Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 1:
Từ thuở xa xưa người phụ nữ luôn được nhắc đến bởi vẻ đẹp dịu dàng nết na. Người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu vị tha với thiên chức làm mẹ làm vợ là tình thương sưởi ấm gia đình sưởi ấm tâm hồn mỗi chúng ta. Đất nước Việt Nam tôi cũng tự hào vì là một đất nước tươi đẹp với những con người nhân hậu, chất phác mà tiêu biểu là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Xã hội xưa người phụ nữ phong kiến toát lên vẻ đẹp đảm đang trung hậu lo toan cho gia đình. Họ là những người phụ nữ nên phải chăm lo cho tốt công việc tề gia nội trợ tức là phải chăm lo ngăn nắp, chăm sóc nhà cửa chăm sóc chồng con. Tuy vậy thân phận của những người phụ nữ xưa lại vô cùng nhỏ bé, họ phải sống một cuộc đời long đong lận đận. Họ sống trong một xã hội phong kiến lạc hậu “Trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ trong xã hội này dường như không có chỗ đứng và địa vị trong xã hội. Chính vì vậy mà trong văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm nói lên số phận đau khổ của người phụ nữ xưa. Như trong bài thơ Thương Vợ của Tú Xương, bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Với những vẻ đẹp như vậy đáng lẽ ra người phụ nữ phải được sống một cuộc sống hạnh phúc êm đềm. Nhưng trong xã hội thối nát bất công đó họ lại phải chịu nhiều những đắng cay uất ức. Trong cái xã hội phong kiến với quan niệm lạc hậu đó, họ không được phép quyết định hạnh phúc của mình. Đó là nỗi lòng của biết bao người phụ nữ Việt Nam xưa khi với họ hạnh phúc thì rất nhỏ nhoi nhưng họ lại phải chia sẻ cho nhiều người. Người phụ nữ Việt Nam không chỉ chịu nhiều đắng cay khổ cực mà họ cũng phải lam lũ vất vả nhọc nhằn để nuôi chồng con. Nhưng họ lại không được đền đáp ngay cả người chồng họ cũng phải chia sẻ tình thương đó. Thời xưa con trai thường năm thê bảy thiếp, ở đó không dành cho sự chung thủy. Sống trong xã hội mục đã lấy thân phận họ rẻ rúng tình yêu thương họ cũng phải cầu xin hạnh phúc và số phận lại không được quyết định. Tất cả những nỗi tủi nhục bẽ bàng vất vả kia chính là hệ quả mà xã hội phong kiến gây nên cho họ. Đáng lẽ ra họ là những người phụ nữ chân yếu tay mềm cần được xã hội chăm sóc nhưng cái xã hội phong kiến thối nát lại giết đi quyền được làm người một cách đúng nghĩa, quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ. Càng thương thân phận của họ ta lại càng căm ghét cái xã hội vô nhân tính kia bấy nhiêu. Khi xã hội phong kiến sụp đổ người phụ nữ trong xã hội mới lại là những người anh hùng tham gia vào chiến trường giải cứu đất nước. Đó là vẻ đẹp của các nữ thanh niên xung phong họ là những cô gái trẻ đã hy sinh những tháng năm sinh dân của mình vì độc lập tự do của tổ quốc.
Trong xã hội ngày nay người phụ nữ không chỉ đóng góp mỗi vai trò nội trợ trong gia đình nữa mà còn có vai trò quan trọng khi tham gia vào nhiều lĩnh vực xã hội góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội hiện đại ngày nay quyền của người phụ nữ đã được nâng cao họ được xã hội bảo vệ không chỉ riêng tính mạng và còn về tinh thần. Người chồng không chỉ lo mỗi việc kiếm tiền mà còn biết phụ giúp trong tất cả công việc gia đình. Tuy nhiên người phụ nữ vẫn là người làm tốt nhất công việc chăm sóc gia đình họ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất và họ còn đóng nhiều vai trò quan trọng trong công việc lao động sản xuất đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Họ cũng có nhu cầu làm đẹp hơn khi xã hội quan tâm đến họ việc làm đẹp luôn như là yêu cầu tất yếu. Trong đời sống ngày nay lời ăn tiếng nói của người phụ nữ cũng hòa nhập với xã hội. Họ không phải lúc nào cũng ăn nói trong một khuôn phép thưa bẩm, dạ vâng. Họ có những công việc riêng nên lời ăn tiếng nói của họ cũng phải phù hợp ngắn gọn súc tích trong công việc. Người phụ nữ cũng có nhu cầu học tập để mở mang tri thức.
Tóm lại dù sống trong xã hội nào thì người phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp cần cù đảm đang sáng tạo của mình. Tất cả những đức tính vốn có giúp họ thành đạt hơn trong cuộc sống và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Những người phụ nữ xưa và nay đều luôn hết mực thương yêu chồng con và dành tất cả tình thương cho gia đình. Họ không chỉ đẹp đẽ về vẻ ngoại hình mà còn có nhân cách tốt đẹp. Chúng ta cần phải trân trọng yêu thương họ vì họ cũng là một nửa của thế giới.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay hay nhất - Bài văn mẫu số 2:
Những người phụ nữ, một nửa của thế giới luôn có những vai trò quan trọng, nhất định trong cuộc sống và xã hội từ xưa đến nay. Thế nhưng không phải lúc nào những vai trò ấy cũng được mọi người trong xã hội công nhận và trân trọng, chúng ta có thể thấy rõ ràng điều này qua hình ảnh người phụ nữ xưa và nay.
Trong xã hội phong kiến, khi đạo Khổng còn giữ vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước nhà, là chuẩn mực tri thức của tất cả các môn sinh, sĩ tử thì bên cạnh những giá trị tốt đẹp có thể áp dụng được vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thì đạo Khổng còn mặt hạn chế lớn nhất là xem thường vai trò, vị trí của những người phụ nữ, coi họ là tầng lớp thấp hơn trong xã hội cho dù có là con cái trong hoàng tộc hay gia đình giàu sang đi chăng nữa. Từ đó trong suốt thời kì phong kiến, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức tất cả người dân Việt Nam ta. Những người phụ nữ không được phép đến trường, không được phép học chữ, học văn, không được phép đặt chân đến những nơi tôn nghiêm như văn miếu và hơn cả là tương lai, cuộc đời của họ cũng không do họ tự do định đoạt mà là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khi một người con gái đến tuổi cập kê thì việc lựa chọn đấng lang quân sẽ do cha mẹ quyết định chứ không được quyền tự do yêu đương. Số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa mới bạc bẽo, đáng thương làm sao.
Một điều không thể phủ nhận là sống trong một xã hội như vậy, người phụ nữ tựa như một bông hoa mỏng manh trước gió, bị xã hội ngoài kia hoặc thậm chí là chính người cha, người chồng của mình không coi trọng khi suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” đã ăn quá sâu vào trong tiềm thức, tư tưởng.
Sống trong xã hội hà khắc đối với giới tính của mình như thế nên thường những người phụ nữ xưa luôn là những người tảo tần, đảm đang, có đầy đủ tam tòng tứ đức theo chuẩn mực của xã hội. Cả gia đình được bàn tay người phụ nữ chăm sóc và có thể nói họ chính là hậu phương vững chắc để chồng mình bôn ba ngoài kia kiếm tiền nuôi cả gia đình. Câu tục ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có lẽ cũng vì vậy mà ra đời.
Thời gian dần trôi đi, xã hội phong kiến cũ và chiến tranh đã sớm lùi xa nhường chỗ lại cho một xã hội mới hiện đại, tân tiến hơn. Xã hội thay đổi kéo theo những chuẩn mực trong xã hội đã thay đổi nhiều so với trước kia, một trong số đó phải kể đến quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. So với thế hệ trước thì bây giờ những người phụ nữ đã được đến trường học như nam giới và có thể làm bất kì công việc nào mà mình yêu thích chứ không bị cấm cản như trước nữa. Điển hình trong xã hội hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp được điều hành bằng những nữ doanh nhân và nhiều vị trí quan trọng trong nhà nước và bộ máy chính quyền cũng do phụ nữ đảm nhiệm như bà Nguyễn Thị Kim Ngân hay bà Trương Mỹ Hoa,…
Người phụ nữ hiện nay đã không còn phải bắt buộc học thuộc tam tòng tứ đức như một bài học bắt buộc đối với bất kì một cô thiếu nữ nào nữa. Chẳng hạn như tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nghĩa là ở nhà thì nghe cha, khi lấy chồng thì theo chồng và khi chồng chết thì theo con chỉ đúng với xã hội cũ. Ngày nay khi một người phụ nữ chẳng may bất hạnh trở thành goá phụ, họ hoàn toàn có quyền đi bước nữa để tìm cho mình một bến đỗ hạnh phúc mới chứ không lẻ bóng, chỉ biết trông vào con như trước kia nữa.
Song cũng trong xã hội ngày nay, khi vị thế của người phụ nữ càng ngày càng được coi trọng xứng tầm ngang hàng với những người đàn ông thì nhiều người mải mê lo công việc hay sở thích riêng của bản thân mà dần đánh mất đi nhiều vẻ đẹp truyền thống vốn có của người phụ nữ. Không phải tất cả phụ nữ hiện nay đều biết nấu ăn, không phải tất cả phụ nữ hiện nay biết lo toan, chăm sóc cho gia đình. Đó là cuộc sống riêng của họ, không có gì đáng chê trách nhưng theo em, người phụ nữ vẫn được coi là “phái đẹp, “phái yếu” thì vẫn nên cần biết những việc làm cơ bản nhất trên cương vị một người vợ, người mẹ, người nữ chủ nhân của gia đình. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều gia đình mà cả vợ chồng đều quá bận rộn với công việc mà sao nhãng gia đình, sao nhãng đối phương và dẫn đến kết cục là ly hôn, là sự đổ vỡ hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Điều ấy mới thật đáng buồn làm sao.
Nếu không có phụ nữ, thế gian này sẽ chẳng thể hoàn hảo được như nó vốn có, vì vậy mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội là không một ai có thể phủ nhận và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng theo sự thay đổi của thời gian thì giờ đây, vị thế của người phụ nữ đã được đặt vào đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 3:
Có thể so sánh và ví von rằng trong vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm và thật kỳ vĩ. Nhưng ta như nhận thấy được huyền bí nhất có lẽ là phụ nữ. Dễ dàng có thể nhận thấy được rằng chính trong xã hội ngày nay, ta dường như cũng nhận thấy được chính vai trò và hình ảnh của người phụ nữ cũng như đã được tôn vinh hơn hẳn những thời kì lịch sử trước. Ta nhận thấy được cũng chính trong những thời kì nước ta đang đắm chìm trong đêm đen loạn lạc của chế độ phong kiến hà khắc. Theo quy luật phát triển ta như nhận thấy được sự khác biệt rõ rệt của người phụ nữ xưa và người phụ nữ nay.
Người phụ nữ được coi là phái đẹp và điều đó cũng đúng, vai trò của người phụ nữ như ngày càng có vị thế cũng như chỗ đứng vững chắc trong xã hội hiện đại. Thật không khó có thể nhận ra được rằng trong xã hội người phụ nữ luôn được coi trọng. Nhưng đó là thời nay, ta thử theo người dòng thời gian về xã hội cũ để có thể nhìn nhận thấy được người phụ nữ trong xã hội xưa như thế nào.
Thân phận của người phụ nữ xưa như thật nhỏ bé, họ luôn luôn bị chèn ép bởi các thế lực trong xã hội. Họ là những người phụ nữ đức hạnh, họ thông minh họ xinh đẹp nhưng lại bị xã hội đối xử bất công giống như tác giả Nguyễn Du có than lên:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Người phụ nữ trong xã hội cũ dường như họ không được hưởng bất cứ một thứ quyền lợi, không được hưởng một chút tự do. Ta như nhận thấy được rằng họ dường như cũng thật bất công đối với họ. Thế rồi lại có biết bao nhiêu những hủ tục phong kiến thối nát đã tạo nên khổ đau cho người phụ nữ. Thực sự thì chính số phận của họ không thoát khỏi nanh vuốt của xã hội vô lí đó. Nhưng thông qua đây ta như nhận thấy được rằng tất cả những vẻ đẹp từ hình thức đến tâm hồn của họ thì luôn luôn đáng ca ngợi, và cũng thật đáng trân trọng và nâng niu biết bao nhiêu.
Không thể phủ nhận được chính trong xã hội phong kiến xưa, quyền sống còn của con người mà nhất là quyền sống của người phụ nữ lúc này đây như là chỉ mảnh treo chuông, và cũng không có gì đảm bảo để tồn tại. Có lẽ rằng chính cuộc sống của họ cũng có thể được ví như "chim trong lồng, cá trong chậu" thật đáng buồn. Người phụ nữ họ dường như cũng không thể làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc sống của chính bản thân mình dẫu cho họ chỉ khát khao một điều giản đơn có được cuộc sống bình dị. Thế nhưng ngay cả cái mơ ước, niềm mong mỏi của những người phụ nữ xưa ta như thấy quá đỗi tầm thường, bình dị nhưng họ lại chẳng bao giờ có thể với tới được cái ước mơ và mong muốn đó.
Người phụ nữ ngay ở trong thời đại nào cũng vậy, nói đến người phụ nữ là nói đến sự cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó hơn nữa trong họ lại có được sự hy sinh và lòng thủy chung son sắt. Người phụ nữ hiện đại không chỉ biết nội trợ, chăm lo cuộc sống gia đình, thế rồi ngay cả khi đất nước hội nhập, thì những đức tính đó vẫn như luôn luôn sáng lòa.
Người phụ nữ là người nhóm ngọn lửa hạnh phúc tin yêu. Ta như nhận thấy được rằng ở họ thì những cống hiến cho gia đình không bao giờ vơi cạn. Người phụ nữ trong thời hiện đại họ rất năng động và hoạt bát không kém gì những đấng mày râu cả, thậm chí họ còn làm tốt hơn cánh đàn ông gấp nhiều lần. Người phụ nữ hiện đại luôn luôn biết làm mới mình họ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu như người ta cứ quan niệm người đàn ông luôn là trụ cột của gia đình nhưng cho đến nay quan niện đó như dần bị thay đổi. Ta như nhận thấy được người phụ nữ hiện đại cũng hoàn toàn có thể là trụ cột gia đình mà còn phải là bờ vai vững chắc, cánh tay khỏe để cùng chia sẻ việc nhà, những vui buồn cùng bà xã. Ta như có thể nhận thấy được đó cũng chính là cách để vợ có thời gian chăm sóc con cái nhiều hơn và cống hiến cho xã hội hiện đại ngày nay.
Dễ nhận thấy được chính trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Kết quả đạt được đó chính là việc đang ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động… Ta như nhận thấy được hiện nay trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu. Những tấm gương có thể kể ra đó chính là Chị Huỳnh Thị Như Lam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cũng đã có những bộc bạch chia sẻ rất ý nghĩa đó chính là “Làm việc ngành Du lịch, mình phải đi đây, đi đó. Tính chất công việc thường xuyên, liên tục. Chưa kể những đợt đi công tác dài ngày. Nhưng làm sao để hài hòa giữa công việc và gia đình thì đó là cả “nghệ thuật”. Thông qua đây người ta như nhận thấy được sự quyết tâm, nữ quyền của người phụ nữ như càng được nêu cao. Người phụ nữ hiện đại không chỉ dễ dàng thực hiện ước mơ về sự làm chủ cuộc đời như trước mà họ còn hoàn toàn có thể làm những việc lớn hơn cho bản thân, cho gia đình và cả Tổ quốc non sông nữa.
Người phụ nữ xưa và phụ nữ ngày nay tuy có khác về những địa vị xã hội. Thời xưa họ bị coi thường thì đến thời hiện đại công lao của họ như đã được nhìn nhận lại, người phụ nữ hiện đại như năng động hơn rất nhiều. Tuy nhiên ta vẫn nhận thấy được họ lại có những điểm chung đó chính là sự chịu thương chịu khó và giàu đức tính tốt đẹp cần có của một người phụ nữ.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay cực hay - Bài văn mẫu số 4:
Phụ nữ Việt Nam là một lực lượng cơ bản, là nhân tố phát triển của xã hội Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng xây vì sự vẹn toàn lãnh thổ, đấu tranh chống thiên tai, duy trì nòi giống Lạc Việt, đã kiến tạo nên những đức tính mang bản sắc truyền thống dân tộc ở người phụ nữ Việt Nam. Xuyên suốt tiến trình hình thành và phát triển, phụ nữ luôn có quyền cũng như góp phần nhất định vào mọi thay đổi của xã hội vì nền hoà bình, thống nhất và văn minh nhân loại. Các thành tựu mang tính cách mạng văn hoá, tập tục, phần lớn làm thay đổi cách nhìn nhận từ mọi tầng lớp xã hội đối với người phụ nữ, được khẳng định phẩm chất và năng lực trong các lĩnh vực hoạt động kể cả những lĩnh vực phi truyền thống nhất. Người phụ nữ có vị thế, chỗ đứng cùng phát triển công bằng và ổn định với các tầng lớp nam giới.
Chiếm 51% lực lượng lao động ở Việt Nam, phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ vẫn đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là: "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới". Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sỹ 33,95%, tiến sỹ 25,96%.
Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu, là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống. Có vai trò người yêu, người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong mọi tầng lớp người Việt. Đó là: Quốc Mẫu Âu Cơ, theo truyền thuyết, khoảng gần 5000 năm trước đã kết duyên cùng vua Lạc Long dòng dõi rồng, sinh được 100 người con trai; Trưng Vương (40-43), tuy triều đại chỉ tồn tại 3 năm song đã chứng tỏ tinh thần bất khuất của người phụ nữ trong thời kỳ đầu giữ nước; Triệu Thị Trinh (225-248) cùng anh Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa năm 248 chống quân Đông Ngô cai trị tàn ác; Thái Hậu Dương Vân Nga (942-1000) là người đàn bà quyền lực của 2 triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê, bà được biết đến với vai trò là vợ của 2 vua; nguyên phi Ỷ Lan (tên thật là Lê Thị Ỷ Lan) triều Lý, bà xuất thân từ gia đình nông dân nhưng sau trở thành Hoàng thái hậu; công chúa Huyền Trân (cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14) là con gái vua Trần Nhân Tông, bà được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) để đổi lấy hai châu Ô và Lý cho nước Đại Việt; công chúa An Tư (thời vua Trần Nhân Tông) là con gái út vua Trần Thánh Tông, bà bị gả cho Thoát Hoan nhằm trì hoãn sức giặc, nuôi chí lớn chờ thời cơ đánh giặc; công chúa Ngọc Hân (1770-1799) là con vua Lê Hiển Tông, bà có tài văn học nên được Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ phong làm Bắc cung Hoàng Hậu; công chúa Ngọc Vạn (thế kỷ 17) giữ những chức vụ quan trọng trong triều Chân Lạp, bà đã có công mở đường cho người Việt trong cuộc Nam tiến mở rộng giang sơn; Bùi Thị Xuân (?-1802) là tướng tài giỏi của nhà Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu... Phụ nữ là những nhà văn, nhà thơ có danh phận. Được nhiều đời truyền tụng như nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1746) người tỉnh Bắc Ninh, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ rất giỏi thơ văn; nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1780-1820) có tài thơ văn cả về chữ Nôm và chữ Hán; Bà Huyện Thanh Quan (Đầu thế kỷ 19) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, bà được mời làm Cung Trung giáo tập, dạy cung phi và công chúa trong cung; Thái Hậu Từ Dũ (1810-1902) người tỉnh Gia Định, hiệu Từ Dũ Bát Huệ Thái hoàng Thái hậu, là quí phi của vua Thiệu Trị, sinh ra vua Tự Đức nên trở thành Tháí Hậu; Tú Xương (cuối thế kỷ 19) người tỉnh Hải Dương, là hiền thê nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương... Ngoài ra, không ít bộ phận phụ nữ tuy chỉ là dân thường lam lũ với những số phận, tâm tư eo hẹp, nhưng cũng được trân trọng lưu dấu lại hình ảnh và ghi chép, kể cả vào những thời Nho giáo độc tôn nhất.
Hình ảnh phụ nữ thông qua văn thơ, ca dao, tục ngữ truyền tụng trong dân gian: "Thân cò lặn lội bờ ao - Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Phần nào minh chứng người phụ nữ xưa thường bị gạt ra lề cuộc sống thiết yếu nhưng chặt đầy tính gia phong cổ hủ. Bị dồn nén vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai). Sau khi lấy chồng, người con gái phải học hành nhiều thứ, nhưng học không phải để thi cử, tiến thân mà học để chuẩn bị cho cuộc sống bên nhà chồng. Còn có quan niệm, việc hôn nhân của người phụ nữ là do số phận sắp đặt sẵn cho mỗi người trong số họ, may mắn thì gặp được người chồng tử tế, giỏi giang, nếu lỡ lấy phải người chồng vũ phu hay nghèo khó thì cũng phải gắng chịu. Người phụ nữ làm dâu có trách nhiệm và biết quán xuyến mọi việc gia đình, đã sinh ra những ý chí và nghị lực can trường trong họ, những thực tế cuộc sống vẫn đẩy họ đến cảnh cam chịu, gần như suốt cả cuộc đời phải gánh chịu những hậu quả không ra gì về cả thể xác lẫn tinh thần. Với quan niệm "tài trai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng", những người phụ nữ là nạn nhân của chế độ đa thê (bất kể là vợ cả hay vợ lẽ) luôn chìm đắm trong những mối mâu thuẫn, bất hòa, khổ đau. Nhiều khi chỉ vì những chuyện rất vụn vặt. Cả khi người chồng chết, người phụ nữ cũng mất hết quyền thừa kế tài sản và phải phục tòng người con trai.
Phần lớn phụ nữ Việt Nam thời xưa không được coi trọng, không có được địa vị xứng đáng trong gia đình, xã hội, phải gánh chịu nhiều sự áp đặt, bất công, tư tưởng trọng nam khinh nữ (Nam trọng nữ khinh, nam ngoại nữ nội). Phụ nữ rất khó có cơ hội phát triển ngang tầm với sự phát triển của xã hội, họ chỉ là hình bóng sau lưng người chồng trong các gia đình, tuy nhiên vẫn được xem là tác nhân trong sự thành công của người chồng.
Tính đề cao đối với người phụ nữ Việt Nam từ xưa vẫn là tinh thần làm việc và đấu tranh có lịch sử hàng nghìn năm. Phụ nữ Việt Nam cống hiến rất nhiều và mọi mặt cho nền độc lập, thống nhất của đất nước, từ các cuộc chiến tranh đã sản sinh ra những nữ anh hùng dân tộc, để lại danh tiếng cho các đời sau họ như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Hoàng Ngân, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Lét, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định,Nguyễn Thị Bình, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thị Út (Út Tịch)... Sự mở đầu trang sử là cuộc chiến chống quân xâm lăng của Hai Bà Trưng, cùng lời thề xuất quân: "Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này". Vài thế kỷ sau, người thiếu nữ Triệu Thị Trinh đã tự khẳng định mình là một nhi nữ hào kiệt: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông..."
Các cuộc chiến tranh sau này xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu trong khó khăn gian khổ. Họ là những con người gan dạ không quản ngày đêm và bom đạn, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng cho chiến tranh. Tinh thần của họ là "Ruộng rẫy như chiến trường, cuốc cày như vũ khí", gồm có hàng vạn nữ nông dân và công nhân "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng" làm nên một hậu phương vững chắc, trên ruộng đồng, công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ...
Người phụ nữ bước ra từ các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, được nhân dân và nhà nước Việt Nam tôn vinh là những nữ anh hùng và những bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Ngày nay tuy chưa phải đã hết những định kiến, nghi ngại, thậm chí là kỳ thị, nhưng xét toàn diện, thì người quan sát trong và ngoài Việt Nam đều có sự thống nhất nhận xét về phụ nữ Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng đóng góp đã gìn giữ và phát huy được vai trò đối với thực tiễn phát triển xã hội trên mọi lĩnh vực thiết yếu.
Từ phải đảm đương vai trò "đối nội" trong khuôn khổ gia đình, phụ nữ ngày nay còn tài cán với các trọng trách "đối ngoại", là một sự nghiệp không còn chỉ giành cho nam giới. Họ phải khẳng định giá trị, khả năng bằng sự nghiệp và tính vươn lên của bản thân. Khát vọng với sự nghiệp không đơn giản chỉ như thoát khỏi vòng cương tỏa từ khuôn khổ gia đình. Hơn thế nữa họ khẳng định vị thế như là những người đứng đầu tập đoàn, công ty doanh nghiệp, thậm chí là những lãnh đạo trong các tổ chức của chính phủ.
Những thành tích của họ được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục. Không ít nữ học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia và quốc tế. Tầng lớp nữ trí thức có những công trình khoa học giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao: Số nữ Giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%; Phó giáo sư 5,9%; Tiến sỹ 12,6%; Tiến sỹ khoa học 5,1%; 19 nữ Anh hùng lao động, và nhiều Giải thưởng Kovalépscaia, NSND, NSƯT. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội tăng qua các thời kỳ bầu cử (khóa I (1946 - 1960) là 3%, đến khóa XII (2007 – 2012) tăng lên là 25,76%). Ngành Giáo dục và Đào tạo từng có nữ bộ trưởng, và đương nhiệm thứ trưởng, và nhiều phụ nữ làm cán bộ quản lý các cấp Vụ, Viện, Sở, Phòng, Ban, các trường và các đơn vị giáo dục: Có 11 nữ nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 1.011 nữ nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú...
Người phụ nữ Việt Nam tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau và có ảnh hưởng không nhỏ đối với giá trị và lợi ích của toàn xã hội. Được thể hiện thông qua các môi trường kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật...
Song, xét cho cùng thì cái gì cũng có hai mặt của nó, tuy có rất nhiều phụ nữ khẳng định được vị thế của mình trong xã hội thời nay nhưng không ít phụ nữ đòi quyền bình đẳng với nam giới bằng cách như bia bọt rượu chè, tình dục bừa bãi... và rất nhiều cái xấu khác nữa. Đó là một vấn đề mà chính phụ nữ Việt Nam chúng ta phải khắc phục, để cho xứng đáng là phụ nữ Việt Nam.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay cực hay - Bài văn mẫu số 5
Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước... không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền "năm thê bảy thiếp", được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng. Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng thương quá đỗi. Hai từ "thân em" cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:
"Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"
Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh "tấm lụa đào", hay "con cá rô thia" trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đấy nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tục, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:
"Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan"...
Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.
"Thân em như miếng cau khô
Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày"
Câu ca dao nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.
"Năm nay em đi làm dâu
Thân khác gì trâu mang theo ách
Năm nay em đi làm vợ
Thân mang cày, dây khiến không biết ai?
Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm."
Người con gái trong bài ca dao H'mông này đang than thân trách phận mình khi "xuất giá tòng phu''. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời "theo ách" như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:
"Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra"
Có khi họ bị chồng đánh đập:
"Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"
Có khi bị chồng phụ bạc:
"Nhớ xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi."
Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng... Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.
"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi''
Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai... thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: "Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi". Một sự mời mọc ngập ngừng.
Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 6
Hình ảnh người phụ nữ và thân phận long đong như thân cò mò mẫm xuất hiện rất nhiều trong thơ văn, đặc biệt trong ca dao dân ca Việt Nam thì hình ảnh này lại được tác giả dân gian lựa chọn đặc tả rất hay và những câu ca ấy luôn đi cùng năm tháng.
Đặc biệt người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa là những người phải chịu nhiều thiệt thòi, áp bức bóc lột của giai cấp cường quyền, thậm chí cuộc đời họ vướng vào nhiều chông gai, sóng gió. Người phụ nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng với tâm hồn và tình yêu trong sáng nhưng họ luôn bị các thế lực tàn bạo vùi dập một cách không thương tiếc. Sự bất công dưới chế độ phong kiến càng được hiện hữu rõ khi theo tư tưởng "trọng nam khinh nữ", họ chỉ coi phụ nữ như tầng lớp cuối của xã hội không có chỗ để họ vực dậy đấu tranh.
Người phụ nữ xưa không được làm chủ chính cuộc sống của mình, phải thuận theo những khuôn phép chật hẹp trói buộc cuộc đời họ trong những khung sắt giam giữ tâm hồn họ không có gì gọi là cho riêng mình. Đặc biệt khi xã hội phong kiến rất coi trọng "tam tòng, tứ đức" thì đã biến cuộc đời mỗi phụ nữ khi được sinh ra là phải luôn sống hy sinh cho người khác, sống vì người khác không phải cho mình. Chúng ta có thể thấy được trong thơ Hồ Xuân Hương hình ảnh người phụ nữ là chủ để chính cốt lõi luôn được bà nhắc đến và để dành một khoảng trống viết về từng cuộc đời thân phận của họ.
Lời thơ giống như lời bộc bạch cho chính thân phận tác giả và lời kêu vang muốn bảo vệ cho phụ nữ nói chung:
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son..."
Người phụ nữ xưa có nhan sắc, phẩm hạnh nhưng quả thực đúng như câu nói cho các bậc thi nhân nói về số phận của người phụ nữ "tài hoa bạc mệnh" dù họ đẹp nhưng vẫn phải chịu một cuộc đời trôi nổi đầy sóng gió. Như những chiếc bánh trôi "bảy nổi ba chìm với nước non", tác giả Hồ Xuân Hương rất tinh tế khi mượn hai từ "nổi", "chìm" để nói lên được rõ nhất số phận những người con gái tài hoa cứ chìm, nổi không biết dạt về chốn nào.
"Thân em như tấm lụa đào,
phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
Đây cũng là một câu ca dao đã nói lên được hết số phận trôi nổi, "phất phơ" giữa cuộc đời không chốn nương tựa. Người phụ nữ giống như "tấm lụa đào" tuy đẹp tuy thướt tha nhưng dường như không có giá trị cứ mặc ngang giữa đường đời không ai hay.
Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều những câu thơ hay về chủ đề quen thuộc này, những câu ca dao than thân, trách phận:
- "Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"
- "Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi"
Nỗi khổ của người phụ nữ không chỉ về vật chất "ngày ngày hai buổi trèo non", "ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương" mà nỗi khổ lớn nhất chính là những chịu đựng cay đắng về tinh thần, họ chỉ được ví với "hạy mưa sa", "chổi đầu hè"... Ta có thể cảm nhận được bao nỗi xót xa của người phụ nữ khi cất lên những lời ca ấy. Họ hiểu được thân phận mình cả đời họ chỉ lầm lũi giống thân cò thân vạc, cam chịu trong sự đau khổ, nhọc nhằn. Và dường như sự bất hạnh ấy của người phụ nữ trong xã hội xưa là một hằng số chung.
Đến khi đi lấy chồng, người phụ nữ còn chịu thêm trăm điều cay cực. Quan niệm "xuất giá tòng phu", "lấy chồng làm ma nhà chồng" đã khiến bao người phụ nữ xưa phải ngậm ngùi nuốt đắng cay, đặc biệt khi lấy chồng xa quê nỗi nhớ khôn nguôi khi đứng ngóng trông về quê mẹ:
- "Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò"
- "Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
- "Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần"
Trong xã hội xưa thì khi về làm dâu phải thuận theo nhà chồng, phải chịu những cảnh cực khổ, những khuôn phép ràng buộc, giữ ý tứ khiến người phụ nữ bị bó buộc.
Đã phải chịu nhiều cay đắng tủi cực, họ đều nhẫn nhịn cam chịu, nhưng những người phụ nữ đã vùng lên đứng dậy phản kháng bởi áp lực quá lớn lên đôi vai gầy để đến khi họ không thể chịu được. Đặc biệt số phận người phụ nữ càng trở nên bi kịch khi chịu cảnh chồng chung. Xã hội phong kiến cho phép "trai quân tử năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng" đây là điều bất công mà bao đời nay vẫn còn tiếp diễn. Những người chịu nhiều thua thiệt họ cần được cảm thông, chia sẻ:
- "Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công
Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn
Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn
Để tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con"
- "Thân em làm lẽ chẳng nề
Có như chính thất, ngồi lê giữa đường"
Mặc dù phải chịu những đau thương như vậy nhưng tâm hồn họ vẫn trong sáng, người phụ nữ vẫn luôn có khao khát được hưởng một hạnh phúc trọn vẹn, vẫn ước mơ có tình yêu đẹp:
"Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi"
Chỉ là những lời ca ngắn ngủi nhưng vô cùng cô đọng, đó là những lời than thân những lời thổ lộ hết nỗi lòng của người phụ nữ xưa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì vẻ đẹp của người phụ nữ cũng không bị vùi lấp. Hình ảnh đó vẫn luôn là chủ đề được các nhà văn, nhà thơ lựa chọn trong sáng tác của mình.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay cực hay - Bài văn mẫu số 7
Đến với nền văn học Việt Nam, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một kho tàng đồ sộ, phong phú trong đó có nhiều thể loại, nhiều nội dung khác nhau. Những tác phẩm viết về người phụ nữ trong xã hội cũ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu đậm. Với cách thể hiện giản dị mà tinh tế, những tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại đem lại cho chúng ta biết bao suy nghĩ cùng sự đồng cảm với số phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Cuộc sống của họ luôn chịu những thiệt thòi, nhiều mất mát và hi sinh. Bởi họ sống trong một chế độ phong kiến bất công với bao thành kiến lạc hậu.
Chúng ta đã từng rất tự hào với kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du là “Truyện Kiều”. Trong đó, tác giả đã khắc họa tài sắc tuyệt đỉnh của Thúy Kiều, một người con gái với đầy đủ mọi tài năng: cầm, kì, thi, họa; một sắc đẹp sánh tựa vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên (hoa ghen, liễu hờn). Với việc miêu tả như thế, nhà thơ đã cảnh báo trước số phận của Thúy Kiều. Một tương lai đầy bất trắc, một cuộc sống đầy sóng gió sẽ đến với Kiều. Đúng vậy, cuộc đời Kiều luôn phải đối mặt với bao biến cố ghê gớm, chịu đựng bao sự vùi dập của các thế lực phong kiến tàn bạo, tiêu biểu là thế lực quan lại và đồng tiền. Kiều phải hi sinh tình yêu đẹp đẽ, sâu đậm của mình để bán mình chuộc cha, đặt chữ hiếu lên hàng đầu… Từ đó, cuộc đời nàng bước vào kiếp đoạn trường với 15 năm chìm nổi lênh đênh. Nhưng từ trong chính sự vùi dập tàn bạo của các thế lực phong kiến đó, Kiều không bao giờ buông xuôi phó mặc mà luôn ý thức sâu sắc giá trị nhân phẩm của mình, điều đó tạo nên vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật, sống mãi cùng thời gian.
Từ cô Kiều trong kiệt tác của Nguyễn Du, ta lại gặp thêm bao nhiêu thân phận bất hạnh trong chùm ca dao than thân:
“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”
Câu ca dao mở đầu bằng mô thức “thân em” toát lên âm điệu ngậm ngùi trong tiếng than của người phụ nữ. Cách mở đầu ấy khiến lời than thêm xót xa. Nghệ thuật so sánh với những hình ảnh thật gần gũi mà gợi cảm, câu ca dao gợi lên hình ảnh người phụ nữ với sự ý thức rất rõ về vẻ đẹp của mình. Đó là vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của tuổi xuân và giá trị cao quí của mình, bởi lụa đào đâu phải thứ tầm thường! Nhưng nghệ thuật ẩn dụ ở đây lại gợi lên nỗi khổ đau thân phận cùa người phụ nữ. Bởi với cảnh ngộ phất phơ giữa chợ, người phụ nữ đã trở thành món hàng mua bán, họ sẽ bị phụ thuộc, cuộc sống bấp bênh không có gì đảm bảo, số phận không biết sẽ vào tay ai.
Trong xã hội ấy, người phụ nữ không thể quyết định được vận mệnh của mình như cô gái trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu. Số phận của cô như một món hàng ngoài đường mặc cho người đời lựa chọn và trả giá. Cô không thể quyết định được tình yêu của mình, sự cố gắng chống lại chỉ là vô vọng.
Người phụ nữ xưa trong văn chương không chỉ đẹp ngoại hình mà còn mang vẻ đẹp của nội tâm. Đó là vẻ đẹp của đức hạnh, lòng chung thủy sắt son như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đức hạnh là thế nhưng cuối cùng vẫn bị chồng mình nghi ngờ, Vũ Nương phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch của mình một cách đau đớn!
Một vẻ đẹp khác trong tâm hồn của người phụ nữ là tình cảm yêu thương. Ta lại gặp nỗi niềm nhớ thương người yêu của cô gái trong ca dao:
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Một nỗi nhớ được chuyển tải qua những câu hỏi liên tiếp của nhân vật trữ tình, không có câu trả lời, vì thế càng day dứt. Với nghệ thuật đảo thanh (thanh trắc, thanh bằng đan xen), câu ca dao diễn tả tâm trạng ngổn ngang, rối bời, da diết, khắc khoải thật mãnh liệt và nỗi nhớ ấy dẫn đến cảnh khóc thầm…
Mặc dù cam chịu là nét cơ bản trong phẩm chất của người phụ nữ thời phong kiến, nhưng vẫn có người vùng lên đấu tranh vì lẽ phải, vì cuộc sống của họ. Những lần hồi sinh của Tấm sau những lần sát hại của mẹ con Cám chính là sự trỗi dậy của khát vọng sống mãnh liệt. Sự hóa thân ấy chứng minh cho sức sống bền vững mạnh mẽ của con người trong xã hội còn áp bức bất công.
Rõ ràng, người phụ nữ trong xã hội xưa đều có chung một số phận, đều mang tên chung là bất hạnh. Dù họ có sắc đẹp, có tâm hồn cao thượng nhưng vẫn bị phong tục cổ hủ, lễ nghi khắc nghiệt ràng buộc. Họ có thể vùng dậy mạnh mẽ, nhưng họ vẫn không thể để chiến thắng được các thế lực đen tối, tàn bạo của xã hội phong kiến bất công.
Đọc những áng thơ văn xưa, chúng ta cảm thông, xót thương biết bao cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, người đọc càng trân trọng hơn vẻ đẹp sáng ngời của họ trong xã hội khắc nghiệt ấy. Điều đó cũng nhắc nhở thế hệ trẻ hiểu hơn giá trị của cuộc sống ngày nay với bao điều tốt đẹp. Ở đó người phụ nữ được trân trọng, yêu quý và được sống với hạnh phúc của mình đã tìm kiếm và vun đắp.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 8
Vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm, huyền bí nhất có lẽ là phụ nữ. Trong xã hội ngày nay, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ được tôn vinh hơn hẳn những thời kì lịch sử trước, những thời kì nước ta đang đắm chìm trong đêm đen loạn lạc của chế độ phong kiến. Thương thay, số phận của người phụ nữ phong kiến thật chua xót bất hạnh. Bằng sự đồng cảm và cảm thông ấy các nhà thơ nhà văn cùng thời đã tạc vào lịch sử văn học Việt Nam hình ảnh người phụ nữ phong kiến, đại diện cho cái đẹp hoàn mĩ. Đó là hai tác phẩm tiêu biểu Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mặc dù hai nàng Kiều, Vũ Nương tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời hai nàng lại chất chứa những trang buồn đầy nước mắt, bi kịch.
"Chuyện người con gái Nam Xương" xoay quanh về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương - người con gái nhan sắc, đức hạnh. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú nhưng ít học, có tính đa nghi và hay ghen. Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì Trương Sinh phải đầu quân đi lính. Chàng đi đầy tuần, Vũ Nương sinh con trai, hết lòng nuôi dạy con, chăm sóc, lo ma chay cho mẹ già chu đáo và thủy chung đợi chồng. Đêm đêm, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con đó là cha của bé. Giặc tan, Trương Sinh trở về, tin lời con nhỏ, nghi ngờ vợ thất tiết, nhục mạ, đánh đuổi nàng đi. Phẫn uất, Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Sau một thời gian, chàng Trương Sinh mới biết được nỗi oan của vợ và lập đàng giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện về giữa bến Hoàng Giang lúc ẩn, lúc hiện rồi biến mất.
Truyện Kiều nói về nàng Kiều là người con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống cùng cha mẹ và hai em, là người tài sắc vẹn toàn. Trong buổi du xuân Kiều gặp Kim Trọng, hai người nảy sinh tình cảm, hai người tự do đính ước với nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú. Gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt đẩy vào lầu xanh. Nàng được Thúc Sinh cứu vớt nhưng lại bị vợ cả là Hoạn Thư ghen tuông đầy đọa. Kiều đến nương nhờ cửa phật, sư Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà vô tình đẩy nàng vào lầu xanh lần hai. Ở đây Kiều gặp Từ Hải, Từ Hải lấy Kiều giúp Kiều báo ân báo oán. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến hãm hại, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều đau đớn tủi nhục, Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu lần hai Kiều nương nhờ cửa phật. Sau khi chịu tang chú xong chàng Kim trở lại tìm Kiều thì mới biết gia đình Kiều bị tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân nhưng chẳng nguôi được mối tình say đắm, chàng đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên, Kim Kiều gặp nhau gia đình đoàn tụ.
Nguyễn Du có viết:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Đó là những lời xót xa của Nguyễn Du khi viết về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội mà ông đang sống. Dường như ông thấu hiểu sự đau khổ và bất lực của những người phụ nữ trong xã thời phong kiến, cái xã hội thối nát, đầy rẫy những sự bất công và trọng nam khinh nữ. Tất cả những người phụ nữ ở thời đại đó đều thùy mị, đảm đang nhưng chỉ vì những thế lực phong kiến, những cách nghĩ ngu muội mà cuộc đời họ đã chịu nhiều khổ cực. Mỗi người họ đều có một cuộc đời riêng, một nỗi đau khổ riêng, nhưng họ đều có đặc điểm chung là "bạc mệnh". Ta có thể thấy điều đó qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du
Người phụ nữ trong thời phong kiến xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ xinh đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Đều là đẹp nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt. Ở Vũ Nương, nàng "thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Khi lấy Trương Sinh, biết chàng có tính hay ghen nên nàng "cũng giữ gìn khuôn phép, chưa từng lúc nào để vợ chồng xảy ra thất hòa". Nàng luôn một lòng, một dạ quý chồng thương con nên khi chàng Trương đi lính, nàng "không mong được đeo ấn phong hầu, chỉ cần ngày về được mang theo hai chữ bình yên". Có thể thấy, nàng là người con gái hiền lành, chất phác, cưới chàng Trương, nàng không hề mong danh lợi hay vinh hoa, phú quý mà chỉ vì một mong ước rất bình thường mà người phụ nữ nào cũng muốn "thú vui nghi gia, nghi thất". Khi chàng Trương đi lính, Vũ Nương một mình nuôi con, hết lòng chăm lo cho mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Lúc mẹ chồng bị bệnh, nàng đã hết mực chăm sóc, rồi khi bà mất, nàng làm ma chay, tế lễ chu đáo, nuôi con khôn lớn chờ đợi ngày Trương Sinh trở về. Đó là những nét đẹp về ngoại hình và cả trong tâm hồn của người phụ nữ xưa. Và đặc biệt phải kể đến cả Thúy kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn. Khi cha bị nghi oan, không có tiền để cứu cha, nàng đã bán mình chuộc cha dù đã có lời thề non hẹn biển với Kim Trọng. Từ đó, nàng đã không biết bao nhiêu lần rơi vào tay của những tên bán người như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh...lừa gạt. Ở nơi đất khách quê người, bị đẩy vào những chốn lầu xanh, nàng vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, cho cha mẹ mình hơn cả bản thân. Nàng nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến những ngày tháng cùng chàng nguyện ước. Nàng lo không biết ai sẽ chăm lo cho cha mẹ, ai sẽ quạt cho cha mẹ mỗi khi hạ đến, ai sẽ ủ chăn cho cha mẹ mỗi khi sang thu. Một tâm hồn thủy chung và cao thượng. Họ, những người phụ nữ phong kiến đều là những con người đẹp người đẹp nết. Họ một lòng chung thủy, hiếu thảo với cha mẹ, luôn hết lòng chăm sóc gia đình thật tốt và chu đáo.
Những người phụ nữ đẹp là thế, tâm hồn thanh cao là vậy, nhưng đáng tiếc thay họ lại sống trong một xã hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục rỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chèn ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ, hồng nhan thì bạc phận. Với Vũ Nương, sau khi chồng về, tưởng rằng gia đình sẽ sum vầy trong hạnh phúc nhưng không ngờ số phận bạc bẽo đã xảy ra với nàng. Trương Sinh đi lính trở về và đứa con của chàng lúc đó đã biết nói. Tin lời của một đứa trẻ ngây ngô mà Trương Sinh đã đem lòng nghi oan cho Vũ Nương. Chàng bảo thủ, khăng khăng, nhiếc mắng và đánh đuổi Vũ Nương một cách thậm tệ. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của dân làng, không thèm nghe những lời giải thích của Vũ Nương, Trương Sinh với cái tính ích kỉ, sự ghen tuông quá đỗi đã đẩy Vũ Nương đến ngõ cụt. Nàng phải lấy cái chết để giữ trong trắng cho bản thân mình. Nhưng cái chết đó không hề làm lương tâm Trương Sinh day dứt. Thật quá bất công. Cái chết của nàng không chỉ tố cáo tính cách của chàng Trương, mà còn tố cáo cả xã hội phong kiến thời bấy giờ. Với chế độ nam quyền thối nát, độc đoán, nó đã làm cho phụ nữ lúc bấy giờ phải chịu rất nhiều những oan trái, tủi nhục không đáng có. Chỉ vì cái xã hội trọng nam khinh nữ, cái xã hội người phụ nữ luôn ở mức thấp hèn mà nàng đã phải ôm nỗi đau không được giải oan mà tự vẫn.
Không những Vũ Nương mà còn có rất nhiều người phụ nữ phải chịu những đau đớn đó. "Phận đàn bà" trong xã hội ấy là "đau đớn", là "bạc mệnh", là tủi nhục không kể xiết. Như là Vương Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" - tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Số phận của nàng còn lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều. Lần này, dưới chế độ đồng tiền hôi tanh đen bạc. Nó đã tạo ra 15 năm đau đớn phiêu bạt của nàng Kiều xinh đẹp. Chỉ vì tiền mà bọn sai nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa của gia đình Kiều. Để có tiền cứu cha và em trai của mình, nàng đã quyết định bán thân cho Mã Giám Sinh – một tên gian ác buôn thịt bán người. Và Kiều bỗng trở thành một món hàng để cho hắn cân đong, đo đếm, cò kè, ngã giá... Và từ tay Mã Giám Sinh đểu cáng thì Kiều đã rơi vào tay Tú Bà, mụ chủ nổi tiếng của thanh lâu. Là một người con gái xinh đẹp, tài năng, và đã sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, lương thiện gia giáo, dòng dõi cao quý, nên Thúy Kiều không thể chấp nhận trở thành gái lầu xanh. Nàng cay đắng chịu đựng những trận đòn tàn khốc của Tú Bà, nàng đã đi tìm cái chết nhưng không được vì bị Tú Bà bắt gặp. Tú Bà đã bày kế muốn thuê Sở Khanh lừa nàng, buộc nàng trở thành một cô gái lầu xanh thực thụ. Thế là nàng đau đớn, cay đắng cam chịu số phận dấn thân vào cuộc sống ô nhục. Đau đớn thay! Từ một cô gái trong trắng, đức hạnh, nàng đã trở thành một món đồ chơi thú vị cho bọn khách chơi. Số phận trái ngang của Kiều không chỉ dừng lại ở đây mà số phận của nàng còn lênh đênh, bèo dạt, mây trôi và lưu lạc 15 năm trời, đã chịu bao nhiêu tai họa giáng xuống đầu.
Vũ Nương và Thúy Kiều thật đáng thương! Họ dường như đại diện cho tầng lớp phụ nữ ngày xưa. Họ không được hưởng bất cứ một thứ quyền lợi, không được hưởng một chút tự do. Thật bất công! Những hủ tục phong kiến thối nát đã tạo nên khổ đau cho người phụ nữ. Số phận của họ không thoát khỏi nanh vuốt của xã hội vô lí đó. Nhưng tất cả những vẻ đẹp từ hình thức đến tâm hồn của họ thì luôn luôn đáng ca ngợi, đáng trân trọng và nâng niu.
Trong xã hội phong kiến xưa, quyền sống còn của con người mà nhất là quyền sống của người phụ nữ như là chỉ mảnh treo chuông, không có gì đảm bảo để tồn tại. Cuộc sống của họ cũng có thể được ví như "chim trong lồng, cá trong chậu". Họ không thể làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc sống của chính bản thân mình dẫu cho họ chỉ khát khao một điều giản đơn ấy thôi. Tại sao lại như thế? Khi cái mơ ước, niềm mong mỏi của những người phụ nữ quá đỗi tầm thường, bình dị: "làm chủ được cuộc sống, có một gia đình hạnh phúc" nhưng chẳng thể nào thực hiện được. Vâng, xin thưa rằng đó chình là tạo hóa trớ trêu mà thôi, thích đùa giỡn với số phận mong manh của người phụ nữ.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 9
Những người phụ nữa và nay luôn những người phụ nữ có tài có sắc (thân em vừa trắng lại vừa tròn, bảy nổi ba chìm với nước non), có phẩm chất cao đẹp như bà Tú tông Thương vợ của Tú Xương (Quanh năm buôn bán ở mom sông _ Nuôi đủ năm con với một chồng).
Tuy vậy nhưng thân phận của những người phụ nữ này lại vô cùng nhỏ bé, cuộc đời của họ long đong lận đận. Họ phải sống trong một chế độ xã hội phong kiến lạc hậu, trọng nam khinh nữ, người phụ nứ không có chỗ đứng và địa vị trong xã hội vì vậy mà những người phụ nữ có tài nhưHXH thường không được coi trong đồng thời việc làm của một người vợ thường ít được người chồng cảm thông dù cho quanh năm lam lũ vất vả nuôi chồng nuôi con chăm sóc cho gia đình luôn được yên ấm dù mình có phải chịu thiệt thòi
Từ đó ta cũng thấy được bản lĩnh của người phụ nữ xưa. Đối với HXH thì đó chính là bà đã dám thách thức tất cả mọi thứ, cả trời đất, cả thiên nhiên và cả với chính duyên phận của mình cũng như bà dám thể hiện quan điểm của mình thông qua những vần thơ đầy tính nghệ thuật này...Trong khi đó, Bà Tú lại lài một người mẹ hiền, một người vợ đảm. Vì chồng vì con, bà sẵn sàng làm thay cả việc nặng nhọc mà đáng ra người đàn ông phải là người gánh vác, bà phải làm việc trong hoàn cảnh đầy khó khăn, cực khổ, phải làm dưới một điều kiện bấp bênh (mom sông) cà phải " eo xèo mặt nước " buổi đò đông. Bà như con cò trong ca dao, lam lũ vất vả bươn trải để nuôi chồng nuôi con...
Phụ Nữ Nay:
Có người cho rằng với phái nữ thời nay, khái niệm cổ lỗ phong kiến này không xài được nữa. Nhưng cũng có người khi nói đến sự hoàn thiện của "một nửa nhân loại" vẫn nhắc đến "công thức" Tứ đức này.
Suy cho cùng, bốn đức tính xa xưa đó từ thời cụ Khổng vẫn thích hợp nếu hiểu theo nghĩa rộng trong thời đổi mới này.
Trước kia, người phụ nữ được tiếng là nề nếp phải chăm lo cho tốt công việc tề gia nội trợ, tức là xếp đặt việc nhà cho ngăn nắp, chỉn chu, coi sóc điều hành mọi việc trong nhà sao cho êm đẹp, cơm lành canh ngọt cho chồng cho con. Từ chuyện tay hòm chìa khoá quản lý chi tiêu, sắm sửa vật dụng, rồi lo giỗ chạp quanh năm đến việc may vá thêu thùa...
Cái nết đánh chết cái đẹp
Có lẽ tất cả chúng ta đều đã hiểu cái nghĩa nôm na, thông thường nhất của bốn chữ này. Nhưng chúng ta không nên (mà chắc là cũng không thể) quá khắt khe xét về từng mặt. Cũng như không nên cho rằng tứ đức này quá khắc khổ, quá lý tưởng đến nỗi chỉ có một số rất ít những người cực hoàn hảo mới có được, mà nên hiểu nó một cách đơn giản, dung dị hơn.
Xưa kia, tôi chứng kiến cha tôi dạy chữ Công cho chị tôi với suy nghĩ hạn chế là chị sẽ trở thành "bà nội tướng" chỉ vùng vẫy, tung hoành trong nhà mà thôi. Cha đã mất, giá như thời nay, chắc cụ sẽ nghĩ khác đi nhiều. Người phụ nữ ngày nay đâu còn quanh quẩn trong nhà nữa. Họ gánh vác công việc xã hội chẳng kém gì đàn ông, có những mặt còn vượt hơn đàn ông.
Công phải hiểu rộng hơn với những nhà giáo, thầy thuốc, nhà văn, nhà báo, những nữ doanh nghiệp và những nhà lãnh đạo... Công cũng phải tính đến công việc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nữ ngày đêm thầm lặng, miệt mài với những sáng chế, phát minh.
Đáng kính nể là ngoài công việc quản lý xã hội, họ vẫn đảm đương vai trò của họ trong gia đình, thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ của người phụ nữ. Điều này thật không dễ, vì thời gian 24h/ngày của phụ nữ cũng chỉ dài đúng bằng 24 tiếng của nam giới.
Và nếu công việc buộc họ phải đi đây đi đó nhiều mà vẫn thu xếp lo toan được việc nhà, nuôi dạy được con cái, thì họ quả là đã nâng một trong Tứ đức của phụ nữ lên một tầng cao mới.
Khi tôi lẩm cẩm đem câu chuyện Tứ đức thời nay ra hỏi bọn trẻ, những cô cậu thanh niên vừa mới bước vào "đầu 2" của tuổi tác, thì tôi thật ngạc nhiên vì chúng đã không cười cợt hay khó chịu, lại cũng tham gia bàn luận mỗi người một ý. Một cô cháu gái tư lự: "Vì người xưa có nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nên phải chăng Hạnh vẫn là tiêu chuẩn khó đạt nhất?"
Và có lẽ khi nói đến chữ Hạnh này thì nhận thức giữa những người trẻ tuổi với các bậc cao niên vẫn có những sự khác biệt nhất định.
Ví dụ như trong quan niệm về quan hệ yêu đương của thanh niên. Có những bậc cha chú đã hơi quá cực đoan khi cho rằng đa số bọn trẻ bây giờ yêu đương thực dụng, yêu đương tốc độ, hay con gái bây giờ "hư" hơn ngày xưa, quá dễ dãi trong tình yêu...
Điều này đúng với một số trường hợp, nhưng không phải đa số, vì rất nhiều người trẻ tuổi biết rõ giá trị của mình, biết tự bảo vệ mình, bảo vệ tình yêu thực sự mà không đến mức phải khép mình lại "nam nữ thụ thụ bất thân"...
Với những đức tính vốn có, hiền hoà nhân ái, đúng đắn chân thực, người phụ nữ hiện đại còn phải bền bỉ bồi đắp kiến thức, mở mang trí tuệ, phát huy tính nhạy cảm của nữ giới để xông vào trường đời với sự dũng cảm và quyết đoán không kém gì đàn ông. Quanh ta đã có bao nhiêu tấm gương phụ nữ thành đạt với những đức tính mới mẻ mang tính thời đại mà xưa kia các cụ ta đã không hề tính đến.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay hay nhất - Bài văn mẫu số 10
Thân phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến là một đề tài được rất nhiều nhà thơ, nhà văn lựa chọn làm đề tài sáng tác của mình. Qua các tác phẩm ấy, trước mắt chúng ta hiện lên hình ảnh những con người với vẻ ngoài xinh đẹp, cũng như nhân cách cao đẹp, thế nhưng số phận lại bị phụ thuộc vào rất nhiều người khác. Sự bó buộc của xã hội phong kiến, sự tàn ác của những thế lực đen tối đã khiến cho cuộc đời của họ đầy những chông gai, sóng gió. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ở họ vẫn luôn ánh lên một vẻ đẹp của nhân cách, của tình yêu thương, của niềm lạc quan, niềm tin vào cuộc sống.
Người phụ nữ thuở xưa, thường không được tự làm chủ cuộc sống của mình. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” khiến cho họ từ khi sinh ra cho đến khi từ rã cuộc sống, luôn phải sống, phải lo lắng, hi sinh cho rất nhiều người khác. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ tiêu biểu, và dĩ nhiên, những lời thơ của bà cũng là những lời bộc bạch, những lời lên tiếng bảo vệ cho người phụ nữ Việt Nam thuở xưa:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son…”
Họ là những người đẹp về cả ngoại hình và tâm hồn. Đầu tiên, đó là những người con gái trong trắng, xinh đẹp. Thế nhưng, họ cũng giống như hình ảnh của viên bánh trôi nước. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào quá nhiều điều, quá nhiều người. Họ không có quyền tự quyết định cuộc sống của mình. Chỉ có một thứ họ có thể tự quyết định, đó là, dù cho khó khăn đến đâu, vất vả đến đâu, họ vẫn quyết tâm giữ tấm lòng son sắt, thủy chung của mình. Chính Hồ Xuân Hương cũng phải tức giận mà thốt lên rằng:
“Giá đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”
Họ là phái yếu, nhưng họ cũng có khả năng làm được những điều mà nam giới làm. Thế nhưng xã hội không cho phép. Có mấy ai dám ngông ngênh nói như Hồ Xuân Hương. Không nói đến văn hay, nhiều người còn quan niệm con gái không cần đi học, không cần biết chữ. Vậy thì họ làm sao có thể làm chủ được số mệnh của mình?
Tuy vậy, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng họ vẫn là những người phụ nữ thương chồng, thương con, biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống gia đình. Họ vất vả, tảo tần những không một lời oán thán. Tú Xương – một nhà thơ rất bất mãn với tình cảnh đất nước lúc bấy giờ, cũng như với những gò bó của xã hội phong kiến, đã lên tiếng “bênh vợ”, cũng như bênh cho cả một xã hội phụ nữ không được lên tiếng, không được bảo vệ:
“ Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Xã hội phong kiến bất công, xã hội mà con người trở thành nô lệ của đồng tiền, khiến cho người phụ nữ phải vất vả, tần tảo đi chợ sớm hôm nuôi chồng, nuôi con. Thế nhưng họ coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng. Ta bỗng nhớ đến hình ảnh mẹ cò trong câu ca dao của ông cha ta thuở trước:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Họ là những người giàu đức hi sinh. Dù có gian khổ đến mấy nhưng họ không một lời oán trách.
Thế nhưng, có mấy người thương vợ được như Tú Xương. Thuở xưa, chế độ đa thê vô cùng phổ biến. Một người phụ nữ có thể phải chịu làm lẽ cho một gia đình giàu có nào đó. Họ phải chịu sự ghen ghét của người vợ cả và những người vợ lẽ khác. Cuộc sống chung chồng ấy, thật vô cùng cực khổ. Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên rằng: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Nhưng bà cũng không tránh khỏi guồng quay của số phận, cũng phải đi làm vợ lẽ người ta, chỉ có thể hưởng một hạnh phúc không trọn vẹn. Sự ngang tàng, bướng bỉnh, vùng lên của bà, cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc.
Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết:
“Thương thay thân phận đàn bà
Dù rằng bạc mệnh vẫn là lời chung”
Đó là những đau khổ mà người phụ nữ trong thời đại phong kiến. Họ đẹp, đẹp cả về ngoại hình và nhân cách. Thế nhưng cuộc sống của họ không do họ làm chủ, phải sống kiếp sống lênh đênh, trôi dạt, không định trước được tương lai của mình. Tuy nhiên, họ vẫn vượt lên nhưng đau đớn, tủi nhục ấy, để kiếm tìm hạnh phúc cho mình.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay cực hay - Bài văn mẫu số 11
Văn hóa gia đình Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của Nho giáo. Quan hệ vợ chồng trong quan niệm của người Việt cũng mang đậm những nét ảnh hưởng đó như một điều tất yếu. Mặc dù vậy, đạo vợ chồng trong gia đình truyền thống người Việt vẫn mang những nét riêng.
Người phụ nữ Việt Nam có phần tự tin/và tự nhiên hơn so với người phụ nữ trong những đại gia, cự thất, trong những dòng họ lớn danh gia vọng tộc khá phổ biến ở Trung Quốc - quốc gia láng giềng cũng có nền tảng Nho giáo. Ngoài việc bảo đảm thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ gánh nặng công việc với chồng. Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa là cảnh rất thường gặp ở mọi làng quê Việt Nam. Thậm chí “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Họ nội, họ ngoại cũng gần gũi chứ không xa cách: Có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng mang cho.
Không chỉ chia sẻ cùng chồng những việc nhà, người phụ nữ Việt Nam còn sẵn sàng cùng chồng gánh vác cả những việc làng, thậm chí tự mình đứng lên đảm đương việc nước. Lịch sử Việt Nam đã ghi lại nhiều tấm gương phụ nữ như thế: Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu... Nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là vợ chồng Út Tịch. Đó là một nét đẹp trong đạo vợ chồng của người Việt Nam đã kéo dài từ xa xưa đến thời hiện đại.
Không chỉ nổi trội lên một vài cá nhân mà chiếm số đông hơn và ở phạm vi rộng hơn, những người vợ, những nàng dâu hiền thảo, những tấm gương tiết phụ, khá đông đảo nhưng vô danh, là đối tượng được xã hội ca ngợi, được dựng thành nhân vật trong những tác phẩm văn học và những chuyện kể dân gian. Hình tượng người phụ nữ bồng con chờ chồng, hóa đá rồi vẫn chờ, có thể gặp ở nhiều miền, từ bắc vào nam. Đề cao, tôn vinh những người phụ nữ đức hạnh đến mức nhìn hình thể tự nhiên của thiên nhiên mà gắn vào đó hình ảnh của người phụ nữ cùng những huyền thoại của họ ở mức nhiều như vậy cũng là điều ít gặp ở các dân tộc khác.
Mặc dù Nho giáo cho phép Trai năm thê bảy thiếp/Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng nhưng bên cạnh việc ca ngợi những tấm gương chung thủy, tiết hạnh của người phụ nữ, người Việt còn ca ngợi những người chồng có nghĩa, yêu vợ, - người vợ mang nặng nghĩa tao khang từ thủa còn phải chịu nghèo khổ cay đắng - dù có được gợi ý (đôi khi là ép buộc) một cuộc hôn nhân với con gái một gia đình giàu có và nhiều quyền lực. Đề tài tiết - nghĩa thường gặp trong các truyện nôm (Tống Trân - Cúc Hoa; Phạm Công - Cúc Hoa; Hoa tiên v.v).
Gia đình được coi là nền tảng của xã hội: Nước là gốc của thiên hạ, nhà là gốc của nước (Thiên hạ chi bản tại quốc / Quốc chi bản tại gia) Sự ổn định bền vững của gia đình được coi là cơ sở của sự ổn định bền vững của xã hội. Người phương Đông dồn tâm trí và sức lực để xây dựng, phát triển gia đình (đông con nhiều cháu, giàu có, danh tiếng ...), coi những thành quả đó là niềm tự hào và hạnh phúc của mình.
Trong ý niệm của những đôi vợ chồng Việt Nam xưa, sự hưởng thụ cá nhân không phải là hạnh phúc. Thời gian son rỗi của đôi vợ chồng trẻ cũng không có ý nghĩa gì. Trong quan niệm truyền thống của người Việt về quan hệ vợ chồng không hề có khái niệm Tuần trăng mật sau khi cưới. Người phụ nữ bao giờ cũng nhận phần hy sinh, chịu đựng để chu toàn hạnh phúc gia đình. Họ có truyền thống hy sinh hạnh phúc cá nhân - hy sinh sự hưởng thụ, hy sinh tuổi trẻ, thậm chí hy sinh cả bản thân cho hạnh phúc gia đình, cho chồng / và cả gia đình nhà chồng, cho con, cho cháu... Nhiều phụ nữ không những phải đẻ con, nuôi con mà còn phải nuôi cả chồng ăn học, hy vọng đến ngày chồng đỗ đạt, vinh hiển, mặc dù điều này cũng không có gì chắc chắn lắm. Nhiều khi họ phải thốt lên: ”Khuyên ai chớ lấy học trò/Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Nhưng họ vẫn cặm cụi hy sinh, chỉ mong người chồng đánh giá đúng được điều đó, mong rằng Gái có công chồng chẳng phụ...
Ở một đất nước sống dựa vào nền sản xuất nông nghiệp nhưng lắm thiên tai, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam bị nhân lên bội phần. Tần tảo, cần cù, kiên cường, chịu đựng, thủy chung ... là những gì luôn được nhắc đến khi nói về những phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ Việt Nam.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đưa lịch sử dân tộc sang trang mới từ mùa thu năm 1945. Quyền bình đẳng của phụ nữ (cùng với nhiều quyền khác) đã được khẳng định trên thực tế. Phụ nữ Việt Nam đã vươn lên khẳng định vị thế của mình, ngày càng tham gia tích cực và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ cũng không quên lo chu toàn công việc gia đình, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang".
Cùng đất nước đổi mới và phát triển, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định vị trí vai trò của mình trong đời sống xã hội. Bên cạnh người phụ nữ gia đình là người phụ nữ xã hội không thể tách rời. Tuy vậy, chưa thể nói phụ nữ Việt Nam đã đạt đến sự bình đẳng hoàn toàn. Nhiều “thói quen” của xã hội cũ (trọng nam khinh nữ, gia trưởng, bạo hành gia đình...) vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều “đấng trượng phu” hiện đại. Phụ nữ Việt Nam vẫn còn cần tiến hành tiếp cuộc cách mạng bình đẳng giới của mình và cho mình.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 12
Từ thuở xa xưa người phụ nữ luôn được nhắc đến bởi vẻ đẹp dịu dàng nết na. Người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu vị tha với thiên chức làm mẹ làm vợ là tình thương sưởi ấm gia đình sưởi ấm tâm hồn mỗi chúng ta. Đất nước Việt Nam tôi cũng tự hào vì là một đất nước tươi đẹp với những con người nhân hậu, chất phác mà tiêu biểu là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Xã hội xưa người phụ nữ phong kiến toát lên vẻ đẹp đảm đang trung hậu lo toan cho gia đình. Họ là những người phụ nữ nên phải chăm lo cho tốt công việc tề gia nội trợ tức là phải chăm lo ngăn nắp chỉ số nhà cửa chăm sóc chồng con. Tuy vậy thân phận của những người phụ nữ xưa lại vô cùng nhỏ bé, họ phải sống một cuộc đời long đong lận đận. Họ sống trong một xã hội phong kiến lạc hậu “Trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ trong xã hội này dường như không có chỗ đứng và địa vị trong xã hội. Chính vì vậy mà trong văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm nói lên số phận đau khổ của người phụ nữ xưa. Như trong bài thơ Thương Vợ của Tú Xương, bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Với những vẻ đẹp như vậy đáng lẽ ra người phụ nữ ngày được sống một cuộc sống hạnh phúc êm đềm. Nhưng trong xã hội thối nát bất công đó họ lại phải chịu nhiều những đắng cay uất ức. Cái xã hội phong kiến với quan niệm lạc hậu đó họ không được phép quyết định hạnh phúc của mình. Đó là nỗi lòng của biết bao người phụ nữ Việt Nam xưa khi với họ hạnh phúc thì rất nhỏ nhoi nhưng họ lại phải chia sẻ cho nhiều người. Người phụ nữ Việt Nam không chỉ chịu nhiều đắng cay có sức mà họ cũng phải lam lũ vất vả nhọc nhằn để nuôi chồng con. Nhưng họ lại không được đền đáp ngay cả người chồng họ cũng phải chia sẻ tình thương đó. Thời xưa con trai thường năm thê bảy thiếp ở đó không dành cho sự chung thủy. sống trong xã hội mục đã lấy thân phận họ rẻ rúng tình yêu thương họ cũng phải cầu xin hạnh phúc và số phận lại không được quyết định. Tất cả những nỗi tủi nhục bẽ bàng vất vả kia chính là hệ quả mà xã hội phong kiến gây nên cho họ. Đáng lẽ ra họ là những người phụ nữ chân yếu tay mềm cần được xã hội chăm sóc nhưng cài xã hội phong kiến thối nát lại giết đi quyền được làm người một cách đúng nghĩa, quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ. Càng thương thân phận của họ ta lại càng căm ghét cái xã hội vô nhân tính kia bấy nhiêu. Khi xã hội phong kiến sụp đổ người phụ nữ trong xã hội mới lại là những người anh hùng tham gia vào chiến trường giải cứu đất nước. Đó là vẻ đẹp của các nữ thanh niên xung phong họ là những cô gái trẻ đã hy sinh những tháng năm sinh dân của mình vì độc lập tự do của tổ quốc.
Trong xã hội ngày nay người phụ nữ không chỉ đóng góp mỗi vai trò nội trợ trong gia đình nữa mà còn có vai trò quan trọng khi tham gia vào liều lĩnh vực xã hội góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội hiện đại ngày nay quyền của người phụ nữ đã được nâng cao họ được xã hội bảo vệ không chỉ riêng tính mạng và còn về tinh thần. Người chồng không chỉ lo mỗi việc kiếm tiền mà còn biết phụ giúp trong tất cả công việc gia đình. Tuy nhiên người phụ nữ vẫn là người làm tốt nhất công việc chăm sóc gia đình họ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất và họ còn đóng nhiều vai trò quan trọng trong công việc lao động sản xuất đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Họ cũng có nhu cầu làm đẹp hơn khi xã hội quan tâm đến họ việc làm đẹp luôn như là yêu cầu tất yếu. Trong đời sống ngày nay lời ăn tiếng nói của người phụ nữ cũng hòa nhập với xã hội. Họ không phải lúc nào cũng ăn nói trong một khuôn phép thưa bẩm, dạ vâng. Họ có những công việc riêng nghe lời ăn tiếng nói của họ cũng phải phù hợp ngắn gọn súc tích trong công việc. Người phụ nữ cũng có nhu cầu học tập để mở mang tri thức.
Tóm lại dù sống trong xã hội nào thì người phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp tình cù đảm đang sáng tạo của mình. Tất cả những đức tính vốn có giúp họ thành đạt hơn trong cuộc sống và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Những người phụ nữ xưa và nay đều luôn hết mực thương yêu chồng con và dành tất cả tình thương cho gia đình. Họ không chỉ đẹp đẽ về tả ngoại hình mà còn có nhân cách tốt đẹp. Chúng ta cần phải trân trọng yêu thương họ vì họ cũng là một nửa của thế giới.
Nghị luận về người phụ nữ xưa và nay - Bài văn mẫu số 13
Trong kho tàng văn học dân gian của nước ta luôn gắn liền với những nỗi niềm của người nông dân. Ca dao, tục ngữ là tiếng lòng của những người nông dân lao động thấp cổ bé họng trong thời kỳ phong kiến
Đặc biệt, trong xã hội xưa thân phận người phụ nữ luôn bị xem thường, coi nhẹ bởi toàn xã hội điều “trọng nam khinh nữ”.
Người phụ nữ không có quyền quyết định số phận của mình mà luôn phụ thuộc vào một người khác chính vì vậy dân gian ta thường có câu”Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” ý chỉ rằng người con gái khi còn ở với cha mẹ thì phải nghe lời cha mẹ sắp đặt, khi lấy chồng thì phải theo chồng, nếu chồng chẳng may qua đời thì phải nghe theo con. Câu nói này đã thể hiện được sự lệ thuộc của những người phụ nữ khi phải sống trong một xã hội mà người phụ nữ luôn bị khinh rẻ, coi bạc
Cuộc sống của những người phụ nữ này lúc nào cũng trong hoàn cảnh vô cùng éo le. Họ không bao giờ được quyết định số mệnh của mình. Nếu may mắn được cha mẹ thương tìm cho người chồng xứng đôi vừa lứa, được chồng và gia đình nhà chồng thương yêu thì còn được hưởng sự bình yên còn ngược lại thì vô cùng gian nan, vất vả
“Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Những câu ca dao này thể hiện sự cay đắng, của người phụ nữ đang thời xuân sắc. Một dải lụa đào hồng nhan, đương thì phơi phới nhưng cũng chỉ là vật giữa chợ để bao người nhìn ngó, nâng lên hạ xuống, trả giá chẳng biết sẽ đi đâu về đâu.
Trong bối cảnh xã hội phong kiến lúc bấy giờ không cho họ cái quyền được lựa chọn tương lai, vận mệnh, hướng đi của mình. Người phụ nữ được xem như món hàng bị xã hội, cha mẹ, gả bán mà không bao giờ được quyền cãi lại
“Thân em như miếng cau khô
Người thanh chuộng mỏng, người thô tham dày”
Hai câu ca dao này thể hiện sự oán than số phận của người phụ nữ bé nhỏ, bị chà đạp luôn phải sống dưới những phép tắc, nặng nề cổ hủ lạc hậu mà không bao giờ được oán than, lên tiếng. Việc mơ ước về hạnh phúc tình yêu lứa đôi là điều không thể. Họ luôn phải tuân lệnh những người bề trên lầm lũi sống kiếp người nhỏ bé phụ thuộc.
“Năm nay em đi làm dâu
Thân khác gì trâu mang theo ách
Năm nay em đi làm vợ
Thân mang cày, dây khiến không biết ai?
Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”
Thân phận làm vợ làm con dâu người ta chỉ là cái vỏ bên ngoài nhưng thực chất những cô gái này làm giúp việc không lương cho gia đình nhà chồng thì đúng hơn. Đến con trâu, con bò làm việc còn có ngày làm ngày nghỉ, lúc nông vụ chí kỳ thì bận rộn còn bình thường chúng được nhởn nhơ ăn cỏ. Những người con gái khi đi làm dâu nhà người ta thì làm việc quanh năm không có mùa nghỉ ngơi
Không bận việc đồng ruộng thì lại làm việc bếp núc, việc dệt vải, ươm tơ…chẳng lúc nào được nghỉ ngơi thanh thản. Quá đau đớn, chua xót các cô gái xưa đã phải thốt lên rằng:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra”
Câu ca dao này thể hiện sự bất lực trong kiếp sống của người phụ nữ xưa. Nó là sự đau đớn chua xót tới tận cùng của người phụ nữ, những con người nhỏ bé thấp cổ bé họng không có quyền được sống cho riêng mình
Nhiều người phụ nữ lấy phải những ông chồng vũ phu, nghiện ngập rượu chè thường xuyên về nhà đánh đập vợ một cách vô cùng tàn nhẫn
“Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai”
Tình nghĩa vợ chồng cao tựa núi, thiêng liêng sâu đậm phải tu nghìn năm mới thành vợ thành chồng, nhưng người chồng không hề trân trọng nỡ lòng đánh đập người vợ đầu ấp tay kề của mình thật là tàn nhẫn, vô đạo đức.
Rồi nhiều người đàn ông đào hoa, lăng nhăng cưới nhiều người phụ nữ làm vợ “năm thê bảy thiếp” nhưng cũng vẫn được xã hội công nhận, tôn trọng chỉ có những người phụ nữ là đau đớn, chua xót.
“Chém cha cái kiếp chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào người phụ nữ vẫn luôn phải chịu đựng, nhẫn nhịn không có quyền phản kháng, không có quyền tìm con đường hạnh phúc của mình. Cuộc sống lệ thuộc mất tự do, tình yêu lứa đôi không được công nhận, không được tự định đoạt.
Trong cuộc sống luôn bị chà đạp, mất tự do cho nên người phụ nữ xưa chỉ biết gửi những lời trách than, những tâm sự thầm kín của mình qua những lời thơ, lời cao dao, để mang nỗi buồn của mình gửi vào những lời ru, nhờ gió gửi hương bay đi giải tỏa bớt những quanh hiu trong lòng.
Những bài ca dao than thân chính là những lời kêu ai oán của những người phụ nữ nhằm tố cáo tội ác của chế độ phong kiến.