Những câu chuyện ngắn về đạo đức 1
Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây, Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ tôi đang đứng gác.
- Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Chú không có áo mưa?
Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:
- Dạ thưa Bác, cháu không có ạ!
Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:
- Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn...
Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ...
Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:
- Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.
Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:
- Hôm nay chú có áo mới rồi.
- Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.
Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:
- Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.
Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá
Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.
Bài học kinh nghiệm:
- Câu chuyện này tả lại tình yêu thương ân cần của Bác dành cho những cán bộ phục vụ quanh mình. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng khi thấy người chiến sĩ cảnh vệ canh gác dưới chân lán bị ướt và lạnh, Bác đã đôn đốc quân nhu chóng tìm áo ấm cho các anh. Chỉ một chiếc áo nhưng đã làm ấm cơ thể, ấm lòng anh chiến sĩ và hàng triệu triệu con tim người Việt.
- Như trong lời bài hát Thuận Nguyễn có viết: “Bác Hồ Người là tình yêu thiết tha nhất. Trong toàn dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương những cụ già xuân về gửi biếu lụa Bác thương đàn cháu nhỏ trung thu gửi quà cho. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.”
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 2
Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
- Thưa không được ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.
Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?
Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!
Sau câu chuyện của Bác Anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp dến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.
Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư - tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.
Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.
Bài học kinh nghiệm:
- Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc suy bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay lánh nặng tìm nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cả một tập thể.
-Từ một chiếc đồng hồ, Bác đã gợi lên trong mỗi người nhận thức về một bài học quý giá. Đó là hiện vật vô giá về tình đoàn kết trong mỗi đơn vị, trong một quốc gia và tình đoàn kết quốc tế. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới và sáng tạo, để làm nên tất cả bỡi lẽ "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công" .
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 3
Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khỏe Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khỏe Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy.
Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.
Bài học kinh nghiệm:
- Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta phải biết tự nhìn lại mình, phải sống giản dị, chân thật và tiết kiệm, nhắc nhở bản thân cần phải ra sức phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, đấu tranh chống lại lối sống tham ô lãng phí. Tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Biết cân đối, chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong quy trình sản xuất, trong hoạt động nhưng vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- Trong thực tế chúng ta đơn giản chỉ là tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không sử dụng; tận dụng sử dụng hiệu quả thời gian, một tờ giấy, một cây viết,... cũng là học tập theo tấm gương của Bác chỉ đơn giản những việc đấy cũng làm góp phần giữ gìn tài sản của công góp phần giúp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 4
Một bác sĩ vào bệnh viện vội vàng sau khi nhận được gọi cho một cuộc phẫu thuật khẩn cấp. Ông nhanh chóng thay trang phục và đi thẳng vào phòng phẫu thuật. Ông đã gặp cha của cậu bé sẽ được phẫu thuật đang đứng đợi. Khi nhìn thấy ông, cha cậu bé hét lên:
Tại sao ông lại đi lâu vậy? Ông có biết rằng cuộc sống của con trai tôi đang gặp nguy hiểm không? Ông không có bất kỳ ý thức trách nhiệm nào à?”
Bác sĩ mỉm cười và nói:
“Tôi xin lỗi, tôi không ở trong bệnh viện & tôi đã đi nhanh nhất có thể sau khi nhận được cuộc gọi. Và bây giờ, tôi muốn anh bình tĩnh lại để tôi có thể làm công việc của tôi …”
“Bình tĩnh thế nào được nếu là con trai của ông đang nằm trong căn phòng này , ông sẽ bình tĩnh được không ? Nếu con trai của ông sắp chết ông có bình tĩnh nổi không?” – Cha cậu bé nói một cách giận dữ.
Bác sĩ mỉm cười một lần nữa và trả lời:
“Tôi sẽ nói lại những gì trong Sách Thánh viết” Chúng ta đến từ cát bụi và sẽ trở về cát bụi , may mắn là tên của Thiên Chúa” Các bác sĩ không thể kéo dài cuộc sống. Hãy đi và cầu nguyện cho con trai của anh, chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất nhờ ân điển của Đức Chúa Trời “
“Đưa ra lời khuyên khi ông không quan tâm luôn dễ dàng như vậy” – Cha cậu bé nghĩ thầm .
Ca phẫu thuật mất khoảng vàng tiếng đồng hồ, sau đó các bác sĩ bước ra khỏi phòng phẫu thuật với những nụ cười rạng rỡ.
“Cám ơn Chúa , con trai của anh được được cứu !”
Không chờ đợi câu trả lời của người cha, ông đã chạy như bay ra thang máy và không quên nói vọng lại “Nếu anh có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi các y tá !”
“Tại sao ông ta lại ngạo mạn thế chứ? Ông ta không thể chờ đợi một vài phút để tôi hỏi về tình trạng của con trai tôi sao?” – Cha cậu bé nói hằn học khi nhìn các y bác sĩ còn lại .
Y tá trả lời, nước mắt rớt xuống khuôn mặt của cô:
“Con trai ông ấy qua đời hôm qua trong một tai nạn giao thông, ông ấy đang bận mai táng cho con trai khi chúng tôi gọi ông tới bệnh viện phẫu thuật cho con trai anh. Ông ấy đã cứu được cuộc sống của con trai anh và bây giờ ông ấy lại chạy đi để hoàn thành nốt việc chôn cất con trai mình.”
Đạo đức rất khó để đánh giá bất kì ai … bởi vì bạn không bao giờ biết cuộc sống của họ như thế nào và những gì họ đang trải qua”
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 5
- Các cô, các chú nhiều người có đồng hồ ở đây chứ?
- Thưa bác, có ạ !
- Các cô, các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim hút di chuyển hơi chậm, kim giờ thì rề rề một chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không.
- Dạ, đúng ạ!
- Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: “Tôi chạy thế này mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu”. Mặt số kêu lên: “Đứng mãi một chỗ chán quá, cho tôi chạy như kim giây”. Bộ máy lại nói: “ Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?
Cả lớp vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:
- Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!
- Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tùy theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công chung. Đó là sự phân công của tổ chức.
Bài học kinh nghiệm:
Qua mẫu chuyện trên chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân mình: Mỗi người trong chúng ta, mỗi cá nhân có một ưu điểm riêng của bản thân mình, trình độ chuyên môn khác nhau; nên khi được phân công bất kỳ một công việc nào, ở bất kỳ một vị trí nào, dù là việc lớn hay việc nhỏ chúng ta cần phải làm tốt công việc của mình, không nên đố kỵ, so sánh. Để tạo được thành công chung cho tập thể chúng ta cần phải đoàn kết, đồng lòng, cùng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để thành thành tốt công tác của bản thân nói riêng và tập thể nói chung.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 6
Cũng như những lần trước, lần này chúng tôi hy vọng được gặp Bác Hồ. Lần ấy tôi được phân công phục vụ ở phòng họp của Chủ tịch đoàn. Tôi rất lo không làm tròn nhiệm vụ.
Tôi cố gắng chuẩn bị thật chu đáo nước nôi. Sáng hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã vào phòng họp, tôi đang lúi húi chuẩn bị phục vụ ở bàn nước cuối phòng.
Chuẩn bị xong, tôi mang nước cho đồng chí Trường Chinh. Lúc tới cạnh đồng chí Trường Chinh ngồi, tôi mới chợt thấy mái tóc bạc phơ của Bác. "Bác đã đến rồi!". Tôi đang lúng túng vì sơ suất của mình, không biết Bác vào mà chào Bác, mang nước cho Bác trước. Thấy tôi, Bác quay ra ngay, tươi cười:
- A cháu phục vụ, chào cháu!
Cốc nước trên tay tôi cứ rung lên sóng sánh. Cố gắng lắm tôi mới giữ được chiếc cốc không rơi. Lắp bắp mãi tôi mới nói được ra lời:
- Cháu… cháu chào Bác ạ!
Chào Bác xong rồi mà tôi cứ thổn thức mãi. Tôi cố nén không để nước mắt trào ra. “Tại sao mình chỉ là một nhân viên phục vụ bình thường lại để Bác chào trước?" Tôi cứ muốn quẩn quanh ở gần bên Bác để thưa với Bác cái điều sơ suất của tôi thì Bác lại bảo:
- Cháu đi mời nước các bác, các chú khác đi.
Sáng hôm ấy, sau mấy giờ làm việc, từ trong hội trường Bác đi ra, vừa tới cửa, Bác gặp hai vị đại biểu cao tuổi là cụ Thích Trí Độ và cụ Tôn Quang Phiệt, tôi lại thấy Bác chắp hai tay trước ngực, cúi đầu chào trước.
- Chào hai cụ.
Hai cụ chào lại Bác. Nhìn thấy thế, lúc này lại vắng người, không nén nổi nữa, tôi òa lên khóc. Tôi vẫn biết từ trước là Bác rất giản dị và khiêm tốn. Các cụ đại biểu cao tuổi đã đành. Còn tôi, một đứa cháu phục vụ bé nhỏ của Bác, Bác cũng chào trước nữa ư? Tôi ân hận mãi về điều sơ suất của mình.
Thường thường, các hội nghị lớn có Bác dự họp, Bác hay đến sớm, hoặc lúc Bác ra về, trông thấy chúng tôi thế nào Bác cũng hỏi chuyện và dạy bảo. Lần ấy Bác gặp đồng chí Hoàng Văn Kỳ, phụ trách sản xuất và pha chế bánh, nước ngọt. Cũng như mọi lần hỏi chuyện chúng tôi, Bác đều hỏi thêm đồng chí Kỳ về đời sống, gia đình, con cái và sức khỏe. Từng điều một, đồng chí Kỳ thưa lại với Bác. Bác hỏi tiếp:
- Cháu làm nghề này đã lâu chưa?
- Thưa Bác, cháu làm nghề này đã hơn 30 năm.
Bác bảo:
- Khi còn trẻ Bác cũng làm nghề này như chú. Nghề gì cũng quý. Phục vụ nhân dân thật tốt thì nghề gì cũng giá trị như nhau. Ngành ăn uống phục vụ miếng ăn, cái uống cho dân lại càng quan trọng, phải có trách nhiệm thật cao trông nom đến sức khỏe của dân, không được làm dối, làm ẩu, làm dối làm ẩu là có tội với dân.
- Chị em chúng tôi trước khi vào làm nghề này, có người từ công trường xây dựng về, có người là giáo viên sang, có người ở nông thôn ra, có người làm nghề đan len tới. Chúng tôi không mấy ai hiểu được ngay vị trí và giá trị của nghề nghiệp phục vụ này. Chúng tôi cũng chưa hiểu hết trách nhiệm của mình đối với đời sống và sức khỏe của nhân dân. Nghe Bác dạy, chúng tôi thấm thía và đau xót với những ý nghĩ, việc làm chưa tốt của mình.
Bài học kinh nghiệm:
Qua bài học trên chúng ta nhận ra rằng cách giao tiếp ứng xử trong công việc hàng ngày rất cần thiết với mọi người. Nếu giao tiếp tốt và ứng xử linh hoạt không chỉ giúp người mọi người xung quanh có ấn tượng tốt đẹp với bạn mà còn giúp bạn rất nhiều lợi ích trong công việc, trong các mối quan hệ.
Trong cuộc sống hay trong công tác việc giao tiếp, ứng xử tốt đều mang lại lợi ích cho cá nhân và tập thể. Vì vậy, bản thân chúng ta cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến các quy tắc ứng xử .
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 7
Các em ạ, ở phương Tây có một ngày rất hay: ngày của Mẹ (Mother's day). Một hôm nhân ngày của mẹ, một thanh niên đi làm xa nhà ra bưu điện để gửi điện hoa về cho mẹ. Xong việc anh thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản. Trên đường quay ra bỗng anh gặp một em bé nhỏ đang đứng bên quầy hoa với hai hàng nước mắt rưng rưng. Động lòng thương, hỏi ra anh biết em bé cũng muốn mua cho mẹ một bó hoa nhưng không đủ tiền. Anh thanh niên liền mua hoa cho em bé và đề nghị được chở em về nhà. Em bé đồng ý, nhưng các em biết không? Em lại dẫn anh thanh niên ra một nghĩa trang. Thành kính đặt bó hoa lên một ngôi mộ rồi em ôm chầm lấy nấm mồ khóc nức nở. Thì ra em đã không còn mẹ. Vô cùng xúc động trước hoàn cảnh của em bé. Anh thanh niên sau khi đưa em về nhà đã tức tốc thay đổi ý định, anh lái xe một mạch về thăm mẹ, anh muốn ôm lấy mẹ mà nói rằng: "mẹ ơi con yêu mẹ vô cùng"
Em rút ra bài học gì từ câu chuyện trên?
Trả lời: các em ạ! Người có đức có tâm trước hết phải là người biết yêu mẹ kính cha. Bởi các em biết không? Mẹ là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Mẹ là suối nguồn của sự sống, là suối nguồn của cuộc đời, suối nguồn của mọi cuộc đời. Trên thế gian này không ai thương ta bằng mẹ, suốt cuộc đời mẹ đã hy sinh vất vả vì ta, công ơn đó biết lấy gì đền đáp, biết trả bao nhiêu cho vừa, thương mẹ biết bao nhiêu mà đủ? Các em nên nhớ rằng thương mẹ không phải là bổn phận mà là quyền lợi đó nghe không. May mắn thay, Hạnh phúc thay cho những ại đang còn mẹ ở trên đời, xót xa thay cho những ai không còn mẹ để được mẹ yêu thương và thương yêu mẹ. Bởi vậy các em không được làm cho mẹ buồn, mẹ khổ, mà mỗi ngày hãy mang đến cho mẹ một niềm vui. Chúng ta phải sống sao cho đến một ngày kia có thể tự hào mà nói rằng:
Tôi không khóc khi áo tôi cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười!
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 8
Ở một làng nọ có những người nông dân chuyên làm nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuât nên cuối mùa đã thu được những trái bắp tốt. Trong khi đó những người nông dân trong làng, vì không nắm được kĩ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém. Và thế là bác nông dân kia một mình một chợ tha hồ giàu to. Thế nhưng đầu mùa sau người ta lại thấy bác nông dân kia đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và lại còn vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp của mình nữa. Ngạc nghiên trước việc làm của bác, một phóng viên đã hỏi bác: “sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia cạnh tranh với ông ?” “Ồ ! người nông dân trả lời, anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao? nếu láng giềng tôi trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn có những trái bắp tươi tốt, tôi phải giúp những người hàng xóm tôi có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi."
Việc làm và câu trả lời của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời: Các em thấy không chân lí thật là giản dị. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Và nhiều người lại cố tình không muốn nhận ra. Có người nhận ra rồi nhưng để thực hiện được nó không phải dễ dàng. Bởi chúng ta phải có bản lĩnh để chiến thắng được lòng nhỏ nhen, tính ích kỉ và những tị hiềm. Người nông dân trên đã nhận thức được sự liên hệ của cuộc sống. Những trái bắp của ông không thể lớn mạnh trừ khi những trái bắp của người láng giềng cũng lớn mạnh. Các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng vậy. Những ai muốn có được sự hoà bình trước hết phải giúp người khác tìm được sự hoà bình. Những ai muốn có cuộc sống tốt đẹp phải giúp người khác tìm được cuộc sống tốt đẹp cho họ. Những ai muốn có hạnh phúc nên giúp đỡ người khác tìm được hạnh phúc. Nếu không muốn khổ đau thì đừng đem đau khổ cho người khác. Bởi cuộc sống của mỗi người gắn liền với tất cả mọi người.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 9
Đêm 15-4-1912 một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương nhấn chì con tàu Titanic và làm hơn 1500 người thiệt mạng. Sau khi chiếc tàu ấy bị đắm một tờ báo ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh minh hoạ có nội dung như sau: trong bức ảnh thứ nhất, người ta thấy chiếc tàu chạm vào tảng băng bên dưới có dòng chữ: “sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên". Còn bức ảnh thứ hai người ta lại thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người đàn bà đang bế con trên tay. Lần này bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: “sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người"
Em có bình luận gì về hai bức tranh và hai lời đề tự trên?
Trả lời:
Các em ạ, Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên cho như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con người tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kĩ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên. Nhưng các em thấy không, thiên nhiên có thể cướp đi con tàu nhưng không thể cướp được sự sống của bà mẹ và em bé bởi vì người đàn ông dũng cảm kia đã sẳn sang hy sinh tính mạng để cứu sống họ.
Sức mạnh sự vĩ đại đích thực của con người không nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân vượt thắng sự ích kỷ. Mahatma Gandhi, người dành độc lập cho Ấn độ bằng cuộc đấu tranh bất đã nói: “sức mạnh vĩ đại nhất mà con người có trong tay mình chính là tình yêu"
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 10
Ở Palextin có hai biển hồ cùng lấy nước từ một nguồn là sông Giócđan. Nhưng các em biết không ở biển hồ thứ nhất, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, không có một sinh vật nào sống soát được, nó được gọi với cái tên là biển hồ chết, sở dĩ như vậy là vì nó nhận nước rồi giữ lấy cho riêng mình chẳng trao đổi cho sông hồ nào cả. Còn biển hồ thứ hai có tên gọi là biển hồ Galile nước trong xanh, cá tôm đày ắp, sinh vật xanh tươi. Bởi vì nó nhận nước rồi lại chia đều cho nhiều hồ và sông khác. Một sự khác nhau thật là thú vị phải không các em?
Em có suy nghĩ gì từ câu chuyện trên?
Trả lời:
Các em ạ, hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất. Các em thấy không cho không phải là mất đi mà lại được, chúng ta cho đi tức là chúng ta đã nhận về. Bởi vậy trong cuộc sống các em phải luôn biết chia sẻ với người khác. Nếu biết sống vì người khác thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần, cuộc đời sẽ có ý nghĩa thêm bội phần. Có người nói "người ta kính trọng bạn không phải những gì bạn nhận được. Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì mà bạn cho đi". Các em có tin không? Tin hay không các em hãy thực hành ngay để biết kết quả nhé.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 11
Trong một giờ sinh hoạt lớp học sôi nổi tranh luận về cách đánh giá một con người. Có nhiều ý kiến khác nhau. Ai cũng cho là mình đúng. Cuộc tranh cãi xem chừng không có hồi kết. Cả lớp đồng tình xin ý kiến cô giáo. Cô giáo không trả lời ngay mà dùng hai hình ảnh để các em tham khảo. Lần thứ nhất cô giáo đưa lên một tờ giấy trắng trên đó có một vết mực đen, cố giáo hỏi: "các em nhìn thấy gì?" cả lớp đồng thanh: "Chúng em nhìn thấy vết mực đen" cô giáo bảo "vết mực đen là một phần rất nhỏ, còn phần lớn là tờ giấy trắng sao các em không nhìn ra". Tiếp theo cô giáo đặt lên bàn một quả cầu, rồi hỏi "các em thấy quả cầu màu gi? Cả lớp hô to: màu đen ạ". Bỗng cô giáo quay quả cầu 180 độ rồi hỏi bây giờ các em thấy quả cầu màu gì? Lần này mọi người lại thấy nó có màu trắng. Cô giáo bảo các em thấy không nếu nhìn từ hai góc độ khác nhau các em thấy màu sắc quả cầu khác nhau.
Các em hãy cho biết quan điểm của cô gáo về cách đánh giá một con người?
Trả lời:
Các em thấy không con người ta ai cũng có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu, nhưng mặt tốt là cơ bản, là nhiều hơn. Muốn đánh giá một con người để không bị phiến diện các em phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước sự vấp ngã của một con người các em phải biết cảm thông, phải biết nâng đở họ đứng dậy. Không nên vì một sai làm nhỏ mà đánh gục người khác, vô hình chung nhiều khi chúng ta đã làm tổn thương, làm hại một con người chúng ta đã đẩy họ xuống vực sâu. Nếu nhìn đời dưới góc độ tình thương các em sẽ thấy thế gian này mới đáng yêu làm sao, những con người quanh ta mới đáng quý làm sao Nếu được như vậy các em đã gieo lên trên mảnh đất tốt tươi kia một hạt mầm tốt, và biết đâu đó chúng ta đã làm thay đổi một con người, và nhiều con người khác.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 12
Xưa có một người thầy một hôm muốn dậy cho học sịnh một bài đạo đức, thầy bảo các em hãy mang vào lớp một người một bao khoai, và hãy khắc và mỗi củ khoai tên của một người mà mình còn giận hờn còn ghen ghét, tên của những người đã mang lại cho mình sự khó chịu. Sau đó hãy mang theo bao khoai đó bên mình. Cả lớp làm theo, và một cảm giác thật là khó chịu và phải mang lè kè bên mình một bao khoai nặng, rồi chẳng bao lâu những bao khoai kia thối vữa ra, khi mọi người hết chịu nỗi thì thầy giáo mới bắt đầu lên lớp cắt nghĩa. Cả lớp ai cũng thấm thía bài học thầy dạy.
Theo em thầy muốn dạy điều gì?
Trả lời:
Thầy đã chỉ cho chúng ta cái giá khi luôn cất giữ bên mình những nỗi giận hờn phiền muộn và bi quan. Chúng ta thường nghĩ rằng sự tha thứ là món quà dành cho người khác nhưng thực chất đó là món quà dành cho chính bản thân chúng ta. Sự tha thứ không thể làm thay đổi được quá khứ nhưng nó có thể mở rộng cánh cửa dẫn đến tương lai. Sự tha thứ và lòng yêu thương luôn có thể cảm hóa được người khác. Các em thấy trong lịch sử mỗi khi chiến thắng quân xâm lược thì ông cha ta đã cấp lương thực, thuốc men, ngựa xe cho kẻ thù để chúng về nước, bởi họ hiểu rằng: "lòng nhân ái là vũ khí cao thượng nhất để khuất phục kẻ thù". Trịnh Công Sơn đã viết rất hay: "Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sống. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm."
Trong một đợt kiểm tra ở lớp,thầy giáo cho học sinh 3 loại đề: 1 loại đề dễ với số điểm tối đa là 6, 1 đề trung bình với số điểm tối đa là 8, 1 đề khó kèm theo một số con dễ với số điểm tối đa là 10.Mọi người đều muốn an toàn nên đều chọn những đề dễ và trung bình. Buổi hôm sau trả bài kiểm tra, những ai chọn đề nào thì đều được điểm tối đa của đề ấy. Sau khi trả bài xong,thầy mới nói: ''Các em đều không dũng cảm chọn đề khó mà chỉ chọn 2 loại đề kia,các em không tin tưởng vào khả năng của mình,bởi thực ra số bài dễ trong đề khó là 6 điêm!''.
Ý nghĩa: hãy luôn cố gắng mọi lúc,hãy đặt mình vào tình huống khó khăn nhất,lúc đó bạn mới có thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống''.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 13
Vào một đêm đông muộn, có một đôi vợ chồng cao tuổi bước vào một khách sạn, đáng buồn thay khách sạn đó đã hết phòng.
Nhân viên lễ tân không đành lòng để hai cụ già phải ra ngoài tìm khách sạn, anh ta liền dẫn họ vào một căn phòng: “Căn phòng này không được tốt lắm nhưng hai bác sẽ không cần phải ra ngoài lúc nửa đêm nữa”.
Ngày thứ hai, khi họ thanh toán, nhân viên lễ tân đó liền nói: “Hai bác không cần thanh toán đâu ạ, vì căn phòng hai bác ở đó là phòng của cháu. Chúc hai bác có một hành trình du lịch vui vẻ ạ!”.
Thì ra, anh chàng lễ tân đó đã ngủ một đêm tại quầy bàn để nhường phòng cho họ. Cặp vợ chồng hết sức cảm động và nói: “Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi từng gặp đấy. Cậu nhất định sẽ được đền đáp”.
Chàng trai mỉm cười, tiễn hai cụ già ra cửa và rồi nhanh chóng quên đi chuyện hôm đó.
Bỗng có một ngày, anh ta nhận được một bức thư, trong đó có một tấm vé đi du lịch New York một mình. Chàng trai đi đến một căn biệt thự trang hoàng theo như chỉ dẫn trong thư. Thì ra, đôi vợ chồng mà anh ta tiếp đón trong đêm hôm đó chính là tỷ phú. Họ đã mua tặng chàng trai một khách sạn lớn sau đó giao cho anh quản lý.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 14
Có một thanh niên trẻ học việc trong một cửa hàng buôn bán, sửa chữa xe đạp. Một hôm, có người đem đến cửa hàng một chiếc xe đạp hỏng.
Chàng trai này không chỉ sửa xong chỗ hỏng mà còn bỏ thời gian ra lau chiếc xe cẩn thận, khiến chiếc xe trở nên sáng bóng như mới. Những người bạn đang học việc cùng chàng trai thấy vậy thì nói cậu thừa thời gian, làm một việc chẳng liên quan gì đến mình.
Tuy nhiên, ngày thứ hai sau khi đem chiếc xe về nhà, chủ nhân của chiếc xe đạp, vốn là giám đốc một công ty lớn đã quay lại cửa hàng và mời chàng thanh niên kia đến công ty của ông ta làm việc.
Có thể nói, anh chàng nhân viên lễ tân và người sửa xe đạp đều là những con người biết nghĩ cho người khác. Họ vô tư giúp đỡ người khác mà không mong mỏi được đền đáp, thậm chí cũng chẳng lưu tâm, bởi với họ, sống tử tế là điều hiển nhiên cần phải làm. Phẩm chất đó chính là chất liệu tạo nên thương hiệu cá nhân, và cũng là đạo đức nghề nghiệp.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 15
Có thể, khi làm việc tốt, bạn không được “nhận quả ngọt” như anh chàng lễ tân hay chàng trai sửa xe đạp, nhưng ít nhất bạn cũng đã đạt đến được sự tôn nghiêm, thứ mà có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua được. Cho dù bạn là giám đốc một công ty lớn, một nhân viên văn phòng bình thường, một người bán hàng rong trong ngõ hẻm hay là công nhân quét dọn rác trên đường phố, chỉ cần bạn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tập trung tinh thần vào công việc của mình, biết suy nghĩ cho lợi ích của cả người khác, bạn đều có thể ngẩng cao đầu và tự hào về bản thân.
Thực ra, trong vũ trụ này có một quy luật bất biến:”Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Khi bạn sống tốt và lương thiện, dù bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ nhận lại được những điều tốt lành. Và, kể cả khi làm điều tốt đẹp mà không ai để ý, xin bạn đừng buồn mà hãy luôn nhớ rằng: “Mỗi ngày mặt trời đều chiếu rọi ánh sáng rực rỡ cho muôn loài, nhưng hầu hết chúng ta đều không để tâm đến điều đó. Bạn đang tỏa sáng như ánh dương đó”.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 16
Trong một bài giảng, một diễn giả nổi tiếng đang cầm một tờ 20 USD. Sau đó, ông hỏi những người đang ngồi trong khán phòng: “Có ai muốn lấy đồng đô la này không?“. Nhiều cánh tay giơ lên và vị diễn giả nói tiếp:
“Tờ đô la này sẽ được đưa cho một người trong các bạn, nhưng hãy để tôi làm điều này trước đã”.
Ông ta liền vò tờ tiền thành một quả cầu nhỏ. Tuy nhiên, một số người vẫn muốn nó. Sau đó, ông ấy lại ném tờ đô la lên sàn và giẫm chân lên. Cuối cùng, tờ tiền trông rất bẩn và bị nhàu nát. Sau đó nam diễn giả hỏi tiếp: “Còn ai muốn lấy nó không?”. Một lần nữa, một số cánh tay giơ lên. Lúc này ông mới giải thích:
“Các bạn à, có một bài học rất ý nghĩa ở đây; dù tôi có đối xử tới tờ tiền này thế nào, bạn vẫn muốn nó vì nó vẫn không mất đi giá trị.
Trên hành trình cuộc sống, chúng ta sẽ vấp ngã rất nhiều lần; chúng ta sẽ cảm thấy mình vô dụng, nhưng cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, hay có thể xảy ra, bạn sẽ không bao giờ mất đi giá trị trong mắt của Thượng đế – cho dù bạn bẩn hay sạch sẽ, quần áo gọn gàng hay nhàu nhĩ, bạn vẫn là vô giá.
Giá trị của bạn không phụ thuộc vào những gì bạn làm hay những gì bạn biết. Thay vào đó, nó xuất phát từ sự độc nhất vô nhị của chính bạn. Đừng bao giờ quên điều này”.
Câu chuyện này còn có một ý nghĩa sâu sắc khác nữa, rằng đối với những mục tiêu trong cuộc sống, bạn cũng cần đặt cho nó một giá trị nhất định; để cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, lòng kiên quyết thực hiện mục tiêu ấy của bạn sẽ không bị lung lay.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 17
Một cô bé tên là Jenny thường cúi đầu vì nghĩ rằng mình không đủ xinh đẹp.
Một hôm, cô ấy đến cửa hàng nữ trang và mua một cái kẹp nơ màu đỏ. Người chủ luôn miệng nói rằng trông cô rất đẹp với chiếc nơ màu đỏ mới mua ấy. Nghe những lời này, Jenny cảm thấy rất hạnh phúc và ngẩng cao đầu tự tin. Cô bé cũng rất muốn mọi người nhìn thấy chiếc nơ màu đỏ của mình. Đến mức khi có ai đó va vào cô, cô hầu như không để ý đến.
Khi cô bước vào lớp học, giáo viên cũng phải thốt lên: “Jenny, trông em thật đẹp khi em ngẩng đầu lên”. Cô giáo thậm chí còn ôm cô bé vào lòng.
Ngày hôm đó, cô bé nhận được rất nhiều lời khen ngợi, cô nghĩ đó là nhờ chiếc nơ màu đỏ. Tuy nhiên vào cuối ngày, khi về nhà và soi mình trong gương, Jenny mới phát hiện ra rằng chiếc nơ đã biến mất. Nó đã rơi khỏi đầu khi ai đó va vào cô.
Tự tin là một hình thức của vẻ đẹp. Tuy nhiên, hầu hết mọi người nghĩ rằng vẻ đẹp chính là tướng mạo bề ngoài. Đó là lý do tại sao nhiều người cảm thấy không hài lòng với bản thân. Không quan trọng bạn giàu hay nghèo, dễ thương hay không, miễn là bạn có thể ngẩng cao đầu một cách tự tin, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, đó chính là điều khiến bạn trông quyến rũ và đáng yêu trong mắt người khác.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 18
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ William Sydney Porter (còn được gọi là O. Henry) là tác giả của truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”.
Trong câu chuyện này, ông nói về một người cô gái bị bệnh nặng đang nhìn chằm chằm vào một cái cây bên ngoài cửa sổ. Khi lá cây cứ rơi xuống trước gió mùa thu, cô nghĩ:
“Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, mình sẽ chết”.
Một họa sĩ già biết được điều này và quyết định vẽ một chiếc lá “vĩnh cửu” nằm trên một trong những nhánh cây. Kết quả là, cô gái đó đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Câu chuyện đơn giản này cho chúng ta biết rằng mặc dù chúng ta có thể sống thiếu nhiều thứ, rất khó sống mà không có hy vọng.
Những câu chuyện ngắn về đạo đức 19
Một ngày, trong thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, một vị tướng đã trao tặng con trai mình một món quà. Vị tướng nói:
“Con trai, mũi tên sức mạnh này là một bảo vật gia truyền quý giá và linh thiêng. Nó có thể mang lại cho con sự can đảm tuyệt vời và cũng có thể bảo vệ con. Tuy nhiên, con không được rút nó ra khỏi vỏ bọc”.
Con trai ông, cũng là một người lính, rất ngạc nhiên và thích thú trước cái vỏ bọc da và phần lông vũ mọc ra từ phần đuôi mũi lên.
Ngày hôm sau, chàng trai trẻ đã tham gia vào một trận chiến vô cùng khốc liệt. Anh cảm thấy mình rất can đảm và tràn trề sức mạnh, giết chết tất cả những kẻ địch của mình. Những ngày sau đó, anh đã không ngừng suy nghĩ về mũi tên kỳ diệu này của mình.
Cuối cùng, vì anh ta không kiềm lòng được nên đã đánh liều, rút mũi tên ra khỏi vỏ bọc. Ngạc nhiên thay, đó chỉ là một mũi tên gãy! Đột nhiên, anh ta cảm thấy sợ hãi và ý chí chiến đấu đã lung lay. “Làm sao mình có thể chiến đấu với kẻ thù với một mũi tên gãy kia chứ?”, anh ấy bắt đầu lo lắng. Ngày hôm sau, anh ấy đã bị chết trên chiến trường.
Khi vị tướng nhìn thấy thân thể vô hồn của người con trai, ông thở dài và nói:
“Nếu con không thể giữ vững ý chí của mình, làm thế nào con trở thành tướng lĩnh được đây?”
Tất nhiên, thật không khôn ngoan và quá nguy hiểm khi đặt hết niềm hy vọng vào một mũi tên. Điều này cũng tương tự như trong cuộc sống, khi bạn đặt hy vọng của mình vào con cái, hay đặt hạnh phúc của bạn vào người hôn phối, hay đặt hết sự kỳ vọng tương lai vào một điều gì đó bên ngoài, mà không phải vào chính ý chí của bản thân. Nếu một ngày những điều ấy không như bạn mong tưởng, thì điều gì sẽ xảy đến?