Cảm nghĩ về bài thơ Câu cá mùa thu (8 mẫu)

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu hay nhất 1

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Khuyến và bài thơ Thu điếu: Là một bài thơ trong chùm thơ thu ba bài được sáng tác trong thời gian tác giả ở ẩn

II. Thân bài

1. Quang cảnh mùa thu êm đềm được gợi mở ra

- Mùa thu gợi ra với hai hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối hài hoà “ao thu”, “chiếc thuyền câu” bé tẻo teo;

    + Màu sắc “trong veo”: sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu

    + Hình ảnh: Chiếc thuyền câu bé tẻo teo ⇒ rất nhỏ

    + Cách gieo vần “eo”: giàu sức biểu hiện

- Thi sĩ đã bộc lộ những rung cảm trước cảnh đẹp mùa thu và của tiết trời mùa thu, gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường

2. Bức tranh mùa thu làng quê bình dị

- Mùa thu được gợi lên giàu hình ảnh:

    + Sóng biếc: Gợi hình ảnh và gợi được cả màu sắc, đó là sắc xanh dịu nhẹ và mát mẻ, là sự phản chiếu màu trời thu trong xanh

    + Lá vàng trước gió: Hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam

- Sự chuyển động:

    + hơi gợn tí ⇒ chuyển động rất nhẹ ⇒sự chăm chú quan sát của tác giả

    + “khẽ đưa vèo” ⇒ chuyển động rất nhẹ rất khẽ ⇒ Sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế

⇒ Nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị

3. Cảnh thu đẹp nhưng đượm buồn

- Không gian của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu

- Tầng mây lơ lửng, hình ảnh trời xanh ngắt

- Hình ảnh làng quê được gợi lên với “ngõ trúc quanh co”, Khách vắng teo => gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng

⇒ Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng

4. Tâm trạng của nhân vật trữ tình

- Xuất hiện hình ảnh con người câu cá trong không gian thu tĩnh lặng với tư thế “Tựa gối buông cần”: tư thế thư thái thong thả ngắm cảnh thu, đem câu cá như một thú vui làm thư thái tâm hồn ⇒ sự hòa hợp với thiên nhiên của con người

- Toàn bài thơ mang vẻ tĩnh lặng đến câu cuối mới xuất hiện tiếng động: Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” → sự chăm chú quan sát của nhà thơ trong không gian yên tĩnh của mùa thu, nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”

⇒ Tiếng động rất khẽ, rất nhẹ trong không gian rộng lớn càng làm tăng vẻ tĩnh vắng , “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”

⇒ Nói câu cá nhưng thực ra không phải bàn chuyện câu cá, sự tĩnh lặng của cảnh vật cho cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ, đó là tâm sự đầy đau buồn trước tình cảnh đất nước đầy đau thương

III. Kết bài

Bài thơ đem đến cho độc giả những cảm nhận sâu lắng về một tâm hồn yêu nước thầm kín mà thiết tha

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu 2

1/ MB: Giới thiệu chung:     

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khuyến, con người Nguyễn Khuyến: giàu lòng yêu thiên nhiên.         

- “Câu cá mùa thu” thuộc chùm 3 bài thơ thu được tác giả sáng tác khi về ở ẩn 

2/ TB: Cảm nhận:

* Chỉ ra và phân tích những vẻ đep của cảnh thu:        

 -  Chứng minh đc một bức tranh thu trong trẻo ,tĩnh lặng ,mang vẻ đẹp thanh sơ, diu nhẹ,mang được  đặc trưng riêng của xứ Bắc

+ Màu sắc với những gam màu sáng trong trẻo nhưng lạnh lẽo, bầu trời xanh ngắt trở nên cao và rộng, nước thì trong tới tân đáy, nét vàng của chiếc lá mùa thu rơi đâm ngang bức tranh

+ Đường nét bức tranh thu nhỏ nhẹ ,tinh tế với sóng gợn lá khẽ đưa ,tàng mây lơ lửng

- Cảnh thu đẹp nhưng buồn:       

+  Bức tranh ít sư chuyển động, hầu như vắng tiếng ,vắng người ,vắng hoat động , thiên nhiên bị khoả lấp con người chìm vào thiên nhiên.

+ Màu sắc của những gam màu lạnh tạo nên sự se lạnh hiu hắt buồn ,cái quạnh vắng của bức tranh thu hay sự quạnh quẽ của chủ thể trữ tình

 [Liên hệ với “Thu hứng” - Đỗ Phủ, “Sang thu” - Hữu Thỉnh, “Đây mùa thu tới” - Xuân Diệu]

* Nghệ thuật :

- Sử dụng bút pháp cổ điển, bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh, lấy cảnh tả tình.

- Sử dụng thần tình các từ láy gieo vần "eo" hay còn gọi là vàn"tử vận" gợi cảm xúc, cảm giác lanh lẽo,nhỏ hẹp ..

3/ KB: Đánh giá:

- Nguyễn Khuyến xứng đáng là "nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam"

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu hay nhất 3

I. Mở bài

– Nguyễn Khuyến là một trong hai đại biểu xuất sắc cuối cùng của nền văn học Trung đại Việt Nam.

– Ông được coi là bậc quán quân về thơ tả cảnh mùa thu. Chùm thơ thu ba bài Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm của ông được đánh giá là tam tuyệt của thơ thu Việt Nam.

– Trong đó, Thu điếu có nét đặc sắc riêng, tả cảnh thu ở một không gian thời gian cụ thể. Đằng sau cảnh thu tĩnh lặng là nỗi niềm tâm sự thầm kín của thi nhân.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần,lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

II. Thân bài

1. Giới thiệu chung

– Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca. Thơ viết về mùa thu của văn học Trung đại Việt Nam thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ, úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét thi pháp ấy.

– Nhưng Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Gần suốt đời mình, ông gắn bó với thôn quê, hòa hợp và thấu hiểu mảnh đất quê nhà. Thế nên, cảnh vật làng quê trong thơ ông hiện lên rất chân thực, giản dị, tinh tế. Đọc Thu điếu, ta bắt gặp một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc bộ, quê hương của nhà thơ. Đấy chính là nét mới mẻ của tác phẩm so với thi pháp truyền thống của văn học Trung đại Việt Nam.

– Thu điếu viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Cảnh thu được miêu tả trong hầu hết 8 câu thơ, hình ảnh con người chỉ xuất hiện trực tiếp ở hai câu cuối bài. Cảnh trong bài vẫn là trời nước, gió, trúc – những thi liệu quen thuộc nhưng hồn thơ thì đã vượt ra khỏi khuôn sáo thi tứ cổ điển.

2. Hai câu đề

– Hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả là “ao thu”. Từ “ lạnh lẽo” đặc tả khí lạnh của ao nước mùa thu, dường như cái lạnh ấy thấm sâu vào da thịt con người. Tính từ “trong veo” đã tuyệt đối hóa độ trong của nước, đồng thời còn gợi ra độ thanh sạch, sự bất động, tĩnh lặng của mặt ao. Hai âm “eo” được gieo trong một câu khiến cho cảm giác về cái lạnh và sự ngưng đọng của không gian càng trở nên tuyệt đối, đồng thời còn gợi ra không gian nhỏ hẹp của chiếc ao.

– Trên nền cảnh thu ấy xuất hiện một chiếc thuyền câu lẻ loi, đơn chiếc, bé nhỏ. Số từ chỉ số ít “một chiếc” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng nhỏ bé hơn, như co lại thành một nét chấm trên nền ao cũng bé xíu và trong trong tận đáy.

– Hai câu đề đã vẽ nên cảnh sắc rất riêng biệt, mộc mạc, đơn sơ của mùa thu Bắc bộ với những nét đặc trưng nhất của khí thu, chất thu là cái lạnh và sự tĩnh lặng.

3. Hai câu thực

– Mùa thu tiếp tục hiện lên với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng”. Cảnh vận động một cách khẽ khàng. Tác giả đã rất nhạy cảm, tinh tế khi chớp được những biến động tinh vi của tạo vật. Đó là sự chuyển động “ hơi gợn tí” của sóng, là sự đưa nhẹ, khẽ khàng của chiếc lá vàng, là sự mong manh uốn lượn của hơi nước mờ ảo trên mặt ao.

– Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh, các sự vật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, gió thổi làm sóng gợn, làm lá rơi. Các tính từ, trạng từ “biếc”, ‘tí’, “vàng”, “khẽ”,”vèo” được sử dụng một cách hợp lí, giàu chất tạo hình, vừa tạo ra bức tranh màu sắc thanh nhã, có xanh có vàng, vừa gợi được sự uyển chuyển, sinh động của tạo vật. Cảnh được miêu tả trong hai câu thực, mặc dù là động, nhưng vì động khẽ khàng quá nên thực chất là lấy động để tả cái tĩnh lặng của mùa thu trong không gian của một chiếc ao quê nhà.

4. Hai câu luận

– Không gian cảnh vật trong hai câu luận không chỉ dừng lại ở bề mặt chiếc ao mà còn mở rộng thêm chiều cao, chiều sâu.

– Chiều cao được cụ thể bằng sự “lơ lửng” của tầng mây và độ thăm thẳm của da trời xanh ngắt. Màu da trời mùa thu dường như có ám ảnh sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn Khuyến nên trong các bài thơ thu, ông thường nhắc tới: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” (Thu vịnh ) hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” ( Thu ẩm ). Bởi vậy, màu xanh ngắt của da trời không chỉ đơn giản là một sắc màu khách quan đặc trưng cảu trời thu mà có lẽ còn chính là tâm trạng nhiều ẩn ức, là chiều sâu tâm hồn đầy trăn trở của thi nhân.

– Chiều sâu của không gian được cụ thể bằng độ “ quanh co” uốn lượn của bờ trúc. Không gian trong hai câu luận đậm dặc một màu xanh, màu xanh bao trùm cả trên cao và chiều rộng. Cảnh vật thoáng đãng và yên tĩnh. Nguyên từ “vắng” đã nói rõ sự tĩnh lặng rồi nhưng “vắng teo” thì có nghĩa là cảnh vắng tanh vắng ngắt, không chút cử động, không chút âm thanh, không một bóng người.

– Bởi thế, hai câu thơ gợi ra sự trống vắng, nỗi cô đơn trong lòng người.

5. Hai câu kết

– Hình ảnh con người xuất hiện trực tiếp với tư thế ngồi bó gối, trong trạng thái trầm tư mặc tưởng. Nhà thơ ngồi câu cá mà chẳng chú tâm đến việc câu, bởi vậy mới giật mình trước tiếng cá “ đớp động dưới chân bèo”. Không gian phải yên tĩnh lắm, tâm hồn nhà thơ phải trong trẻo lắm thì mới nghe rõ âm thanh nhỏ nhẹ như vậy.

– Từ “cá đâu” là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không gian vừa gợi ra sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như mất cảm giác về không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể xác định rõ hướng gây ra tiếng động mặc dù đang ngồi trong một chiếc ao rất nhỏ.

– Nhà thơ câu cá mà chẳng phải để bắt cá. Câu chỉ là cái cớ để tìm sự thư thái trong tâm hồn. Trong lúc câu, thi nhân đã thâu tóm vào lòng những vẻ đẹp tinh diệu của đường nét, màu sắc, hình khối, sự vận động tinh tế, trong sáng của cảnh vật mùa thu. Cảnh thu tuy đẹp mà buồn, buồn vì quá quạnh quẽ, vắng lặng, buồn vì người ngắm cảnh cũng đang chất chứa nỗi niềm thế sự của kẻ sĩ trước cảnh vong quốc mà thân lại nhàn nhã.

III. Kết bài

Bài thơ Thu điếu không những thể hiện được cái hồn của cảnh thu mà còn đặc tả được nét đẹp mộc mạc giản dị của nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Khuyến đã khơi gợi trong lòng người đọc những xúc cảm chân thành, trong sáng, tha thiết về cảnh sắc làng quê. Qua bài thơ, ta hiểu thêm về tấm lòng nặng tình non nước và tài thơ Nôm độc đáo của thi nhân.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 1

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ lớn, có đóng góp không nhỏ trong nền văn học trung đại Việt Nam. Ông thường mang vào trang thơ của mình những cảnh sắc đẹp đẽ, bình dị của làng quê yên bình. Thu điếu là một trong những bài thơ đặc sắc nằm trong chùm thơ thu (Thu điếu – Thu vịnh – Thu ẩm) của Nguyễn Khuyến. Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên mùa thu vắng lặng, lạnh lẽo và đượm buồn, đồng thời cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn người thi sĩ.

     Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã giới thiệu khái quát không gian, địa điểm thân thuộc và yên tĩnh của một buổi câu cá mùa thu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo”

     Hình ảnh “ao thu” đặc trưng của làng quê Việt Nam bước vào trang thơ Nguyễn Khuyến thật chân thực. Mở ra trước mắt người đọc là cái ao mùa thu vùng chiêm trũng đất Bắc. Nhà thơ dùng tính từ “trong veo” để miêu tả “ao thu” ấy, trong veo chỉ sự trong vắt, trong đến mức mà người ta có thể nhìn xuống tận đáy hồ. Có lẽ, thời điểm này không còn là thời điểm chớm thu nữa mà là thời điểm giữa mùa thu hoặc cuối thu nên mới “lạnh lẽo” đến thế, chứ không se lạnh hay lành lạnh. Câu thơ gợi ra một khung cảnh với ao thu trong veo, trong vắt, tĩnh lặng nhưng lại lạnh lẽo, quạnh hiu. Giữa khung cảnh của một ao thu rộng và lạnh lẽo ấy lại xuất hiện thêm một chiếc thuyền nhỏ, càng làm cho không gian trở nên lạnh lẽo. Giữa cái rộng của ao thu đối lập với chiếc thuyền câu đã bé lại còn “bé tẹo teo” khiến cho hình ảnh chiếc thuyền trở nên nhỏ bé hơn, cô đơn hơn. Hai câu thơ mở đầu đều được nhà thơ gieo vần “eo” khiến không gian câu cá mùa thu trở nên lạnh lẽo mang một chút buồn.

       Nếu như hai câu thơ đầu, nhà thơ giới thiệu cảnh sắc buổi câu cá mùa thu thật tĩnh lặng, thì ở những câu thơ tiếp theo, cảnh sắc mùa thu lần lượt hiện lên sống động hơn:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

      Câu thơ bắt đầu xuất hiện sự chuyển động của vạn vật mùa thu, dù sự lay động ấy chỉ nhẹ nhàng, khe khẽ. Người thi sĩ vẽ lên những hình ảnh “sóng biếc” chỉ “hơi gợn tí” còn “lá vàng” cũng chỉ “khẽ đưa vèo”. Hai từ “hơi” và “khẽ” thể hiện sự chuyển động rất nhẹ nhàng trong cảnh sắc mùa thu. Hẳn là thi nhân Nguyễn Khuyến phải tinh tế lắm mới nhận ra sự khe khẽ đó của thiên nhiên. Hình ảnh “sóng biếc” gợi cho người đọc một màu xanh biếc trên mặt ao trong, một màu xanh rất đẹp mắt và có sắc thái biểu cảm. Không chỉ có sóng biếc mà “lá vàng” cũng được đưa vào thơ Nguyễn Khuyến một cách tinh tế. Người ta thường nói mùa thu là mùa thay lá, mùa lá vàng và rụng xuống. Bởi thế mà lá vàng đã từng bước vào rất nhiều trang thơ thu. Trong thơ về mùa thu, Lưu Trọng Lư có viết:

“Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô”

       Nhà thơ tiếp tục miên man tả cảnh sắc mùa thu êm đềm khi hướng tầm mắt ra xa hơn với bầu trời thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

      Đọc câu thơ, người đọc hình dung ra một bầu trời mùa thu cao vời vợi. Bởi lẽ một bầu trời cao trong vời vợi mới có một màu xanh ngắt. Nếu bên dưới ao thu được điểm tô là màu “biếc” của sóng thu, màu vàng của “lá” thu, thì ở ý thơ này lại là một màu “xanh ngắt” bao la, ngút ngàn. Và trên bầu trời thu ấy là những “tầng mây” đang “lơ lửng”. Từ láy “lơ lửng” diễn tả trạng thái dùng dằng, có trôi nhưng lại rất khẽ, rất thờ ơ của những đám mây. Dường như mùa thu cả không gian đất trời, cảnh sắc đều như trôi chậm lại. Nhà thơ trở lại với cảnh vật bên dưới, phía xa xa của những con ngõ nhỏ. Hình ảnh “ngõ trúc” hiện lên thật hoang vắng. Từ láy “quanh co” cùng “vắng teo” thể hiện một con ngõ ngoằn nghoèo, quanh co và không một bóng khách, gợi sự cô đơn, heo hút, man mác buồn.

    Trước khung cảnh tĩnh lặng, quạnh quẽ và lạnh lẽo của mùa thu, nhà thơ trở lại với buổi câu cá mùa thu:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

    Xung quanh cái u buồn, vắng lặng của mùa thu, thi sĩ trở lại tập trung câu cá để khiến tâm hồn thêm thư thái. Hình ảnh “tựa gối” chỉ sự chăm chú nhưng đầy nghĩ suy thật lâu trước cảnh sắc đượm buồn mùa thu. Miên man trong những dòng cảm xúc buồn, cô đơn ấy nên khiến nhà thơ giật mình khi có chú cá nhỏ “đớp động dưới chân bèo”. Câu thơ cho thấy tậm trạng suy tư của nhà thơ, cảm giác buồn, một nỗi buồn xa vắng. Nhà thơ sáng tác bài thơ này khi ông về ở ẩn nơi thôn quê. Nếu đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, người đọc càng hiểu hơn cái tình trong Thu điếu. Bởi bài thơ còn chất chứa cả một nỗi buồn thời thế, nhà thơ buồn cho thời buổi loạn lạc, lầm than lúc bấy giờ nhưng có ai để sẻ chia, giãi bày.

     Thu điếu là một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu khi viết về mùa thu. Đọc bài thơ người đọc ấn tượng bởi cảnh sắc mùa thu đẹp và tĩnh lặng cùng tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, đồng thời cũng cho thấy những nỗi niềm thời đại, tình yêu nước thương dân dạt dào trong trái tim thi sĩ.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến hay nhất 2

Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tưởng chừng như cùng với sự kết thúc của chế độ xã hội phong kiến suy tàn, lạc hậu, nền văn học Việt Nam trung đại sẽ rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc với một phương thức phản ánh đã lỗi thời. Nhưng thật kì lạ là trong sự suy thoái tưởng chừng đã đến đỉnh điểm ấy lại xuất hiện một tài năng thơ ca vào hàng xuất chúng như Nguyễn Khuyến. Ông giống như một dấu cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người của văn học trung đại vào giai đoạn cuối cùng của thời kì văn học dài hàng chục thế kỉ này. Ông để lại cho quê hương, cho đất nước một di sản văn chương phong phú, đồ sộ. Nhưng nói đến nhà thơ Nguyễn Khuyến, người đọc mệnh danh ông là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, vì ông đã viết nhiều bài thơ hay về cảnh làng quê. Đặc biệt là chùm thơ thu của ông, trong đó có bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu).

     Chùm thơ ba bài Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dạt dào. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

     Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng là biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

     Hai câu đầu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

    Nhà thơ hầu như không hứng thú gì với chuyện câu cá mà đắm say với không khí cảnh sắc mùa thu, ngay câu đầu nhà thơ đã gọi cái ao của mình là ao thu, và với tính chất lạnh lẽo nước trong veo thì đó đúng là ao thu chứ không phải là môi trường thích hợp cho việc câu cá, bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và phải hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

     Màu biếc của sóng hòa hợp với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ vừa ý trong bài Cảm thu, tiễn thu:

Vèo trông lá rụng đầy sân

   Đến câu luận:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

   Không gian được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những tầng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là xanh ngắt. Ở Thu vịnh là "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao", Thu ẩm là "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt", và Thu điếu là "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt."

   Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (xám) mà xanh ngắt, thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

   Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước, "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tí teo", từ "sóng biếc" đến "lá vàng", từ "tầng mây lơ lửng" đến "ngõ trúc"... đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh thoáng chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam.

   Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, tư thế ngồi câu cá của ông như cũng bất động trong thời gian:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

   Tựa gối buông cần là tư thế đợi chờ mòn mỏi của người câu cá. Người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng để phò tá. Văn thơ truyền thống lấy việc câu cá để từ chối việc làm quan và coi câu cá là việc câu người, câu quạnh, câu lưỡi. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nhà thơ có phẩm chất thanh cao. Cái âm thanh cá đớp động gợi lên sự mơ hồ xa vắng, đánh thức tỉnh.

   Bài thơ Câu cá mùa thu là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, nét vẽ xa gần tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa vèo trong làn gió thu, tiếng cá đớp động chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

   Thơ là sự cách điệu tâm hồn, Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình đồng quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, chúng ta thêm yêu quê hương, thêm yêu xóm thôn, đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Nêu cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 3

 "Thu điếu" cho thấy cái thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Nguyễn Khuyến đã thực sự nắm bắt và thể hiện được một cách tài tình, nên thơ.

   Một không gian êm đềm, tĩnh lặng. Ao thu "lạnh lẽo" bởi khí thu bao trùm. Nước ao thu "trong veo" có thể nhìn thấy tận đáy ao. Chiếc thuyền câu, thuyền nan "bé tẻo teo". Vùng đồng chiêm trũng Yên Đổ thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, quê hương cụ Tam nguyên, hầu như nhà nào cũng có một cái ao nhỏ trong vườn; ao nhỏ nên chiếc thuyền câu cũng "bé tẻo teo".

   Gió thu lành lạnh, nhè nhẹ thổi nên làn sóng biếc trên mặt ao thu chỉ xao động lăn tăn "hơi gợn tí". Và chiếc lá thu, lá vàng "khẽ đưa vèo". Cảnh vật từ sóng biếc đến lá vàng "khẽ đưa vèo" vừa đẹp thơ mộng, vừa êm đềm tĩnh lặng. Tác giả tả ít mà gợi nhiều, chỉ chấm phá, lấy động tả tĩnh làm nổi bật cái thần thái mùa thu trên vùng đồng bằng sông Hồng.

    Không gian nghệ thuật được mở rộng về các chiều cao, chiều xa, chiều dài và chiều rộng. Bầu trời thu "xanh ngắt", tầng mây nhẹ trôi "lơ lửng" như khách thơ lang thang du nhàn. Ai cũng cảm thấy bầu trời thu thoáng đãng, bao la, mênh mông, mỏng như dải lụa xinh xắn.

    Nhìn về bốn phía làng quê, chỉ thấy "ngõ trúc quanh co". Không một bóng người qua lại, "khách vắng teo". Lấy cảnh để ngụ tình, nhà thơ tinh tế thể hiện tâm hồn cô đơn của mình.

    Cảnh vật trong "Thu điếu" được chấm phá bằng đường nét tài hoa: bé tẻo teo, hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, lơ lửng, quanh co; được điểm nhãn bằng màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, lá vàng, trời xanh ngắt. Đó là sắc thu quê hương nhà thơ, sắc thu của vùng nông thôn Bắc Bộ. Cảnh vật êm đềm, thơ mộng, mơ hồ, xa xăm. Nét thu nào cũng đẹp, thân thuộc, đáng yêu. Nguyễn Khuyến đã trang trải tâm hồn trên từng cảnh thu, nét thu, biểu lộ một tình thu, tình quê nồng hậu, đằm thắm, thiết tha.

     Hai câu kết biểu lộ một tâm thế nhàn:

"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

    Cái tư thế "ôm cần" của Nguyễn Khuyến được người đọc liên tưởng đến Lã Vọng câu cá bên bờ sông Vị để chờ thời hơn mấy nghìn năm về trước. Có điều, cụ Tam nguyên không chờ thời mà bất lực trước thời cuộc, cáo quan về ở ẩn tại quê nhà: "Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".

    "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" là một nét vẽ lấy động để tả tĩnh, lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm hồn nhà thơ, đồng thời làm nổi bật bức tranh tâm cảnh mùa thu câu cá.

   Qua "Thu điếu", ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Tam nguyên Yên Đổ: yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương, một phong thái thanh cao, nhàn tản và thanh bạch.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến ngắn gọn 4

“Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”. Phải chăng vì thế mà từ bao lấu nay, mùa thu đã làm duyên làm dáng với tâm hồn bao thi sĩ, từ nét thu buồn kiêu sa trong “Thu điếu” của Đỗ Phủ, đến những nét tươi vui, tươi trẻ, tinh tế trong “Sang Thu” của Hữu Thỉnh hay “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu. Nhưng có lẽ viết về mùa thu, ta không thể nào quên tam thu bất tuyệt của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, trong đó “Thu điếu” được coi là bức tranh mùa thu tiêu biểu nhất của thiên làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những cảm xúc hết sức trong trẻo, thanh cao, yên tĩnh.

Thu Điếu là một trong chùm thơ na bài về mùa thu của thi sĩ Nguyễn Khuyến, hấp dẫn người đọc bởi những điệu xanh, bởi vẻ đẹp thanh tĩnh và trong trẻo của thiên nhiên, đồng thời kín đó bộc lọ tấm lòng ưu tư, niềm u uẩn trong tâm hồn một nhà Nho yêu nước. Điểm nhìn của nhà thơ bắt đầu từ chiếc ao thu, từ một chiếc thuyền câu tẻo teo giữa lòng ao nhỏ, để từ đấy có thể thấy được sự bao quát ra xung quanh, mặt nước ao thu lạnh lẽo, trong veo với sóng biếc hơi gợn tí và lá thu vàng khẽ đưa vèo:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Hình ảnh ao thu lạnh lẽo, nước trong veo gợi vẻ đẹp tươi mát, trong trẻo của chiếc ao. Từ láy “lãnh lẽo” là một từ láy gợi cảm giác về cái lạnh của mùa thu, cái tĩnh lặng của không gian. Nước thu trong veo cho thấy cái nhìn tận đáy, không một chút vẩn đục như in bóng bầu trời. Thêm vào đó là hình ảnh chiếc thuyền câu gợi sự tĩnh lặng của không gian sự đơn độc của người đi câu. Đến những câu thơ tiếp theo, thi sĩ tập trung khắc họa vẻ đẹp tĩnh lặng của không gian và thần thái của mùa thu qua một vài chi tiết tiêu biểu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

Sóng biếc như phản chiếu màu mây, màu trời nên cũng biếc xanh một màu trong trẻo, tươi mới, hình ảnh lá vàng lại một lần nữa xuất hiệ trong thơ thu. Ta đã từng gặp trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.”
Hay trong thơ của Bích Khê:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông.”

Chiếc lá khẽ đưa vèo, gợi cảm giác chiếc lá mỏng manh, nhỏ bé như trong không trung, gợi cảm giác mơ hồ, mông lung không hiểu, đồng thời thấy được tâm hồn tinh tế nhạy cảm của Nguyễn Khuyến.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”

Không phải là “trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” gợn lên một sức xanh mãnh liệt, có vẻ ngắt một màu mà là tâng mây lơ lửng nên thơ và trong trẻo, tươi tắn. hình ảnh ngõ trúc quanh co vắng teo gợi vẻ đẹp hoang sơ, nhưng thanh vắng của không gian, đồng thời cũng gợi vẻ đẹp thanh cao và khí chất của người quân tử trong thơ trung đại. Đường nét bức tranh mảnh mai, tin tế đường bao quanh thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn sóng của ao thu. Màu sắc thanh đạm, dân dã mang những nét hồn quê, trong đó màu sắc chủ đạo là màu xanh, xanh của sóng, xanh ngắt của trời, xanh rì của cần trúc, xanh lục của bèo. Những chuyển động trong bức tranh thiên nhiên cũng rất nhẹ, rất khẽ khàng. Như vậy bức tranh thu chủ yếu là tĩnh. Và cái tĩnh ấy còn được gợi ra từ nỗi buồn u uẩn của thi nhân:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Hình ảnh người đi câu tựa gối buông cần gợi vẻ nhàn hạ, tĩnh tâm và chờ đợi của người đi câu. Nhưng sự im lặng ấy cũng gợi lên một tâm trạng u hoài, tĩnh lặng, một tâm hồn yên tĩnh, một cõi lòng vắng lặng mênh mông, một nỗi cô đơn thăm thẳm. hình ảnh một ông nhàn, muốn quên hết những lo âu, yêu thích thực tại, muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Qua bài thơ “Thu điếu” Nguyễn Khuyến đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu ở Bắc Bộ rất đặc trưng: không gian êm đềm, tĩnh lặng những thoáng một nỗi buồn u sầu. Đồng thời thấy được tâm hồn tinh tế và lòng yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến. với bút pháp lấy động tả tĩnh, bút pháp chấm phá và những từ láy gợi cảm giác đã giúp bài thơ thu của Nguyễn Khuyến nức danh trong xứ sở mùa thu.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 5

Mùa thu là một trong những đề tài tạo nhiều cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Trong số đó, bài thơ “Câu cá mùa thu” hay “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến khá nổi bật.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Nguyễn Khuyến (1835-1909) quê ở Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho. Từ nhỏ Nguyễn Khuyến đã nổi tiếng có tài, thông minh, học giỏi, từng đỗ đầu cả ba kì thi thi Hương, thi Hội và thi Đình. Dân gian thường gọi Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên Yên Đổ. Cụ Tam Nguyên từng làm quan dưới triều Nguyễn trong 10 năm, sau đó từ quan về ở ẩn khi giặc Pháp đô hộ. Suốt cả đời Nguyễn Khuyến hướng tới cuộc sống thanh cao, bình dị đông thời luôn nặng lòng yêu nước, thương dân. Ông thường làm thơ, vè, câu đối bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.

Bài thơ “Câu cá mùa thu” nằm trong chùm thơ thu Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Bài “Câu cá mùa thu” là Thu điếu, được sáng tác trong thời gian nhà thơ về ở ẩn tại quên nhà. Bài thơ vẽ lên bức tranh thiên nhiên làng cảnh Việt Nam bình dị, cũng chính là tiếng lòng yêu nước sâu kín của tác giả. Thông qua đó, Nguyễn Khuyến muốn phản ánh cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của nhân dân đồng thời lên án, tố cáo tầng lớp thống trị và bọn thực dân xâm lược phi nghĩa.

Đoạn thơ đầu tiên khắc họa không gian mặt ao cá. Ở đây tác giả đứng từ nhiều điểm nhìn khác nhau để miêu tả.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Ao thu được tiếp cận từ mặt nước. Mặt nước được miêu tả bẳng 4 từ: “lạnh lẽo”, “trong veo”, “sóng biếc” và “gợn tí”. Cảnh vật trên mặt ao gồm có một chiếc thuyền trôi và lá vàng rơi. Tất cả đều mang những nét vô cùng đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ.

Nghệ thuật gieo vần của nhà thơ rất độc đáo. Nhà thơ gieo vần chân ở các câu 1, 2 và 3 đồng thời gieo vần lưng ở câu 1 và 3. Tuy nhiên, tất cả đều gieo bằng vần “eo”. Vần “eo” khiến ta có cảm giác ít ỏi, cô độc, lẻ loi. Kết hợp với đó là các từ “lạnh lẽo”, “gợn tí”, “một” càng làm tăng cảm giác cô độc. Từ đó, ta đọc vị được tâm trạng tác giả: giữa xã hội nhiễu nhương này, chỉ còn mình ta đi ngược với thời thế. Ta chợt nhớ tới câu thơ trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

 Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Tâm trạng của hai nhà thơ dường như có sự giao cắt, nút giao đó chính là nỗi cô đơn tuyệt đối.

Hai thơ tiếp theo tác giả lại đứng từ điểm nhìn không quan xung quanh hồ:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”

Thiên nhiên quanh ao được đặc tả bởi màu “xanh ngắt” của bầu trời và “vắng teo” của ngõ trúc. Những đám mây tầng tầng lớp lớp trôi lững lờ in bóng xuống mặt hồ. Con đường đầy trúc dọc hai bên ngõ quanh co uốn khúc. Tới đây bỗng có một thực thể sống xuất hiện – “khách”. Thế nhưng, người khách không xác định ấy lại đi kèm từ “vắng teo”. Vần “eo” một lần nữa được sử dụng. Vậy là, không quan có thay đổi, điểm nhìn có khác đi nhưng kết luận vẫn là sự đơn độc tuyệt đối.

Hai câu thơ cuối có khuấy động:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Tác giả thôi không tìm kiếm sự chuyển động mà “tựa gối ôm cần”. Nhà thơ lặng lẽ thưởng thức cảnh sắc ao thu. Bỗng “cá đâu đớp động”. Sự chuyển động sống đầu tiên xuất hiện chớp nhoáng. Thế nhưng, từ “đâu” lại thể hiện trạng thái không xác định. Cũng giống như thực thể “khách”, “cá” cũng là thứ không thể xác định, mơ hồ và dễ vỡ. Đến đây, ta vẫn thấy tâm thế quen thuộc – tâm thế của con người cô đơn tuyệt đối.

Tóm lại cách gieo vần và nghệ thuật lấy động tả tính của thơ cổ phương Đông đã tạo nên nét đặc sắc riêng cho tác phẩm. Mặt khác, bài thơ rất uyển chuyển, linh hoạt trong vận động hình ảnh, âm thanh và màu sắc. Điểm nhìn tác giả thay đổi liên tục từ xa tới gần, từ hẹp tới rộng, từ mặt hồ, bầu trời, con ngõ rồi lại quay về mặt hồ. Nhờ đó, bức tranh thiên nhiên mùa thu rất thực, cũng rất thơ. Sau bức tranh thiên nhiên đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Bài thơ “Dậy lên thanh niên” của Tố Hữu có câu:

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

Chọn một dòng hay để nước trôi?”

Có lẽ Nguyễn Khuyến đã chọn được “dòng nước” riêng cho mình, đó là con đường trở về với thiên nhiên, bỏ lại xã hội thực dân phong kiến độc tài để giữ vững tấm lòng yêu nước trinh nguyên. Bài thơ có lẽ không còn đơn thuần là chuyện câu cá nữa, mà bàn rộng hơn là chuyện người, chuyện đời.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 6

Nguyễn khuyến là một trong những nhà thơ lớn nhất của nước ta, nổi tiếng bởi chùm thơ thu trong đó có bài Thu điếu, bài thơ nhắc đến chuyện câu cá, nhưng thực chất là để nói lên vẻ đẹp của mùa thu. Nói về bài thơ là ta có thể hình dung đến các cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Câu cá mùa thu được tái hiện qua đôi mắt đầy nghệ thuật của tác giả.

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) quê ở Yên Đô, Bình Lục, Hà Nam. Nhà nghèo nhưng ham học và học giỏi, đỗ đầu cả ba kì thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình) nên được gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến có ra làm quan hơn 10 năm, nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Bộ thì ông từ quan về nhà, sống ở thôn quê.

Nguyễn Khuyến làm nhiều thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Thơ ông nói lên tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, bè bạn; phản ánh cuộc sống khổ cực, thuần hậu chất phác của nhân dân; châm biếm, đả kích tầng lớp thống trị, bọn thực dân xâm lược, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân, với nước.

Cảnh thu qua cảm nhận về Câu cá mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ, Ở vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam - vừa mang nét riêng của quê hương nhà thơ, lại rất điển hình cho cảnh thu của làng cảnh Việt Nam. Điểm nhìn của thi nhân có lẽ bắt đầu từ chiếc thuyền câu trong cái ao thu nhỏ hẹp giữa làng (làng Yên Đổ của ông có nhiều ao như thế). Đó là một cảnh thu đẹp mang sắc thu quê hương đất nước Việt Nam không thể nào lẫn được. Nó rất gần gũi thân quen với mỗi tâm hồn người Việt, từ màu sắc (nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt) đến đường nét, chuyển động (sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co); hòa sắc tạo hình: “Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi” (Xuân Diệu); cái ao thu nhỏ, chiếc thuyền câu theo đó cũng bé tẻo teo và dáng người ngồi câu như cũng thu nhỏ lại... Không khí mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật, đem đến cho bức tranh thu cái hồn dân dã của làng quê nước Việt, gợi lên trong ta tình yêu quê hương đất nước bắt đầu từ một cái ao thu nước trong veo, một ngõ trúc quanh co, một cánh bèo có tiếng cá đớp động.

Qua những cảm nhận về bài Câu cá mùa thu, ta thấy được tình thu của thi nhân, bức tranh tâm trạng của con người được bộc lộ kín đáo mà sâu sắc qua bức tranh thiên nhiên của Thu điếu. Tâm hồn thi nhân ra sao thì cảnh trong thơ cũng như vậy. Nguyễn Du từng nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Truyện Kiều). Tâm hồn Nguyễn Khuyến thanh cao, gắn bó với làng quê thôn dã, thì cảnh ở đây cũng vậy: chỉ là những cảnh vật rất bình thường nơi quê nhà (cái ao nhỏ, chiếc thuyền con, làn sóng gợn, chiếc lá rơi, tầng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co) nhưng vẫn mang nét đẹp thanh cao, trong sáng, gần gũi, đáng yêu. Nhà thơ đã đem đến cho ta những vẻ đẹp dân dã thật đáng quý mà có khi ta không để ý đến, đã trả lại cho cảnh sắc quê hương những giá trị thực của nó. Không có một tâm hồn thanh cao và một tình yêu quê hương tha thiết thì không thế viết nên bài thơ hay về một cái ao làng như thế.

Con người Nguyễn Khuyến qua cảm nhận vẻ đẹp của bài Câu cá mùa thu, nhận thấy họ vốn thâm trầm, suy tư thì cảnh trong Thu điếu cũng vậy. Cảnh câu cá mùa thu thật tĩnh lặng trong sáu câu thơ đầu tả cảnh vật, và cả trong cái dáng người ngồi câu như bất động trên chiếc thuyền con: “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”. Nhà thơ đang câu cá hay đang trầm tư suy nghĩ trước thời thế lúc bấy giờ?

Qua bài bài cảm nhận vẻ đẹp của bài Câu cá mùa thu, người đọc cảm nhận ở Nguyễn Khuyến tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên đất nước, tấm lòng yêu nước thầm kín nhung không kém phần sâu sắc.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 7

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông là nhà thơ của quê hương, những sáng tác mà ông viết lên đậm chất vùng quê Nam Bộ. Thơ của ông nói lên tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè, phản ánh cuộc sống thuần khổ, chất phác của nông dân, châm biếm đả kích tầng lớp thống trị, bọn thực dân xâm lược, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước. Trong số những tác phẩm đặc sắc đó có bài thơ “ Câu cá mùa thu”. Đây là bài thơ hay về mùa thu của đất nước, trong bài thơ tác giả đã nói lên những cung bậc cảm xúc của mùa thu đất nước.

Mở đầu bài thơ là điểm nhìn bao quát của tác giả:

               “ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

                 Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Bài thơ trong điểm nhìn của tác giả, từ gần đến cao xa, rồi từ cao xa trở lại gần. Từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trú rồi lại trở về ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ ao thu hẹp nhòa thơ mở ra không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu quen thuộc. Chiếc ao thu nước trong veo đến mức có thể nhìn xuống được tận đáy và lạnh lẽo vô cùng,cái lạnh nó ôm trọn toàn bộ không gian, và giữa ao thu lại xuất hiện một chiếc thuyền, một chiếc gợi sự cô đơn, mà lại còn bé tẻo teo, thật nhỏ bé giữa không gian thu rộng lớn.


Hai câu thơ tiếp theo, nói lên không gian thu tĩnh lặng và phảng phất buồn.

                  “ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

                   Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

“ Hơi gợn tí”, “ khẽ đưa vèo” là những hình ảnh miêu tả trong trạng thái ngưng kết chuyển động hoặc sự chuyển động rất nhẹ nhàng tạo nên sự tĩnh lặng vô cùng. Sự hòa hợp vô cùng đáng yêu ở câu thơ “ sóng biếc” và “ lá vàng”. Cơn gió thu nhẹ nhàng làm khuấy động mặt nước hơi gợn tí, làm chiếc lá trên cành khẽ khàng rơi.

Câu thơ thứ ba, bức tranh thu đang được lột tả:

                  “ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

                     Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Bầu trời thu trong xanh, nhưng ẩn chứa một nỗi buồn khó tả. Không có một bóng người qua lại trên con đường làng, không một tiếng nói, một âm thanh, không gian yên tĩnh như muốn bóp nghẹt tất cả. Cảnh làng quê trong trẻo nhưng tĩnh lặng bởi cảm nhận của một con người đang đầy những suy tư trăn trở. Không gian được mở rộng, bức tranh thu có chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những đám mây lơ lửng bay. Xanh ngắt gợi cho ta cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ.Ta bắt gặp vần “ eo” gợi lên sự nhỏ bé và có phần buồn tủi, “ Ngõ trúc quanh co” càng làm tăng sự vắng lặng của mùa thu trốn quê thanh bình mà tĩnh lặng. Và rồi ông nhận ra mình đang câu cá:


“ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

                     Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Câu cá đớp động dưới chân bèo không thể hiểu theo nghĩa cá đâu có đớp, nghĩa là không đớp. Một tiếng động duy nhất, là tiếng cá đớp mồi càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Nói là câu cá nhưng nhà thơ đâu có chú tâm vào việc câu cá. Chỉ là câu cá để cảm nhận được hết hương vị của mùa thu một cách trọn vẹn nhất. Cõi lòng của nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. Tĩnh lặng trong việc cảm nhận độ trong veo của nước, cái hơi gợn tí của sóng, cái độ rơi khe khẽ của lá. Đặc biệt là sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất của bài thơ: tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo”. Cái động nhỏ xíu như thế lại gây ảnh hưởng rất lớn. Sự tĩnh lặng mang đến sự cảm nhận nỗi cô quạnh và u uẩn trong lòng nhà thơ.

Bài thơ một phần nào đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương và con người, biết rung động trước những cái đẹp của tạo hóa, hướng về những điều thanh sạch từ cuộc sống và luôn có tinh thần trách nghiệm với cuộc sống.

Bài thơ câu cá mùa thu là một bài thơ hay và ý nghĩa. Không gian thu thật là ảm đạm và buồn, hiện trong đó là hình ảnh con người với đầy những nỗi lo toan bộn bề từ cuộc sống.

Cảm nhận bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến 8

Nhắc tới Nguyễn Khuyến người ta nhớ đến những sáng tác của ông về mùa thu. Trong đó có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm.Bài thơ “Thu vịnh” là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chính chùm thơ về mùa thu này đã giúp Nguyễn Khuyến bước lện vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu. Những câu thơ nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, sẽ không ai có thể quên, khi nhắc tới thơ về mùa thu Việt Nam, Thu Điếu là một trong 3 bài thơ đặc sản của thơ văn viết về mùa thu.

Mọi cảnh vật quen thuộc hiện ra, vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, ngập nước với ao hồ, bờ tre bao bọc-một biểu tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam.

Được mệnh danh là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam,ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến đặc biệt là Thu điếu đã trở thành một trong những bức tranh mùa thu đặc sắc của văn học Việt Nam. Vẻ đẹp của mùa thu được thi vị hóa, trở thành một bức tranh độc đáo. Giống như mọi thứ đang diễn ra trước mắt, hình ảnh nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng là những đặc trưng của mùa thu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Tầng máy lơ lửng trời xanh ngắt

 Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Mỗi khung cảnh mỗi nét thơ cho ta một vẻ độc đáo riêng,mỗi cảnh có một sự thể hiện riêng nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đều mang một dáng vẻ riêng. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. Những hình ảnh trong sáng những đường nét mang chi tiết gợi rất lớn khiến cho bài thơ càng thêm có hồn.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh nước và con người pha trộn giữa cảnh thiên nhiên đó. Tuy không chủ động nói tới con người giữa khung cảnh mùa thu đó, nhưng với “ thuyền câu giữa làn nước ao thu” khiến chúng ta có thể liên tưởng tới khung cảnh của một người đang thư thái ngồi câu cá

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Cả ao được nhuộm bởi sắc thu và không khí của mùa thu, ao thu đó có chút lạnh lẽo không một chút gợn để chúng ta thấy được nước mùa thu nó có thê xuyên tận đáy. Cảnh sắc mùa thu có thể hiển diện rõ nhất là màu nước và khung cảnh thiên nhiên từ đó mà lan tỏa. Bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, hình ảnh nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Mọi thứ chỉ hơi gợn không một chút biến đổi mạnh nào, màu của sóng biếc pha trộn với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Cách hiệp vần ở mỗi cuối câu khiến cho ta đọc lên cảm thấy không gian vừa rất tĩnh lại vừa thu hẹp lại,tâm điểm của bài thơ được nổi bật và tập trung điểm nhìn hơn.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Không gian dường như được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Bầu trời xanh ngắt là một đặc trưng của thơ miêu tả thu của Nguyễn Khuyến. Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu và thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Không gian thu hẹp lại khi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Cảnh vật càng trở nên êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt chìm vào không khí vắng lặng của mùa thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước đến ao thu lạnh lẽo đến chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc đến lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc… đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh có chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam. Những hình ảnh đó dường như đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ, và nó cũng gắn liền với nỗi buồn không đáy.Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, nhưng tư thế ngồi của người buông cần câu như cũng bất động trong thời gian:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Tư thế của người câu cá là tư thế tựa gối ôm cần, và không có chút gì là thay đổi tư thế,như ông đang chờ đợi điều gì xảy ra rất lâu và cứt thế, bình tĩnh để nhìn thấy kết quả. Hình ảnh này cũng mang dáng dấp của những người vui thú khi về ở ẩn, sống một cuộc sống đạm bạc. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nha thơ có phẩm chất thanh cao.Cái âm thanh cá đớp động gợi lên sự mơ hồ xa vắng, đánh thức tỉnh.

“ Thu điếu “ là một bài thơ mùa thu đặc sắc với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả băng những gam màu đậm nhạt, nét vẽ xa gần tinh tế gợi cảm. Âm thanh của những sự vật cũng trở nên tinh tế dưới tài quan sát và sự nhạy bén của tác giả. Hình ảnh quen thuộc dân giã những chính là chất liệu để dệt nên những hồn thơ hay như thế

Với tình yêu thiên nhiên tha thiết, yêu cảnh sắc và những sự thay đổi của đất trời vào Thu,mọi thứ trong “ Thu điếu”là một cách thể hiện tâm hồn của ông. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Ngâm Thu điếu, Thu ẩm Thu vịnh, chúng ta thêm yêu quê hương, thêm yêu xóm thôn đồng nội, đất nước. Vẻ đẹp quê hương đất nước và tâm hồn của Nguyễn Khuyến cũng được gợi mở trên từng con chữ.