Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 1
1. Mở bài
- Giới thiệu về Nguyễn Tuân và truyện ngắn Chữ người tử tù
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- In trong tập Vang bóng một thời, ban đầu có tên Dòng chữ cuối cùng
- Nằm trong mạch cảm hứng chung của tập truyện, ca ngợi, khẳng định cái đẹp, ca ngợi những con người có lối sống đẹp, thanh bạch, cái đẹp là trung tâm của toàn câu chuyện.
b. Về tình huống truyện:
- Tình huống của Chữ người tử tù: Viên quản ngục có cuộc gặp gỡ với Huấn Cao – một con người tài hoa, khí phách nhưng đồng thời cũng là tên tội phạm tử tù của triều đình. => Đây là một tình huống giàu kịch tính, lại éo le (về thời gian, không gian, thân phận của các nhân vật).
c. Phân tích nhân vật Huấn Cao
- Hoàn cảnh: Nhân vật Huấn Cao – một vị quan coi sóc việc học tại một huyện đang trong vai một vị anh hùng thất thế, cái hoàn cảnh dễ biến con người thành kẻ tiểu nhân đê hèn.
- Hình ảnh Huấn Cao được gián tiếp bộc lộ qua con mắt nhìn của quản ngục và thầy thơ lại:
+ Với quản ngục: Huấn Cao là "một ngôi sao …không định", "một ngôi sao … vũ trụ".
+ Không chỉ thế, còn có tài "bẻ khóa và vượt ngục" => Một người "văn võ toàn tài".
=> Quản ngục vô cùng kính trọng Huấn Cao, tôn sùng như bậc hiền nhân.
- Huấn Cao hiện lên qua ba khía cạnh:
+ Người nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ thư pháp:
+ Một con người khí phách hiên ngang của một anh hùng
+ Huấn Cao còn là một con người có cái tâm thiên lương trong sáng:
d. Phân tích nhân vật quản ngục
- Hoàn cảnh: Sống giữa chốn đề lao, là chúa ngục nơi mà "người ta sống …lừa lọc", "một đống cặn bã" => nơi con người dễ bộc lộ bản tính độc ác của mình nhất.
- Thế nhưng quản ngục lạ là con người "tính cách dịu dàng …người ngay", "như một thanh âm …xô bồ", một con người "thuần khiết" => miêu tả bằng bút pháp trữ tình, gợi lên hình ảnh của một con người với tâm hồn đẹp.
- Nhân vật quản ngục hiện lên qua hai phương diện:
+ Quản ngục là người say mê, quý trọng cái đẹp:
+ Quản ngục còn là một con người biết hướng thiện, dũng cảm sống đúng với thiên lương:
e. Cảnh cho chữ
- Đây là cảnh đắt giá nhất trong tác phẩm, là một cảnh "xưa nay chưa từng có". Tất cả mọi thứ trong cái khung cảnh ấy đều đối lập với nhau.
- Thời gian: giữa đêm khuya "chỉ còn …vọng gác" - bình thường, người ta cho chữ lúc trời sáng sủa, đẹp đẽ.
- Không gian: buồng biệt giam "một buồng tối …phân gián"- cái đẹp.
-Con người: Huấn Cao cho chữ lúc chuẩn bị ra pháp trường - người ta cho chữ lúc tâm trạng thoải mái, vui vẻ nhất.
- Vị thế của các nhân vật cũng đảo ngược:
+ Về quyền uy: Kẻ uy quyền (quản ngục): khúm núm - kẻ có tội: hiên ngang, bay bổng trong từng nét chữ.
+ Thái độ: quản ngục: run run, khúm núm - Huấn Cao: bình thản, tĩnh lặng
+ Thân phận: Huấn Cao dạy dỗ, khuyên ngăn quản ngục "Ở đây …lương thiện đi"
=> Quản ngục cúi đầu trước Huấn Cao: sự hướng thiện trong ông, ông cúi đầu trước cái đẹp, cái uy nghi.=> làm sáng lên nhân các của quản ngục.
=> Quản ngục là nhân vật mà Nguyễn Tuân gửi gắm quan niệm nhân sinh: Mỗi con người dù sống ở đâu vẫn luôn có một tâm hồn khao khát cái đẹp, chực chờ thứ ánh sáng thiên lương soi tỏ.
f. Đặc sắc nghệ thuật:
-Bút pháp lãng mạn tài hóa: miêu tả con người trong sự hoàn thiện, hoàn mỹ, tới mức lý tưởng hóa
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đối lập: Huấn Cao - quản ngục (tử tù -chúa ngục), đối lập trong chính nhân vật quản ngục (là người của triều đình, chúa ngục - nhỏ bé trước một tử tù như Huấn Cao).
- Nghệ thuật trong đoạn cho chữ: đối lập từ ánh sáng tới cái đẹp.
- Ngôn từ giàu hình ảnh, đa dạng các từ ngữ Hán Việt tạo nên không khí cổ kính cho tác phẩm.
3. Kết bài - Khẳng định lại vấn đề
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân 2
Mở bài Giới thiệu tác giả và tác phẩm
Giới thiệu nhân vật
Thân bài
Khái quát
Tuyệt tác “Vang bóng một thời” (1940) là tập truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Tuân, trong đó bật lên đỉnh cao nhất là “Chữ người tử tù”. Tác phẩm in lần đầu tiên trên tạp chí Tao Đàn năm 1939 với nhan đề “Dòng chữ cuối cùng”.
Phân tích
Giới thiệu chung về nhân vật:
Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất của đời văn Nguyễn Tuân. Huấn Cao không chỉ là một tài tử, tài hoa thường gặp trong văn Nguyễn Tuân mà là một đấng tài hoa anh hùng. Đây là một nhân vật chân dung sắc sảo theo lối lí tưởng hoá của bút pháp lãng mạn. Khi xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu là nhân vật Cao Bá Quát - một nhà thơ có lí tưởng cao cả. Cái cao khiết trong con người ông được thể hiện qua câu đối: (Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa)
Phân tích nhân vật:
Một con người tài hoa, văn võ song toàn:
Huấn Cao có tài viết chữ đẹp. Tài thư pháp của Huấn Cao được thể hiện gián tiếp qua những lời nói, thái độ và hành động trầm trồ, ngưỡng mộ của viên quản ngục và thầy thơ lại: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp…”, “thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà!”.
Đúng là ông Huấn “có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Mỗi nét chữ đều “vuông lắm, đẹp lắm” - không chỉ đẹp ở sự vuông vức, sắc nét và tươi tắn mà quan trọng hơn đó là “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Có hiểu như thế mới cắt nghĩa được vì sao “có được chữ ông Huấn mà treo, là hơn có một vật báu trên đời”.
Không chỉ viết chữ đẹp mà Huấn Cao còn có tài bẻ khóa và vượt ngục, còn là một người lãnh đạo nghĩa quân chống lại triều đình. Tất cả đã thể hiện niềm ngưỡng mộ của nhà văn Nguyễn Tuân trước một con người song toàn văn võ.
Một con người có khí phách, hiên ngang, bất khuất.
Trước khi vào tù, Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, bị xử án chém.
Ông bình thản, tự chủ, lạnh lùng trước cường quyền. Ngay ngày đầu tiên nhận tù, chỉ sau câu nói đùa của tên lính áp giải, Huấn Cao đã “lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đã để Huấn Cao xuất hiện lần đầu trong thiên truyện với chi tiết “dỗ gông” như thế. Đó là hành động biểu thị tự do, cho thấy việc gì ông muốn làm là làm, dù có khó khăn đến đâu hay có được phép hay không,…
Nhà tù đã bị Huấn Cao biến thành giang sơn mình làm chủ khi ông “vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, lúc chưa bị giam cầm”
Thái độ lạnh lùng, khinh bạc của Huấn Cao được Nguyễn Tuân khai thác triệt để. Huấn Cao nói rất ít, nhưng mỗi lời nói là một mệnh lệnh, một sự sai khiến dứt khoát, rắn rỏi: “Phải dỗ gông đi”, “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.” Đúng là giọng “khinh bạc đến điều”.
Cổ mang gông, chân vướng xiềng, đợi ngày lên đoạn đầu đài nhưng ông Huấn vẫn ung dung, thanh thản, đường hoàng và lẫm liệt.
Một con người có “thiên lương” trong sáng.
Thiên lương ở Huấn Cao trước tiên là giữ vững nhân cách của mình. Nhân vật đã thể hiện một cách đầy ý thức sự thống nhất giữa cái tài và cái tâm Con người này không hề bị lay chuyển bởi sức mạnh của cường quyền hay tiền bạc, có tài nhưng không bao giờ dùng tài của mình để mưu lợi cho riêng mình hay phục vụ cho kẻ phi nghĩa: “Tính ông vốn khoảnh, từ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông cũng đã khẳng định: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
Thiên lương ở Huấn Cao thể hiện ở tấm lòng. Một tấm lòng thuần khiết nằm ngay trong cái vẻ kiêu bạc gai góc. Sau khi đã hiểu “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”; nhận rõ viên quản có “sở thích cao quý”, là người còn giữ được “thiên lương”, ông Huấn đã nhận ra đây là một đóm sáng giữa đêm đen, một nốt nhạc trong trẻo giữa âm thanh hỗn loạn, Huấn Cao đã vô cùng xúc động. Trong mắt người đọc, không còn một Huấn Cao lạnh lùng – khinh bạc nữa mà là một người hiền hoà, độ lượng: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Kẻ “chọc trời khuấy nước” không sợ uy quyền, tù ngục, “đến cái cảnh chết chém ông còn chẳng sợ …” nhưng Huấn Cao sợ nhất là “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, nhất là tấm lòng đó là một tấm lòng biết yêu cái đẹp; biết giữ được “thiên lương” giữa bóng tối và tội ác như quản ngục và thầy thơ lại,…
Cảnh cho chữ là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Cùng với việc cho chữ, ông Huấn đã dặn dò viên quan coi ngục những lời tâm huyết nhất của đời mình. Ông khuyên viên quản ngục hãy thay đổi chốn ở, thoát khỏi cái nghề cai ngục rồi hãy “nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Người yêu cái đẹp không thể vẫn làm cái ác, con người chỉ có thể xứng đáng được hưởng cái đẹp khi giữ “thiên lương” lành vững. Đó là lời khuyên xuất phát từ một tấm lòng dành cho một tấm lòng.
Đánh giá
Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất đời văn của Nguyễn Tuân.
Nhân vật thể hiện quan niệm của tác giả về cái đẹp trong nghệ thuật và trong cuộc sống.
Kết bài
Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang bất khuât. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.
Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dụng cách, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng; trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình
Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù 3
I. Mở bài
Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách độc đáo. Có người đã cho rằng mỗi sáng tác của ông như đóng một dấu triện riêng. Tuy nhiên, điều thú vị là, dấu ấn này không phải qua vài tác phẩm mới bộc lộ, mà ngay từ tập truyện ngắn đầu tay Vang bóng một thời (1940) đã được in đậm. Chữ người tử tù là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Tuân nằm trong tập truyện trên. Người đọc có thể nhận ra những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của tác giả bậc thầy này qua cảnh cho chữ độc đáo của thiên truyện.
II. Thân bài
1. Khái quát về tác phẩm Chữ người tử tù
Chữ người tử tù là truyện ngắn hội tụ nhiều cái “nhất” trong sự nghiệp của Nguyên Tuân: Có nhân vật đẹp nhất (Huấn Cao), nhân vật lạ nhất (Quản ngục), cảnh độc đáo nhất (cảnh cho chữ). Đương nhiên, với tất cả những điều ấy, truyện ngắn này cũng có một vị trí đặc biệt, mọi người đều thống nhất rằng đây là một trong những truyện hay nhất trong Vang bóng một thời (1940) – tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn đã được Tự lực văn đoàn trao giải. Câu chuyện xoay quanh những ngày cuối đời, trong biệt giam của Huấn Cao trước khi về kinh thụ án. Vẻ đẹp của nhân vật này, tư tưởng của thiên truyện đều toả sáng rực rỡ trong cảnh cho chữ, khi Huấn Cao viết tặng Quản ngục bức châm -“tiếng hát thiên nga” của một đời tài hoa. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng ở cảnh này, mọi nét đậm nhất trong phong cách của Nguyễn Tuân đã tụ lại.
2. Khái quát về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân là một nhà văn có phong cách độc đáo. Có thể thấy những nét nổi bật như sau:
Luôn nhìn các sự vật hiện tượng từ độ văn hoá, thẩm mĩ.
Luôn nhìn con người ở góc độ nghệ sĩ
Đi tìm những cái phi thường, độc đáo, đặc biệt.
Vận dụng kiến thức đa ngành để làm nổi bật đối tượng.
So sánh, tưởng tượng, liên tưởng rất phóng túng, bất ngờ nhưng chính xác.
– > Những điều này đều có thể thấy đựơc trong cảnh cho chữ ở cuối truyện Chữ người tử tù.
3. Phân tích sơ lược cảnh cho chữ.
Nếu nói như GS Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Tuân là nhà văn của những tính cách phi thường, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt”, thì có thể nhanh chóng nhận ra rằng cảnh cho chữ đã hội tụ tất cả những nét vượt trội ấy. Đây là một khung cảnh đặc biệt, và chính người khắc hoạ cũng khẳng định rằng đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Sự đặc biệt này hiện ra ở mọi góc của cảnh: Nhân vật, thời gian, không gian.
– Nhân vật:
+ Bình thường, ngưòi cho chữ và người được cho chữ là những tri âm tri kỉ đến độ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. ở họ luôn toát ra sự an nhiên, điềm tĩnh, ung dung của bậc túc nho.
+ ở đây, người cho chữ là 1 tử tù, người được cho chữ là quản ngục. Họ có vị trí đối nghịch trong xã hội. Hơn nữa, họ mới gặp nhau hơn nửa tháng. Đặc biệt, cảnh cho chữ đã diễn ra một sự thay bậc đổi ngôi, khi người tù thì dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn đứng thẳng người và đĩnh đạc, còn quản ngục “khúm núm” và nghẹn ngào. Trong quan hệ xã hội họ là kẻ thù nhưng trong bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm tri kỉ.
– Không gian:
+Thông thường, người ta viết chữ cho nhau ở nơi thư phòng sạch sẽ, không gian của học thuật.
+ ở đây, người ta viết chữ cho nhau trong “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đây là không gian mà cái xấu, cái ác thống trị.
– Thời gian:
+ Bình thường, người ta cho chữ khi thư nhàn, thong thả, trong ánh sáng của buổi mai ấm áp.
+ ở đây, người ta cho chữ vào ban đêm một cách vội vã, chạy đua với thời gian, gấp rút tránh những ánh mắt của bọn lính đến phiên canh buổi sáng và tránh cái công văn oan nghiệt giải người về kinh thụ án.
* Chỉ ra những nét tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong cảnh này.
– Luôn nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hoá thẩm mĩ và nhìn con người ở góc độ tài hoa nghệ sĩ.
+ Nếu nhìn cảnh cho chữ bằng con mắt xã hội học, không khó để thấy ngay mầm mống phản loạn ở đó: Những thứ không cần thiết lại được đem vào biệt giam, người cầm quyền trong tù lại “khúm núm”, “run run” trước tử tù…
Tuy nhiên, tác giả đã nhìn bằng con mắt văn hoá thẩm mĩ và thấy đây là cảnh phi thường. ở đó, mọi trật tự của xã hội dung tục đã bị đảo lộn hết, chỉ có cái đẹp thống lĩnh, cái cao cả và cái thiện lên ngôi để cứu rỗi tâm hồn con người như niềm hi vọng của thế giới.
+ Nguyễn Tuân cũng không nhìn nhân vật bằng con mắt thông thường. Với ông, Huấn Cao không phải là tử tù nguy hiểm mà là người nghệ sĩ bậc thầy trong nghệ thuật thư pháp, đang sáng tạo ra cái đẹp siêu việt trước khi đi vào cõi bất tử. Trong cảnh này, cái tài, thiên lương và khí phách của bậc chính nhân quyện vào nhau làm nên một vẻ đẹp có thể cứu rỗi những tâm hồn.
– Đi tìm những cái phi thường, quá độ, vượt ngưỡng.
Nguyễn Tuân không phải là nhà văn của những gì nhàn nhạt, trong khuôn khổ, ông luôn tìm đến những cái độc đáo. Trong cảnh này, mọi thứ đều vượt lên trật tự thông thường và người ta phải lấy một tiêu chí khác để đánh giá. Chính Nguyễn Tuân cũng khẳng định đây là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
– Vận dụng kiến thức đa ngành để làm nổi bật đối tượng.
+ Kiến thức điện ảnh: Để làm nổi bật cảnh cho chữ, tác giả như một nhà quay phim lành nghề đưa máy quay đến cận cảnh, để thấy “tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, rồi lại đưa ống kính lên cao để soi rõ “ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Tiếp đó lại quay viễn cảnh với động tác của cả ba nhân vật.
+ Kiến thức hội hoạ: Tác giả vẽ bức tranh cho chữ với sự đối chọi gay gắt của hai mảng màu sáng và tối. Màu sáng của bó đuốc, tấm lụa bạch còn màu tối của, phân chuột, phân gián, mạng nhện.
Hai mảng màu ấy làm nền cảnh cho tâm cảnh là hình tượng Huấn Cao đang xuất thần sinh thành ra những con chữ như một báu vật.
+ Kiến thức điêu khắc: Nguyễn Tuân khắc hoạ hình tượng như một bức điêu khắc sống động với tư thế “đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc”, với trạng thái “ thở dài, buồn bã”. Ngoài ra, khi miêu tả ba người chăm chú trên tấm lụa bạch, người ta đã thấy đậm chất điêu khắc với những đường nét được chạm nổi, sống động.
– Ngoài ra, ngôn ngữ của Nguyễn Tuân sử dụng ở đây độc đáo, giàu chất tạo hình, có sắc thái biểu cảm cao và rất sáng tạo. Hơn nữa, chúng còn có nhịp điệu chậm rãi, trang trọng với những từ Hán Việt, gợi hồn xưa đất nước. Đây cũng chính là điều mà Tự lực văn đoàn ngạc nhiên khi đọc Vang bóng một thờivà trao giải cho tập truyện, điều làm nên cái riêng của Nguyễn Tuân.
– > Tóm lại, nhìn từ mọi góc độ, đều thấy được những nét đặc trưng của Nguyễn Tuân trong cảnh cho chữ. chính vì vậy, có thể thấy rằng bút lực của nhà văn tài hoa đã tập trung ở cảnh này.
* Mở rộng liên hệ với một số tác phẩm khác của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám để thấy phong cách nghệ thuật của nhà văn bậc thầy này có những nét ổn định và có những cách tân.
Qua đó khẳng định rằng chính phong cách nghệ thuật đặc sắc đã góp phần làm nên thành công của Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù nói riêng và vị trí của Nguyễn Tuân trong văn học Việt Nam nói chung.
III. Kết luận
Nhà thơ Lê Đạt đã viết: “Mỗi công dân có một dạng vân tay/Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ”. Yêu cầu này không chỉ đối với nhà thơ, mà với nhà văn cũng thật cần thiết. Nguyễn Tuân chính là nhà văn có “vân chữ” không thể lẫn, điều ấy đã được chứng minh thuyết phục qua cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù 4
I. Mở bài
Có thể nói chủ đề của truyện ngắn Chữ người tử tù và vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao đã được bộc lộ sáng ngời trong cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục, bởi đây không đơn thuần là cảnh cho chữ, mà "đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, sự nhơ bẩn, của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ".
II. Thân bài
Chính Nguyễn Tuân đã viết trong truyện, cảnh cho chữ là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Vì sao vậy? Bình thường thì nói không có cảnh cho chữ đẹp đẽ và trang nghiêm trong chốn tù ngục tăm tối và nhơ bẩn này. Nhưng ở đây lại có, bởi vì ở đây có sự chiến thắng của "thiên lương" con người. Và nhà văn, với nghệ thuật đặc tả tài tình, với thủ pháp tương phản sắc sảo, đã dựng lên những cảnh tượng đối lập để nêu bật ý nghĩa sâu xa và thâm thúy của sự chiến thắng đó.
1. Sự chiến thắng của ảnh sảng đối với bóng tối.
“Cảnh cho chữ diễn ra vào lúc đêm khuya trong nhà ngục. Nhà ngục vốn đã tối tăm, lại vào đêm khuya khoắt, càng dày đặc bóng tối. Nhưng "trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đqng chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ" và "lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo". Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đã miêu tả đến hai lần cái "ánh sáng đỏ rực", cái "lửa đóm cháy rừng rực” đã xua tan và đẩy lùi cái bóng tối dày đặc trong phòng giam. Nhấn mạnh đến cái ánh sáng của bó đuốc tẩm dầu ấy, rõ ràng đó là dụng ý nghệ thuật của nhà văn.
– Ở đây, không chỉ là sự đối lập của ánh sáng và bóng tối theo ý nghĩa sắc màu vật lí, mà sâu xa hơn và khái quát hơn, đây là sự đối lập mang ý nghĩa nhân sinh của con người: ánh sáng của lương trí, thiên lương và bóng tối của tàn bạo, độc ác. Ánh sáng của thiên lương đã xua tan và đẩy lùi bóng tốì của tàn bạo chính tại nơi tù ngục này. Ánh sáng ấy đã khai tâm, đã cảm hóa con người lầm đường trở về với cuộc sống lương thiện.
2. Sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, sự nhơ bẩn
* Sự phàm tục, sự nhơ bẩn ở đây được biểu thị rất rõ trong cảnh "một buồng chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián"; còn cái đẹp, cái cao thượng lại được nói đến sâu sắc trong hai chi tiết mang ý nghĩa tượng trưng: màu trắng tinh của phiến lụa óng và mùi thơm từ châu mực bốc lên – điều dường như không thể có trong chốn tù ngục. Màu trắng của phiến lụa tượng trưng cho sự tinh khiết còn mùi thơm của thoi mực là hương thơm của tình người, tình đời.
* Sự đốì lập nói trên đã nêu bật sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, sự nhơ bẩn. Tâm hồn Huấn Cao bát ngát đến chừng nào khi ông nói về mùi thơm của mực: "Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?…”. Thế là, không có nhà ngục nào tồn tại nữa, chẳng còn bóng tối, cũng chẳng còn mạng nhện, phân chuột, phân gián nữa. Chỉ còn lại sự thơm tho của mực, sự tinh khiết của lụa – nó là sự thơm tho và tinh khiết của thiên lương con người.
3. Sự chiến thắng của tỉnh thần bất khuất trước thải độ cam chịu nô lệ.
– Đây là sự phối hợp giữa những con người trong cảnh cho chữ, và ở đây, ta thấy có sự thay bậc đổi ngôi: người tù lại như người làm chủ (đường hoàng, hiên ngang, ung dung, thanh thản); còn bọn quản lí nhà ngục lại khúm núm, sợ hãi và xúc động trước những lời khuyên dạy của tù nhân (viên quản ngục "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ", thầy thơ lại "run run bưng chậu mực").
– Sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ đã được khắc họa đậm nét trong cảnh cho chữ và những con người trong cảnh ấy. Không còn là cảnh cho chữ bình thường mà là một cảnh thọ giáo thiêng liêng giữa ngựời cho chữ và người nhận chữ. Lời khuyên dạy đĩnh đạc của Huấn Cao có khác gì một chúc thư về lẽ sống trước khi ông đi vào cõi bất tử. Và lời khuyên đầy tình người ấy đã có sức mạnh cảm hóa một tâm hồn bấy lâu vẫn cam chịu nô lệ, một con người lầm đường trở về với cuộc sống lương thiện. Câu nói nghẹn ngào trong nước mắt của viên quản ngục đã nêu bật sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, của thiên lương con người: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
III. Kết bài
– Tóm tắt lại những sự chiến thắng trong cảnh cho chữ đã phân tích trên đây.
– Ý nghĩa nhân văn và giá trị nhân đạo gâu sắc của sự chiến thắng đó (lúc bấy giờ và bây giờ).
Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù 5
Lí luận chung: Nêu được đặc điểm chính của bút pháp lãng mạn ( Bút pháp lãng mạn là phương thức phản ánh hiện thực trong đó nhà văn đề cao trí tưởng tượng, miêu tả thực theo cảm nhận chủ quan)
+ Khai thác nghệ thuật tương phản đối lập một cách triệt để
+ Tô đậm ấn tượng về cái phi thường dữ dội
+ Hình tượng được sáng tạo một cách biệt lệ,lãng mạn nhưng vẫn được kết hợp nhuần nhuyễn với chất hiện thực tạo nên vẻ đẹp riêng của văn xuôi lãng mạn
* Với "Chữ người tử tù"
- Thủ pháp nghệ thuật tương phản trong tình huống truyện độc đáo sáng tạo: Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường trong hoàn cảnh éo le
+ Tương phản giữa hoàn cảnh và tính cách
+ Tương phản giữa hiện thực và ước mơ lí tưởng
~> Thủ pháp tương phản thể hiện rõ nét nhất trong cảnh tượng Huấn Cao cho chữ viên quản ngục,nó được coi là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có"
+ Viết thư pháp là nghệ thuật thư pháp thường diễn ra ở nơi trang trọng như đại sảnh,thư phòng,vườn hoa,...,là thú vui tao nhã của các nhà nho,người cho chữ ngoài việc cho nét chữ còn gửi gắm những triết lí bài học về cuộc sống,hoài bão ,ước mơ của cả cuộc đời con người nhưng ở đây Huấn Cao cho chữ quản ngục ở ngay giữa nhà tù - nơi hiện thân của cái ác ,cái xấu xa
+ Lí do cho chữ: cảm phục tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục
+ Cảnh cho chữ với thời gian đêm khuya lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh,không gian buồng giam chật hẹp,ẩm ướt,tường đầy mạng nhện,trên đất bừa bãi phân chuột phân gián.
+ Người cho chữ là người tử tù ngày mai ra pháp trường nhận án chém,cổ đeo gông,chân vướng xiềng xích,ung dung tô đậm nét chữ
+ Người nhận chữ: khúm núm ,cất những đồng tiền kẽm
+ Thầy thơ lại run run bưng chậu mực
~> Vị thế của quản ngục và kẻ tử tù dường như có sự thay đổi.Ta cũng có thể thấy rõ trật tự xã hội đã bị đảo ngược hoàn toàn.Trong phòng giam không có người tù,người cai tù mà chỉ còn có người nghệ sĩ có tài viết chữ đẹp đang ung dung tô đậm nét chữ trên vuông lụa trắng và một người có thú chơi chữ đẹp đang kính cẩn nghiêng mình đón nhận.Như vậy,chuyện chính trị,xã hội ,sống chết của con người như bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho điều đẹp đẽ thiêng liêng hơn."Cho chữ" giống như sự chuyển giao cái đẹp,lời khuyên của Huấn Cao với viên quản ngục giống như một lời di huấn để nhân vật thay đổi gìn giữ nhân cách,tìm được môi trường sống thích hợp
~> Trong cảnh tượng Huấn Cao cho chữ,sự tương phản bóng tối và ánh sáng được thể hiện rõ nét giữa không gian nhà tù ẩm thấp tăm tối- nơi cái ác cái xấu ngực trị và ánh sáng ngọn đuốc trên tay thầy thơ lại,ánh sáng của lụa óng căng trên mảnh ván,ánh sáng từ mỗi nét chữ của Huấn Cao và hơn hết là thứ ánh sáng tỏa ra từ nhân cách của mỗi nhân vật trong cảnh cho chữ.Khắc họa cảnh tượng lạ lùng đặc biệt như vậy,Nguyễn Tuân muốn mang đến một thông điệp với mỗi chúng ta " cái tài phải gắn liền với cái tâm", cái đẹp có thể vượt lên trên tất cả những giới hạn tầm thường,những thế lực xã hội xấu xa đang ngự trị
- Tô đậm ấn tượng và sáng tạo bằng những hình ảnh có tính biệt lệ,bộc lộ cái tôi cá nhân thông qua ngôn từ : Hình tượng Huấn Cao tài hoa rất đỗi nghệ sĩ mang một khí phách phi thường,tâm hồn thiện lương trong sáng trên nền nghệ thuật tương phản khác thường.Chính Huấn Cao là nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa có nguyên mẫu từ hình tượng Cao Bá Quát- nhân vật có thật trong lịch sử Việt vừa có tài văn chương chữ nghĩa lại ngang tàng khí khái nhằm thể hiện tư tưởng,quan điểm thẩm mĩ,bộc lộ cái "ngông"
* Tài hoa nghệ sĩ: Huấn Cao là một nho sĩ tài hoa
- Là nghệ sĩ chân chính,rất mực tài hoa,hiếm có trong nghệ thuật thư pháp
+ Tài viết chữ nhanh,đẹp
+ Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là một vật báu trên đời
+ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm,vuông lắm~> Nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người
~> Chữ viết ông Huấn trở thành những bức tranh nghệ thuật và là khao khát của những người say mê cái đẹp
~> Tài năng hiếm có trong nghệ thuật viết thư pháp
* Một người khí phách phi thường:
- Huấn Cao xuất hiện một cách trực tiếp
+ Miêu tả chiếc gông dài 8 thước,nặng 7-8 tạ,gỗ lim ~> Biểu tượng của quyền lực triều đình phong kiến-cái ác
+ Hành động chúc thang gông xuống đất: dứt khoát,không e dè ~> Phá vỡ chốn nghiêm trang ngục tù: Những việc Huấn Cao muốn làm thì không ai ngăn cản được
- Thản nhiên nhận rượu thịt của viên quản ngục và coi nó là việc làm trong lúc bình sinh ~> Huấn Cao coi ngục tù chỉ là chốn dừng chân
- Có tài bẻ khóa,vượt ngục không phải là tài lẻ của bọn tiểu nhân bình thường mà đó là khí phách hơn người của Huấn Cao,không ngục tù nào có thể giam hãm được ông
- Tỏ thái độ kinh bạc viên quản ngục " ngươi hỏi ta muốn gì.....đây nữa"
- Không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ ~> Khí phách ở bậc anh hùng "bần tiện bất năng di,uy vũ bất năng khuất"
*Thiện lương trong sáng
- Trên đời không sợ quyền thế,tiền bạc,chỉ sợ phụ một tấm lòng trong thiên hạ
- Trong quan niệm của Nguyễn Tuân: cái tài phải đi đôi với cái tâm,cái thiện và cái đẹp không thể tách rời nhau.Sự hòa hợp giữa tài năng khí phách,thiện lương khiến Huấn Cao trở thành biểu tượng rực rỡ của cái đẹp
Chú ý: dẫn dắt đến hình tượng viên quản ngục- con người biểu tượng cái ngục tù nhưng lại có thú chơi thanh cao,tao nhã - chơi chữ
* Hiệu quả của bút pháp lãng mạn
- Tạo nên nội dung mới lạ,nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm
- Khắc họa hình tượng nghệ thuật ,bộc lộ thông điệp dù thực tại có tăm tối tàn bạo đến đâu cũng không thể tiêu diệt cái đẹp,cái đẹp bất khả chiến bại ~> Niềm tin mãnh liệt về một lối sống,một nhân cách,một mẫu người
- Nghệ thuật kể chuyện,kết cấu tình tiết,lời thoại độc đáo khắc họa nhân vật điển hình độc đáo
Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề
- Nêu cảm nghĩ của bản thân
Phân tích cái đẹp trong truyện ngắn Chữ người tử tù 6
Mở bài Giới thiệu cái đẹp trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, xuất chúng của nền văn học Việt Nam, ở ông luôn có cái “ngông” của một tài năng, cá tính. Do vậy mà qua mỗi tác phẩm của ông, độc giả luôn cảm nhận được một cái chất riêng, một nét đẹp độc đáo mang phong cách rất Nguyễn Tuân. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là môt tác phẩm như vậy, qua truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ xây dựng thành công cốt truyện, diễn biến truyện mà điều đáng nói hơn cả đó chính là cái đẹp tỏa ra từ chính những nhân vật, cái đẹp khiến cho người đọc thầm mến, ngưỡng mộ.
Thân bài Phân tích cái đẹp trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” viết về nhân vật Huấn Cao, một con người tài giỏi, kiêu bạc, nhưng vì chống lại triều đình mà bị bắt, giải về kinh chịu án chém, và trên đường chuyển lao đấy, Huấn Cao đã gặp viên quản ngục, vốn là một “tay sai” của triều đình phong kiến nhưng viên quản ngục lại có những phẩm chất đáng quý, đó chính là coi trọng cái đẹp, tôn trọng người tài. Nơi lao ngục tối tăm, ẩm thấp nhưng cái đẹp của cái tài hoa, cái đẹp của nhân cách vẫn tỏa rạng làm cho người đọc không khỏi cảm mến, xúc động.
Điển hình của cái đẹp trong tác phẩm này ta có thể kể đến, đó chính là nhân vật Huấn Cao. Huấn Cao không chỉ là nhân vật trung tâm của tác phẩm mà còn là nhân vật tư tưởng nhà văn Nguyễn Tuân dày công xây dựng, truyền tải đến người đọc, người nghe. Huấn Cao là một con người tài năng, không chỉ trong văn chương, thi phú mà còn là một con người anh hùng, kiêu bạc sẵn sàng chiến đấu chống lại triều đình phong kiến mục nát, suy đồi. Huấn Cao vốn nổi tiếng là một người có tài viết chữ đẹp, chữ của ông vuông vắn, ngay ngắn lại thanh thoát, nhẹ nhàng.
Cũng vì tài viết chữ đẹp mà danh tiếng của Huấn Cao được nhiều người biết đến, nhiều người ngưỡng mộ, cảm phục. Và đây là lí do mà viên quản ngục có sự đối đãi đặc biệt, cùng với thái độ tôn trọng vơi Huấn Cao khi ông bị giải đến ngục lao của viên quản ngục này. Điều này khác hẳn với những tù nhân mà sự đối đãi của viên quản ngục như tiếp đãi một vi khách quý. Nhưng ở tình huống thực tại, Huấn Cao bị truy bắt bởi tội chống lại triều đình và đang trên đường lĩnh án phạt.
Như vậy, qua những nét phác thảo đầu tiên, ta có thể cảm nhận được ở nhân vật Huấn Cao không chỉ là một con người tài năng xuất chúng mà còn là một người anh hùng thực sự, bất bình trước sự tiêu cực của triều đình phong kiến, ông đã cùng những người chiến hữu đứng lên đấu tranh, kể cả khi thất bại và đứng trước án tử thì ông vẫn luôn ung dung, kiêu bạc thậm chí còn tỏ ra thái độ thách thức đối với triều đình phong kiến cũng như coi khinh những tên quan hách dịch.
Bản lĩnh hơn người là điều không thể không nhắc đến khi nói đến nhân vật Huấn Cao. Ông là người dám đấu tranh, hiên ngang đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cả với cái chết đang cận kề. Tính cách này, bản lĩnh này ta sẽ thấy được khi theo dõi toàn bộ truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Bởi từ đầu đến cuối,Huấn Cao chưa từng một lần bộc lộ ra sự lo lắng hay sợ hãi trước cái chết, thậm chí ông còn vô cùng bình thản, ung dung khi đếm còn bao nhiêu ngày nữa thì lĩnh án tử. Hay ở thái độ thách thức, coi thường, chế giễu những viên quan bất chính, tàn ác, sống bằng xu nịnh, giả tạo.
Huấn Cao là một người có phẩm chất cao đẹp, lối sống thanh bạch nhưng lại vô cùng cứng cỏi, kiêu bạc. Điều này ta có thể thấy được trong cách ứng xử, thái độ coi thường của Huấn Cao với viên quản ngục. Khi chưa biết về con người thực của viên quản ngục thì dù được tiếp đãi hậu hĩnh thì ông vẫn dùng những lời lẽ coi thường dành cho hắn ta, qua đó ta thấy được sự ngay thẳng trong tính cách, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng không dễ bị xoay chuyển, dù đối mặt với cái chết thì cũng không luồn cúi, xu nịnh hay dè dặt trước uy quyền.
Huấn Cao cũng là một con người chính trực, biết trọng cái đẹp, vì ngay khi biết mình hiểu lầm viên quản ngục thì ông đã thấy áy náy và quyết định tặng chữ cho viên quản ngục ngay trong cái tối tăm của nhà lao. Không những vậy, ông còn khuyên viên quản ngục thay đổi môi trường sống để không làm tổn hại đến phẩm chất thanh sạch vốn có.
Viên quản ngục là một viên quan chuyên giám sát, cai quản ở các nhà lao, thường thì những viên quan này thường vô cùng độc ác, tàn nhẫn không từ bất kì một thủ đoạn nào để hành hạ, buộc các phạm nhân phải nhận tội. Nhưng ấn tượng của ta về viên quản ngục trong truyện ngắn này lại hoàn toàn khác, đó là một con người “liên tài”, biết yêu cái đẹp, trọng người tài.Sự xuất hiện của viên quản ngục ở nhà lao này như một nốt nhạc thanh thoát, vang lên giữa những xô bồ, u ám. Người đọc như thoát ra được cái bức bối của không gian mà cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thanh thoát trong tâm hồn. Như đón nhận được một tia sáng mới giữa không gian u tối bủa vây.
Ngay khi biết Huấn Cao sẽ được giải về nhà lao do mình cai quản thì viên quản ngục vừa có những mong chờ lại có sự day dứt không yên, ông đã dặn thầy thơ lại dọn dẹp lại phòng giam, tiếp đón rượu thịt với Huấn Cao và những người đồng đội. Sự cảm mến chỉ được thể hiện lặng lẽ, dù có muốn xin được chữ của Huấn Cao để làm kỉ niệm nhưng ông không dùng uy quyền,vũ lực để dành được mà mong ước xuất phát từ tấm lòng chân thành, hồn hậu nhất. Cũng vì lẽ đó mà tấm lòng của viên quản ngục đã lay động được Huấn Cao. Khiến cho Huấn Cao có chút day dứt vì xuýt chút nữa đã “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Và đó cũng chín là yếu tố quan trọng tạo ra khung cảnh cho chữ đầy cảm động.
Từ đầu đến cuối, dù thái độ của Huấn Cao dành cho viên quản ngục là coi thường, thách thức nhưng viên quản ngục vẫn luôn dành cho Huấn Cao một sự cảm mến đặc biệt, dùng quyền lực của bản thân để ưu ái cho Huấn Cao khi ở nhà tù của mình. Như vậy ta có thể thấy sự tiếp đãi của viên quản ngục với Huấn Cao hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chân thành, sự ngưỡng mộ thầm kín, hoàn toàn không vụ lợi cá nhân. Một tâm hồn đẹp, một nhân cách đẹp như vậy làm sáng bừng lên cái u ám, đen tối của tội ác nơi ngục tù. Và tấm lòng này cuối cùng cũng được thấu hiểu, đồng cảm bởi Huấn cao, người mà ông ta hết lòng coi trọng, ngưỡng mộ.
Và ngay khi nghe Huấn Cao khuyên ông hãy rời chốn xô bồ, tắm tối của nhà tù để tìm một môi trường sống khác, giữ cho thiên lương được trong sạch, viên quản ngục đã quỳ lạy và xin bái lĩnh. Tuy truyện ngắn “Chữ người tử tù” kết thúc ở chi tiết đó, cái kết được hé mở, không ai biết rằng sau đó viên quản ngục sẽ như thế nào? Nghe theo lời khuyên của Huấn Cao, tìm nơi trong sạch để sống hay tiếp tục làm công việc quản ngục nơi nhà lao u tối này. Nhưng xét vào thái độ chân thành, xúc động của viên quản ngục khi nhận những lời khuyên của Huấn Cao,ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng sau đó viên quản ngục sẽ thay đổi môi trường sống, tìm nơi trong sạch để thiên lương không bi vấy bẩn.
Kết luận bài văn Phân tích cái đẹp trong truyện ngắn Chữ người tử tù
“Chữ người tử tù” mở ra một bối cảnh đặc biệt, đó là không gian của nhà lao, đó là cái tăm tối, u ám của tội ác của cái xấu. TRong sự bủa vây trọn vẹn đó vẫn có những con người như những luồng sáng thoát ra, sưởi ấm cả không gian,làm ấm lòng độc giả, đó là một con người tài năng, chính trực, sống một đời anh hùng, hiên ngang kiêu bạc, là một con người sống giữa tội ác, lọc lừa nhưng vẫn giữ được những phẩm chất thanh cao, đáng quý.
DÀN Ý PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG TRUYỆN TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” 7
I.Mở bài
Giới thiệu về tình huống truyện.
Giới thiệu tình huống truyện trong “Chữ người tử tù”.
Giống như thơ cần một “nhãn tự”, truyện ngắn cùng cần một tình huống truyện hay. Tình huống tựa như cột sống của tác phẩm để nhà văn bộc lộ nhân vật, thể hiện đời sống và tái hiện quan niệm chính bản thân. Qua tình huống mà ta thấy đời, thấy người và thấy cả người nắm ngòi bút. Qua tình huống truyện “Chữ người tử tù”, ta cũng thấy được đời, được người và thấy được một Nguyễn Tuân đậm nét như thế.
II.Thân bài
1.Giải thích
Tình huống truyện: là bối cảnh chứa sự kiện đặc biệt mà ở đó cuộc sống hiện lên một cách rõ nét nhất và dụng ý nghệ thuật của nhà văn được thê hiện một cách sâu sắc.
Nguyễn Đăng Mạnh: “Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc nhân vật […]”.
2.Tình huống truyện “Chữ người tử tù”
a.Bối cảnh, sự kiện
Truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao giữa chốn lao tù.
Đó là cuộc gặp gỡ của hai con người khác thường.
Quản ngục là kẻ đại diện cho tăm tối lại khao khát ánh sáng chữ nghĩa.
Huấn Cao là một tử tù bị kết tội phản loạn lại là một nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách cao khiết được người đời ngưỡng mộ.
Sự khác thường này đã tạo tính chất éo le cho tình huống truyện.
b.Tính chất tình huống truyện: éo le
Xét về nghệ thuật: cả hai đều là những tâm hồn đồng điệu, nhân cách cao đẹp, cùng khao khát lưu giữ và bảo tồn cái đẹp.
Xét về xã hội: vị thế hai người đối lập nhau: một bên là kẻ tử tù đang đợi ngày hành quyết, một bên là kẻ cầm quyền đại diện cho pháp luật đang giam giữ phạm nhân.
c.Ý nghĩa của tình huống truyện
Tình huống éo le đã tạo ra kịch tính và sức hấp dẫn cho câu chuyện.
Giống như một lát cắt cuộc sống để bộc lộ tính cách và thể hiện nhân phẩm con người. Nếu Huấn Cao là hiện thân của cái đẹp rực rỡ uy nghi thì quản ngục là vẻ đẹp khuất lấp trong bùn lầy và bóng tối.
Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục làm cho cái đẹp uy nghi được tỏa sáng và làm cái đẹp khuất lấp được phát sáng.
Xét đến cùng thì đây là cuộc gặp gỡ giữa cái thiện và cái đẹp, cái thiện là sợi dây kết nối vẻ đẹp của hai nhân vật.
Thể hiện quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người và quan điểm thẩm mỹ: khẳng định, tô vinh cái đẹp, sự song hành của cái đẹp và cái thiện trong đời sống.
III.Kết bài
Nêu cảm nhận của bản thân về tình huống truyện trong tác phẩm.
Tình huống truyện chỉ như một “lát cắt thân cây” thôi mà thông qua đó ta thấy được “trăm năm đời thảo mộc”. Tình huống truyện “Chữ người tử tù” vừa cho ta thấy được những tấm lòng, những tâm hồn khao khát cái đẹp lại vừa cho ta hiểu một Nguyễn Tuân giàu “thiên lương” và tài năng.
Đề bài:Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù
Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam. Nghiệp sáng tác của ông chia thành hai giai đoạn trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng, ngòi bút của ông thiên về phương châm “Vang bóng một thời-trụy lạc-xê dịch”. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là tác phẩm kiệt xuất trước cách mạng tháng Tám, đã khắc họa thành công hình ảnh Huấn Cao, một kẻ sĩ tài hoa, có tấm lòng thẳng thắn.
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 8
1. Giới thiệu vài nét về tác phẩm và nhân vật.
– Chữ người tử tù là truyện ngắn rút từ tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (1940).
– Đây là truyện ngắn có nội dung tư tưởng sâu sắc và có nhiều thành công về các phương diện nghệ thuật. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm bộc lộ tập trung trong hình tượng nhân vật Huấn Cao.
2. Vẻ đẹp của Huấn Cao trước hết là vẻ đẹp của con người nghệ sĩ tài hoa.
– Huấn Cao có tài viết chữ. Chữ Huấn Cao viết là chữ Hán, loại văn tự giàu tính tạo hình. Các nhà nho thuở xưa viết chữ để bộc lộ cái tâm, cái chí. Viết chữ thành một môn nghệ thuật được gọi là thư pháp. Có người viết chữ, thì có người chơi chữ. Người ta treo chữ đẹp ở những nơi trang trọng trong nhà, xem đó như một thú chơi tao nhã.
– Huấn Cao là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. “Tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” của ông nổi tiếng khắp một vùng tỉnh Sơn. Ngay cả viên quản ngục của một huyện nhỏ vô danh cũng biết “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm (…). Có được chữ của ông mà treo trong nhà là có một báu vật trên đời”. Cho nên, “sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Để có được chữ ông Huấn Cao, viên quản ngục không những phải dụng công, phải nhẫn nhục, mà còn phải dũng cảm. Bởi vì, biệt đãi một kẻ tử tù, là việc làm nguy hiểm, có khi phải trả bằng tính mạng của mình.
3. Huấn Cao là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp.
– Trong truyện “Chữ người tử tù”, khái niệm “thiên lương” được Nguyễn Tuân sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với quản ngục và thơ lại, thì “thiên lương” là tấm lòng yêu quý cái tài, cái đẹp rất chân thành của họ. Với Huấn Cao, thì “thiên lương” lại là ý thức của ông trong việc sử dụng cái tài của mình.
– Huấn Cao có tài viết chữ, nhưng không phải ai ông cũng cho chữ. Ông không bao giờ ép mình cho chữ vì vàng ngọc, hay quyền thế. Ông chỉ trân trọng những ai biết yêu quý cái đẹp, cái tài. Cho nên, suốt đời, Huấn Cao chỉ viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Ông tỏ thái độ khinh bạc vì tưởng quản ngục có âm mưu đen tối gì, khi thấy viên quan ấy biệt đãi mình. Rồi ông “cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài” của quản ngục và thơ lại, khi biết họ thành tâm xin chữ. Ông quyết không phụ tấm lòng của họ, nên mới diễn ra cảnh cho chữ trong tù, được tác giả gọi là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Dàn ý Phân tích Chữ người tử tù 9
I. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
- Khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940).
II. Thân bài
1. Tình huống truyện
+ Không gian: nhà tù - Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.
+ Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.
⇒Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.
- Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường:
⇒Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù
2. Nhân vật Huấn Cao
a. Một người nghệ sĩ tài hoa
- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:
+ có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.
+ “ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.
b. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.
- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:
⇒khí phách, tiết tháo của nhà Nho
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”
⇒phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ... vào đây”.
⇒Không khuất phục trước cường quyền.
⇒khí phách của một người anh hùng.
c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” ⇒trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân
- Khi biết tấm lòng 'biệt nhỡn liên tài'' của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ
⇒Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
- Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”
⇒Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.
⇒Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
3. Nhân vật quản ngục
a. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài
- Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường
- Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao
- Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ... vũ trụ”.
b. Sự khát khao và trân trọng cái đẹp
- Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.
- Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”
4. Cảnh cho chữ
- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”
- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn
- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...
- Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :
+ Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:
+ Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau
- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.
⇒Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.
III. Kết bài
- Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm
- Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mĩ”.
Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 10
A – MỞ BÀI
Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có nguyên mẫu lịch sử từ cuộc đời Cao Bá Quát (1855), một danh sĩ đời Nguyễn mà tài văn thơ và tính cách ngang tàng đã trở thành huyền thoại.
Nguyễn Tuân vốn là một người đề cao chữ “ngông” – một phản ứng với thời đại và cũng là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Do đó Huấn Cao đã thừa hưởng hay nói đúng hơn là phiên bản của hai con người rất tài hoa và đầy khí phách. Đặt trong hoàn cảnh đen tối trước Cách mạng tháng Tám, việc Nguyễn Tuân ca ngợi Huấn Cao có tài, có tâm, có khí phách chính là một ẩn dụ để nhà văn bày tỏ niềm cảm phục với những người đương thời đang dũng cảm chiến đấu vì nước quên mình.
B – THÂN BÀI
1) Một con người tài hoa
Hình tượng Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm trước hết là vẻ đẹp của một người có tài viết thư pháp. Đây là những thủ pháp tinh thông điêu luyện để viết chữ đẹp. Thời xưa, chữ Hán vốn được coi là chữ của thánh hiền và thứ chữ khối vuông ấy có người thì viết như rồng bay phượng múa, có người thì viết cứng cỏi sắc sảo cho nên chẳng những nó có tính tạo hình mà còn ít nhiều biểu hiện tính cách của người viết. Có chữ thánh hiền ở trong bụng đã là con người được tôn trọng. Viết chữ thánh hiền mà không ai bắt chước thì đó là người đặc biệt được tôn trọng trong văn hóa của người xưa. Vì thế thưởng thức chữ đẹp đòi hỏi phải có văn hóa cao, có khả năng thẩm mĩ tinh tế. Chơi chữ trở thành một thú vui tao nhã bậc nhất của người xưa. Có điều thưởng thức chữ đẹp đã khó, sáng tạo chữ đẹp khó gấp bội phần (viết, chạm, khắc thành câu đối, thành hoành phi, thành những bức trung đường; có khi thành bộ tứ bình hay là bức châm…). Do đó người viết chữ đẹp đượccoi là nghệ sĩ và việc sáng tạo ra chữ đẹp đối với người xưa là một thứ nghệ thuật siêu việt.
Trong truyện ngắn này Huấn Cao chính là một nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, Nguyễn Tuân không trực tiếp miêu tả “tay tiên thảo những nét” của Huấn Cao. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân vốn rất thích chi li và luôn muốn quan sát đối tượng một cách trực tiếp. Đọc Người lái đò sông Đà thìrõ
Nguyễn Tuân đãdùng cái thủ thuật “vẽ mây nẩy trăng” một cách gián tiếp qua lời kể chuyện đầy cảm phục của viên quản ngục và viên thơ lại. Ngay khi Huấn Cao chưa đến nhà giam thì quản ngục đã chú ý nét đặc biệt của nhân vật Huấn Cao “người mà vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp… Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”.
Thực ra trong toàn bộ tác phẩm, những băn khoăn tính toán, những mưu mẹo, những biệt đãi, những đau khỗ nhẫn nhục, những hốt hoảng tuyệt vọng và rồi hi vọng được nhen lên, rồi hồi hộp thành kính của viên quan ngục, là những thủ pháp nghệ thuật đầy hiệu quả để Nguyễn Tuân ca ngợi cái tài hoa vừa quý vừa hiếm của ông Huấn Cao.
2) Cái tâm cao cả
Một kì tài như Nguyễn Du khi khép lại Truyện Kiều đã nói những điều gan ruột “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ Nguyễn Tuân cũng rất đồng ý với suy ngẫm của cụ Tố Như và đã xây dựng tính cách ông Huấn Cao nghiêng hẳn về chữ “tâm”. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân rất cực đoan trong việc miêu tả ca tụng hết lời những người có tài. Nói chính xác hơn cái “tài” luôn là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Tuân.
Đọc Chữ người tử tù cảm giác của độc giả kính mến trân trọng Huấn Cao có lẽ không phải vì tài mà có lẽ ở tấm lòng ông ta. Nhân vật Huấn Cao sáng ngời nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân có lẽ là nhờ sự nghiêng lệch của chữ “tâm” này. Huấn Cao được tác giả thể hiện và ca ngợi cái tài của ông luôn đi với cái tâm và Huấn Cao coi trọng trước hết là chữ “tâm” (tâm hồn, đạo đức, nhân cách).
Đối với Huấn Cao chữ đẹp không phải là ở kiểu chữ, ở cách viết mà quan trọng là nội dung của nó, ý nghĩa của nó. Nó có thể biểu hiện những phẩm chất trong sáng nói lên những ước mơ khát vọng cao đẹp của một đời người. Huấn Cao có ý thức rõ rệt khi sử dụng cái tài của mình. Ông biết chọn người để cho chữ “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông không hề vì vàng ngọc và những kẻ có quyền thế cũng không bao giờ ép được ông viết chữ. Xét trong mối quan hệ giữa tài và tâm như thế việc Huấn Cao cho chữ người quản ngục là rất khác thường. Bởi vì chính Huấn Cao đã nói “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”.
Ở đây, quản ngục là kẻ thù của Huấn Cao, là đại diện trực tiếp cho cái triều đình thối tha đã ra bản án tử hình ông. Tuy nhiên, nếuhiểu diễn biến câu chuyện sẽ thấy cái tâm của Huấn Cao thể hiện nổi bật trong việc ông phát hiện và cảm nhận cái tâm của viên quản ngục và viên thơ lại. Mới đầu thấy viên quản ngục biệt đãi mình, Huấn Cao nghi ngờ đấy chính là âm mưu đen tối “hay là hắn muốn đến dò những điều bí mật của ta”. Và vì thế Huấn Cao tỏ thái độ khinh bỉ đến mức tàn nhẫn “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Sau đó nghe viên thơ lại kể về tâm sự và nguyện vọng xin chữ của quản ngục, Huấn Cao hết sức xúc động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy một con người biết coi khinh vàng ngọc như Huấn Cao nhưng rất sợ “một tấm lòng”, rất sợ mình phụ tình người. Dĩ nhiên đó là con người có chất người nhiều nhất, ở đây Huấn Cao trân trọng tấm lòng biết yêu cái đẹp biết quý cái tài, có sở thích cao đẹp. Theo Huấn Cao đó là tấm lòng của những con người còn giữ được thiên lương “là thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Có thể thấy Huấn Cao, viên quản ngục, viên thơ lại, tuy ba người ở ba vị trí khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm chung đó là cái đẹp. Một người biết sáng tạo cái đẹp; một người yêu quý và biết thưởng thức cái đẹp; một người ngưỡng mộ và tôn kính cái đẹp. Cả ba người đều đã chứng tỏ cái đẹp cố một sức mạnh kì diệu. Nó có thể làm cho những người khác nhau về mọi phương diện (đặc biệt là vị trí xã hội) gặp gỡ nhau có sự giao cảm với nhau về tâm hồn. Nói chính xác cái tâm, cái thiên lương cao cả của Huấn Cao đã gặp được cái tâm cái thiên lương đẹp đẽ của viên quản ngục, của viên thơ lại – những người tưởng như là kẻ thù của Huấn Cao.
3) Khí phách anh hùng
Hình tượng Huấn Cao còn hiện lên trong tác phẩm với vẻ đẹp của khí phách anh hùng. Đấy là khí phách chân chính của kẻ sĩ không sợ cái chết, khí phách hiên ngang bất khuất của Cao Bá Quát. Khi Huấn Cao chưa đến nhà giam tỉnh Sơn Tây, chỉ qua những lời trò chuyện của viên quản ngục và viên thơ lại “Y văn võ đều có tài… một tên tù có tiếng là nguy hiểm…” người đọc có thể hình dung những hoạt động anh hùng của Huấn Cao trong cõi đời tự do. Tiếp đó là sự xuất hiện của Huấn Cao trước cửa nhà giam đã cho thấy một tính cách mạnh mẽ ngang tàng. Ở đây thái độ của Huấn Cao là thái độ của một người làm chủ tình thế chứ không phải là một người tử tù đang mang trên vai chiếc gông nặng trĩu. Ông nói với những người bạn tù “rệp cắn tôi đỏ cả cổ lên rồi, phải dỗ gông đi”. Sau đó trước lời đe dọa của tên lính áp giải, Huấn Cao vẫn lãnh đạm không thèm chấp chỉ “chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thanh gông xuống thềm đả tảng đánh thuỳnh một cái”.
Câu nói và hành động ấy không chỉ là sự ngang nhiên, coi khinh bọn lính giải tù mà là sự biểu thị ý chí tự do, muốn làm việc gì thì làm bằng được.
Như vậy Huấn Cao là người bị tù đày về thể xác nhưng vẫn hoàn toàn tự do về tính cách và tư tưởng. Ông là “khách tự do” trong điều kiện nhà tù nghiệt ngã. Tất cả những điều đó gợi liên tưởng đến đôi câu đối vẻ ngỗ ngược ngang tàng của Cao Bá Quát.
Một chiếc cùm lim chân có Đế
Ba vòng xích sắt đứng thì Vương
Những chuỗi ngày trong chốn lao tù chờ ra pháp trường, Huấn Cao vẫn giữ được tư thế cứng cỏi, ung dung đường hoàng trong cách ứng xử. Ông vẫn thản nhiên, vẫn cố ý trả lời viên quản ngục bằng cái giọng “làm ra khinh bạc”. Huấn Cao bình tĩnh “đợi trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục bị sĩ nhục”. Ông không hề sợ hãi bởi vì “đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”. Cùng với tính cách cứng cỏi như thế khi nhận được tin sắp bị giải về kinh chịu án tử hình, Huấn Cao trầm ngâm rồi mỉm cười tưởng như trong giây phút đó ông đã quên cảnh ngộ bi thảm của mình để nghĩ tới cái sở nguyện của viên quan coi ngục là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do ông Huấn Cao viết. Chính vì thế Huấn Cao đã đồng ý cho chữ người quản ngục. Có lẽ bằng hành động ấy ông muốn truyền lại cái tài, cái tâm và khí phách cao đẹp của mình cho người đời sau.
4) Cảnh cho chữ
Tất cả vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao được thể hiện tập trung nhất trong cảnh cho chữ. Đấy cũng là tình tiết khắc họa sâu sắc nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trước hết cảnh tượng xưa nay chưa từng có ấy đã diễn ra trong phòng giam của một kẻ tử tù. Chỉ vài nốt bút vẽ khéo léo, Nguyễn Tuân đã tạo ra vẻ trang nghiêm cổ kính và có phần huyền bí kết hợp với việc cho chữ “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lèn ba cái đầu người đang chăm chú”. Không những thế, Nguyễn Tuân còn sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản. Một bên là “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, rất mới mẻ sạch sẽ, nơi con người sẽ sáng tạo cái đẹp và nâng niu cái đẹp. Đối lập với “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đấy là hình ảnh tượng trưng cho sự xấu xa. Ánh sáng ngọn lửa làm cho cái xấu xa đáng kinh tởm mờ dần, nhường chỗ cho tấm lụa mỗi lúc một sáng đẹp lên, mỗi lúc càng có ý nghĩa hơn lên. Nguyễn Tuân rất có dụng ý miêu tả quá trình: bắt đầu là “tấm lụa bạch”, tiếp theo “người tù đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Cứ mỗi nét chữ được viết thì tấm lụa chuyển thành phiến lụa óng. Khi những nét chữ cuối cùng kết thúc, tấm lụa trở thành “bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn”. Cái tài, cái tâm của Huấn Cao được trọn vẹn nhất khi tấm lụa trở thành bức châm khiến cho cả ba người chỉ cần nhìn nó rồi nhìn nhau đã hiểu tấm lòng tri kỉ.
Sự đối lập tương phản ở nơi nào cho chữ càng làm tăng thêm tínhchất tương phản trong cảnh cho chữ (giữa người cho chữ và kẻ xin chữ). Một bên là Huấn Cao, người tử tù, người đứng đầu bọn phản nghịch “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ”. Một bên là viên quản ngục và viên thơ lại, những kẻ coi tù, những kẻ đại diện cho triều đình bấy giờ. Hành động “run run bưng chậu mực” là thái độ ngưỡng mộ đầy vẻ tôn kính. Trong thế tương phản như vậy, Huấn Cao hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa với một tư thế uy nghi lồng lộng đang ban phát cái đẹp. Sự có mặt của ông tượng trưng cho cái đẹp cao cả. Còn viên quản ngục và viên thơ lại biểu hiện cho tư thế của kẻ chịu ơn, những kẻ nhận sự ban phát cái đẹp. Điều kì diệu là dù có sự tương phản đối lập nhưng ở đây quyền uy lớn nhất chính là cái đẹp đã thống nhất “tam vị nhất thể”. Đây quả là một cảnh tượng chưa từng có, một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, một tấc lòng son của kẻ tri âm dành cho kẻ tri kỉ được tiến hành trong một khung cảnh không thích hợp chút nào.
Huấn Cao không chỉ hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa mà còn như một kẻ sĩ cứng cỏi, có phẩm tiết trong sáng, có cái tâm cao cả, có tinh thần bất khuất. Chính con người rất hiên ngang trước cường quyền bạo ngược, rất coi khinh vàng ngọc, quyền thế ấy cũng là người rất trân trọng và tinh tế trong việc đối xử với người tốt. Cảnh cho chữ đã hiện lên vẻ đẹp của một tấm lòng trọng nghĩa, một cách ứng xử cao thượng đầy tinh thần văn hóa.
Những người nghĩa sĩ anh hùng xưa bao giờ cũng coi trọng đạo nghĩa. Vì chữ nghĩa, vĩ ân trả oán mà họ sẵn sàng coi khinh cái chết. Huấn Cao phát hiện được một nhân cách trong sáng giữa chốn tối tăm. ông không muốn nhân cách ấy bị bóng tối lao tù làm cho u ám. Ông ân cần khuyên bảo viên quản ngục bằng những lời tâm huyết “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng…”. Như vậy Huấn Cao không chấp nhận cái đẹp, cái tài lại chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác. Ông càng không thể chấp nhận một người vừa biết yêu cái đẹp lại vừa dù là bắt buộc phải “nhúng tay vào chàm”. Do đó muốn yêu quí thưởng thức cái đẹp, muốn chăm lo cho nó thì trước hết phải giữ lấy điều thiện ở đời “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Tuy đang trong vai trò của một kẻ tử tù, đang bị uy quyền phong kiến đè bẹp nhưng Huấn Cao vẫn sáng rực rỡ như một con người tự do chủ động với giọng nói của bậc đàn anh. Có lẽ đây cũng là “lời châm” để vạch hướng chỉ đường giải thoát cho người tù chung thân: viên quản ngục.
Điều lạ lùng xưa nay chưa từng xảy ra không phải chỉ vì việc cho chữ (vốn là một thú chơi tao nhã có phần đài các) mà nó diễn ra trong không gian tồi tệ, hơn thế nơi tù ngục bẩn thỉu này không phải cái ác, cái xấu làm chủ tình thế. Trái lại cái Đẹp – cái Thiện – cái Cao cả đã chiến thắng và tỏa sáng. Tất cả đều thấm đẫm trong ánh sáng thuần khiết của vẻđẹp, của thiên lương và khí phách. Đấy cũng chính là chiến thắng vĩ đại của tinh thần bất khuất so với thái độ nô lệ cam chịu.
Và lúc này đã có một sự thay đổi ngôi diễn: kẻ tử tù như một giáo chủ ban ơn khuyên dạy điều hay lẽ phải, còn kẻ coi tù như một đệ tử lễ phép, một người chịu ơn thành kính.
Nếu nói Huấn Cao chẳng hề sợ gì e không ổn. Thực ra người mà Huấn Cao sợ chính lại là kẻ đang vái mình và nói qua dòng nước mắt. Thái độ ấy khiến ta chọt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của họ Cao “Nhất sinh đề thủ bái mai hoa”. Cảnh cho chữ diễn ra thật, cảm động khi ngục quan “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tự xưng là kẻ mê muội tức là viên quan đã chấp nhận lời khuyên của Huấn Cao. Cử chỉ bái lạy người tử tù không chỉ nâng cao nhân cách Huấn Cao mà còn làm thăng hoa tính cách đẹp đẽ của chính viên quản ngục. .
C – KẾT BÀI
Đọc truyện ngắn Chữ người tử tù ta thấy bao phủ một không khí trang nghiêm cổ kính có phần bi tráng. Tác phẩm cho thấy Nguyễn Tuân không chỉ am hiểu sâu sắc và rất yêu quí những điều cao đẹp mà còn có ngòi bút điêu luyện đầy nghệ thuật để làm sống lại những con người, những cảnh sinh hoạt ngày xưa. Chính điều đó càng tăng thêm vẻ đẹp cho hình tượng Huấn Cao. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn này như một áng văn yêu nước trong hoàn cảnh mất nước.
Cảm nhận về cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 11
Mở bài
Bằng ngôn ngữ cổ kính, mới mẻ, giàu màu sắc tạo hình, qua “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã tạo dựng lên được một hình tượng Huấn Cao mang vẻ đẹp lãng mạn, vừa có nhân cách, khí phách, lại vừa có vẻ đẹp nghệ sĩ tài hoa. Vẻ đẹp ấy dường như được kết tinh ở cảnh Huấn Cao cho viên quản ngục chữ tại nhà lao. Đây là đoạn văn thể hiện chủ đề và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Thân bài
Ý1: Tóm tắt bức tranh:
Trong buồng giam chật hẹp, bẩn thỉu, ẩm ướt, đầy phân chuột, phân gián, dưới ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, một người cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang tô đậm những nét chữ trên nền lụa trắng tinh; hẳn đây là những dòng chữ cuối cùng của đời ông. Còn bên cạnh viên quản ngục “khúm núm” và thấy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Không gian bên ngoài yên tĩnh, chỉ văng vẳng tiếng mõ trên chòi canh. Bằng một vài chi tiết sống động, gợi cảm và rất tạo hình như thế, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ được một bức tranh thật xúc động, vừa trang trọng, vừa thiêng liêng.
Ý2: Vì sao có cảnh ấy?
Vì sao lại có cảnh độc đáo nói trên? Truyện “Chữ người tử tù” chỉ có hai nhân vật chính: một tên phản nghịch nay bị khép vào tội tử tù; đang chờ ngày ra pháp trường, nhưng rất có tài, đặc biệt là tài viết chữ đẹp. Còn người kia là một viên quản ngục mê chữ đẹp, kính phục tài năng của tên tử tù và hằng khao khát có được chữ của tên tử tù kia. Trên bình diện quan hệ xã hội thì họ là kẻ tử thù của nhau, nhưng trên bình diện chữ tâm và cái đẹp thì họ là tri âm tri kỉ của nhau. Sự gặp gỡ của họ tạo nên một tình huống oái oăm, đầy kịch tính, làm nổi bật tính cách của mỗi người. Là người giàu chữ tâm, có lòng tự trọng, có khí phách, khinh thường hết thảy những kẻ cam tâm làm nô lệ và tiền bạc, quyền lực phi nghĩa. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ra hết sức khinh bạc tên quản ngục. Nhưng khi biết rõ viên quản ngục có sở thích cao quý, yêu cái đẹp, Huấn Cao đã lập tức thay đổi thái độ và đã tặng chữ cho viên quản ngục và “cái đêm hôm ấy” để tỏ thái độ cảm kích, trân trọng của một người nghệ sĩ đối với một tri kỉ.
Ý3: Đây là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
– Đúng là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Điều lạ lùng chưa từng có ở đây trước hết là việc viết chữ và cho chữ vốn là một thú chơi tao nhã có phần thanh tao của những bậc tài hoa nghệ sĩ đáng lẽ phải diễn ra ở nơi cảnh lầu son gác tía gió mát, trăng thanh, lộng ngát hương hoa, nhưng ở đây lại diễn ra trong khung cảnh nhà lao tăm tối, ẩm ướt, bẩn thỉu. Hơn thế, người nghệ sĩ viết chữ đẹp lại là tên tử tù đang bị gông xiềng và chỉ sáng hôm sau là bị giải về kinh chịu tội chặt đầu.
– Điều lạ lùng chưa có chính là trong cảnh tù ngục tăm tối đó, không phải là cái ác, cái bạo tàn đang thống trị mà chính là cái đẹp, cái tài hoa đang lên ngôi. Bằng thủ pháp đối lập, tương phản đặc sắc, Nguyễn Tuân đã làm nổi rõ đây là sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối; của cái thiện trước cái ác; của cái đẹp trước cái xấu xa, nhơ bẩn; của cái cao cả trước cái thấp hèn; của tinh thần bất khuất hiên ngang trước thái độ cam chịu nô lệ. Đó cũng chính là sự chiến thắng của tính cách trước hoàn cảnh. Thật là lạ lùng không bình thường một chút nào. Vì tên tử tù thì nổi bật lên uy nghi, cao lồng lộng, còn viên quản ngục và tên thơ lại, những kẻ đại diện cho xã hội đó thì “khúm núm”, “run run” trước tên tử tù kia.
Hãy phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân 12
Mở bài : Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, dẫn vào truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Nêu vấn đề : Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao hội tụ nhiều vẻ đẹp.
Thân bài :
Khái quát : Nêu xuất xứ, thời gian sáng tác, tóm tắt truyện.
Phân tích :
Vẻ đẹp của sự tài hoa.
Vẻ đẹp của khí phách ngang tàng.
Vẻ đẹp của thiên lương trong sáng.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, đặc sắc (cuộc gặp gỡ và mối quan hệ éo le, trớ trêu giữa viên quản ngục và Huấn Cao).
Sử dụng thành công thủ pháp đối lập, tương phản.
Xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao – con người hội tụ nhiều vẻ đẹp.
Ngôn ngữ góc cạnh, giàu hình ảnh, có tính tạo hình, vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Kết bài :
Kết luận chung về đặc điểm nhân vật. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật.
Cảm nghĩ về tác giả.
Hãy phân tích cảnh cho chữ 13
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân: Một nhà văn tài hoa uyên bác
- Giới thiệu truyện ngắn Chữ người tử tù và cảnh cho chữ: Chữ người tử tù là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân và cảnh cho chữ là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng thấy” trong truyện ngăn này
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh diễn ra cảnh cho chữ
- Vị trí: Cuối tác phẩm
- Hoàn cảnh: Trong đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải ra pháp trường chịu án chém
2. Nội dung cảnh cho chữ:
• Cảnh cho chữ diễn ra trong:
- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”
- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn
- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...
• Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :
- Thông thường, việc cho chữ, xin chữ thường được diễn ra ở những nơi thanh cao; ở đây lại diễn ra trong buồng giam tối tăm, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
- Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:
+ Người cho chữ: Huấn Cao- người tử tù sắp chịu án chém, bị mất tự do lại nổi bật và đẹp đẽ, hiên ngang dậm tô nét chữ vuông tươi tắn ⇒trở thành người nghệ sĩ.
+ Người nhận chữ: viên quản ngục- một người ngày thường nắm quyền cai quản tù nhân trong tay nay khúm núm, kính cẩn thu những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ
- Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau: trong cảnh có sự đối lập giữa cảnh vật, đồ vật, màu sắc, âm thanh, mùi vị...một cách gay gắt để làm nổi bật bức tranh bi hùng, đó là sự đối lập giữa: Ánh sáng - bóng tối, cái thiện- cái ác, cái đẹp- cái xấu xa, cái cao cả- cái thấp hèn, tự do- ràng buộc, thơm tho( mùi mực)- ẩm mốc( mùi nhà giam phân chuột, phân gián)
⇒Tất cả những lí do trên đã làm nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
• Bài học về lẽ sống
Huấn Cao khuyên quản ngục thay chốn ở (khuyên về nhà quê) rồi hãy nghĩ tới việc chơi chữ bởi nếu cứ tiếp tục ở chốn "lao xao" thì sẽ " khó giữ thiên lương cho lành vững" .
⇒Sâu xa hơn việc cho chữ chính là bài học về lẽ sống rất chân thành.
• Sự thức tỉnh của người quản ngục
Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.
3. Nghệ thuật xây dựng cảnh cho chữ
- Bút pháp lãng mạn lí tưởng hóa
- Nghệ thuật đối lập
- Khả năng dựng cảnh và tài năng ngôn ngữ tài tình
- Nhịp văn chậm rãi càng làm cho những câu, chữ ấy thấm sâu hơn vào lòng độc giả.
4. Ý nghĩa cảnh cho chữ
- Giữa chốn ngục tù tàn bạo, chính người tử tù lại là người làm chủ.Nhưng nhìn sâu xa hơn,trong khoảnh khắc ấy, cả hai dường như rũ bỏ mọi sự ràng buộc lễ giáo để trở thành những tâm hồn tri kỉ, đồng điệu.
- Qua cảnh tượng này, chủ đề tác phẩm đượcthể hiện sâu sắc , đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, của cái thiện đối với cái ác...
- Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiện lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.
⇒ Đoạn văn thể hiện sâu sắc quan điểm tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
III. Kết luận
- Khẳng định lại đây là cảnh tượng tiêu biểu nhất làm nên thành công của tác phẩm
Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao 14
1. Mở bài.
– Vang bóng một thời gồm 11 truyện viết về một thời đã xa, nay chỉ còn vang bóng. Qua tập truyện. Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự bất hòa sâu sắc đối với xã hội buổi giao thời cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX ở nước ta và ca ngợi những nhà nho tài hoa không chịu vứt bỏ lương tâm, chạy theo danh lợi, vẫn giữ thiên lương cao đẹp.
– Một trong những nhân vật tiêu biểu là Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
– Ta hãy phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao, một hình tượng có tính cuốn hút mãnh liệt về khí phách, tâm hồn và tài hoa.
II. Thân bài
A. CON NGƯỜI MANG NÉT ĐẸP CỦA KHÍ PHÁCH, TƯ THẾ
Bằng một thứ văn xuôi điêu luyện gợi được không khí cổ kính của một thời đã qua, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công những nét tính cách nhân vật.
1. Một con người tự trọng, sống hiên ngang bất khuất.
– Tự trọng, không ham quyền và hám lợi: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
– Hiên ngang bất khuất: “…những người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người tu, người ta cũng còn chẳng biết ai nữa…”
2. Chí lớn không thành, coi thường gian khổ, kể cả cái chết kề bên,
– Chống lại triều đình, bị bắt giam tử ngục, vẫn coi thường: “Đến cái cảnh chết chém, ông cũng chẳng sợ nữa …”
– Có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng: Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt của viên quản ngục, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, dù đang bị giam cầm.
3. Khinh bỉ những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị.
– Dưới mắt ông, chúng chỉ là là tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng, dù ở giữa cảnh tàn nhẫn, lừa lọc, giữa một dõng cặn bã.
– Thái độ và ngôn ngữ nhân vật cực kì khinh bạc. Sau khi viên quản ngục khép nép hỏi Huấn Cao có cần gì nữa không, ông đã trả lời như tát nước vào mặt đối phương: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
Khí phách đó, tư thế đó luôn luôn hiên ngang lồng lộng giữa cái nền xám xịt của ngục tù.
B. CON NGƯỜI MANG NÉT ĐẸP CỦA TÂM HỒN, TÀI HOA
1. Tâm hồn cao quý
Huấn Cao ca ngợi thiên lương, tức là cái bản chất tốt đẹp của con người: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã (…) Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của nhân vật Huấn Cao vậy.
2. Yêu cái đẹp và cảm thông với người yêu quý cái đẹp.
Huấn Cao kiêu bạc là thế, nhưng khi hiểu được tấm lòng chân thành của ngục quan, ông vui vẻ nhận cho chữ, mà còn tỏ ra cảm động. “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
3. Rất mực tài hoa
– Thư pháp (phép viết chữ, nghệ thuật viết chữ Hán) vốn là một thú tao nhã của người xưa, bên cạnh cầm, kỳ, thi, họa. Ông Huấn có tài viết chữ đẹp, “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm.
– Cái tài hoa ấy chỉ dành riêng cho người tri kỉ: “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Và lần này như một ngoại lệ, ông cho chữ viên quản ngục, vì “Ta cảm cái tấm lòng biệt liên tài của các người”.
– Con người ấy đã thực hiện lời hứa với viên quản ngục, thể hiện cái tài hoa tuyệt thế của mình trong một khung cảnh đầy xúc động. Bằng hiện pháp đối lập, Nguyễn Tuân đã làm toát lên chủ đề của truyện trong đoạn cuối truyện.
– Cái cao đẹp (viết chữ vốn là một việc thanh cao, long trọng, với lụa tràng, mực thắm, nét chữ vuông tươi tắn) đối lập với cái dơ bẩn (cảnh buồng nhà ngục tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián).
– Hình ảnh kì vĩ của người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ đối lập với hình ảnh co ro của thầy thơ lại run run bưng chậu mực và của viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ (…), chắp tay vái người tù một vái.
Tất cả thể hiện ý nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh từ nơi tội ác ngự trị, giữa mảnh đất chết (nhà ngục), bởi một con người sắp chết (tử tội Huấn Cao). Còn lời Huấn Cao khuyên viên quản ngục lại mang ý nghĩa bổ sung: cái đẹp không thể cũng sống chung với tội ác.
C. HÌNH TƯỢNG CAO ĐẸP CỦA NHÂN VẬT
1. Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù tượng trưng cho cái đẹp của khí phách, của tài hoa hòa hợp cái đẹp của thiên lương.
2. Nhân vật Huấn Cao, cũng như nhiều nhân vật chính diện khác trong Vang bóng một thời, nhất thiết phải là một con người tài hoa. Song ở Huấn Cao, bên cạnh cái tài hoa, còn có vẻ đẹp khí phách của một con người có trách nhiệm đối với thời cuộc và cái đẹp của thiên lương. Đó cũng là nét độc đáo của hình tượng nhân vật Huấn Cao, so với các nhân vật khác trong Vang bóng một thời.
III. Kết bài.
Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù” mang tính cổ kính qua hệ thống ngôn ngữ, lối suy nghĩ, cung cách đối xử… toát lên không khí của một thời mà nay đã thành vang bóng. Nghệ thuật ấy cũng mang tính hiện đại với những đoạn phân tích ý nghĩa sâu kín, diễn biến tâm lí nhân vật một cách tinh tế.
Nhân vật Huấn Cao, con người có trách nhiệm đối với đất nước, hiện lên trong truyện với một thái độ tôn sùng của Nguyễn Tuân. Đây cũng là sự giãi bày kín đáo niềm “… khát khao theo đuổi một lí tưởng cao cả của người thanh niên Nguyễn Tuân khi mới bước chân vào đời”
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn “Chữ Người Tử Tù”15
1, Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và những nét đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông.
– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Chữ người tử tù” (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)
2, Thân bài
Tình huống truyện
– Cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục nơi chốn ngục tù trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao
– Ý nghĩa:
+ Tăng kịch tính và sức hấp dẫn cho tác phẩm
+ Giúp nhân vật bộc lộ tính cách
+ Góp phần thể hiện quan điểm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
Nhân vật Huấn Cao
– Là người có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng khắp nơi:
+ Lời khen của viên quản ngục và thầy thơ lại
+ Viên quản ngục luôn khát khao, ao ước có chữ ông Huấn để treo trong nhà
– Là người có khí phách hơn người, bất khuất và hiên ngang
+ kẻ “chọc trời khuấy nước”, là người dám cầm đầu cả một cuộc đại phản chống lại triều đình để không đi lại lề lỗi cũ
+ Người khiến cho bọn lính mới nghe tên cũng phải dè chừng, lo lắng
+ Thái độ “dỗ gông’ đầy bản lĩnh
– Người có thiên lương trong sáng:
+ Không vì vàng bạc, quyền lực mà ép mình cho chữ
+ Cho chữ viên quản ngục vì cảm tấm lòng của viên quản ngục.
Nhân vật viên quản ngục
– Người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”
+ Chưa từng gặp Huấn Cao nhưng lại rất kính trọng ông
+ Cách đối xử, thái độ của viên quản ngục khi Huấn Cao ở tù
Cảnh cho chữ
– Diễn ra nơi chốn ngục tù ẩm ướt trong một đêm tối tĩnh mịch
– Hình tượng diễn ra: “ba con người chụm nhau dưới ánh sáng của bó đuốc đang dậm tô những nét chữ”
– Là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có
– Ý nghĩa:
+ Góp phần thể hiện tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật
+ Góp phần thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
3, Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của thiên truyện “Chữ người tử tù” và tài năng của Nguyễn Tuân được thể hiện qua tác phẩm.
– Nêu những cảm nghĩ của bạn về tác phẩm này.
Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 16
1. Mở bài:
– Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Nguyễn Tuân: Yêu thích, đam mê cái đẹp, luôn tìm tòi, khám phá và đưa chúng vào trong văn chương để tôn vinh, ngợi ca
+ Truyện ngắn “Chữ người tử tù” : trích tác phẩm “Vang bóng một thời” với 11 truyện ngắn
– Nội dung: cảnh cho chữ trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”
– Đánh giá chung
2. Thân bài:
* Không gian, thời gian:
– Lúc đêm khuya
– Tại trại giam vùng tỉnh Sơn chỉ còn tiếng mõ trên vọng canh, buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián
– Ánh sáng phục vụ cho việc cho chữ: bó đuốc được tẩm dầu
* Hình ảnh đối lập:
– Ánh sáng và bóng tối
+ Bóng tối nơi nhà tù đặc quánh như bao trùm, phủ kín tất cả
+ Ánh sáng vẫn cứ cháy rừng rực, không chịu lu mờ trước bóng tối dày đặc
=> Không còn đơn thuần là ánh sáng vật lí, ánh sáng tỏa ra từ bó đuốc tẩm dầu nữa mà nó đã được nâng cao thành ánh sáng của nhân sinh, ánh sáng của thiên lương, ánh sáng của những tâm hồn đẹp biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ cái đẹp.
* Tư thế của con người:
– Huấn Cao: một người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên một tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván
– Quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm
– Thầy thơ lại gầy gò, run run bưng chậu mực
=> Sự chuyển giao về quyền lực, ngôi bậc
* Lời khuyên nhủ của Huấn Cao với quản ngục hay còn được coi là một chúc thư về lẽ sống gắn liền với giá trị của cái đẹp
=> Nó giúp khai tâm, cảm hóa con người trở về với cuộc sống lương thiện.
* Khái quát nghệ thuật:
* Liên hệ mở rộng (có thể đan xen vào bài viết)
3. Kết bài:
– Khái quát lại nội dung
– Phát biểu cảm xúc cá nhân
Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 17
I. Mở bài:
- Nguyễn Tuân là nhà văn yêu cái đẹp và luôn hướng tới nó. Văn ông không thiếu những con người, những hoàn cảnh đẹp đến hoàn bích mà cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù là ví dụ điển hình.
- Trong tác phẩm Chữ người tử tù thì cảnh cho chữ chính là trung tâm của mọi giá trị nghệ thuật, nó vừa khắc họa chân dung người tử tù hiên ngang, thi vị lại vừa thể hiện được tư tưởng nhân văn sâu sắc.
- Cảnh cho chữ là một áng văn "xưa nay chưa từng có"
II. Thân bài
1. Tóm tắt hoàn cảnh trước khi cho chữ
- Người tù Huấn Cao: vốn là người có tâm hồn phóng khoáng, thích tự do và chán ghét những kẻ nhũng nhiễu nhân dân. Ông còn là người nghệ sĩ tài năng yêu thích cái đẹp và luôn giữ gìn thiên lương trong sáng. Huấn Cao cũng có nguyên tắc riêng của mình, ông viết chữ nổi tiếng nhưng chỉ cho những người ông quý, không bao giờ cúi đầu trước uy quyền và đồng tiền.
- Quản ngục: một người có thiên lương, biết quý trọng người hiền và yêu cái đẹp nhưng lại làm nghề quản ngục. Khao khát được chữ của Huấn Cao treo trong nhà là khao khát lớn đời ông.
- Cảnh cho chữ diễn ra trong ngục tối.
- Trong bối cảnh giữa một người tù và một tên quản ngục, ban đầu Huấn Cao không nhận ra tấm lòng của viên quản ngục nhưng sau đó người tử tù không thể từ chối mong muốn chính đáng của một người biệt nhỡn liên tài.
2. Diễn biến cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
- Thời gian: Tình huống cho chữ diễn ra hết sức tự nhiên trong thời gian giữa đêm nhưng lại là thời gian cuối cùng của một con người tài hoa.
- Không gian: Cảnh cho chữ thiêng liêng lại được diễn ra trong cảnh u ám của ngục tối. Bối cảnh được khắc họa trên nền đất ẩm thấp, mùi hôi của dán, chuột…
- Người cho chữ là người tử tù nhưng oai phong, đang trong tư thế ban ân huệ cuối cùng của mình cho người khác. Kẻ xin chữ lẻ ra là người có quyền hành hơn nhưng cúi đầu mang ơn.
3. Giải thích tại sao Cảnh cho chữ là cảnh tượng xưa nay chưa từng có:
- Thông thường người ta chỉ sáng tác nghệ thuật ở nơi có không gian rộng rãi, trang nghiêm hay ít nhất là nơi sạch sẽ, đằng này cảnh cho chữ lại diễn ra nơi cái ác ngự trị.
- Người nghệ sĩ làm ra tác phẩm nghệ thuật phải thật sự thoải mái về tâm lí, thể xác trong khi Huấn Cao phải đeo gông, xiềng xích và nhận án tử vào ngày hôm sau.
- Người quản ngục là người có quyền bắt buộc kẻ tử tù nhưng ngược lại kẻ tử tù lại ở vị thế cao hơn có quyền cho hay không cho chữ.
4. Ý nghĩa của cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
- Ca ngợi tấm lòng thiên lương của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục
- Ca ngợi sự chiến thắng của cái đẹp dù ở nơi u ám nhất.
- Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn trong con người của Huấn Cao từ đó thể hiện quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân.
III. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề
Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 18.
1. Mở bài:
* Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:
- Nguyễn Tuân (1910 - 1987), quê ở làng Nhân Mục, ngoại thành Hà Nội.
- Là người có bản lĩnh cứng cỏi trong cuộc sống và trong sáng tác văn học. Có trình độ hiểu biết uyên bác, có những sáng tạo độc đáo, phong phú trong cảm nghĩ cũng như trong lời văn.
- Sự nghiệp sáng tác : Sở trường là truyện ngắn và tuỳ bút. Các tác phẩm nổi tiếng như Vang bóng một thời, Tuỳ bút kháng chiến, tuỳ bút Sông Đà, tuỳ bút Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi...
- Chữ người tử tù là truyện ngắn xuất sắc, in trong tập Vang bóng một thời, xuất bản năm 1940. Nội dung kể về một viên quản ngục mến mộ tài năng, khí phách của người tử tù là Huấn Cao nên tìm mọi cách để xin ông cho chữ quý. Thông qua đó, tác giả khẳng định và ca ngợi giá trị bất hủ của Cải Đẹp ở đời.
2. Thân bài:
* Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù.
+ Bối cảnh của truyện:
- Nhà tù tỉnh Sơn, vào khoảng cuối thế kỉ 19.
- Một nhóm tù nhân bị áp giải từ nơi khác đến giam tại đây, chờ ngày lãnh án tử hình vì tội phản nghịch chống lại triều đình. Người đứng đầu nhóm là Huấn Cao, nổi tiếng văn hay chữ tốt.
- Buồng giam tối tăm, chật hẹp, nơi giam giữ Huấn Cao trong đêm cuối cùng, trước khi ông bị giải vào kinh thọ tội.
+ Nội dung của truyện: Ba thái độ đối với Cái Đẹp ở đời.
- Thái độ huỷ diệt: Thể hiện qua sự hỗn láo, hách dịch của lũ lính tráng nơi nhà ngục đối với Huấn Cao và nhóm bạn tù của ông. Thể hiện qua mệnh lệnh của những tên quan tại to mặt lớn ở Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, Hình bộ Thượng thư, ty Niết, triều đình quốc gia... Đó chính là bộ máy huỷ diệt tài năng, đức hạnh... với mục đích cố giữ lấy ngai vàng bẩn thỉu. (Dẫn chứng).
- Thái độ thứ hai: Quý trọng, kính phục tài năng, nghĩa khí. Thể hiện qua hai nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại. Cảm phục Huấn Cao qua lời đồn, qua những gì được tận mắt chứng kiến về Huấn Cao, người có đủ cả tài văn lẫn võ, nhất là tài viết chữ Hán đẹp nổi tiếng. Viện quản ngục trân trọng tài năng của Huấn Cao, bất chấp hiểm nguy, tìm mọi cách để xin chữ quý - một báu vật ở đời.
- Thái độ thứ ba: Sự đại lượng của bậc chính nhân quân tử, thể hiện qua nhân vật Huấn Cao. (Dẫn chứng).
* Quang cảnh đêm cho chữ:
- Là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, vừa lạ lùng vừa đẹp như một ảo ảnh. (Dẫn chứng).
- Viết xong, ông Huấn Cao đỡ viên quản ngục đứng dậy, khuyên ông ta nên rời bỏ chốn cửa ngục u ám, về quê sinh sống để giữ thiên lương cho lành vững, xứng đáng với thú chơi chữ đẹp.
- Viên quản ngục nghẹn ngào, cảm động trước hành động và lời khuyên của người tử tù tài năng, khí phách và đức độ.
3. Kết bài:
- Nguyễn Tuân gửi gắm vào trong truyện nỗi tiếc nuối sâu xa đối với một con người tài giỏi, nghĩa khí, một nhân cách lớn lao ở giai đoạn chế độ phong kiến suy vong và niềm tin vào sự cảm hoá mạnh mẽ của Cái Đẹp.
- Tác giả khẳng định dù cuộc đời đen tối đến đâu thì trong nhân dân vẫn có những tấm lòng đáng quý.
Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. 19
1. Phân tích đề
- Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung, nghệ thuật, các chi tiết trong tác phẩm nhằm làm sáng tỏ những tư tưởng tác giả gửi gắm và giá trị của tác phẩm
- Phương pháp làm bài: sử dụng thao tác phân tích
2. Các luận điểm chính cần triển khai
Luận điểm 1: Tình huống truyện đặc biệt làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao
Luận điểm 2: Huấn Cao là hình tượng của vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang
Luận điểm 3: Cảnh cho chữ là “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”: sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp
3. Lập dàn ý
I. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Tuân: là một nhà văn vô cùng tài hoa, uyên bác.
- Giới thiệu chung về tác phẩm "Chữ người tử tù".
II. Thân bài:
a. Tình huống truyện đặc biệt
- Huấn Cao - một tử tù và viên quản ngục tình cờ gặp nhau và trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao nơi quản ngục làm việc.
- Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị.
b. Vẻ đẹp các nhân vật
* Nhân vật Huấn Cao
- Huấn Cao được lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát - một con người lỗi lạc thời trung đại.
- Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa:
+ Là người có “tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp”. Hơn thế mỗi con chữ của Huấn Cao còn chứa đựng khát vọng, hoài bão tung hoành cả đời người.
+ “Có được chữ ông Huấn là có được báu vật ở đời”.
⇒Ca ngợi nét tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình: kính trọng những con người tài hoa tài tử, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc
- Là anh hùng có khí phách hiên ngang
+ Thể hiện rõ nét qua các hành động: dỗ gông, thảm nhiên nhận rượu thịt
+ Trong mọi hoàn cảnh khí phách hiên ngang ấy vẫn không thay đổi
- Là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả
+ Quan niệm cho chữ: trừ chỗ tri kỉ ngoài ra không vì vàng bạc châu báu mà cho chữ
+ Đối với quản ngục:
Khi chưa hiểu tấm lòng quản ngục Huấn Cao cho hắn là kẻ tiểu nhân tỏ ra khinh biệt " Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn từ có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa".
Khi nhận ra tấm lòng quản ngục Huấn Cao không những cho chữ mà còn coi quản ngục là tri âm tri kỉ.
⇒Huấn Cao là hình tượng của vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
* Nhân vật quản ngục
- Một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
- Có sở thích cao quý: chơi chữ.
c. Cảnh cho chữ: “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
- Không gian: ngục tối ẩm ướt, bẩn thỉu.
- Thời gian: đêm khuya.
- Dấu hiệu:
+ Người cho chữ là tử tù, người xin chữ là quản ngục
+ Người cho chữ mất tự do cổ đeo gông chân vướng xiềng nhưng vẫn hiên ngang, chủ động trong khi quản ngục - người xin chữ khúm núm, bị động.
+ Tử tù lại là người khuyên quản ngục.
- Sự hoán đổi ngôi vị:
+ Ý nghĩa lời khuyên của Huấn Cao: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi đất chết, nơi tội ác ngự trị nhưng không thể sống chung với cái xấu cái ác. Người ta chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương.
+ Tác dụng: cảm hóa con người.
⇒ Điều lạ lùng ở đây không chỉ là thú chơi chữ tao nhã, thanh cao được thể hiện ở nơi tối tăm bẩn thỉu, người trổ tài là kẻ tử tù mà đặc biệt hơn là trong chốn lao tù tối tăm ấy cảnh cho chữ là sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp, người tử tù sắp chết lại cảm hóa được viên quản ngục. Chính những điều này đã tạo nên hào quang rực rỡ, bất tử cho hình tượng Huấn Cao.
III. Kết bài: Cảm nhận chung về giá trị của tác phẩm
Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân 20
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Chữ người tử tù”: Tác phẩm “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm điển hình cho nét bút trác ấy
2. Thân bài
· Tình huống truyện: Nguyễn Tuân xây dựng nên hình tượng Huấn Cao là thế, một người phi thường
· Những vẻ đẹp độc đáo và tầm vóc phi thường của Huấn Cao:, cái quý giá của chữ Huấn Cao không chỉ vì viết nhanh, rất đẹp, đẹp mà vuông lắm
· Tính cách và tâm hồn của nhân vật viên quản ngục: Nhưng may sao ở viên quan ngục lại có một tấm lòng biệt nhỡn liên tài
· Cảnh cho chữ trong nhà ngục: Cảnh cho chữ đáng lẽ phải diễn ra nơi trang trọng, đàng hoàng thì lại diễn ra nơi buồng giam chật hẹp
3. Kết bài
Ý nghĩa tác phẩm: Tác giả Nguyễn Tuân đã làm nổi bật thành công hình tượng Huấn Cao và khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp.
Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 21
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Chữ người tử tù” và cảnh cho chữ: Nguyễn Tuân được đánh giá là một cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại
2. Thân bài
· Sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối: Đáng lẽ ra việc cho chữ – việc sáng tạo nghệ thuật phải được thực hiện ở những nơi đàng hoàng, đẹp đẽ
· Sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện với các xấu, cái ác: Trên bình diện xã hội họ là hai kẻ thù của nhau
· Sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu: người tử tù Huấn Cao đã hướng cho viên quản ngục đến một cuộc sống thiên lương
3. Kết bài
Ý nghĩa của cảnh cho chữ: Những dòng chữ cuối đời của Huấn Cao mang ý nghĩa truyền lại cái tài hoa và nhân cách cho những kẻ tri âm.
Phân tích ý nghĩa hình ảnh con chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 22
1. Mở bài:
Nhắc đến Nguyễn Tuân là nhắc đến một nhà văn lớn, 1 người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Bằng khát khao thẩm mĩ và văn tài xuất chúng của mình, Nguyễn Tuân đã dựng lên "Chữ người tử tù" – khúc tráng ca ca ngợi cái đẹp bất diệt để người đọc trăm năm sau vẫn còn thổn thức. Trong tác phẩm ấy, yếu tố "Chữ" hiện lên sáng rực, như là minh chứng cho sự thập toàn thập mĩ của một vẻ đẹp chỉ còn là "Vang bóng một thời".
2. Thân bài:
Con chữ trong tác phẩm là yếu tố quan trọng, không thể thiếu. Tác giả đã tập trung miêu tả con chữ để góp phần khắc họa tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Hơn nữa, "Chữ" ở đây không phải là văn tự thông thường, đó là nghệ thuật thư pháp tài hoa và tuyệt diệu – nghệ thuật chữ tượng hình đẹp và giàu ý nghĩa nhất mà loài người đã tạo ra trong lịch sử văn hóa chữ viết. Chính vì thế mà yếu tố "chữ" đậm nét và đặc sắc hơn.
2.1: Hoàn cảnh xuất hiện yếu tố "Chữ":
+ Con chữ đầu tiên xuất hiện trong nhan đề tác phẩm: "Chữ người tử tù" => như một lời giới thiệu cho bạn đọc về một cái đẹp đang hiện hữu. Dòng chữ ấy đặc biệt bởi nó là chữ của một người tử tù đang đợi ngày lãnh án. => hoàn cảnh đặc biệt
+ Hình ảnh "chữ" xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, là sợi dây xâu chuối các chi tiết, các nhân vật lại với nhau:
+ Nguyễn Tuân không miêu tả trực tiếp nét chữ như thông thường (ông là người có biệt tài khám phá, miêu tả chi tiết, tỉ mỉ) mà ở đây, Nguyễn Tuân vẫn chỉ để cho các nhân vật khác nhận xét về nét chữ của Huấn Cao hoặc để Huấn Cao nhận xét, làm cho yếu tố chữ trở nên hư ảo, tạo mảnh đất cho người đọc liên tưởng, tưởng tượng.
– Quản Ngục nhận xét: "Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm" ; "Báu vật trên đời"
– Huấn Cao nhận xét: "Những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người"
+ Yếu tố "Chữ" xuất hiện trong hoàn cảnh phi thường: Cảnh cho chữ trong ngục tối
– Người cho chữ là tử tù, thân bại, sự nghiệp tiêu tan, chỉ còn một khoảng thời gian ngắn trên đời.
– Cho chữ trong ngục tối
– Người xin chữ là quản ngục
===> Cảnh tượng xưa nay chưa từng có => làm cho yếu tố "chữ" xuất hiện kì lạ, ẩn chứa nhiều ý nghĩa.
2.2: Ý nghĩa của yếu tố "Chữ" trong tác phẩm:
+ Thể hiện vẻ đẹp của Huấn Cao. Đó là tài hoa và nhân cách sáng ngời. Nét chữ là nơi kết tụ tinh hoa và tinh huyết của người Nghệ sĩ thư pháp. Mỗi nét chữ "vuông vắn, tươi tắn" chứng tỏ được cái tài hoa hơn người. Hơn nữa, từng con chữ lại đều là hiện hình của những khát khao thầm kín mà mãnh liệt chất chứa trong tâm khảm, trong nhân cách của người viết. Chữ của Huấn cao là nhân cách cao khiết phi thường của Huấn Cao, nó nói lên cái "hoài bão tung hoành của một đời người"
+ Hình tượng con chữ là biểu tượng cho cái đẹp, cho sự chiến thắng của cái đẹp và chức năng của nó: Cái đẹp xua tan đi bóng đêm, xua tan đi các ác, làm thức tỉnh thiên lương con người, hóa giải hận thù, hướng con người đến ánh sáng, sự lương thiện
– Vì con chữ của Huấn Cao mà thiên lương Quản ngục được thức tỉnh
– Con chữ hóa giải hận thù giữa Huấn Cao và Quản ngục, biến những con người từ kẻ thù thành tri kỉ
+ Hình ảnh con chữ còn thể hiện một nét đẹp truyền thống lâu đời trong sinh hoạt của người Việt: Cho chữ và Nhận chữ. Điều đó cho thấy tấm lòng yêu nước thầm kín của Nguyễn Tuân: vừa trân trọng vừa mong muốn những vẻ đẹp ấy được lưu truyền và mãi mãi bất tử trong lòng người và trong thời gian.
2.3: Đánh giá:
+ Nghệ thuật:
– Hình ảnh "con chữ" được xây dựng thông qua cảm nhận của các nhân vật trong truyện làm nó trở nên khách quan và mang giá trị hiện thực lớn hơn.
– Khẳng định phong cách và tài năng truyện ngắn của Nguyễn Tuân: Viết về những hình ảnh là những nét đẹp có giá trị…
+ Tư tưởng: hình ảnh "chữ" trong tác phẩm trở thành minh chứng cho những vẻ đẹp "Vang bóng một thời", đó là cái đẹp toàn thiện, toàn mĩ….
3. Kết bài:…
Phân tích ý nghĩa hình ảnh con chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân 23
1. Mở bài
Giới thiệu về Nguyễn Tuân và tình huống truyện vô cùng đắt giá cảnh cho chữ giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Khẳng định Nguyễn Tuân chính là bậc thầy trong việc xây dựng tình huống truyện….
2. Thân bài
a. Cảnh cho chữ chính là một việc xưa nay chưa từng có
- Trong một tình huống vô cùng éo le: nhà tù thực dân xung quanh là cái ác và một bên là cái đẹp của nhân cách thiện lương. Qua đó khẳng định cái đẹp bao giờ cũng chiến thắng sự tù túng và xấu xa…
- Thời gian vào lúc đêm khuya trong ánh đèn leo lét của ngục tù…. Trong một không gian tù túng, chật hẹp của nhà tù ba cái đầu người đang chăm chú vào tấm lụa bạch…. Cái ánh sáng leo lét đó mang một dụng ý nghệ thuật lớn lao …
- Ở đây không chỉ có sự đối lập ánh sáng bóng tối theo ý nghĩa vật lí mà còn sâu xa là chứa đựng sự đối lập giữa nhân sinh. Và nó có ý nghĩa cảm hóa đưa con người về đúng giá trị hoàn cảnh của nó.
b. Khẳng định cái đẹp bao giờ cũng chiến thắng cái ác và sự phàm
- Phàm tục dơ bản chính là chốn tù ngục, trong một không gian đầy rẫy phân chuột, phân gián…. Cái đẹp cao thượng chính là màu trắng của tấm lụa, thơm của nghiên mực….Nó tượng trưng cho nhân cách của con người thanh cao và thuần khiết.
- Sự đối lập ấy nhằm khẳng định sự bất bại của cái đẹp nghệ thuật và sự trường tồn của nó trong mọi hoàn cảnh. Dường như nó đã vượt lên cả những sự tù túng tối tăm nơi trại giam.
c. Nghệ thuật không thể tồn tại song hành cùng cái ác và hướng con người đến chân thiện mỹ
- Tình huống thay đổi thứ tự bị hoán đổi: viên quản ngục khúm núm còn ông Huấn Cao đĩnh đạc. Cho thấy cái đẹp bao giờ cũng ở phía trên….
- Nghệ thuật có chức năng cảm hóa và hướng con người đến những cái đẹp chân thiện mỹ. Đưa ông quản ngục trở về đúng hoàn cảnh của mình rời xa chốn quan trường nhiễu nhen này…. Lời khuyên của ông Huấn “ chỗ này không hợp với ông”….
3. Kết bài
Khẳng định lại tình huống truyện đắt giá… Và cái tài của Nguyễn Tuân
Dàn ý phân tích tác phẩm chữ người tử tù 24
1. Mở bài
- Dẫn dắt và giới thiệu tác phẩm.
"Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân được trích từ tập "Vang hóng một thời"- tập truyện được đánh giá là "những nén tâm hương nguyện cầu cho cái đẹp Việt Nam". Truyện kể về nhân vật Huấn Cao được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Cao Bá Quát- lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương, một trí thức phong kiến nổi tiếng tài hoa, có lối sống thanh cao.
2. Thân bài
a) Nhân vật Huấn Cao
* Khi nhập ngục
- Huấn Cao xuất hiện trong thân phận một tử tù nhưng trong mắt quản ngục lại là hiện thân của tài hoa.
- Quản ngục đón Huấn Cao bằng cái nhìn hiền lành, thái độ ngưỡng mộ. Với quản ngục, có được chữ Huấn Cao treo trong nhà như có một báu vật trên trời.
- Huấn Cao, danh tiếng và tài hoa đã tỏa ánh hào quang nơi ngục lao, là người nghệ sĩ của nghệ thuật thư pháp. Thái độ của quản ngục với Huấn Cao thể hiện tình cảm ngưỡng mộ của Nguyễn Tuân với cái đẹp và thái độ trân trọng của nhà văn với văn hóa truyền thống dân tộc.
* Khi ở trong ngục
- Huấn Cao thản nhiên nhận sự biệt đãi của ngục quan, coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình.
- Huấn Cao còn đáp lại ngục quan bằng những lời khinh bỉ và ngạo mạn.
- Thái độ của Huấn Cao với quản ngục là thái độ của một vị trượng phu với uy quyền. Trong mắt Huấn Cao, quản ngục là hình ảnh của cái xấu, cái ác, của cường quyền, bạo lực.
- Thái độ nhẫn nhục, lễ phép của quản ngục lui ra với câu nói lễ phép "xin lĩnh ý" đã làm hiện lên hình ảnh người tử tù kĩ vĩ, uy nghi. Huấn Cao hiện ra với tư thế của một trang anh hùng, khí phách hiên ngang.
* Khi cho chữ
- Hành động cho chữ là hành động của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng, hành động của một người tri kỉ dành cho kẻ tri âm, hành động đón bắt, nâng đỡ ánh sáng của thiên lương.
- Nhân vật Huấn Cao được khắc họa bằng cái nhìn lãng mạn, bút pháp mang tính chất lí tưởng hóa. Vì vậy nhân vật mang vẻ đẹp toàn thiện, toàn mĩ.
- Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân gửi gắm quan nhiệ nghệ thuật thẩm mĩ: cái đẹp bao giờ cũng song hành cùng cái thiện, cái tài luôn sóng đôi cùng cái tâm.
b) Nhân vật quản ngục
* Cách ứng xử với Huấn Cao
- Tình cờ, quản ngục biết được người mà ông ngưỡng mộ, người nắm những con chữ quý giá lại là người tử tù trong tay mình. Nhưng ông bất chấp sinh mệnh để biệt đãi Huấn Cao, một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
- Bị Huấn Cao hiểu lầm, quản ngục vẫn cung kính, giữ lễ.
- Khi nhận tin Huấn Cao sắp bị giải vào kinh chịu án chém, quản ngục lo lắng, sợ nếu không xin được chữ Huấn Cao sẽ ân hận suốt đời.
- Đằng sau thân phận của một ngục quan là tâm hồn của người nghệ sĩ khao khát, say mê cái đẹp, tiếp cận, bảo lưu và giữ gìn cái đẹp.
- * Trong cảnh cho chữ
- Quản ngục khúm núm cất những đồng tiềm kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng.
- Sau khi cúi đầu nghe lời khuyên của Huấn Cao, ngục quan cảm động, vái người tù một cái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
- Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy chính là cái cúi đầu trước cái đẹp, cái tài, cái thiên lương. Chính Cao Chu Thuần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao cũng có một câu thơ thật đẹp, thật sang: “nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai). Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy.
- Tư thế và tâm thế của quản ngục khi nhận chữ và lắng nghe lời khuyên của Huấn Cao đều thể hiện thái độ thành kính. Sự khúm núm và cúi đầu không phải không thể hiện sự ủy mị, hèn nhác, yếu kém mà ngược lại nó làm sáng lên vẻ đẹp nhân cách của một tâm hồn thánh thiện, sự thành kính, sùng tín trước cái đẹp, khí phách và tài hoa giống cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai.
- Nhân vật ngục quan là nơi Nguyễn Tuân gửi gắm quan niệm nhân sinh sâu sắc: ẩn sau trong tâm hồn con người đều ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, khao khát cái đẹp. Hãy nhìn thật sâu để nắm bắt ánh sáng của thiên lương vì đôi khi trong điều kiện của cái xấu, cái ác thì cái đẹp không những không lụi tàn mà còn có sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái ác.
c) Đặc sắc nghệ thuật
- Tình huống truyện độc đáo với những sự kiện kịch tính, giàu ý nghĩa.
- Biện pháo lãng mạn được phát huy cao độ để hướng tới tô đậm vẻ đẹp lí tưởng.
- Ngôn ngữ, văn phong rất riêng, vừa cổ kính vừa hiện đại làm sống dậy trong lòng người đọc không khí thiêng liêng, vabg bóng.
3. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của bản thân.
Qua câu chuyện về người tử tù, tác giả đã khẳng định sự bất tử của cái đẹp, tân vinh những giá trị chân thiện mĩ và kín đáo bộc lộ tấm lòng thiết tha với đất nước. Nhà vă cũng thể hiện quan niệm thẩm mĩ tiến bộ: cái đẹp luôn song hành với cái thiện; quan niệm nhân sinh sâu sắc: sự tin tưởng vào thiên lương con người.
Dàn ý “ Phân tích viên quản ngục trong Chữ người Tử tù” 25
I. Mở bài: giới thiệu Viên quản ngục
Ví dụ:
Truyện ngắn Chữ người tử tù là một câu chuyện được xem là đặc sắc, trong câu chuyện có một tình huống hết sức éo le giữa hai con người hai số phận. câu chuyện nói đến hai người cùng yêu cái đẹp nhưng lại có địa vị xã hội trái người nhau, và đồng thời sự gặp gỡ giữa hai nhân vật này cũng hết sức đặc biệt. nổi bật trong câu chuyện là hình ảnh của viên quản ngục, một con người yêu cái đẹp nhưng lại sống trong một chế độ mục nát, chúng ta cùng đi tìm hiểu nhân vật này.
II. Thân bài: phân tích viên quản ngục trong Chữ người Tử tù
1. Ngoại hình của viên quản ngục:
· Một người tuổi trung niên
· Khuôn mặt như mặt ao
· Viên quản ngục là một người điềm đạm, phúc hậu
2. Tính cách của viên quản ngục
· Viên quản ngục có tâm hồn thuần khiết, yêu cái đẹp
· Ông là một người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu nghệ thuật
· Viên quản ngục có tấm lòng khâm phục những người tài hoa
· Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ, nâng niu cái đẹp, cái có giá trị thẩm mĩ
· Là một con người có tâm hồn trong sáng
3. Nhận xét chung về viên quản ngục
· Xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo
· Có một cách dẫn dắt để thể hiện được nhân vật một cách sâu sắc
· Xây dựng tình huống truyện độc đáo và tinh tế
III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về nhân vật Viên quản ngục trong Chữ người tử tù
Ví dụ:
Viên quản ngục trong Chữ người tử tù là một người có tâm lòng hiền hậu, yêu cái đẹp và có vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc. ông là một trong số ít người còn sót lại với chế độc xã hội mục nát mà yêu cái đẹp, yêu thẩm mĩ.
Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm 26
Mở bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
· Đề cập đến tác giả Nguyễn Tuân cùng tác phẩm nổi tiếng Chữ người tử tù.
· Giới thiệu hình tượng nhân vật Huấn Cao trở thành quan niệm, phong cách sáng tác của nhà văn.
Thân bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
· Nêu những khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: xuất xứ, chủ đề, hoàn cảnh nhân vật…
· Huấn Cao là nhân vật vô cùng tài hoa và nghệ sĩ.
· Hình tượng nhân vật Huấn Cao hiện lên là người có khí phách anh hùng.
· Hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù là người có thiên lương trong sáng.
Kết bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
· Trình bày những đánh giá và đóng góp về hình tượng nhân vật Huấn Cao: Tác giả đã bộc lộ quan niệm tiến bộ về cái đẹp, cụ thể như: Cái đẹp là bất diệt, cái tài đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau…
· Mở rộng vấn đề và cho thấy tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
· Nhà văn đã cho thấy sự trân trọng với những giá trị tinh thần của dân tộc. Điều này cũng thể hiện tình yêu nước sâu đậm của tác giả.
· Nêu một số suy nghĩ của bản thân về hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù.
Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm 27
I. Mở bài: giới thiệu hình tượng nhân vật Huấn Cao
Ví dụ:
Truyện ngắn Chữ người tử tù là một câu chuyện được xem là đặc sắc, trong câu chuyện có một tình huống hết sức éo le giữa hai con người hai số phận. câu chuyện nói đến hai người cùng yêu cái đẹp nhưng lại có địa vị xã hội trái người nhau, và đồng thời sự gặp gỡ giữa hai nhân vật này cũng hết sức đặc biệt. nổi bật trong câu chuyện là hình ảnh của nhân vật Huấn Cao, một nhân vật có tâm hồn rất sâu sắc và có chân lí sống của riêng mình.
II. Thân bài: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người Tử tù
1. Vẻ đẹp của một nghệ sĩ tài hoa:
· Huấn Cao là một nghệ sĩ khác thường, có tài viết chữ rất đẹp, một thú vui tao nhã nhưng ít ai làm được
· Tài viết chữ của ông được thể hiện qua các chi tiết đặc sắc và nổi bật, cho thấy một tài năng xuất chúng
· Nét chữ thể hiện tính cách của ông, khinh danh vọng tiền tài, có tấm lòng yêu nghệ thuật
2. Khí phách hiêng ngang của một anh hùng:
· Ông là người tài năng, có chí khí anh hùng
· Những chi tiết đến nhà lao cho thấy một con người oai phong
· Một con người đầy dũng khí, bất khuất
· Dù sắp chết nhưng vẫn sống oanh liệt
3. Một con người có tâm hồn trong sáng,cao đẹp
· Một con người cân nhắc, xem thường cái xấu xa, sai biết sửa
· Một con người có tài hoa và tâm tốt
III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người Tử tù
Ví dụ:
hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người Tử tù là một hình tượng đẹp đẻ, vừa thể hiện cho cái đẹp vừa thể hiện cho tâm hồn con người sâu sắc.
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân 28
* Gợi ý:
I. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm…
– Là nhà văn “duy mỹ”, suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã thổi hồn vào những trang viết mang đến cho người đọc bao hình tượng đẹp. “Vang bóng một thời” có lẽ là nơi hội tụ những nét đẹp cao quý: thú uống trà đạo, thú chơi thư pháp, thả thơ, đánh thơ…Gắn liền với những thú chơi tao nhã ấy là những con người tài hoa bất đắc chí.
– Chữ người tử tù là tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân trích trong tập truyện ấy và Huấn Cao là nhân vật được ông miêu tả đặc sắc nhất. Đó là anh hùng thời loạn hội tụ những phẩm chất tài năng: tài hoa, khí phách hiên ngang và thiên lương trong sáng.
II. Thân bài:
1. Huấn Cao là một người tài hoa :
– Phương diện Nho sỹ: Viết chữ đẹp nổi tiếng một vùng.
– Phương diện người tù: kẻ phản nghịch có tài bẻ khóa vượt ngục -> Quản ngục phải lấy thêm lính canh, giam vào buồng trong cùng.
– Thái độ của viên quản ngục:
+ Nể phục: khao khát có được chữ của Huấn Cao. ” Chữ ông Huấn Cao…. vật báu trên đời”.
+ Khép nép, ngưỡng mộ: “Ngài là người có nghĩa khí”. -> Biệt đãi Huấn Cao.
– Huấn Cao khinh bạc – quản ngục không nổi giận mà còn lễ phép cáo lui “xin lĩnh ý”
– Biệt nhỡn liên tài.
=> Trước cái đẹp con người không thể dùng uy vũ để khuất phục “uy vũ bất năng khuất” mà phải thành kính cúi mình.
=> Thể hiện thái độ đề cao và trân trọng cái đẹp trong cuộc sống của tác giả.
2. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất:
– Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình thất bại nhưng vẫn hiên ngang.
– Ngay khi đặt chân vào nhà ngục:
+ Trong sáu tên tù án chém giải đến nhà lao Huấn Cao ở vị trí đầu.
+ Trước câu nói của tên lính áp giải: không thèm để ý, không thèm chấp. + Thản nhiên rũ rệp trên thang gông: “Huấn Cao lạnh lùng … nâu đen”
–> Đó là khí phách, tiết tháo của nhà Nho bản lĩnh ngang tàng.
– Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”.
–> Phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
– Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt đến điều “Ngươi hỏi ta muốn gì …vào đây” và sẵn sàng chờ đợi những đòn báo thù. .
=>Không quy luỵ trước cường quyền. Đó là khí phách của một người anh hùng.
– Ý nghĩ: đến cái chết chém ta còn không sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”
=> Bản lĩnh của người anh hùng chốn lao tù Huấn Cao coi thường cái chết, chết chỉ tiếc chưa thực hiện được nghĩa lớn.
3. Một nhân cách, một thiên lương cao cả – Xây dựng tình huống kịch tính:
+ Nơi gặp gỡ: Nhà tù.
+ Cuộc gặp gỡ hai người:
* Huấn Cao – Người tử tù và quản ngục – đại diện cho chính quyền nhà Nguyễn.
* Người nghệ sỹ (viết chữ đẹp) với người khao khát có được chữ đẹp. -> Hai bình diện:
+ Nghệ thuật: Họ là tri kỷ.
+ Xã hội: Họ ở vị thế đối lập. -> Việc xin chữ khó xảy ra. Vì:
+ Tính Huấn Cao vốn “Khoảnh” – Ít khi cho chữ nhất là những kẻ tiểu nhân thi oai.
+ Quản ngục là người trấn áp tội phạm – Đối xử tần nhẫn với kẻ tử tù.
– Tấm lòng “Biệt nhỡn liên tài” của quản ngục khiến Huấn Cao xúc động – Quyết định cho chữ:
+ “Ta nhất sinh ko vì …ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của ngươi”. + ” Thiếu chút nữa …thiên hạ”.
=> Huấn Cao lấy tấm lòng đáp lại tấm lòng. Thiên lương cao cả trong Huấn Cao và sự trân trọng thiên lương lành vững của quản ngục.
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Xây dựng tình huống truyện độc đáo cuộc gắp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục – cuộc hội ngộ của những kẻ “liên tài tri kỉ”
– Nghệ thuật tương phản, đối lập của bút pháp lãng mạn (cảnh cho chữ)
– Ngôn ngữ miêu tả nhân vật của Nguyễn Tuân giàu chất tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt.
III. Kết bài:
Có ý kiến cho rằng “Cảnh cho chữ trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Ý kiến của anh (chị)? 29
* Gợi ý:
I. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả và vấn đề nghị luận.
– “Chữ người tử tù” là ánh sáng lung linh nhất, ngời chói nhất, đa màu sắc nhất để tô điểm cho tuyệt tác “Vang bóng một thời”. “Chữ người tử tù” đã thể hiện một bút pháp thật sắc sảo với từng câu văn, nét chữ như chất chứa cả đại dương ý nghĩa của nhà văn Nguyên Tuân.
– Trong tác phẩm “Chữ người tử tù” gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bởi Nguyễn Tuân xây dựng thành công một nhân vật điển hình – Huấn Cao. Đặc biệt là ông dùng tài lực dụng công xây dựng cảnh Huấn Cao cho chữ “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
II. Thân bài:
1. Nghệ thuật thư pháp – thú chơi tao nhã của người xưa.
– Nghệ thuật viết chữ đẹp: chữ Hán, thứ chữ khối vuông, viết bằng bút lông nên có nét đậm nhạt vừa mềm mại vừa sắc sảo, rắn rỏi, tạo hình và mang dấu ấn cá nhân, tính cách con người.
– Bốn kiểu chữ là: Chân, thảo, triện, lệ đều có yêu cầu thẩm mĩ riêng.
– Người viết chữ đẹp trở thành người nghệ sĩ và viết chữ đẹp là một nghệ thuật. Chép thơ, viết câu đối, viết đại tự trên hoành phi. trung đường, tứ bình ..được dùng trên các chất liệu như bức lụa, phiến gỗ, … là những sảm phẩm mĩ thuật của nghệ thuật thư pháp. Người nghệ sĩ có bút pháp tinh sẽ được lưu danh, người thưởng thức là những tao nhân, mặc khách, có văn hoá, có khiếu thẩm mĩ: biết cái đẹp và nghĩa của chữ.
– Nơi cho chữ phải ở những nơi trăng thanh gió mát, hoa hương ngào ngạt, ly rượu nồng nàn chếnh choáng hơi men… Có như thế thì viết chữ mới hay, cho chữ mới đáng được thưởng thức và mới đạt đến trình độ thẩm mỹ tuyệt vời.
2. Cảnh Huấn Cao cho chữ trong “Chữ người tử tù là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
a. Không gian cho chữ: nhà tù, buồng tối trật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất đầy phân chuột, phân gián.
b. Thời gian:
+ Vào lúc đêm hôm khuya khoắt màn đêm buông xuống chỉ còn văng vẳng tiếng mõ trên vọng canh.
+ Đêm cuối cùng – trước khi Huấn Cao thi hành án tử.
c. Nghệ thuật tượng phản:
* Giữa bóng tối và ánh sáng:
– Không gian bóng tối bao trùm:
+ Ngoài nhà tù đã tối thì bước chân vào nhà tù kín mít hẳn phải “sẫm đen hơn nữa”.
+ Trong phòng giam có một bó đuốc sáng rực lan tỏa khắp bốn bề. Và không khí lúc đó mới “tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực” , rồi “lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo” – Hình ảnh bó đuốc “sáng rực” được Nguyễn Tuân nhắc đến hai lần.
-> Ánh sáng và bóng tối cứ giằng co nhau quyết liệt. Bóng tối đặc quánh như muốn nuốt tươi ánh sáng. Nhưng không, ánh sáng ở đây vẫn chói ngời sáng tỏ.
=> Ánh sáng của sự lương tri, của nhân tâm, của thiên lương trong sáng đã chiến thắng bóng tối của cường quyền, bạo lực.
– So sánh với ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
+ Bóng tối dày đặc “…tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa…”
+ Ánh sáng nhỏ bé yếu ớt “…vệ đom đóm…những hột sáng…những vì sao lấp lánh…quầng sáng của ngọn đèn nơi hàng nước của chị Tý…” , ánh sáng rực tỏa, chói lọi như đoàn tàu rồi lại chìm vào hư không của bóng đêm…
-> Bóng tối nuốt chửng ánh sáng -> Nổi bật những cảnh đời trước cách mạng.
* Cái đẹp với sự nhơ bẩn, phàm tục:
– Buồng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” bên cạnh đó là sự xuất hiện của phiếm lụa trắng, của lọ mực thơm.
– ”Thoi mực thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm của lọ mực bốc lên không?”… Ôi cái mùi thơm của thoi mực ấy nó ngào ngạt lan tỏa như “Dạ lan thơm nức lạ lùng – Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”.
-> Nhà tù đã trở thành nơi tỏa sáng của thiên lương con người.
=> “Chữ người tử tù” khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương cao cả đó là chiến thắng tất yếu.
d. Cảnh cho chữ có 3 người:
– Người tù: cổ đeo gông chân vướng xiềng đang tô dậm nét chữ với dáng vẻ uy nghi lẫm liệt.
– Viên quản ngục: khúm núm.
– Thầy thơ lại: run run bưng chậu mực.
-> Trật tự kỷ cương thông thường bị đảo lộn bởi:
+ Huấn Cao – người tù hiện lên với tư thế hiên ngang lẫm liệt của người nghệ sỹ tài hoa đang ban phát cái đẹp.
+ Quản ngục, thơ lại – những kẻ coi tù hiện lên với tư thế là những người chịu ơn.
-> Huấn Cao hiện lên với phong thái uy nghi, lẫm liệt dù đã “sa cơ” mà chẳng yếu hèn, bản lĩnh đấng anh hùng “Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao”, cái chết cận kề mà vẫn hướng về cái đẹp.
=> Không còn nhà tù tăm tối, không còn kẻ tử tù, không còn quản ngục mà chỉ có người nghệ sỹ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước sự ngưỡng mộ, sùng kính của những kẻ liên tài. Tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái cao cả của thiên lương và khí phách.
e. Lời khuyên của Huấn Cao đối với Quản ngục:
– Nên thay đổi chỗ ở vì “ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”.
-> Ý nghĩa: Cái đẹp ko thể chung với cái xấu, cái ác. Cái đẹp bao giờ cũng đi liền với cái chân, cái thiện.
– Viên quản ngục vái người tù 1 cái, dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào “kẻ mê muội này xin bái lĩnh” -> Tâm trạng xúc động trước lời khuyên chân thành của Huấn Cao, 1 nhân cách lớn.
– Hành động vái lạy 1 lần nữa cho thấy cái đẹp , cái thiện có sức chinh phục con nguời, cảm hoá và cải tạo con người.
-> Huấn Cao không chỉ cho chữ mà còn cho quản ngục một bài học về lẽ sống ở đời
-“Nhất sinh đề thú bái mai hoa” (Một đời chỉ biết cúi lạy trước vẻ đẹp của hoa mai).
=> Cảnh Huấn Cao cho chữ được Nguyễn Tuân khắc họa đậm nét trở thành “cảnh tượng xưa nay chưa từng có.
III. Kết bài:
– “Chữ người tử tù” khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, nhơ bẩn; là sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ. Sự hòa hợp giữa “mỹ” và “dũng” trong hình tượng Huấn Cao là đỉnh cao nhân cách theo quan điểm của Nguyễn Tuân, theo triết lý duy mỹ của Nguyễn Tuân.
– Cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm là đoạn văn hay nhất trong “Chữ người tử tù”. Bút pháp điêu luyện, sắc sảo trong việc tạo dựng hình tượng nhân vật, chi tiết gây ấn tượng mạnh. Ngôn ngữ góc cạnh,… tạo không khí trang nghiêm cổ kính, có phần bi tráng – một khung cảnh cổ xưa