho chiếc áo cân đối tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thuỷ bên nhau.

Ngày nay có nhiều kiểu áo thời trang của nước ngoài du nhập vào nước ta, nhưng trang phục truyền thống, chiếc áo dài dân tộc vẫn là một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam . Chiếc áo dài đã trở thành quốc phục. Đó là tâm hồn, cốt cách của người Việt gửi vào vẻ tha thướt, quyến rũ của chiếc áo.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 26

Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến Áo dài. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam vẫn tồn tại cùng với thời gian, được xem làtrang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài, nhưng nếu ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài Việt với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm.Theo tư liệu của ông Âu Tuyền (Huế), chiếc áo dài xưa "có độ dài vừa phải, không lê thê phết gót mà cũng không ngắn đến quá đầu gối. Eo áo rộng nhưng cũng tạo dáng thắt đáy lưng ong. Vai tròn, ngực tròn dù bên trong chỉ mặc áo yếm. áo dài xưa thường có màu trắng hoặc màu nhẹ nhàng như màu xanh da trời, tím nhạt, tuyền đen, vàng mơ mặc với quần đen hoặc trắng, ống quần không quá rộng...". Chất liệu chủ yếu bằng lụa là. Áo có độ dài cổ xuống đến chân ,Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu, cũng có khi là cổ thuyền, cổ tròn theo sở thích của người mặc. Khi mặc, cổ áo ôm khít lấy cổ, tạo vẻ kínđáo. Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Thân áo gồm hai phần: Thân trước và thân sau, dài suốt từ trên xuống gần mắt cá chân. Thân áo may sát vào form người, khi mặc, áo ôm sát vào vòng eo, làm nổi bật những đường cong gợi cảm của người fụ nữ. Tay áo dài ko có cầu vai, may liền, kéo dài từ cổ áo đến cổ tay. Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng,thướt tha, uyển chuyển. Áo dài thường mặc với quần đồng màu hoặc màu trắng bằng lụa, satanh, phi bóng....với trang fục đó, người phụ nữ sẽ trở nên đài các, quý phái hơn. Thợ may áo dài phải là người có tay nghề cao, thợ khéo tay sẽ khiến áo dài khi mặc vào ôm sát người,nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Trong vòng 100 năm qua, chiếc áo dài Việt Nam cũng trải nhiều biến đổi, thăng trầm. Từ chiếc áo dài thụng năm thân, áo rộng, không eo, dài đến gần mắt cá chân của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ đến năm 1935 hoạ sĩ Lê Phổ là người đầu tiên cách tân chiếc áo dài Việt Nam. Ông vẫn giữ phong cách của áo dài cổ điển nhưng tiện dụng và tân thời hơn với áo dài được may ôm hơn, cổ thấp hơn, chiều dài áo ngắn hơn một đoạn. Sau áo dài Lê Phổ còn có áo dài Le Mỷr của ông Nguyễn Cát Tường cách tân nhưng không thành công với áo dài tay bồng... Trong thập niên 60, trước sự du nhập của chấtliệu nilon, bà Trần Lệ Xuân có lúc lăng xê loại áo dài nilon mỏng tang, cổ khoét sâu táo bạo với cổ áo dài rộng, cổ tròn, cổ vuông, cổ trái tim. Nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại gượng gạo trong một thời gian ngắn. Không giống như kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Trên chững chuyến bay đường dài với những sự thay đổi thời tiết và khí hậu đột ngột dễ gây mỏi mệt và bực bội đối với những hành khách trên không, hình ảnh những thiếu nữ Việt xinh tươi đằm thắm trong tà áo dài chính là “linh hồn” làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho hành khách của chuyến bay. Không chỉ có thế, ngày nay tại các công sở, cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh những phụ nữ gọn nhẹ trong tà áo dài nhưng vẫn hoạt bát nhanh nhẹn xử lý công việc thật ngăn nắp, chỉnh chu. Đúng như lời nhận xét của một chuyên gia thời trang Đông Nam Á: “Áo dài Việt Nam tạo ra sự thoải mái cho người phụ nữ. Trong khi áo dài Trung Quốc có một số hạn chế, áo dài Việt cho phép người mặc có thể hoạt động tự do và nó cũng có sức cuốn hút hơn”. Vào khoảng tháng 06.2001, lần đầu tiên áo dài Việt Nam được giới thiệu tại thành phốTour, Pháp với sự tham dự của khoảng 300 người hâm mộ văn hóa Việt, chiếc áo dàiđược xem là di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt. Một cô gáingười Singapore gốc Trung Quốc từng phát biểu: “nhiều người đang có khuynhhướng làm đẹp theo kiểu phương Tây nhưng với tôi và không ít người khác lại muốnkế thừa những nét đẹp Á Đông. Áo dài đưa chúng tôi trở về với những giá trị châu Á”.Không chỉ tại châu Á, trong con mắt người phương Tây, từ lâu chiếc áo dài cũng đãđược chú ý, chị Susan, một phụ nữ gốc Anh sống ở Úc từng qua công tác và làm việcở Việt Nam, đã tìm may và sưu tầm cho mình ba bộ áo dài đẹp để mặc vào những dịplễ hội khi chị còn ở Việt Nam, khi về nước chị đã kỹ càng gói lại và đem về mặc lạicho những người thân của mình xem khi có dịp. Và như là một hình thức để giới thiệuvề đất nước và con người Việt, đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã từng làmmột bộ phim dài 30 phút về áo dài Việt Nam để trình chiếu tại nước nàyTrong những sự kiện quốc tế diễn ra tại Việt Nam, Áo dài đã được chọn làm bộ trangphục cho các nguyên thủ mặc khi đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tại HàNội. Năm 2007, Hoa hậu Trái đất đến từ các nước đã bị hấp dẫn bởi trang phục dântộc đặc sắc này và các Hoa hậu đã có dịp rạng rỡ khoe sắc với tà áo dài và nón lá tạiTP.Hồ Chí Minh, hay trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà 2009… Hình ảnh phụ nữ/con gái Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống đã được nhiều nhà nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ và nhạc. Bài thơ nổi tiếng về chiếc áo dài có thể kể là "Áo lụa Hà Đông" của Nguyên Sa, bài này được phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng và là cảm hứng cho một bộ phim điện ảnh cùng tên, với những câu:Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mátBởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài này cũng không quên làm nổi bật hình ảnh áo dài khi sửa thành:Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay...Còn về hội hoa,không thể không kể đến bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943, là một trong những tác phẩm hội họa hiện đại Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất, miêu tả một cô gái mặc áo dài trắng ngồi bênmột bình hoa huệ tây(hoa loa kèn).Có thể nói,áo dài dù cho có màu sắc đậm chói hay dịu mát, ngay bằng hàng vải thô sơ hay tơ gấm lụa là, vạt áo có ngắn cũn hay dài thượt, thân áo nhỏ hẹp hay rộng rải, cổ áo có cao kín hay để hở, bộ áo dài Việt Nam vẫn là sự kết hợp của chân thiện mỹ, không những nói lên nhân sinh quan Việt Nam, mà còn gói kín tinh thần Việt Nam: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa mà gạn lọc cặn bã, tô bồi thêm nét đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập.Áo dài chính là niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.Vậy nên, thế hệ trẻ ngày nay có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ nét đẹp áo dài-một trong những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 27

Không quần jeans giày cao gót, em chọn riêng mình em áo dài…. duyên dáng…."

Lời hát quen thuộc đối với người con đất Việt. Lời hát ngân nga trong âm điệu du dương đưa hồn ta về với dân tộc quê hương, về với tà áo dài duyên dáng Việt.

Áo dài là một loại trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam. Ngày nay, áo dài được coi như là quốc phục. Áo dài thường được may bằng chất liệu mỏng nhẹ, mềm mại. Chuyện kể rằng, xưa kia, những loại gấm tơ tằm được dệt lên từ bàn tay của những người nông dân chăm chỉ cần mẫn trồng dâu nuôi tằm lấy kén nhả tơ. Rồi sáng tạo ra chiếc áo dài truyền thống thay thế cho những chiếc áo tứ thân hay váy thâm xòe của người Việt Nam. Vào thế kỷ 18, chiếc áo dài ra đời là bước nhảy vọt về trang phục và văn hóa của người Việt Nam.

Gọi là áo dài bởi theo cấu tạo của áo, thân áo gồm hai mảnh bó sát eo người phụ nữ rồi từ đáy lưng ong hai tà áo thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước di chuyển duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái. Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn vẽ lên vẻ đẹp yêu kiều của người con gái. Chiếc quần của áo dài được may theo kiểu quần ống rộng bẳng vải đồng chất, đồng màu với chiếc áo hay màu trắng nâng đỡ cho tà áo, làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục thêm mượt mà duyên dáng gợi vẻ đằm thắm đáng yêu. Đã bao nhiêu thập kỉ trôi qua, nhưng hình ảnh những cô nữ sinh trường Quốc học Huế trong tà áo dài trắng tinh khôi vẫn như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết, cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Ngày nay trang phục ấy đã trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn cả nước.

Chiếc áo dài được ra đời vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát(1739 – 1765). Chiếc áo dài được thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau. Chiếc áo dìa đầu tiên là chiếc áo dài giao lãnh, giống với áo tứ thân nhưng hai tà trước không buộc lại và mặc cùng với váy thâm đen. Trải qua nhiều hình dáng kiểu cách áo dài khác nhau, cuối cùng chiếc áo dài Việt dừng lại ở kiểu truyền thống và cách tân. Áo dài truyền thống có cổ áo cao từ 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này sẽ làm tôn lên vẻ đẹp cổ cao ba ngấn thanh tú của người phụ nữ. Ngày nay, để phù hợp với nhiều gu thẩm mĩ khác nhau của người phụ nữ, cổ áo được biến tấu với nhiều kiểu như cổ tròn, cổ chữ u, cổ trái tim… Tiếp đến là phần thân áo. Thân áo được tính từ cổ áo xuống đến phần eo. Thân áo được may vừa vặn, ôm sát thân người mặc,ở phần eo được chít ben (hai ben ở thân sau và hai ben ở thân trước). Thiết kế này giúp làm nổi bật eo thon của người phụ nữ, làm cho đường cong của người phụ nữ được khai thác triệt để. Cúc áo dài thường là cúc bấm, dduwoj cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo của thân áo là hai tá áo xẻ hai bên hông. Hai tà áo này cũng chính là lí do gọi trang phục này là áo dài. Hai ta của áo dài bắt buộc phải dài qua gối. Tay áo dài được tính từ vai. Chiều dài của ống tay cũng rất đa dạng. Có thể kéo dài đến cổ tay hoặc đôi khi chỉ lửng đến cổ tay hoặc ngắn đến bắp tay. Ngày nay, chất liệu may áo dài rất đa dạng, màu sắc cũng phong phú phù hợp với nhiều đối tượng. Áo dài ngày nay được xem như một trang phục truyền thống, vừa là một biể tượng của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài không chỉ là đồng phục của những nữa sinh trung học mà còn trở thành trang phục công sở của nhiều chị em phụ nữ đặc biệt là ngành hàng không, giáo viên, nhân viên bưu điện, viễn thông…

Do chất liệu mềm mại của áo dài nên cần phải được bảo quản một cách rất kĩ càng. Nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt tay, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, là(ủi) dưới nhiệt độ vừa phải. Hình ảnh người phụ nữ Việt mặc áo dài nón lá đội đầu đã là hình tượng không thể xóa nhòa. Nó đã trở thành tượng đài tuyệt đẹp về người phụ nữ Việt nam.

Ngày nay, do xu hướng hiện đại, áo dài mặc dù không là trang phục chính mặc thường nhật nhưng nó vẫn giữu vững vị trí là quốc phục của đất nước Việt Nam. Hình ảnh ta áo dài thướt tha trong gió thực sự không thôi hết quyến rũ trong mắt người nhìn. Yêu lắm tà áo dài Việt đã đi vào lịch sử, là biểu tượng của phái đẹp, là nét văn hóa tâm hồn Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 28

Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những biểu tượng đặc trưng cơ bản cho đất nước mình, để nhìn vào những hình ảnh đó thì bạn bè quốc tế có thể liên tưởng, hình dung ngay đến một đất nước, một dân tộc nhất định. Những vật biểu trưng đó có thể là trong ẩm thực, âm nhạc, di tích thắng cảnh, hoa và một trong những điển hình khác là trang phục. Nếu Nhật Bản có quốc phục là bộ Kimono, Trung Quốc là sườn xám, Hàn Quốc là  han búc thì quốc phục đặc trưng của Việt Nam đó chính là chiếc áo dài.

Cùng với những vật dụng, món ăn, âm nhạc khác, trang phục là một trong những đặc điểm tiêu biểu của mỗi tộc người, mỗi dân tộc. Theo đó thì những trang phục này sẽ phù hợp với truyền thống, phong tục cũng như đặc điểm về khí hậu, tự nhiên, điều kiện sống của đất nước đó. Và kiểu trang phục đặc trưng, được nhiều người dân trong quốc gia ấy mặc và công nhận thì đó được coi là quốc phục. Một trang phục phổ biến và tiêu biểu chỉ có ở dân tộc mình. Áo dài là một trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam, trang phục này đã có từ rất lâu đời, sau nhiều thế hệ thì hình dáng chiếc áo dài ít nhiều có những cách tân. Tuy nhiên, về cơ bản thì vẫn giữ nguyên được những đường nét, kiểu dáng của những chiếc áo dài xưa.

Áo dài là trang phục dành riêng cho những người phụ nữ Việt Nam. Thời phong kiến xưa thì chỉ có những người phụ nữ con nhà quý tộc, những vị phu nhân của quan lớn mới có thể mặc áo dài, một phần do giá trị của chiếc áo dài, phần khác là nó thể hiện được giá trị, đẳng cấp của người mặc xưa. Những người nông dân rất hiếm khi có dịp mặc những chiếc áo dài này, nhà nào có điều kiện thì có thể mặc trong đời một đến hai lần vào những dịp đặc biệt, như ngày cưới, lễ chúc thọ. Tuy nhiên, theo thời gian thì chiếc áo dài được người dân sử dụng ngày càng phổ biến, trở thành một trang phục quen thuộc đối với đời sống sinh hoạt của con người. Cũng có lẽ vì lí do đó mà áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam.

Áo dài có hình dáng dài, độ dài của một chiếc áo tùy thuộc vào chiều cao cũng như vóc dáng của người mặc. Kết cấu thông thường của một chiếc áo dài gồm hai bộ phận chính, đó là phần áo và phần quần. Áo dài thường kéo dài theo chiều dài của thân người đến mắt cá chân, phần váy không liền như những bộ váy hay bộ đầm thông thường mà nó bắt đầu xẻ tà từ phần eo. Cũng vì vậy mà chiếc áo dài của Việt Nam được mặc kết hợp với những chiếc quần. Thông thường thì vải của áo và của quần thường là vải mỏng, thô. Trong đó phần áo thường trơn, không có họa tiết, quần thì có màu tối hơn. Tuy nhiên, ngày nay do nhiều cách tân thì màu sắc cũng như kiểu dáng của chiếc áo dài cũng có sự thay đổi nhiều.

Chiếc áo dài xưa kia thường được may bằng tay, khá rộng rãi, phần vạt váy cũng ngắn hơn so với những chiếc áo dài ngày nay, độ dài của nó chỉ khoảng dưới đầu gối của người phụ nữ một chút. Kiểu dáng này phù hợp với chuẩn mực phong kiến xưa dành cho người con gái, vừa dịu dàng lại có phần kín đáo, thanh cao. Và chiếc áo dài xưa kia thường có dạng cổ tròn, cũng có cổ cao, phần áo cũng giống với ngày nay, không được may liền mà kết nối với nhau bằng những hàng khuy bấm, thuận tiện cho mục đích sử dụng. Áo dài xưa thường được kết hợp với với khăn quấn để đội lên đầu, những vị phu nhân của con lớn còn dùng kết hợp với những chiếc quạt để tăng độ sang trọng, quyền quý của mình.

Ngày nay, chiếc áo dài đã được cách tân rõ nét, kiểu dáng về cơ bản được giữ nguyên nhưng được thêm thắt vào những chi tiết, những đường nét cũng có sự phá cách, sáng tạo. Những chiếc áo dài ngày nay vừa kế thừa được những truyền thống xưa, vừa mang những nét hiện đại, tôn vinh lên được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cụ thể của việc cách tân đó như sau: phần cổ áo cũng được biến hóa đa dạng hơn, kiểu cổ tròn vẫn được giữ nguyên nhưng được sử dụng phổ biến hơn cả vẫn là kiểu cổ cao, may cứng, ôm vào đường viền cổ của người phụ nữ, phần tay áo cũng không chỉ là dài tay như xưa mà được sáng tạo ra nhiều kiểu khác nhau, có thể là tay dài, tay ngắn hay tay lỡ, tùy vào sở thích cũng như mục đích sử dụng của mỗi người.

Phần áo cũng không còn được may rộng như trước mà nó được cách tân, may ôm sát vào cơ thể, làm tôn vinh được những đường nét trên thân thể của người phụ nữ, vì vậy nên hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam ngày nay vẫn mang sự kín đáo, tế nhị lại vừa mang phong cách hiện đại mà không kém phần quyến rũ. Xưa kia những chiếc quần thường được may tối màu và có những màu sắc phù hợp với màu áo. Tuy nhiên, ngày nay người ta có xu hướng sử dụng những màu sắc đối lập để làm nổi bật vóc dáng người mặc. Ví dụ như màu đen và màu trắng, đỏ và đen… Ngày nay, vào những dịp đặc biệt như những ngày lễ, kỉ niệm quan trọng như lễ kỉ yếu, lễ cưới hay những buổi trao giải, thi hoa hậu thì chiếc áo dài lại là trang phục số một được sử dụng.

Như vậy, chiếc áo dài Việt Nam không chỉ là chiếc áo dài truyền thống mà còn là quốc phục, trang phục có thể tôn vinh lên sắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, trên các đấu trường nhan sắc quốc tế, những người hoa hậu đều lựa chọn cho mình những tà áo dài, vừa thể hiện được bản sắc của dân tộc lại vừa mang được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Với chiếc áo dài, người phụ nữ Việt Nam trở nên nổi bật, kiêu hãnh để sánh vai với những người phụ nữ của quốc gia khác trong niềm tự hào.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam hay nhất 29

Mỗi quốc gia có một trang phục truyền thống riêng thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhưng theo tôi nghĩ, có lẽ trang phục đem lại cho người phụ nữ “đất phương Nam” nét đẹp duyên dáng, đoan trang, xinh tươi và tạo được ấn tượng nhất đó là trang phục áo dài của dân tốc Việt Nam.

Người dân Việt Nam ai cũng tự hào về trang phục truyền thống ấy. Chiếc áo dài xuất hiện từ rất lâu, khoảng đầu thế kỉ 18. Ban đầu áo dài được may thô sơ nhưng vẫn thể hiện được nét đặc sắc của hai miền Nam-Bắc. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, có thắt lưng. Xưa các bà, các cô thường búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ lông chim dài, về sau bỏ mũ lông chim để đội khăn, vấn khăn, đội nón lá, nón thúng. Người xưa đi thường chân đất, về sau mang guốc gỗ, dép, giày.

Vì phải lao động chân tay, làm việc đồng áng hoặc buôn bán nên chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân, gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải và vạt nửa sau trái. Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp dịu dàng, thùy mị của người phụ nữ.

Một vài tài liệu cho rằng việc ra đời của chiếc áo dài quốc phục là do những tham vọng riêng tư của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Do muốn xưng Vương và tách rời Đàng Trong thành một quốc gia riêng, nên Chúa đã ban sắc dụ về ăn mặc như trên cho khác đi, không phải với người khách trú mà với Bắc triều. Chiếc áo dài đầu tiên giống như áo dài của người Chàm và có xẻ nách.

Vào năm 1930, một họa sĩ đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi, đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Ngoài ra để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Áo dài thường được may bằng vải lụa hay tơ tằm, nhưng với sự đa dạng về chất liệu vải hiện nay, áo dài càng trở nên phong phú hơn về chất liệu, kiểu dáng.

Đúng như tên gọi của nó, áo có chiều dài từ cổ cho đến tận bắp chân, mềm mại và kín đáo. Kiểu dáng cổ phổ biến nhất là kiểu cổ đứng cao, ôm sát lấy cổ tạo nên sự thanh mảnh cho người mặc. Tuy nhiên, cổ áo dài cách tân với các kiểu cổ thuyền, cổ thấp, … vẫn mang phong cách và nét đẹp riêng đầy quyến rũ. Từ thời Nguyễn, người phụ nữ đã biết điểm trang, thêm hoa lá quanh cổ áo để tăng thêm vẻ đẹp. Tà của áo dài quá gối, tay dài, có cúc cài một bên. Thường người ta dùng nút bấm, đôi khi thay bằng các móc khuy nhỏ. Eo áo được nhấn vào tạo sự thon thả, mêm mại cho người con gái, làm tôn lên những đường cong vốn có của họ, tuy kín đáo nhưng lại rất quyến rũ, thanh lịch. Áo được may sát thân theo số đo cụ thể của từng người. Hai tà áo hai bên được may bằng chỉ mỏng, hai tay ráp với áo theo đường xéo chạy từ cổ xuống nách áo. Đây là trang phục được xem là đẹp nhất của người Việt Nam.

Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn vẻ đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chỉ trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái, lại tạo dáng thướt tha, tôn bậc nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm, lại cũng vừa hở hang tạo sự lôi cuốn, thu hút, bí ẩn. Nó cho thấy thấp thoáng sống eo giữa hai tà vạt rất gợi cảm và quyến rũ. Chiếc áo dài vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao bởi lẽ mỗi chiếc chỉ sản xuât riêng cho một người, dành riêng cho người đó, không thể có một công nghệ “sản xuất đại trà” cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo thật chính xác. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để vi chỉnh nữa mới hoàn thiện.

Không ai trong chúng ta không ngỡ ngàng rung động trước những tà áo dài trắng tinh khôi của các bạn nữ sinh trong buổi đến trường. Hình ảnh các cô gái Huế đẹp như tranh vẽ đứng bên cầu Tràng Tiền nhìn xuống dòng Hương Giang, e ấp trong vành nón lá, gió chiều nhẹ thổi tung bay tà áo quyện với mái tóc dài mượt mà đã làm rung động biết bao thi nhân. Hay cảnh các  bà các cô trong những ngày lễ trang nghiêm, trong bộ áo dài nhẹ nhàng bước đi qua cổng chùa Thiên Mụ cũng đã đi vào tiềm thức người dân xứ Huế.

Tà áo dài hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống cộng đồng. Kết quả của các cuộc thi hoa hậu, nữ sinh thanh lịch duyên dáng . . . không thể thiếu chiếc áo dài. Và người vinh dự nhận giải cũng vô cùng duyên dáng thêm bội phần khi mặc trang phục ấy. Trong các lễ cưới, áo dài cũng được xuất hiện với vai trò như một trang phục cưới truyền thống với màu đỏ tươi tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt, sắc son của đôi uyên ương sắp nên duyên vợ chồng, hay màu hồng thắm dành cho các cô phù dâu bưng quả tượng trưng cho sự mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, góp phần làm nên sự trang trọng, trọn vẹn cho lễ cưới.

Tà áo dài cũng mang ý nghĩa đạo lý sâu xa. Hai tà áo tượng trưng cho cha mẹ, một vạt ngắn hoặc chéo phía trước giống như cái yếm che ngực nằm trong hai vạt lớn tượng trưng cho người mẹ ôm ấp con vào lòng. Khuy cài cân xứng trên năm vị trí cố định giữ cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho đạo làm người: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Dù thời gian trôi qua với bao thay đổi, chiếc áo dài vẫn được tôn vinh là quốc phục của dân tộc Việt. Người Việt Nam dù đi đâu xa, qua tận các châu lục khác, khi nhớ về quê hương vẫn không quên mà còn tự hào về chiếc áo dài truyền thống của quê mình.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 30

Phụ nữ Việt Nam vốn nổi tiếng là những người hiền lành, cần cù, chịu khó. Tuy nhiên, bạn bè quốc tế còn biết đến phụ nữ Việt Nam thông qua hình ảnh chiếc áo dài. Đây là chiếc áo truyền thống mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng yêu thích.

Tên gọi của áo dài được gọi theo đúng như cấu tạo của nó. Phần thân áo gồm có 2 mảnh ôm sát vào phần eo của người phụ nữ giúp làm tôn lên vóc dáng mảnh mai. Hai tà áo dài xuống dưới tần gót chân, khi di chuyển, hai tà áo sẽ bay bay trong gió tạo thêm cho người phụ nữ nét uyển chuyển, mềm mại. Áo dài thường được làm từ những mảnh vải lụa với nhiều màu sắc khác nhau, vừa kín đáo lại vừa trang nhã. Chỉ cần có người phụ nữ nào mặc áo dài đi trên đường phố thì sẽ giống như một bông hoa đang di chuyển. Chính chiếc áo dài đã làm tôn lên nét thanh lịch của người phụ nữ. Áo dài thường mặc với quần dài ống rộng, làm từ vải đồng chất đồng màu với chiếc áo hoặc làm tử vải sa tanh trắng. Chính sự kết hợp này đã làm cho bộ trang phục thêm duyên dáng, đằm thắm và đáng yêu.

Ngày nay, người Việt thường chỉ mặc áo dài trong những buổi lễ trang trọng. Cô dâu mặc chiếc áo dài trong ngày lễ ăn hỏi để thể hiện nét dịu dàng của người con gái trong ngày lễ trọng đại của đời mình. Cô hoa hậu mặc chiếc áo dài truyền thống để tham dự các cuộc thi sắc đẹp… Hiện nay, rất nhiều trường cấp 3 hay các công ty cũng chọn áo dài làm đồng phục cho nữ sinh, cho nhân viên nữ. Nhìn những tà áo dài bay bay trên đường phố mới thấy cái nét hồn nhiên, mới cảm nhận được sự bình yên. Cuộc sống có hiện đại tới đâu, âu phục có tràn lan như thế nào thì con người vẫn không quên được nguồn cội của mình mà tìm về với trang phục. Chẳng cứ gì người Việt, phụ nữ các nước Tây Âu khi đặt chân tới nước ta chỉ mong muốn một lần được mặc lên người chiếc áo dài. Khó có thể tìm ra được bộ trang phục nào thiết kế đơn giản mà mặc lên lại sang trọng, nhìn mỏng manh mà mặc lên lại kín đáo, mặc kín đáo mà lại khoe được hết những đường cong của cơ thể.

Áo dài đã cùng với biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam bước ra thế giới, mang hình ảnh của người phụ nữ Việt vươn xa hơn, khiến cho thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam. Áo dài chính là bản sắc, là phong cách, là tâm hồn của người Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 31

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thướt tha, đắm thắm , hiền dịu trong tà áo dài Việt Nam luôn là hình ảnh để lại ấn tượng, nét đậm văn hóa rất riêng đối với bạn bè quốc tế. Chính vì thể, chiếc áo dài trở thành thứ trang phục đẹp đẽ, là trang phục truyền thống của Việt Nam ta.

Không biết chiếc áo dài có từ bao giờ nhưng qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lề Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.

Dần dần chiếc áo dài được cách tân, cải tiến dần trở thành những chiếc áo dài tân thời nhưu ngày nay. Áo tứ thân được cải tiến, ống tay thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Tà áo xẻ dài từ hông xuống tạo nên nét duyên dáng, thướt tha của người con gái Việt. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy tôn thêm vẻ đẹp cho chiếc áo. Chiếc áo dài khi mặc thường được được đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài là trang phục truyền thống đi vào trong thơ ca trở thành những áng thơ hay, cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ:

"Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong

Hôm xưa em đến mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng em đi đến

Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng"

Áo dài được dùng rộng rãi và rất phổ biến. Xưa, áo dài được người phụ nữ sử dụng phổ biến khi đi đồng, khi làm việc,… trở thành một trang phục thường ngày bởi sự tiện lợi ngay cả khi làm lụng trên đồng. Ngày nay cũng thế, chiếc áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch.

Dù hiện nay có nhiều mẫu thời trang ra đời rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn không có mẫu trang phục nào thay thế được chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ta: Dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hợp mốt, hợp thời.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 32

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài ra đời từ rất lâu, nó đã trải qua các thời kì cải biến để đạt đến độ thẩm mĩ như ngày nay. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được người phụ nữ mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Sau đó, nó được biến thành áo ngũ thân để các cô, các bà mặc trong lễ hội mùa xuân.

Đến thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, Vũ Vương Nguyền Phúc Khoát ban hành sắc dụ về y phục, thì chiếc áo dài có cổ đứng ngắn tay, cứa ống tay rộng hoặc hẹp, hai bên nách trở xuống khâu kín, không xẻ tà. Từ đó, áo dài được cải tiến theo nhiều kiểu, ngày một trở nên xinh đẹp, thướt tha.

Áo dài được may bằng nhiều chất liệu như gấm, nhung, lụa tơ tằm. Hiện nay, các nhà thiết kế y phục đã sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài tân thời, cố áo cài khuy. Khuy áo là hạt cườm, hạt ngọc, cúc bấm. Tay áo dài không có cầu vai, may liền với cổ áo giống như áo bà ba xẻ tà. Chính đặc điểm này khiến việc sinh hoạt của ngực phụ nữ được dễ dàng, đồng thời tạo dáng thanh thoát, yểu điệu, thướt tha.

Áo dài có hai tà chính: tà áo trước và tà áo sau. Đây là phần được các nhà thiết kế thời trang cách điệu nhiều nhất. Khi thì dùng chất liệu vải voan, khi thì được kết cườm, ngọc óng ánh. Áo dài thường đi đôi với quần thụng. Phụ nữ Việt Nam thường mặc áo dài xẻ tà cùng với quần thụng trắng bởi nó tạo nên vẻ đài các trang nhã. Hiện nay, áo dài có nhiều hoa văn khác nhau, mang đậm bản sắc dân tộc Có thể là những đoá hoa như hoa hồng, hoa lan, búp huệ. Có thể là hoa thuỷ tiên. Cũng có thể là nhiều loại hoa rực rỡ, đủ màu sắc gợi lên dáng yêu kiều, đài các, quý phái của các cô thiếu nữ, thanh nữ.

Giêng hai, bước vào hội xuân, trên mọi nẻo đường quê Kinh Bắc, xứ Đông xứ Đoài... ta bắt gặp các bà, các cụ trong bộ áo quần dài bằng lụa nâu, vai khoa; túi đi đến chùa lễ Phật. Hội chùa Hương, hội Gióng, hội chùa Dâu, hội Lim,... từng đoàn thiếu nữ, thanh nữ thướt tha trong bộ áo dài tuyệt đẹp. Trong các lề chào cờ, các ngày lễ được tổ chức ở sân trường, nhất là các trường Trung học phổ thông hàng nghìn nữ sinh và cô giáo trong chiếc áo dài trắng, quần trắng gợi lên vẻ đẹp tinh khôi, trinh trắng của thế hệ tuổi xuân.

Chiếc áo dài mãi mãi là niềm tự hào và hãnh diện của mỗi con người Việt Nam chúng ta. Vẻ đẹp chiếc áo dài gợi lên vẻ đẹp văn hoá truyền thống của đất nước và con người Việt Nam. Trên con đường hội nhập, có thể y phục của mỗi con người Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng, hiện đại, nhưng chiếc áo dài tân thời sẽ mãi mãi gắn bó với tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, làm tôn vẻ đẹp kiêu sa, duyên dáng của các thiếu nữ, thanh nữ trong lễ hội.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 33

Nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh của một dải đất trù phú, tươi tốt với những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, nhớ tới những cô gái với đôi má hây hây, khuôn mặt bầu bầu đáng yêu, với giọng nói ngọt ngào dễ mến. Và có một thứ không thể không nhắc tới, đó chính là tà áo dài - biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, cũng là quốc phục của đát nước này. Chiếc áo dài có một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời cho đến tận ngày nay.

Áo dài đã tồn tại cùng với lịch sử dân tộc. Chiếc áo dài ra đời vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Chiếc áo dài ra đời với mục đích tạo ra nét riêng biệt của người Việt trong sự di cư ồ ạt của hàng vạn người Minh Hương vào Đàng Trong. Chiếc áo dài cổ xưa nhất của người Việt phải kể tới là chiếc áo dài giao lãnh. Đây là kiểu áo khi mặc thì hai cổ áo để giao nhau, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy lưng buông thả. Cổ nhân xưa đi chân đất, người quyền quý thì mang guốc gỗ, dép, giày. Cùng với sự phát triển, tà áo dài Việt Nam liên tục được thay đổi, cách tân để phù hợp với đặc tính công việc của nhà nông và phù hợp với tình hình của xã hội lúc bấy giờ. Sau áo dài giao lãnh, người Việt đã cải tiến nó thành áo tứ thân rồi sau nữa thánh áo dài Lemur vào thời kì Pháp thuộc. Đây là bước chuyển trong lịch sử phát triển của tà áo dài. Bởi chiếc áo dài Lemur được cảo tiến từ chiêc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ Lemur nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong từng bước đi của người phụ nữ. Đồng thời, thân trên của áo dài được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm phần nữ tính, hàng nút phía dưới được chuyển sang một chỗ mử áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Chiếc áo dài của Lemur tuy đã làm thay đổi gần như hoàn toàn chiếc áo tứ thân truyền thống song cũng vấp phải không ít sự phản đối từ phía dư luận. Mãi cho đến khi áo dài Lê Phổ xuất hiện, hình hài chuẩn mực của tà áo dài Việt Nam mới được định hình. Họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo dài Lemur, thay vào đó là những yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, áo ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay trong làn gió. Cùng với những biến cố của lịch sử, văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam mạnh mẽ, tà áo dài Việt cũng chuyển mình một cách đầy tóa bạo với những chiếc áo dài do bà Trần Lệ Xuân - Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ, thiết kế. Bà đã tạo ra chiếc áo dài cách tân bằng cách bỏ đi phần cổ áo và gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét. Bà đã phá cách với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Đến tận bây giờ, những chiếc áo dài cổ thuyền vẫn còn là một trong những trang phục áo dài được nhiều người yêu thích.

Tà áo dài Việt Nam được cấu tạo bởi 5 bộ phận đó là cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo và quần mặc cùng với áo dài. Cổ áo dài truyền thống theo mẫu cổ điển cao từ 4-5cm, có cúc bấm và kín đáo. Ngày nay, cổ áo dài đã được cách tân, biến tấu đa dạng hơn thành các kiểu cổ khác nhau như cổ trái tim, cổ tròn, cổ chữ U. Để tránh sự nhàm chán và đơn điệu, cổ áo dài thường sẽ được người may áo trang trí thêm những họa tiết với màu sắc khác nhau, có thể là thêu hoa, cũng có thể đính thêm ngọc.

Thân áo dài được tính từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường được may từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Với cách may ấy, thân hình người phụ nữ sẽ trở nên mềm mại, duyên dáng hơn. Từ phần eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Hai tà áo dài được gọi lần lượt theo vị trí của nó là tà trước và tà sau. Trước đây, tà trước và tà sau có độ dài bằng nhau nhưng hiện nay, có nhiều mẫu áo dài tà trước sẽ ngắn hơn tà sau. Áo dài thường được may bằng những loại vải đơn sắc, trơn nên thường được thêu những hoa văn màu sắc khác hoặc những bài thơ. Cúng có những tà áo dài chỉ mang một màu và chỉ được trang trí ở cổ áo như áo dài tím của Huế, áo dài trắng của nữ sinh,...

Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay. Trước đây, tay áo dài đến qua khỏi cổ tay để phù hợp với quan niệm của xã hội với người phụ nữ lúc bấy giờ. Nhưng hiện tại, tay áo dài có thể chỉ là tay lửn, chỉ dài qua khuỷu tay một chút. Chiếc áo dài ngày nay được mặc với quần thay vì với váy đụp như ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Xưa kia, quần áo dài được may bằng bải cứng, thô nhưng nay thường được may bằng vải mềm, rủ. Việc thay đổi sang chất liệu mềm mại, có độ rủ, thay vì vải thô, cứng như trước ấy khiến cho người con gái trở nên thướt tha, yểu điệu trong mỗi bước đi. Màu sắc thông dụng nhất của quần áo dài là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu cùng tông với màu của áo.

Áo dài trong văn hóa và đời sống của người Việt có một vị trí trọng yếu. Bởi nó đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng cho phẩm chất, nét đẹp của họ từ bao đời nay. Người con gái Việt Nam trong trang phục áo dài trở nên xinh xắn, đáng yêu, thướt tha và thanh lịch hơn trong mắt người đối diện. Áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, mà nó cũng trở thành trang phục trang nhã nơi công sở, đồng phục cho học sinh hoặc là trang phục tiếp những vị khách quý trong gia đình. Áo dài hiện đại mang tính cá nhân rất cao. Chính bởi sự cầu kì, tỉ mỉ trong khâu thực hiện để có một chiếc áo dài hoàn chỉnh mỗi chiếc áo dài sẽ chỉ may riêng cho một người, dành riêng cho người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa lại thêm một chút nữa mới được xem là hoàn thiện. Cũng vì thế mà những nét duyên dáng trên cơ thể người con gái cũng được tôn lên một cách rất đỗi tinh tế, khéo léo.

Đời sống hiện đại với rất nhiều kiểu trang phục mới, độc đáo, cá tính, nhẹ nhàng, thế nhưng tà áo dài vẫn chưa bao giờ mất đi vị trí của nó trong đời sống tâm hồn của người Việt Nam. Bởi nó không chỉ là trang phục truyền thống mà nó còn là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hiện đại.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 34

Áo dài thật sự đã làm nổi bậc vẻ đẹp truyền thống của người Việt, làm tôn lên vẻ sang trọng, quý phái, lịch sự. Mặc chiếc áo dài, trông người phụ nữ thật mềm mại, duyên dáng. Nhìn những em bé mặc áo dài, trông thật rực rỡ, đáng yêu và ra vẻ rất trưởng thành. Những nữ sinh trong trang phục áo dài trắng tinh trông thật trong sáng, hồn nhiên, làm cho mọi người ai cũng phải ngước nhìn mà lòng xao xuyến, bâng khuâng.

Chưa có kết quả khảo sát chính xác về lịch sử ra đời của áo dài Việt Nam, nhưng theo một số thông tin truyền miệng thì áo dài Việt Nam có từ thế kỷ thứ XVIII. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá trên thế giới, cho đến nay áo dài đã trở thành một nét đẹp truyền thống, sâu sắc không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội hoặc sự kiện trọng đại của người Việt.

Để may một chiếc áo dài đòi hỏi sự công phu và tỉ mĩ của bàn tay người thợ. Từ khâu chọn vải, cắt may cho đến đường chỉ đều phải uyển chuyển, chính xác đến từng milimet. Loại vải được dùng để may áo thường là các loại vải lụa, bởi đặc trưng của nó là mỏng nhẹ, co giãn tốt giúp cho người mặc dễ dàng trong các thao tác đi, đứng, ngồi và làm việc. Tuy nhiên nếu điệu đà hơn bạn có thể chọn các loại vải phi bóng, tơ tằm, gấm hay ren điểm voan, hoặc đính kim tuyến,..

Về màu sắc vải tuỳ theo từng vóc dáng, độ tuổi của mỗi người mà chọn màu cho phù hợp. Đối giới trẻ nên chọn các tông màu sáng, hoạ tiết tươi, mới, trẻ trung. Đối với người lớn tuổi nên chọn các tông màu đậm, tím, sẫm màu, hoạ tiết đơn giản có thể đính kim tuyến,… Đối với áo dài cưới hỏi nên chọn tông màu đỏ, hồng, hoạ tiết chim phụng, hoa văn,…

Áo dài khác với những trang phục may sẵn khác là mỗi người chỉ có thể mặc đẹp một loại áo dài do người thợ đo, may cho chính mình mà thôi. Áo dài đòi hỏi sự chính xác rất cao, từ thân trước, thân sau cho đến tay, cổ, vòng ngực, vòng eo, vòng mông,… đều phải tuyệt đối đúng với người cần may. Cắt sai một li là xem như bỏ cả cái áo. Chính vì thế mà giá tiền công may một cái áo dài rất cao. Một chiếc áo dài đẹp phải vừa kín dáo, vừa duyên dáng vừa gợi cảm, từng đường nét mềm mại ôm sát bầu ngực, eo, mông tôn lên vẻ đẹp thướt tha, yêu kiều của người phụ nữ.

Áo dài được sử dụng rộng rãi trong đời sống, như trang phục học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức,… Trong ngày cưới – ngày trọng đại của mỗi người Việt – ngày đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời, xây dựng hạnh phúc gia đình riêng cho mình, cô dâu mặc áo dài đầu đội khăn đóng cùng chú rể thắp nén hương lên bàn thờ để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, thật trang trọng và hiếu đạo, thể hiện một truyền thống tốt đẹp của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn” “Chim có tổ người có tông”.

Áo dài thật sự đã làm nổi bậc vẻ đẹp truyền thống của người Việt, làm tôn lên vẻ sang trọng, quý phái, lịch sự. Mặc chiếc áo dài, trông người phụ nữ thật mềm mại, duyên dáng. Nhìn những em bé mặc áo dài, trông thật rực rỡ, đáng yêu và ra vẻ rất trưởng thành. Những nữ sinh trong trang phục áo dài trắng tinh trông thật trong sáng, hồn nhiên, làm cho mọi người ai cũng phải ngước nhìn mà lòng xao xuyến, bâng khuâng. Người già cũng có thế mặc áo dài, với những chiếc áo dài màu nhung đen, xanh đậm hình họa nổi bật, trông họ thật đẹp lão. Chiếc áo dài thực sự là chiếc áo dành cho mọi lứa tuổi.

Ngày nay áo dài có mặt ở khắp mọi nơi, từ nông thôn cho đến thành thị, từ trong nước cho đến nước ngoài và cả trong thơ văn, nhạc hoạ, phim ảnh đều có hình ảnh áo dài trong đó. Chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng hết sức cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Chúng ta là thế hệ hậu sanh cần phải giữ gìn và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam cực hay 35

Việt Nam nhắc đến là nhớ ngay đến hình ảnh nón lá và tà áo dài duyên dáng, chiếc áo dài gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, yêu kiều và tinh tế được nhiều bạn bè trên thế giới biết đến. Áo dài trang phục truyền thống lâu đời của Việt Nam, áo dài thường kết hợp cùng vớí nón quai thao, nón lá hay là khăn đóng. Sử dụng trong các ngày lễ long trọng, lễ hội có sự tham gia của nhiều người. Trải qua thời gian, chiếc áo dài Việt đã có nhiều cách tân kiểu nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được những nét đặc trưng của sự kín đáo, tinh tế trong văn hóa việt trở thành bộ lễ phục không thể thiếu của các bà các cô mặc trong các dịp lễ đặc biệt. Áo dài là trang phục có sự kín đáo. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm, ngày nay áo dài được thiết kế đa dạng hơn với kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U. Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Thân áo dài xẻ làm hai tà ở hai bên hông. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau. Tay áo may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay. Thân áo may sát vào thân người. Khi mặc áo ôm vào người tạo nên đường cong gợi cảm. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc chủ yếu đó là màu trắng với chất liệu mềm, nhẹ, thoáng mát. Áo dài mặc trong nhiều nơi, với tà áo trắng rập rờn trong sân trường thuần khiết và dễ thương. Trong ngày lễ ăn hỏi, cô dâu  diện những chiếc áo dài đỏ làm cho không khí buổi lễ thêm ấm cúng đậm chất truyền thống. Các buổi lễ, tiếp khách, quý bà, quý cô mặc những chiếc áo dài lịch sự lại sang trọng. Chiếc áo dài mà người phụ nữ Việt Nam đó là trang phục gần gũi với người phụ nữ và trở thành trang phục đại diện cho nước nhà. Ngày Tết hay lễ hội, đám cưới các bà, mẹ, chị, diện nhiều áo dài màu sắc đó là tấm lòng thành kính đối với lễ hội tham gia. Chiếc áo dài tôn vinh không chỉ đường nét trên cơ thể mà còn biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay. Chiếc áo dài duyên dáng, dịu dàng dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm đã trở thành một biểu tượng của vẻ đẹp của người con gái Việt Nam, quốc phục mà quốc tế nhiều người biết đến. Áo dài cũng là trang phục cần được nâng niu và giữ gìn đến thế hệ mai sau.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 36

Trên thế giới mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục dân tộc riêng. Với Nhật Bản họ có trang phục Ki-mo-no,  người Ấn Độ thì có Xa-din. Còn với con người Việt Nam, chúng ta có tà áo dài nhẹ nhàng và thanh thoát đó chính là niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam. Áo dài chưa ai biết được nguồn gốc chính xác, nhưng áo dài đã có từ rất lâu rồi thì hình ảnh chiếc áo dài được tìm thấy ở các hình ảnh khắc trống đồng Ngọc Lũ. Trước kia thì áo dài giống như áo tứ thân khi mặc hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại, sau nàyđược cải tiến trở thành chiếc áo ngũ thân phía trước có 3 vạt để các cô các bà mặc trong các lễ hội. Ngày nay thì các nhà thiết kế thời trang sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài khác sử dụng các chất liệu vải tốt như lụa, ren, gấm. Tà áo được trang trí bằng nhiều họa tiết khác nhau mang lại vẻ đẹp riêng cho trang phục, điều này không hề cầu kỳ mà ngược lại nó tạo dáng yểu điêu thướt tha cho người phụ nữ. Muốn mặc chiếc áo dài thanh thoát, duyên dáng hơn thì người con gái có thể đi kèm với một số nữ trang như giày cao gót, guốc, đeo vòng cổ, hoa tai… Ngày nay, tùy thuộc lứa tuổi mà lựa chọn màu sắc phù hợp, với nữ sinh thường mặc áo dài màu trắng trong các buổi đến trường, tổ chức sự kiện…tham gia các lễ hội thi áo dài có thể màu vàng, đỏ, xanh… Chiếc áo dài đang là quốc phục của nước ta, xuất hiện nhiều trong những ngày đại lễ của đất nước. Trong trường học thì chiếc áo dài trắng là những bộ đồng phục của tuổi học trò. Vào lễ hội, các bà, các cụ vẫn thường mặc áo dài tham gia các sự kiện, hình ảnh thiếu nữ xuất hiện trong chiếc tà áo dài thật duyên dáng và lỗng lẫy. Chiếc áo dài vừa lịch sự kín đáo vừa lộng lẫy, không hề thua kém bất kỳ trang phục nào khác. Chiếc áo dài là biểu tượng người phụ nữ Việt Nam gần gũi, giản dị quốc phục của con người Việt. Trong tương lai dù chiếc áo dài có thế nào thì nó vẫn gắn bó trong tiềm thức của người dân về trang phục đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 37

Trải qua năm tháng, áo dài đã dần trở thành một thứ trang phục đặc biệt của riêng người Việt. Điểm qua một số thời kỳ được coi là "dấu ấn" trong quá trình hình thành và phát triển chiếc áo dài.

Thời kỳ từ 1885-1915

Có giả thuyết cho rằng áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc. Nhưng áo dài là loại trang phục riêng của người Việt vì những khi lễ lạt, người xưa phải khoác ra ngoài áo dài một cái áo lễ, thí dụ như áo tấc, áo dấu, áo tràng ngoài dân gian; hoặc áo bào, áo mệnh phụ trong triều. Chỉ có các lễ phục này mới mang ảnh hưởng của phương Bắc.

Trong khi đó, từ đầu đến cuối quyển sách Trung Quốc Phục Trang Sử nổi tiếng, viết và minh họa về y phục Trung Hoa từ đời Xuân Thu cho đến những năm đầu Dân Quốc (1920), không thấy đả động gì đến bì bào (áo mặc sát vào da). Loại bì bào độc nhất ở Trung Quốc, thường gọi là xường xám, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện từ Trùng Khánh và Thượng Hải trong thập niên 1930.

Trong sách "Relation de la Nouvelle Mission des Péres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine", xuất bản tại Lille năm 1631, giáo sĩ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: "Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu... Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông đẹp mắt... Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa... để tóc dài và vấn khăn như đàn bà".

Có lẽ giáo sĩ Borri đã hiểu lầm về số lớp áo được người Việt cổ xưa mặc mỗi khi ra ngoài. Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các dải dài bên dưới thắt lưng mà giáo sĩ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp dải lụa may chồng lên nhau. Lớp dải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ 17 ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các giải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sĩ Borri đã mục diện từ bốn thế kỷ trước đây.

Thế kỷ XIX - XX

Năm 1819, cách ăn mặc của người dân vẫn giống như giáo sĩ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó với quần lụa đen và áo may sát người dài đến mắt cá chân.

Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 - 3cm.

Riêng ở miền Bắc khoảng năm 1910 - 1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn và cũng để khoe chuỗi hột trang sức quấn nhiều vòng quanh cổ.Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có lớp lót. Lớp áo trong cùng thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót đơn ở trong đã thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, với đũng thấp.

Thuở đó, phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm.

Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen.

Những cách tân đầu tiên

Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng gần như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt được khổ rộng hơn. Tay áo vẫn may nối. Nổi nhất lúc ấy là nhà may Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Năm 1939 nhà tạo mẫu này tung ra một kiểu áo dài được ông Âu hóa. Áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim. Có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại đến khoảng năm 1943.

Đến khoảng năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may có eo. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người.

Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong được cắt ngắn dần từ giai đoạn này. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống.

Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 60. Vì nịt ngực ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên hở cạp quần. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Năm 1960, vì muốn thấy cổ phụ nữ dài thêm, bà Trần Lệ Xuân đặt ra loại áo dài cổ thuyền.

Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn. Đến gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3cm. Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, vai áo dài bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo được nối với thân từ chéo vai. Quần may rất dài với gấu rộng đến 60cm và nhiều khi được lót hai ba lớp.

Năm 1975, đất nước thống nhất, điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn nên áo dài có phần đơn giản hơn. Nhưng đến những năm 90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè quốc tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Năm 1989, báo Phụ Nữ tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Áo dài đầu tiên. Sáu năm sau, tà áo dài xanh thướt tha đã đưa Việt Nam tới danh hiệu "Trang phục truyền thống đẹp nhất" tại Tokyo, Nhật Bản.

Các nhà thiết kế đương đại thường "thí nghiệm" với các loại vải mới , các motif lạ mắt, các hoa văn của người dân tộc thiểu số hoặc thay đổi đường may nét cắt bằng cách mở rộng cổ, bớt tay áo hoặc thay tà trước bằng những chất liệu mềm mại hơn. Chiếc quần trắng ngày nào là mốt giờ đã nhường chỗ cho quần đồng màu hoặc ngược hẳn với áo.

Ngày nay, áo dài vừa là đồng phục duyên dáng của nữ sinh cấp 3:

Là hình ảnh của người tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, lại vừa là trang phục lễ Tết, hội hè:

Nhiều nhà tạo mẫu áo cưới có xu hướng kết hợp giữa áo cưới hiện đại với chiếc áo dài dân tộc. Với hai chất liệu tơ tằm và voan, chiếc áo dài cưới dân tộc được cách điệu vừa tạo nét duyên dáng cho cô dâu vừa tạo vẻ mềm mại, mỏng manh. Cách điệu lớn nhất của chiếc áo dài cưới được thể hiện ở vạt áo (vạt mỏng, mềm hơn) và nơi cổ áo. Nhìn chung kiểu dáng chính của chiếc áo dài cưới là chiếc áo dài dân tộc nhẹ nhàng nhưng cầu kỳ hơn một chút nơi tà áo, cổ áo và gấu quần.

Thi hoa hậu, thi người đẹp không thể thiếu áo dài:

Năm 2007, Hoa hậu Trái đất đến từ Chile, Hoa hậu Phillippines và Singapore rạng rỡ khoe sắc với tà áo dài, chiếc nón lá Việt tại TP.Hồ Chí Minh. Các người đẹp mang đến thông điệp về một môi trường sống xanh, sạch và bền vững.

Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, áo dài vẫn mang nét riêng của mình để không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác.

Thế giới chỉ từng biết Việt Nam qua chiến tranh. Nhưng khi hàng triệu người Việt rời quê hương để định cư tại khắp bốn phương đã mang theo di sản văn hóa Việt từ ẩm thực đến đạo lý phong tục tập quán và trong đó có chiếc áo dài truyền thống. Trên khắp thế giới, áo dài "tung bay tà áo quê hương" là không thể thiếu trong các lễ hội của người Việt như Tết, Quốc Khánh, 8-3 và càng được phổ biến rộng hơn khi các nhà tạo mẫu biến chiếc áo hai tà thành thời trang.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 38

Xuất phát từ nền văn hóa thuần nông, liên tục gắn bó với người Việt qua bao đời, chiếc áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống của dân tộc, là niềm tự hào của biết bao người phụ nữ Việt Nam. Không những thế, chiếc áo dài truyền thống đã trở thành quốc phục, tôn vinh và khẳng định vẻ đẹp người Việt trên thế giới.

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam. Áo mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối nên được gọi là áo dài. Trang phục áo dài dành cho cả nam lẫn nữ. Nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ.

Nguồn gốc, xuất xứ chiếc áo dài Việt Nam:

Theo ghi nhận của các tài liệu, tiền thân của chiếc áo dài đã có từ lâu đời. Loại áo với kiểu dáng hai tà dài trước và sau đã được người Việt sử dụng từ rất sớm. Đến thời đại chúa Nguyễn Phúc Khoát, để giữ gìn bản sắc riêng trước làn sóng xâm nhập của người Minh Hương, đã ban sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong, trong đó có quy định về kiểu trang phục áo dài.

Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã cải cách các mẫu áo dài đã có trước đó tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó. Từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Ngày nay, với xu thế tiếp cận hiện đại, các nhà thiết kế với trí sáng tạo phong phú đã làm ra không biết bao nhiêu loại áo dài phù hợp với thị hiếu của từng lớp người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có may như thế nào, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên kết cấu như ban đầu với hai tà dài, chiếc cổ tròn ôm sát cổ, eo thắt đáy và dáng vẻ thướt tha yêu kiều vốn có của nó. Chiếc áo dài vẫn giữ được tầm quan trọng của nó, và trở thành bộ lễ phục của các bà các cô mặc trong các dịp lễ hội.

Tùy theo sở thích và vùng miền mà người ta thiết kế những mẫu mã khá đa dạng. Có một vài mẫu áo dài đang phổ biến như áo dài cổ đứng truyền thống, áo dài cổ mềm, áo dài khoét cổ rộng, áo dài cách tân tà ngắn… Theo giới tính có áo dài dành cho nam giới, áo dài dành cho nữ giới.

Đặc điểm hình thức và chất liệu của áo dài:

Hình dáng áo kéo dài từ cổ xuống chân, ôm sát vào cơ thể. Màu sắc: Áo và quần thường đồng màu với nhau. Tuy nhiên, người ta có thể kết hợp màu khác nhau tùy theo vùng miền và sở thích. Màu sắc sặc sỡ như đỏ hồng. Cũng có khi nhẹ nhàng, thanh khiết như trắng, xanh nhạt…

Chất liệu vải rất phong phú, đa dạng, nhưng đều có đặc điểm là mềm, nhẹ, thoáng mát. Thường là nhiễu, voan, nhất là lụa tơ tằm…

Cấu tạo và cách may một chiếc áo dài truyền thống:

Áo dài truyền thống thường ôm sát cơ thể, có cổ cao và kéo dài khoảng ngang gối hoặc đến gót chân. Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu, cũng có khi là cổ thuyền, cổ tròn theo sở thích của người mặc. Khi mặc, cổ áo ôm khít lấy cổ, tạo vẻ kín đáo.

Thân áo gồm 2 phần: Thân trước và thân sau, dài suốt từ trên xuống gần mắt cá chân. Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chít trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái, lại tạo dáng thướt tha, biểu lộ đường nét dịu dàng của thiếu nữ, vừa kín đáo. Toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm, lại cũng vừa khiêu gợi vì chiếc áo làm lộ ra sống eo.

Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Mỗi áo thường có 5 khuy tượng trung cho ngũ thường theo quan niệm của Nho giáo. Ở đầu mỗi khớp thường là khuy móc để giữ nếp áo không bị bật ra khi vận động.

Tay áo dài không có cầu vai. Tay được may liền kéo dài từ cổ áo đến cổ tay. Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng, thướt tha, uyển chuyển.

Áo dài thường mặc với quần đồng màu hoặc màu trắng bằng lụa, satanh, phi bóng…. Với trang phục đó, người phụ nữ sẽ trở nên sang trọng, dịu dàng hơn. Thợ may áo dài phải là người có tay nghề cao. Thợ khéo tay sẽ khiến áo dài khi mặc vào ôm sát thân người.

Áo dài gắn liền tên tuổi của những nhà may nổi tiếng như Thuý An, Hồng Nhung, Mỹ Hào,… Đặc biệt là áo dài Huế màu tím nhẹ nhàng, thanh thoát tạo nên nét quyến rũ tuyệt vời của các thiếu nữ cố đô…. Nhà thiết kế Minh Hạnh, người đã đạt nhiều giải thưởng danh giá đã rất thành công khi mang vẻ đẹp áo dài ra với bạn bè quốc tế.

Vai trò và ý nghĩa chiếc áo dài trong đời sống dân tộc:

Ở Việt Nam, Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng, những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.

Chiếc Áo dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc của chiếc Áo dài còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về “đạo làm người” của tiền nhân. Chiếc Áo Dài còn là thành quả biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam. Bởi thế, từ xưa đến nay, vẻ đẹp của chiếc áo dài luôn được nhân dân tôn trọng, nâng niu và gìn giữ.

Hình ảnh chiếc áo dài đi vào trong thi ca, hội họa và các loại hình nghệ thuật khác. Áo dài cũng trở thành một trang phục không thể thiếu khi đi ra ngoài của phụ nữ Việt. Đặc biệt trong Sài Gòn, cuộc sống phồn hoa và ảnh hưởng từ phong cách Âu Mỹ đã khiến phụ nữ nơi đây có phong cách áo dài đa dạng, năng động với đủ màu sắc, hoa văn, chất liệu. Áo dài có mặt trong mọi hoạt động của phái yếu. Từ đi chơi, đi chợ, tiếp khách ở nhà, cho đến cưới xin, đi dự tiệc… áo dài luôn là lựa chọn đầu tiên.

Cách Sử dụng và bảo quản chiếc áo dài:

Khi mặc áo dài không nên vận động quá mạnh bởi áo ôm sát vào thân người rất dễ bị rách. Tránh làm bẩn áo khi mặc. Không được để áo gần nguồn nhiệt dễ làm áo biến dạng. Không để áo nơi ẩm thấp hoặc nơi có nhiều bụi bẩn.

Nên giặt áo bằng tay, tránh giặt bằng máy để áo không bị co, nhăn, rách…Khi không sử dụng nên gấp áo và cất giữ cẩn thận.

Không đơn thuần là trang phục, chiếc Áo dài truyền thống còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, đó chính là “quốc hồn” của phụ nữ Việt Nam. Ở đâu có phụ nữ Việt – ở đó có Áo dài Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 39

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc có Sườn xám,… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc Áo dài dân tộc. Theo dòng chảy của lịch sử, chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.

Áo dài từ lâu vẫn luôn là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được vị thế như ngày hôm nay, áo dài đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử.

Ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, dựa trên những tài liệu, thông tin của những nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử… khoảng 3.000 năm trước, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà thướt tha, mềm mại, mỏng manh như cánh bướm bay trong gió đã xuất hiện trên những cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên thạp đồng Đào Thịnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chiếc áo dài đã ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, xưng Vũ Vương (1739-1765) ở thế kỷ XVIII.

Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải.

Với những phụ nữ thị thành không phải làm những công việc nặng nhọc, họ muốn có một kiểu áo dài được cách tân để tôn thêm dáng dấp trang khuê các. Áo ngũ thân ra đời trong hoàn cảnh đó, với biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé lại trở thành vạt con, thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước. Áo ngũ thân che kín thân hình.

Thế kỷ XVIII

Văn hóa của chúng ta vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa, lối ăn mặc của người Việt Nam cũng thường hay bắt chước người phương Bắc. Điều này trở nên đáng lo ngại hơn dưới thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, khi nhu cầu khẩn hoang gia tăng, đã đón nhận hàng vạn người Minh Hương sang định cư lập nghiệp, mặc dù khi đó người Việt đã có lối ăn mặc riêng. Trước làn sóng nhập cư mới này, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, năm 1744, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành.

Trong sắc dụ đó, người ta lần đầu tiên thấy được sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam như sau:

“Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép …”

Trích “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên”

Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.

Có thể nói, sắc dụ của Vũ Vương ban hành năm 1744 thực sự là một cuộc cải cách lớn của y phục Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề để chiếc áo dài được phổ biến rộng rãi. Áo dài trở thành y phục của mọi lớp người trong xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân nam nữ. Đến thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ra sắc lệnh thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục.

Đầu thế kỷ XX

Giai đoạn này, người phụ nữ Việt vẫn còn chịu những khắt khe của xã hội phong kiến nên trang phục không tôn dáng. Áo lúc bấy giờ có dáng được may rộng, tay áo chít, phía trong họ còn mặc thêm một áo ngắn. Những định kiến của xã hội cũng khiến màu sắc trang phục bị hạn chế, áo thường là màu nhẹ nhàng, quần phải luôn là màu tối, tuyệt đối không được mặc quần trắng để tránh bị đánh giá là thiếu đứng đắn.

Ở thời điểm này, cách mặc áo dài của phụ nữ hai miền Nam – Bắc cũng có sự khác biệt nhỏ. Phụ nữ miền Nam may cổ áo cao hơn và cài kín khi mặc, trang sức đeo ra bên ngoài. Trong khi đó ở miền Bắc, cổ áo được may thấp và mở rộng hơn để có thể khoe đồ trang sức đeo bên trong.

Còn chiếc áo dài dành cho nam có kết cấu cơ bản là cổ đứng, đằng sau được may bằng cách ghép hai mảnh vải dọc sống lưng. Tương tự như vậy, đằng trước cũng do hai mảnh vải dọc ghép lại, ngoài ra còn có một mảnh thân ngắn ở lớp dưới của thân áo trước. Lớp trên với lớp dưới được kết nối với nhau bằng năm chiếc khuy từ cổ đến dưới cánh tay. Lúc này, áo dài nam còn được gọi là áo năm thân hay ngũ thân.

Ngoài ra, tuỳ theo tầng lớp xã hội mà áo dài nam được may theo chất liệu, kiểu dáng hoạ tiết khác nhau. Tuy nhiên, dù mang dáng dấp nào, chiếc áo dài đều toát lên vẻ thẳng thắn, cương trực và lịch sự thể hiện tâm hồn và cốt cách của người đàn ông. Đó là điều mà văn hoá dân được thể hiện qua trang phục.

Thập niên 1930 -1940

Thời kỳ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam khi khái niệm “áo dài tân thời” ra đời, đồng thời chiếc quần trắng thường mặc ngày nay của nữ cũng bắt đầu xuất hiện.

Vào những năm đầu thập niên 30, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Pháp thành lập (nay là Trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội), họa sĩ Cát Tường cùng với nhóm Tự lực văn đoàn là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống với phương châm: “Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước.

“Le Mur” là kiểu áo dài cách tân đầu tiên họa sĩ Cát Tường tung ra, được lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen… và đặc biệt những màu tối của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tươi sáng mặc kết hợp với quần trắng. Chiếc áo này bị dư luận thời đó lên án mạnh mẽ, cho là không đứng đắn nên chỉ có giới nghệ sĩ phong cách tân thời mới dám mặc. 4 năm sau, năm 1934, sau khi họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” theo cách riêng của ông là dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống, áo “Le Mur” của Cát Tường hoàn toàn biến mất.

Lê Phổ đã bỏ kiểu tay phồng, rồi may cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn… Kiểu áo dài của ông rất được đón nhận, đặc biệt tại Hội chợ Nữ công Đà Nẵng. Trong suốt gần 30 năm, kiểu áo dài đó không thay đổi nhiều ngoại trừ cổ áo, gấu áo, eo áo: lúc cao, lúc thấp, lúc hẹp, lúc rộng… lưng áo cũng thay đổi từ to bản luồn dải rút đổi sang lưng nhỏ, cài khuy rồi kéo khóa theo kiểu phương Tây.

Thế nhưng, khác với áo dài của nữ có sự phát triển quan trọng về kiểu dáng và vẫn giữ được tầm quan trọng của mình, áo dài nam lại trải qua nhiều thăng trầm hơn và mất dần đi vị thế của mình trong xã hội do sự du nhập của văn hoá phương Tây.

Thập niên 1940 -1950

Đây là thời kỳ chiếc áo dài của nữ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là đẹp nhất trong các giai đoạn phát triển lịch sử.

Các thợ máy lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người, sườn áo dài bắt đầu được may có eo, thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Áo mang nét thanh thoát mà vẫn tôn dáng người mặc.

Có thể nói, lúc này áo dài đã bắt đầu có những nét mới, cải tiến để phù hợp với dáng người mặc. Nhưng, những nét mới này được xem là sự bổ sung có chọn lọc để tôn thêm vẻ đẹp của người con gái Việt.

Một điều thú vị, chính trong khoảng thời gian này, sự biến đổi của chiếc áo dài còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý và văn hoá vùng miền. Vì vậy, áo dài tại Bắc – Trung – Nam cũng có những nét khác biệt. Ở miền Nam, tuy có khí hậu nóng nhưng phụ nữ miền Nam lại thích mặc áo có tông màu đậm. Còn ở miền Bắc, những người phụ nữ lại chọn cho mình màu sắc tươi tắn hơn và chất liệu cũng nhẹ nhàng hơn. Tại miền Trung, đặc biệt ở Huế do không khí trầm mặc ảnh hưởng bởi cung đình xưa nên phụ nữ nơi đây thường chọn cho mình tông có phần lắng đọng như màu tím. Về cơ bản, giữa ba miền kiểu dáng và kết cấu không khác nhau, nhưng họ có thể mặc ngắn hơn một chút, dài hơn một chút, tà áo ôm hơn một chút. Điều này được quyết định bởi sự khác biệt về thói quen thẩm mỹ và môi trường sống của từng vùng.

Trái ngược với sự hưng thịnh của áo dài nữ, lúc này áo dài nam gần như bị lãng quên. Những chiếc áo dài thường ngày trước đây các cụ vẫn mặc đã mất dần. Hình ảnh những người đàn ông mặc áo dài hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố.

Thập niên 1960 -1970

Giai đoạn này, áo dài có nhiều sự biến đổi nhất.

Áo dài bắt đầu được may chít eo, cài khuy rất chặt, eo áo cắt cao lên, gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhưng cách may này có một nhược điểm lớn là các nếp nhăn rất dễ xuất hiện ở hai bên nách. Vì vậy, những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Về màu sắc, lúc này áo dài màu trở thành thời thượng, trở thành biểu tượng cho phong cách trẻ trung năng động của những thiếu nữ hiện đại. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình.

Những năm 1970- 1990

Áo dài không thay đổi nhiều. Sự thay đổi chủ yếu chỉ nằm ở vạt áo dài hay ngắn hoặc cái biến một số kiểu cổ.

Vào thời đại ngày nay, xã hội phát triển và có sự giao lưu mạnh mẽ giữa các miền văn hoá khác nhau, chiếc áo dài nữ lại tiếp tục biến đổi. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài truyền thống nhưng có sự thay đổi về chất liệu và kỹ thuật may để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Về phần áo dài nam, tuy không còn giữ vai trò quốc phục nhưng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân vẫn hiện hữu. Ngày nay, áo dài nam vẫn xuất hiện trong các sự kiện quan trọng như các hoạt động nghệ thuật hay các sinh hoạt tín ngưỡng, điều này chứng tỏ dấu ấn quan trọng mà chiếc áo dài nam để lại trong lịch sử trang phục nước ta.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu. Chúng ta, những thế hệ trẻ hãy tiếp tục giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn trong trang phục truyền thống để biết trân quý những giá trị mà ông cha để lại.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 40

Mở bài: Mỗi một quốc gia phải có nhưng yếu tố riêng biệt đại diện cho sự tồn tại của quốc gia đó. Ví dụ như nước Việt Nam có quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao và không thể thiếu là quốc phục-chiếc áo dài quê hương.

Thân bài: Chiếc áo dài Việt Nam trông đơn giản hơn nhiều so với bộ ki-mô-nô là quốc phục của Nhật Bản hay bộ Han-bok là quốc phục của Hàn Quốc nhưng nó lại mất cả một quãng thời gian dài để hình thành. Từ thế kỉ XVIII, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã phác thảo ra hình dáng chiếc áo dài. Tuy ban đầu còn sơ sài nhưng nó cũng phần nào thể hiện được sự kín đáo đặc trưng của người dân đất Việt. Từ đó đến nay, áo dài không ngừng được hoàn thiện, nó mang tính chất dung hòa hai miền Nam-Bắc ruột thịt của Việt Nam.

Đến thế kỉ XX (1930-1939) áo dài được thiết kế thành loại áo dài phụ nữ cổ cao, không eo và được gọi là LE MUR CÁT TƯỜNG. Sau một thời gian, bà Trịnh Thục Oanh đã thiết kế tiếp phần eo ôm sát lấy cơ thể người phụ nữ, tạo ra một cảm giác mới mẻ, hấp dẫn và quyến rũ hơn. Có thể nói, áo dài đến thời điểm này mới chính thức được thành hình.

Chiếc áo dài Việt Nam qua một thời gian dài sửa chữa và hoàn thiện thì bây giờ gồm có ba phần: cổ áo, tay áo và thân áo. Đó là chưa kể đến chiếc quần được mặc chèn bên trong. Cổ áo cao khoảng bốn đến năm căn-ti-mét. Phía trong lót vải mềm tạo cho người mặc một cảm giác thoải mái, không bị ngứa. Hiện nay đã có loại áo dài kiểu cổ tròn, tức là cắt bỏ phần cổ áo bên trên, tùy vào sở thích mỗi người mà có cách may riêng. Tay áo thường dài đến tận cổ tay, ôm gọn cánh tay thon dài của người phụ nữ Việt. Hiện nay cũng đã có loại tay áo chỉ dài đến khuỷa tay và rất được ưa chuộng. Thân áo gồm hai tà áo trước và sau, dài từ vai xuống gót chân. Phần từ vai đến hông may sát người, ôm trọn lấy thân hình thon thả của người phụ nữ, hai bên sườn được may bằng chỉ hoặc khóa kéo. Phần từ hông xuống gót chân được xẻ ra thành hai vạt, vạt trước và vạt sau, mềm mại uốn lượn trong gió. Mặc áo dài thường đi kèm với một chiếc quần bên trong. Quần thường được may bằng lụa, kiểu ống rộng, độ dài vừa bằng phần vạt áo từ hông xuống gót chân, mục đích để che chắn cho đôi chân người phụ nữ Việt.

Áo dài thường được trang trí công phu, hình ảnh minh họa trên áo dài cũng được người ta lựa chọn kĩ lưỡng. Đối với áo dài, vải dùng để may cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến giá trị của chiếc áo dài. Vải càng đẹp, càng sang thì càng quyến rũ, càng thoải mái khi mặc. Khi may áo dài, người ta thường chọn vải tơ tằm, vải gấm hoặc những loại vải tốt khác để đảm bảo độ đẹp, độ quyến rũ mềm mại của chiếc áo.

Áo dài đã giúp Việt Nam giành được nhiều giải thưởng quý giá. Năm 1970, tại hội chợ Osaka-Nhật Bản, chiếc áo dài Việt Nam đã vinh dự đạt huy chương vàng về y phục truyền thống dân tộc. Vẻ đẹp quyến rũ của chiếc áo dài đã thật sự chinh phục được những vị giám khảo khó tính nhất của cuộc thi, đã thật sự vượt qua vẻ đẹp của những bộ y phục khác trên thế giới để nhận về vinh quang cho người dân đất Việt.

Như ta thấy, trong những cuộc thi hoa hậu, luôn luôn không thể thiếu phần thi mặc áo dài. Và đương nhiên, người vinh dự được đội chiếc vương miện cũng là người mặc chiếc áo dài có hồn nhất.

Kết bạn: Chiếc áo dài Việt Nam ngày nay không chỉ có sự đẹp đẽ, quyến rũ đến mê hồn của nó mà còn là thứ được các vị tiền nhân gửi gắm lòng nhân đạo, sự sáng tạo vượt bậc của người Việt Nam. Là một người Việt Nam, tôi tự hào về chiếc áo dài, về tâm hồn của dân tộc tôi.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 41

Không có tài liệu ghi nhận xuất phát điểm của áo dài nguyên thuỷ.Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Sử gia Đào Duy Anh viết, "Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, mặc áo dài về bên tả.

Thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, về sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải".

Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả.

Vì phải làm việc chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ.

Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải.

Áo dài được cách tân thế nào đó để giảm nét dân dã và gia tăng dáng dấp trang trọng khuê các. Thế là ra đời áo ngũ thân với biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé lại trở thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước. Mỗi vạt có hai thân nối sống, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho quan điểm về ngũ thường theo quan điểm Nho giáo và ngũ hành theo triết học Đông phương.

Bộ áo tứ thân

"Bộ áo tứ thân đứng vững trên đất nước Việt Nam cả mấy ngàn năm trong khi bộ xiêm y lượt thượt của người nữ Trung Hoa chỉ còn xuất hiện trong cung điện hoặc trong những nhà quyền quý. Phụ nữ Trung Hoa dưới thời vua Võ Vương nhà Thanh năm 1774, mặc kiểu áo xường xám không có... quần! Trong thời gian đó, truyền thống mặc váy vẫn tồn tại ở Việt Nam cho đến thế kỷ mười bảy như đã ghi trong sách Lê Triều Thiên Chính đời vua Lê Huyền Tông, tháng 3 năm 1665 với sắc lệnh nhắc nhở: ”... áo đàn bà con gái không có thắt lưng, quần không có hai ống từ xưa đến nay đã có tục cũ...”

Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam.

Chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Trung Hoa, cho đến thế kỷ 18 lối ăn mặc của người Việt Nam vẫn thường hay bắt chước lối của người phương Bắc, đặc biệt dưới thời các chúa Nguyễn khi xứ Đàng Trong do nhu cầu khai phá khẩn hoang, đón nhận hàng vạn người Minh Hương (còn gọi là người Khách Trú hay đọc trại thành "cắc chú") bất mãn với nhà Thanh sang định cư lập nghiệp, mặc dù người Việt cũng có lối ăn mặc riêng. Trước làn sóng xâm nhập mới này, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành. Trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau: "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở.

Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép ..." (sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên). Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn viết "Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy".

Căn cứ theo những chứng liệu này, có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cố định đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765). Vào thời này, các văn bản tại Việt Nam dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm, áo dài viết bằng chữ Nôm là 襖長.

Một vài tài liệu quy kết việc ra đời của chiếc áo dài quốc phục là do những tham vọng riêng tư của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Do muốn xưng vương và tách rời Đàng Trong thành quốc gia riêng, nên ban sắc dụ về ăn mặc như trên cho khác đi (trong quy định này đã có chỉ thị phụ nữ phải mặc quần hai ống). Sau thấy quần hai ống khêu gợi quá, Vương mới giao cho triều thần pha phối từ mẫu áo dài của người Chăm (giống như áo dài phụ nữ Việt Nam ngày nay, nhưng không xẻ nách) và áo dài của phụ nữ Thượng Hải (chiếc sườn xám) để "chế" ra cái áo dài của phụ nữ Việt Nam (Xem thêm Liên kết ngoài, bài Sự Tích Áo Dài Việt Nam).

Chiếc áo dài đầu tiên giống như áo dài người Chàm và có xẻ nách và quan điểm trên quá thiên nặng về tính chống phong kiến nên vô hình chung đề cao vai trò của Vũ Vương như là "nhà thiết kế áo dài hiện đại đầu tiên".

Áo sườn xám: bộ áo ngũ thân xuất hiện vào khoảng đời vua Gia Long (1802-1819). Sở dĩ có sự ước đoán này, vì mặc áo ngũ thân thì phải mặc quần chớ không thể mặc váy.

Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống, nên hồi ấy mới xuất hiện câu ca dao than vãn:

Tháng Tám có chiếu vua ra (Bản chép khác: Chiếu vua Minh Mạng ban ra)

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng!

Áo dài "Le Mur"

"Le Mur" chính là cách dịch sang tiếng Pháp của tên Cát Tường, một họa sĩ vào thập niên 1930 đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Tuy nhiên, áo dài Le Mur có nhiều biến cải như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở. Thêm nữa áo Le Mur mặc cho đúng mốt phải với quần xa tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm.

Áo dài Lê Phổ

Năm 1934, một họa sĩ khác là Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy đến nay dù trải bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Áo dài với tay raglan (giác lăng)

Thập niên 1960 có nhà may Dung ở Dakao, Sài Gòn đưa ra kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan. Với cách ráp tay raglan làn vải được bo sít sao theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, khiến chiếc áo dài ôm khít từng đường cong của thân hình người phụ nữ, tạo thêm tính thẩm mỹ.

Áo dài miniraglan

Phiên bản này được áp dụng rộng rãi cho nữ sinh. Theo phiên bản này, áo dài tay miniraglan có tà chỉ dài tới gối, nhưng hai ống quần rộng lòa xòa phủ kín đôi chân, đồng thời khi bước đi thấy thấp thoáng ẩn hiện mũi giầy dưới sóng lụa. Hai đặc điểm này làm cho tà áo nữ sinh đậm chất hồn nhiên, dễ thương, và đã làm xao xuyến lòng bao chàng trai.

Một biểu trưng mang đậm bản sắc Việt Nam

Khác với kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại cũng vừa hiện đại. Chiếc áo dài có cách riêng để tôn đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái, lại tạo dáng thướt tha, tôn bật nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm.

Chiếc áo dài vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ sản xuất riêng cho một người, dành cho riêng người đó; không thể có một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để vi chỉnh nữa mới hoàn thiện

Áo dài nam phục

Theo nhà biên khảo Trần Thị Lai Hồng thì áo ngũ thân đi đôi với quần hai ống và khăn đội đầu cũng Đàn ông con trai chỉ dùng màu đen, trắng, hoặc lam thẫm. Tuy nhiên theo sắc dụ ban hành từ thời Chúa Nguyễn Vũ Vương thỉ sự quy định trang phục cho nam giới ít gò bó và thoáng hơn, "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mớ.

Một giả thuyết khác cho rằng từ khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về quốc phục đã xuất hiện lối ăn mặc theo cách Việt Nam ở phái nam cho khác biệt với lối ăn mặc của người khách trú.

Sự khác biệt thứ hai là trên chất liệu vải (thường bằng the mỏng, và mặc ra ngoài áo bà ba trắng, với phụ tùng lệ bộ kèm theo là khăn đóng (tức khăn vành cho nam). Có thể ngay từ đầu, "quốc phục sơ khai" của nam giới đã chỉ có hai vạt và được biến cách trên chiếc áo Tàu "nhà Thanh": dài gần tới gối và có đường xẻ hai bên từ hông trở xuống. Đến thập kỷ 1930 khi xuất hiện áo nữ với hai tà dài thì được thay đổi chút ít cho gần gũi chiếc áo dài nữ phục. ^^

Vậy nếu nói đến quốc phục truyền thống thì chính chiếc áo dài nữ phục mới đậm nét hơn, được quy định bởi những văn bản pháp quy (sắc dụ chúa Nguyễn Vũ Vương) và chuẩn mực ăn mặc rõ ràng hơn (chiếu chỉ quy định của vua Minh Mạng về trang phục hoàn chỉnh cho áo dài nữ phục). Áo dài nữ ngày càng được hoàn thiện và duy trì đến ngày nay

Áo dài nam phục Việt Nam lại không có số phận may mắn như áo dài nữ phục. Ngày nay ta ít có dịp bắt gặp hình ảnh một thanh niên, thậm chí một ông cụ già Việt Nam, vận chiếc áo dài nam phục truyền thống.

Áo dài nam phục chỉ còn xuất hiện tại những lễ hội mang đậm nét truyền thống Việt Nam. Đặc biệt tại tuần lễ cấp cao APEC (2006) được tổ chức tại Việt Nam, trong lễ công bố Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều mặc trang phục truyền thống của nước chủ nhà..

Một trong những vấn đề là việc xác định thế nào là Truyền thống Việt nam, thế nào là Bản sắc văn hóa Việt nam. Tuy còn một vài nhận định chưa thống nhất, nhưng chắc chắn, chiếc Áo Dài là một bản sắc Việt Nam, và nó cũng đã phải trải qua những thăng trầm, biến đổi không ngừng và ngày càng phát huy vẻ đẹp cho phụ nữ Việt Nam.

Đó là Áo Dài- đồng phục của những cô học trò. Giờ học đã tan, các cô gái cùng với những chiếc xe đạp, rúc rích hòa vào dòng chảy của người đi bộ, của xích lô và xe máy. Trong cái đám đông đó, cô gái ngồi trước, cánh tay cong cong, điệu nghệ và duyên dáng điều khiển chiếc xe đạp.

Những tà Áo Dài trong đủ sắc màu - đỏ, vàng, xanh lá cây, hay rực rỡ cánh hoa. Đám con trai dõi mắt nhìn theo. Vì ánh mắt bị phân tán như vậy, mà lắm khi xe cộ đâm nhau.

Áo Dài tô đậm thêm những ý tưởng về người con gái Việt nam hiền dịu, luôn sẵn mỉm cười. Không có một bộ phim chiến tranh nào của Mỹ mà lại thiếu bóng dáng những cô gái yêu kiều trong chiếc Áo Dài làm mê mẩn biết bao người lính.

Tất cả những phim phóng sự về Đông dương đều không thể bỏ qua hình ảnh những nữ sinh với tà Áo Dài trắng, ít nhất cũng là trong đoạn dạo đầu.

Áo Dài là trang phục dân tộc của người phụ nữ Việt nam. Kiểu cách Áo Dài đã được một nhà tạo mốt của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà nội phác thảo mãi vào những năm 30 của Thế kỷ 20.

Áo Dài hoàn toàn không phù hợp với lao động chân tay. Một thời gian dài trong chiến tranh, áo dài ít xuất hiện trong ngày lao động bình thường.

Từ ngày mở cửa Việt nam cuối những năm 80, nữ sinh, nữ nhân viên ngân hàng, nữ công chức bưu chính lại thong thả dạo chơi trong những cánh Áo Dài. Trong đám cưới, Áo Dài cũng dần dần thay thế những lòa xòa của bộ áo cưới đăng-ten; và trong những lễ hội thôn quê. Ngay cả phông biển các văn phòng du lịch nhà nước cũng phải dùng Áo Dài trong quảng cáo.

Và những nhà cắt may luôn thử nghiệm ra những Modell mới. Mẫu hình thay đổi, phong cách đổi thay. Xu thế thời thượng hiện nay, áo dài ca khúc khải hoàn như là một biểu tượng cho nền văn hóa phong phú của Việt nam.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 42

Áo dài là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay. Tuy cuộc sống ngày càng hiện đại trang phục càng trở nên đa dạng và cầu kì nhưng áo dài vẫn mang một sức hút lạ thường và được lựa chọn làm trang phục chủ yếu trong nhiều lĩnh vực. Không những được yêu thích trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Để hiểu rõ hơn về quá trình lịch sử cũng như sự thay đổi của chiếc áo dài như thế nào thì hôm nay mình xin dẫn mọi người đến với bảo tàng áo dài Việt Nam. Nơi hội tụ rất nhiều kiểu dáng áo dài khác nhau.

Khu bảo tàng này nằm ở số 77 Nguyễn Huệ, quận 1. Nơi đây trưng bày rất nhiều áo dài từng trải qua các thời kỳ lịch sự khác nhau.

Bảo tàng này hình thành từ một chung cư cũ của Sài Gòn, sau đó đã được phát triển thành không gian triển lãm áo dài. Do nhà thiết kế Sĩ Hoàng xây dựng nên và đưa vào hoạt động chính thức vào năm 2014.

Áo Dài có sức thu hút bởi chính sự linh hoạt, biến đổi dần trong quá trình phát triển và định hình ở mức độ cô đọng nhất : Đôi tà Áo Dài Việt Nam. Áo Dài đã trở thành biểu tượng đẹp khi nhắc đến Việt Nam. Áo Dài là trang phục từng được nguyên thủ quốc gia chọn lựa khi tiếp quốc khách. Áo Dài đã và vẫn đang là trang phục được cô dâu – chú rể chọn cho ngày quan trọng của đời mình. Áo Dài thể hiện tính cách của người Phụ nữ Việt Nam : Vẻ đẹp của ngoại hình là biểu tượng của dịu dàng, kín đáo, tế nhị, ý tứ bên trong. Chiếc Áo Dài lành lặn, đẹp đẽ như ngày hôm nay đã là công lao của cả dân tộc, lưu truyền biết bao câu chuyện đẹp về Áo Dài.Bảo tàng áo dài Việt Nam ra đời cũng vì lẻ đó.

 Chiếc áo dài ra đời lần đầu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 -1765). Do sự di cư của hàng vạn người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt.Chiếc áo dài thay đổi theo từng giai đoạn và lý do khác nhau: Chiếc áo dài đầu tiên là chiếc áo dài giao lãnh. Đó là loại áo giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai tà trước không buộc lại, mặc cùng váy thâm đen.Do việc đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân ,xuất hiện vào thế kỉ XVII, khoảng năm 1645. Thời này do khổ vải dệt chỉ từ 35-40cm, nên thân áo trước là hai tà tách riêng, hai áo sau được khâu ghép lại thành một đường dài gọi là sống áo nên được gọi là áo tứ thân. Áo có màu nâu, không có khuy cài, thả dài xuống hoặc được cột để tiện cho việc đồng áng, buôn bán.Bên trong có yếm. Ngoài yếm có một chiếc áo cánh ngắn và có một miếng vải lụa thắt giữa áo cánh và cạp váy. Thường xuất hiện trong các dịp lễ hội.

Sau chiếc áo dài tứ thân, khoảng năm 1884 thì áo dài năm thân ra đời. Chiếc áo dài này được may nối lại với nhau thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. Ngoài ra, áo còn có năm cúc thể hiện cho đạo lí làm người của Việt Nam nhân lễ nghĩa trí tính. Có hai loại là: năm thân tay hẹp và năm thân tay rộng.

Vào thế kỉ XIX, trang phục của triều Nguyễn được qui định chặt chẽ vì vậy mà áo dài được thêu hay dệt những hoa văn trang trí hình chim phượng, con dơi, mặt trời, màu ngũ sắc,vv..v. Bên trong có lớp lụa lót. Đây được gọi là áo dài Vương Triệu nhà Nguyễn.

Từ năm 1950, áo dài cổ cao xuất hiện. Vào lúc này, áo nịt ngực rất phổ biến, nên chiếc áo dài được chít eo, ôm sát vào người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông và đặc biệt cổ áo rất cao.

Ngoài áo dài cổ cao, còn có áo dài hở cổ, xuất hiện vào năm 1958. Kiểu áo dài khoét cổ thuyền, đã tạo nên một trào lưu trong giới quý bà và được ưa chuộng đến tận ngày nay.

Bên cạnh đó, có một loại áo dài rất đặc biệt tên là Áo dài tay Raglan. Vào những năm 1957, áo dài được coi là một xu hướng thời trang, đó cũng là thời điểm ông Đỗ Thành áp dụng lối ráp tay Raglan xéo vai trong âu phục vào áo dài để vai áo dài bớt nhăn. Ý tưởng sáng tạo này đã cho ra đời chiếc áo dài tay raglan đầu tiên vào năm 1958.

Do sự ảnh hưởng bởi trào lưu văn hóa và thời trang Hippy vào những năm 1960, bắt nguồn từ Mỹ thể hiện triết lý “ Sống hết mình.” . Áo dài Hippy xuất hiện ngay lập tức đã trở thành mốt thời thượng với chất liệu nhẹ nhàng, sắc màu sặc sỡ của cỏ cây, hoa lá, hình kĩ hà, được dân chúng ưa chuộng đến năm 1990.

Trong những năm từ 1989 đến 1990, áo dài được làm từ chất liệu thổ cẩm ra đời mang tên Áo dài thổ cẩm, song song đó nghệ thuật vẽ được đưa vào chiếc áo dài tên là Áo dài vẽ.  Nếu chiếc áo dài thổ cẩm kết dệt những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa thì chiếc áo dài vẽ mang giá trị nghệ thuật sinh động, được sáng tạo riêng để tôn lên vẻ đẹp của từng người mặc.

Từ năm 1990 đến nay, chiếc áo dài vẫn luôn là linh hồn của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, do cuộc sống luôn thay đổi theo chiều hướng hiện đại hóa, chiếc áo dài đã được cách tân để  phù hợp với xu hướng. Với nhiều kiểu dáng khác nhau, phù hợp với nhiều độ tuổi, nhà thiết kế sáng tạo tay áo như tay lở, tay lửng , vạt áo ngắn hơn, sử dụng nhiều chất liệu như ren và nhung…Tạo nên một xu hướng mới cho chiếc áo dài nhưng vẫn đậm tính truyền thống của con người Việt Nam.

Áo dài không những là đại sứ văn hóa mà còn dần trở thành đại sứ du lịch Việt Nam. Không dừng lại ở đó, áo dài trở thành một sản phẩm du lịch, điển hình như ở Hội An (Quảng Nam). Trong một không gian cổ kính, sau khi tìm hiểu về tơ lụa, về áo dài, rất nhiều khách du lịch muốn có một bộ cho mình. Dịch vụ may áo dài lấy ngay ra đời. Chỉ cần đặt tiền, chọn vải, để lại số đo, địa chỉ khách sạn, khách du lịch nhanh chóng nhận một bộ áo dài đẹp trong ngày, khiến họ cảm thấy hào hứng hơn. Có dịp ra Hội An du khách có thể ghé thăm và mua về cho mình một bộ áo dài làm kỉ niệm.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 43

Dễ dàng nhận thấy được rằng cứ mỗi một dân tộc đều có những văn hóa, đòng thời cũng sẽ lại có những nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Và quốc phục của người Việt Nam chúng ta thì đó chính là chiếc áo dài.

Từ xưa cho đến nay, ta dường như cũng thấy được rằng mặc dừ cũng như vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng ta chắc chắn một điều là chiếc áo dài cũng đã gắn bó với người Việt chúng ta từ rất lâu và nó đã in hằn và trở thành mọt biểu tượng văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Áo dài hiện đại ngày nay cũng có rất nhiều loại. Nhưng, ta cũng phải hiểu được rằng thuở sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh. Điều này được nhận xét đó chính là cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại mà thôi. Vfa có lẽ rằng những người phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân vậy. Áo tứ thân cũng như đã bao gồm bốn vạt nửa trước phải, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái. Nhưng, quả thật ta như thấy được cũng chính với những người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ. Ta dường như cũng sẽ muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng, khuê các. Thế là ta như biết được rằng, chính áo tứ thân được biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay lại được thu bé trở lại thành vạt con. Và chiếc áo đoa lại như  thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước trở thành áo ngũ thân cũng rất thướt tha cho người mặc chúng.

Ngoài ra, ta cũng như còn biết đến đó chính là áo dài Le Mor của một họa sĩ vào đầu thập niên 1930. Chiếc áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ được thiết kế vào năm 1934, lúc đó thì chiếc áo dài với tay giác lăng vào thập niên 1960, áo dài miniraglan danh cho các nữ sinh nhìn cũng rất đẹp.

Áo dài của nước ta thật là khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc. Dễ dàng có thể nhận thấy được chính chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi. Chính chiếc áo dài cũng như đã dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà… Đặc biệt hơn ta như thấy được chính việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản thì cũng sẽ làm nổi bật lên rất nhiều. Ta dường như cũng sẽ thấy được rằng, khi mình mặc với một quần lụa hay vải mềm. Đặc biệt hơn ta như thấy được chính dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được. Và nếu như chúng ta lại cần trang thì đừng quên thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu. Thêm một gợi ý hay nữa là đi kèm một chiếc miền Tây tùy thích. Có thể thấy được rằng đây cũng chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.

Áo dài của người Việt ta để đáp ứng được nhu cầu cũng như sở thích của mình thì có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam nhất. Đặc biệt hơn ta như thấy được chính trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài trắng như cũng đã thật là thướt tha. Những bộ áo dài này mà các bạn nữa xõa tóc dài chạy xe đạp đến trường thì đúng thật là một bộ đồng phục  nhã nhặn và đẹp nhất. Cũng nơi đó, thì ta cũng không quên được có những cô giáo, cũng mặc những chiếc áo dài màu sắc tinh tế hơn, không phải trắng tinh khôi như những em học sinh nữa. Thế rồi đến những ngày lễ Tết thì những chiếc áo dài đỏ lại thật là phù hợp với không khí Tết biết bao nhiêu.

Thực sự ta như thấy được mỗi một chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Chiếc áo dài thông thường bao giờ cũng có được ở phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Đặc biệt cũng có thể nhận thấy được rằng ở hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo. Có lẽ chính vì thế, ta dường như cũng đã thấy được những chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao. Và đặc biệt hơn ta như thấy được ở mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người và chỉ dành cho người ấy, không thể là một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Thế rồi ngay cả những người đi may được lấy số đo rất kĩ, khi may xong phải thử và chỉnh sửa lại thêm vài lần nữa thì mới hoàn thiện được.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 44

Cũng không ngạc nhiên khi một người Việt trả lời rằng tà áo Dài là một trong những hình tượng tiêu biểu ở đất nước này. Thật khó mà dịch từ "áo Dài" sang bất cứ ngôn ngữ nào vì không ở đâu có một tà áo Dài như ở Việt Nam.

Áo Dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, ôm sát cơ thể, có cổ cao và dài khoảng ngang gối. Nó được xẻ ra ở hông. Áo Dài vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ đường nét của một người thiếu nữ. Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, những vùng địa lý khác nhau, trang phục áo dài đều có những nét đặc sắc riêng. Vào khoảng từ năm 1618 đến năm 1623, một vị giáo sư người Italia có tên Cristoforo Borri, sống ở vùng Quảng Nam đã nhận xét trong một cuốn sách của ông rằng: “Người Việt Nam xưa nay thường có tính kín đáo. Tuy là một nước nhiệt đới, nhưng người Việt ăn mặc rất kín đáo, có thể là kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng”.

Có lẽ người Việt xưa đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Chẳng hạn, do đặc thù về nhân chủng học, người Việt có cái cổ thường không cao, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát cổ, trong khi tóc được vấn cao lên, để lộ gáy... Và vì thế, cái cổ của một phụ nữ Việt có nhan sắc trung bình vẫn trở nên thanh tú và cao sang hơn. Phải chăng đó là tiền đề cho phần cổ của chiếc áo dài? Áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm. Người Trung Quốc gọi loại áo này là “bì bào”, có nghĩa là áo mặc sát vào da.

Đến nay, vẫn chưa có ai khẳng định được chiếc áo dài Việt xuất hiện từ bao giờ và như thế nào? Tuy nhiên, chuyện được biết nhiều nhất là việc chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng vương (năm 1744) đã bắt quan, dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ “Tam tài đồ hội” của nhà Minh, Trung Quốc. Vì thế mà có giả thuyết cho rằng, áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc. Tuy nhiên, áo dài hay “bì bào” không phải là lễ phục. áo dài chỉ là một loại thường phục trang trọng có thể mặc để tiếp khách hay đi chơi. Loại “bì bào” độc nhất ở Trung Quốc thường được gọi là “Sường xám”, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện vào những năm của thập niên 1930 tại Trùng Khánh và Thượng Hải. Vào năm 1776, sau khi chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Chấn Thủ Lê Quý Đôn đã ra lệnh cho dân ở đây phải ăn mặc theo lề lối của Đàng Ngoài. Theo lệnh này, về thường phục thì: “Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay có cổ đứng...”. Tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài của cánh tay như trong áo lễ.

Trong cuốn sách của giáo sỹ Borri (như đã nói ở trên) có tên: “Tường thuật về sứ mệnh mới của các linh mục Dòng Tên ở Nam Kỳ - năm 1631” đã miêu tả cách ăn mặc của người Việt Nam đầu thế kỷ 17 như sau:“Người ta mặc năm, sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân, những cái áo khác ở ngoài ngắn dần...”. Đấy là vị giáo sỹ đã nói đến chiếc áo mớ ba, mớ bảy của phụ nữ Việt còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh hay còn lác đác ở Huế. “Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa... Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông rất đẹp mắt... khi có gió thổi, các dải áo bay tung lên như cánh chim công thật ngoạn mục...”. Thực ra, mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các dải dài bên dưới thắt lưng mà giáo sỹ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm có ba hoặc bốn lớp dải lụa, gọi là cánh sen may chồng lên nhau. Bức tượng Bà Ngọc Nữ được tạc từ thế kỷ XVII ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các dải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sỹ Borri đã miêu tả. Cái áo dài đó cũng như cách vấn khăn không có nhiều khác biệt so với bây giờ.

 Cho đến đầu thế kỷ XX, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước, áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay như thế là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm, đoạn... ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chiết eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ở gấu, cổ áo chỉ cao khoảng 2-3 cm.

Trong thập niên từ 1930 đến 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải màu tươi, sáng hơn, được nhập khẩu từ châu Âu. Thời kỳ này, gấu áo dài thường được may trên mắt cá chân khoảng 20cm. Từ đây và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ XX thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen dành cho những phụ nữ đã lập gia đình. Một vài nhà tạo mẫu áo dài đã bắt đầu xuất hiện, nhưng họ mới chỉ bỏ đi phần nối giữa sống áo vì vải của phương Tây dệt có khổ rộng hơn vải ta, áo vẫn may nối. Thời đó, Hà Nội đã có các nhà may nổi tiếng như Cát Tường ở phố Hàng Da và một số ở khu vực Hàng Trống, Hàng Bông.

Năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường đã tung ra một kiểu áo mới có tên gọi là Le Mur mang mẫu dáng rất Âu hoá, áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may, không nối sống bên dưới, nhưng cổ áo khoét hình trái tim; có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ; vai áo may bồng, tay nối ở vai; khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Vậy là áo Le Mur được xem là táo bạo và chỉ có giới nghệ sỹ hay ăn chơi “thời thượng” lúc đó mới dám mặc. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1943 thì loại áo này đã bị lãng quên.

Đến khoảng những năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may chiết eo. Các nhà may lúc đó đã cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân trước, đặc biệt là phần mông để áo ôm theo thân dáng mà không cần chiết eo; vạt áo cắt hẹp hơn, cổ áo cao lên trong khi gấu được hạ thấp xuống.

Vào những năm 1960, áo dài được thay đổi nhiều nhất vì cái nịt ngực được sử dụng ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài phải được may chiết eo, thậm chí người phụ nữ mặc rất chật để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên để hở cạp quần; gấu áo cắt ngang thẳng và dài gần đến mắt cá chân. Năm 1960, vì muốn thấy có cảm giác cổ phụ nữ dài thêm, bà Trần Lệ Xuân đặt ra loại áo dài cổ thuyền, được gọi là áo bà Nhu và sau này còn có người may áo dài với cổ khoét tròn.

Vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên theo lối hippy, áo dài mini đã xuất hiện và ngay lập tức trở thành mốt thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng ra và không chiết eo, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể; cổ áo may thấp xuống còn 3 cm; vai áo bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn; quần khi đó được may rất dài, gấu rộng đến 60 cm. Sau thời kỳ này trở về đến năm 1990, áo dài không thay đổi nhiều lắm so với truyền thống, thỉnh thoảng cũng có vài mẫu đổi mới, chẳng hạn như quần và áo đồng màu, nhưng không phổ biến...

Ngày nay, Việt Nam đã có một lực lượng đông đảo các nhà tạo mẫu áo dài, với đủ các loại chất liệu vải, họ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo đưa ra những mẫu mốt mới...Chất liệu mới cho áo Dài được kết hợp từ những tấm vải mẫu, thường được trang trí bằng những đường nét thủ công hoặc thêu thùa. Song, cũng chỉ dừng lại ở việc thay đổi chất vải và hoa văn trên áo dài còn về kiểu dáng vẫn phải giữ theo “công thức” cũ, nghĩa là không khác gì nhiều với cái áo dài của pho tượng Ngọc Nữ thế kỷ XVII. Trong cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt… Không giống như kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng.

Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Trên chững chuyến bay đường dài với những sự thay đổi thời tiết và khí hậu đột ngột dễ gây mỏi mệt và bực bội đối với những hành khách trên không, hình ảnh những thiếu nữ Việt xinh tươi đằm thắm trong tà áo dài chính là “linh hồn” làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho hành khách của chuyến bay. Không chỉ có thế, ngày nay tại các công sở, cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh những phụ nữ gọn nhẹ trong tà áo dài nhưng vẫn hoạt bát nhanh nhẹn xử lý công việc thật ngăn nắp, chỉnh chu. Đúng như lời nhận xét của một chuyên gia thời trang Đông Nam Á: “Áo dài Việt tạo ra sự thoải mái cho người phụ nữ. Trong khi áo dài Trung Quốc có một số hạn chế, áo dài Việt cho phép người mặc có thể hoạt động tự do và nó cũng có sức cuốn hút hơn”.

Và ngày càng vươn xa khắp các nước… Vào khoảng tháng 06.2001, lần đầu tiên áo dài Việt Nam được giới thiệu tại thành phố Tour, Pháp với sự tham dự của khoảng 300 người hâm mộ văn hóa Việt, chiếc áo dài được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt. Một cô gái người Singapore gốc Trung Quốc từng phát biểu: “nhiều người đang có khuynh hướng làm đẹp theo kiểu phương Tây nhưng với tôi và không ít người khác lại muốn kế thừa những nét đẹp Á Đông. Áo dài đưa chúng tôi trở về với những giá trị châu Á”. Không chỉ tại châu Á, trong con mắt người phương Tây, từ lâu chiếc áo dài cũng đã được chú ý, chị Susan, một phụ nữ gốc Anh sống ở Úc từng qua công tác và làm việc ở Việt Nam, đã tìm may và sưu tầm cho mình ba bộ áo dài đẹp để mặc vào những dịp lễ hội khi chị còn ở Việt Nam, khi về nước chị đã kỹ càng gói lại và đem về mặc lại cho những người thân của mình xem khi có dịp. Và như là một hình thức để giới thiệu về đất nước và con người Việt, đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã từng làm một bộ phim dài 30 phút về áo dài Việt để trình chiếu tại nước này.

Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 45

Một ngày cuối tuần như bao cuối tuần khác khi đang đi dạo trên con phố quen thuộc thì bất giác tôi dừng chân khi nghe thấy câu hát quen thuộc phát ra từ một chiếc cái gác xép cũ kĩ “em đẹp không cần son phấn xinh thầm xinh thầm duyên áo dài duyên dáng” câu hát quen thuộc khiến tôi bất giác nhớ đến tà áo dài.

Từ bao đời nay tà áo dài là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là quốc phục của đất nước và không thể thiếu trong các cuộc thi sắc đẹp hiện nay.

“Có tìm hiểu dĩ vãng của chính mình thì mới quý nó được và có quý trọng dĩ vãng thì mới tìm được hướng đi trong tương lai”. Đó là lời mà học giả Nguyễn Hiến Lê muốn gửi đến các bạn trẻ những ai quan tâm về việc bảo vệ kho tàng văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa quả thật chiếc áo dài đã lưu giữ lại rất nhiều nét đẹp không chỉ trong ca dao tục ngữ nà còn trong nghệ thuật điêu khắc nhạc kịch và hội họa. Ngược dòng thời gian tìm về ngồn cội chiếc áo dài đã trải qua biết bao thăng trầm của dân tộc con người Việt Nam.

Chiếc áo dài bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân xuất hiện vào giai đoạn thế kỉ 16 và 17. Gọi là áo tứ thân bởi vì kĩ thuật dệt và khung dệt của người Việt Nam khi đó không đủ lớn để cho ra một tấm vải với khổ lớn như bây giờ.

Nó chỉ ra một khổ vải khoảng ba bốn tấc . Chúng ta phải ghép hai thân trước và hai thân sau , tuy nhiên hai thân trước ta để mở hai thân sau ta nối lại ở hai đường sống lưng mặc kết hợp với yếm và váy. Trong quá trình trao đổi và dịch chuyển người phụ nữ sử dụng hai mảnh vải khác để làm chặt thắt lưng .

Về cơ bản chất liệu vải của cả nước lúc bấy giờ là như nhau là lụa tơ tằm tự nhiên cho nên người nếu như người phụ nữ nào sử dụng trang phục với trang sức như vòng vàng hay kiềng thì họ thuộc tầng lớp quý tộc còn những người phụ nữ bình thường thì họ không có điều kiện đế sử dụng trang sức. Khi ở nhà họ quấn khăn khi ra đường thì sử dụng nón ba tấm và đôi guốc mộc.

Áo dài năm thân xuất hiện sau khi áo tứ thân ra đời khoảnh hai thế kỉ . Chiếc áo này được những người thành thị cải biên trên nền tảng của chiếc áo tứ thân.

Về kiểu may cơ bản không thay đổi so với áo tứ thân . Ở giai đoạn này họ bắt đầu có khái niệm về cái đẹp nhưng cái đẹp của họ phải là cái đẹp kín đáo nên phần thân trước đóng lại để tránh thấy phần nội y bên trong.

Áo dài Tân thời xuất hiện vào thế kỉ 20 mang khuynh hướng hiện đại nhưng nhưng vào thời gian đó do chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp nên tất cả áo dài giai đoạn này đều bị đốt bỏ đi.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử áo dài cũng đã có rất nhiều thay đổi lớn cổ áo lúc cao lúc thấp khi vuông lúc tròn khi kín lúc hở chiều dài cũng lên xuống khi dài lúc nhắn gấu áo cũng khi lớn lúc nhỏ vòng eo có khi rộng lúc thắt chặt .

Chiếc quần cũng thay đổi khi to lúc nhỏ. Những thay đổi đó đã đem đến một diên mạo mới cho áo dài với cổ áo cao khoảng bốn cm làm tăng thêm nét đẹp của người phụ nữ.

Cúc áo là loại cúc bấm cài từ cổ qua vai xuống eo,phần eo chít và từ eo thân áo được xẻ thành hai tà dài đến mắt cá chân.

Ống tay may từ vai ôm sát cánh tay dài qua khỏi cổ tay. Khi mặc áo dài người phụ nữ thường sử dụng thêm chiếc nón lá để làm tăng nét quyến rũ và kín đáo.

Mỗi khi mặc áo dài hẳn bất cứ ai trong đất nước Việt Nam đều có những cảm xúc khác nhau nhưng trên hết đó là sự tự hào về bản thân nó toát lên vô cùng gợi cảm và kín đáo của người phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh đó là niềm tự hào dân tộc vì mỗi quốc gia trên thế giới đều mang một trang phục riêng biểu tượng cho mỗi một quốc gia và tự hào thay khi nhìn thấy tà áo dài thì tất cả bạn bè năm châu đều biết đến đó là biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Tuy vậy nếu tìm hiểu sâu hơn về tà áo dài Việt Nam thì chúng ta sẽ biết thêm rằng không chỉ khi mặc áo dài là có cảm xúc đẹp mà nó còn mang những cản xúc hoàn toàn khác.

Khi chiến tranh xảy ra người đàn ông người chồng người cha người anh những người trụ cột trong gia đình sẽ ra chiến trường để xông pha đánh giặc.

Khi đó người phụ nữ ở nhà họ không hề than khóc sầu đau mà với mái tóc dài tà áo dài thướt tha họ xuống dường biểu tình để hô hào đòi được độc lập cùng chung sức đòi sự công bằng và bình đẳng không cho phép những cuộc đàn áp bắt bớ .

Đối diện với họ là những thế lực vô cùng bạo tàn là lưỡi dao họng súng là lưỡi lê . Chính nét thần thái sự tự tin đã khiến cho kẻ thù nể phục .

Bộ áo dài được ví như một chiếc áo giáp mặc dù nó vô cùng mỏng manh và bản thân người mặc cũng hết sức yếu đuối nhưng dường như đã có một sức mạnh vô hình nào đó đã làm cho họ kiên cường.

Chiếc áo dài đẹp là thế thân thương duyên dáng là thế khiến cho bao người cả trong nước và quốc tế “thương”nó như thế .

Thế nên chúng ta không khỏi đau xót khi biết được những nữ sinh xé áo nhau rồi tung lên mạng chỉ vì những lúc nông nổi tức giận bạn bè vô cớ mà các em đã đánh mất nét đẹp truyền thống chỉ trong đôi ba phút quay và tung lên mạng.

Áo dài là biểu tượng cho vẻ đẹp nét kín đáo của người phụ nữ Việt Nam vậy mà chỉ trong nháy mắt nó đã bị hủy hoại một cách vô thức và đáng buồn cho sợ non nớt của các cô bé tuổi học trò.

Đứng trước những việc đáng buồn như thế ta chợt tự hỏi lòng mình liệu trước những xu hướng thời trang tiên tiến cua thế giới liệu áo dài có còn được ưa chuộng nữa hay không?

Biết được điều đó chúng ta đã có các chương trình hữu ích cho các ban trẻ tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như “hoa khôi áo dài Việt Nam” hay tổ chức các hoạt động như vẽ tranh về áo dài cho học sinh mầm non và tiểu học để các em thêm yêu hơn tà áo dài duyên dáng

Thế kỉ 21 hiện nay rất nhiều trang phục truyền thống của các nước khác trên thế giới đã không còn được ưa chuộng như xưa nữa , không còn bắt gặp hàng ngày trong cuộc sống của người dân nữa mà nó chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội lớn.

Tuy vậy áo dài Việt Nam vẫn ngày càng mang âm hưởng hiện đại không những không phai tàn dần theo thời gian mà ngày càng được ưa chuộng.

Vào những ngày sang xuân này ta càng cảm thấy háo hức hơn khi đi ngang qua bờ hồ hay những nơi cổ kính như văn miếu hay hoàng thành ta bắt gặp những bạn trẻ đang nô nức cùng nhau tạo dáng với tà áo dài để có những bức ảnh đẹp.

Áo dài ngày càng đi vào nếp sống của người dân Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ khi áo dài trở thành đồng phục cho các trường phổ thông đại học và cả các nơi công sở nữa.

Áo dài như vậy đó giản dị thân thuộc và đi vào nếp sống của người dân một cách giản dị như chính nó vậy.

Tà áo dài tung bay trong gió đã khiến cho bao khách nước ngoài khi đến với Việt Nam ta mê mẩn để rồi người đi mà vẫn nhớ tà áo dài tung bay nhẹ nhàng trong gió khiến ta như nhẹ lòng thả hồn bay bổng vào thiên nhiên cảnh vật không chút lo toan của bộ bề cuộc sống.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 46

“Thướt tha trong chiếc áo dài

Em như nhành liễu mảnh mai soi mình

Dòng sông xanh biếc dáng hình

Lặng theo bóng nước để tìm gặp em.”

Nếu ở đất nước của xứ hoa anh đào có bộ trang phục kimono là biểu tượng cho Nhật Bản, ở lục địa Trung Hoa có bộ sườn xám làm nên sự khác biệt giữa các nước khác và tạo nên điểm nhấn riêng cho đất nước thì áo dài lại là một sự lựa chọn tuyệt vời và hoàn hảo để trở thành quốc phục tượng trưng cho đất nước Việt Nam và cũng là tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, thùy mị, thướt tha của người con gái Việt.

Áo dài không biết tự bao giờ đã trở thành trang phục truyền thống và gắn liền với nét văn hóa phong cách của người dân Việt. Không chỉ nhằm tôn lên vẻ đẹp của người con gái mà áo dài còn là bộ truyền thống dành cho nam giới. Không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang nghèo, áo dài dành cho tất cả mọi người nhưng ngày nay, áo dài thường được biết đến với danh phận là trang phục của nữ giới.

Nguồn gốc của áo dài có từ bao giờ thì cho đến hôm nay vẫn còn khá mơ hồ. Người ta chỉ biết chiếc áo dài đầu tiên được ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Do sự di cư nhằm mục đích xâm nhập nước ta thời bấy giờ, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời áo dài nhằm mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Do đó, chiếc áo đầu tiên ra đời được gọi là áo Giao Lãnh. Không lâu sau đó thì áo dài tứ thân cũng ra đời. Trong những năm Pháp tiến hành xâm lược nước ta, chiếc áo dài một lần nữa lại thay đổi bởi họa sĩ Cát Tường. Ông đã biến tấu và cải cách áo dài thành chiếc áo dài Lemur.

Từ khi ra đời, chiếc áo dài Lemur này đã chịu nhiều sự chỉ trích của mọi người vì áo mang nhiều nét của kiểu cách phương Tây và được cho là không phù hợp với văn hóa của người Việt.

đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã tiến hành sáng tạo nên một chiếc áo dài kiểu mới. Bắt nguồn từ chiếc áo dài Lemur, ông đã loại bỏ những phần cứng cỏi của áo và thêm vào những nét mềm mại, uyển chuyển phù hợp với phong cách và nét văn hóa của người dân Việt.

Từ đó, chúng ta có thể thấy được nguồn gốc ra đời và quá trình hình thành của chiếc áo dài phải trải qua một khoảng thời gian khá dài và thay đổi kết cấu nhiều lần để có thể tạo nên chiếc áo dài hoàn mỹ như ngày hôm nay mà con người chúng ta vẫn thường thấy.

Trải qua bao năm tháng thăng trầm, qua bao lần thay đổi thì áo dài vẫn cứ như thế mà thực hiện sứ mệnh của mình nhằm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt. Áo dài thường có một hệ thống cấu tạo chung.

Áo dài được may sát kích cỡ cơ thể, cổ cao với hai tà áo dài đến đầu gối hoặc xuống gần mắt cá chân. Cổ áo thường được may theo kiểu hình chữ V, cao chừng bốn đến năm centimet. Khoét cổ áo theo dạng hình chữ V dung dị nhưng lại tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, khiến cho người nhìn cảm thấy được rằng cổ của người phụ nữ sẽ cao hơn.

Ngày nay, cổ áo còn được tạo hình trái tim, cổ hình chữ U, cổ hình tròn,…tùy theo nhu cầu yêu thích của con người mà nhà sản xuất sẽ phát triển thêm nhiều kiểu cổ áo như vậy. Thân áo dài tính từ cổ xuống phần eo áo, được chia làm hai phần: phần trước và phần sau. Thân áo được may ép sát vào cơ thể của người phụ nữ nhằm tôn lên dáng đẹp của họ.

Ở phần eo thông thường sẽ khít chặt hơn một chút với ý đồ làm lộ rõ vòng eo thon gọn của người con gái. Ở phần trên của thân áo, ngay phần cổ áo thường có khuy cài áo. Khuy cài áo thường được dùng là kiểu nút bấm, bắt đầu từ phần dưới cổ áo qua vai rồi xuống phần eo.

Từ phần eo trở đi được các nhà thiết kế xẻ thành hai tà áo gồm tà trước và tà sau dài tới đầu gối nhưng thông thường là dài xuống tới mắt cá chân người. Tay áo được may liền với vai áo, ôm sát cánh tay và thường dài tới mắt cá tay. Ở phần rìa của mỗi cánh tay áo, để tạo nên điểm nhấn riêng, người thiết kế có thể may thêm một đường viền vào cổ tay áo.

Nếu nói tới áo dài, người ta sẽ không thể quên chiếc quần được phối hợp cùng nó. Quần áo dài thường được may cùng màu với chiếc áo và được làm từ những chất liệu mềm như lụa, nhung,…Ngày nay, có một số bộ áo dài vẫn được may khác màu với màu quần. Quần áo dài dài xuống tới gót chân người.

Một điểm khác với chiếc áo là quần áo dài được may rộng thêm một phần so với kích cỡ của đôi chân. Ống quần rộng. Ngày nay, tiêu chí để lựa chọn một chiếc áo dài đẹp và phù hợp với người mặc được tính từ chất liệu, màu sắc đến cả những họa tiết từ thân áo xuống hai tà trước và sau nhưng được sử dụng nhiều nhất là hình ảnh bông hoa với những cánh hoa bay tung tóe.

Ngoài ra, áo dài còn được thiết kế với nhiều loại như áo chấm bi, áo dài cắt xé để lộ lưng trần hoặc áo dài được may vải mỏng có thể nhìn thấy bên trong ở phần cổ hoặc tay áo,…nhưng đẹp nhất vẫn là áo dài học sinh. Áo dài học sinh được may màu trắng. Trên vải có những họa tiết vô cùng bắt mắt và dễ thương.

Ta có thể bắt gặp hằng ngày những cô gái tuổi mười bảy, mười tám tung tăng trong tà áo dài vui chơi cùng chúng bạn. Áo dài còn được sử dụng trong những dịp lễ, dịp hội; được mặc trong các tiệc cưới ( có cả cô dâu và chú rể ); được dùng làm trang phục đi dạo; được sử dụng trong những sự kiện quan trọng; và còn là trang phục công sở của giáo viên, học sinh, tiếp viên hàng không,…

Khi sử dụng áo dài, bạn nên giặt áo bằng tay để tránh làm nhăn áo. Phơi áo ngoài nắng tránh quá lâu để áo không bị bạc màu. Không để áo ở những nơi bụi bẩn. Treo áo bằng móc. Ủi áo ở nhiệt độ vừa phải, tránh làm hỏng áo.

“Áo dài ơi sao em lại đến đây

Khoe nụ cười thiên thần giáng thế

Để cho tôi như lạc giữa vườn thơ

Mang cánh diều đưa tôi vào cõi mộng.”

Dù công nghệ kĩ thuật có phát triển, dù tay nghề và trí sáng tạo của con người ngày càng mở rộng để tạo nhiều trang phục đẹp hơn, thoải mái hơn thì áo dài vẫn mãi là bộ quốc phục của đất nước ta, của người con gái xứ Việt.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam 47

“Một người phụ nữ đẹp là người biết dùng ngôn ngữ nói lên sự thật, biết dùng giọng nói để miêu tả sự chân thành, biết dùng đôi tai để hiểu sự trắc ẩn, biết dùng đôi tay để cứu giúp, dùng trái tim để dành cho tình yêu “.

Và một người phụ nữ đẹp còn được đánh giá qua vẻ bề ngoài. Ngày nay, thế giới công nghiệp tiên tiến, mỗi đất nước đều có một kiểu trang phục dành riêng những người phụ nữ. Ở Việt Nam nước ta, áo dài được xem là một bộ quốc phục tượng trưng cho con người Việt Nam, đặc biệt là đối với người phụ nữ.

Áo dài được chọn là trang phục truyền thống của người Việt Nam ta từ nghìn đời xưa bởi nó ôm sát cơ thể người phụ nữ, làm lộ ra thân hình hoàn mỹ của họ.

Ngày nay, áo dài được phân chia thành hai loại là áo dài dành cho nữ và áo dài dành cho nam nhưng vẫn được nhiều người biết đến với tư cách áo dài dành cho nữ giới. Vì là quốc phục tượng trưng cho một đất nước nên chúng ta thường thắc mắc về nguồn gốc hình thành cũng như cấu tạo của một chiếc áo dài mà chúng ta vẫn thường hay mặc lên người.

Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bộ áo dài truyền thống này. Chiếc áo dài ngày nay được xem là tiền thân của chiếc áo dài được hình thành từ lâu ở đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Sở dĩ áo dài được ra đời là vì khi đó, nhằm ngăn cản sự di cư và hòa nhập của người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh may nên áo dài để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt trước kẻ xâm nhập.

Chiếc áo dài đầu tiên được người Việt sử dụng là chiếc áo Giao Lãnh với gam màu tối, được người dân mặc mỗi ngày trong việc sinh hoạt đến làm việc, nhất là công việc làm đồng, làm nương. Chiếc áo Giao Lãnh thời đó được người phụ nữ mặc kèm với yếm.

Sau chiếc áo Giao Lãnh là áo dài tứ thân. Áo dài tứ thân ngày đó được chia theo tầng lớp mà có kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, chiếc áo dài lại một lần nữa được cải tạo thành áo dài Lemur bởi họa sĩ Nguyễn Cát Tường trong đợt Pháp dẫn quân sang tấn công nước ta. Áo dài Lemur đã không được nhiều người ủng hộ và nhận đầy sự chỉ trích vì áo mang nhiều nét của kiểu cách phương Tây và không phù hợp với nét văn hóa của người Việt.

Cho đến những năm 1934, chiếc áo dài thực sự đã được ra đời và tồn tại cho đến ngày nay được họa sĩ Lê Phổ cải cách từ chiếc áo dài Lemur của Nguyễn Cát Tường. Chiếc áo được loại bỏ bớt những phần “cứng” và thêm vào những đường nét mềm mại, nhẹ nhàng của văn hóa Việt. Chiếc áo kể từ khi ra đời đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ.

Như vậy, ta có thể thấy để tạo nên một chiếc áo dài phải trải qua một khoảng thời gian khá lâu và cần nhất đến những nhà thiết kế tinh tế và sáng tạo như họa sĩ Lê Phổ.

Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu đến bạn cấu tạo cũng như cách lựa chọn chất liệu của áo dài. Ngày nay, dù áo dài đã được nhà thiết kế phá cách, sáng tạo nên những kiểu dáng độc lạ nhưng xét về phần cấu tạo, chúng đều giống nhau. Nhìn tổng quan chiếc áo dài, chúng ta có thể thấy được áo được may khít với kích cỡ người mặc mà không thừa một chút mảnh vải.

Vì vậy, mỗi khi mặc áo dài, thân hình của người thiếu nữ sẽ được trình diễn. Cổ áo dài thường may theo kiểu hình chữ V. Cách khoét cổ áo như vậy tạo nên một điểm nhấn riêng ở phần cổ và cũng phần nào làm lạc mắt của người nhìn khi biến cổ của người mặc chúng được cao hơn, trắng và thon gọn hơn. Cổ áo cao từ 3-5cm tùy theo cổ của người sử dụng.

Cổ áo thường được may cứng hơn các phần còn lại. Cổ áo còn được khoét nhiều hình dạng khác nhau như cổ tròn, cổ hình trái tim, cổ hình chữ U,…Tay áo được may liền với phần vai áo.

Tay áo dài ôm sát vào cánh tay và dài tới gần mức cá tay. Thân áo tính từ cổ áo tới phần eo của áo dài. Thân áo cũng được may vừa khít với đường cong cơ thể. Ở phần eo thì được khít chặt hơn để làm lộ rõ vòng eo của người phụ nữ. Ở một số chiếc áo dài, hai bên thân áo được may liền thân trước với thân sau bằng xẹt tia.

Từ phần cổ áo có chừng 5 nút bấm dùng để cài áo kéo dài qua vai đến xuống phần eo áo. Từ phần eo áo trở xuống được xẻ thành hai tà áo trước và sau, dài tới mắt cá chân.

Từ phần thân áo đến xuống tà áo được các nhà thiết kế sáng tạo nên nhiều họa tiết đẹp mắt nhằm thu hút khách hàng như hình ảnh của bông hoa xòe tung cánh, những họa tiết theo kiểu hình vuông, hình tròn,…với nhiều màu sắc như xanh trơn, trắng, tím phối,…và nhiều kiểu dáng được kết hợp từ ren, vải có thể nhìn xuyên thấu,…

Quần áo dài được may rộng hơn so với kích cỡ của cơ thể và thường là cũng màu với màu áo. Đôi khi có một số bộ áo dài có quần được may khác màu với áo nhưng phải hài hòa với màu áo. Quần dài tới tận gót chân.

Để tạo nên chiếc áo dài đẹp và chắc chắn, bên công ty chuyên về áo dài phải may cẩn thận và chắc từ mũi kim đến cọng chỉ vì áo được may vừa khít với thân thể, nếu đường may không chắc chắn, khi hoạt động mạnh thường sẽ dẫn đến rách áo. Điều lưu ý đầu tiên để có một chiếc áo dài phù hợp là chất liệu vải.

Ta nên chọn những loại vải mềm và mượt như lụa, nhung, the,…Phần quần của áo dài thường là vải trơn.

Điều lưu ý thứ hai sau khi sở hữu áo dài là chúng ta nên giặc áo bằng tay sau khi mặc; treo áo dài bằng móc sao khi giặc xong; không phơi áo ở những nơi có ánh sáng mặc trời gắt, tránh làm màu áo bị bạc, tuổi thọ của áo giảm; thường xuyên ủi áo với nhiệt độ thích hợp để áo luôn thẳng; khi cất áo vào tủ nên treo bằng móc, nếu không có móc thì nên gấp áo cho thật cẩn thận để tránh làm nhăn áo; không được để áo ở những nơi đầy bụi bẩn để áo luôn được mới.

Áo dài gắn liền với nét văn hóa của người dân Việt, nhất là trong đời sống hằng ngày. Áo dài không chỉ là quốc phục mà còn là trang phục đi làm của giáo viên, nhân viên ngân hàng,…

Hình ảnh những cô thiếu nữ tuổi 15, 16 tung tăng vui chơi, nô đùa trong tà áo dài trắng mượt mà; hình ảnh của những cô dâu khoác lên mình tà áo dài màu đỏ;

Hình ảnh của người phụ nữ mặc áo dài trong những sự kiện đặc biệt của đất nước như trong một lần chào đón sự xuất hiện của vị tổng thống người Mỹ; hình ảnh người nghệ sĩ thướt tha trong tà áo dài trong những sự kiện thảm đỏ hay ghi hình trên đài truyền hình;…

Từ đó ta có thể thấy được áo dài xuất hiện ở mọi nơi trong sinh hoạt đến công việc của con người. Ngoài ra, áo dài là nhân vật trữ tình xuất hiện trong những lời thơ của các thi sĩ như:

“Thướt tha ôi tấm áo dài

Làm em tôi thật trang đài kiêu sa

Để khuôn mặt đẹp như hoa

Để em đằm thắm mặn mà thật duyên”

“Phố bỗng ngập tràn áo trắng bay

Trắng ôm ngà ngọc, phủ gót hài

Mềm mại, dịu dàng ôm cánh áo

Mảnh mai, duyên dáng đậu bờ vai

Hồng thắm mơ hiền môi mông mọng

Trắng trong mộng đẹp má hây hây

Chợt nghĩ áo dài nên thơ ấy

Có còn ôm ấp những thơ ngây?”

Áo dài đối với mỗi chúng ta, con người Việt Nam, rõ hơn là người phụ nữ Việt sẽ luôn là trang phục đẹp nhất.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam cực hay 48

Hình ảnh tà áo dài đã quá quen thuộc với mỗi người Việt nhưng không phải ai cũng có thể miêu tả chính xác bộ trang phục truyền thống này với bạn bè ngoại quốc.

Vậy thì áo dài là gì?

Áo dài là một bộ trang phục được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến chân, dành cho cả nam và nữ nhưng được biết đến như trang phục cho nữ nhiều hơn.

Về cấu tạo áo dài truyền thống:

•        Cổ áo: Cổ áo cao khoảng 2-3 cm, ôm khít cổ, tạo hình chữ V trước cổ.

•        Khuy áo: Thường dùng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi dọc xuống ngang hông.Theo truyền thống, khuy áo dài ở phần thân trên được cố định tại 5 vị trí, vừa giúp chiếc áo dài được cố định ngay ngắn, vừa biểu tượng cho 5 đạo làm người của dân tộc Việt: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín

•        Thân áo: Gồm 2 phần: thân trước và thân sau. Cả 2 thân áo đều dài từ cổ xuống mắt cá chân, được may sát vào phom người.

•        Tay áo: Dài, không có cầu vai, may kéo dài từ cổ áo đến cổ tay.

•        Tà áo: Gồm 2 tà là tà trước và tà sau, xẻ từ ngang hông xuống dưới.

Chiếc áo dài truyền thống với những thiết kế làm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng, nết na của người phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, bật mí cho bạn, tà áo dài mà được coi là truyền thống ấy cũng đã từng là phiên bản “cách tân” đấy!

Để biết được nguồn gốc và hình dáng chiếc áo dài xưa như thế nào, hãy cùng đến với lịch sử phát triển của áo dài qua từng thời kỳ nhé!

Lịch sử phát triển của áo dài

Tà áo dài truyền thống hóa ra cũng “bước qua” và “chứng kiến” sự chuyển biến của dân tộc qua nhiều thời kỳ.

Không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận và chưa có nhiều người nghiên cứu. Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Sử giả Đào Duy Anh viết, “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả (hình thức tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”

Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh. Khi mặc thì hai cổ áo để giao nhau, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy, thắt lưng buông thả. Cổ nhân xưa đi chân đất, người quyền quý thì mang guốc gỗ, dép, giày. Ngoài chiếc áo giao lãnh còn kiểu áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Kiểu áo do chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt định là áo năm thân cổ đứng cài khuy. Áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống (vị chi thành bốn) tượng trưng cho tứ cha mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy tượng trưng cho quan điểm về ngũ thường theo quan điểm Nho giáo và ngũ hành theo triết học Đông phương.

Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744)

Áo dài ngũ thân, khoảng năm 1900

Chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Trung Hoa, cho đến thế kỷ 16 lối ăn mặc của người Việt Nam hay bắt chước lối của người phương Bắc. Đàng Ngoài hay Đàng Trong đều ăn mặc như vậy.

Với tham vọng lập quốc 1 cõi, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành để phân biệt với Đàng Ngoài. Trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau: “Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép…” (sách Đại Nam Thực lục) từ Thái Tổ đến nay vừa đúng con số ấy, bèn thay đổi y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây.

Tổng hợp các ghi chép vừa rồi có thể thấy, cải cách năm 1744 là một cuộc cải cách lớn về y phục cung đình dựa vào các sách Hội điển, bách khoa thư ghi chép điển chương chế độ của các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh và đặc biệt là Tam tài đồ hội của Vương kỳ thời Minh. Năm 1744 cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của quần chân áo chít, bộ trang phục ban đầu áp dụng tại hai vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, về sau được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, từng bước trở thành quốc phục của triều Nguyễn.

Thời vua Minh Mạng (1828)

Cho đến thế kỷ 17 truyền thống mặc váy vẫn tồn tại ở Việt Nam như đã ghi trong sách Lê Triều Thiên Chính đời vua Lê Huyền Tông, tháng 3năm 1665 với sắc lệnh nhắc nhở: “… áo đàn bà con gái không có thắt lưng, quần không có hai ống từ xưa đến nay vốn đã có cổ tục như thế…”. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống, nên hồi ấy mới xuất hiện câu ca dao than vãn:

Tháng Tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng!

Áo dài Lemor (1930)

“Le Mor” chính là cách dịch sang tiếng Pháp của Cát Tường, một họa sĩ tên Le Mor vào thập kỷ 1930 đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi.Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Tuy nhiên, áo dài Le Mor có nhiều biến cải mà nhiều người thời đó cho là “lai căng” thái quá, như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở. Thêm nữa áo Le Mor mặc cho đúng mốt phải với quần xa tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Lối tân thời này tuy được nhiều người yêu thích nhưng cũng đã bị một số dư luận khi đó tẩy chay và cho là “đĩ thõa” (như được phản ảnh không hề thiện cảm trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).

Áo dài Lê Phổ (1934)

Năm 1934, một họa sĩ khác là Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

“Đời sống mới (1945)”

Các bộ phận của một chiếc áo dài phổ biến

Năm 1947 trong bối cảnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới tuyên bố độc lập và các phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt” đang được phát động, nhằm phát động phong trào tiết kiệm, ngày 20 tháng 3 năm 1947, Hồ Chí Minh, với bút hiệu Tân Sinh, đã viết một cách vắn tắt rõ ràng và dễ hiểu bài “Đời sống mới” trong đó vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để thay bằng áo vắn vì mặc áo dài đi đứng, làm việc bất tiện, lượt thượt, luộm thuộm. Áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba cái áo vắn, nếu chỉ mặc áo vắn có thể sẻn được 200 triệu đồng/năm. Áo dài không hợp với phụ nữ Việt Nam đời sống mới. Cuộc vận động này dần đã được người dân hưởng ứng và áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài ở miền bắc vĩ tuyến 17.

Áo dài Trần Lệ Xuân (1958)

Cuối năm 1958 khi bà Trần Lệ Xuân còn tại vị Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa, bà đã thiết kế ra kiểu áo dài cách tân mới bỏ đi phần cổ áo gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét, dân gian gọi là áo dài Trần Lệ Xuân hay áo dài bà Nhu. Không chỉ lạ về mẫu áo, chiếc áo dài hở cổ còn được ‘phá cách’ với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Một số nhà phê bình phương tây cho rằng nó hợp lý với thời tiết nhiệt đới của miền nam Việt Nam. Nhưng kiểu áo này khiến những người theo cổ học lúc đó tức giận và lên án nó không hợp với thuần phong mỹ tục. Loại áo dài không có cổ này vẫn phổ biến đến ngày nay và phần cổ được khoét sâu cho tròn chứ không ngắn như bản gốc.

Áo dài với tay giác lăng (1960)

Thập niên 1960 có nhà may Dung ở Dakao, Sài Gòn đưa ra kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan (giác lăng). Cách ráp này đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất khi may áo dài: những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách. Cách ráp này cải biến ở chỗ hàng nút cài được bố trí chạy từ dưới cổ xéo xuống nách, rồi kế đó chạy dọc một bên hông. Với cách ráp tay raglan làn vải được bo sít sao theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, khiến chiếc áo dài ôm khít từng đường cong của thân hình người phụ nữ, tạo thêm tính thẩm mỹ theo đánh giá của một số nhà thiết kế.

Áo dài miniraglan

Phiên bản này được áp dụng rộng rãi cho nữ sinh. Theo phiên bản gốc này, áo ngắn tay ranglan có tà chỉ ngắn tới bàn chân, nhưng hai ống quần ôm lòa xòa phủ kín đôi chân. Hai đặc điểm này làm cho tà áo nữ sinh đậm chất hồn nhiên, dễ thương.

Áo giao lãnh

Áo giao lãnh được coi là kiểu sơ khai nhất của của chiếc áo dài xưa, rất phổ biến vào thời Lý – Trần – Lê

Đặc điểm của áo giao lãnh là: áo rộng, cổ áo giao nhau khi mặc, áo xẻ hai bên hông, dài tay, cổ tay rộng, thân áo dài chấm gót chân (thân áo được may bằng năm, sáu tấm vải).

Áo dài tứ thân

Áo dài tứ thân vốn là trang phục dành cho những người dân ở tầng lớp bình dân.

Đó là bởi vì 2 vạt trước của chiếc áo được thiết kế rời nhau, có thể buộc lại cho gọn khi làm việc trong khi 2 vạt sau được may liền thành 1 tà áo.

Xu hướng áo dài cách tân

Hãy cùng đọc tiếp để xem xu hướng áo dài của Việt Nam thế kỷ 21 nhé!

Tại sao lại phải “cách tân”?

Áo dài đẹp đến vậy nhưng ngày nay, không ít chị em phụ nữ cảm thấy e ngại mỗi dịp phải diện chiếc áo dài truyền thống. Tại sao lại như vậy?

Phần lớn, phái đẹp thấy chiếc áo dài quá dài và rườm rà, khiến cho việc hoạt động hay đi lại trên phương tiện vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực hay quá lạnh làm chiếc áo dài trở thành bộ trang phục không mấy phù hợp.

Ngoài ra, có nhiều bạn gái có thân hình chưa được cân đối luôn gặp khó khăn khi mặc những chiếc áo dài truyền thống, một số khác lại hay gặp trục trặc vì thiết kế hàng khuy không được tiện lợi của áo dài.

Chính vì những đổi thay của nhịp sống hiện đại mới, áo dài cũng có những “cách tân” mà mục đính chính là để người mặc càng ngày càng thấy tiện lợi, thoải mái hơn. Điều này đáp ứng đúng nhu cầu của đa phần người Việt: vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong thời đại mới, lại vừa dễ mua, dễ mặc, dễ dùng.

Tết Đinh Dậu 2017 chứng kiến sự “thống lĩnh” mạnh mẽ của tà áo dài. Lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống, được bạn bè quốc tế nhận xét là kín đáo, nền nã mà vẫn rất gợi cảm, hàng loạt những thiết kế áo dài cách tân đã ra đời với kiểu dáng và chất liệu ngày càng phong phú, khiến dàn sao Việt phải “xiêu lòng”

Ai là người dẫn đầu xu hướng?

Vài năm trước, những bộ áo dài cách tân chỉ xuất hiện trên những sàn catwalk của những tuần lễ thời trang trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Hà Linh Thư, Sĩ Hoàng…

Đến cuối năm 2016, sự xuất hiện của nhiều ngôi sao trong những bộ sưu tập áo dài vô cùng ấn tượng đã tạo nên “cơn sốt” áo dài cách tân cho mùa Tết 2017.

Những cái tên vô cùng hot trong showbiz với những bộ ảnh áo dài đã khiến nhiều bạn nữ “chết mê”.

Bộ ảnh áo dài vô cùng duyên dáng của Quỳnh Anh Shyn

Những tranh cãi về chiếc áo dài cách tân

Không nằm ngoài dự đoán, những đổi mới có phần quá táo bạo của tà áo dài trong năm 2017 cũng gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Nhà thiết kế nổi tiếng Đức Hùng cũng đã từng có ý kiến: “Tôi khẳng định luôn, đó không phải áo dài Việt Nam. Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi…”

Quả thật, những thay đổi quá khác lạ so với áo dài truyền thông đã gây nên làn sóng phẫn nộ với những ai muốn gìn giữ vẻ đẹp nguyên bản của chiếc áo dài truyền thống.

Song, đây cũng là câu hỏi bỏ ngỏ khi mâu thuẫn giữa những giá trị cũ và những thay đổi “cần có” của thời đại mới vẫn luôn tồn tại không chỉ ở tà áo dài, mà còn ở mọi thứ trong cuộc sống chúng ta.

Dù lựa chọn của bạn có là áo dài truyền thống hay áo dài cách tân, hãy cứ thử ngắm những thiết kế áo dài cách tân để xem xem chiếc áo dài ngày nay đã đổi thay như thế nào nhé!

Thiết kế của áo dài cách tân

Ngày nay, áo dài được “cách tân” với những kiểu dáng dễ mặc hơn, tiện lợi hơn cho các chị em phụ nữ.

Kiểu không cổ

Áo dài cách tân không cổ, hay cổ thuyền, cổ tròn đang trở nên dần thịnh hành hơn. Không còn dáng vẻ kín đáo nhưng áo dái cách tân này mang hơi hướng hiện đại, tôn lên nét đẹp ở phần cổ và vai người phụ nữ.

Kiểu không tay

Với kiểu áo dài cách tân này, các cô nàng dễ dàng cử động hơn thay vì phần tay áo và thân áo được may sát vào người như trước đây.

Kiểu tay ngắn

Áo dài cách tân tay ngắn đang được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng bởi không chỉ thoái mái hơn kiểu may tay áo dài, ôm sát mà nó còn rất phù hợp với thời tiết nóng nực của khí hậu nước ta.

Kiểu tay lửng

Cũng có rất nhiều bạn nữ chọn cho mình áo dài cách tân tay lửng vô cùng duyên dáng và nữ tính bởi điểm nhấn ở ống tay áo lửng đến khuỷu tay, hơi rộng hơn ống tay áo truyền thống, mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn kín đáo.

Áo dài cách tân với quần culottes

Đây có lẽ là kiểu “cách tân” tạo báo nhất từ bộ áo dài truyền thống. Cả 2 vạt áo cũng như ống quần được may ngắn đến đầu gối.

Ở đây, cũng là quần ống rộng nhưng chiếc quần này có tên là quần culottes bắt nguồn từ châu Âu.

Sự kết hợp này được nhiều bạn trẻ ưa thích vì nó rất dễ mặc và đặc biệt là phù hợp cho dạo phố những ngày xuân sang.

Áo dài cách tân với chân váy

Có lẽ không ai có thể ngờ rằng chân váy với áo dài lại có thể kết hợp với nhau để tạo nên một bộ trang phục đang được hàng trăm cô nàng “săn đón” như vậy.

Thay vì chiếc quần ống rộng chính là những chiếc chân váy xòe, chân váy xếp ly dài đến ngang bắp chân.

Không chỉ cách tân về kiểu dáng, chiếc áo dài ngày nay được may với nhiều loại vải khác nhau: đa dạng hơn, dễ mặc hơn và tiện lợi hơn.

Hãy cùng khám phá những chất liệu mà bạn có thể chọn cho chiếc áo dài nào!

Chất liệu của áo dài cách tân

Nếu trước đây áo dài thường được may với chất liệu lụa vô cùng mềm, nhẹ và rủ, tôn lên nét duyên dáng và dịu dàng của người con gái Việt thì ngày nay, các chất liệu vải khác nhau được sử dụng tùy thuộc vào kiểu dáng và đáp ứng được sự tiện lợi cũng như thoải mái cho người mặc.

Gấm

Một trong số những chất liệu may áo dài cách tân làm các chị em “đổ” ngay từ cái nhìn đầu tiên chính là chất liệu gấm. Cùng với những họa tiết truyền thống trên những tấm vải này, bộ áo dài dường như vẫn giữ được nét xưa cũ hơn.

Vải lụa bóng

Cũng là chất liệu vải lụa nhưng lụa bóng làm phom áo dài cứng cáp hơn và cũng không hề khó mặc. Nhiều bạn nữ được áo dài cách tân vải lụa bóng “cứu cánh” cho dáng vóc chưa được cân đối.

Người mẫu Helly Tống đẹp hút hồn trong tà áo dài.

Vải voan

Vải voan mềm, nhẹ, vô cùng nữ tính đã khiến nhiều bạn trẻ “chết mê”. Những bộ áo dài với vải voan đang ngày càng phổ biến hơn, được biến tấu với các cách kết hợp, phối đồ khác nhau.

Vải ren

Những cô nàng ưa thích sự tinh tế, tỉ mỉ trên chiếc áo dài sẽ rất ưa thích chiếc áo dài cách tân vải ren. Với chất liệu này, bộ áo dài như được thổi làn gió hiện đại mới mẻ.

Chất liệu ren vốn được dùng rất nhiều trong váy cưới, thì giờ đây chúng lại trở thành nguyên liệu chính cho những chiếc áo dài cưới cách tân hiện đại – một xu hướng trang phục cưới rất “hot” cho các cô dâu.

Với những chiếc áo dài cách tân vô cùng mới lạ và ấn tượng như vậy, có rất nhiều cách phối đồ mới ra đời theo sau.

Cách phối đồ với áo dài cách tân: Mặc đẹp quá dễ!

Hãy kéo chuột để cập nhật những cách “lên đồ” ấn tượng sau đây nhé.

Quần legging, quần skinny jeans

Với những chiếc áo dài cách tân có thân áo dài đến ngang đùi, thay vì chiếc quần ống rộng, người ta đã mặc quần legging, quần skinny jeans để tiện lợi hơn trong hoạt động.

Quần culottes

Chính bởi quần cullotes ống rộng nhưng khá giống váy và ngắn hơn ống quần áo dài truyền thống nên sự kết hợp giữa áo dài và quần culottes ngày càng phổ biến hơn.

Váy xếp ly

Những chân váy xếp ly dáng xòe, dài đến đầu gối cũng được phối với áo dài để bộ đồ trông nữ tính và duyên dáng hơn.

Thường thì những chân váy xếp ly được chọn sẽ có cùng tông màu với áo dài.

Mặc áo dài cách tân thành váy

Những chiếc áo dài cách tân mặc thành váy thường không có xẻ tà và có độ dài cũng như độ rộng phù hợp để mặc ngoài như chiếc váy bình thường.

Có lẽ bạn cũng chưa thử cách mặc này phải không?

 Lời kết

Chiếc áo dài, dù là truyền thống hay cách tân, vẫn mang theo dấu ấn của văn hóa, lịch sử, truyền thống của đất nước ta vào trong đó.

Hãy để tà áo dài luôn là biểu tượng của thời gian, năm tháng của dân tộc Việt, để “áo lụa Hà Đông” luôn là niềm tự hào của người Việt về những năm đau thương nhưng vô cùng kiên cường và hãy để áo dài sống mãi trong tâm thức của mỗi chúng ta.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam lớp 8 hay nhất 49

Nếu như quốc phục của Nhật Bản là kimono, Hàn Quốc là hanbok, Ấn Độ là Sari,…thì tại Việt Nam, ắt hẳn tà áo dài duyên dáng, thướt tha chính là trang phục chứa đựng cả tâm hồn và lịch sử của dân tộc.

Áo dài ra đời chính thức vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu, áo dài có thiết kế tương tự như áo tứ thân, dần dà được cải tiến và có hình dạng như ngày hôm nay. Như tên gọi, áo dài có cấu tạo chính gồm hai tà dài đến tận mắt cá chân. Phần thân trên được may khít với thân hình người phụ nữ làm nổi bật vòng eo thon gọn, còn phần tà dưới không được may cố định mà để hai vạt xẻ ra như vậy, phần xẻ vạt này nằm ở hai bên hông. Đây chính là điểm khác biệt của áo dài mà các trang phục khác không thể nào có được. Phần cổ áo dài ban đầu là cổ đứng, cao nhằm tôn lên vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ. Sau này, khi phong tục tập quán đã phóng khoáng hơn, văn hóa bên ngoài cũng du nhập vào thì phần cổ được cải biên đa dạng hơn, nhưng là dù cổ thuyền hay cổ chữ V thì chiếc áo dài vẫn giữ được nét đẹp duyên dáng. Cúc áo thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống tận phần eo. Tay áo thường dài đến cổ tay, có người cách tân hơn thì chỉ may đến khuỷu, thâm chí là ngắn hơn. Kết hợp với tà áo dài thướt tha là chiếc quần chấm gót chân với phần ống được may khá rộng. Cả hai phần kết hợp lại tạo thành một bộ áo dài hoàn chỉnh, khi khoác lên người phụ nữ lại càng tôn lên sự thướt tha, duyên dáng và thanh lịch.

Áo dài thường được may bằng vải voan hay lụa, còn vải mềm, rũ lại được ưu tiên dùng để may quần. Ngày xưa, khi trang phục còn đơn giản, vải may áo dài thường đơn sắc rực rỡ kết hợp với chiếc quần đen hay trắng. Nhưng ngày nay, với nhu cầu làm đẹp ngày càng nâng cao, phần vải may áo dài đã được đính hạt, thêu thùa với biết bao họa tiết xinh đẹp như hoa lá, chim muông,…với những chiếc quần bóng mang màu sắc hài hòa với chiếc áo. Đa dạng như vậy nên người mặc phải lựa chọn cho mình những chiếc áo dài có hoa văn, màu sắc phù hợp với tuổi tác, sở thích và hoàn cảnh mà mình sẽ sử dụng.

Chiếc áo dài ngày nay không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, tết mà nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều trường cấp Ba trong cả nước đã lựa chọn áo dài là đồng phục chính cho nữ sinh, hay áo dài cũng là trang phục công sở đối với một số nghề nghiệp đặc thù như nhà giáo, tiếp viên hàng không, nhân viên nhà hàng, khách sạn,…Ngoài ra, tà áo dài còn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những buổi tiệc hay những khi đi dạo phố, vừa thanh lịch, duyên dáng nhưng cũng rất thời trang và bắt mắt.

Do được may bằng chất liệu mềm mịn nên người dùng phải bảo quản áo dài cẩn thận để có thể sử dụng được dài lâu. Áo phải được giặt bằng loại xà phòng phù hợp với từng chất liệu, phơi khô, treo bằng móc tại nơi khô ráo, thoáng mát. Khi phơi cần tránh phơi nơi nắng gắt để tránh việc áo dài bị bạc màu…Và quan trọng hơn hết, một chiếc áo dài đẹp là một chiếc áo dài vừa vặn nên khi may đo phải thật chính xác.

Chiếc áo dài bên cạnh chiếc nón lá chính là một vẻ đẹp truyền thống tao nhã, thướt tha của người phụ nữ Việt. Ngày nay, khi trang phục ngày càng đa dạng, chiếc áo dài cũng không còn thông dụng như xưa nhưng tà áo duyên dáng đó luôn là trang phục truyền thống mà không một váy áo hiện đại nào có thể thay thế được.

Thuyết minh về áo dài Việt Nam  hay nhất 50

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

                                      (Nguyên Sa)

Chiếc áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống của dân tộc, là niềm tự hào của biết bao người phụ nữ Việt Nam.

Khái niệm: Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối nên được gọi là áo dài. Trang phục áo dài dành cho cả nam lẫn nữ nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ.

Theo ghi nhận của các tài liệu, tiền thân của chiếc áo dài đã có từ lâu đời. Loại áo với kiểu dáng hai tà dài trước và sau đã được người Việt sử dụng từ rất sớm. Đến thời đại chúa Nguyễn Phúc Khoát, để giữ gìn bản sắc riêng trước làn sóng xâm nhập của người Minh Hương, đã ban sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong, trong đó có quy định về kiểu trang phục áo dài.

Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã cải cách các mẫu áo dài đã có trước đó tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Ngày nay, với xu thế tiếp cận hiện đại, các nhà thiết kế với trí sáng tạo phong phú đã làm ra không biết bao nhiêu loại áo dài phù hợp với thị hiếu của từng lớp ngườ tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có may như thế nào, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên kết cấu như ban đầu với hai tà dài, chiếc cổ tròn ôm sát cổ, eo thắt đáy và dáng vẻ thướt tha yêu kiều vốn có của nó. Chiếc áo dài vẫn giữ được tầm quan trọng của nó, và trở thành bộ lễ phục của các bà các cô mặc trong các dịp lễ hội.

Phân loại: Tùy theo sở thích và vùng miền mà người ta thiết kế những mẫu mã khá đa dạng. có một vài mẫu áo dài đang phổ biến như: áo dài cổ đứng truyền thống, áo dài cổ mềm, áo dài khoét cổ rộng, áo dài cách tân tà ngắn… Theo giới tính có áo dài dành cho nam giới, áo dài dành cho nữ giới.

Đặc điểm, cấu tạo và cách may một chiếc áo dài. Hình dáng áo kéo dài từ cổ xuống chân, ôm sát vào cơ thể. Màu sắc áo và quần thường đồng màu với nhau. Tuy nhiên, người ta có thể kết hợp màu khác nhau tùy theo vùng miền và sở thích. Màu sắc sặc sỡ như đỏ hồng, cũng có khi nhẹ nhàng, thanh khiết như trắng, xanh nhạt…Chất liệu vải: rất phong phú, đa dạng, nhưng đều có đặc điểm là mềm, nhẹ, thoáng mát. Thường là nhiễu, voan, nhất là lụa tơ tằm…

Cấu tạo và cách may một chiếc áo dài. Áo dài thường ôm sát cơ thể, có cổ cao và kéo dài khoảng ngang gối hoặc đến gót chân. Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu, cũng có khi là cổ thuyền, cổ tròn theo sở thích của người mặc. Khi mặc, cổ áo ôm khít lấy cổ, tạo vẻ kín đáo. Thân áo gồm 2 phần: Thân trước và thân sau, dài suốt từ trên xuống gần mắt cá chân. Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chít trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái, lại tạo dáng thướt tha, biểu lộ đường nét dịu dàng của thiếu nữ, vừa kín đáo vì toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm, lại cũng vừa khiêu gợi vì chiếc áo làm lộ ra sống eo.

Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Mỗi áo thường có 5 khuy tượng trung cho ngũ thường theo quan niệm của Nho giáo. Ở đầu mỗi khớp thường là khuy móc để giữ nếp áo không bị bật ra khi vận động.

Tay áo dài không có cầu vai. Tay được may liền kéo dài từ cổ áo đến cổ tay. Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng, thướt tha, uyển chuyển. Áo dài thường mặc với quần đồng màu hoặc màu trắng bằng lụa, satanh, phi bóng….với trang phục đó, người phụ nữ sẽ trở nên sang trọng, dịu dàng hơn. Thợ may áo dài phải là người có tay nghề cao, thợ khéo tay sẽ khiến áo dài khi mặc vào ôm sát thân người. Áo dài gắn liền tên tuổi của những nhà may nổi tiếng như Thuý An, Hồng Nhung, Mỹ Hào, ….., đặc biệt là áo dài Huế màu tím nhẹ nhàng, thanh thoát tạo nên nét quyến rũ tuyệt vời của các thiếu nữ cố đô….Nhà thiết kế Minh Hạnh, người đã đạt nhiều giải thưởng danh giá đã rất thành công khi mang vẻ đẹp áo dài ra với bạn bè quốc tế.

Ở Việt Nam, Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ.Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.

Chiếc Áo Dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về “đạo làm người” của tiền nhân. Chiếc Áo Dài còn là thành quả biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam.

Hình ảnh chiếc áo dài đi vào trong thi ca, hội họa và các loại hình nghệ thuật khác. Áo dài cũng trở thành một trang phục không thể thiếu khi đi ra ngoài của phụ nữ Việt. Đặc biệt trong Sài Gòn, cuộc sống phồn hoa và ảnh hưởng từ phong cách Âu Mỹ đã khiến phụ nữ nơi đây có phong cách áo dài đa dạng, năng động với đủ màu sắc,  hoa văn, chất liệu. Áo dài có mặt trong mọi hoạt động của phái yếu, từ đi chơi, đi chợ, tiếp khách ở nhà, cho đến cưới xin, đi dự tiệc… Từ xưa đến nay, áo dài luôn được tôn trọng, nâng niu….

Khi mặc áo dài không nên vận động quá mạnh bởi áo ôm sát vào thân người rất dễ bị rách.

Tránh làm bẩn áo khi mặc. Không được để áo gần nguồn nhiệt dễ làm áo biến dạng. Không để áo nơi ẩm thấp hoặc nơi có nhiều bụi bẩn. Nên giặt áo bằng tay, tránh giặt bằng máy để áo không bị co, nhăn, rách… Khi không sử dụng nên gấp áo và cất giữ cẩn thận.

Không đơn thuần là trang phục truyền thống, Áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, đó chính là “quốc hồn” của phụ nữ Việt Nam. “Ở đâu có phụ nữ Việt – ở đó có Áo dài Việt”.