Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 1
Đất nước ta trải qua bao thăng trầm vất vả, cập bến vinh quang ngày nay là nhờ ơn lớp lớp thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu kiên cường. Tinh thần họ được thúc đẩy bởi những lý tưởng, những mục đích, khao khát cao cả. Và dù ở hình thức này hay hình thức khác đều chung một nội dung: vì nước vì dân. Bài thơ Từ ấy của Tố Hữu có lẽ đã thay lời nói lên tất cả. Bài thơ còn đến ngày nay thúc giục thanh niên kiếm tìm một lý tưởng đúng đắn tiến bộ.
Từ ấy ra đời khi Tố Hữu còn rất trẻ, mới 18 tuổi – thời kỳ con người đang dạt dào sức sống, sức chiến đấu. Thời điểm bài thơ ra đời cũng là lúc đất nước ta đang trong những năm tháng sục sôi kháng chiến thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Bài thơ là tiếng lòng thể hiện lý tưởng cao đẹp của người thanh niên cộng sản. Từ đó, bài thơ gợi ra những suy nghĩ sâu sắc về lý tưởng của người thanh niên Việt Nam hiện nay.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Từ ấy là từ khi nào? Là từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vinh dự ấy được diễn tả bằng những hình ảnh vô cùng tươi đẹp “bừng nắng hạ”, “chói qua tim”. Và nhà thơ sung sướng gọi con đường theo Đảng là “Mặt trời chân lý” – là ánh sáng dẫn đường chì lối cho đường đi của nhà thơ. Có ánh sáng dẫn đường, người thanh niên mười tám tuổi sôi nổi bồng bột với hạnh phúc ngập tràn “Hồn tôi là một vườn hoa lá” “đậm hương rộn tiếng chim”. Có thể nói, chân lý đến từ mặt trời cách mạng đã tiếp thêm sức sống, khơi nguồn sức trẻ để nhà thơ có động lực vươn lên, vươn đến những ước mơ.
Vậy lý tưởng là gì? Lý tưởng là điều ta tin tưởng, tôn thờ và làm mọi thứ vì lý tưởng của mình.
Mỗi người sẽ có những lý tưởng khác nhau. Nhưng dù là gì đi chăng nữa, lý tưởng phải là nguồn sáng dẫn đường cho con người, tránh đưa họ lầm đường lạc lối. Nói như nhà thơ Tố Hữu thì đó phải là ánh sáng “chân lý”, ánh sáng của cái thiện. Nói như vậy, tức là cần phân biệt lý tưởng cao đẹp và lý tưởng thấp hèn. Lý tưởng cao đẹp giúp con người đến với cái đẹp, đến với cái thiện. Lý tưởng thấp hèn khơi dậy những mong muốn xấu xa, ích kỷ.
Không chỉ vậy, lý tưởng phải trở thành động lực để con người yêu đời, yêu sống và sống tốt. Lý tưởng giúp ta lạc quan yêu đời “hồn tôi là một vườn hoa lá”, có thể vượt qua những khó khăn, vất vả để bước tiếp con đường mình đã chọn. Với Tố Hữu, lý tưởng mà Từ ấy nhà thơ có được đã giúp ông vượt qua những cuộc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với cách mạng, vượt qua xiềng xích, tra tấn lao tù để cùng cách mạng sống đến ngày chiến thắng.
Lý tưởng của Tố Hữu là gì mà có sức mạnh kỳ diệu vậy?
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Lù anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ.
Con đường Tố Hữu lựa chọn là con đường hoà mình gắn bó với nhân dân lao động, với những kiếp cầm lao “không áo không cơm”. Gắn bó với nhân dân để cảm thông, để sẻ chia, để cùng nhau chung tình máu mủ cùng là con Lạc cháu Hồng. Gắn bó với nhân dân để sống chết vì nhân dân và được hưởng tình yêu thương, chở che của nhân dân dành cho mình. Còn hạnh phúc nào hơn thế, và như Tố Hữu đã từng sung sướng thốt lên “Người với người sống để yêu nhau”.
Tuổi 16,17, 18… chúng ta chưa là đảng viên, chưa hẳn đã là người lớn song cũng không còn là hoa nắng vô tư, có thể sống thờ ở với mẹ cha, họ hàng, bè bạn. Đất nước ta cũng không còn nghèo nàn như trước, không phải “cù bất cù bơ” “không áo cơm”. Chúng ta không ôm mộng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp như Tô Hữu nhưng hãy nhìn cuộc sống quanh mình để tìm chân lý, tìm lý tưởng.
Đất nước ta đang vươn mình chạy mau sao cho kịp thời đại. Thế hệ chúng ta đang dần gánh vác trọng trách ấy. Gia đình, họ hàng, bè bạn, thầy cô… ai cũng mong muốn cho ta những điều tốt đẹp nhất “Đất nước mong sao em thành người”. Vậy lý tưởng của chúng ta là gì nếu không phải là vì tập thể? Học tập, lao động và cống liên sức mình cho gia đình, cho xã hội, cho Tổ quốc thân yêu, đó là điều ít nhất mỗi thanh niên ngày nay cần hiểu. Chúng ta không mong là cánh chim bằng vạn dặm, không thể là cả bản hoà ca hùng tráng… mong mỗi người là một “mùa xuân nho nhỏ”, “một nốt trầm xao xuyến” (Thanh Hải) để hiến dâng cho mùa xuân chung của tập thể, của quê hương, đất nước mình.
Con người không thể được gọi là sống mà không có lý tưởng. Tuổi xuân chúng ta – tuổi đẹp đẽ nhất, giàu sức sống nhất của đời người càng không thể không có lý tưởng sống. Bài thơ Từ ấy của Tố Hữu là một khúc ngân cao đẹp cho lý tưởng thanh niên Việt Nam.
Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất 2
Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là "lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng". Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ Tố Hữu gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị, thời sự đất nước. Các tác phẩm chính: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa,…
Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường đầu của thơ Tố Hữu. Tập thơ gồm 3 phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng. Bài thơ Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm,…
Tâm trạng nhà thơ có sự vận động qua ba khổ thơ: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng (khổ 1); những nhận thức mới về lẽ sống (khổ 2); sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.
Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
Hai câu thơ mở đầu trong khổ thơ 1 được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niện Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường, mặt trời chân lí - một sự liên kết sáng tạo giữ hình ảnh và ngữ nghĩa. Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những diều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ "bừng", (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột), "chói" (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.
Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Đó là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời", còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như có cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sống, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.
Ở khổ thơ thứ hai, trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi dược giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa "cái tôi" cá nhân và" cái ta" chung của mọi người. Với động từ "buộc", câu 1 là một cách nói quá thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của "cái tôi" cá nhân để sống chan hòa với mọi người ("trăm nơi" là một hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi). Với từ "trang trải" ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu 3 khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Ở câu 4, "khối đời" là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi "cái tôi" chan hòa trong "cái ta", khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ dược nhận lên gấp bội.
Tóm lại, Tố Hữu đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Những điệp từ "là" cùng với từ "con" "em", "anh" và số từ ước lệ "vạn" (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ còn biểu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những "kiếp phôi pha" (những người đau khổ bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống) những em nhỏ "không áo cơm cù bất, cù bơ" (những em bé không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó). Qua những lời thơ ấy, người đọc thấy được lòng căm hận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu hăng say hoạt động cách mạng, và họ cũng trở thành đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ (cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương; chú bé đi ở trong Đi đi em; ông lão khôn khổ trong Lão đầy tớ; em bé bán bánh trong Một tiếng rao đêm,...).
Đến đây có thể thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm của Tố Hữu nói chung. Cần nói rõ: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.
Từ ấy là lời tâm nguyện của thanh niên yêu nước giác ngộ và say mê lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, bằng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu và trong sự nghiệp thơ ca của ông. Bài thơ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ.
Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 3
Tố Hữu vừa là nhà cách mạng quả cảm, một Đảng viên ưu tú, một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của nhân dân trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thơ ông dung dị nhưng nồng nàn tinh thần cách mạng và lòng tự hào dân tộc. Bài thơ “Từ ấy” được in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1938 đã tỏ rõ lí tưởng Đảng cao đẹp của người thanh niên trẻ tuổi trẻ lòng ấy.
Người thanh niên này được giác ngộ lí tưởng Đảng từ khi còn rất sớm, năm mười tám tuổi đã được kết nạp Đảng, với một độ tuổi mang trong mình nhiều nhiệt huyết can trường của tuổi trẻ, anh đã đón nhận ánh sáng của cách mạng như đón những luồng ánh sáng của thần linh:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
“Từ ấy” ở đây chính là từ khi ánh sáng cách mạng về với nhân dân, xóa tan đi mọi sương mờ chính trị trước đó. Từ đây nhân dân hiểu được cách mạng, tìm được chỗ dựa tinh thần cho niềm tin vào công cuộc giải phóng dân tộc và được sống trong không khí hào hứng xung trận của thời đại “vì dân quên mình”. Ánh sáng ấy bắt nguồn từ mặt trời chân lí, đó là Đảng, là mặt trời của giai cấp vô sản, mặt trời vĩnh cửu của nhân dân, mặt trời chói chang cái nắng hạ ấm áp và hừng hực lửa quyết chiến quyết thắng. Trong tim của người thanh niên trẻ chỉ có tràn đầy một sinh lực duy nhất đó là lí tưởng Đảng, chính lí tưởng đấy là động lực và niềm tin để anh trải lòng với cuộc đời và yêu thêm cuộc sống, để mà:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Hẳn lúc này, trong lòng người thanh niên đang rạo rực những tình cảm mới, xanh tươi, thơm mát, rộn ràng. Đâu còn cái u sầu của lớp thanh niên trí thức thời đại đang loay hoay không biết kiếm tìm đâu ra còn đường đúng đắn nữa mà chỉ còn một tâm hồn xốn xang những cảm xúc yêu đời, hạnh phúc đắm mình trong ánh sáng của Đảng.
Ánh sáng ấy đã khiến trong người thanh niên có những suy nghĩ tươi đẹp, đó là lí tưởng sống cao đẹp, lẽ sống lớn với tình cảm lớn:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Từ “buộc” được sử dụng thật tinh tế. Có lẽ sợi dây liên kết giữa mọi người giờ đây chính là sợi dây đồng chí hướng của Đảng của cách mạng, tâm hồn của con người đã không còn thấy đâu cái vị kỉ cá nhân nữa mà hoàn toàn được “trang trải” rộng rãi khắp nơi nơi, sống chan hòa, yêu thương, để đoàn kết “thêm mạnh khối đời”. Đảng Cộng Sản là sự đoàn kết của giai cấp vô sản, lí tưởng cao đẹp của những con người yêu nước, được giác ngộ điều này, người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã tự coi mình là:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Ở khổ thơ cuối ta nhận ra sự từ chối phân biệt giai cấp trong một tâm hồn tràn ngập tình thân. Những từ: “con”, “em”, “anh” được thốt ra hết sức thân mật đã đánh tan rào cản giai cấp. Dưới sự bảo bọc của Đảng, đồng bào là anh em máu thịt một nhà, không phân biệt ai với ai cần yêu thương nhau, chở che, đùm bọc lẫn nhau, thậm chí không ngại hi sinh vì cộng đồng dân tộc.
Giọng thơ nở tràn như lời thiết tha tâm tình với ý tứ xô bồ, giàu lí tưởng như ngọn lử đang thôi thúc trong tim của người thanh niên Cộng Sản. Người thanh niên ấy từ nay đã hiểu hết ánh sáng cao cả mà Đảng muốn trảo chuyền, anh đã coi mình là người của toàn dân, coi đồng bào là máu thịt tình thân, coi giai cấp đã không còn tồn tại trên đời, thứ duy nhất tồn tại là lí tưởng sống cao đẹp, lẽ sống lớn vì một cộng đồng dân tộc. Với một tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng bùng cháy khát khao sống hết mình vì cuộc đời chung như vậy, có lẽ cái chết đối với những người thanh niên như vậy chỉ nhẹ tựa lông hồng khi hồn họ đã buộc với nhân dân, buộc với cách mạng, hi sinh cho tổ quốc đối với họ là tự hào, là lẽ sống. Lí tưởng lớn ấy đã thôi thúc những tinh thần thanh niên thời đại xung trận, đem hết tinh hoa, trí lực của mình vào công cuộc giải phóng đất nước và là niềm tự hào mãi mãi cho thế hệ sau.
Lí tưởng sống của người thanh niên thật cao cả, lớn lao, là lí tưởng muôn đời không phai và đây chính là sức mạnh vô cùng nòng cốt trong cuộc chiến ác liệt giữa ta và địch. Có những thanh niên giàu lí tưởng như vậy, lí tưởng của toàn dân tộc ta mới rực sáng như ánh mặt trời, đẩy tan mọi bóng tối của quân xâm lược.
Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất 4
Tố Hữu là một trong số những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca cách mạng nói riêng. Suốt cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, những trang viết của Tố Hữu luôn ánh lên những tư tưởng lớn, tình cảm và lẽ sống lớn. Bài thơ "Từ ấy" ra đời năm 1938 là một trong số những sáng tác xuất sắc nhất của ông. Bài thơ đã thể hiện rõ lý tưởng của người thanh niên ngày nay.
Như chúng ta đã biết, lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó. Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.
Từ cách hiểu, cách lí giải đó có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã thể hiện một cách rõ nét, chân thực và sâu sắc lí tưởng sống tốt đẹp của thanh niên ngày nay.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Từ ấy chính là mốc thời gian, là giây phút hạnh phúc khi tác giả đón nhận được ánh sáng lí tưởng của Đảng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hình ảnh "mặt trời chân lí" là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo và giàu ý nghĩa. Nếu mặt trời của thiên nhiên chiếu ánh sáng tới muôn loài, muôn vật thì Đảng chính là mặt trời, là ánh sáng tuyệt diệu soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản, cho nhân dân đến những ngày tháng tươi đẹp. Giây phút ấy, với người thanh niên, Đảng chính là lí tưởng, là ánh sáng và trong nỗi niềm rạo rực lên niềm sung sướng, hạnh phúc đến khôn nguôi.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Với hình ảnh so sánh độc đáo, dường như hai câu thơ đã làm bật nỗi niềm sung sướng, niềm vui như đã hóa thành âm thanh, màu sắc của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của đời mình.
Không chỉ xác định được lí tưởng của mình, người thanh niên trong "Từ ấy" của Tố Hữu còn nỗ lực biến lí tưởng ấy thành hiện thực, thành nhận thức của bản thân. Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tố Hữu đã thể hiện lẽ sống gắn với cộng đồng, với mọi người bằng hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị và sức gợi. Động từ "buộc" đã thể hiện sự tự nguyện gắn bó, thắt chặt với những người xung quanh. Cùng với đó, tác giả còn sử dụng các từ láy "trang trải", "gần gũi" đã thể hiện sự mở lòng, mở rộng trái tim, vòng tay của mình để thấu hiểu, để cảm thông, để gắn bó với mọi người. Như vậy, trong lí tưởng sống của mình, người thanh niên đã hòa vào cái chung của cộng đồng, để đoàn kết, để yêu thương.
Thêm vào đó, lí tưởng của người thanh niên qua bài thơ "Từ ấy" còn được thể hiện ở lối sống yêu thương đồng bào, không phân biệt giai cấp, dân tộc.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ
Từ tình yêu thương, muốn gắn bó với nhân dân lao động, tác giả đã biến mình thành một người con trong đại gia đình lao động ấy. Với việc sử dụng cấu trúc khẳng định "đã là" đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả. Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình thông qua việc sử dụng phép liệt kê "con của vạn nhà', "em của vạn kiếp phôi pha", "anh của vạn đầu em nhỏ" kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô "con", "em", "anh".
Như vậy, có thể thấy, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét những lí tưởng của thanh niên trong mọi thời đại. Đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm về lí tưởng sống, về mục đích sống và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.